Khi chính quyền mượn lời “đối thoại với Bùi Tín”...
Hồ sơ
Khi chính
quyền mượn lời
“đối thoại với Bùi Tín”...
Tài liệu 1: Tạp chí Cộng sản (tháng 10.94)
Đối thoại với Bùi Tín
(Điểm sách “Mặt thật” của Bùi Tín)
Lời người biên tập:
“Đối thoại với Bùi Tín " là đầu đề một bức thư gửi Bùi Tín từ California (Mỹ), ngày 2.2.1994 của ông Trần Văn Anh (cựu sĩ quan quân lực Việt Nam cộng hoà). Trong bức thư này, ông Trần Văn Anh với cách nhìn của mình đã đưa ra ý kiến có tính chất tranh luận với một số luận điểm của Bùi Tín nêu ra trong cuốn sách Mặt thật (nhà xuất bản Saigon Press, in tại Pháp, 1993). Mặc dù có nhiều vấn đề chúng tôi không nhất trí với ông Trần Văn Anh (chẳng hạn ông đặt Cộng sản bên cạnh Công giáo để so sánh, cho rằng kể từ năm 1945 tới nay, trên đấu trường chính trị ở Việt Nam chỉ có hai thế lực đối chọi nhau là Công giáo và Cộng sản; Mỹ chỉ là kẻ bị Vatican và Ngô Đình Diệm lợi dụng lôi kéo vào cuộc chiến tranh với Việt Nam; rằng cả Công giáo và Cộng sản đều có rất nhiều tội lỗi, v.v...), nhưng để bạn đọc thấy rõ thêm tư tưởng và nhân cách của Bùi Tín, chúng tôi xin trích đăng một số đoạn trong bức thư này (vì khuôn khổ Tạp chí có hạn).
Cũng xin nói thêm: người gửi cho chúng tôi bức thư này là ông Nguyễn Văn Sôi, địa chỉ: 177 Libbett AVC, Clayton Sonth VIC 3721, Australia [chúng tôi giữ nguyên các lỗi chính tả của tạp chí Cộng Sản, chú thích của Diễn Đàn].
Chúng tôi xin cảm ơn tác giả Trần Văn Anh và ông Nguyễn Văn Sôi.
Thân gửi anh Bùi Tín,
Lần đầu tiên tôi được biết đến Bùi Tín là qua tập phim Vietnam: A Television H istory. Lúc đó Bùi Tín trông hơi ốm, ăn nói nhỏ nhẹ, có cảm tình với người xem.
Sau khi Bùi Tín bỏ Việt Nam qua Pháp, rồi xuất bản cuốn Hoa xuyên tuyết, tôi lại nhìn thấy hình Bùi Tín, có mập hơn đôi chút. Đọc hết cuốn Hoa xuyên tuyết, tôi tự nói với tôi: Bùi Tín đã bỏ Đảng đi “tìm tự do’, nhưng ít ra anh đã không nói xấu hoặc chửi bới những người đang cùng cộng tác với anh trong suốt mấy chục năm qua hoặc các cấp trên của anh. Bởi vì thói thường khi người ta đi tìm một “minh chủ” mới, người ta thường nói xấu những “minh chủ” cũ để tỏ ra rằng mình đã dứt khoát, để được đón nhận một cách ít ngờ vực hơn! Bùi Tín còn giữ được một chút khí tiết, kể cũng đáng phục. Tuy nhiên, đó chỉ là sự đánh giá của một số người ở hải ngoại. Còn đa số những kẻ vong bản ở hải ngoại quyết “chống cộng” tới người cuối cùng (chống bằng mồm dĩ nhiên), thì lại đả kích Bùi Tín thậm tệ, cho rằng Bùi Tín là kẻ trá hàng, thấy cộng sản Đông Âu sụp đổ nên bỏ cộng sản để hàng phục bọn chúng hầu hy vọng có một chỗ đứng trong một tương lai mới. Tôi thấy thương Bùi Tín quá! Bùi Tín đã từng là kẻ chiến thắng, hiên ngang vào dinh Độc Lập nhận sự đầu hàng vô điều kiện của tướng Dương Văn Minh, nay bị chúng đánh giá hỗn xược như vậy chắc không khỏi đau lòng.
Tuy nhiên bước chân đã lỡ, không biết sẽ phải làm gì hơn!
Cho đến khi Bùi Tín xuất bản cuốn Mặt Thật để kể ra hết những cái xấu xa của chế độ cộng sản miền Bắc và cổ võ cho nhóm Dân chủ đa nguyên của Nguyễn Gia Kiểng thì tôi lại thấy thương Bùi Tín hơn nhiều.
Bùi Tín biết rất nhiều chuyện ở miền Bắc và anh đã viết ra hết những điều anh trông thấy và nghe thấy..., tuy rằng anh nhấn mạnh ở những lầm lỗi của những nhà lãnh đạo miền Bắc hơn là những công lao của họ đã để cả cuộc đời vào tù ta khám để cố giặt lại chủ quyền cho dân tộc, chấm dứt nạn nô lệ thực dân sau gần một thế kỷ bị đô hộ. Người đọc sách tìm thấy sự cố ý của tác giả ở điểm này... Sự đánh giá của anh có đúng hay không là điều lịch sử sẽ phân tách khách quan.
Tôi là một người sanh ra ở miền Trung nhưng trưởng thành ở miền Nam. Tôi đã từng cầm súng chiến đấu trong quân đội miền Nam gần hai mươi năm, thương tích cũng nhiều. Tôi đã được dạy rằng cầm súng chiến đấu như vậy là để chống cộng sản độc tài, để xây dựng tự do dân chủ cho quê hương. Nhưng đến khi tôi được biết rằng cái lý tưởng mà họ gán ghép cho tôi chỉ là nguỵ tạo, che đậy cho biết bao âm mưu đen tối, thì cả tuổi thanh xuân của tôi đã không còn. Nhìn lại quê hương suốt bao nhiêu năm chinh chiến điêu linh tôi chỉ còn biết khóc...
Anh Bùi Tín thân mến,
... Bùi Tín có thể nói với tôi rằng: tôi bỏ cộng sản để ra ngoại quốc, nhưng tôi đâu có theo Công giáo. Tôi chủ trương xây dựng tự do dân chủ cho đất nước theo phương thức dân chủ đa nguyên đấy chứ!
Thú thực, những điều anh nói đã có nhiều người làm trước anh từ lâu rồi. Tôi biết họ là những người yêu nước thực sự. Họ có tài có đức hơn anh nhiều. Họ có lý tưởng thật cao... Nhưng việc làm của họ không đi đến đâu. Có người chết cho lý tưởng của họ. Có người chán nản bỏ về vui thú điền viên.
Ở ngoại quốc, ... khối dân chủ đa nguyên của Nguyễn Gia Kiểng cũng chỉ là một công cụ của công giáo mà thôi. Họ viết ra một cương lĩnh dân chủ đa nguyên thật hay, thật là hấp dẫn, thật là dân chủ, thật là yêu nước. Tôi đọc bản cương lĩnh đó cũng phải mê. Nhưng đó cũng chỉ là công cụ để cướp chính quyền mà thôi. Bởi khi chưa có chính quyền trong tay thì người Công giáo thường chê trách người cộng sản là không có tự do dân chủ, làm như chỉ có họ là những nhà vô địch xây dựng tự do dân chủ. Nhưng khi họ nắm được chính quyền rồi thì lại khác hẳn. Cương lĩnh đó chỉ còn là một tờ giấy lộn. Miền Nam Việt Nam trước kia chẳng có một hiến pháp hết sức hay đẹp đó sao? Và Ngô Đình Diệm đã thi hành hiến pháp ra sao? Chắc tôi khỏi cần nhắc lại.
Thì ra cái cương lĩnh dân chủ đa nguyên đó chỉ là một phương tiện để lừa bịp. Họ đã lừa được khá nhiều người, kể cả những tay cự phách như Trần Thanh Hiệp, như Nguyễn Ngọc Huy, như Bùi Tín. Như vậy, thật không lạ khi họ lừa bịp được các em sinh viên du học ở Tiệp, ở Đức, ở Nga. Những người này vẫn bất mãn với đảng cộng sản, nay họ viết báo ca tụng Ngô Đình Diệm làm tôi buồn cười quá! Chẳng khó khăn gì khi họ lừa bịp được những người trong nước chưa có cơ hội biết nhiều về họ... Những người này dù lật đổ được cộng sản cũng không nắm được chánh quyền. Một cái bánh vẽ có thể lừa được mấy trăm triệu người thì nếu ta có bị lừa cũng đừng nên buồn... Bởi vì tôi cũng có thể hứa với Bùi Tín, nếu Bùi Tín theo tôi, làm nô lệ cho tôi, thì bao nhiêu tội lỗi của Bùi Tín tôi sẽ gánh giùm hết. Và lúc chết Bùi Tín sẽ được lên thiên đàng! Hứa như thế nào có khó khăn gì? Ai làm không được?
Anh Bùi Tín thân mến,
Công cuộc xây dựng tự do dân chủ ở Việt Nam có nhiều phức tạp chứ không giản dị như anh tưởng. Một đứa con nít cũng biết rằng “tự do dân chủ là tốt đẹp hơn độc tài”. Huống chi những nhà lãnh đạo của cả một quốc gia. Thế nhưng, khi tự do dân chủ được dùng như một khí giới để khuynh đảo, để lật đổ, thì họ phải dè dặt là dễ hiểu. Vả lại những kẻ hô hào cho tự do dân chủ, một khi họ nắm chính quyền rồi, họ lại độc tài hơn những người họ đã lật đổ thì sao? Biết bao xương máu và công sức của dân tộc Việt Nam đã đổ ra để giành lại chủ quyền, thoát ách đô hộ của thực dân, nay chúng ta lại muốn chui vào một ách nô lệ nữa sao ?...
Hiện nay ở Việt Nam tôi thấy có một hiện tượng đáng ngại là dân chúng Việt Nam, cả Nam lẫn Bắc, ngưỡng vọng người Mỹ nhiều quá. Họ mê Mỹ quá rồi! Họ mê đồng đô la Mỹ, mê âm nhạc Mỹ, mê cách sống Mỹ, mê cả những Việt kiều ở Mỹ về! Họ mê côca côla Mỹ, mê thuốc lá Mỹ! Người Mỹ đã thành công trong công cuộc chuyển hoá nhân tâm của người Việt, kể cả một số lớn đảng viên cộng sản và họ đã đi được một phần ba trên đường khuynh đảo. Các đài phát thanh quốc tế như đài BBC, Anh Quốc, đài Pháp Quốc tự do, đài Tiếng nói Hoa Kỳ, đài Á châu tự do đều là những công cụ giúp Mỹ trong công cuộc chuyển hoá nhân tâm này. Sách lược của họ là nói thật một trăm điều, nhưng lâu lâu chỉ nói láo một điều thôi, là người ta sẽ bị mắc lừa vào câu nói láo này ngay!...
Sách lược xâm lược này đã đến độ tinh vi không thể tưởng tưởng được. Việc làm nào không đánh giá đúng mức đều có thể là tai hoạ. Thí dụ việc viện trợ thuốc trừ sâu nhằm giúp cho nông nghiệp của các quốc gia kém mở mang, tưởng là một hành động hào hiệp. Thực chất chỉ là việc loại bỏ những hoá chất độc hại không được phép dùng trong nước, nay đem cho các nước khác! Một cuộc hành quân cứu đói được Liên hiệp quốc cho phép, nhưng thực chất là một cuộc xâm lược để nô lệ hoá như ở Somalia, đến nỗi ngay cả những người đói cũng đành phải cầm súng đứng lên để đẩy lùi cuộc xâm lăng. Ngay cả những hành vi nhân đạo cũng có đầy hậu ý...
Anh Bùi Tín thân mến,
Tôi xin lỗi đã lang bang nói nhiều ra ngoài chủ đề của bức thư này. Nhưng tôi quả tình vẫn tin tưởng ở một tương lai xán lạn của quê hương. Nhiều Việt kiều du lịch về nói rằng Việt Nam đang ở trong tình trạng phát triển rất mạnh. Công cuộc xây dựng rầm rộ ở khắp mọi nơi, vì ở trong nước đã có không khí cởi mở hơn trước... Và chắc chắn chẳng bao lâu Việt Nam sẽ trở thành một con rồng Á châu giống như năm con rồng hiện nay...
Anh Bùi Tín thân mến,
Thơ đã dài, tôi muốn chấm dứt ở đây. Chắc anh cũng thắc mắc là tôi muốn so sánh những điều anh viết về Cộng sản miền Bắc với những điều tôi viết về Công giáo miền Nam để làm gì? Nếu phải chọn giữa Cộng sản và Công giáo thì tôi phải chọn ai? Thật là khó cho tôi!
Chọn Công giáo ư? Tôi đã biết quá nhiều về họ với những giáo lý bịp bợm, những hành động tàn ác phản dân hại nước suốt bao năm qua.
Chọn Cộng sản ư? Tôi đã cầm súng chống lại họ suốt gần hai mươi năm. Tôi đã từng bị Cộng sản cầm tù nhiều năm. Tôi đâu có ưa gì Cộng sản. Nhưng đấy chỉ là trường hợp cá nhân của tôi. Tôi không để cho những tức khí nhất thời làm sai lạc những nhận định của tôi về dòng lịch sử của dân tộc, về những nguyên nhân của nỗi thống khổ của quê hương suốt hơn một trăm năm qua, về vấn đề đâu là cứu nước, đâu là bán nước.
Tôi đã quá già không còn chọn lựa được nữa. Nhưng tôi muốn nhờ anh qua bức thơ này nói dùm với các bạn trẻ hai điều:
– Thứ nhứt: các bạn sẽ là những nhà lãnh đạo tương lai của nước Việt Nam. Các bạn phải hết sức cẩn thận vì những mưu đồ thâm độc nguỵ trang dưới những hình thức hết sức tinh vi. Các bạn phải chịu khó đọc sách nhiều và luôn luôn ghi nhớ những bài học của lịch sử.
– Thứ hai: Dù các bạn muốn theo một con đường nào mà bạn cho là hay nhất, tốt đẹp nhất, dù bạn có tôn thờ một giáo điều nào, dù lý tưởng có tuyệt vời cách mấy đi chăng nữa thì con đường đó, lý tưởng đó, giáo điều đó cũng phải đặt dưới quyền lợi và danh dự của Tổ quốc Việt Nam.
Đó là những điều tâm huyết tôi muốn nói với các bạn. Còn riêng tôi chỉ còn có một ước vọng: Đó là tôi sẽ trở về, tôi sẽ trở về một mai được chết trên mảnh đất quê hương.
Xin cảm ơn anh Bùi Tín
Thân ái,
Trần Văn Anh
(Cựu sĩ quan QLVNCH)
Các thao tác trên Tài liệu