Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Từ một nền văn hoá chính trị tiêu sơ

Từ một nền văn hoá chính trị tiêu sơ

- Bùi Mộng Hùng — published 07/02/1999 00:00, cập nhật lần cuối 24/05/2007 00:35
Một trăm năm thực dân đô hộ không phá vỡ nổi tính keo sơn gắn bó con người trong xã hội Việt Nam, không tiêu diệt nổi ước mơ chung của dân tộc. Với chủ nghĩa xã hội hiện thực, xã hội ta vỡ tan ra thành những cá nhân lẻ loi, tình đồng bào biến thành e dè nghi kỵ lẫn nhau. Đó là một nguyên nhân làm cho hiện nay dân tộc ta không có một dự phóng cho tương lai...

 
Từ một nền văn hóa chính trị tiêu sơ …

 
bùi mộng hùng

 

Dân tộc ta đã đạt được nguyện vọng thiết tha ôm ấp suốt trăm năm trường. Chủ quyền trên toàn thể đất nước, điều kiện tiên quyết để phát triển theo ý nguyện của chính mình, nằm trong tay ta. Vậy mà nhìn về tiền đồ dân tộc, người có tâm huyết – đứng trên vị trí công dân của mình – không khỏi canh cánh trong lòng cái cảm giác bất lực, húc đầu vào những bức tường bế tắc.

Bắt đầu từ tư duy kể đi, không thích ứng được với tình thế Chúng ta như bị tê liệt, chính vào lúc đứng trước khởi điểm một nghiệp sống mới. Tại sao?
 

Văn hoá chính trị và xây dựng xã hội

 
Cứ như rằng trong bao lâu nay tâm trí dồn hết vào việc giành độc lập, khi chủ quyền về tay dân tộc, đứng trước công cuộc xây dựng xã hội ta chợt thấy chất ngất những vấn đề chưa từng suy nghĩ tới.

Định chế, cấu trúc kinh tế, cấu trúc xã hội nước ta đang trong quá trình hình thành. Chúng chi phối và quy định đời sống riêng tư mỗi người dân cũng như tương lai của dân tộc, trong hiện tại và trong tương lai. Trong lúc đó, chúng ta bưng tai nhắm mắt không muốn biết tới các chuyển biến đang tạo ra bộ mặt cụ thể của đất nước. Chọn thái độ không dây vào những chuyện mà ta cho là thuộc về trách nhiệm người cầm quyền. Hoặc chơi trò chê, khen, rì rầm luận bàn chẳng khác những nhà chính khách. Và bất lực cũng chẳng kém gì các chính khách sa lông.

Vô hình trung chúng ta lập lại những nếp ứng xử với chính quyền suốt mấy chục năm chiến tranh, đất nước chia đôi. Hoặc là chính quyền cá nhân ta không thừa nhận, ta chống đối bằng cách này hay cách khác – tiêu cực không buồn ngó tới, hay tích cực hành động phá khuấy. Hoặc là chính quyền ta ủng hộ, và vì là thời chiến, không đồng ý cũng ngậm bồ hòn, nhắm mắt chấp thuận bất cứ việc làm nào của chính quyền đó. Không một lời phê bình chỉ trích.

Những thái độ chẳng phải của người công dân thời bình một quốc gia độc lập đầy đủ chủ quyền, ý thức trách nhiệm của mình trong xã hội.

Tuy nhiên, hai mươi năm sau khi đất nước đã độc lập thống nhất người công dân vẫn phải bó mình sống với thứ văn hoá chính trị của dân nước bị trị, của thời chiến, thì hẳn là do những nguyên nhân sâu xa.
 

Khủng hoảng quan hệ giữa người với người

 
Một sự kiện đập vào mắt khi quan sát xã hội ta ngày nay là quan hệ giữa con người với con người.

Còn sống chăng, tình nghĩa cũ trong lòng người ở một thời xa xưa :

Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

(Chính Hữu, Đồng chí, Đầu súng trăng treo, 1948)

Còn đâu, tinh thần thời Cách mạng tháng tám bùng nổ, đồng bào chung lưng đấu cật, triệu người như một đồng lòng quyết tâm giải phóng đất nước. Ngày nay chỉ thấy những cá nhân lẻ loi chúi đầu vào cuộc sống riêng tư, ngày lại ngày.

