Vậy mà không phải vậy...
Vậy mà không phải vậy...
Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong số đề tháng 10.94, đã dành trọn 2 trang để trích đăng lá thư của một người ký tên Trần Văn Anh, cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà (đây có lẽ là lần đầu tiên TCCS in mấy chữ này mà không nháy nháy trong ngoặc kép), viết từ California (xem Tài liệu 1).
Đầu đề bài báo của ông Trần Văn Anh là Đối thoại với Bùi Tín. Còn TCCS chọn đăng thì với mục đích vạch rõ “nhân cách và tư tưởng” của Bùi Tín.
Đọc xong bài, độc giả không khỏi ngỡ ngàng (và ông Bùi Tín thì cụt hứng, xem Tài liệu 3): ông Trần Văn Anh nọ chẳng cần biết tư tưởng của Bùi Tín có gì, nhân cách ra sao. Mượn cớ đối thoại với “anh Bùi Tín thân mến”, ông Trần Văn Anh muốn nói gì, với ai? Và mượn lời ông Trần Văn Anh, TCCS muốn gởi gấm thông điệp gì mà có thể TCCS không tiện nói thẳng?
Viết như vậy, chúng tôi không hề hàm ý bức thư của ông Trần Văn Anh là nguỵ tạo (không chơi chữ!), ít nhất sự nguỵ tạo không phải do TCCS.
Thật vậy, ngay từ mùa hè vừa qua, bức thư này đã được các cơ quan đảng phổ biến trong các cuộc “học tập về chính trị nội bộ”. Cách đây 3 năm, các cơ quan này cũng đã tích cực luân lưu lá thư của một “Việt kiều tại Mỹ” ký tên là Lê Bá Hiên (với một địa chỉ hoàn toàn hư cấu) tố cáo những cuộc làm tình “dưới nước trên cạn” của... nhà văn Dương Thu Hương!
Lần này, ông Trần Văn Anh không đề địa chỉ, cũng không gửi một bản cho “anh Bùi Tín thân mến”, song từ Đại Dương châu, đã có ông Nguyễn Văn Sôi nhiệt tình chuyển đủ 12 trang về nước.
Nhà nghiên cứu văn bản học mổ xẻ bài Đối thoại với Bùi Tín có thể sẽ hoài nghi về xuất xứ bức thư này. Nhà phân tâm học, ngược lại, có thể nghĩ rằng trong cuộc thiên hạ đảo điên vừa qua, biết đâu lại chẳng có một con người thực, suy nghĩ những điều viết trong thư. Đọc cả chục cuốn sách Việt ngữ in tại Mỹ từ hai chục năm nay, cuốn thì gọi là bênh “Phật giáo” chống “Công giáo”, cuốn thì bảo vệ “tinh thần Ngô Đình Diệm” chống lại “Phật giáo”, người ta có thể viết ra hàng trăm bức thư như của ông Trần Văn Anh, và ngược lại.
Cho nên, bức thư có phải của một Trần Văn Anh thực viết ra hay không, điều đó không mảy may quan trọng. Điều duy nhất có ý nghĩa là việc bộ máy tuyên huấn của Đảng Cộng sản đã dùng bài này như một công cụ truyền thông mà họ tin rằng hiệu quả.
Niềm tin ấy có cơ sở đến đâu?
Tài liệu 2 mà chúng tôi đăng toàn văn bên đây cho phép trả lời câu hỏi đó.
Ký tên Chiến Binh (cán bộ hưu trí), lá thư gửi Trần Văn Anh hiện đang được phổ biến trong nước dưới hình thức photocopy, không chỉ thu hẹp trong giới độc giả hạn chế của Tạp chí Cộng sản, mà được chuyền tay rộng rãi trong hàng ngũ đảng viên , cán bộ và người ngoài đảng. Các cửa tiệm in chụp photocopy đã trở thành cơ sở ấn loát năng động của một xã hội công dân chưa có tự do ngôn luận và báo chí.
Nếu tác giả bài Đối thoại với Bùi Tín không hề có ý đối thoại với Bùi Tín, thì Chiến Binh cũng vậy, nói với Trần Văn Anh mà cứ nhìn qua đầu ông Trần Văn Anh để nói với người mượn lời ông ta.
Bằng bút pháp của sĩ phu Bắc Hà, Chiến Binh tỏ ra đã “thu hoạch” sâu sắc bài giảng của ban tuyên huấn. Ông đã vô hiệu hoá hoàn toàn một chiến dịch mà bộ máy này đã dày công dàn dựng.
Phải chăng nhà văn Lữ Phương cũng nghĩ tới việc này khi, trong bài tham luận (đăng trong số này), ông nói tới việc “đảng huy động những tên lính xung kích mạt hạng của mình vào chiến dịch “ chống diễn biến hoà bình” trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng mở ra liên tục trong những ngày gần đây”?
P.Q.
Các thao tác trên Tài liệu