Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Từ S. Rushdhie, T. Nasreen đến vụ án Đường Tăng

Từ S. Rushdhie, T. Nasreen đến vụ án Đường Tăng

- Nguyễn Ngọc Giao — published 14/04/2011 05:50, cập nhật lần cuối 13/05/2011 15:31

Từ S. Rushdhie, T. Nasreen
đến vụ án Đường Tăng


Nguyễn Ngọc Giao

 

Việc chính quyền Việt Nam, trước sức ép của dư luận, sau mấy tháng lần lữa, đã chịu cấp hộ chiếu và chiếu khán xuất cảnh cho nhà văn Dương Thu Hương, chứng tỏ rằng, trong những điều kiện nhất định, nhà cầm quyết biết cân nhắc lợi hại và chọn một giải pháp sáng suốt mà khởi đầu, xu hướng bảo thủ kiên quyết chống lại (xem khung trang 10). Những người thiện chí và quen với cung cách một nhà nước pháp quyền có thể nghĩ rằng, một khi chính quyền đã tôn trọng quyền tự do đi lại của một nhà văn như Dương Thu Hương, thì tất nhiên sẽ không còn lý do gì ngăn chặn các nhà văn khác, và như vậy, cái không gian tự do được nới thêm một khoảng, chẳng rộng lớn gì, song cũng là dấu hiệu khả quan.

Khốn nỗi Việt Nam chưa có nhà nước pháp quyền. Trong tháng 10 vừa qua, liên tiếp ba nhà văn (Nguyên Ngọc, Bảo Ninh, Nguyễn Duy) được lời mời của những tổ chức văn hoá, văn học, nhà xuất bản Tây Âu, đã không được phép xuất cảnh.

Sự cấm đoán này, chắc không phải ngẫu nhiên, lại trùng hợp với một loạt bài báo Nhân Dân, Sàigòn Giải phóng Công an Thành phố Hồ Chí Minh công kích cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh xuất bản từ năm 1990, và được Hội nhà văn tặng giải từ năm 1991. Nếu hai bài báo Nhân Dân (của Cao Tiến Lê và Lê Hồng) còn ám chỉ, úp mở, thì Vũ Hạnh (Công an Thành phố, số đặc biệt 9.9.94) đã gọi rõ đích danh tác phẩm, tác giả, và cũng nói huỵch toẹt mục đích của mình, là chĩa súng vào Bảo Ninh, nhưng nhắm bắn người khác: “ Vấn đề ở đây là cái giải thưởng mà quyển sách ấy tiếp nhận, bởi nó đã được coi như là một giá trị rất cao. Người ta có thể không nghi ngờ gì về sự trung thực của chính tác giả nhưng rất có thể nghi ngờ về sự nhận thức, về cái động cơ, hay nói rõ như anh Cao Tiến Lê – là cái ý đồ của những con người chấm giải”. Hội đồng giám khảo của Hội nhà văn như vậy là đã trao “ vũ khí” cho “ tất cả thế lực thù địch” để “bắn vào cái đền thờ của cuộc chiến”. Chắc chắn như thế rồi, tác giả Bút Máu không còn “ nghi ngờ” hay “có thể” gì nữa, ông khuyên đỏ ngay một câu kết luận: “ điều sẽ xảy ra là một giải thưởng từ một số nước phương Tây trao tặng những người đã trao giải thưởng cho quyển sách ấy”.

Ngòi bút của ông Vũ Hạnh chưa khô, thì nổ ra vụ Đường Tăng. Đường Tăng là tên một truyện (rất) ngắn của Trương Quốc Dũng, được giải nhất đồng hạng với truyện Hoa muộn của Phan Thị Vàng Anh, trong cuộc thi truyện rất ngắn 1993-94 (dưới 1.000 chữ) của bán nguyệt san Thế giới mới (phụ bản của tạp chí Giáo dục và Thời đại). Hai truyện này đã được Nhà xuất bản Hội nhà văn in trong cuốn “ 40 truyện rất ngắn” tập hợp các tác phẩm được tuyển vào chung khảo (Diễn Đàn chọn đăng 4 truyện trong số này), với bài tựa của Nguyên Ngọc (chủ tịch ban giám khảo) và lời bạt của Lê Ngọc Trà (giám khảo). Lần này, bên cạnh tờ Sàigòn Giải phóng lại có cả báo Giác ngộ của Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Truyện ngắn Đường Tăng bị kết tội là “ vi phạm giáo lý Phật giáo”, việc sáng tác, trao giải và xuất bản “ gây xôn xao dư luận, tạo điều kiện phát sinh sự bất ổn, kẻ xấu có cơ hội lợi dụng, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước, dẫn đến những hậu quả không lường được”. Những lời gang thép vừa trích dẫn không phải là của một quan chức tuyên huấn mà là của thượng toạ Thích Trí Quảng, phó ban thường trực Thành hội trong một văn thư chính thức đề ngày 6.10.94. Tác phẩm của Trương Quốc Dũng có vi phạm giáo lý Phật giáo hay không, xin để độc giả đọc, tham khảo bài “Thiền trượng Lâm Tế đâu rồi?” của Nguyên Thắng, và kết luận. Điều cần nói thêm là bên cạnh mấy nhà tu hành hay cư sĩ mải nhìn ngón tay trỏ mà quên cả mặt trăng, người ta lại được đọc những bài báo của Mai Quốc Liên và Trần Thanh Đạm là những người mấy năm về trước đã hăng say tấn công Nguyên Ngọc nhân dịp Đại hội 4 của Hội nhà văn (1989), và nhà phê bình Lê Ngọc Trà khi cuốn sách của ông được giải thưởng của Hội nhà văn (1991).

Những người tinh ý tất nhiên sẽ đặt câu hỏi: phải chăng sắp sửa họp đại hội Hội nhà văn? Đúng như vậy, từ nay đến cuối năm 1994, trên nguyên tắc sẽ họp đại hội của tất cả 9 hội văn học nghệ thuật trung ương, và của Hội nhà báo (Thể thao Văn hoá, l7.9.94). Ngay từ tháng 7, Ban bí thư Trung ương ĐCS đã ra chỉ thị về việc này, và đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của mình hai hội then chốt là Hội nhà văn và Hội nhà báo. Trong bối cảnh ấy, những đợt tấn công phi văn học là chuyện đã từng xảy ra, với những toan tính về danh vị không mấy vinh quang nhưng xem ra vẫn vô cùng hấp dẫn. Trước đại hội 4 của Hội nhà văn là vụ cách chức Nguyên Ngọc. Và cách đây 14-15 năm, nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến và (vẫn) nhà văn Nguyên Ngọc đã từng là đối tượng của đợt tố cáo “một âm mưu chống Đảng trong văn học nghệ thuật”.

Song, cũng như trong mấy vụ việc trước, động cơ quyền bính chỉ giải thích việc cầm bút của những người tham gia “đấu tranh”, nó không thể hiện ý nghĩa chính trị của sự kiện. Những bài báo chung quanh truyện ngắn Đường Tăng tự nó không có ý nghĩa nào khác, ngoài việc phản ánh trình độ lý luận của các tác giả. Điều nghiêm trọng duy nhất đáng nói tới là quyết định về mặt chính quyền. Ngày 4.10.1994, ông Trần Hoàn, bộ trưởng văn hoá - thông tin, đã ký quyết định “ngưng phát hành cuốn sách 40 truyện rất ngắn (...) vì trong đó có truyện Đường Tăng mà nội dung vi phạm chính sách tôn giáo và đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước”“ Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn nghiêm khắc kiểm điểm việc xuất bản cuốn sách; cơ quan chủ quản nhà xuất bản, Cục trưởng cục Xuất bản kiểm điểm trách nhiệm liên đới, có báo cáo gửi về Bộ văn hoá - thông tin” (Sàigòn Giải phóng, 8.10.94).

Tất nhiên, ông bộ trưởng mới chỉ quyết định “ngưng phát hành”, chưa “ loại bỏ vĩnh viễn truyện ngắn Đường Tăng của Trương Quốc Dũng và cấm phổ biến dưới bất cứ hình thức nào” như lời yêu cầu của TT. Trí Quảng hai ngày sau đó (số báo đã dẫn), và nhà tu hành này cũng chỉ đòi loại bỏ tác phẩm, chứ không đòi “loại bỏ vĩnh viễn” tác giả Trương Quốc Dũng. Song về bản chất, một quyết định như vậy không khác gì bản án xử tử Salman Rushdie của Nhà nước Hồi giáo Iran vì tội đã viết “Những đoạn kinh của Quỷ Satăng” hay lời kêu gọi hạ sát bà Taslima Nasreen, tác giả tiểu thuyết Lajja (ô nhục), của Đảng Hồi giáo toàn thủ ở Bangla Desh: một quan niệm toàn trị, trung cổ.

Chính quyền Việt Nam vốn nhạy bén trước dư luận quốc tế, chắc chắn không muốn bị so sánh với những lực lượng phản động, u tối nhất trên thế giới hiện nay. Ma đưa lối, quy dẫn đường thế nào mà bộ văn hoá - thông tin lại quay về nẻo cũ như vậy? Hiển nhiên không phải vì thiếu việc. Điện ảnh và sân khấu Việt Nam đang hấp hối vì nạn dịch video Hồng Kông mà chính cơ quan phát hành của Bộ văn hoá nhập và phổ biến. Đời sống văn hoá bị đe doạ trước kinh tế thị trường trong khi ngân sách tài trợ văn hoá của Nhà nước biến mất trong trận đồ bát quái của bộ máy quan liêu tham nhũng.

Bao giờ nhà cầm quyền mới nhận thức được trách nhiệm thực sự của mình đối với văn hoá dân tộc?


Nguyễn Ngọc Giao

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss