Thư gửi Trần Văn Anh
Tài liệu 2
Thư gửi Trần Văn Anh
Thân gửi anh Trần Văn Anh!
Tôi không rõ anh là ai ngoài cái danh xưng “Cựu sĩ quan QLVNCH” cùng cái địa chỉ California, chỉ biết bức thư “Điểm sách MẶT THẬT, Đối thoại với Bùi Tín” của anh đang được chuyền tay nhau khá rộng rãi ở trong nước, đặc biệt là trong giới cán bộ, đảng viên, hưu trí chúng tôi... tức là trong giới những người vốn là thù địch của anh trước đây, mà ngay đến bây giờ, theo chỗ tôi biết thì cái hố sâu ngăn cách ấy cũng chưa dễ gì lấp ngay đi được. Thế là một điều lạ!
Trong thư ấy, anh nói anh “đâu có ưa gì Cộng sản”, anh gọi những người Cộng sản là những kẻ giết người, độc tài, tham nhũng! Vậy thì trước sau anh vẫn là một người chống cộng. Nhưng không hiểu sao đọc thư ấy chúng tôi lại cảm thấy mình thu hoạch được một cái gì đó, giải toả được phần nào ẩn ức bấy nay, cái ẩn ức mà tất cả các nhà lý luận trong nước ở cả hai phía dân chủ và bảo thủ đều chưa giải toả được cho chúng tôi. Ấy lại càng là một điều lạ!
Nhưng điều lạ này có thể cắt nghĩa được.
Thật vậy, những cán bộ và trí thức của chúng tôi ở trong nước như Phan Đình Diệu, Hà Sĩ Phu, Lữ Phương, Nguyễn Hộ... (và nhiều người khác nữa) đã viết nhiều bài lý luận hoặc góp ý, họ nói nghe rất có lý, và có tình nữa, nhưng rốt cuộc vẫn không tránh được cái nhược điểm chung là làm yếu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản, dẫn đến đa nguyên, mà đa nguyên là mất ổn định chính trị, mất ổn định thì phát triển đâu chưa biết, chỉ biết rằng những người như các anh mà trở về thì ắt chúng tôi không yên, chỉ cần ví dụ một điều thiết thực là lương hưu của tôi thì ai trả, cái nhà tôi vừa được “hoá giá” này có bị đòi không? Thế là cái lý bên ngoài thì thông mà cái tình bên trong vẫn tắc.
Ngờ đâu chính bức thư của anh lại làm chúng tôi yên tâm. Thư anh viết dài và rất nhiều chi tiết còn phải thảo luận, nhưng cái mạch chính của nó lại rất sáng: theo anh, trên bàn cờ chính trị của Việt Nam chỉ có hai đối thủ là Công giáo và Cộng sản, dứt khoát không thể có nhân tố thứ ba nào khác cả! Cả hai đều chẳng ra gì, nhưng trong hai cái xấu thì đương nhiên ta phải chọn cái ít xấu hơn, anh đã khéo léo giúp chúng tôi chứng minh cái ít xấu hơn ấy là Cộng sản! Thế là ổn thôi! Bài toán đã được giải! Cứ chửi cho thậm tệ vào để dân nghe cho thoả, nhưng làm chứng giúp cho rằng cái ghế của tôi đang ngồi đây là do cụ Lịch Sử đóng riêng cho tôi. Ấy thế mới đáng là bậc tri âm. Ngày nay chúng tôi cũng chẳng cần tự khen mình, bởi như các cụ xưa nay vẫn dạy: “bụng ai mà không có c...!”, vấn đề là chọn cái bụng nào đỡ thối hơn! Cái lý luận của anh thế mà chí lý, tôi cứ nói trắng ra thế để khỏi phải màu mè, có gì xin anh thứ lỗi, miễn hiểu bụng nhau là quí, phải không thưa anh Trần Văn Anh? Cái lý luận ấy chúng tôi có thể cũng đã nghĩ tới nhưng chẳng lẽ lại tự mình muối mặt mà nói toẹt ra ư, nhất là trong lúc mình đang cần phải đề cao đạo đức!
Bức thư của anh làm chúng tôi khám phá ra một sự bất ngờ: Đấy, một sĩ quan của QLVNCH ở Mỹ mà chẳng làm phương hại gì đến thể chế Cộng sản (quả thực cũng có xúc phạm một chút đến danh dự, nhưng để đổi lấy sự ổn định thì sự hi sinh ấy có đáng gì), trong khi ấy thì nghe sự lý giải của mấy vị trí thức trong nước của chúng tôi, chúng tôi lại thấy lo lắng, không thể yên tâm! Như vậy thì những cái “diễn biến hoà bình” ở nước ngoài không phải là đáng ghét cả, có cái xem ra chẳng những xài được mà còn nên xúc tiến là khác! Nghe nói cái ông Derrida nào đó là tay rất phi mác-xít xưa nay, nhưng bây giờ ông ta nói điều có lợi cho chúng tôi, chúng tôi đề cao ngay, rất sòng phẳng, có vấn đề gì đâu? Kinh tế thị trường mà, chúng tôi sẵn sàng làm bạn với tất cả mọi người! Còn những anh nào đó, là “con đẻ” chứ thậm chí là “bố đẻ” đi chăng nữa mà gây rắc rối cho định hướng của chúng tôi thì chúng tôi cũng phải đề cao cảnh giác, thế mới là hợp lý hợp tình chứ? Chỗ này thì chúng tôi lại phải chuyên chính! mà nước nào chẳng vậy, đã ở đâu có dân chủ đích thực đâu, phải không thưa anh?
Tôi thích nhất cái đoạn anh viết về số phận tất yếu của những lực lượng thứ ba, không chịu Công giáo mà cũng không chịu Cộng sản. Anh nói thẳng với Bùi Tín: “ Đã có nhiều người làm trước anh từ l âu rồi. Tôi biết họ là những người yêu nước thực sự. Họ có tài có đức hơn anh nhiều. Họ không yêu Cộng sản và chán ghét Công giáo đến cực độ. Nhưng việc làm của họ không đi đến đâu, vì họ bị cả hai thế lực đánh phá tan tành. Có người chết cho lý tưởng của họ. Có người chán nản bỏ về vui thú điền viên”.
Tóm lại, một cách hùng hồn anh đã chỉ ra được cái chân lý: không chịu “ Công” mà cũng không chịu “Cộng” thì chuốc lấy số phận bi thảm, nhưng có chết với “ Cộng” thì cũng đỡ bi thảm hơn! Chẳng hạn như mấy chục vạn sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ có bị nghiền lép bép dưới xích xe tăng của quân đội nhân dân anh hùng thì linh hồn của họ cũng còn được an ủi, khi hiểu rằng chính cái thịt nát xương tan của họ đã làm nên cái ví dụ tươi rói được ghi vào cẩm nang, rằng lãnh đạo có sáng suốt và kiên quyết trấn áp kịp thời thì chính trị mới ổn định được. Để giúp mọi người so sánh, anh đã viết: “ So với Công giáo thì Staline và Mao Trạch Đông cũng chỉ là những kẻ tập giết người”, nhưng nói thế e mọi người sẽ cảm thấy được nới lỏng mà sinh ra tấp tểnh vô kỷ luật nên phải nhắc nhở: “Một định luật của khối Cộng sản là: nếu từ bỏ chuyên chính thì họ chết ngay!”(xin nhắc vậy để các người đừng có ảo tưởng mà sinh ra lộn xộn!). Quả thật anh rất chu đáo.
Riêng ở nước ta thì tôi thấy nên bổ sung thêm rằng: Nhiều người Việt Nam khôn ngoan và hiểu biết, cũng khinh ghét cả Công lẫn Cộng (vì cũng là C... như nhau cả), nhưng họ không hâm như các bậc tiền bối mà anh vừa kể, họ kiên cường nuôi chí phục thù, họ quyết tâm diệt cả hai điều ác ấy bằng cách lao thẳng vào con đường... “làm giàu” (dĩ nhiên là “ chính đáng”) để tìm cho mình một vị trí trên mình Con Rồng tương lai, hoặc anh nào kém tài thì quyết tâm tiến công vào Khoa học kỹ thuật và Thần học! Có thể đây là kết đọng tinh tuý giữa cái đạo đức cổ truyền và trí tuệ hiện đại của người Việt mình chăng?
Một đồng chí lãnh đạo của tôi, khi chuyển cho tôi bức thư gửi Bùi Tín của anh, cứ cẩn thận dặn đi dặn lại một điều: Trong này có nhiều ý hay, có thể tham khảo, nhưng phải cẩn thận kẻo làm mang tiếng cho chính sách tôn trọng tín ngưỡng của Đảng, mặc dù đây là người khác nói chứ có phải mình nói đâu!
Xem xong, tôi lại đưa cho mấy người bạn thân, phần đông họ nghĩ như tôi. Duy có một anh, xưa nay ít bộc lộ, thì bỗng nhiên phản ứng đến độ làm tôi sửng sốt. Anh ta bảo: “Trong quá khứ nếu nói đó chỉ là sự tranh hùng của Cộng sản và Công giáo là nhắm mắt nói bừa; trong tương lai mà khẳng định vẫn chỉ có một trong hai cái ấy thì đấy là tâm địa chó săn hoặc lý luận cò mồi, hoặc nếu không thì đó là phản ứng của một lực lượng chính trị hoặc tôn giáo nào đấy có mặc cảm thấy mình bị gạt ra bên lề của tiến trình lịch sử dân tộc, ghen tị hoặc sợ hãi trước sự liên kết của những cái thiện và như vậy thì vô tình hay cố ý đã giúp cho sự bảo tồn cái ác! Đây không phải là cách nhìn của người thực tâm xuất phát từ lập trường dân tộc mà từ một chỗ đứng cục bộ, nhằm bài bác một chỗ đứng khác! Đây không phải tiếng nói của hoà hợp và liên kết, tìm đến với nhau; mà là tiếng nói của nghi kỵ và ly tán! Một phát tên mà bắn cả ba, bốn con chim để bảo vệ rất khéo cho một con cò! Tại sao chỉ được chọn trong phạm vị hai cái xấu, mà không dám tạo cho mình một cái thứ ba xán lạn, đàng hoàng hả? thưa dân tộc anh hùng khốn khổ của tôi?...”.
Thấy giọng anh ta như muốn khóc, tôi phải đấu dịu: Thôi, gác cái lý sang một bên! cứ theo cái tình con người thì các cụ đã dạy “ăn cây nào thì phải rào cây ấy”, nói thế sẽ đơn giản hơn!
Bị câu nói đầy tình nghĩa ấy của tôi điểm huyệt, anh bạn kia lặng hẳn đi, không còn hăng hái nữa, đến một phút sau mới giơ hai bàn tay thua cuộc lên trời, lắp bắp mấy câu rất tội nghiệp:
Giời cao đất dày ơi... Trung thành với kẻ... cho mình ăn, thì... đấy là... triết lý của... con... khuyển! Đó là... sự trung thành của... kẻ phản bội! Hôm nay ông cho tôi ăn thì tôi xoắn xuýt với ông, ngày mai có kẻ cho tôi ăn miếng ngon hơn thời tôi lại phải uyển chuyển vẫy đuôi theo nó chứ biết làm sao được... hả giời?
Thưa anh Trần Văn Anh, hy vọng câu chuyện của tôi với anh bạn kia không làm anh khó chịu, ngay những người quen thói gia trưởng nhất bây giờ cũng đã học được cái nết kiên nhẫn. Công việc tư tưởng thì cốt nhất phải lấy điều đạo đức mà răn dạy, nhưng khi cần cũng phải biết chơi bài ngửa, nói toạc móng heo ra, có khi bẩn thỉu một chút nhưng lại được việc, cứ phải uyển chuyển!
Đối với những người xốc nổi như anh bạn tôi trên kia có lúc phải nhờ người đe nẹt, nhưng nói chung vẫn cứ phải mềm. Họ tốt thôi, nhưng họ nóng vội, họ tưởng là ở trên đời đã có dân chủ thật rồi nên cứ đòi cho kỳ được. Họ ngây thơ như trẻ con ấy. Cho nên muốn dạy họ thì phải có mẹo, anh đồng ý với tôi chứ, mà bức thư như của anh đã giúp chúng tôi rất nhiều. Lúc nào có thể, xin anh lại viết thư, kể những chuyện mắt thấy tai nghe về cái sự thiếu dân chủ, mất nhân quyền ở Mỹ, sự lục đục ở Đông Âu để cho những người như anh bạn tôi có thể so sánh mà nhận ra cái may mắn vô giá là đã được tạo hoá ưu tiên cho rơi vào cái mảnh đất cong cong hình chữ Ét-xì mà họ đang sống đây, và họ sẽ thấy hạnh phúc.
Nhân danh cái hạnh phúc của mọi người, xin cảm ơn anh rất nhiều.
Sài gòn ngày 9 tháng 9 năm 1994
Kính thư
CHIẾN BINH
(Một cán bộ hưu trí)
Các thao tác trên Tài liệu