Tự do và tự do
Tự
do và tự do
bùi mộng hùng
Gò bó xã hội và tự do nội tâm
Trong văn hoá
phương Đông, tự ngàn xưa Lão, Trang có
thuật vượt hạng người như "thầy
Liệt cưỡi gió
mà đi, mát rời rợi". Vì lẽ "Người
ấy tuy khỏi phải đi, song còn có cái phải
chờ-đợi. Đến như kẻ: cưỡi lẽ chính của Trời
Đất; chế ngự sự biến đổi của sáu khí;
để sang chơi cõi vô cùng; nào họ có
chờ-đợi gì đâu?" (Trang tử, Nam hoa kinh,
Tiêu
diêu du, bản dịch của Nhượng Tống). Tiêu
diêu, phóng khoáng, tự do mà dọc ngang
không cùng tận.
Người tu theo Phật bỏ rơi mọi thành kiến, tâm không bám víu vào bất cứ một cái gì, kể cả giáo lý của đức Phật (ưng vô sở trụ), sự việc như thế nào thì tiếp nhận như thế đó (như lai) không còn lăng kính "cái ta" làm cho nó méo mó. Thanh thản, không ngăn ngại.
Lão cũng như Phật, con đường nào cũng có lý thuyết, phương pháp, kỹ thuật cho cái "ta muốn" và cái "ta chẳng muốn" thường cứ xâu xé lẫn nhau trong lòng người hoà đồng với nhau. Lòng an nhiên tự tại. Không gian nội tâm trở thành cõi mênh mông an lành, tự do. Con người có thể sừng sững
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Nếu không đạt lý tưởng đó, ít nhất cũng chẳng ai ngăn được mình thảnh thơi mà
Vắt chân chữ ngũ đánh củ khoai lang. . .
Đứng giữa trời mà reo, chẳng ai cản được mình. Tuy nhiên khi phải có một người thứ hai, dù chỉ duy nhất một người mà thôi, như khi anh chàng vắt chân chữ ngũ nổi hứng lên gọi
Bớ chị nhà hàng cho anh bát nước...
Thì là ra khỏi không gian nội tâm mất rồi. Đã bước vào xã hội loài người. Mà không gian xã hội này lại do Nho giáo quy định. Nó tôn ti trật tự. Cương thường, lễ nghi, phép tắc ràng buộc mọi quan hệ giữa người với người. Muốn yên muốn lành thì nhắm mắt mà răm rắp tuân theo.
Người dưới, liếc mắt trông lên – mà ai ai cũng có người trên mình cũng như ai ai cũng có kẻ dưới mình – chỉ thấy toàn những "mặt sắt đen sì". Người trên phải ra người trên. Quan ra quan, dân ra dân. Quan trên trăm mắt đổ vào, không thể làm gì khác hơn là sao cho mọi người thấy
Ban ngày quan lớn như thần
Bù lại suốt ngày làm ra vẻ thần ấy thì
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Chẳng cứ gì quan, đã làm con người trong xã hội chịu ảnh hưởng Nho giáo là phải chịu cái gánh nặng quan hệ xã hội quá khắt khe nghi lễ. Để tìm lại cân bằng ai nấy lo dọn cho mình một mảnh vườn nội tâm an lành thoải mái. Cứ như người đi giây. Giữ thăng bằng nhờ cái đòn gánh, một đầu là xã hội Nho giáo, đầu kia là nội tâm Phật, Lão. Cũng đạt được phần nào quân bình trong cuộc sống.
Vì thế mà
bỏ qua, không tìm một phương thức quan hệ xã
hội trong đó mỗi người có chỗ đứng ngang
vai cùng bàn bạc, cộng tác với nhau. Việc
mà phương Tây đã tư duy và thực
nghiệm tự cổ Hy Lạp, có truyền thống tự ngàn
xưa sáng tạo ra các quy tắc và những điều
kiện để hình thành một không gian trong đó
mỗi người có thể tự do làm việc mình
muốn. Miễn là đừng phạm đến tự do của người
khác.
Từ bó buộc xã hội đến ảo tưởng tự do
Từ một xã hội
nho giáo đã sơ cứng, dân tộc ta sa vào
tình huống mất nước, cúi đầu mang ách
thực dân gần một trăm năm. Đuổi được kẻ ngoại
xâm thì lại là chủ nghĩa xã hội
hiện thực... Suốt những thời gian dài, dân ta
sống dưới các chế độ khác nhau về cơ bản,
nhưng chế độ nào cũng buộc chặt người dân,
kiểm soát quan hệ xã hội nhiều khi tới chân
tơ kẽ tóc.
Vì thế mà khi "Đổi mới" dường như có một luồng gió tự do thổi tới. Đi lại thoải mái hơn trước nhiều. Được rộng chân rộng cẳng, có người đi từ Nam ra Bắc, hứng chí lên vượt qua biên giới Trung - Việt, nhảy lên xe lửa Bắc Kinh chơi một vòng cho đã mới trở về. Chẳng giấy tờ, hộ chiếu lôi thôi chi cả. Chả bù với khi xưa, mới ra khỏi địa phận tỉnh nhà đã phải nào ra phường, nào lên công an xin chứng minh thư đỏ lòm dấu son... Quan hệ buôn bán làm ăn dễ dàng hơn trước, mạnh ai nấy lo phận mình, miễn là "biết điều biết phải" thì cửa nào cũng qua lọt được.
Thật thoải mái so với cái thời chẳng dễ dàng gì mà "vắt chân chữ ngũ đánh củ khoai lang". Muốn mua được khoai lang còn phải có hộ khẩu... Một số ràng buộc của chế độ toàn trị xen vào không gian riêng tư được cởi bỏ. Không còn những cấm cản mỗi người tự lo mưu sinh cho bản thân và gia đình mình. Một phần không gian riêng tư được trả lại, đem lại một cảm giác thoải mái tự do.
Đến nỗi cứ tưởng như rằng là ngày nay người dân chúng ta đã được hưởng một phần nào tự do chính trị. Mà khi không còn bị phường xóm réo, hết kêu đi hội này đến gọi tới họp kia, khi không bị buộc phải tham gia những hoạt động mà mình chẳng muốn, chẳng phải là thực thi quyền từ chối hay sao? Được quyền từ chối đã chẳng là một tự do rồi sao?
Quả là như vậy. Nếu... Vâng, nếu người dân có quyền tham gia công cuộc chung – bằng lời nói và bằng hành động – mỗi khi họ muốn. Có quyền tham gia thì từ chối không dùng đến quyền đó mới là một tự do. Cái tự do không sử dụng quyền của mình. Còn đã không có quyền, thì làm sao mà từ bỏ cái mình không có được?
Vì thế không nên lẫn lộn không gian riêng tư với không gian công cộng. Không gian riêng tư dành cho việc cá nhân mưu sinh cho mình, cho gia đình mình.
Còn muốn làm việc chung thì cần có không gian công cộng. Xưa kia người công dân đã bị tước đoạt quyền của mình lại còn buộc phải vỗ tay, để khoác cho những kẻ cướp quyền cái hào quang đại diện chính đáng cho nhân dân. Ngày nay sự có mặt không còn là một bó buộc nữa, gây ra cảm tưởng được hưởng một chút tự do chính trị nào đó. Nhưng sẽ mãi mãi chỉ là một ảo tưởng. Nếu thiếu một không gian công cộng thực sự.
Vì vậy nên
xét qua những điều kiện cho cái không gian
công cộng này nảy sinh, làm cơ sở thực
thi quyền công dân.
Không gian cho tự do chính trị
Trước khi thành
một khái niệm, trong cương vị của con người tự
do: cái cương vị cho phép đi ra khỏi xó
nhà, vào đời, gặp gỡ quan hệ với những
người khác bằng lời nói và bằng hành
động.
Dĩ nhiên có tự do như thế là vì con người đã được giải phóng khỏi những ràng buộc miếng cơm manh áo, ra khỏi tình trạng dồn hết tâm sức vào việc thoả mãn nhu cầu tối thiểu trong sinh sống hàng ngày.
Tuy nhiên không phải là cứ tạm gác được một bên lo toan sinh tồn là con người tự động bước lên cương vị người tự do trong xã hội. Còn phải có người khác cùng cương vị ấy, nghĩa là có những người bình đẳng với nhau. Và có một không gian công cộng để họ gặp gỡ nhau - nghĩa là một thế giới chính trị có tổ chức, nơi những con người tự do lên tiếng và hành động.
Bình đẳng, không gian công cộng tự do: những khái niệm đã ăn sâu vào văn hoá Âu Tây từ thời cổ Hy Lạp, và không ngừng phát triển để thích nghi với các tiến triển của xã hội. Nhưng vẫn còn là những gì khá xa lạ với văn hoá Á Đông.
Tuy nhiên chính cái cương vị người công dân do cổ Hy Lạp sáng tạo nên với các quyền tự do, thông tin ngôn luận, hiệp hội, v. v... là động cơ và điều kiện giúp cho tiềm năng tự do vốn có trong mỗi người trở thành hiện thực.
Nhờ khả năng tiềm tàng đó mà con người lúc nào cũng có thể khởi đầu hành động. Nhưng muốn chuyển đổi giòng đời, tạo một nghiệp mới thì không thể là tác động của một hành động nhất thời và riêng lẻ. Mà là hợp lực của những hành động cùng chủ hướng và dài hơi. Khi đó sức sáng tạo của tự do biến thành khả năng làm nên lịch sử của con người, đưa xã hội thoát ra khỏi giòng sống máy móc lôi cuốn đưa đẩy đến những bờ bến tất định tưởng như không sao thoát ra nổi.
Môi trường thuận
lợi cho sức sáng tạo tập thể của công dân
là một không gian tự do chính trị.
Yêu cầu của thực tại
Trong tình huống
ngày nay, sức sáng tạo đó cần thiết hơn
bao giờ hết.
Chiến tranh lạnh chấm dứt. Bỗng nhiên toàn thế giới hụt hẫng. Cứ như là tất cả sức lực của mỗi bên đều dồn cả vào công cuộc chống chọi khối địch. Và lẽ sống cũng là đó. Đối tượng kẻ địch mất đi, những vấn đề thật sự thiết thân đến đời sống vụt thành thời sự.
Nhưng không thấy đâu là giải pháp. Các hệ thống tổ chức quốc tế bỗng nhiên bất lực. Nhà nước, trong hình thái hiện nay, đuối hơi. Sự kiện ấy không có nghĩa là các quốc gia dân tộc (état nation) không đáng kể nữa. Thật ra, hệ thống quốc tế do chính quyền các quốc gia tổ chức để đáp ứng với trạng huống thế giới chia hai cực không còn thích nghi với tình thế mới. Không tìm ra phương thức ứng xử với sự tròng tréo giữa ba xu thế lớn: i) xu hướng kinh tế đang toàn cầu hoá, đưa đến ii) hiện tượng cạnh tranh thêm gay gắt giữa các quốc gia các dân tộc, và iii) hiện tượng toàn cầu hoá xã hội và văn hoá.
Bộ máy nhà nước các quốc gia còn bất lực hơn, trước các sự kiện toàn cầu vượt quá lĩnh vực tác động của mình. Mà những sự kiện này lại ảnh hưởng sâu rộng, bền lâu đến đời sống con người.
Bế tắc. Mặc dù, với khả năng của khoa học và kỹ thuật giải pháp không ngoài tầm tay. Một phần vì rằng trước khi đề ra giải pháp – nghĩa là làm thế nào – còn phải giải đáp vấn đề tiên quyết: ý nghĩa hướng lựa chọn là gì? Cho những ai, chúng ta đi về đâu? Câu hỏi đặt ra cho mỗi cá nhân, cho mỗi quốc gia dân tộc, cho nhân loại như một tổng thể, bỗng trở thành gay gắt. Vì mất đi cái lẽ sống để đem hết sức lực ra chống chỏi kẻ địch thì cũng không tránh né được nữa những câu hỏi căn bản về ý nghĩa của phát triển, của dự phóng cho tương lai, của cuộc sống.
Sáng tạo ra giá trị cho những nền văn hoá thích nghi với trạng huống mới ngày nay là việc làm có ý nghĩa của các thế hệ đương thời.
Tìm ý nghĩa và các chân trời chúng ta nhắm đi tới, tìm giải pháp cho các thách thức đang đặt ra cho nhân loại: vấn đề phát triển và môi trường sống cho toàn thể loài người, vấn đề tồn tại của các nền văn hoá đa dạng và đặc thù trong một hệ kinh tế thống trị toàn cầu, v.v... là những công việc đòi hỏi sự tham gia tích cực của nhà nước các quốc gia dân tộc và các tổ chức chính quyền quốc tế.
Tuy nhiên, không thể thiếu vai trò bổ sung của các hiệp hội công dân – của xã hội công dân mà thời gian vừa qua cho thấy khả năng cùng độ nhạy bén. Trong khi các bộ máy nhà nước mải lo chúi mũi vào công cuộc quản lý ngắn ngày, xã hội công dân đã nhận diện ra và thể nghiệm trên thực địa giải pháp đối phó với các hiện tượng đang thay đổi sâu xa bộ mặt địa cầu và cuộc sống của nhân loại – vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề nguy cơ phân chia xã hội ra hai lớp người: một ở trong và một bị loại ra ngoài lề, tại ngay những nước giàu có nhất. Và dĩ nhiên là hiện tượng này nghiêm trọng gấp bội cho người dân nước chậm tiến.
Chính vì thế mà vào thời buổi biến chuyển xã hội dữ dội ngày nay ở mức độ quốc gia cũng như ở mức độ quốc tế, sự lớn mạnh của hệ thống xã hội công dân – quốc gia và xuyên quốc gia – là cần thiết hơn bao giờ hết.
Riêng cho Á Đông, vấn đề đặt ra gay gắt. Trong vùng quá nhiều nhà nước độc quyền. Chính vì nắm độc quyền mà các bộ máy nhà nước này chẳng làm gì khác hơn là chúi mũi vào lèo lái qua ngày. Không dự phóng tương lai được sự đồng thuận của đa số, không viễn tượng chung để nhắm tới.
Có thêm không gian tự do chính trị, người dân từ vị trí "con dân" lên làm công dân, vai trò của người công dân và của xã hội công dân được phát huy, xã hội Á Đông sẽ thêm nhạy bén, năng động và sáng tạo. Cấu trúc xã hội nhờ đó cũng bớt cứng nhắc. Đó là điều kiện để cho xã hội biến chuyển linh động theo mọi tiến triển một cách nhẹ nhàng ôn hoà, tránh được nguy cơ xáo động tức nước vỡ bờ.
Một lĩnh vực mới cần được tạo dựng cho nền văn hoá Á Đông để thích nghi với hiện tại.
bùi mộng hùng
(11.94)
Các thao tác trên Tài liệu