Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Viết văn công việc nguy hiểm

Viết văn công việc nguy hiểm

- Dương Thu Hương — published 14/04/2011 06:20, cập nhật lần cuối 13/05/2011 15:56

Viết văn bao giờ cũng là
công việc nguy hiểm

Dương Thu Hương

 

Cách đây một thế kỷ, vào thời gian Napoléon le Petit đang ngự trị trên ngai vàng, một lão già ương ngạnh đã tuyên bố: “Napoléon có cả một quốc gia, một đội quân hùng mạnh. Nhà văn chỉ có một ngòi bút. Nhưng phía sau ngòi bút ấy là lương tri...” Lão già ương ngạnh ấy là một trong những bậc tiền bối của chúng ta: Victor Hugo, kẻ điên rồ tay không tấc sắt, đã dám đương đầu với cường quyền của một đế chế hùng mạnh.

Tôi trọng Victor Hugo vì câu nói bất hủ ấy và tôi xem nó như di sản tinh thần ông để lại cho hậu sinh.

Nhà văn là ai mà dám tự cho mình sự táo gan và lòng khinh bạc điên rồ ấy? Họ không là ai cả. Họ là những con người bình thường với tất thảy thói tật bình thường, nhưng nghề nghiệp đã tạo cho họ những phẩm chất dị biệt. Nhiệm vụ của nhà văn là sáng tạo nên những giá trị mới, chống lại hệ thống giá trị cổ truyền. Họ phải công phá những thành trì suy yếu của nền văn hoá đương thời để xây đắp những đền đài văn hoá mới. Dĩ nhiên, nhà văn không thể là những kẻ phủ định sạch trơn hoặc vô chính phủ. Những kẻ phủ định sạch trơn thì vô đạo đức, vô ơn. Nhà văn chân chính không bao giờ là kẻ vô ơn, vô đạo đức. Nhưng, thêm vào đó, họ cũng không thể là những đứa bé ngoan ngoãn chỉ biết ngâm nguyện và tuân theo hệ thống giá trị cổ truyền. Họ không thể đóng vai trò những chiếc máy ghi âm phát lại những lời nói của tổ tiên. Dù là một tổ tiên hiển hách... dù là một tổ tiên thân yêu ruột thịt... Tiếng nói ấy vẫn chỉ là tiếng vang vọng của các hồn ma. Các nhà văn, sử dụng tiếng nói của tổ tiên nhưng phải tìm được giọng điệu của chính mình. Họ tiêu hoá những thực phẩm tinh thần tiền nhân để lại, nhưng tới mức độ nào đó họ phải nôn oẹ những tố chất kém phẩm chất và tìm cho mình những món ăn mới. Như thế, họ vừa là người tiếp tục, vừa là đối thủ của nền văn hoá cổ truyền.

Trong cuộc sống, con người luôn luôn bị giằng xé giữa hai trạng thái: ham muốn được nghỉ ngơi và ham muốn hành trình về phía trước. Các nhà văn là những kẻ khiêu khích không mệt mỏi khát vọng toàn thiện, toàn mĩ nơi con người. Chính vì họ cảm thấy đời sống đương đại luôn luôn là tấm áo quá chật, cần phải tìm một tấm áo mới nên họ nuôi dưỡng sự bất mãn thường trực như nuôi dưỡng huyết cầu trong máu và gieo rắc tâm lý đó vào đám đông. Họ không ngừng nhen nhúm và thổi bùng ngọn lửa khát vọng trong tâm hồn những kẻ cùng thời.

Bất cứ chính quyền nào cũng cần sự ổn định.

Bất cứ ông vua nào, vị tổng thống nào, ngài thủ tướng nào cũng muốn dưới sự cai trị của mình, nơi nơi nhà nhà đều sung sướng mãn nguyện, hoặc nếu không sung sướng mãn nguyện thì cũng phải ảo tưởng ra hạnh phúc và sự thoả mãn.

Trong lúc ấy, các nhà văn lại vạch ra thói hèn hạ câm nín, sự thoả mãn tầm thường, sự đê mạt của thói giả đạo đức. Họ kêu gọi lòng trắc ẩn, họ đặt ra những nghi vấn làm nhức nhói tim óc mọi người, họ chọc ngòi bút vào các kẽ hở của mọi triết thuyết và các Thánh kinh... Trong nhiệm vụ yêu nước thiết tha, vô tình hay cố ý, họ trở thành đối thủ của các nhà cai trị, cả thần quyền lẫn thế quyền.

Trên thực tế, không một nhà cầm quyền, không một lãnh tụ tôn giáo nào yêu mến các nhà văn. Thời Tần Thuỷ Hoàng, người ta đốt sách, chôn sống các nhà nho. Ở một số nước, ngay đến lúc này, người ta vẫn săn đuổi, khủng bố, tiêu diệt, cầm tù, sỉ nhục hoặc tống họ vào nhà thương điên.


Nghề văn, nghề của những kẻ sáng suốt dám điên rồ

Nhưng Lịch sử và nền văn minh đã tiến lên, nhờ những kẻ dám điên rồ, chứ không nhờ bọn quan chức và thư lại.

Khi tổ tiên chúng ta còn là các bầy vượn leo trèo trên cây, con vượn đầu tiên bước ra khỏi rừng rậm, vươn lưng đứng thẳng trên hai chân sau, phóng cặp mắt ngơ ngác lo âu về thảo nguyên xa lạ, ấy là con vượn điên rồ so với bầy đàn của nó.

Vào thời Phục hưng, khi Giordano Bruno tự nguyện chết thiêu để bảo vệ niềm tin của mình, ông cũng là gã điên rồ trước con mắt của Giáo hội và đám con chiên ngoan đạo. Và nhân loại đã thụ hưởng những cây trái của nền văn minh mọc trên đám tro thiêu xác những kẻ điên rồ.

Các nhà văn, liệu họ có dám chấp nhận thân phận đó chăng? Tôi không biết có bao nhiêu người bước vào nghề văn bởi sự lôi kéo của tiền tài và danh vọng.

Với riêng tôi, tôi đánh giá nghề văn như một thứ nghiệp chướng. Nó là căn bệnh SIDA không phương cứu chữa của những con người bị mê hoặc bởi chân trời khát vọng của chính mình. Nhà văn là những con bệnh miên hành, không chỉ ban đêm mà cả ban ngày, bươn trải kiếm tìm một miền đất chưa ai từng thấy.

Đau khổ của họ nằm trong sự điên rồ đầy trách nhiệm và dự cảm đối với xứ sở và nhân loại.

Sự hữu ích của họ cũng ở ngay nơi đó.

Ở những nước chưa phát triển, khi con người còn bị dày vò bởi nỗi đau khổ sơ đẳng: đói rét, sợ hãi, ngu dốt..., các nhà văn tìm đòi tự do và quyền con người. Chính quyền lẫn thần quyền dùng những biện pháp Trung cổ để tiêu diệt hoặc vô hiệu hoá họ.

Ở các nước văn minh, nơi nền dân chủ đã được đảm bảo, liệu nhà văn còn nguy cơ bị truy bức hay không?... Các nhà cầm quyền khôn ngoan không đàn áp, hăm doạ, khủng bố, tiêu diệt hay tìm cách biến các nhà văn thành lũ đầy tớ cho mình. Họ đối thoại với các nhà văn. Nhưng, ngay trong mối quan hệ êm dịu và khoan hoà ấy, các nhà văn vẫn có thể bị huỷ diệt bởi những vũ khí nguy hiểm khác: danh vọng và tiện nghi. Không có cái chết, không có tù đày, không bị sỉ nhục hay hăm doạ. Nhưng có thể bị nô lệ hoá bởi nguy cơ thường trực biến thành một thứ hàng hoá, hoặc có nguy cơ bị “ngu dân” vì các phương tiện văn hoá truyền thông.

Vì những lẽ trên, nghề văn, bao giờ cũng là nghề nguy hiểm.

Nhà văn, giống như kẻ làm xiếc đi trên dây, họ luôn đi men bờ vực thẳm. Họ phải giữ cho thật thẳng lưng: như thế, cột sống đau lắm.

Họ phải biết nhìn thẳng về phía trước, tránh những tiếng la ó áp đảo của đám khán giả bên dưới. Như thế, họ phải có một niềm tin căng thẳng, tựa như niềm tin của kẻ điên rồ.

Nhân loại không mấy chi mất công theo dõi những kẻ điên rồ.

Nhưng, nếu những kẻ dám điên rồ kia đi đến đích, thì những con đường bất trắc họ đi sẽ trở thành những đại lộ chung cho toàn nhân loại.

Nghề văn, nói chung là một nghề nguy hiểm.

Nghề văn, đối với những người đàn bà, một trăm lần nguy hiểm hơn.

Nhưng, cũng chính vì thế, tôi xin gửi tới tất cả các bạn lời chào NGUY HIỂM.


Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 1994

Dương Thu Hương



Bài văn này là toàn văn bản tham luận được đọc ngày 25.7.94 tại diễn đàn Hội chợ quốc tế các ấn phẩm giải phóng phụ nữ họp tại Melbourne [Úc]. Dương Thu Hương đã nhận được lời mời của ban tổ chức hội chợ, cùng lúc với thư mời của Société des Gens de Lettres [Hội nhà văn Pháp]. Trước đó, và kể từ ngày ra tù [tháng 11.91], tác giả Những thiên đường mù đã nhận được 15 lời mời ra nước ngoài, mỗi lần, nhà cầm quyền Việt Nam đều từ chối không cấp thị thực xuất cảnh. Lần này nữa, chính quyền lại im lặng, mặc dầu sứ quán Úc đã cấp thị thực nhập cảnh, ban tổ chức đã gửi vé máy bay.

Bài tham luận và sự vắng mặt của tác giả ở Melbourne đã gây phản ứng sôi nổi trong dư luận Úc, tác động tới giới ngoại giao và báo chí quốc tế ở Hà Nội. Bộ ngoại giao Hà Nội đổ trách nhiệm cho Bộ nội vụ. Bộ nội vụ cho biết lệnh cấm xuất phát từ ông Đào Duy Tùng, thường trực Bí thư Trung ương ĐCS.

Vài ngày trước đó, công dân Dương Thu Hương gửi thư cho 4 nhà lãnh đạo bộ máy nhà nước [Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Bùi Thiện Ngộ, Nông Đức Mạnh], yêu cầu họ cho biết chính quyền cấp hay không cấp thị thực, nếu không cấp, thì cho biết chính quyền căn cứ vào điều khoản nào của hiến pháp, vào qui định nào của pháp luật.

Được biết sau đó Ban bí thư Đảng đã rút sự phủ quyết, để cho Bộ nội vụ chịu hoàn toàn trách nhiệm. Ngày 27.7 [hai ngày sau sự kiện Melbourne], Sở công an Hà Nội đã cấp hộ chiếu và thị thực đi Úc và Pháp cho công dân Dương Thu Hương.

Vì chuyến đi Úc không còn lý do, Dương Thu Hương đã quyết định sang Pháp. Nhà văn dự định hoàn thành chương trình tiếp xúc với giới văn học và điện ảnh Pháp và Tây phương trong tháng 12 và lên đường về nước trước cuối năm 1994.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss