Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 35 / Xu hướng Hợp Lưu

Xu hướng Hợp Lưu

- Diệp Minh Tuyền — published 14/04/2011 05:10, cập nhật lần cuối 13/05/2011 15:19

sic

Xu hướng phản dân tộc,
chống cộng của tập san Hợp Lưu
(Tập san văn học nghệ thuật biên khảo ở hải ngoại)


Diệp Minh Tuyền



LTS: Chúng tôi đăng dưới đây toàn văn bài viết của Diệp Minh Tuyền (Sàigòn Giải phóng, 2.10.94). Đọc xong, bạn đọc sẽ thấy mọi sự bình luận là thừa: đây không phải là một bài viết, mà là một báo cáo (láo) chỉ điểm. Có chăng, nên thêm một thông tin : tác giả tờ trình này đang ra ứng cử tổng thư ký Hội liên hiệp văn học nghệ thuật thành phố. Vậy là rõ.



Để biết bản chất của Hợp Lưu, ta nên biết đến nhận định của những người trong cuộc. Hãy nghe Nguyễn Ngọc Tuấn viết trong bài Huyền thoại về một nước thơ: “Sau năm 1975, bỏ nước ra đi, không cầm súng được nữa, chúng ta cầm bút để tiếp tục tố cáo tội ác của cộng sản, để phát huy chính nghĩa của cộng đồng tỵ nạn, để cổ vũ cho cuộc đấu tranh, trong mơ ước và trong tưởng tượng nhằm giải phóng quê hương. Văn chương cáo trạng, văn chương luận chiến ra đời tấp nập khiến chúng ta sung sướng, ngây ngất, có lúc ngỡ như đang ngắm một mùa hoa mà quên bẵng phần lớn đều là... hoa cũ, có khi đáng buồn hơn, chỉ là hoa giả... Văn học lưu vong nào, tự bản chất cũng là nền văn học chính trị. Nhưng với người Việt Nam, do truyền thống công cụ hoá văn học lâu đời, do áp lực của ông “Nhà nho” giấu mặt trong thâm tâm mỗi người, tính chất chính trị càng nặng nề càng sâu sắc. Chúng ta sáng tác theo cảm hứng chính trị, chúng ta phê bình văn học trên căn bản chính trị. Với mức độ nào đó, có thể nói sinh hoạt văn học lưu vong chỉ là một sinh hoạt chính trị trá hình...

Phần lớn những tác phẩm được nhắc nhở nhiều đều là những quyển sách dở hoặc khá dở. Chúng được khen ngợi, được làm ồn ã vì những “ thông điệp” chính trị trong đó hơn là vì giá trị nghệ thuật của chúng”. (Hợp Lưu số 18, tháng 8&9.1994, trang 72-73).

Hợp Lưu cũng nằm trong quỹ đạo chống cộng ấy, nhưng Hợp Lưu đã xác lập lập trường chống cộng của mình theo kiểu mới. Nghĩa là họ thay đổi sách lược chống cộng cho phù hợp với tình hình thế giới và trong nước hiện nay.

Hãy xem Vũ Huy Quang viết trong bài Cấm vận và phỉ báng:

“ Chống cộng là nhiệm vụ dĩ nhiên của toàn thể (người Việt) hải ngoại, không ai nhắc nhở ai được...

... Chống cộng mà chỉ trông vào sự can thiệp trợ giúp quân sự để lật đổ chính quyền cộng sản chỉ còn là điều không tưởng.. .

... Do thế, không nên trông mong chống cộng bằng giải pháp quân sự vì như vậy là đi ngược xu thế thời đại. Người Mỹ không can thiệp bằng quân sự nữa...

... Người ta đã từng chống cộng vì hận thù, vì bị va chạm quyền lợi (miếng cơm manh áo), đã đến lúc phải chống cộng do lòng yêu nước thuần tuý thúc đẩy. Chống cộng kiểu cũ với làn ranh đã lỗi thời...

... Như vậy, ngày nay chống cộng không chỉ riêng ở hải ngoại mà phải là công cuộc của toàn dân...” . ( Hợp Lưu số 6, trang 20).

Và họ đã đề ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng là lật đổ chính quyền trong nước. “ Tập hợp lại một dân tộc phân rã, giành lại chính quyền cho nhân dân (!)”. (Hợp Lưu số 6, trang 21).

Để đạt được mục tiêu này họ nhận thức được rằng “sự phản kháng trong nước phải là sự phản kháng chính” cho nên họ đề ra nhiệm vụ cho Hợp Lưu là “ Hải ngoại hỗ trợ cho tiếng n ói trong nước, không phải là làm chính trị giai đoạn, mà là bổn phận”.

Lập trường chống cộng này cũng đã được thể hiện ra trong sáng tác. Chỉ cần đọc bất chợt một tác phẩm ta cũng thấy rõ điều này.

Bài thơ Tôi có một cái kéo của Đỗ Kh. (một trong những người chủ trương Hợp Lưu) đã xúc phạm đến lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, đã nghĩ đến chuyện thay đổi màu cờ cũng tức thay đổi chế độ:

Việt Nam tôi cũng có một cái kéo
Đến một ngày thể nào
Cái ngôi sao màu vàng vướng mắt
Tôi cũng sẽ xén phăng đi mất
Lúc đó hai tay tôi sẽ phất
Lá cờ
Chỉ còn lại một màu.

Rõ ràng, trên cả hai mặt lý luận và sáng tác, họ không ngần ngại biểu hiện tất cả sự hận thù đối với chế độ, với Tổ quốc.

Ấy vậy mà nhiều người trong chúng ta hãy còn mơ hồ về họ. Do thiếu tư liệu một phần, nhưng chủ yếu là do không có lập trường chính trị rõ ràng và vững chắc, một số người trong chúng ta đã không thấy lập trường chống cộng trong văn học của họ. Một đôi người sẵn sàng Hợp Lưu trên dòng sông của họ. Tất nhiên cũng được họ ban tặng cho những lời khen, nhưng là bằng giọng điệu của kẻ bề trên – cùng với lời giễu cợt, biếm nhẽ và cả những lời chê đích đáng. Hãy nghe Đặng Tiến trả lời phỏng vấn của Thuỵ Khuê về bài viết Vài cảm nhận văn học Việt Nam ở hải ngoại của Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, Viện phó Viện Văn học, đăng trên Hợp Lưu số 18:

“Dĩ nhiên là có thiếu sót. Nguyễn Huệ Chi nắm được cái gì thì đọc cái nấy và nói về cái ấy. Anh có làm chủ được tư liệu đâu. Anh viết đúng, dù rằng anh phải đọc nhanh, và chịu viết về điều mình phải đọc nhanh là một thiện chí nếu không phải là hy sinh. Cùng nghề với nhau tôi biết điều đó... ”. “ Vì vậy mà tôi cười và càng đánh giá cao chàng Nghệ Tĩnh quê mùa là bạn Nguyễn Huệ Chi?” ( Hợp Lưu số 18, tháng 8-9.1994, trang 56, 57).

Để ly gián đội ngũ nhà văn trong nước, qua những người môi giới của họ, họ xin bài vở của một số nhà văn, nhà thơ hoặc lấy những bài đã đăng sẵn trên các báo chí trong nước để đăng lại trên Hợp Lưu. Tất nhiên tiêu chí chọn đăng là phải hợp “khẩu vị” của họ hoặc vô thưởng vô phạt. Lợi dụng chủ trương đúng đắn của ta nhằm giới thiệu với người đọc trong nước những tác phẩm của những Việt kiều yêu nước, một số người chống cộng tìm cách luồn tác phẩm mình về nước để được xuất bản hợp pháp nhằm tạo dựng tên tuổi cho họ.

Đi đôi với chống cộng, Hợp Lưu cũng bộc lộ khuynh hướng phản dân tộc của mình. Bởi vì họ nhận thức được rằng những người cộng sản xưa nay hơn ai hết là những người luôn giương cao ngọn cờ dân tộc, cho nên muốn chống cộng thì phải bài bác tinh thần dân tộc. Cho nên có thể nói rằng: Chống dân tộc cũng là một biểu hiện của lập trường chống cộng của họ. Hãy xem Đặng Tiến viết trong bài Dân tộc và dân chủ đăng trên Hợp Lưu số 6-1992:

“Rồng, Tiên còn có quyền thiên biến vạn hoá, chỉ tiếc rằng hữu danh vô thực, có tiếng mà không có miếng là số kiếp Việt Nam . Nhận mình là con Rồng cháu Tiên là kỳ thị chủng tộc...

... Chủ nghĩa dân tộc đắm mình trong lịch sử , hô hấp những chiến bại để tồn tại, nhấm nháp những chiến công để trưởng thành...” (Hợp Lưu số 6, 1992, trang 8, 9).

Không thể phủ nhận ảnh hưởng to lớn của những người cộng sản trong lòng dân tộc và nhận thức được đó chính là lực cản cho công cuộc chống cộng của họ, nên Đặng Tiến viết tiếp: “ Nhưng trong quần chúng, vẫn có người nghe vì tâm khảm của họ vẫn còn giữ hình ảnh người cộng sản gắn liền với cuộc kháng chiến gian lao của dân tộc, giành lại độc lập và thống nhất. Trong thời hạn đó tinh thần dân tộc biến thành tình cảm tiêu cực, cản trở bước đi của dân chủ (!)”. ( Hợp Lưu số 6, trang 10, 11).

Dị ứng với tinh thần dân tộc cũng biểu hiện ra trong lĩnh vực bình giá văn chương thi phú. Trả lời phỏng vấn của Thuỵ Khuê, Tạ Trọng Hiệp đánh giá về một quyển sách trong nước của một nhà văn là “ vẫn còn hơi ước lệ một chút, ví dụ như khi nói về Thạch Lam hay Nguyễn Bính thì anh ấy cần phải biện minh rằng cái giá trị lớn nhất của họ là tinh thần dân tộc.

Nếu chỉ có tinh thần dân tộc thì có đủ làm một nhà văn lớn hay không ? và có đủ cho mình công nhận đây là một áng văn hay hay không?” (Hợp Lưu số 18, 8.1994, tr. 54).

Chống cộng là thế, phản dân tộc là thế, ấy vậy mà họ lại kêu gào “ dân chủ”, kêu gào “ đa nguyên”, kêu gào “hợp lưu”. “ Dân chủ, đa nguyên” sao lại chống cộng sản. Rõ ràng là họ đòi dân chủ cho họ.

Vậy “ dân chủ”, “đa nguyên”, “ hợp lưu” chẳng qua chỉ là những thủ đoạn bịp bợm, nhằm lừa mị người nhẹ dạ khi những người tung ra những luận điệu đó chưa có chính quyền trong tay.

Thủ đoạn chống cộng của Hợp Lưu mới mẻ hơn, tinh vi hơn, xảo quyệt hơn Làng Văn... và những kẻ chống cộng theo kiểu cũ. Nhưng do cùng bản chất nên cuối cùng họ cũng chịu chung số phận của tất cả những kẻ chống cộng xưa nay trên đất nước ta bởi sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó có đại bộ phận Việt kiều yêu nước và các văn nghệ sĩ yêu nước ở hải ngoại đang ngày đêm hướng về Tổ quốc thân yêu.

Và ngay cả giờ phút này vẫn còn đủ thời gian để những ai đó trong Hợp Lưu suy gẫm và quay về “hợp lưu” với dân tộc.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us