Tin tức
Tin tức
Hội nghị Paris các mạnh thường quân
Tiếp theo Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam tháng 11.1993 (xem Diễn Đàn số 25), các nước và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị tài trợ cho Việt Nam năm nay, họp trong hai ngày 15 và 16 tháng 11 vừa qua tại Paris, lại đã cam kết viện trợ không hoàn lại hoặc cho vay nhẹ lãi tổng cộng là 2 tỉ đôla để tài trợ các dự án phát triển của Việt Nam trong năm 1995, mặc dầu trong số 1,86 tỉ đôla viện trợ năm ngoái, mới có 400 triệu được triển khai. Theo các chuyên viên của Ngân hàng thế giới (WB), nhiều dự án được thực hiện trong nhiều năm, do đó việc đưa vốn viện trợ vào thành nhiều kỳ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, một số nhân tố khác cũng cắt nghĩa những chậm trễ nói trên, như các thủ tục hành chính rườm rà, nạn tham nhũng và tình trạng yếu kém của bộ máy tiếp nhận và quản lý viện trợ.
Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm qua đã thuyết phục các nước mạnh thường quân rằng những trở ngại có thể được vượt qua, và Nhật Bản, nước đứng đầu với 555 triệu đôla năm ngoái, đã hứa tăng khoản viện trợ này lên khoảng 600 triệu đôla trong năm nay. Những nước cam kết góp vốn nhiều nhất sau Nhật vẫn như năm ngoái, là Nam Triều Tiên, Anh và Pháp, trong khi Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí chờ đợi.
Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, ông Võ Hồng Phúc, phó chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch nhà nước, tuyên bố Việt Nam rất hài lòng về kết quả của hội nghị, với số cam kết viện trợ tăng 10% so với năm ngoái. Theo ông, chính phủ Việt Nam trông cậy khoảng 10 tỉ đôla viện trợ quốc tế vào các kế hoạch phát triển kinh tế từ đây đến năm 2000.
Ngày 26.10, Ngân hàng thế giới đã công bố quyết định cho Việt Nam vay dài hạn (40 năm) 150 triệu đôla để hỗ trợ các cải tổ về kinh tế. Đây là lần cho vay thứ tư của WB đối với Việt Nam từ khi Hoa Kỳ ngừng phủ quyết các quyết định giúp Việt Nam của các định chế tài chính quốc tế.
Ngày 11.11, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã cho Việt Nam vay khoảng 535 triệu đôla để hỗ trợ chương trình kinh tế và tài chính của chính phủ Hà Nội trong 3 năm tới đây, trong đó 178 triệu có thể được sử dụng ngay. Trong khi đó, một khoản tín dụng 214 triệu đôla được IMF dành cho Việt Nam tháng 10.1993 đã được rút lại theo yêu cầu của Hà Nội.
Về phần mình, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã chấp thuận, đầu tháng 10.1994, một tín dụng nhẹ lãi 250 triệu đôla giúp Việt Nam nâng cấp hệ thống giao thông và thuỷ lợi.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, thống đốc Ngân hàng Quốc gia, Việt Nam dự tính vay mỗi năm khoảng một tỉ đôla trong ba năm tới, cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở và cải tổ kinh tế, trong đó, phần dành cho hạ tầng cơ sở chủ yếu sẽ thông qua các định chế tài chính quốc tế như WB, IMF, ADB. Trong một cuộc họp hàng năm của WB đầu tháng 10 tại Madrid, ông Kiêm cũng đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO), sẽ thay thế Thoả ước chung về Thuế quan và Mậu dịch (GATT) từ tháng 1.1995.
(AFP 6, 9, 12 và 26.10; 7, 11, 16 và 17.11.1994)
Thủ tướng Canada thăm Việt Nam
Từ hội nghị thượng đỉnh của APEC (diễn đàn về Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương) ở Bogor, Inđônêxia, thủ tướng Canada Jean Chrétien đã bay thẳng tới Hà Nội ngày 16.11, trong cuộc viếng thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của một vị nguyên thủ Canada. Cùng đi với ông là một phái đoàn hùng hậu 120 quan chức cao cấp, trong đó có ông Raymond Chan, thứ trưởng ngoại giao phụ trách Châu Á - Thái Bình Dương, nhiều nhà doanh nghiệp và nhà báo Canada. Bộ trưởng thương mại quốc tế Roy MacLaren, dẫn đầu một đoàn 33 nhà doanh nghiệp Canada khác, đã tới thăm Thành phố Hồ Chí Minh từ thứ hai 14.11, cũng đã bay ra Hà Nội nhập vào đoàn của thủ tướng Chrétien.
Cho tới nay, các quan hệ kinh tế, chính trị giữa hai nước còn ở mức thấp. Canada chưa có toà đại sứ ở Hà Nội và mới đứng thứ 18 trong những nước có đầu tư vào Việt Nam, với khoảng 70 triệu đôla. Chuyến đi của ông Chrétien rõ ra là một chuyển biến quan trọng trong chính sách của Canada đối với châu Á nói chung trước hội nghị APEC, ông cũng đã ghé thăm Trung Quốc và Hồng Kông và với Việt Nam nói riêng.
Trong buổi hội đàm với người đồng sự Việt Nam, ông Jean Chrétien đã nhấn mạnh với thủ tướng Võ Văn Kiệt những thế mạnh mà Canada có thể mang lại trong quan hệ với Việt Nam. Theo ông, Canada có thể giúp Việt Nam tiếp xúc với kỹ thuật Bắc Mỹ mà không vướng mắc những “vấn đề chính trị”. Mặt khác, sự đa dạng văn hoá cũng là một lợi điểm và Canada mong muốn giúp Việt Nam gìn giữ những quan hệ với những nước sử dụng tiếng Pháp. Canada cũng trông cậy trên khoảng 160.000 Việt kiều đã định cư tại đây để tăng cường các trao đổi thương mãi giữa hai nước.
Ngày thứ hai ở Hà Nội, ông Chrétien đã khánh thành toà đại sứ Canada, hội kiến với tổng bí thư Đỗ Mười và chủ tịch Lê Đức Anh, phó thủ tướng Phan Văn Khải, ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm và bộ trưởng thương mại Lê Văn Triết. Ông cũng đã nhắc lại Canada ủng hộ đơn gia nhập Tổ chức Mậu dịch Thế giới của Việt Nam.
Trong chuyến đi ba ngày này, Canada và Việt Nam đã ký kết hai hiệp định về kinh tế: một về sự dành cho Việt Nam điều khoản tối huệ quốc trong thương mãi, một về việc nhân gấp đôi quota hàng tơ sợi Việt Nam được xuất sang Canada; và một hiệp định về phát triển, theo đó Canada sẽ viện trợ thêm cho Việt Nam 36 triệu đôla canada (khoảng 27 triệu đôla Mỹ) trong năm 1995. Từ 4 năm nay, mỗi năm Canada dành cho Việt Nam 12 triệu đôla canada viện trợ phát triển. Ngoài ra, các nhà doanh nghiệp cùng đi với ông Chrétien đã ký nhiều hợp đồng đầu tư với trị giá tổng cộng khoảng 50 triệu đôla Mỹ, về dầu mỏ, trang bị viễn thông, v.v...
(AFP 16, 17 và 18.11.1994)
Pháp tăng cường sự có mặt ở Việt Nam
Tiếp theo các chuyến đi thăm chính thức Việt Nam của tổng thống Mitterrand (tháng 2.1993, xem Diễn Đàn số 17) và của nhiều bộ trưởng trong chính phủ Pháp từ ngày đó, nhất là của bộ trưởng kinh tế Edmond Alphandery (tháng 7.1994, xem Diễn Đàn số 33), chuyến đi của bộ trưởng ngoại giao Alain Juppé trong 4 ngày 22-25.11.1994 chứng minh một lần nữa vị trí quan trọng mà Pháp dành cho Việt Nam trong các mối quan hệ đối với vùng châu Á này.
Tới Hà Nội ngày 22, ngoại trưởng Juppé đã hội đàm với người đồng sự Nguyễn Mạnh Cầm, và trong những ngày sau đó sẽ hội kiến với các ông Lê Đức Anh, Đỗ Mười, và Phan Văn Khải. Ông cũng đã đi thăm vịnh Hạ Long, Huế và thành phố Hồ Chí Minh trước khi trở về Pháp. Tại đây, ngày 25.11, ông Juppé đã khai mạc một cuộc hội thảo về các vấn đề “Kinh doanh và các nước nói tiếng Pháp”. Hội thảo này được mở ra sau Hội nghị lần thứ 26 của Liên hiệp quốc tế các nhà báo và báo chí tiếng Pháp, lần đầu tiên được triệu tập tại Hà Nội trong ba ngày 21-23.11.1994, với sự tham dự của 135 nhà báo đến từ 20 nước trên thế giới. Ông Juppé đã tham dự ngày cuối của hội nghị. Việt Nam là nước đăng cai để tổ chức hội nghị thượng đỉnh cộng đồng các nước sử dụng tiếng Pháp vào năm 1997.
Theo một người phát ngôn của bộ ngoại giao Pháp, tuy hai bên không có dự tính ký kết một hiệp định nào nhân chuyến đi của ngoại trưởng Juppé, các cuộc hội đàm của ngoại trưởng với những nhà lãnh đạo Việt Nam “ nằm trong khuôn khổ sự tăng cường các mối quan hệ lịch sử giữa hai nước và sự khẳng định vị trí của Pháp ở châu Á.” Bộ ngoại giao Pháp cũng nhắc lại những trao đổi thương mãi song phương đang tiếp tục được phát triển mạnh từ mấy năm nay, và Pháp là nước đứng đầu trong các nước Tây Âu có đầu tư ở Việt Nam. Nhiều hợp đồng đầu tư khác đang được chuẩn bị, như hợp đồng xây dựng một nhà máy lọc dầu (trị giá 1,2 tỉ đôla) của Total, một nhà máy phân bón (150 triệu đôla của Technip, hợp đồng hợp tác giữa Air France và Air Vietnam về đào tạo phi công, hợp đồng của Alcatel vừa được giấy phép của Uỷ ban nhà nước Việt Nam về hợp tác và đầu tư, nhằm xây dựng một hệ thống điện thoại khoảng 50.000 đường dây, v.v...
Đầu tháng 11, một phái đoàn gồm 11 chủ xí nghiệp vừa và nhỏ của Pháp, do ông Jean Pierre Gérard, uỷ viên Hội đồng về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Pháp dẫn đầu, cũng đã tới thăm Việt Nam và ký kết một số hiệp định hợp tác về lĩnh vực nông-thực phẩm, dụng cụ điện, v.v... Trước đó, ngày 26.10, cựu thủ tướng Michel Rocard đã tới thăm Việt Nam, tuy với tư cách riêng nhưng cũng đã có những buổi hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam như thủ tướng Võ Văn Kiệt, chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch nhà nước Đỗ Quốc Sam, chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư Đậu Ngọc Xuân, v.v...
(AFP 26.10; 9, 20-22.11; Reuter 18 và 21.11.1994)
Mỹ - Việt: trong khi chờ đợi quan hệ ngại giao
Sau cuộc gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm và Warren Christopher ngày 17.10, nhân chuyến sang Mỹ dự đại hội đồng Liên hiệp quốc của ông Cầm, hai bên vẫn chưa công bố ngày mở cửa Văn phòng liên lạc của mỗi bên tại thủ đô nước đối tác. Trong bài trả lời phỏng vấn ngày 19.10 của Việt Nam thông tấn xã, ông Cầm nói ông hy vọng việc này sẽ được thực hiện trước cuối năm nay, sau khi một số chi tiết kỹ thuật được giải quyết. Về phía Mỹ, ông Warren Christopher đã tuyên bố đầu tháng 11 là ông cần chờ đợi thêm “những kết quả chứng thực được” về vấn đề tù nhân chiến tranh và các quân nhân mất tích (POW/MIA) trước khi nghĩ tới một chuyến đi thăm Hà Nội.
Trong khi chờ đợi, nhiều đoàn quan chức chính thức của Mỹ vẫn tiếp tục sang Việt Nam, và nhiều hợp đồng đầu tư được ký kết.
Sau các chuyến đi của đô đốc Richard Macke, sĩ quan cao cấp nhất của Hoa Kỳ tại vùng Thái Bình Dương (ngày 25.10), và của ông James Wold, trợ tá thứ trưởng quốc phòng (1.11), hai đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đã cùng tới Hà Nội ngày 15.11 để trực tiếp theo dõi những tiến triển trong hồ sơ POW/MIA. Một đoàn do thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John Kerry, đồng chủ tịch tiểu ban của Thượng nghị viện khoá trước về vấn đề POW/MIA, dẫn đầu. Một đoàn do thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Christopher Bond dẫn đầu, gồm 7 thượng nghị sĩ, trong đó có thượng nghị sĩ Dân chủ Sam Nunn, nguyên chủ tịch Tiểu ban quân lực của Thượng nghị viện. Đoàn ông Bond đã hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt, bộ trưởng quốc phòng Đoàn Khuê và cũng đã làm việc với bộ trưởng thương mại Lê Văn Triết về những quan hệ kinh tế song phương. Theo ông Bond, Quốc hội Hoa Kỳ, mới thay đổi đa số (về tay đảng Cộng hoà) trong kỳ bầu cử vừa qua, sẽ tiếp tục “ hỗ trợ những nỗ lực đã được thực hiện trong quá khứ nhằm cải thiện các quan hệ với Việt Nam”.
Trao đổi thương mãi giữa hai bên từ khi tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận, cho tới giữa tháng 11, được ngân hàng City Bank ước tính là 34 triệu đôla hàng Việt Nam xuất sang Mỹ (cà phê, thuỷ sản, đồ sứ...) và 30 triệu đôla hàng Mỹ trong chiều ngược lại (phụ tùng xe hơi, thiết bị và vật dụng chất dẻo các loại...). Trong khi đó, các công ty Mỹ tiếp tục vào Việt Nam. Công ty dầu Mobil Oil đã chính thức khánh thành trụ sở ở Hà Nội ngày thứ sáu 18.11. Cùng một tuần, xí nghiệp Coca-cola ở thành phố Hố Chí Minh bắt đầu nối lại sản xuất, sau 23 năm gián đoạn. Ngày 20.11, công ty All Ocean International công bố đã hoàn thành nghiên cứu khả thi về một dự án hợp tác với công ty Việt Nam Fermchemco để xây dựng hai nhà máy phân bón, góp phần tăng sản lượng phân bón của Việt Nam lên 45%. Trước đó, ngày 19.10, Hughes Network Systems Inc. đã ký tắt một hợp đồng với tổng cục Bưu điện - Viễn thông để đặt một hệ thống điện thoại không dây ở thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 20.000 đường từ nay đến cuối năm và 100.000 đường khác trong năm 1995. Cũng trong tháng 10, chủ tịch Robert Eaton của Chrisler Corp. trong một cuộc hội đàm với thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Hà Nội đã cho biết hãng ông sẽ hoàn thành trước cuối năm nay một đề án xây dựng một nhà máy lắp ráp xe hơi tại thành phố Hố Chí Minh.
(AFP 19, 20, 25.10; 1, 3, 16, 19, 20.11.1994)
Việt Nam chính thức nộp đơn vào ASEAN
Theo tin AFP từ Hà Nội, ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã chính thức viết thư ngày 17.10.1994 cho Hoàng thân Mohamed Bolkiah, ngoại trưởng Brunei, đương kim chủ tịch uỷ ban hội viên của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), để đặt vấn đề gia nhập hội của Việt Nam. Cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7 năm nay ở Bangkok đã thoả thuận chấp nhận Việt Nam sau khi giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, và người ta chờ đợi rằng việc gia nhập này sẽ được chính thức thông qua tháng 7.1995, cũng trong một hội nghị các ngoại trưởng ASEAN, sẽ họp tại thủ đô Brunei. Một đoàn chuyên viên kinh tế cao cấp của 6 nước ASEAN hiện nay sẽ tới Hà Nội đầu năm tới với nhiệm vụ xác định với Việt Nam một số cải tổ kinh tế cần thiết để đáp ứng những yêu cầu hoà nhập vào vùng mậu dịch tự do ASEAN.
Mặt khác, trả lời một câu hỏi của phóng viên AFP tại Hà Nội, thứ trưởng ngoại giao Lê Mai cũng tỏ ý tin tưởng rằng Việt Nam sẽ được nhận vào APEC, diễn đàn về hợp tác kinh tế giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương, sau khi tổ chức này chấm dứt thời kỳ ba năm tạm ngưng không thâu nhận thêm hội viên mới (kể từ 1993). APEC hiện nay bao gồm 6 nước ASEAN và 11 nước khác: Hoa Kỳ, Canada, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Tân Tây Lan, Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Mêhicô và Papua New Guinea. Cuộc họp thượng đỉnh APEC đầu tháng 11 vừa qua tại Bogor (Inđônêxia) đã quyết định một lịch trình từ đây tới năm 2020 để biến vùng châu Á - Thái Bình Dương thành một vùng mậu dịch tự do, bãi bỏ các hàng rào thuế quan như kiểu ở châu Âu.
(AFP 26.10; 13 và 22.11.1994)
Kinh tế Việt Nam: đang có sự tụt hậu so với khu vực
Trong bản báo cáo đọc trước quốc hội tháng 10 vừa qua, thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng kinh tế Việt Nam, “về cơ bản, đã thoát khỏi tình trạng khủng hoảng”. So với cách đây 5 năm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng gấp rưỡi, xuất khẩu tăng gấp hơn hai lần, sức mua của người dân tăng gấp đôi, lạm phát từ 67% giảm còn trên dưới 10%.
Trong năm 1994, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đề ra đều đạt và vượt kế hoạch: tổng sản phẩm trong nước tăng 8,5%, vượt dự kiến 0,5%; giá trị sản lượng công nghiệp tăng 13%, vượt kế hoạch 2%; giá trị sản lượng nông - lâm nghiệp tăng 4,5%, vượt kế hoạch 0,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt kế hoạch 3,6 tỉ đôla, tăng 21%; vốn đầu tư toàn xã hội đạt 43.000 tỉ đồng, tăng 35%, vượt 1.000 tỉ đồng so với dự kiến; thu ngân sách nhà nước tăng 27%, vượt mức do quốc hội duyệt là 16%.
Hai chỉ tiêu không đạt được: chỉ số lạm phát, không kèm giữ được dưới 10%, sẽ lên tới 13% vào cuối năm nay; và kế hoạch đầu tư cho phát triển thuộc ngân sách nhà nước, do thiếu nguồn vốn, chỉ thực hiện khoảng 50%.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá trong 4, 5 năm liền (bình quân khoảng 7–8% mỗi năm), thủ tướng Võ Văn kiệt cho rằng đất nước “ đang có sự tụt hậu về kinh tế so với khu vực. Và ngay cả khi đạt chỉ tiêu GDP năm 2000 là 450 đôla /đầu người thì khoảng cách phát triển lúc đó giữa nước ta với hầu hết các nước khác trong khu vực vẫn chưa được thu hẹp”.
Trả lời những quan điểm bảo thủ nêu cao nguy cơ “đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa” hay “diễn biến hòa bình”, ông Kiệt khẳng định: “ Đứng trên cục diện chung, rõ ràng sự tụt hậu về kinh tế - xã hội là nguy cơ có khả năng hội tụ mọi nguy cơ khác, là thách thức gay go nhất của dân tộc. Nguy cơ tụt hậu không đối lập với nguy cơ mất chủ nghĩa xã hội. Giữ định hướng xã hội chủ nghĩa phải bằng cái gì? Chống tụt hậu để dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, đất nước độc lập tự chủ thì làm gì mà chệch hướng?”.
(Tuổi Trẻ 22 và 25.10; Lao Động 1.11.94)
Thủ tướng Võ Văn Kiệt: hoan nghênh những người có ý kiến khác chính phủ
Bản báo cáo của chính phủ trình bày tại kỳ họp quốc hội tháng 10 còn dự kiến cho năm 1995 một tốc độ tăng trưởng GDP lên 9-10% trong đó nông - lâm nghiệp tăng 4,5-5%, công nghiệp tăng 13-14%, dịch vụ tăng 12-13%, xuất khẩu tăng 25%. Về mặt đầu tư, chính phủ nhắm đạt tỷ lệ 26% GDP. Về mặt lạm phát, mục tiêu là giữ tốc độ tăng giá hàng tiêu dùng ở mức một con số (khoảng 8-9%).
Để đạt mục tiêu phát triển đề ra, bản báo cáo nêu hai chương trình cải cách lớn: 1. Cải cách hệ thống tài chính tiền tệ nhằm bảo đảm thu chi ngân sách và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn. 2. Cải cách nền hành chính quốc gia theo hướng nâng cao hiệu lực bộ máy, đơn giản hoá các thủ tục, thiết lập cơ quan tài phán hành chính, mở rộng thông tin công việc nhà nước đến người dân.
Để đảm bảo sự thành công của những chủ trương “đổi mới”, thủ tướng Võ Văn Kiệt còn kêu gọi “đoàn kết, hoà hợp dân tộc trên cơ sở phát huy nền dân chủ, phát triển hệ thống luật pháp của nhà nước pháp quyền”. Ông Kiệt nhấn mạnh: “ Có ý kiến khác nhau là tốt, là điều đáng mừng, là biểu hiện của xã hội phát triển. Miễn là sự khác nhau đó không trái với điểm tương đồng chung của dân tộc, của quốc gia là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Nếu vì mục tiêu đó mà có ý kiến khác với chính phủ thì chính phủ cũng hoan nghênh” .
(Lao Động 16.10; Tuổi Trẻ 22 và 25.10.94)
Môi trường kinh doanh Việt Nam: vẫn hấp dẫn người nước ngoài
Tạp chí Asian Business trong số tháng 10 vừa qua đã đăng kết quả cuộc thăm do ý kiến của 100 doanh nhân về môi trường kinh doanh ở Việt Nam, do nhóm Frank Small and Associates tiến hành trong tháng 4 năm nay. Cuộc thăm dò dư luận cho thấy giới kinh doanh nước ngoài năm nay tỏ ra ít hồ hởi hơn năm ngoái. Với chỉ số tin cậy giảm từ 84 điểm trên 100 năm 1993 xuống còn 80 điểm năm nay, Việt Nam đã nhường hạng thứ nhất cho Inđônêxia (87 điểm), song vẫn đứng vào các nước hàng đầu ở châu Á, ngang với Malaixia (80), và trước Singapore (79), Thái Lan (77), Hàn Quốc, Philippin (74), Trung Quốc (66). Chỉ số này dựa trên sáu tiêu chỉ: tình hình thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu, doanh thu, lợi nhuận, triển vọng và tình hình kinh tế của doanh nghiệp được thăm dò. (số điểm 100 phản ánh mức độ tin cậy tuyệt đối của doanh nhân đối với môi trường kinh doanh). Mức độ rủi ro về đầu tư ở Việt Nam được đánh giá là 55 điểm, so với 53 điểm một năm trước đây (100 điểm là trường hợp môi trường đầu tư hoàn hảo).
Hai phần ba (64%) số doanh nhân được hỏi đều nói họ lạc quan về nền kinh tế Việt Nam (kém lạc quan: 28%; như trước: 7%). Hai phần ba (61%) cho rằng tốc độ cải cách kinh tế là vừa phải (quá nhanh: 17%; quá chậm: 22%). Hơn hai phần ba cho biết hoạt động doanh nghiệp của họ tốt (76%), có doanh thu tăng (77%), có lợi nhuận tăng (68%). Nhưng có lẽ sự tin cậy vào tương lai thể hiện rõ nét nhất là ở chỗ trên 90% doanh nhân cho biết họ sẽ tuyển thêm nhân công trong vòng sáu tháng tới. Ngược lại, đa số doanh nhân nước ngoài đều than phiền tình trạng thiếu thông tin khiến cho công việc làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam thiếu hiệu quả.
(Thời báo kinh tế Sài Gòn 10.11.94)
Thu nhập dân cư: phân hoá mức sống giàu nghèo
Tổng cục thống kê vừa công bố kết quả cuộc điều tra mức thu nhập dân cư Việt Nam, thực hiện năm 1993, bằng phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên 91.732 hộ gia đình. Chọn tiêu chuẩn “ nhiệt lượng tiêu dùng theo khẩu phần duy trì bằng 2.100 calo/ngày/người”, Tổng cục thống kê đưa ra định mức thu nhập tối thiểu cho một người Việt Nam mỗi tháng, là 50.000 đồng ở nông thôn và 70.000 đồng ở thành thị thời giá 1993. Căn cứ trên tiêu chuẩn thu nhập bình quân đầu người đó, cơ quan thống kê phân loại mức sống các hộ gia đình như sau: hộ “nghèo” (dưới 50.000đ ở nông thôn, dưới 70.000đ ở thành thị), hộ “ dưới trung bình” (50.000 - 70.000đ ở nông thôn, 70.000 - 100.000đ ở thành thị), hộ “trung bình” (70.000 - 125.000đ ở nông thôn, 100.000 - 175.000đ ở thành thị), hộ “ trên trung bình” (125.000 - 250.000đ ở nông thôn, 175000 - 300.000đ ở thành thị), hộ “giàu” (từ 250.000 trở lên ở nông thôn, từ 300.000 trở lên ở thành thị.).
Theo số liệu công bố, sự phân bố các hộ trong năm 1993 như sau: 20% hộ nghèo (thu nhập bình quân đầu người: 40.870đ), 22,3% hộ dưới trung bình (65.820đ), 36,5% hộ trung bình (100.650đ), 17,1% hộ trên trung bình (188.940 đ), 4,1% hộ giàu (530.210đ).
Theo Tống cục thống kê, cuộc điều tra xác nhận xu hướng giảm nghèo và nâng cao mức sống trong dân cư:
– Căn cứ trên những số liệu điều tra ở nông thôn của năm tỉnh trọng điểm vào năm 1990, theo tiêu chuẩn đánh giá hiện nay thì tỷ lệ hộ nghèo lúc đó là 55%.
– Tài liệu điều tra năm 1993 cho biết có 51,7% chủ hộ gia đình tự đánh giá mức sống của họ khá hơn năm 1990; 30,7% chủ hộ tự đánh giá mức sống của họ không có thay đổi nhiều.
Cũng theo nhận định của cơ quan thống kê, quá trình phân hoá giàu nghèo đang diễn ra trên quy mô cả nước, nhưng với tốc độ khác nhau tuỳ theo vùng dân cư và mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường:
– Dẫn đầu về mức thu nhập bình quân đầu người là vùng Đông Nam bộ (225.540đ; tỷ lệ hộ nghèo là 11,1%), sau đó là đồng bằng sông Hồng (125.540đ; 14,6% hộ nghèo), duyên hải miền Trung (109.610đ; 17,6% hộ nghèo), đồng bằng sông Cửu Long (109.280đ; 17,7% hộ nghèo), Tây Nguyên (95.850đ; 30,1% hộ nghèo),Trung du Bắc bộ (91.110đ, 21,1% hộ nghèo), bắc Trung bộ (81.720đ; 24,8% hộ nghèo), miền núi phía Bắc (81.720đ; 26,4% hộ nghèo).
– Nói chung thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn là 99.440đ và tỷ lệ hộ nghèo là 22,1%; ở khu vực thành thị là 220.340đ và 10,1%.
(Thống kê số tháng 4.94)
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị cách chức
Đầu tháng 10 vừa qua, thủ tướng Võ Văn Kiệt dã ký quyết định khiển trách Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, và cách chức các ông Nguyễn Minh Ninh và Nguyễn Văn Hàng, chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh, vì “những sai phạm trong thực hiện chính sách nhà đất”. Đồng thời, bộ chính trị Đảng cộng sản cũng có quyết định cảnh cáo thường vụ tỉnh uỷ, cách chức uỷ viên tỉnh uỷ của các ông Nguyễn Minh Ninh, Nguyễn Văn Hàng, và yêu cầu xử lý bí thư tỉnh uỷ Phạm Văn Hy.
Các tập thể và cá nhân trên đã tiến hành 40 công trình sử dụng đất trong khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt, đã cấp phát đất và hoá giá nhà vượt thẩm quyền, đã sử dụng tiền thu từ nhà đất không đúng qui định nhà nước.
(Tuổi Trẻ chủ nhật 23.10.94)
TIN NGẮN
* Kể từ cuối tháng 10 vừa qua, hạn mức ngoại tệ không phải khai báo hải quan cửa khẩu khi vào ra Việt Nam được nâng từ 3.000 đôla lên 5.000 đôla một người.
* Từ đầu tháng 11, hải quan sân bay Hà Nội đã thực hiện phân luồng cửa xanh, cửa đỏ cho khách nhập cảnh. Cửa xanh dành cho khách không phải khai báo hành lý.
* Chính phủ dự kiến sẽ thu phí truyền hình: 5.000đ/tháng ở thành thị, 2.000đ/tháng ở nông thôn. Theo dự tính ban đầu, số tiền thu vào có thể lên đến 200 tỷ đồng, gần bằng ngân sách hàng năm của ngành truyền hình. Việt Nam hiện có khoảng 6 triệu máy truyền hình, trong đó 40% là máy màu.
* Bốn công ty xây dựng quốc tế, hai của Nhật, một Mỹ và một Rumani đã tỏ ý muốn tham gia xây dựng đường xe điện ngầm đầu tiên ở Hà Nội, dài 10 km và trị giá 600 triệu đôla. Dự án này nằm trong kế hoạch chung về cải tổ hệ thống giao thông ở thủ đô, một kế hoạch cần tới 8 ,5 tỉ đôla, đang được nghiên cứu.
* Theo một quan chức cao cấp Hà Nội, Việt Nam dự định mở thị trường chứng khoán trong năm 1995.
* Theo những tin tức cuối tháng 10, vụ lũ lụt ở đồng bằng sông Cửu Long (xem Diễn Đàn số trước) đã làm thiệt mạng 308 người và thiệt hại vật chất khoảng 147 triệu đôla. Nhà nước đã từ chối không cho phép Giáo hội Phật giáo thống nhất (không được thừa nhận) tổ chức cứu trợ đồng bào bị lụt, với lý do cần tập trung đầu mối cứu trợ vào Mặt trận Tổ quốc.
Các thao tác trên Tài liệu