Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 36 / Cảm nghĩ về một truyện ngắn...

Cảm nghĩ về một truyện ngắn...

- Nguyên Đạo — published 01/01/2011 00:40, cập nhật lần cuối 13/05/2011 22:34

Bạn đọc viết


Đôi dòng cảm nghĩ
về một truyện ngắn...


Nguyên Đạo



Đọc truyện ngắn “Đường Tăng” (Diễn Đàn số 35) tôi thấy lòng đau xót. Phải chăng vì truyện quá sâu sắc, mà mình thì giác ngộ chưa đủ, truyện hoàn toàn “hư cấu” mà lại thấy như “cố tình”, trong văn chương luôn luôn phải tìm nghĩa bóng mà nghĩa đen vô cùng ác nghiệt thì cứ đập vào mắt?

Rất có thể tác giả muốn nhắm một ai khác hơn Phật giáo, nhưng nếu không có những lời dẫn giải của Lê Ngọc Trà, trong ban giám khảo, thì rõ ràng câu chuyện xây quanh Phật, Pháp, Tăng, xây quanh một cách giản lược, bằng một số hình ảnh, một số ý, in vào tâm não con người, không cần chứng minh gì hết. Không chứng minh (bằng lời hay bằng ý) thì khó có tranh luận, vì tác giả có thể nói: tôi đâu muốn nói về Phật, Niết bàn là Niết bàn giả, Đường Tăng là Đường Tăng bịa. Và tác giả cũng chẳng cần biết đạo Phật là cái gì.

Nhưng người đọc truyện phải chăng chỉ đọc thuần bằng lý trí, bằng phân tách? Riêng tôi, cũng còn đọc bằng tình cảm, mỗi câu mỗi chữ trong truyện Đường Tăng đụng chạm rất nặng đến tình cảm của tôi. Phật, nơi tôi, không phải là một số khái niệm luân lý trừu tượng, và các thày các tổ cũng còn là một truyền thống tình nghĩa lâu đời. Giả dụ nhé: một người đem những người thân yêu nhất của mình, hay chính mình, ra phỉ báng rồi nói chỉ muốn ám chỉ người hàng xóm, mình nghĩ sao? Tôi kính trọng Ngài Huyền Trang, tôi mến thương các tăng sĩ. Vậy mà trong truyện, đời sống tăng sĩ được tả như một đời sống bất hiếu, nhân vật Đường Tăng là một con người ích kỷ, Niết bàn là một nơi Phật Ma lẫn lộn. Nói như vậy bảo sao không gây phản ứng trong giới Phật tử? Thâm tâm tác giả có lẽ không muốn nói vậy, nhưng giấy trắng mực đen thì nó như vậy.

Tôi không phải là thiền sư, tôi chưa phải là Phật! Nhiều người Phật tử cũng giống tôi. Vậy đừng trách móc chúng tôi tại sao “sân sỉ nổi lên” khi đọc truyện Đường Tăng.

Cứu cánh phải chăng giải thích được mọi phương tiện? Các văn sĩ phải chăng có quyền tuỳ tiện làm mọi chuyện để xây dựng tác phẩm của mình? Nếu ta nên tôn trọng quyền sáng tác của một tác giả, thì chính tác giả cũng nên tôn trọng tình cảm của người khác, đặt mình vào địa vị người khác trước khi viết bài! Nguyên nhân của mọi phản ứng “quá lời” nên tìm trước hết tại sự thiếu tôn trọng lẫn nhau. Nếu chỉ là sáng tác của một văn sĩ trẻ thì chẳng ai chấp nhất gì, từ xưa tới nay thiếu gì người khích bác Phật giáo. Nhưng tác phẩm lại được giải nhất của một tờ báo trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cơ đấy! Lại có những nhà văn lão thành bảo trợ!

Tôi không thích truyện Đường Tăng! Nhưng dù sao, cũng không nên ngăn cấm phổ biến truyện này.

Đây là mặt trận văn hóa, ta không thích một tác phẩm hay thấy nó có hại thì nên dùng phương tiện văn hóa để hoá giải. Trong lãnh vực này, xưa nay các biện pháp có tính cách áp chế, không những bóp chết sáng tạo mà thực sự cũng chẳng ngăn cấm được ai. Tư tưởng, bị ngăn chặn dồn ép chỗ này, thì lại trồi ra nơi khác, chỉ có vậy thôi. Người Phật tử, nhất là Phật tử Việt nam, lại càng rõ hơn ai hết. Dĩ nhiên, mặt trận văn hóa là một mặt trận đầy khó khăn cạm bẫy, không phải lúc nào “chính nghĩa cũng thắng”. Thiếu gì kẻ “bút thuật vô biên, vô cùng ác nghiệt”, thao túng trận địa, nhập vào chốn ấy biết rồi sẽ ra sao? Nhưng có lẽ không còn con đường nào khác.

Tuy vậy, Quốc Dũng không bị tuyên án, đe doạ. Tất cả chỉ xoay quanh vấn đề cho phổ biến hay không một tác phẩm. Đem gán ép những người yêu cầu không cho đăng một truyện ngắn với những đảng phái Hồi giáo cực đoan kêu gọi giết người, phải chăng là quá cường điệu, dù bối cảnh là một cuộc đấu tranh vượt quá tầm mức một truyện Đường Tăng, một tác giả Trương Quốc Dũng? Đúng, sai, tất cả đều tuỳ ở mức độ. Quá mức thì dù có đúng cũng hoá sai, chính hoá tà.

Huống hồ phải đặt truyện ngắn Đường Tăng trong bối cảnh văn hoá liên quan đến Phật giáo trong những năm tháng qua. Trước đây, giới Phật giáo đã im lặng trước một vài số việc đã gây xúc cảm:

“Truyện ngắn “ Niết bàn bốc lửa” đămg trên báo Sông Hương, việc cho ra mắt cuốn phim “ Niết bàn rực lửa” dựa theo truyện này, việc trình chiếu tập cuối của bộ phim Tây Du ký (do một hãng phim nước ngoài thực hiện mà không cắt bỏ những đoạn diễu cợt một cách thô tháo đày ác ý đối với các vị Thánh Tăng đại đệ tử của đức Phật). Có lẽ đã đến lúc cần phải có một số tiếng nói trung thực, vô tư về những tác phẩm có hại cho Phật giáo” (Võ Đình Cường, Giác Ngộ số 91).

Song song với những “tác phẩm văn hoá” này, lại còn một tác phẩm sử học: cuốn Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của Uỷ Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam – Viện Triết Học, đã gây xôn xao tranh luận khá gay gắt. Xin trích:

“ Từ ngày cuốn “Lịch sử Phật giáo Việt Nam” vào đời (1988) cho đến nay, đã có nhiều bài phê bình nêu lên một số mặt yếu kém của nó (riêng Tập Văn của Ban Văn Hoá Trung Ương GHPGVN cũng có đến 3 bài...).

“... Ta lại bị áp đặt về một khẳng định: “ Đạo Phật chỉ có thể nuôi dưỡng lòng yêu nước, yêu dân và thái độ trân trọng con người đến một mức nhất định. Ai vượt mức đó, tất phải tìm một lý thuyết khác” . Người theo chủ nghĩa nào đó, có thể lập luận như vậy để tranh thắng với lý thuyết gia Phật tử. Nhưng nhà viết sử mà quyết đoán như vậy thì rõ ràng đã xa rời tư cách của mình. Tiếc thay đây lại là lời kết thúc cuốn sử! Cho nên không lấy làm lạ là có người đã không nén nổi bình tĩnh để đòi cuốn sách “cần duyệt xét lại”. Cái “quá lời” của người soạn đẩy đến cái “quá lời” của người đọc âu cũng là nhân quả mà thôi” (Vũ Ngọc Khánh, Đọc sách “Lịch sử Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí Văn Học, 4-92, và Tập Văn Thành Đạo, số 25, 1993).

Trong bối cảnh đó, đùng một cái, truyện Đường Tăng được trao giải nhất của một tờ báo trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, về mặt pháp lý mà nói tức là nhà nước (chúng ta đang đòi hỏi một nhà nước pháp quyền cơ mà), được nhà nước cho in thành sách.

Có người bình luận: “Nhưng mà các Phật tử phải biết nội tình Hội nhà văn, thân thế ông văn sĩ nọ...”. Nói như vậy là võ đoán, chẳng khác nào tuyên bố: “Các người phải thông cảm chúng tôi, còn tình cảm của các người thì mặc kệ”. Cho nên, dù không đồng ý, tôi vẫn thông cảm với đề nghị của Thượng toạ Trí Quảng, một đề nghị mà, theo tôi, cũng có nhiều Phật tử nghĩ tới.

Làm gì thì làm, coi thường tình cảm của người khác, không cố gắng tự đặt mình vào địa vị người khác, chỉ biết mặt trăng của riêng mình, sợ đưa đến sai lầm về chiến thuật dù mục đích của mình có tốt mấy. Đứng xa, đứng cao, thì chẳng nên trách người ta không hiểu mình, không thấy mặt trăng mình muốn trỏ! Lại càng không nên trở lại thói quen lập luận giản lược hoá “bên đen bên trắng” của thời xa xưa, với tư tưởng “phe ta nhất định đúng, phe khác nhất định sai”. Trên thực tế, phe ta cũng có thể sai lầm!

( xin đọc lời ghi nhận của DĐ ở trang trước)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us