Văn hoá là phong cách quan hệ giữa người với người, với chính mình, với vũ trụ. Nhìn vào quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội ngày nay, rõ là ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng văn hoá trầm trọng.

Không biết đích xác vào lúc nào, "ta" và "chúng ta" đánh rơi mất kích thước "chúng ta"; "ta" còn lại, côi đơn, nhỏ bé ngang tầm với miếng cơm manh áo hàng ngày. Chỉ hay rằng, suốt một thời theo mô hình toàn trị xã hội chủ nghĩa hiện thực – đặc biệt qua những đợt cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản... – chính quyền soi bói vào mọi mặt đời sống riêng tư. Nhiều người hết lòng sống chết với cách mạng bị khai trừ. Bị buộc tội tày trời, tội phản cách mạng. Mà " bằng cớ " lại là lời con trẻ ngây thơ mách lại, lời khai chạy tội của mọi mối quen thuộc, thân cũng như sơ. Nhà cầm quyền sử dụng những câu nói những hành động hồn nhiên trong giao tiếp hàng ngày để làm tội, cho người ngay phải bại hoại cả cuộc đời liên lụy đến vợ con thân thích bạn bè. Cung cách ấy buộc ai nấy lúc nào cũng phải giữ thế, e dè trong mọi quan hệ với bất cứ ai. Vì bất cứ ai, mai kia cũng có thể là người tố cáo gây tai hoạ cho mình, cho gia đình mình. Trí thức, văn nghệ sĩ, những người phải bày tỏ trên giấy trắng mực đen tư duy, ngôn ngữ của mình, là giới dễ bị tai bay vạ gió hơn người, lại càng phải nói giữ lời, viết kềm bút. Phải e dè nghi kỵ bạn bè đồng nghiệp hơn người thường.

Nhưng khi đã phải sống hạn hẹp trong không gian riêng tư thì mọi suy nghĩ chỉ là mình biết lấy mình, lời nói ra là lời nói với đầu gối, hành động là hành động cho cái tôi nhỏ bé. Vì thế mà không thể làm gì khác hơn là quanh đi quẩn lại với chuyện hàng ngày, miếng cơm manh áo.

Muốn cho lời nói ra chuyện khác hơn là chuyện riêng thì phải có người nghe, muốn hành động vượt ra khỏi phạm vi cá nhân mình phải có người khác đồng tình hay chống đối. Nghĩa là phải có cái không gian cho "chúng ta". Một không gian công cộng của những con người – tự do, vì thoát khỏi ràng buộc của chuyện cơm bữa – có thể rảnh tâm toan tính cho những vấn đề chung. Trong không gian đó, lời nói và việc làm trở thành đích thực.

Một trăm năm thực dân đô hộ không phá vỡ nổi tính keo sơn gắn bó con người trong xã hội Việt Nam, không tiêu diệt nổi ước mơ chung của dân tộc. Với chủ nghĩa xã hội hiện thực, xã hội ta vỡ tan ra thành những cá nhân lẻ loi, tình đồng bào biến thành e dè nghi kỵ lẫn nhau. Đó là một nguyên nhân làm cho hiện nay dân tộc ta không có một dự phóng cho tương lai.
 

Quan hệ người với người thời kỳ "đổi mới"

 
"Đổi mới" đã bắt đầu chuyển đổi phần nào cấu trúc tổ chức chính quyền. Trong cơ chế toàn trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực, cách tổ chức chính quyền rất đặc biệt. Các bộ phận phức tạp, các cơ quan đảng, tổ chức đảng viên, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức phụ nữ, thanh niên, v. v... hợp thành những vòng tròn đồng tâm. Vòng ngoài nhất là các tổ chức quần chúng, gần gũi với người dân thường. Vòng càng vào trong càng cách biệt với thế giới bên ngoài. Quyết định – thường chẳng rõ được là do một hay những cá nhân nào – ban từ vòng trong cùng ban ra. Cái vòng trong cùng ấy là trung tâm quyền lực, và là quyền lực tối cao. Hiến pháp có đó, luật pháp có đó, để làm cảnh.

So với sơ đồ tổ chức nói trên, ta phải nhìn nhận rằng việc tìm cách phân ranh quyền hạn giữa đảng và nhà nước, việc chấp nhận nguyên tắc một nhà nước pháp quyền – đảng không ở trên mà phải tôn trọng luật pháp – là những đổi mới từ nguyên tắc. Tuy nhiên, bộ máy đảng với nếp suy nghĩ cũ cung cách làm việc cũ vẫn còn đó, luật pháp chưa chứng minh được khả năng thực sự bảo vệ cho người công dân, trong quan hệ giữa người với người nếp e ngại vẫn cứ tồn tại, chưa giải toả được.

"Đổi mới" thực sự đem lại luồng gió mát kinh tế thị trường. Quan hệ buôn bán, kinh doanh được cởi mở, tự do hơn trước Đặc tính thị trường là khuyến khích tiêu thụ. Có thể coi tiêu thụ là giao diện (interface) giữa không gian riêng tư và không gian công cộng. Nhưng mấy năm nay mới thấy thị trường tác động vào không gian riêng tư. Đem lại cung cách sôi nổi, chụp giựt trong đời sống thì có. Phát triển không gian công cộng, chưa thấy đâu.

Chỉ mới thấy – với một cung cách khác hẳn nhưng tác động lại cùng chiều hướng với chính quyền – kinh tế thị trường đang che lấp tiếng nói của ngôn ngữ đích thực.
 

Bưng bít tiếng nói trung thực

 
Không gian công cộng bị tước đoạt trong chế độ chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nhà cầm quyền giữ độc quyền ăn nói, chỉ cho nói lên tiếng nói mệnh danh là của toàn-thể-nhân-dân-chúng-ta. Với một cung cách nói "ngoan đạo". Việc làm của nhà cầm quyền là hay là đúng. Là việc của những người đại diện chân chính cho nhân dân, đang giương cao ngọn đuốc tiên phong dẫn đường quần chúng. Tiến lên, nếu không phải thiên đường tại trần thế thì ít nhất cũng đến cơm no áo ấm cho tất cả mọi người. Vạn sự xuôi chèo mát mái. Làm con dân chỉ việc nhắm mắt đi theo.

Diễm tình hết nước. Không nghi ngờ, không vấp váp, không mất mát khổ đau. Ai mà nhìn không như thế thì hãy khôn hồn giữ mồm giữ miệng giữ ngòi bút.

Cửa hé mở trong thời "đổi mới". Nhà cầm quyền nới lỏng cho tự do kinh tế, nhưng rùng mình ớn lạnh trước luồng gió từ ngoài thổi vào. Ngôn luận vẫn bị bóp chặt, nếu không bằng bàn tay sắt như trước, thì cũng bằng bàn tay sắt bọc nhung. Chặt có kém gì khi xưa.

Tuy nhiên, mấy năm qua ta cũng đã được thấy một bộ mặt của ngôn ngữ trong kinh tế thị trường: dễ dãi câu khách của các ngòi bút thương mãi đón đầu thị hiếu người đọc. Với những câu chuyện tình rập khuôn, với những trắc trở vì không môn đăng hộ đối, vì người thứ ba, thứ tư xuất hiện. Dưới những tựa kiểu Những kẻ lạc lõng, Thư tình không trả, Yêu trong lưới thù, Bể ái nguồn ân, Ngõ vắng mênh mông, Sau phút đam mê, Sao nỡ phụ tình, ... Mới sơ sơ một chút văn chương loại nụ cười trắng bong quảng cáo cho thuốc đánh răng đã đủ làm các nhà xuất bản phải đắn đo mỗi khi cho in một tác phẩm văn học.

Hai thứ ngôn ngữ khác nhau – văn từ ngoan đạo mô phạm gia trưởng, ngòi bút thương mãi nhẹ nhàng ru ngủ – đều dỗ người nghe an phận làm cừu. Một bên vừa hát vừa đe cho cừu ngoan ngoãn tuân lời người chăn chiên, nhận cảnh thiên đường vẽ làm thật. Một bên ru cho cừu tươi cười mà làm kẻ tiêu thụ dễ bảo, muốn phê bình cũng được, miễn sao cứ tin bằng lời mọi thứ quảng cáo dối trá.

Và cả hai lấn áp ngôn ngữ đích thực. Thứ ngôn ngữ sự kiện ra sao thì nói như vậy. Nói lên những dằn vặt, những mất mát đớn đau trong đời sống hàng ngày, những khắc khoải vô vọng trước ngưỡng tương lai đầy bất trắc. Ngôn ngữ tình tự dân tộc của Nguyễn Du. Và của dân gian, chẳng ngần ngại mà trách cứ

Bộ binh, bộ hộ, bộ hình
Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi

Làm gì mà chẳng bất lực cả trong tư duy lẫn trong hành động, cái con người chỉ được day qua trở lại trong một không gian bó rọ, miệng bị bưng bít nói chẳng nên lời.
 

Từ một nền văn hoá chính trị tiêu sơ...

 
Vì thế mà nói lên tiếng nói trung thực là bắt đầu phá vỡ cái thế dồn ép chúng ta.

Thông tin cho nhau những sự kiện đang xảy ra, trọn vẹn, trần truồng. Đơn giản thế thôi, là đã thấy khoảng không gian nối liền chúng ta với nhau đột nhiên hình thành. Vì lẽ chúng ta không coi người trước mặt là đứa trẻ con. Vì chúng ta tôn trọng nhau, đối đãi với nhau như những công dân bình đẳng.

Nói cho nhau nghe nỗi khốn khổ chung đã là hành động. Và là hành động đích thực. Khi chúng ta rung cảm với những Nguyễn Huy Thiệp, những Dương Thu Hương, với những người nói lên nỗi niềm chúng ta cảm nhận mà không nói được nên lời, là đã nới rộng kích thước cho cái không gian công cộng. Là đã đẩy lui những thế lực dồn ép chúng ta vào một không gian mỏng như tờ giấy. Mong biến chúng ta thành hình ảnh đẹp, đẹp như hình vẽ trong kim tự tháp Ai Cập. Nhìn nghiêng, phiến diện trong một không gian hai chiều.

Phương tiện để phá vỡ cái thế bó rọ hiện nay là chúng ta cùng nhau chọn lựa các giá trị, kiến tạo các chức năng làm căn bản cho nền văn hoá thích nghi với thực tại.

Một cảm giác cấp bách thôi thúc chúng ta. Quá nhiều chức năng đang còn thiếu trống trong xã hội. Chức năng phê bình, chức năng thông tin, chức năng thảo luận, chức năng nhận định hiện tình, chức năng dự phóng cho tương lai, chức năng bảo vệ nạn nhân của bất công, cho kẻ thấp cổ bé họng kêu lên được tiếng kêu của họ... Vì thế mà chúng ta đảm nhận trách nhiệm người công dân, chú tâm theo dõi, và trong thế đứng, theo khả năng của mỗi người tác động vào các lĩnh vực báo chí, pháp luật, kinh tế, xã hội...

Nghĩ cho cùng chỉ là những việc của người công dân có tinh thần trách nhiệm trong một quốc gia độc lập. Tuy nhiên hành động đó có tác dụng hàn gắn lại các mối quan hệ lẽ ra phải có trong một xã hội bình thường, nhưng hoặc đã bị gián đoạn quá lâu hoặc chưa từng có trong xã hội ta.

Khi đó sức sống của dân tộc mới trỗi dậy được. Và là một điều vô cùng cần thiết. Những vấn đề đặt ra cho loài người hiện nay vượt quá khả năng một dân tộc: vấn đề bảo vệ môi sinh, vấn đề thị trường toàn cầu hoá, vấn đề các nền văn hoá cá biệt đang đi vào diệt vong... Trong tình huống sự phối hợp hành động trong từng khu vực, trên toàn thể địa cầu, đang trở thành yêu cầu của thực tại, chỉ có những dân tộc biết mình muốn gì mới mong giữ được bản sắc và qua đó đóng góp có hiệu quả thực sự vào giải đáp các vấn đề đang thách thức nhân loại.

Hơn bao giờ hết, cảm giác cấp bách thôi thúc chúng ta. Không vì thời gian đã dành cho công cuộc giành độc lập thống nhất, mà vì thời gian đang bị phí phạm vô lối.

 
bùi mộng hùng

(10.1994)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: tập-1, Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss