Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 37 / Đông Nam Á 1833

Đông Nam Á 1833

- Nguyên Thắng — published 24/05/2009 01:49, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:49

Đọc sách :

 

Đông Nam Á 1833
dưới mắt Phan huy Chú

 

Đọc : Phan Huy Chú, Hải trình chí lược,
" Recit sommaire d’ un voyage en mer ",
Phan Huy Lê, Claudine Salmon,
Tạ Trọng Hiệp dịch và chú giải,

 
song ngữ Pháp Việt, Cahier Archipel số 25, Paris 1994,
VIII + 228 trang, giá 120 francs cho tới tháng 1.1995,
sau đó 168 francs (chưa tính cước phí).
Bán tại : Association Archipel, Bureau 731, EHESS,
54 Bld Raspail, 75270 Paris Cedex 06, Đ. T. (1) 49 54 25 64.

 
Khi các chuyên gia Việt và Pháp góp chung kiến thức lại với nhau, có đem lại thêm gì chăng? Công trình cộng tác nghiên cứu một bản ký sự thăm Batavia của Phan Huy Chú giải đáp câu hỏi một cách lý thú.

Tác phẩm có tên ghi trong các thư mục Hán Nôm, Cadière và Pelliot đã giới thiệu từ năm 1904. Với lời bình "các điều ghi chép chẳng có gì đáng kể " (tr. 110) ...

Khảo cho một tư liệu cô đọng theo lối viết ngày xưa – " chẳng có gì đáng kể " dưới còn mắt Pelliot – bật ra một số thông tin về những câu hỏi mà chúng ta ngày nay nôn nóng muốn được giải đáp : các nhà nổi tiếng học rộng biết nhiều đương thời, các Phan Huy Chú, Lý Văn Phức, Cao Bá Quát vượt biển đi sứ vùng mà xưa kia ta gọi là Hạ Châu với ý đồ gì ? Nhà Nho thời đất nước còn chủ quyền nhận định tình hình vùng Đồng Nam Á đã bị thực dân xâm nhập như thế nào ? Họ nghĩ ra sao về văn minh, về thái độ các nước Tây phương ? Muốn giải đáp các câu hỏi nói trên thì kết hợp những hiểu biết phức tạp về sử học, về văn bản học, về đời sống ở Batavia đầu thế kỷ 19, quả chẳng phải là thừa.

Nhưng con đường đưa đến thoả mãn tò mò của chúng ta còn nhiều ngoắt ngoéo. Sau khi được Cadière và Pelliot giới thiệu, mà có lẽ chính vì lời chê bai của hai nhà độc giả này nên Trường Viễn đông bác cổ không lưu ý đúng mức, văn bản mất tăm trong vài chục năm. Phải đợi Trần Văn Giáp " tái phát hiện " tác phẩm chìm lặn trong một tập sao sách Bản quốc hải trình hợp thái.

Từ đó tới nay, một số vấn đề được chín mùi. Nhờ vậy tiểu sử Phan Huy Chú chúng ta cầm trên tay có nhiều điểm mới. Về gia thế, theo gia phả dòng họ Phan Huy gốc ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, con gái trong họ có nhan sắc, giỏi ca hát. Suốt mấy đời chúa nối tiếp nhau, từ Tây Đô vương Trịnh Tạc kể đi (1657 - 1682) có đến 5 người được tuyển làm cung tần chúa Trịnh. Họ Phan Huy nhiều đời theo nghề " xướng ca vô loại ", theo luật nhà Lê con em không được đi thi. Nhờ thế lực các cung tần phủ chúa, họ Phau Huy thoát được nạn cấm thi. Vị tổ khai khoa tiến sĩ cho dòng họ là Phan Huy Cận (1722 - 1789) từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều Lê - Trịnh. Năm 1787, nghỉ hưu ông về cư trú ở làng Thuỵ Khê, họ Phan Huy có chi ở Sài sơn từ đó.

