Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 36 / Huỳnh Thúc Kháng và “cái học khoa cử, Tống nho”

Huỳnh Thúc Kháng và “cái học khoa cử, Tống nho”

- Nguyễn Trọng Nghĩa — published 01/01/2011 00:45, cập nhật lần cuối 13/05/2011 22:36

Huỳnh Thúc Kháng
và “cái học khoa cử, Tống nho”


Nguyễn Trọng Nghĩa



Như chính Huỳnh Thúc Kháng đã tự nhận, lúc nhỏ ông chỉ “chúi đầu”, “mải miết trong con đường cử nghiệp” nên “không biết ngoài thế giới có gì”(1). Về chuyện thi cử, ông đỗ đầu hai lần: ở kỳ thi hương năm Canh Tý (1900) và kỳ thi hội năm Giáp Thìn (1904). Do đó, dù trong mười mấy năm ở tù tại Côn Đảo đã cần cù học thêm chữ quốc ngữ và nhất là chữ Pháp hầu trực tiếp hấp thụ Tây học, Huỳnh Thúc Kháng trước sau vẫn giữ cái cốt cách của một nhà nho phải nói là cứng cỏi. Khi ông tử trần (21-4-1947), trong thư gửi cho đồng bào cả nước, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời ca ngợi như sau: “ Cụ Huỳnh là một người, giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan”(2). Nói gọn lại ông có đủ những đức tính của người quân tử theo Nho giáo. Thế mà Huỳnh Thúc Kháng lại là người đã có những lời phê bình (nếu không nói là mạt sát) gay gắt, triệt để nhất (và thường là xác đáng) đối với “cái học khoa cử, Tống nho”. Đúng là phải nằm trong chăn mới biết là có lắm rận vậy.

Tất cả những lời phê bình của Huỳnh Thúc Kháng đều nhất quán với nhận xét cơ bản sau đây: “Chính nhờ có tự do tư tưởng mà học thuật Âu Tây phát đạt rất sớm”(3). Và tự do tư tưởng, theo ông, là quyền “ làm ra sách vở, công bố cho người đời tha hồ biện bác, phê bình”, trong tinh thần “chỉ lấy chân lý làm chủ mà không nô lệ một ai” (2).

Nếu dùng ngôn ngữ ngày nay, ta có thể nói là Huỳnh Thúc Kháng cũng đã thấy được tầm quan trọng của “đa nguyên”; ông cho rằng sở dĩ học thuật của Trung Quốc thịnh nhất vào thời Xuân Thu Chiến Quốc là vì khi ấy “ Khổng giáo chỉ là một học thuyết trong các học thuyết khác (Mặc học, Lão học, v.v...), (tr. 287). Vào đời Hán, “các nhà đế vương thấy Khổng giáo có những lời tồn cổ trung quân, tiện lợi về đường chánh thể chuyên chế, nên biểu dương tôn sùng mà bãi truất các học thuyết khác đi” (tr. 288). Và từ đó, “chân tướng” của Khổng giáo đã sai lạc nhiều vì bị các nhà cầm quyền “uốn vặn” (tức là “uốn nắn”) và bị các nhà nho sửa đổi để phục vụ đắc lực chế độ quân chủ chuyên chế. Ở Trung Quốc đã vậy, huống hồ là ở Việt Nam! “Thuở nay ai học chữ Hán tức tự nhận mình là học trò ông Khổng, chứ mấy ai rõ chân tướng Khổng giáo là thế nào đâu!” (tr. 288).

Tầm quan trọng của tự do tư tưởng và “đa nguyên” đã được ông triển khai trong bài “Lối học khoa cử và lối học Tống nho có phải là học đạo Khổng Mạnh không?” , đăng trong báo Tiếng Dân từ 28-10 đến 18-11-1931(4).

Ngay từ phần đầu, Huỳnh Thúc Kháng đã nói toạc móng heo rằng “ sở đoản to lớn” của người Việt Nam là “nhắm mắt theo mò” Trung Quốc “không phân phải trái”. Điều đó chứng tỏ “người mình thiếu cái não phán đoán cùng năng lực sáng tạo”: “đồng học văn hoá Tàu mà mình thua Nhật Bản là vì thế” (tr. 292).

Bài báo đã tập trung vào luận điểm chính sau đây: lối học khoa cử, Tống nho là cái “ ác nhân” (nguyên nhân độc hại) “trong học giới mà di nghiệt đến ngày nay vẫn còn chưa thôi!” (tr. 293).

Nếu tôi không lầm thì Huỳnh Thúc Kháng là người đầu tiên đã xem sự kiện Nho giáo (thật ra là Tống nho) được độc tôn đã đưa đến sự suy đồi thê thảm của tư tưởng và học thuật Việt Nam.

Sau khi giành lại được độc lập, trong khoảng hơn 300 năm, “ về học hành thi cử, từ trên xuống dưới, đối với hai nhà giáo tổ (Khổng, Phật) vẫn sùng bái như nhau, không thiên lệch về một đạo Nho”. Chính nhờ có tự do tôn giáo (Huỳnh Thúc Kháng gọi là tín giáo tự do), “nên tư tưởng có chiều phát triển”: “ nước Nam ta về đời Trần, không những võ công trác tuyệt (đánh đuổi quân Hồ Nguyên) mà nói về học giới có vẻ cao hơn Tống nho nhiều” (tr. 295)(5).

Để chứng minh cho nhận định đó, ông đã nhắc đến thơ của Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, phú của Mạc Đĩnh Chi, văn của Trương Hán Siêu, Lê Quát, lý học của Chu Văn An, binh học của Trần Hưng Đạo, v.v...

Huỳnh Thúc Kháng còn khâm phục cái “phong khí hào hiệp như thời Chiến Quốc” của những Phạm Ngũ Lão, Dã Tượng, Yết Kiêu..., mà ông so sánh với những võ sĩ đạo ở Nhật.

“Xem đó, học giới đời Trần có vẻ đặc sắc (l à vì) lúc bấy giờ tín giáo còn tự do, cái học khoa cử chưa bó buộc, học thuyết Tống nho cũng mới truyền sang, chưa thịnh hành, nên học vấn có vẻ phát triển, mà nhân tài đời ấy cũng sản xuất nhiều tay lỗi lạc phi thường, có mạt hạng như lối nhà nho sau này đâu” (tr. 297)(5).

Theo Huỳnh Thúc Kháng, “cái hại đốt sách của nhà Tần và thống nhất nho tông của đời Hán đã bó buộc tư tưởng người học vào cái khuôn chật hẹp của Khổng giáo” (tr. 299); tuy vậy cho đến đời Tống, tư tưởng Trung Quốc vẫn còn đa dạng, đa nguyên (nói theo ngôn ngữ ngày nay) nên “ những kẻ có chí muốn tìm cho ra cái chân tướng của thánh hiền còn được tự do lựa chọn” (tr. 299-300). Với Tống nho, chủ nghĩa giáo điều hình thức đã xuất hiện ở Trung Quốc và sau đó được chế độ chuyên chế của nhà Minh “th i hành trong học giới”, không những “đã dùng cái lò khoa cử (để) bó buộc học giới như mấy đời trước, lại còn hạn chế một điều rất ác nghiệt và nghiêm ngặt là học kinh truyện nhất định phải theo lời chú giải của Tống nho” (tr. 300).

Trong thời Minh thuộc, “những tay tàn ác như Trương phụ”, một mặt, “bao nhiêu sách vở của ta từ đời Trần về trước đều thu hết đưa về Kim Lăng ”(6), mặt khác ban phát khắp các châu huyện những thứ sách tứ thư, ngũ kinh đã được “vẽ rồng chạm rắn” theo cái học Tống nho, “nhốt học giới ta vào trong cái rọ chật hẹp đê hèn” (tr. 301).

Chỉ trong hơn hai mươi năm, “mà học giới ta bị luồng gió độc làm cái học hay tốt từ đời Trần về trước bị quét sạch sành sanh, không còn chút gì, lại lưu cái hoạ bùa mê của Tống nho nhập chung với con ma khoa cử làm hại cho học giới ta sau này, cho là một tấn thảm kịch “ngọn lửa nhà Tần” cho học giới nước ta cũng không là lời quá đáng!” (tr. 301).

Sau khi giành được độc lập, cái sai lầm của nhà Hậu Lê và đặc biệt của Lê Thánh Tôn, là đã tiếp tục tôn sùng Tống nho: “Văn học đời Lê, người ta cho đời Lê Thánh Tôn là thịnh nhất, mà xem ông Thánh Tôn cùng mấy bác văn thân luận học (...) rành cái giọng Tống nho. Xem đủ rõ cái học Tống nho in sâu là ngần nào” (tr. 302 )(6).

“ Từ đó, bao nhiên giẻ rách canh thừa của Tống nho, do học trò đời Minh đời Thanh phô trương thêu dệt thêm, làm mối hàng đắt mà bán sang cho xứ ta (...), đều là giống thuốc “nhồi sọ” mà người mình vẫn tôn phong làm khuôn mẫu thánh hiền, lầm lạc đến thế là cùng!” (tr. 302-303).

Những dòng sau đây càng biểu lộ rõ thêm sự phẫn nộ tột độ của Huỳnh Thúc Kháng đối với Tống nho: “Học phong hủ bại như thế, nên đến khoảng Lê Trịnh sĩ khí tiêu mòn, nhân tâm hèn nhát, bao nhiêu sĩ phu đều mang cái mặt “ gái lấy hai chồng” (Lê Trịnh), đã không biết lễ nghĩa liêm sỉ, lại còn vào xe ra lọng, tụng thánh ca thần, hót nịnh kẻ quyền quí...”. Ông xem họ là bọn “tiểu nhân nho” do “cái lò Tống nho và khoa cử đúc ra” (tr. 303).

Và Huỳnh Thúc Kháng rút ra kết luận chắc nịch như đinh đóng vào cột: “ ở dưới chính thể chuyên chế cùng học giới chuyên chế thời tư tưởng người đời bị buộc (và) nhân cách dần dần (trở nên) đê hèn” (tr. 304).

Ông ca ngợi vua Quang Trung vì não của vị “anh hùng hào kiệt” này “không dính chút gì là cái học khoa cử” và vì ông ta “ coi phường hủ nho không ra gì. Chính nhờ cái não trong sạch sáng suốt ấy mà làm nên công nghiệp phi thường” (tr. 304).

Sau khi thắng được Tây Sơn, nhà Nguyễn lại đem “thứ học Tống nho và khoa cử kia mà trương ra. Đến triều Thiệu Trị, Tự Đức trở đi thì toàn cả sĩ phu đều xu vào trong cái khuôn sáo ấy (...), rành là cái não “thi đỗ làm quan, rung đùi ngâm vịnh” không có cái tư tưởng gì là thực dụng. Lối học khoa cử đời Lê đã kém hèn là bao nhiêu, mà lối học triều Nguyễn lại kém hèn hơn thế nữa” (tr. 305). Sở dĩ như vậy là vì, theo Huỳnh Thúc Kháng, dưới triều Nguyễn, thày, trò, sĩ tử... hầu như tất cả đều dùng những sách “cắt đầu hớt đuôi, bôi son vẽ lọ” do hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744-1818) soạn(7). Ông cho rằng “ cái hại vì sách “Tiết yếu” của Bùi Huy Bích không khác gì ngọn lửa nhà Tần thứ hai trong học giới ta”: “Hán học của ta, trên trăm năm lại đây, không những không được như Tống nho (cặn bã của Tống nho), lại kém hơn lối học khoa cử của triều Lê một bậc nữa”, vì dưới triều Lê muốn thi đậu “ cần phải học nhiều sách, đời Nguyễn chỉ học bộ “Tiết yếu” nói trên là đủ rồi”. Hậu quả là “trừ một số ít nhờ nhà có sách Tàu, hoặc có tính chất ham học, tự tìm sách hay mà học, thời có khác người ít nhiều, còn phần đông là học trò Bùi Huy Bích cả”.

Nói thế rồi nhưng còn chưa đã nư, Huỳnh hội nguyên lên án tiếp: Cái học “Tiết yếu” Bùi Huy Bích thì rành là lối “phù thuỷ kiếm gà, thầy đồ chạy gạo” coi nhét nách một cái nghề để bước lên đường sĩ hoạn (...). Thế mà người mình từ trên xuống dưới, thầy dạy trò học, chỉ một môn ấy đã không biết sai lạc, lại còn giương mày trợn mắt, chiếm cái địa vị cao sang trong cái thang giai cấ p! Phỏng như không có cuộc Âu hoá truyền sang, đánh đổ cái nền học vấn hủ bại kia thì có lẽ giấc mộng ngàn thu đến nay vẫn còn chưa tỉnh!” . “Lối học khoa cử và Tống nho ở nước ta đến cái học “Tiết yếu” Bùi Huy Bích là mạt hạng” (tr. 306-307). Dưới triều Tự Đức, Nguyễn Thông (1827-1894) đã dâng sớ xin bỏ các sách của Bùi Huy Bích nhưng “các quan đương triều cho là tiện việc thi cử của con em, không chịu bỏ” (tr. 307).

Nghiêm trọng hơn nữa, Huỳnh Thúc Kháng cho rằng “ cái não của người mình đã bị cái lối học khoa cử hủ bại kia chiếm cứ, đã thành cái tính duy truyền, không sao một mai một chiều mà chùi sạch đi được” (tr. 307). Hậu quả là hàng mấy mươi năm sau khi “ Tây học”“ phong trào Âu hoá đã tràn khắp trong xứ “khiến cho” cái học “ tử viết” từ đó phải hạ màn xuống”, các ông tú ông cử tân thời “tr ừ công việc viết thuê, nói mướn và làm các sở ra, nào đã mấy ai lưu tâm đến chỗ triết lý, tìm được chỗ tinh tuý của Âu học mà tự lập lấy mình và du nhập cho bà con đâu? Chẳng qua ngày trước nói Khổng Mạnh thì ngày nay thay vào Hy Lạp, La Mã, Mạnh Đức, Lư Thoa, đổi cái lối “ chi hồ giả dã” mà bước sang “a, b, c, d” cũng chỉ là ngoài biểu diện! Học giới như thế mà nói đến nhân tài, thật không sao tránh khỏi câu cụ Tây Hồ (Phan Châu Trinh) đã nói : “Ngày trước học Hán thì làm hủ nho, ngày nay học Tây thì làm hủ Âu”. Ôi! Có lẽ linh hồn người mình đã bị cái học Tống nho nhiễm sâu mà không chữa được hay sao?” (tr. 310-311).

Chắc thế nào cũng có người cho rằng những ý kiến tóm lược trên đây của nhà nho “cải lương” Huỳnh Thúc Kháng là quá khích, thậm chí đôi khi có phần thô bạo. Nhưng rõ ràng là qua cái “quá khích”, cái “thô bạo” có thể có đó, ta không thể không thấy cái tâm huyết và nỗi đau của một nhà ái quốc đã phải chứng kiến sự phá sản của hệ thống giáo dục, học thuật đào tạo ra mình, sự phá sản phơi bày trâng tráo qua cái cảnh mà Tú Xương đã mô tả vào đầu thế kỷ này. “Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo. Văn chương liều lĩnh, đấm ăn xôi”. Có lẽ để xây dựng một nền văn hoá, học thuật mới ở Việt Nam, trước hết cần phải có những nhà trí thức biết phê bình (thực ra cũng là tự phê bình) triệt để, không nhân nhượng như Huỳnh Thúc Kháng. Bởi vì người ta chỉ có thể xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Hơn sáu mươi năm sau, những ý kiến của nhà nho họ Huỳnh về sự cần thiết của tự do tư tưởng, của đa nguyên, về sự độc hại của chủ nghĩa hình thức, giáo điều như kiểu Tống nho đã kiềm hãm, nếu không nói là làm tiêu mòn “ cái não phán đoán cùng cái năng lực sáng tạo” của “ người mình”, đặc biệt về tư tưởng và học thuật, phải chăng vẫn còn giá trị?




1 Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, trong Chương Thâu, Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng (chọn lọc), Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1989, tr. 235.

2 Chương Thâu, s.đ.d., tr. 10

3 Huỳnh Thúc Kháng, Những điều khuyết điểm của Nho giáo trong Tiếng Dân ngày 11-10-1930, in lại trong Chương Thâu, s.đ.d., tr. 287.

4 In lại trong Chương Thâu, s.đ.d., tr. 292-312.

5 Hơn 60 năm sau, Nguyễn Huệ Chi cũng có những ý kiến tương tự trong bài “Thử nhìn văn hoá như một động lực phát triển” (Diễn Đàn, số 34, 1-10-1994, tr. 23-24)

6 Trong sắc chỉ mười điều, đề ngày 21-8-1406, của Minh Thành Tổ gửi cho viên tướng viễn chinh Chu Năng, đặc biêt có điều khoản thứ ba sau đây: “Một khi binh lính vào nước (Nam), trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không tiêu huỷ; ngoài ra, hết thảy mọi sách vở, văn tự cho đến cả những loại (sách ghi chép) ca lý dân gian, hay cách dạy trẻ (...), một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung quốc dựng từ xưa đến nay thì đề giữ gìn cẩn thậ n, còn những bia do An Nam dựng thì phá huỷ tất cả, một chữ chớ để còn”. Trong một lệnh khác của Minh Thành tổ, đề ngày 16-6-1407, có lời ghi chú: “Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ bị mất mát nhiều. Từ nay, các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất kỳ nơi nào là phải đốt ngay, không được lưu lại” ( Thơ văn Lý Trần tập I, Nhà xuất bản khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr. 57-58).

7 Bùi Huy Bích 1à soạn giả của Ngũ kinh tiết yếu tóm tắt những điều cốt yếu của Ngũ Kinh (Thư, Thi, Dịch, Lễ ký, Xuân Thu) có kèm theo chú giải của các nhà nghiên cứu. Có thể xem bộ sách này như là giáo trình dùng để dạy các sĩ tử chuẩn bị thi Hương.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss