Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 37 / Sự hình thành Khoa học - Kỹ thuật

Sự hình thành Khoa học - Kỹ thuật

- Hàn Thuỷ — published 02/01/2011 00:10, cập nhật lần cuối 02/02/2024 11:55

Khoa học, Kỹ thuật và Văn hoá - 1


1. Sự hình thành
Khoa học - Kỹ thuật


Hàn Thuỷ



1. Chi tiết nhỏ của một vấn đề lớn

Nguyễn Văn Trung, trong bài Việt Nam đang đi vào khúc ngoặt lịch sử những năm cuối thế kỷ, hãy cảnh giác, đăng trong Diễn Đàn số 31, tháng 6.94 đã đặt ra vấn đề kết hợp phát triển khoa học kỹ thuật với sự phát triển và bảo vệ văn hoá, trong đó có tôn giáo. Rõ ràng đây là một chủ đề rất cơ bản và bao quát, từng được nhiều học giả tha thiết, như một Trần Quốc Vượng(1), một Lê Thành Khôi(2). Ngày nay, khi mà ảo tưởng về một hệ tư tưởng chính thống và siêu việt, có khả năng trả lời mọi câu hỏi, đã sụp đổ, chủ đề càng cần được đào sâu trong thảo luận tự do và rộng rãi. Nguồn gốc tâm lý của ảo tưởng này phải chăng là sự kết hợp giữa cái huyền thoại về một xã hội đại đồng muôn thuở của người nông dân Á Đông(3) và sự lười biếng độc lập suy nghĩ của đại bộ phận trí thức, cũng lại Á Đông, trong thời nho mạt, chỉ quen nhại lại những “Tử viết”, và khi cái bút lông không chọi lại được bút sắt thì cũng chỉ biết đi tìm những “Tử viết” khác? Tuy nhiên, đả phá thì dễ mà xây dựng rất khó khăn.

Bài này chỉ có tham vọng xới lên một số câu hỏi chung quanh cái quan hệ giữa khoa học - kỹ thuật và văn hoá.


2. Chữ, nghĩa và ám ảnh

Câu “ khoa học kỹ thuật xuất phát từ Thiên Chúa giáo...” có lẽ làm nhiều người đọc bị sững sờ, vì đã từ lâu, và theo nhiều tác giả khác, khuynh hướng chung cho rằng thuỷ tổ của khoa học là người cổ Hy Lạp. Đọc kỹ, thấy Nguyễn Văn Trung dùng chữ “khoa học kỹ thuật” có chua thêm tiếng Pháp “techno-science”, chỉ đáng tiếc chữ “khoa học kỹ thuật” trong cách hiểu phổ biến và thông thường chỉ là “science et technique”, khoa học và kỹ thuật nói chung, để phân biệt trong bài này “techno-science” sẽ viết với ba gạch nối: “ Khoa-học-kỹ-thuật”. “Khoa-học-kỹ-thuật / techno-science” như vậy hiện nay được dùng (thường có hậu ý phê phán: đây không phải là thứ khoa học cao đẹp và vô tư) để chỉ một bộ phận khoa học gắn rất chặt với kỹ thuật, vừa hướng về sự phục vụ phát triển kỹ thuật vừa cần đến những công cụ kỹ thuật hiện đại nhất cho chính bản thân nghiên cứu khoa học.

Lịch sử tiến triển của kỹ thuật có thể miễn cưỡng chia làm ba giai đoạn, biểu thị bằng ba khái niệm và thuật ngữ khác nhau, đại diện cho tính cách chủ đạo của mỗi giai đoạn: Một là, cho đến mãi gần đây người ta còn dùng cụm từ “ arts et industries” hay “art et métiers” (thủ công và kỹ nghệ), còn giữ lại chữ “art” (nghĩa cổ) chứng tỏ cái nguồn gốc thủ công, tự phát của kỹ thuật; Hai là hiện nay phổ biến chữ “technologie” mà ta gọi là “công nghệ”, “technologie” “kỹ thuật nói một cách tổng quát” (theo từ điển Littré, 1872), tức là kỹ thuật có cơ sở khoa học, không phải tự phát, “công nghệ” theo nghĩa đó chỉ có từ thế kỷ 17; Cuối cùng, tới đại khái sau chiến tranh thứ hai, bắt đầu Khoa-học-kỹ-thuật như đã nói trên, nhưng hiện tượng này chỉ có tên gọi từ khoảng hai chục năm trở lại đây, khi người ta ý thức được rõ ràng tầm quan trọng (và sự nguy hiểm tiềm tàng) của nó. Như vậy, có lẽ trong câu “Khoa học kỹ thuật xuất phát từ Thiên Chúa giáo ...”, Nguyễn Văn Trung muốn nói đến cái nguồn gốc văn hoá sâu xa cho phép hình thành thể thống nhất techno-science hiện đại, vì hiển nhiên khoa học thuần tuý (tạm định nghĩa như sự tìm hiểu cơ sở lý thuyết, có thực nghiệm và có hệ thống những hiện tượng tự nhiên) không xuất phát từ nền văn minh Thiên Chúa giáo và còn kỹ thuật tự phát thì mức độ này, khác ở đâu cũng có.

Sự chẻ một chữ làm tư hiện nay không có ích gì tại môi trường các nước đã phát triển, vì chẳng còn công nghệ hay kỹ thuật hiện đại nào có thể tự phát, độc lập với một nền tảng khoa học dày mấy trăm năm. Trong các nước tiên tiến thì những chữ công nghệ, kỹ thuật, hay khoa học ứng dụng vào kỹ thuật thực ra chỉ là nhiều cách nói về cái thể thống nhất techno-science. Nhưng tại châu Âu ngày xưa thì không như vậy và vì đứng về mặt tâm lý xã hội, nước ta còn nhiều khía cạnh “ tiền khoa học”, tìm hiểu về sự hình thành của khoa học, kỹ thuật và công nghệ tại Âu châu, từ art et métiers (tương đối độc lập với khoa học), qua đến technologie (áp dụng có hệ thống những hiểu biết khoa học), tới techno-science (khoa-học-kỹ-thuật), chắc cũng hứng thú và bổ ích.

Theo sử gia khoa học A. Koyré(4) thì biểu hiện đầu tiên của “technologie” chính là cái đồng hồ quả lắc, vật thể đầu tiên được thiết kế bằng phương trình trước khi hiện hữu, vừa phát xuất từ một lý thuyết khoa học tổng quát vừa biểu hiện cho nó. Người phát minh ra đồng hồ quả lắc không ai khác hơn là Galilei, một cái đầu “rất có vấn đề” với giáo hội (năm 1600, Galilei đề xuất nguyên lý thực hiện đồng hồ quả lắc, nhưng ông không thực hiện, và lý giải cũng chưa hoàn chỉnh, phải đợi tới năm 1657 Huyghens mới sửa lại về lý thuyết và thực hiện cụ thể, vì vậy nhiều sử gia khác coi phát minh này là do Huyghens). Có vụ án Galilei, nhưng Galilei, cũng như Descartes, Newton... những nhà khai sáng của khoa học đương đại, đều là những người Thiên Chúa giáo. Và cũng có sự hiển nhiên là các nước tiên tiến nhất về khoa học kỹ thuật hiện nay đều nằm trong vùng văn hoá Thiên Chúa giáo, hay đúng hơn là Do thái Thiên Chúa giáo (Judéo-chrétien). Nguyên nhân, hậu quả hay tình cờ lịch sử? thế còn chủ nghĩa tư bản, nó có vai trò gì không trong sự phát triển khoa-học-kỹ-thuật? Hoang mang và ám ảnh.

Đó cũng không phải là hoang mang và ám ảnh độc nhất của người viết bài này, tiện đây khui ra thêm: một số người mác xít khẳng định chủ nghĩa Mác là khoa học, như Lê Quang Vịnh: “Chủ nghĩa Mác-Lênin là khoa học...” (5) hay Nguyễn Khắc Viện “... Sự khác biệt cơ bản giữa nho giáo với chủ nghĩa Mác là ở tính chất khoa học... ”(6) với hậu ý coi như đã khoa học là tốt, nhưng không thấy nói rõ thế nào là khoa học? Phải chăng đây là điều quá hiển nhiên không cần bàn, vì chính Marx và Engels đều đã coi lý thuyết của hai ông là khoa học. Engels là tác giả cuốn Chủ nghĩa xã hội không tưởng và chủ nghĩa xã hội khoa học, còn Marx đã viết (về Tuyên ngôn cộng sản): “... chỉ có sự nghiên cứu khoa học những cơ cấu kinh tế của xã hội tư bản mới đem lại được (cho tuyên ngôn) một cơ sở lý thuyết vững chắc...” Trích theo Raymond Huard, phần giới thiệu Tuyên ngôn cộng sản, Editions sociales, Paris, tr. 24.

Thế nhưng, hiện nay tại Âu Mỹ có khuynh hướng cho rằng chủ nghĩa Mác (và chủ nghĩa phân tâm học của Freud) là không khoa học, trên cơ sở lý thuyết của Karl Popper(7,8) định ranh giới cho một thuyết khoa học là phải có tiềm năng bị phản nghiệm (phản chứng bằng thực nghiệm, tạm dịch từ chữ “falsifiable”, hay “réfutable”, có nghĩa là có thể đề ra những tình huống thực nghiệm, trong đó lý thuyết khoa học tiên đoán rõ ràng kết quả, để có thể kiểm nghiệm tiên đoán là đúng hay sai); ngoài ra là siêu hình. Nhà sinh vật học Pháp Jacques Monod, giải thưởng Nobel là một trong những người tán thành Popper(9).


3. Cổ đại và Trung cổ

Hãy thử giở vài giáo trình lịch sử thế giới (10) để trích ra một số mốc thời gian, làm minh hoạ cho dễ bàn luận, mặc dù như thế rất giản lược và sơ sài:

– Từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 3 trước công nguyên là thời kỳ cực thịnh của văn minh Hy Lạp, một nền văn hoá đa thần, chiếm hữu nô lệ. Tuy thời ấy triết học và khoa học chưa tách rời, nhưng ngày nay nhìn lại về mặt khoa học không thể quên Pythagore (–525, với định lý tam giác vuông), Hyppocrate de Cos (–425, với lời thề của người thầy thuốc...), Démocrite (–410, với thuyết nguyên tử...), Aristote (–384, với kho kiến thức quảng bác, đồ sộ và mạch lạc, “Khổng tử” của châu Âu suốt nửa sau thời Trung cổ), Euclide (–300, hình học, các định đề), Archimède (–287, Eurêka!), vân vân. Chưa kể về nhận thức luận, những tư tưởng của Héraclite (–500), Parménide (–480), Platon (–428)... hiện vẫn còn là những mốc quy chiếu.

– Từ thế kỷ –3 đến thế kỷ thứ năm: nền văn minh La Mã; về triết học và khoa học không có gì đáng kể nhưng về luật pháp, tổ chức nhà nước, kiến trúc, xây dựng cơ bản, tổ chức quân đội và kỹ thuật chiến tranh đều tiến vượt bực.

– Trong khoảng thời gian ấy, Chúa Jésus sinh năm –4, và Thiên Chúa giáo phát triển dần trong đế quốc La Mã, từ tình cảnh những tín đồ bị tàn sát đẫm máu cho tới khi hoàng đế Théodose cấm tất cả các tôn giáo khác, Thiên Chúa giáo trở thành tôn giáo độc nhất trong đế quốc La Mã (khoảng năm 380) và tiếp tục là một nền tảng văn hoá quan trọng của châu Âu cho đến ngày nay.

– Thiên Chúa giáo không phải là tôn giáo đầu tiên độc thần (monothéisme). Do Thái giáo, phát triển tại vùng Trung Đông từ thế kỷ thứ tám trước Thiên Chúa giữa những người nô lệ tại Ai cập, có lẽ là tôn giáo cổ nhất tôn thờ một đấng sáng thế duy nhất và có một hệ thống giáo lý chặt chẽ (Cựu ước – ancien testament – vẫn được coi là Thánh kinh của cả Do Thái giáo lẫn Thiên Chúa giáo, chương đầu tiên của Cựu ước là chương Sáng thế – Genèse). Sau khi Jérusalem bị đế quốc La Mã tàn phá khoảng năm 70 thì người Do Thái phân tán khắp nơi và không bao giờ có được một quê hương cho đến sau chiến tranh thứ hai. Vai trò của những người Do Thái lang thang khắp châu Âu và ven Địa trung hải là không nhỏ trong lịch sử truyền bá khoa học và kỹ thuật tại châu Âu.

– Từ thế kỷ thứ sáu, khi đế quốc La Mã tàn lụi, cho đến khoảng giữa thế kỷ 15, khi châu Âu khởi đầu thời Phục hưng, là thời người ta thường gọi là Trung cổ, và gán cho nó một tình trạng văn hoá khoa học đen tối. Không còn chính quyền trung ương, không còn luật pháp, chữ viết bị bỏ quên và khắp nơi các sứ quân dựa trên bạo lực để trở thành những lãnh chúa nho nhỏ, với những vùng ảnh hưởng rất hẹp, một toà lâu dài và ruộng đất chung quanh; và họ đánh nhau liên miên để giành đất và dân. Tuy thế, thời kỳ thực sự đổ nát và đen tối chỉ kéo dài đến thế kỷ 11, và năm 800 khi hoàng đế Charlemagne đăng quang, có thể coi như tín hiệu đầu tiên đánh dấu một trật tự xã hội mới đang manh nha, các vương quốc tại châu Âu bắt đầu đi tìm diện mục của mình. Nhưng thăng trầm cũng còn trải qua hai ba thế kỷ nữa, đến 1041 khi hội đồng các giám mục tại Arles tuyên bố “hưu chiến vì Thượng Đế” (trêve de Dieu), giảm việc binh đao giữa các lãnh chúa, thì có thể coi như một trật tự phong kiến dựa trên sức mạnh tinh thần của giáo hội đã định hình. Chính Charlemagne đã ra lệnh cho các tu viện mở trường học dạy chữ, nhạc, toán số... vì thời ấy các tu viện là những nơi duy nhất còn giữ lại được chữ viết, toàn bộ dân chúng, kể cả các lãnh chúa và phần lớn tu sĩ đều mù chữ. Truyền thống giảng dạy và nghiên cứu (mọi vấn đề, chứ không phải chỉ giáo lý) trong các tu viện bắt đầu từ đó, đến cuối thế kỷ 11 đầu thế kỷ 12 thì thành lập các “Universités”, Đại học ở Bologne, Paris và Oxford... Do các tu sĩ của các đại học là những người thông thái nhất Âu châu thời ấy, họ đã giành được quyền tự trị rất cao, nhiều khi không tuân lệnh giáo hội, và về mặt tư tưởng cũng không đồng nhất với nhau. Quyền tự trị đại học (trật tự trong các đại học do chính nhân viên của đại học đảm nhiệm, lãnh thổ bất khả xâm phạm bằng vũ lực) là truyền thống còn kéo dài tới nay, chứng tỏ ý thức rất cao về sự cần thiết của tự do tư tưởng mà không bị áp lực vật chất nào khống chế.

– Cũng trong thời gian đó, Hồi giáo, coi như khởi đầu từ lúc giáo chủ Mahomet rời La Mecque năm 622, bắt đầu một thời đại huy hoàng tại vùng Trung Cận Đông, thừa hưởng và phát triển khoa học kỹ thuật Hy Lạp để rồi lan truyền trở lại châu Âu, các học giả đầu tiên dịch các tác phẩm Hy Lạp sang tiếng La tinh, qua tiếng Ả rập, phần đông là những người Do Thái. Cuộc giao lưu văn hoá giữa Islam và châu Âu Thiên Chúa giáo này bắt đầu từ nửa sau của thế kỷ thứ tám và trở thành đụng độ bằng những cuộc thánh chiến cuối thế kỷ 11 (năm 1095 giáo hoàng Urbain II kêu gọi thánh chiến, và năm sau thì cuộc thập tự chinh lần thứ nhất bắt đầu). Các cuộc thánh chiến kéo dài suốt trong hai thế kỷ, rồi sau đó ảnh hưởng Hồi giáo lui dần tại châu Âu. Văn minh Hồi giáo tàn lụi sau khi Mông Cổ tàn phá thành Bagdad năm 1258, và từ đó tới nay vẫn chưa phục hồi. Cũng thời gian các thế kỷ 12 và 13 này các tác phẩm Hy Lạp được khám phá trở lại qua tiếng Ả rập và được dịch ra tiếng La tinh, được học hỏi với sự thán phục không bờ bến trong các Đại học - tu viện.


4. Trước thế kỷ ánh sáng

Sự hội tụ giữa tư tưởng Thiên Chúa giáo và tư tưởng Aristote vào thế kỷ thứ 13 được nhiều học giả coi là một hiện tượng quan trọng bậc nhất trong lịch sử châu Âu. (Hiện tượng thứ hai nữa được nêu lên(11) là sự tương tác giữa đạo Tin lành và sự hình thành chủ nghĩa Tư bản, song song với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đầu tiên hồi thế kỷ 17 tại Anh quốc). Đây là một giai đoạn lịch sử kỳ lạ và đầy nghịch lý. Thực vậy, nếu tư tưởng của Platon về một Ý niệm tuyệt đối (Idée) siêu hình mà trí tuệ con người chỉ nắm bắt được một cách mờ nhạt thực là thích hợp với niềm tin vào một Thưọng đế trừu tượng, và do đó những nhà thần học đầu tiên như Plotin (203-270), thánh Augustin (354-430) đều xuất thân từ trường phái Platon; thì Aristote, tuy chính là đệ tử trực tiếp của Platon, lại tin rằng chỉ có sự nghiên cứu một thực tại vật chất cảm nhận được bằng giác quan mới đạt đến sự hiểu biết về những thể lý tưởng (formes); nghĩa là Aristote đảo ngược lại quan điểm của Platon trong cái quan hệ giữa ý niệm và vật chất. Thế thì câu hỏi đặt ra là tại sao Thiên Chúa giáo, trong cái thuở ban đầu đã bỏ qua Aristote, lại khám phá ra ông để rồi chấp nhận như khuôn vàng thước ngọc, một nghìn năm sau?

– Thực ra thì vào cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13, khi Aristole bắt đầu được dịch sang tiếng La tinh, giáo hội đã có lệnh cấm đọc và dạy Aristote. Nhưng không ngăn cản được các đại học - tu viện phổ biến những kiến thức khoa học, luận lý học của bậc thầy vĩ đại này(12). Vấn đề của các nhà thần học khi đó là làm sao cứu vãn được khoa học của Aristote trong khuôn khổ của niềm tin Thiên Chúa giáo. Thánh Thomas d’Aquin là người đã “rửa tội” được cho ông bằng lý luận: Chúa sáng tạo ra thế gian, vậy thì nghiên cứu thế giới tự nhiên để từ đó tới gần Chúa không có gì trái đạo lý. Chúa là toàn thiện toàn mỹ cho nên nghiên cứu những gì Chúa sáng tạo cũng tiến gần được tới toàn thiện toàn mỹ, không có gì mâu thuẫn giữa niềm tin và khoa học (luận điểm này chỉ gặp khó khăn cơ bản với thuyết tiến hoá của Lamark và Darwin). Kể từ đó những người làm khoa học Thiên Chúa giáo có chỗ dựa giáo lý vững chắc, tuy phải nói rằng những mâu thuẫn với giáo hội luôn luôn xẩy ra, vì vấn đề là giải thích kinh điển. Thế rồi ngay cả những thuyết sai của ... Aristote hay Ptolémé sau này cũng trở thành kinh điển, bất khả xâm phạm theo một số giáo sĩ.

– Trong giai đoạn sau của thời Trung cổ và bắt sang thời Phục hưng của hai thế kỷ 15, 16 (cái mốc giữa Trung cổ và Phục hưng này có lẽ chỉ có ý nghĩa trong lãnh vực nghệ thuật, thời Phục hưng bắt đầu giai đoạn huy hoàng của nghệ thuật Ý), kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật chiến tranh, kỹ thuật giao thông, khai thác năng lượng súc vật, sức gió, canh nông, thương mại, kinh tế, tiền tệ... đều liên tục tiến triển. Nhưng hầu như vẫn không có tiến bộ khoa học nào đáng kể. Người ta chỉ khai thác những hiểu biết được khám phá trở lại từ những tác phẩm Hy Lạp, có những phát minh kỹ thuật, nhưng do các nghệ nhân mày mò tìm ra chứ chưa cần đến lý thuyết khoa học. Các giáo trình khoa học của Aristote vẫn là khuôn vàng thước ngọc, kể cả những luận điểm hoàn toàn sai lầm về nguyên tử, về thiên thể và về chuyển động. Nhưng thực tế hoạt động kỹ thuật, hàng hải, thiên văn, thực tế nghiên cứu đạn đạo trong chiến tranh... bắt đầu đưa tới những rạn nứt trong niềm tin mù quáng vào Aristote.

– Sự phân rẽ trong Thiên Chúa giáo thành đạo Cơ đốc và đạo Tin lành xẩy ra đầu thể kỷ 16 với Luther và Calvin, trong khung cảnh châu Âu bắt đầu giàu có và thịnh vượng, trong khi đó thì giáo hội đã quá bảo thủ và có thể nói thối nát. Cuộc đấu tranh tư tưởng có lúc đi tới tàn sát này dĩ nhiên cũng sẽ làm thay đổi cả giáo hội, thế nhưng điều quan trọng hơn là nó còn nằm trong khung cảnh các vương quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Hoà Lan đụng độ với nhau liên miên, thêm nữa cũng giai đoạn này giới quý tộc các nơi đều muốn xác định quyền uy cả vật chất lẫn tinh thần của mình, tranh giành ảnh hưởng tinh thần với giáo hội. Về kinh tế thì tư bản thương nghiệp bắt đầu hình thành...

– Để có vài ý niệm về sự tiến triển kỹ thuật và văn minh tại châu Âu từ thế kỷ 12 đến Galilei, có thể nêu ra những cái mốc sau đây (13,14):

– thế kỷ 12: thuyền buồm có cần lái, cối xay gió, khung cửi dùng chân đạp, kiến trúc gothique, cách làm gạch, nước cường toan.

– thế kỷ 13: nhập từ Trung quốc la bàn và thuốc súng; xe đẩy (brouette). Cuối thế kỷ 13 thì biết làm giấy, làm đồng hồ chạy bằng sức nặng.

– thế kỷ 14: khám phá ra cách làm gang (người Trung quốc đã biết từ 2 thế kỷ trước công nguyên), từ đó bắt đầu ngành luyện kim và đúc súng, sử dụng con ròng rọc (poulie) trong xây dựng. Tín dụng xuất hiện tại Florence và Venise.

– thế kỷ 15: nghề in với chữ đúc rời của Gutenberg, xưởng cưa, lượng giác học và cách vẽ bản đồ chính xác, xuất hiện các “kỹ sư” chuyên nghiệp trong thiết kế dân dụng và quân sự, tiêu biểu là Léonard de Vinci (1472-1519). Xe ngựa có lò xo để giảm sóc, thuyền buồm lớn (caravelle). Sự gia tốc trong khám phá kỹ thuật và thay đổi cục diện đời sống rõ nét. Các đường hàng hải toàn cầu được khai phá vào cuối thế kỷ, Christophe Colomb (1451-1506) khám phá châu Mỹ năm 1492.

– thế kỷ 16: Kỹ thuật phát triển muôn vẻ. Khai thác mỏ và luyện kim trên quy mô lớn với đường sắt và máy bơm. Máy dệt tự động, máy cán sắt, máy ảnh, bút chì, v.v... đồng hồ đã có mặt tại các tư gia. Sự chinh phục toàn cầu của châu Âu và chế độ thuộc địa bắt đầu.

Chính trong bối cảnh vô cùng phức tạp, nhiều màu sắc và nhiều thay đổi đó đã xuất hiện nền khoa học hiện đại, với Galilei, một biểu tượng đáng ghi nhớ, nhưng rõ ràng Galilei không phải là một hiện tượng đơn lẻ. Từ khi có ý thức về công nghệ (technologie) tức là sự kết hợp nhuần nhuyễn lý thuyết và thực nghiệm, khoa học và kỹ thuật, thì nền văn minh Tây phương vượt trội hẳn lên, có thể nói là bùng nổ, về sức mạnh vật chất, và không phải chỉ về sức mạnh vật chất cho đến ngày nay. Bao nhiêu trang báo cũng không đủ, dù chỉ tóm tắt, để ghi lại những tiến bộ trong lịch sử khoa học, kỹ thuật và văn hoá châu Âu kể từ thế kỷ 17.


Hàn Thuỷ


Kỳ sau tiếp: 2. Bản sắc văn hoá và khoa học kỹ thuật




(1) Trần Quốc Vượng: Xây dựng một nền văn hoá Việt Nam nhân bản - dân tộc - dân chủ - khoa học trong cuốn Trong cõi, nxb Trăm hoa, CA, USA, 1993. Đã giới thiệu trong D.Đ. số 17.

(2) Lê Thành Khôi: Culture, créativité et développement, nxb l’Harmattan, Paris 1992, xem giới thiệu trong D.Đ. số 9.

(3) Nguyễn Thu: Sự chấm dứt của huyền thoại xã hội đại đồng; D.Đ số 28 và số 29.

(4) Alexandre Koryé: Du monde de l’à-peu-près à l’univers de la précision, trong Etudes d’histoire de la pensée philosophique; Gallimard, collection TEL, Paris 1990.

(5) Lê Quang Vịnh: Những ngộ nhận về dân chủ và chủ nghĩa xã hội, xem D.Đ. số 26, 1.94.

(6) Nguyễn Khắc Viện: Bàn về đạo nho, nxb Thế giới, Hà Nội 1993.

(7) K. Popper: Le réalisme et la science, nxb Herman 1990, bản dịch từ tiếng Anh.

(8) K. Popper: The open society and its enemies, vol 2: Hegel and Marx, đúng ra thì Popper phân biệt “lý tuyết Marx của Marx” và “chủ nghĩa Marx thông tục”; đánh giá “không khoa học” của ông dành cho chủ nghĩa Marx thông tục; còn lý thuyết Marx theo ông là một lý thuyết, là một khoa học thực sự (vì có tiên tri, vì thế có thể được phản nghiệm), và đã bị thực tế lịch sử phản nghiệm. Đánh giá chủ quan của người viết bài này là thuyết “phản nghiệm” của Popper tuy đúng về hình thức, nhưng còn phiến diện ở chỗ không phải vì một lý thuyết bị phản nghiệm ở mặt này hay mặt khác mà có thể bị bác bỏ toàn bộ. Nhưng nếu bàn đến thì quá dài dòng.

(9) Jacques Monod: Le hasard et la nécessité, nxb Seuil, col. Points Sciences, 1970.

(10) chẳng hạn như: La civilisation occidentale, của A. Brunet, nxb Hachette 1990.

(11) Max Weber: The protestant Ethic and the spirit of Capitalism, Londres 1930. Luận điểm của Weber được nhiều tác giả trích dẫn, nhưng người viết bài này chưa đọc tận gốc.

(12) Alexandre Koryé: Aristotélisme et Platonisme dans la philosophie du moyen age; trong: Etudes d’histoire de la pensée scientifique; nxb Gallimard, col. TEL 1992; bản in đầu tiên năm 1973.

(13) F. Klemm: Histoire des techniques, nxb Payot, 1966; bản dịch từ tiếng Đức.

(14) Lewis Mumford: Technique et civilisation, nxb Seuil, 1950; bản dịch từ tiếng Mỹ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss