Xem tranh TRẦN TRỌNG VŨ
Xem
tranh
TRẦN TRỌNG VŨ
HOÀI VĂN
Trần Trọng Vũ bắt đầu có tranh triển lãm từ năm 18 tuổi. Anh thuộc lớp hoạ sĩ trẻ tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1987. Sau hai năm ở lại trường phụ trách môn vẽ, anh được sang tu nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Hiện nay mặc dầu sống và sáng tác trong những điều kiện vật chất eo hẹp, anh vẫn tham gia đều các cuộc triển lãm lớn ở Pháp,Hà Lan v.v...
Đang thời kỳ sung sức, Trần Trọng Vũ say mê sáng tác và thử nghiệm nhiều lối vẽ. Cuộc triển lãm tại Trung tâm Văn hoá Pháp Việt, 24 rue des Ecoles, Paris, từ 8-11-94 đến 4-12-94 cho phép người ta thấy rõ điều đó.
Trần Trọng Vũ không thuộc một trường phái hội hoạ nào đặc biệt, tuy nhiên qua những tác phẩm của anh, đôi khi khác hẳn nhau về mặt phong cách (từ trừu tượng đến tượng hình cách điệu hoá, siêu thực, nay naif), người ta vẫn có thể nhận ra được dấu ấn của ngôn ngữ hội họa hiện đại và một cá tính không thể nào nhầm lẫn được.
Chất lượng thẩm mỹ và chất thơ là hai đặc tính nổi bật trong tác phẩm của anh. Ngoài ra còn một đặc tính nữa không kém phần quan trọng, đó là tính chất trào phúng (humour). Chính nó đã đưa vào những bức tranh cái hơi thở của sự sống, làm cho người và vật trở nên sinh động. Người ta còn nhớ những bức hoạ Con Mèo cách điệu hoá của Trần Trọng Vũ cách đây vài năm. Lần này, Con Gà Trống (Le Coq) của anh còn ngộ nghĩnh hơn nhiều. Nó được khuôn gọn trong một hình chữ nhật nằm ngang lơ lửng giữa bức tranh. Nó có một cái gì rất siêu thực và đồng thời cũng rất thơ.Tính trào phúng bắt nguồn từ chỗ con gà trống, một gia súc quen thuộc, bị cách điệu hoá đến mức ngộ nghĩnh qua cái nhìn của hoạ sĩ, khiến cho người xem tranh phải ngạc nhiên và buồn cười. Đó cũng là cái nhìn của trẻ thơ mà trường phái naif đã khai thác như một phương tiện diễn đạt giàu tính nghệ thuật và giàu chất thơ.
Đưa tính trào phúng vào trong hội hoạ thực ra không phải là một hiện tượng mới mẻ nếu kể từ Jérôme Bosch, Pieter Bruegel, vv...Vào nửa đầu thế kỷ này, phải kể đến những tên tuổi lẫy lừng, chủ yếu thuộc trường phái siêu thực, như: Duchamp, Dali, Max Ernst, Klee, Miró, Picasso,vv...Gần đây hơn, vào những năm 60, cùng với trường phái tượng hình mới (nouvelle figuration): Dubuffet, Chaissac, Kosta Alex, Peter Saul, Tisserand, Grinberg, vv...
Tính trào phúng chỉ có thể có được trong tranh tượng hình, hoặc tượng hình cách điệu hoá, hoặc siêu thực, bởi chỗ dựa của nó là những khái niệm, những sự vật cụ thể. Ngược lại, nó không có chỗ đứng trong tranh trừu tượng vì thể loại tranh này không chứa đựng một nội dung nào khác hơn là những khái niệm thẩm mỹ thuần tuý. Những tác phẩm có tính cách trào phúng của các danh hoạ như Max Ernst, Klee, Miró, Picasso, Duchamp v.v... đều không phải là những bức hoạ trừu tượng thuần tuý, mà đều có pha lẫn nhũng yếu tố tượng hình. Cũng vì thế mà đi kèm với tranh trừu tượng, người ta thường hay mượn chữ nghĩa để biểu đạt điều mình muốn nói ra, đôi khi chỉ là một cách gợi ý.
Những tác phẩm của Trần Trọng Vũ như: Mon objet, Nature Morte, vv... thực ra không thể hiện một vật gì cụ thể. Đó chỉ là những khối màu sắc và đường nét trừu tượng, nhưng chính đó lại là chỗ trào phúng, vì chính sự khác biệt giữa những cái tên (khái niệm) và cái mà những bức vẽ thể hiện đã làm cho người xem phải mỉm cười.
Nhưng người ta cũng tự hỏi: cái gì là cái có giá trị thực đối với tác giả cũng như đối với người xem? Bức tranh hay là cái nét trào phúng gây nên bởi sự so sánh kia? Gây nên được một sự so sánh, một sự ngạc nhiên, một tiếng cười, phải chăng cũng đã là bước đầu của sự giao tiếp, của đối thoại?
Thủ thuật này vẫn thường được sử dụng bởi những hoạ sĩ thuộc các trường phái trừu tượng, hay siêu thực và không có gì là mới lạ cả, song ở Trần Trọng Vũ hình như nó có một ý nghĩa đặc biệt hơn. Có thể đó là một cách khẳng định sự tự do tuyệt đối của nghệ thuật và của người nghệ sĩ? Hoặc giả đó cũng có thể là một cách minh hoạ mới hơn tuy rằng vẫn nằm trong quỹ đạo của nền hội hoạ phi khái niệm, nghĩa là cuối cùng trừu tượng?
Cuộc triển lãm tương đối qui mô ở Trung tâm Văn hoá Pháp Việt, mặc dầu một vài khuyết điểm nhỏ, đã cho phép người ta khám phá ra một Trần Trọng Vũ đa dạng trong sáng tác nghệ thuật: ngoài sở trường về tranh sơn dầu ra, anh còn tỏ ra khá vững tay nghề trong các tác phẩm sơn mài và điêu khắc. Có hai bức sơn mài của anh mà tôi thích nhất là Mois Lunaire và Le Coq. Rất tiếc là những tác phẩm điêu khắc, mà tôi cho rằng có giá trị tạo hình cao, đã không được thực hiện với kích thước lớn hơn và trong một vật liệu cứng hơn là giấy carton! Bức hoạ lớn nhất của cuộc triển lãm, theo ý tôi khá đẹp, bức Pays de Tropique, lẽ ra phải được treo ở một chỗ xứng đáng hơn, lại bị gập làm đôi ở một góc tường thiếu ánh sáng.
Dẫu sao, cuộc triển lãm do Trung tâm Văn hoá Pháp Việt tổ chức cũng đã tạo được cơ hội cho một nghệ sĩ đích thực khẳng định tài năng của mình.
Các thao tác trên Tài liệu