Phan Huy Chú (1782 - 1840) cháu nội của ông, lận đận đường khoa cử. Nổi tiếng học giỏi nhưng chỉ hai lần đỗ tú tài. Và lao đao trên đường hoạn lộ : 12 năm làm quan (1821 - 1833) một lần bị quở trách, một lần bị phạt, một lần bị bãi chức, một lần bị cách chức. Lý do quở trách và cách chức là những chi tiết mới tìm ra : Năm 1826 kinh thành bị lụt, Phan Huy Chú lúc ấy là phủ thừa phủ Thừa Thiên phát chẩn ít bị Minh Mệnh quở trách. Năm 1827, bốn phường trong kinh bị cháy, phủ thừa Phan Huy Chú và đề đốc Nguyễn Văn Phương bị phạt. Năm 1829, Phan Huy Chú khi đó làm Thự hiệp trấn Quảng Nam, tự đặt thêm chức coi đầm bị ghép tội phạm qui chế nhà nước, phải bãi chức (tr. 119). Năm 1830, được khôi phục làm Hàn lâm viện biên tu, rồi thăng thị giảng, sung phó sứ sang sứ nhà Thanh. Sứ bộ không mua được sách như Minh Mệnh dặn, cũng chẳng tìm hiểu được tình hình nhà Thanh như ý triều đình, trong lúc đó lại mua sắm hàng riêng nhiều gấp đôi của công, bắt phu vận chuyển tốn kém. Năm 1832 chánh sứ Hoàng Văn Đản bị phạt 100 trượng, đày khổ sai ở Trấn Hải Đài, hai phó sứ Trương Hảo Hợp và Phan Huy Chú bị cách chức. Cuối 1832, Phan Huy Chú, Hoàng Văn Đàn, Trương Hảo Hợp được cử đi công cán ở Giang Lưu Ba (Batavia) "hiệu lực" chuộc tội. Nhờ đó mà chúng ta có bản ký sự chuyến đi từ Quảng Nam qua Singapore đến Batavia.

Nhưng phải có kiến thức nhà chuyên khảo về Inđônêxia và văn hoá Trung Hoa hải ngoại mới khơi cho Batavia đầu thế kỷ 19 sống lại như dưới mắt Phan Huy Chú. Sách bác học mà lý thú chẳng khác một cuộc viễn du trong thời gian và không gian. Nhận xét ngắn gọn, chân thành của Phan Huy Chú được minh hoạ bằng chú giải và nhất là bằng hình ảnh chọn lựa rất " đắt ". Ngay trang bìa ta đã được nhập vào không khí Đông Nam Á, bất ngờ thích thú thấy phố cổ Batavia sao mà gần gũi với Hà Nội, với Hội An xưa của ta đến thế ! Cứ như chúng ta theo chân sứ giả Phan Huy Chú quan sát chi tiết cụ thể về đời sống, về thể chế, về phong cảnh và con người. Sứ giả kín đáo nhưng cũng hé cho hiểu rằng ông có nhiệm vụ điều tra cơ sở của người Tây phương trong vùng, mưu toan và mục tiêu của họ. Sự cạnh tranh giữa Anh và Hoà Lan không lọt khỏi mắt ông : " Việc người Man đánh nhau còn chưa xong, nguyên do của giao tranh là vì lợi ích vậy " (tr. 159 - 160).

Chớ tưởng rằng nhà Nho Phan Huy Chú không để lộ tình ý. Tác giả Lịch triều hiến chương loại chí vốn dùng chữ theo phong cách viết sử, những lời bình về hệ thống quân sự " Quân luật quân dung xem ra rất nghiêm túc " (tr. 161), về luật pháp " Lập pháp không có thiên lệch, nên xử đoán công bằng, do đó dễ chế ngự dân chúng " (tr. 162) về tiền tệ " Việc làm thông biến, hợp với lòng dân như thế, có lẽ là một thể chế có tính sáng tạo chăng ? " (tr. 164), v.v... thố lộ lòng ông trân trọng đối với thể chế Hoà Lan tại Batavia tới mức nào. Đến câu chữ " Nước chảy thì gỗ bị xẻ, thực là đoạt được cái khéo của tạo hoá, mà giảm được sự khó khăn vất vả cho nhân công vận chuyển. Kẻ đầu tiên làm ra máy này là một bậc Thánh trí chăng ? " (tr. 164) thì quả là ông đã dùng từ ngữ tột cùng của một nhà Nho khen tặng người phương Tây sáng tạo ra máy cưa gỗ.

Sách hay, in đẹp. Tiếc cho sách chưa toàn bích : phần sách dẫn chữ Hán viết tay, mặc dù phần chữ Pháp dùng phương tiện máy tính viết chữ Hán rất trang nhã. Và cũng trong sách dẫn này khi thấy bốn tên chữ Hán trong phả hệ Phan Huy bỏ trống mặc dù gia phả Phan Huy có tại Paris lẫn Hà Nội, ta không khỏi tự hỏi các nhà nghiên cứu Hán Nôm Pháp cũng như Việt vẫn bo bo cái phong cách các cụ nhà Nho xưa trong thời đại viễn thông tức tốc ngày nay chăng ?

 
Nguyên Thắng

(12.94)

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss