Chẳng lẽ lại là mẹo... bẩn?
Tài liệu 3
Chẳng lẽ lại là mẹo... bẩn?
Bùi Tín
Tôi vừa nhận được Tạp chí Cộng Sản tháng 10.94, gửi từ Hà Nội. Đến trang 56, thấy tít lớn: Đối thoại với Bùi Tín (Điểm sách MẶT THẬT của Bùi Tín), tôi hồi hộp mừng.
Mừng lắm, vì nghĩ rằng tạp chí chấp nhận, công nhận, đứng ra tổ chức đối thoại. Còn gì mừng hơn! Đối thoại xưa nay bị cấm. Chỉ nói một chiều. Đảng nói, đảng viên, nhân dân nghe, chấm hết! Đối thoại là phải có từ hai người trở lên, là thay nhau. Kẻ nói, người nghe, là có thảo luận, có tranh luận. Còn gì bằng! Tôi chỉ mong ở nhà có người chỉ ra: MẶT THẬT chỗ nào đúng, chỗ nào sai, chỗ nào được, chỗ nào không được!
Nhưng tôi cụt hứng. Hoá ra không phải vậy. Chẳng bàn gì đến nội dung của MẶT THẬT cả! Ngay sau đó tôi nhận được bài của ông Trần Văn Anh, dài 12 trang. Thì ra Tạp chí Cộng Sản chỉ trích ra có 1 phần 4 bài ấy.
Đọc kỹ ba lần, trong suy nghĩ tôi nảy ra mấy kết luận:
1. Cuốn MẶT THẬT đã được về nước khá nhiều. Một bà luật sư bộc trực mang công khai từ Paris về Hà Nội đưa cho các vị thủ tướng, đại tướng và một số vị nữa vì, theo bà, các vị cần nghe nhiều chính kiến. Tôi gửi tay về biếu hơn 20 bạn đều đến nơi. Có bạn báo tin đã photocopie ra 25 bản làm quà cho bè bạn. Một thư từ Sài Gòn cho tôi biết có cơ sở in đã in lại sách của tôi để bán. Kinh doanh bén nhạy theo kinh tế thị trường mà.
Sách về với bạn đọc khá nhiều. Do đó những người lãnh đạo đảng bảo thủ nhất, các vị phụ trách Ban tư tưởng và văn hoá, các vị an ninh văn hoá rất sợ “diễn biến hoà bình”, phải phản ứng để ngăn chặn cái họ cho là tác hại của MẶT THẬT. Do đó mà tôi rất mừng. Vì cuốn sách đã tỏ ra là có ích cho cuộc đấu tranh cho dân chủ, cho sự thật, cho tự do ngôn luận, cho thông tin trung thực.
Tôi cũng mừng vì thế là cuốn sách được quảng cáo, và sẽ được tìm đọc nhiều hơn. Tất nhiên tôi có lợi, không phải trả tiền quảng cáo, bù lại cái thiệt là tôi mất quyền lợi của tác giả về những cuốn sách in chui.
2. Tôi rất nghi về ông Trần Văn Anh nào đó ở California. Sao ông không gửi thẳng cho tôi bài đối thoại của ông, qua địa chỉ nhà xuất bản MẶT THẬT chẳng hạn. Tôi từng nhận được hơn 60 thư của bạn đọc qua nhà xuất bản Saigon Press mà địa chỉ đã ghi rõ ở cuốn sách. Sao bài ấy lại vòng vèo qua tận Australia, qua ông Nguyễn Văn Sôi nào đó (như ghi trên Tạp chí Cộng Sản). Tôi chờ hai ông lên tiếng công khai, đàng hoàng, cho biết rõ địa chỉ quý ông để tôi được hân hạnh đối thoại tiếp. Còn nếu không, tôi sẽ nghĩ nó “made in Hanoi”, nó có thể được chế tạo ở Ban tư tưởng và văn hoá, hoặc ở cơ quan an ninh văn hoá. Nó là một thứ “mẹo” bẩn, của những người đuối lý, phải dùng mẹo vặt, nguỵ tạo, tung hoả mù, trốn tránh đối thoại công khai, ngay thật, dùng lý lẽ gàn dở chỉ để bám giữ quyền lực và quyền lợi.
3. Tôi đề nghị bạn đọc hãy đọc bài của Chiến Binh cũng được lưu hành khá rộng ở trong nước, đối thoại với ông mang tên Trần Văn Anh. Chữ “mẹo” và chữ “bẩn” tôi dùng trên tít bài này là lấy của Chiến Binh. Hóm hỉnh mà sâu sắc, chứa nhiều ẩn ý của một sĩ phu Bắc Hà.
Tôi chờ và hy vọng sẽ có tin từ ông Trần Văn Anh để cuộc đối thoại có lý do được thực hiện rộng rãi và lý thú.
Paris , ngày 16.11.1994.
Các thao tác trên Tài liệu