Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 36 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 01/01/2011 00:00, cập nhật lần cuối 13/05/2011 22:21

Bạn đọc và Diễn Đàn


Nguy hiểm và... oan nghiệt!

Diễn Đàn số 34 quả là số báo khác thường : lần đầu tiên, bạn đọc thấy có dán mẩu giấy trên một trang báo. Đó là trang 18, mẩu giấy in tựa đề bài viết của Dương Thu Hương: Viết văn bao giờ cũng là công việc nguy hiểm . Bạn nào tò mò chắc đã giương tờ báo lên soi, hay bóc mẩu giấy, và thấy bên dưới, cũng một tựa đề, một kiểu chữ, nhưng thiếu hai từ chót: Viết văn bao giờ cũng là công việc .

Giờ chót, khi nhà in giao 1200 số vừa in xong, chúng tôi mới phát hiện ra thiếu sót đó, và nhà in đã cấp tốc in ngay tựa đề đầy đủ, rồi ban kỹ thuật, tăng cường người vào giờ chót, đã hì hục cả ngày chủ nhật, bóc, dán.... để ngày hôm sau, gửi bạn đọc số báo khác thường ấy. Đó cũng là cách tạ lỗi đối với tác giả và độc giả.

Tại sao có sự sơ sót đó? Điều trớ trêu là: chính vì do chúng tôi muốn cải tiến kỹ thuật ấn loát! Thật vậy, kể từ tháng 9 (số 34), bạn đọc có thể nhận thấy: báo in rõ nét hơn. Trước đó, chúng tôi làm ra một chế bản, nhà in chụp chế bản lên phim rồi in. Nay mỗi số báo được “dàn trang” và ghi thẳng vào trong “ đĩa”, từ đó nhà in làm ra phim. Đỡ được một lần sao chụp, nên các ấn bản rõ nét hơn.

Tuy nhiên, do máy tính của báo và máy tính của nhà in không dùng cùng một chương trình “dàn trang”, nên khi chuyển giao, còn xảy ra những di động nhỏ: dấu hai chấm (:), dấu ngoặc kép đóng (”) ở cuối dòng trước bị chuyển xuống đầu dòng sau. Và, số vừa rồi, xảy ra sự cố nói trên: hai chữ “ nguy hiểm ” đã biến mất trong tựa đề bài văn của Dương Thu Hương, chứng tỏ nghề văn không những nguy hiểm mà còn nhiều oan nghiệt. Chúng tôi xin thành thực cáo lỗi cùng tác giả và bạn đọc.


Tiếng Việt giành lại quy chế sinh ngữ trong kỳ thi tú tài ở Pháp

Trước câu trả lời của Ban giám hiệu, theo đó nếu họ không nhận được chỉ thị gì mới của bộ giáo dục, thì thí sinh phải chọn một ngoại ngữ khác tiếng Việt (mà quý báo có phản ánh trong số 34 vừa qua), tôi đã viết thư cho Bộ giáo dục Pháp, và nhận được hồi âm.

Ông Alain Boissinot, cố vấn bộ trưởng, trong thư đề ngày 18.10.94, viết như sau: “Tôi vui mừng xác nhận với ông là nghị định ngày 17.3.1994 sắp được sửa đổi. Ngay từ bây giờ, bộ đã chỉ thị cho các viện trưởng và các sở phụ trách tổ chức thi tú tài mở rộng danh sách các sinh ngữ có thể dùng làm sinh ngữ bắt buộc trong kì thi tú tài thành 20 sinh ngữ, trong đó có tiếng Việt”.

Bùi Minh ( Toulouse, Pháp)

* Như vậy là quy chế của tiếng Việt trở lại nguyên trạng trước nghị định nói trên. Nói cách khác, trong khoá thi tới đây (năm 1995) các thí sinh vẫn có thể chọn Việt ngữ làm sinh ngữ 1, sinh ngữ 2, hoặc làm môn thi tự do (option) để lấy thêm điểm. Xin hoan nghênh và cảm ơn ông Bùi Minh.


Ghi nhận một phản ứng

Diễn Đàn số 35 đã đăng hồ sơ “vụ án Đường Tăng” cùng hai bài bình luận của Nguyên Thắng và Nguyễn Ngọc Giao. Bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc Phật tử, nói chung đã phản ứng đồng tình với hai bài này. Đồng tình cũng may không phải là nhất trí: chúng tôi còn nhận được bài của bạn Nguyên Đạo (vùng Paris). Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng toàn văn bài này ở trang sau.

Trong tinh thần đối thoại thẳng thắn và thân ái, cũng xin nêu rõ vài điểm:

1. Đọc truyện Đường Tăng của Trương Quốc Dũng, bạn Nguyên Đạo “đau xót” và bị “đụng chạm rất nặng đến tình cảm”. Chúng tôi tôn trọng tình cảm ấy của bạn.

2. Mặc dầu vậy, bạn chỉ nhận định là “không thích truyện Đường Tăng!”, và nhấn mạnh “không nên ngăn cấm phổ biến truyện này”. Chúng tôi rất khâm phục phản ứng mực thước của Nguyên Đạo, rất phù hợp với tinh thần khoan dung hỉ xả của Phật giáo. Cũng rất đồng tình với quan điểm của bạn, là trong lãnh vực văn hoá, “xưa nay các biện pháp có tính cách áp chế, không những bóp chết sáng tạo mà thực sự cũng chẳng ngăn cấm được ai”.

3. Chính vì vậy, mà chúng tôi đã phản ứng nghiêm khắc đối với quyết định cấm đoán của bộ trưởng văn hoá Trần Hoàn và văn thư chính thức của thượng toạ Trí Quảng.

4. Với tư cách là một độc giả, TT. Trí Quảng hoàn toàn có quyền “sân si đùng đùng nổi lên”. Cũng là chuyện bình thường, như Nguyên Thắng đã viết (DĐ số 35, tr. 20). Điều không bình thường, là hai ngày sau quyết định “ngừng phát hành” của bộ văn hoá, TT. Trí Quảng còn đòi “loại bỏ vĩnh viễn” “cấm phổ biến dưới bất cứ hình thức nào” truyện ngắn của Trương Quốc Dũng. Không biết có bình thường không, nhưng thật đáng tiếc là trong văn thư chính thức ấy, thượng toạ đã đưa ra những giáo điều không mấy phù hợp với giáo lý nhà Phật (xem bài Nguyên Thắng).

5. Đọc phần sau của bài Nguyên Đạo, chúng tôi hiểu rằng phản ứng của bạn thực tế không xuất phát từ câu chuyện Đường Tăng, mà từ một loạt sự việc trước đó “ giới Phật giáo đã im lặng”. Không nắm rõ vụ truyện ngắn Niết bàn bốc cháy và cuốn phim Niết bàn rực lửa (nên chúng tôi không dám so sánh với vụ cuốn phim Cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô của Scorcese), chỉ xin lưu ý bạn Nguyên Đạo hai điểm:

Chính Tạp chí Văn Học đã nghiêm chỉnh và xác đáng phê phán cuốn Lịch sử Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Tài Thư.

Đáng sợ hơn nữa là sự im lặng của báo Giác Ngộ trước sự việc những tu sĩ và cư sĩ (như Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát) vẫn tiếp tục bị giam cầm.

Cuối cùng, xin hỏi nhỏ bạn Nguyên Đạo: bạn đánh giá ra sao về bộ truyện Tây Du của Ngô Thừa Ân , trong đó Đường Tăng là một nhân vật, nói vô phép, hết sức cả thộn, bị thịt, trái nghịch hẳn với con người thực của thày Huyền Trang?

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us