Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 36 / Giang Trạch Dân thăm Việt Nam

Giang Trạch Dân thăm Việt Nam

- Hoà Vân — published 01/01/2011 00:55, cập nhật lần cuối 13/05/2011 22:31

Giang Trạch Dân thăm Việt Nam


Hoà Vân



Từ Jakarta (Inđônêxia), chủ tịch Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã ghé Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19.11 trước khi bay ra Hà Nội, chính thức mở đầu cuộc “viếng thăm hữu nghị” Việt Nam trong những ngày 20-22.11.1994. Các quan chức Trung Quốc giải thích rằng việc ông Giang ghé Thành phố Hồ Chí Minh trước là vì lý do liên quan tới giờ bay từ thủ đô Inđônêxia. Cùng đi với ông có ngoại trưởng Tiền Kỳ Thâm, bộ trưởng thương mại Wu Yi (Ngô Nghĩa?) và hơn 130 quan chức cao cấp của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và là lần thứ hai một chủ tịch nước Trung Hoa tới thăm Việt Nam. Lần trước chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Hà Nội năm 1963, giữa lúc quan hệ hai bên còn “thắm thiết”.

Tại Hà Nội, chủ tịch Giang Trạch Dân đã được tổng bí thư Đỗ Mười, chủ tịch Lê Đức Anh tiếp đón tại phủ chủ tịch, và cũng đã hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ngoài ra, ông còn đã gặp cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Hà Nội và cựu tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, trong các cuộc hội đàm giữa các vị nguyên thủ hai nước, hai bên đã “đồng ý phải làm nổi lên những quan điểm chung, tìm những thoả thuận và không để những bất đồng ngăn cản việc phát triển các quan hệ hữu nghị” (dịch từ bản tiếng Pháp của Reuter 20.11). Tuy nhiên, việc giải quyết những tranh chấp về biên giới và lãnh hải đã là đề tài quan trọng trong cuộc hội đàm giữa các ngoại trưởng hai nước. Cùng trên trang nhất tờ Nhân Dân ngày 20.11, dưới chân dung của chủ tịch Trung Quốc, còn có ảnh bộ đội Trường Sa... Trong cuộc tiếp xúc với các nhà báo sau hội đàm, ông Tiền Kỳ Thâm cho biết Trung Quốc và Việt Nam đã thoả thuận thành lập một nhóm chuyên viên về vấn đề biên giới trên biển “ngay khi có thể được”, để chuẩn bị cho những cuộc thương lượng về vấn đề này. Thông cáo chung sau chuyến đi đã nhắc lại hai bên cam kết tôn trọng các “nguyên tắc cơ bản” được ký kết hồi này năm ngoái *

Trong khi chờ đợi, hai nước đã quyết định phát triển các quan hệ kinh tế và thương mại trên cơ sở “hai bên cùng có lợi”. Ba hiệp định đã được ký kết để “lập lại trật tự” trong các trao đổi thương mại: một về sự thiết lập một uỷ ban mậu dịch hỗn hợp, một về sự kiểm soát chất lượng hàng hoá và chống làm hàng giả, và một về giao thông đường bộ. Từ khi biên giới hai nước được mở lại năm 1991, trao đổi thương mãi giữa Việt Nam và Trung Quốc lên đến 500 triệu đôla mỗi năm, chưa kể khối lượng hàng lậu hai chiều được ước tính cũng xấp xỉ ngang số đó. (AFP, Reuter 18-22.11.1994)


Bình luận


Giải thích của phía Trung Quốc về việc Giang Trạch Dân ghé thành phố Hồ Chí Minh trước khi ra Hà Nội thật khó hiểu. Chuyên cơ của chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa không đủ sức bay thẳng từ Jakarta tới Hà Nội? Dầu sao thì chặng đường cũng đã cho phép chủ tịch Trung Quốc gặp các Hoa kiều ở Chợ Lớn trước khi gặp người đứng đầu cuộc “vận động chống tư sản” chĩa vào họ năm xưa. Vài ngày trước đó, dưới áp lực của Inđônêxia, ông Giang đã dịu giọng tuyên bố ở Jakarta là sẽ không sử dụng lực lượng Hoa kiều để gây khó dễ cho các nước trong vùng.

Ít ra là trên bề mặt, tuyên bố này cần được ghi nhận như một thay đổi quan trọng về một chính sách lớn của Trung Quốc từng (và chắc còn tiếp tục) làm cho nhiều nước Đông Nam Á lo ngại. Một thay đổi khác, vào giờ chót, tại hội nghị APEC ở Bogor, ngày 15.11, đã được các nhà quan sát chú ý: Sau khi đã tích cực hỗ trợ Malaixia trong sự từ chối những đề nghị của Hoa Kỳ đặt một hạn định cho việc mở ra vùng mậu dịch tự do châu Á - Thái Bình Dương (năm 2010 với một số nước, và năm 2020 cho tất cả; thời hạn này cho phép các nước chuẩn bị để có thể bãi bỏ hàng rào thuế quan trong trao đổi thương mãi liên quốc gia trong vùng), Trung Quốc đã chấp nhận đề nghị này.

Song, đối với Việt Nam, thay đổi có thể có ý nghĩa hơn là sự thừa nhận cần thương lượng về vấn đề các quần đảo trên biển Đông. Trung Quốc cho tới nay vẫn thản nhiên tuyên bố là không có vấn đề này, vì đây là các đảo của Trung Quốc, không có gì để bàn cãi! Có thể, vì sự thành lập các tổ chuyên viên chưa phải là đàm phán, và đàm phán chưa phải là giải quyết vấn đề! Các cuộc đàm phán về biên giới trên đất liền và trên vịnh Bắc bộ chẳng đã kéo dài từ một năm nay đó sao?

Nhưng, hãy cứ tạm ghi nhận như thế. Câu hỏi đặt ra là: vì đâu? Hiển nhiên, không vì một sự “hào phóng” nào. Sự tích cực chuẩn bị gia nhập ASEAN của Việt Nam, sự tiếp nhận Việt Nam của các nước trong vùng, đều liên quan tới mối lo ngại chung của tất cả đối với thái độ trịch thượng nước lớn đó của Trung Quốc. Và điều đó, ngược lại, đã đưa được quan hệ Việt - Trung ra khỏi một khuôn khổ hoàn toàn song phương (và dĩ nhiên là bất bình đẳng!), đặt được nó vào quỹ đạo mới của các quan hệ quốc tế rộng lớn hơn. Chỉ cần nghe ngoại trưởng Tiền Kỳ Thâm nhấn mạnh trước các nhà báo tại Hà Nội ngày 22.11 là Trung Quốc và Việt Nam đủ sức để giải quyết các cuộc tranh chấp của mình”, loại các nước khác ra ngoài, là đủ thấy về phần mình Trung Quốc không thích thú lắm với một nước Việt Nam độc lập có nhiều quan hệ quốc tế, là điều kiện góp phần bảo vệ cho nền độc lập ấy.

Nhân chuyến đi của chủ tịch Giang Trạch Dân, nhiều nhà báo nhắc lại chuyến đi thăm Việt Nam của cố chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ năm 1963, khi hai nước còn “môi hở răng lạnh”. Nhưng không mấy ai nhắc lại là vào thời ấy, cuộc tranh chấp giành quyền lãnh đạo trong phong trào cộng sản quốc tế đang gay gắt, và Việt Nam Dân chủ cộng hoà là một “đồng minh” tiềm thể có uy tín không nhỏ trong các nước “thế giới thứ ba”, và do đó Việt Nam đáng cho Lưu chủ tịch bỏ công đi thăm. Đâu phải ngẫu nhiên mà, cũng trong năm 1963, “nghị quyết IX” bí mật khẳng định đường lối đối nội và đối ngoại của ta thống nhất về cơ bản với Trung Quốc”, như ông Hoàng Minh Chính tiết lộ sau này (xem Diễn Đàn số 23, tháng 10.1993)? Hơn 30 năm sau, vì lý do gì các nhà lãnh đạo Bắc Kinh quyết định rằng ông Giang nên “du Việt Nam”? Nhất là chỉ để nói tất cả mà chẳng nói gì hết”, như một phóng viên AFP tại Hà Nội nhận định?

Câu hỏi cần được nêu ra. Một nhà báo khác dùng chữ chủ nghĩa thực dụng” để nói về nội dung các cuộc đàm phán được công bố trong thông cáo chung, rằng các nhà lãnh đạo hai nước đã dành ưu tiên cho việc giải quyết các vấn đề kinh tế. Trong chiều hướng đó, ba hiệp định được ký kết nhằm lập lại trật tự trong trao đổi thương mãi giữa hai nước, vì hàng lậu vào ra hơi nhiều. Làm như đích thân chủ tịch nước Trung Hoa vĩ đại phải cất công đi ngàn dặm đường để đạt được kết quả cò con ấy. Chuyện đùa, dĩ nhiên. Vậy câu trả lời ở chỗ khác. Một phản hoả tiễn mới để đưa “đồng minh” cũ quay lại quỹ đạo xưa? Hình như không phải thế, tuy chắc là có những nhân vật này, khác trong giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng nối lại tình cũ duyên xưa. Không thấy những lời văn hoa, bay bổng, ngợi ca. Âm hưởng của những cuộc đụng độ, tàn sát, chưa tan hẳn. Nhưng, vẫn hình như, không phải thế mà vẫn là thế! Chuyện “đồng minh” là giữa hai ta, đâu cần nói toang ra. Thông cáo chung có thể “nói tất cả mà chẳng nói gì”, có sao đâu. Còn như, thế giới ghi nhận thiện chí của một Trung Quốc mới, hết sức tìm những phương cách hoà bình để giải quyết các mối tranh chấp, kể cả đối với kẻ “bạc tình, bạc nghĩa nhất”, thì cũng ghi nhận sự uyển chuyển ngoại giao của các “đồng chí” (chữ dùng hiện nay của Hà Nội), có hại gì...

Thực dụng? Câu trả lời không dễ, và chuyện ngoại giao không phải luôn luôn có thể trong suốt. Cũng không sao. Trung Quốc là nước láng giềng gần gũi, với những mối liên hệ lịch sử rất lâu đời với nước ta, một nước láng giềng lớn đòi hỏi mọi nhà nước Việt Nam phải quan tâm tìm hiểu, để có thể gầy dựng những mối quan hệ hoà bình tốt đẹp. Việc tiếp đón một nguyên thủ của nước láng giềng dĩ nhiên là bình thường và cần thiết. Vấn đề ở đây là, giữa những người quan tâm tới công tác ngoại giao bình thường và cần thiết ấy, để gìn giữ độc lập hoà bình cho đất nước, với những người đi tìm lại một “đồng minh” chỉ để gìn giữ thể chế đặc quyền đặc lợi của mình, bất kể những đòi hỏi đổi thay của nhân dân, ai sẽ là người cầm được lèo lái?


Hoà Vân




*Chúng tôi thêm ba chữ nghiêng này vào bản báo giấy, mà do sơ sót dàn trang đã bị mất mấy chữ. Ngày 19-10-1993, tại Hà Nội, Thứ trưởng bộ ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền và thứ trưởng bộ ngoại giao Việt Nam Vũ Khoan đã ký thoả thuận “về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ” Việt Nam – Trung Quốc.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us