Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Trung Quốc, Nhật Bản và chủ nghĩa tư bản

Trung Quốc, Nhật Bản và chủ nghĩa tư bản

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 14/04/2011 06:00, cập nhật lần cuối 13/05/2011 15:32


Trung Quốc, Nhật Bản
và chủ nghĩa tư bản


Nguyễn Trọng Nghĩa


( tiếp theo kỳ trước)



Theo quan niệm của F. Braudel, điều quan trọng nhất là sự hình thành muộn màng, nhưng mau chóng có hiệu quả, của những chợ tự do, những đô thị tự do mà đầu tiên là cảng Sakai vào năm 1573. Từ thành phố này sang thành phố khác, những phường hội ngành nghề giàu mạnh mở rộng mạng lưới và đặc quyền của họ và những hội đoàn thương nhân, tổ chức như những phường hội ngành nghề, được thành lập ngay vào cuối thế kỷ XVII và được chính thức thừa nhận vào năm 1721, mang đây đó dáng dấp của những công ty thương mãi được ưu đãi, tương tự như những công ty ở phương Tây. Sau hết, và đây là điểm mạnh cuối cùng, những triều đại thương nhân tự xác định và dù bị lắm tai hoạ, đã kéo dài lắm khi nhiều thế kỷ như các gia đình Konoike, Sumitono, Mitsui. Người sáng lập ra nhóm Mitsui, hiện nay vẫn còn giàu mạnh tột độ, là một người làm rượu saké lập nghiệp ở tỉnh Ise vào năm 1620; vào năm 1690, con ông ta trở thành nhân viên tài chính cho cả tướng quân và hoàng gia.

Như vậy đã có những thương gia tồn tại lâu dài, bóc lột các lãnh chúa (đại danh), mạc phủ và ngay cả thiên hoàng; đã có những thương gia sành sỏi sớm biết cách thu lợi bằng những trò tráo trở về tiền tệ; và tiền tệ như ta biết có khả năng nhân lên gấp bội và là động cơ cần thiết của sự tích luỹ hiện đại. Khi chính quyền biết tráo trở tiền tệ để thu lợi bằng cách phá giá đồng tiền vào cuối thế kỉ XVII thì nó đã gặp sự chống đối mạnh đến nỗi phải thụt lùi một vài năm sau đó. Và mỗi lần như thế các thương nhân đều cứu được của, chỉ thiệt hại cho những tầng lớp dân chúng khác.

Tuy thế xã hội không ưu đãi giới thương nhân một cách có hệ thống, giới này không có một uy tín xã hội nào cả, nếu không nói là ngược lại. Kumazawa Banzan (1619-1691), nhà kinh tế học đầu tiên của Nhật chẳng ưa gì họ, và đề cao, một cách có ý nghĩa, lý tưởng của xã hội Trung Quốc đặt kẻ sĩ lên trên nông, công và thương sau rốt. Nhưng một thứ chủ nghĩa tư bản đầu tiên, rõ ràng là nội sinh, bản địa đã mọc lên ở Nhật. Nhờ mua lúa gạo do các đại danh và thuộc hạ của họ cung cấp, giới thương nhân nằm ở bản lề của nền kinh tế Nhật Bản, vì lẽ lúa gạo đã được tiền tệ hoá thực sự. Song giá gạo không những tuỳ thuộc ở mùa màng đã đành, mà còn tùy thuộc ở giới thương nhân nữa; thế mà họ lại nắm trong tay hầu hết số gạo thặng dư. Họ làm chủ trục đường quyết định giữa Osaka, trung tâm sản xuất, và Edo, trung tâm tiêu thụ, thủ phủ ăn bám khổng lồ với hơn một triệu dân. Họ còn là những người trung gian giữa cực bạc (pôle d’argent) là Osaka và cực vàng (pôle d’or) là Edo; hai thứ kim loại này đã cạnh tranh nhau, vượt xa lên trên tiền tệ bằng đồng đã lưu hành từ xưa, được hợp thức hoá vào năm 1636 và là tiền của dân nghèo nằm ở tầng trệt của những trao đổi. Ngoài ba luồng trao đổi nói trên (vàng, bạc và đồng) còn có các hối phiếu (lettres de change), ngân phiếu, tiền giấy, các loại kỳ phiếu của một thứ sở giao dịch chứng khoán (Stock Exchange) thực sự. Cuối cùng, những xưởng chế tạo mọc lên từ một biển thợ thủ công truyền thống. Như vậy, tất cả đã hội tụ lại hướng về một thứ chủ nghĩa tư bản đầu tiên không phải đã thoát thai từ sự bắt chước ngoại quốc hoặc từ sự chỉ đạo tôn giáo nào đó. Các thương nhân đã đóng vai trò loại bỏ sự cạnh tranh, lúc đầu rất mạnh, của các tu viện Phật giáo mà chính các vị tướng quân đã tìm mọi cách tiêu diệt.

Tóm lại, ngay từ đầu, tất cả đã là kết quả của sự thúc đẩy của nền kinh tế thị trường, xưa, mạnh, sinh sản nhanh: các chợ búa, chợ phiên, các đường giao thông trên sông biển, các trao đổi (dù chỉ là sự phân phối cá lại cho nội địa).

Rồi còn phải nói đến sự thúc đẩy của việc mua bán với phương xa cũng phát triển rất sớm, đặc biệt với Trung Quốc, đã đem lại lợi nhuận cao kinh khủng (1.100% trong những chuyến buôn đầu tiên vào đầu thế kỉ XV). Bất hạnh cho các thương nhân Nhật là ngoại thương đã bị cấm vào năm 1638, khiến họ thiếu mất một thành phần cần thiết và quyết định cho thượng tầng cấu trúc tư bản là ngoại thương. Rõ ràng là các hạn chế và trở ngại do chính sách bế môn toả cảng gây ra từ năm 1638 đến năm 1868 đã làm trễ đi sự đơm hoa kết trái có thể tiên liệu được của kinh tế Nhật.

Tiếp theo cuộc cách mạng của Minh Trị, Nhật Bản đã xoá rất nhanh sự chậm trễ đó, chủ yếu nhờ họ đã xuất phát từ một chủ nghĩa tư bản thương nhân mà họ đã một mình kiên nhẫn xây dựng từ xưa và, nhờ thế, đã bắt chước được cách phát triển công nghiệp của phương Tây. Trong một thời gian lâu dài, “lúa mì đã mọc dưới tuyết”. F. Braudel lấy lại hình ảnh đó của Takekoshi: trong quyển “The Economic Aspects of the politic history of Japan” (những khía cạnh kinh tế của lịch sử chính trị Nhật Bản) xuất bản năm 1930, Takekoshi cũng thấy có sự giống nhau kỳ lạ về kinh tế, xã hội giữa châu Âu và Nhật Bản: cả hai đều đã phát triển, dù ở hai phương trời xa nhau, theo một quá trình tương tự nhưng không đạt những kết quả hoàn toàn như nhau.

Theo ngôn ngữ mácxít, chế độ phong kiến đã dọn đường cho chủ nghĩa tư bản, dù như ta biết, Marx đã không phân tích rõ sự chuyển tiếp giữa hai phương thức sản xuất đó. N. Jacobs trái lại không cho rằng chế độ phong kiến là giai đoạn tiên quyết cần thiết cho chủ nghĩa tư bản. Theo ông ta, về phương diện lịch sử, những yếu tố đã phát triển chủ nghĩa tư bản đã tìm thấy trong một số giá trị liên quan đến những quyền và những đặc quyền, được xác lập trong thời phong kiến với những mục đích khác, một không khí thuận lợi để định chế hoá vị trí của chính chúng. F. Braudel thì lại đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của chính trị và nhất là xã hội: đến sự hình thành và phát triển của tầng lớp thương nhân cũng như những quan hệ của nó với tầng lớp quý tộc.

Theo Braudel, các gia đình thương nhân cao cấp ở châu Âu hay Nhật Bản đã bị bức tường phong kiến ngăn cản khiến họ không vượt qua được ngưỡng cửa của sự thành công xã hội. Chừng nào bức tường đó còn đứng vững thì họ còn phải dè xẻn, tính toán, thận trọng, giữ vững những đức tính đã cho phép họ tích luỹ. Trong khi đó, tầng lớp quý tộc ở bên trên, trái lại, sống phung phí, phô trương, nên yếu kém về kinh tế. Kết quả là tầng lớp thương nhân đã nắm lấy những gì mà tầng lớp quý tộc đã thả ra và dần dần tàm thực tầng lớp này. Dĩ nhiên nếu giai cấp quý tộc đủ sức tự vệ và phản ứng, sự thăng tiến của giai cấp thương nhân sẽ khó khăn hay có khi bị khựng lại. Ngay ở châu Âu những tình huống đó cũng đã xảy ra. Dù sao đi nữa thì một giai cấp chỉ có thể tàm thực một giai cấp khác một cách hiệu quả, nghĩa là một cách liên tục trong một thời gian dài, khi nào cả hai giai cấp đều có khả năng tích luỹ và truyền lại những gì tích luỹ được, từ đời này sang đời khác.

Châu Âu và Nhật Bản đã có được khả năng tích luỹ dài hạn đó. Trái lại ở Trung Quốc, dù cũng có lắm quan lại trở nên giàu có nhờ tham nhũng hay nhờ đưa tiền cho các thương nhân, luôn luôn sẵn sàng mua chuộc họ, buôn bán để lấy lời. Các quan lại này chỉ tích luỹ được trong đời làm quan của mình thôi: các con trai của họ, nếu không đỗ đạt cao, thì sẽ thành dân thường, không có điều kiện tích luỹ nữa nhờ có chức có quyền. Cơ nghiệp, quyền lực của các quan lại không lưu lại lâu dài một cách êm thấm.

Trái lại, do bị lôi cuốn bởi uy tín rất lớn của tầng lớp quan lại, nhiều gia đình thương gia thúc đẩy con trai dùi mài đèn sách để thi đỗ làm quan: và như thế, Braudel cho là họ đã “phản bội” vì đã tự hoà nhập vào giai cấp quan lại văn thân và góp phần làm cho giai cấp này tồn tại lâu dài nhờ liên tục lôi cuốn được vào hàng ngũ mình những phần tử ưu tú nhất của những giai cấp khác (chủ yếu là nông dân và thương nhân). Điều đó hoàn toàn khác với chính sách lý lịch, dựa trên thành phần giai cấp và đảng tịch, đã được triệt để áp dụng ở các nước xã hội chủ nghĩa trong nhiều thập kỉ.

Theo Braudel, ở các nước hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư hay Ấn Độ dưới thời các đại Moghol, dù tình trạng xã hội khác với Trung Quốc nhưng kết quả thì cũng tương tự: nói chung không có sự tích luỹ liên tục trong nhiều thế hệ.

Tóm lại, Braudel cho rằng, nhờ không có sự chuyên chế bạo ngược của vua chúa độc đoán, châu Âu đã có điều kiện thuận lợi để kiên nhẫn tích luỹ của cải từ đời này sang đời khác và, trong khung cảnh của xã hội đa nguyên đa dạng, phát triển các lực lượng và thứ bậc phức tạp mà sự tranh đua có thể diễn ra theo nhiều hướng rất khác nhau. Do sự tương phản với trật tự xã hội chỉ xây dựng trên đặc quyền đặc lợi được hưởng ngay khi mới chào đời, chủ nghĩa tư bản Âu châu đã được chấp nhận nhờ sự mục thước, khôn ngoan, cần cù của nó... Thêm một lần nữa, đặc quyền của các lãnh chúa đã khiến người ta quên đặc quyền của các thương nhân.


Nguyễn Trọng Nghĩa *

 

* Anh Bùi Mộng Hùng đã nhờ tôi dịch một đoạn khá dài trích từ “ Civilisation matérielle, économie et capitalisme” quyển 2 (tr. 702-703) của F. Braudel. Vì nghĩ rằng nếu dịch đúng theo nguyên văn, bạn đọc sẽ khó theo dõi, tôi đã thử biến đoạn sách trên thành một bài báo tương đối dễ đọc, bằng cách khi thì tóm tắt, khi thì phỏng dịch, khi thì thêm những câu chuyên mạch hay bình luận... Kết quả là “ bài báo” ít nhiều khác với đoạn sách của F. Braudel: nó không phải là bài dịch hay ngay cả phỏng dịch. Tôi ký tên là để nhận lấy phần trách nhiệm của mình. Nếu có dịp tôi sẽ giới thiệu cặn kẽ hơn quan điểm của chính F. Braudel về sự hình thành của chủ nghĩa tư bản cũng như những bình luận của ông đối với Max Weber, Werner Sombart... về vấn đề lý thú nói trên.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss