Media và xã hội công dân
Media
và xã
hội công dân trong
quá trình đổi mới ở Việt Nam
Nguyễn Ngọc Giao
Bài này là tham luận đọc tại hội nghị Vietnam Update 94: Đổi Mới , State and Civil Society (Cập nhật Việt Nam 94: Đổi mới, Nhà nước và Xã hội công dân) do Trường đại học quốc gia Úc (ANU) tổ chức (10 và 11.12.1994). Kỳ trước, chúng tôi đã đăng tham luận của Lữ Phương. Có dịp, chúng tôi sẽ trở lại hội nghị này.
1. Từ ngữ xã hội công dân hầu như vắng mặt trong ngôn ngữ media Việt Nam
Xã hội công dân hay xã hội dân sự (société civile) hầu như không được các media ở Việt Nam biết đến. Các từ điển song ngữ thông dụng (Pháp-Việt, Anh-Việt) không có mục từ này, các từ điển triết học, pháp luật, khoa học xã hội cũng thế1. Tại sao như vậy? Trước hết có lẽ vì xã hội công dân là một khái niệm xa lạ đối với chủ nghĩa Mác chính thống (mặc dù Marx cũng bàn nhiều về chủ đề này2). Sau Marx, Gramsci cũng đã dày công suy nghĩ về xã hội công dân, song nếu tôi không lầm, trước tác của nhà lý luận Italia chưa hề được dịch ra tiếng Việt. Vả lại, cho đến gần đây, ông bị coi là cha đẻ tinh thần của chủ nghĩa xét lại, của chủ nghĩa cộng sản Âu châu.
Còn một lý do nữa: trong quan niệm chính thống của các nước xã hội chủ nghĩa hiện thực, media là công cụ tuyên truyền của đảng cộng sản, của các tổ chức do đảng lãnh đạo, còn các đoàn thể quần chúng là những cơ cấu mang chức năng động viên và giáo dục quần chúng, chức năng đại diện chỉ là thứ yếu và, trên thực tế, nặng phần hình thức, trình diễn. Vì vậy, mọi sáng kiến xuất phát từ xã hội công dân, độc lập với chính quyền, lập tức bị coi là khả nghi, do đó phải nắm lại, quản lý nó, hoặc vô hiệu hoá nó, hoặc đơn giản hơn, cấm đoán nó. Bất luận thế nào, media không thể là phương tiện truyền thông của một xã hội công dân đã bị đảngvà nhà nước tước đoạt mọi khả năng tự tổ chức3.
Tình hình ấy tất nhiên phải thay đổi khi nhà nước không còn đủ khả năng thực hiện sự toàn trị của nó. Tại Việt Nam, trong lãnh vực kinh tế, tình huống này đã xảy ra vào cuối thập niên 1970: do khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là lương thực, bắt đầu từ mùa hè 1979, nhà nước buộc phải chấp nhận thi hành chính sách khoán nông nghiệp (mà ngay từ năm1977, tỉnh Hải Phòng đã làm chui); còn trong công nghiệp, sang đầu thập niên 1980, đồng lương không còn đủ để tái sản sinh sức lao động của công nhân, viên chức, nhà nước bắt buộc phải để cho nhân viên đi kiếm việc làm thứ nhì, và cho các xí nghiệp, đơn vị sản xuất lập ra những kế hoạch 2, kế hoạch 3. Song song với cuộc khủng hoảng kinh tế là một cuộc khủng hoảng tư tưởng: chống chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh tất nhiên dẫn tới phê phán chủ nghĩa Mao còn ngự trị trong Đảng cộng sản Việt Nam. Điều này thể hiện khá rõ rệt trong lãnh vực văn học nghệ thuật: bản đề dẫn của Nguyên Ngọc (bí thư Đảng đoàn Hội nhà văn, 19794), bài viết của Hoàng Ngọc Hiến về “một nền văn học phải đạo” (1979), phát biểu của Dương Thu Hương tại hội nghị kỷ niệm 35 năm văn học cách mạng (1980), phim Hy vọng cuối cùng của Trần Phương (1981), vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt của Lưu Quang Vũ (1981), phim Thị xã trong tầm tay của Đặng Nhật Minh (1982)...
Những gì xảy ra sau đó, mọi người đều biết: chính sách đổi mới (1986), rồi tiếp theo là sự co cụm (1989-90). Với Đại hội lần thứ VII (1991), Đảng cộng sản Việt Nam chủ trương tiếp tục cải tổ về kinh tế, tài chính, hành chính, quá độ sang kinh tế thị trường với “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thế nào là “định hướng xã hội chủ nghĩa” về mặt kinh tế, thì chưa ai giải thích nổi, song về mặt chính trị thì rất rõ ràng: ĐCSVN kiên quyết duy trì chế độ độc đảng, nắm chặt độc quyền trên các media, và phủ nhận mọi biểu hiện đa nguyên của xã hội công dân.
Làm thế nào để thực hiện điều đó? Trong chừng mực nào ĐCSVN đã thành công? Trong hoàn cảnh đó, làm sao xã hội công dân có thể xuất hiện? làm sao nó có thể từng bước lấn vào media còn bị nhà nước chiếm độc quyền? Bài này có mục đích trả lời một phần những câu hỏi đó.
2. Thời kỳ đổi mới 1987-89: cởi trói văn nghệ, xuất hiện dư luận xã hội
Chính sách đổi mới trong văn nghệ chính thức bắt đầu với cuộc gặp gỡ tháng 10.87 giữa tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và khoảng một trăm văn nghệ sĩ và trí thức. Chính trong cuộc họp này, ông Linh đã thắm thiết ôm hôn nhà văn Dương Thu Hương và niềm nở bắt tay bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, hai người trong thời gian trước đó bị coi là “có vấn đề”5. Trong cuộc họp này, tổng bí thư ĐCSVN kêu gọi các nhà văn hãy “ tự cởi trói”, “bất luận thế nào, đừng uốn cong ngòi bút”. 1987 cũng là thời điểm nở rộ một loạt tác phẩm văn học nghệ thuật thay đổi hẳn không khí sinh hoạt văn hoá Việt Nam, đổi mới về nội dung và đôi khi cả về hình thức. Có thể đơn cử vài thí dụ:
– những phóng sự của các báo Lao Động, Nông Nghiệp, Đại Đoàn Kết, Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Văn Nghệ ... phản ánh các hiện tượng tiêu cực (oan khiên của nông dân và các thành phần xã hội thành thị, di tích văn hoá lịch sử bị phá huỷ...);
– tiểu thuyết Bên kia bờ ảo vọng của Dương Thu Hương, truyện ngắn Tướng v ề hưu của Nguyễn Huy Thiệp, tiếp theo là truyện ngắn Năm ngày và tiểu thuyết Thiên sứ của PhạmThị Hoài, báo hiệu một loạt cây viết trẻ mới;
– hai cuốn phim tài liệu của Trần Văn Thuỷ: Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế;
– kịch của Lưu Quang Vũ: Chết cho điều chưa có, Quyền được hạnh phúc;
– những phóng sự truyền hình, đặc biệt của đài Cần Thơ.
Đứng từ giác độ media và xã hội công dân, có thể nêu ra mấy nhận xét:
– đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, văn hoá trở thành một hiện tượng đại chúng: tiểu thuyết của Dương Thu Hương đạt số in 100.000 (có cuốn 200.000 bản) – trước đó, cũng như từ vài năm nay, số in trung bình là vài nghìn bản; hàng triệu khán giả đã bỏ tiền mua vé xem phim tài liệu Trần VănThuỷ; kịch của Lưu Quang Vũ có mặt trên sân khấu từ bắc chí nam (có tháng, mười tác phẩm của Vũ được diễn cùng một lúc); các báo đổi mới tăng vọt số in
– quan trọng hơn nữa là sự xuất hiện của công luận. Cố nhiên chưa bao giờ nhà nước toàn trị đã triệt tiêu được dư luận xã hội. Khi nó toàn thịnh thì dư luận chỉ còn cách chui vào những truyện tiếu lâm tân thời và những câu c a dao vỉa hè6. Bây giờ dư luận xuất hiện trên báo chí, trong mục thư bạn đọc, dư luận tìm ra những người phát ngôn của mình, chủ yếu là cán bộ, sĩ quan về hưu. Chính thành phần này, lần đầu tiên từ năm 1945, đã tạo thành một đối trọng có thể đương đầu với “bộ tứ” (đảng uỷ - công an - ban chủ nhiệm hợp tác xã - uỷ ban hành chính xã) ở nông thôn. Ở thành phố, cán bộ về hưu tập trung ở các chi bộ khu phố, phần nào phản ánh được dư luận xã hội. Ở Nam Bộ, Câu lạc bộ Kháng chiến cũ đã đóng một vai trò quan trọng trong công luận cũng như trong những cuộc biểu tình 1988-89 của nông dân.
Thực ra, lời kêu gọi của ông Nguyễn Văn Linh, và tiếp theo đó, nghị quyết 05 của Bộ chính trị ĐCSVN về văn hoá văn nghệ không phải tự trên trời rơi xuống. Trong một chừng mức nào đó, chúng chỉ ghi nhận một vận động văn hoá tuy còn tản mạn, nhưng khá mạnh mẽ và đa dạng.
Thật vậy, ngay từ trước năm 1987, đông đảo công chúng đã tìm đọc Dương Thu Hương với Hành trình ngày thơ ấu và Chuyện tình kể trước lúc rạng đông; Trần Văn Thuỷ đã hoàn thành Hà Nội trong mắt ai từ 1985 và phải giữ cuốn phim trong ngăn kéo suốt hai năm trời7. Còn Lưu Quang Vũ (mất năm 1988), các vở kịch của anh đã lôi cuốn đông đảo khán giả ngay từ năm 1981. Cố nhiên, tác phẩm lớn nhất của Vũ, Hồn Trương Ba da hàng thịt, viết xong từ 1981, phải đợi đến năm 1987, Nguyễn Đình Nghi mới được phép dựng trên sân khấu. Lưu Quang Vũ là hiện tượng có một không hai, song không phải vì vậy mà nó không có ý nghĩa tiêu biểu: hầu như toàn bộ gần 50 vở kịch của anh được viết trong thời gian1980-1988. Câu nói của nhà sử học Liên Xô Iouri Afanassiev vận rất đúng vào tình hình Việt Nam thập niên 80: “Mọi cuộc thảo luận về lịch sử hiện đại phải đi từ văn học hiện đại. Vì một lần nữa, văn học tỏ ra cái “chấn động kế”nhạy bén nhất của thời đại chúng ta”8
Cuối cùng, nói về thời kỳ 1987-89 này, thiết tưởng cũng cần nêu rõ điều này: sở dĩ đời sống văn lúc nghệ thuật đã khởi sắc như vậy và dư luận xã hội đã triển khai ỏ mức đó mà không gặp sự đàn áp tức khắc và mạnh mẽ của chính quyền (tình hình này không ai có thể tưởng tượng là có thể xảy ra mười năm trước đó), là vì trong cuộc khủng hoảng toàn diện, mọi người đều ý thức được là cần phải thay đổi – thay đổi như thế nào lại là chuyện khác – và động lực của sự thay đổi đó không nằm bên ngoài đảng, mà là một bộ phận quan trọng trong hàng ngũ đảng viên. Cấp lãnh đạo đảng nói chung không quan tâm tới văn hoá, nhưng có người như tướng Trần Độ rõ ràng dã đồng cảm với giới văn nghệ sĩ: ông đã giữ vai trò quyết định trong việc soạn thảo và thông qua nghị quyết 05 về văn hoá văn nghệ. Trong một chừng mực nhất định, thời kỳ đổi mới 1987-89 ở Việt Nam cũng tương tợ như công cuộc perestroika ở Liên Xô về mặt này: sự liên kết ít nhiều tự giác giữa một bộ phận lãnh đạo và một phần quan trọng đảng viên cơ sở, vượt qua đầu bộ máy trung gian. Khác tình hình phong trào Nhân văn – Giai phẩm (1956-58) ở Việt Nam (không có sự đồng tình ở trong cấp lãnh dạo), và khác hẳn thời kỳ Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng (1957) ở Trung Quốc, một cuộc đấu tranh chính trị giành giật quyền lực. Chính vậy mà bộ máy cầm quyền không phản ứng quyết liệt, ít nhất trong cả một thời gian. Song chỗ yếu của phong trào đổi mới về văn học và văn hoá cũng ở chỗ đó: thiếu vắng một kích thước chính trị. Và nhược điểm này sẽ bộc lộ trong giai đoạn tiếp theo.
3. Uốn nắn văn nghệ hay là “định hướng xã hội chủ nghĩa” trong kinh tế thị trường
Quá trình uốn nắn đã bắt đầu ngay từ cuối năm 1988 với việc cách chức tổng biên tập tuần báo Văn Nghệ của nhà văn Nguyên Ngọc. Không khí trở thành nặng nề từ sau mùa hè 1989 với nghị quyết mà Ban chấp hàng trung ương ĐCSVN thông qua sau vụ tàn sát Thiên An Môn và kết quả cuộc bầu cử dân chủ ở Ba Lan. Tiếp đó, sự sụp đổ của phe xã hội chủ nghĩa Đông Âu và quá trình tan rã của Liên bang Xô viết đã dẫn tới đường lối co cụm mà Đại hội VII chính thức biểu quyết: chống lại cái gọi là “âm mưu diễn biến hoà bình”, theo đó các “lực lượng phản động quốc tế” sử dụng những “phần tử phản động” trong nước và những “phần tử thoái hoá” trong đảng để tạo ra “biến chuyển từ bên trong”.
Trong lãnh vực báo chí, chính sách xiết chặt này thể hiện trong việc đóng cửa hai tờ báo Tổ Quốc và Dân Chủ (của Đảng xã hội và Đảng dân chủ9), việc cách chức một loạt tổng biên tập: Bùi Minh Quốc (tạp chí Lang Bian), Tô Hoà (nhật báo Sàigòn Giải Phóng), Tô Nhuận Vỹ (tạp chí Sông Hương), Kim Hạnh (báo Tuổi Trẻ), Hoàng Phủ Ngọc Tường (tạp chí Cửa Việt)... Gần đây nhất là việc cho nghỉ hưu nhà báo Trường Giang (tổng biên tập tạp chí Giáo dục và Thời đại) sau khi báo này công khai xin lỗi giáo sư Phan Đình Diệu và độc giả là đã không đăng bài trả lời Lê Quang Vịnh, và nói rõ đây là theo “gợi ý của một đồng chí lãnh đạo”10. Sau khi khoá chặt những tờ báo kể trên, người ta dẹp luôn cả những diễn đàn, bàn tròn trong đó còn có vài tiếng nói không chính thống (thí dụ như bàn tròn tháng 3.1991 của Tạp chí Cộng sản). Ngoại lệ duy nhất có lẽ là tạp chí Văn Học còn giữ được tinh thần cởi mở trong một lãnh vực không trực tiếp liên quan tới chính trị – chắc không phải ngẫu nhiên mà từ đầu tháng 9.94, tạp chí này trở thành đối tượng của một loạt bài tấn công của những Diệp Minh Tuyền trên báo Sàigòn Giải Phóng.
Nghiêm trọng hơn nữa là quyết định ký ngày 4.10.1994 của bộ trưởng văn hoá, ngừng phát hành tập 40 truyện rất ngắn của Nhà xuất bản Hội nhà văn “vì trong đó có truyện Đường Tăng mà nội dung vi phạm chính sách tôn giáo và đoàn kết của Đảng và Nhà nước”11. Truyện ngắn này được giải nhất (đồng hạng) cuộc thi truyện rất ngắn của tạp chí Thế giới mới mượn mấy nhân vật Tây du ký để nêu chủ đề cứu cánh và phương tiện. Trong chừng mực nào đó, có thể nghĩ rằng tác giả dùng ẩn dụ để nói tới ảo tưởng thiên đường cộng sản – đề tài mà Dương Thu Hương đã viết những trang rất hiện thực và trữ tình trong Những thiên đường mù. Song khó mà nói rằng truyện ngắn triết lý này phỉ báng tôn giáo, nhất là một tôn giáo hỉ xả là đạo Phật; lại càng không thể chấp nhận một biện pháp cấm đoán về bản chất12 khôngkhác gì fatwa đối với Salman Rushdie và Talisma Nasreen.
Còn quá sớm để đánh giá hết ý nghĩa chính trị của vụ Đường Tăng. Có điều chắc chắn là đợt tấn công trên báo chí, qua truyện ngắn được giải, nhắm vào hội đồng chung khảo (mà chủ tịch lại là Nguyên Ngọc, trưởng ban sáng tác Hội nhà văn), cũng như những bài báo phê phán việc Hội nhà văn trao giải (cách đây 3 năm) cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh13 có liên quan tới việc chuẩn bị họp đại hội của 9 hội văn học nghệ thuật toàn quốc và hội nhà báo. Ngay từ tháng 7.94, Ban bí thư Trung ương đã ra chỉ thị về việc chuẩn bị đại hội của 9 hội văn học nghệ thuật toàn quốc và của Hội nhà báo Việt Nam, và đặt sự chuẩn bị đại hội của riêng hai hội nhà văn và hội nhà báo dưới sự “chỉ đạo trực tiếp của Trung ương”.
Về thực chất, lãnh đạo của ĐCS vẫn giữ nguyên quan niệm cũ về “lãnh đạo” các “tổ chức quần chúng”. Đại hội mùa hè 1994 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam minh hoạ điều đó. Diễn văn thì giọng khá cởi mở (kêu gọi đoàn kết không phân biệt quá khứ và chính kiến), thành phần uỷ ban trung ương cũng cùng một cung bậc (có thêm ông Nguyễn Văn Huyền và bà Nguyễn Phước Đại, nguyên chủ tịch và phó chủ tịch thượng viện chế độ cũ, có mươi Việt kiều phần đông là doanh nhân, và giờ chót, “lưu dung” nhà toán học Phan Đình Diệu). Song đó là những bài diễn văn có tác dụng đối ngoại, đối chọi với nội dung và giọng điệu những phát biểu nội bộ; và “cơ cấu” của uỷ ban trung ương mang nặng tính trình diễn, trái nghịch với sự co ro, nếu không nói là hữu danh vô thực của phần đông các tổ chức thành viên.
Hai thí dụ cho ta hiểu rõ quan niệm cố hữu nói trên:
–Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự (nguyên thư ký tạp chí Lang Bian), trong cuốn tiểu thuyết có tính tự truyện, kể lại lời một cán bộ tình báo lão thành về ý định thành lập một Hội những người yêu nước thành phố Sương Mù (xin hiểu: Đà Lạt): “Cái chính là thông qua hội, ngoài việc thu hút ngoại viện, ta kiểm soát việc quan hệ và hoạt động của các cá nhân và tổ chức nước ngoài sẽ đến thành phố (...) Một mục tiêu quan trọng khác là hội sẽ có trực tiếp hợp tác với một tổ chức giáo hội lớn ở đây (xin hiểu: Giáo hội Công giáo) và thông qua mối quan hệ này ta sẽ khống chế và chi phối giáo hội đó, không phải chỉ giáo hội địa phương ở đây, trước mắt, mà còn có thể giáo hội trên cả nước về lâu về dài”14.
– Một trí thức Hà Nội cho biết: “ Hội Hữu nghị Việt-Pháp trung ương, cũng như các hội hữu nghị khác, hoàn toàn chỉ có trên giấy (có trên giấy nhưng cũng chẳng có giấy tiêu đề /papier à en-tête, không con dấu, không tài khoản ngân hàng(...) Ban chấp hành thì do cấp trên chỉ định”. Do đó, một số trí thức Hà Nội đã ký đơn xin thành lập một hội hữu nghịViệt Pháp Hà Nội: “ Sau ba năm chờ đợi, anh chị em nhận được giấy phép, nhưng lại kèm theo một quyết định chỉ định một Ban trù bị gồm những anh chị em có đơn xin lập hội, song Trưởng ban và một uỷ viên thường vụ khác của Ban trù bị lại là những người không hề làm đơn xin lập hội. Hơn thế nữa, cấp trên còn yêu cầu các uỷ viên thường vụ của Ban trù bị phải loại ra ngoài ban chấp hành một số người (mà có lẽ cấp trên không ưa lắm), rồi báo cáo cho cấp trên danh sách ban chấp hành để được duyệt thì mới họp Đại hội đồng, giới thiệu Ban chấp hành đã được dự kiến và được cấp trên chuẩn y, để Đại hội đồng biểu quyết bằng... giơ tay”15.
4. Media và thị trường. Một xã hội công dân phôi thai
Bức tranh toàn cảnh vừa phác hoạ ở trên nhằm mô tả chính sách của ĐCS đối với báo chí, media và các tổ chức xã hội. Song ta sẽ mắc một sai lầm lớn nếu chỉ nhìn thấy ý định, mà bỏ qua hai nhân tố khách quan cơ bản: một là sự quá độ sang kinh tế thị trường, hai là bộ máy quan liêu không còn khả năng “quản lý” xã hội như nó đã làm trong quá khứ. Hai nhân tố ấy từng bước đang và sẽ vô hiệu hoá tham vọng toàn trị của ĐCS và mở ra cho xã hội công dân những triển vọng phát triển.
Trong lãnh vực media, cần phân biệt khu vực báo chí (in, truyền thanh, truyền hình) và khu vực xuất bản. Báo chí được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ về chính trị, đặc biệt trên những vấn đề nóng bỏng (đường lối chính trị chung, quan hệ đối ngoại, các vấn đề tư tưởng...) song rõ ràng thông tin chung đã đa dạng hơn, nhà báo chừng nào được tự lập hơn. Nhà nước không còn bao cấp, bộ máy độc đảng không còn nguyên khối (monolithique), báo chí ngày càng có thêm nguồn quảng cáo, đó là những nhân tố mở ra cho báo chí những không gian tự do tuy nhỏ nhưng có thực, tuy rằng báo chí thường có xu hướng chỉ sử dụng chúng để câu khách kiếm lợi. Trong lãnh vực xuất bản, nhà nước vẫn giữ độc quyền, song sự kết thúc chế độ bao cấp đã dẫn tới một bước tư nhân hoá một cách mặc nhiên: tư nhân có thể xuất bản (và phát hành) hầu như bất cứ loại sách gì không phạm huý chính trị, bằng cách “liên kết” với nhà xuất bản chính thức (thực chất là “thuê tên” nhà xuất bản). Do đó mà trên thị trường sách đã nở rộ các loại văn chương thương mại, xếch xác, thỉnh thoảng khiêu dâm, khi nhà nước cấm đoán thì vô hiệu quả, và chỉ có tác động quảng cáo cho lượng sách bán chui. Dẫu sao, phải ghi nhận rằng xu hướng nới lỏng này đã có những tác động tích cực: trong vòng vài năm, số lượng các từ điển (song ngữ, thuật ngữ đối chiếu, văn hoá, lịch sử...) được xuất bản đã vượt hẳn số xuất bản trong suốt mấy chục năm Việt Nam dân chủ cộng hoà và mười năm đầu Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các tác phẩm văn học “tiền chiến” (Tự Lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng...), một số công trình biên khảo và một số tác giả miền Nam trước 1975 đã được tái bản.
Cố nhiên sự từ nhiệm của nhà nước (đặc biệt trong lãnh vực nghệ thuật, nhất là trong điện ảnh và sân khấu), một phần vì thiếu hụt ngân sách, phần khác vì tham nhũng, biển thủ, về trung hạn sẽ đe doạ sự sống còn của nền văn hoá quốc gia trong khi nó đã không đủ sinh lực để đối phó với “văn hoá đại chúng” lai Mỹ lai Hồng Kông. Song, trước mắt, và đứng ở góc độ xã hội công dân, sự từ nhiệm bất đắc dĩ này của nhà nước cũng hé ra một khoảng trống của xã hội công dân.
Tương tự, cuộc khủng hoảng tư tưởng của phong trào cộng sản quốc tế và việc nhà nước không còn khả năng quản lý toàn bộ lãnh vực văn hoá - xã hội cũng tạo ra những không gian tự do mới mà do thiếu chuẩn bị và không có tổ chức, xã hội công dân không kịp tiếp quản.
Vì không có thông tin đầy đủ và phân tích chính xác, chúng tôi chỉ xin nêu dưới dây một vài nhận xét sơ bộ.
Ở nông thôn cũng như ở thành thị, người ta chứng kiến sự nở rộ của các sinh hoạt tôn giáo, thờ cúng tổ tiên, lễ hội và phong tục truyền thống:
– các dòng họ công khai xuất hiện trở lại (xây dựng từ đường, tu bổ bàn thờ tổ, dịch lại hoặc viết gia phả, soạn thảo tộc ước quy định thứ bậc trong dòng họ, nhiệm vụ và quyền hạn của người đồng tộc...), hâm lại những tập tục có phần hủ lậu, song cũng khẳng định lại một ý thức đoàn kết trong nhiều thập niên bị phủ nhận, và cung cấp cho cá nhân trong một xã hội khủng hoảng những giá trị tinh thần có chức năng qui chiếu.
– tại các thành phố, những hội phụ huynh học sinh đã thành hình trên thực tế, với mục đích hạn chế sự xuống cấp của giáo dục và nạn du đãng của thanh thiếu niên.
– việc tái lập các phong tục tập quán cổ truyền ở nông thôn (thờ lại thành hoàng, có nơi bình bầu thành hoàng mới như tướng Nguyễn Sơn, soạn thảo hương ước, lập lại các phe, giáp) cũng có tác dụng tương tự. Tại một số làng đồng bằng Sông Hồng và khu 4 cũ, người ta lập lại chức tiên chỉ không có thực quyền, song cũng làm đối trọng với chính quyền xã. Có làng bầu những đại tá về hưu làm tiên chỉ. Mặt khác, chính quyền xã, hoặc tự nguyện, hoặc do đấu tranh của dân chúng, đã trả lại đình, chùa, miếu mạo trong nhiều thập niên bị dùng làm trụ sở, nhà kho.
– các hoạt động từ thiện của những hội đoàn phi chính quyền và của các giáo hội16, bên lề các cơ cấu do ĐCS kiểm soát.
– việc thành lập Trung tâm đại học dân lập Thăng Long, một số trường trung học dân lập (và gần đây, việc ký giấy cho phép thành lập vài trường đại học tư), tuy không thể là một giải pháp thay thế cho nền giáo dục đang khủng hoảng, song cũng phản ánh khả năng và sự tự nhận thức của xã hội công dân.
– cuối cùng, nhưng rất quan trọng, là những cuộc đình công tự phát của công nhân (năm 1992, có 6 cuộc đình công, năm 1993 có 17 cuộc, và trong ba tháng đầu năm 1994, 69 cuộc)17.
5. Thay lời kết luận: khi từ ngữ '”xã hội công dân” xuất hiện
Mở đầu bài này, chúng tôi đã nói danh ngữ xã hội công dân hầu như vắng bóng trên media ở Việt Nam. Hầu như không phải là hoàn toàn. Theo những thông tin đáng tin cậy, thì đề tài này đã trở thành đối tượng sưu tầm tư liệu, nếu không nói là đối tượng nghiên cứu, ở Viện quốc gia nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn, song cho đến nay chưa thấy công bố.
Từ ngữ xã hội công dân, theo chúng tôi biết, xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn Từ điển xã hội học do Nguyễn Khắc Viện chủ biên, đang được Nhà xuất bản Thế Giới chuẩn bị phát hành. Mục từ xã hội công dân chiếm hai trang, trong đó khái niệm này được định nghĩa, không phải như đối lập với khái niệm nhà nước ( theo nghĩa thông dụng hiện nay), mà đối lập với khái niệm xã hội toàn trị và chủ nghĩa toàn trị.
Đối với tác giả (không ký tên) của mục từ này, “Xã hội công dân là một cơ thể phát triển không ngừng và hoàn thiện không ngừng. Những yếu tố cấu thành của nó là: sở hữu của các công dân với tư cách cá nhân, các quyền tự nhiên của con người và các quyền tự do cá nhân của công dân, chế độ dân chủ về mặt chính trị và nhà nước pháp quyền. Bản thân các yếu tố ấy cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện, cùng với sự phát triển và hoàn thiện của toàn bộ hệ thống xã hội công dân. Khái niệm xã hội công dân gần đây lại xuất hiện với những nội dung cụ thể trong quá trình dân chủ hoá ở một loạt nước trên thế giới . Bởi vì, trong nhận thức của ngày càng nhiều người chỉ có thể xây dựng chế độ dân chủ trên cơ sở xã hội công dân. Chừng nào xã hội công dân chưa vững vàng, chừng đó dân chủ vẫn chưa được bảo đảm. Ngược lại, dân chủ hoá là một trong những động lực chính để xây dựng xã hội công dân (...) theo quan niệm Mác xít, xã hội công dân cũng như dân chủ, sở hữu, v.v... mang tính chất giai cấp. Trong những điều kiện một số người hay một giai cấp nắm trong tay quyền sở hữu về tư liệu sản xuất trong khi một bộ phận khác của xã hội (có khi là đa số ) bị tước mất quyền sở hữu, thì xã hội công dân chỉ tồn tại một cách hình thức đối với bộ phận “lép vế” này. Điều này đúng với xã hội tư bản chủ nghĩa phương Tây, cũng đúng cả với xã hội toàn trị mang nhãn hiệu “xã hội chủ nghĩa” ở các nước phương Đông”18 .
Một số nhà nghiên cứu ở Việt Nam đã suy nghĩ về vấn đề xã hội công dân. Trong khuôn khổ các cuộc thảo luận chưa tự do, các công trình tất còn bị hạn chế. Và ra ngoài phòng hội thảo, chúng chỉ có thể đưọc phổ biến dưới dạng photocopie hoặc trên báo chí Việt ngữ hải ngoại.
Lữ Phương, trong Đàm thoại về chủ nghĩa xã hội mác xít, đề nghị một số cải cách, trong đó có: “thực hiện quyền tồn tại độc lập pháp định của tất cả các lực lượng quần chúng hiện có đốí với nhà nước, sau đó có thể cho ra đời dần dần những tổ chức chính trị có xu hướng cấp tiến ôn hoà, tiến dần đến chỗ hình thành một chế độ dân chủ đa nguyên , điều hợp bởi nhà nước pháp quyền, giải quyết những bất đồng giữa các thành viên của xã hội bằng con đường thương lượng hoà bình”, coi các biện pháp đề ra “đều nhắm vào mục đích chuẩn bị cho ra đời những phần tử ưu tú của một xã hội công dân mới” 19.
Dưới bút hiệu Viễn Giang, một nhà nghiên cứu ở Hà Nội viết:
“Thực tế khắc nghiệt của đất nước buộc phải đưa ra những câu hỏi và những câu trả lời đang chớm nở trong thực tế. Kinh tế thị trường đang hình thành. Xã hội công dân cũng đang hình thành. Một nhà nước pháp quyền đang là một đòi hỏi cấp bách. Và cả chế độ dân chủ nữa, cũng trở thành một triển vọng không thể tránh . Con người Việt Nam lúc này đang đặt ra cho mình những yêu cầu thật rõ ràng: có mảnh đất kiếm sống của mình, có nguồn sống ổn định, có mức sống ngày càng tăng, có các quyền tự do dân chủ thật sự. Tóm lại, có độc lập rồi, bây giờ cần có tự do và hạnh phúc (...) những giá trị đã được thực tiễn lịch sử kiểm nghiệm cũng là những giá trị đã được Việt Nam tiếp nhận và ứng dụng vào những hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Đó là, một lần nữa xin nhắc lại : xã hội công dân, kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và chế độ dân chủ. Có thể ví xã hội Việt Nam như một cỗ xe , phải lắp đủ bốn bánh xe ấy mới có thể chạy bình thường trên con đường đi tới phía trước. Con đường đó không trơn tru, nó phải lượn qua những khúc hiểm nghèo, vì thế cỗ xe phải có đủ bốn bánh thật tử tế mới vượt qua được”20 .
Mong sao cỗ xe Việt Nam với đầy đủ bốn bánh – và xin thêm: với bánh xe xơcua là đa nguyên – sẽ khởi hành, lấy trớn trước khi những nhà máy lắp ráp ôtô Nhật Bản và Mỹ lan tràn vào Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Giao
1 Xem các từ điển Anh-Việt, Pháp-Việt của Uỷ ban Khoa học Xã hội, cũng như Từ điển triết học giản yếu (nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1987), Từ điển thuật ngữ khoa học xã hội Nga-Pháp-Việt (nxb. Khoa học xã hội, 1979), Từ điển Pháp-Việt Pháp luật – Hành chính (nxb. Thế giới, 1992).
2 Xem bài Lữ Phương (số trước), hoặc: La société civile của nhiều tác giả, P.U.F., 1986, Paris; Gramsci dans le texte, Ed. Sociales, Paris 1976, L. Althusser, Positions, Ed. Sociales, Paris, 1977.
3 Điều trớ trêu 1à trước 1945, đặc biệt từ 1936 (thời kì Mặt trận nhân dân Pháp), Đảng cộng sản Đông Dương đã vận động tài tình xã hội công dân trong các hoạt động đa dạng của mình (báo chí, hội truyền bá quốc ngữ, văn hoá, văn nghệ...)
4 Phần đầu công bố trên Tạp chí Lang Bian số 3 (tháng 8.1988, tr. 56-69). Ngay sau đó, tạp chí bị đóng cửa.
5 Hai năm sau (tháng 9.89) tại hội trường Ba Đình, ông Linh nói về bác sĩ Viện: “Tay này bây giờ lại ca ngợi dân chủ tư sản” và chụp mũ báo Đoàn Kết (tiền thân của Diễn Đàn là “CIA giật dây”. Cũng trong thời gian này, ông ta gọi Dương Thu Hương là “con đĩ chống đảng” (sic).
6 Theo một số nguồn tin, một bộ sưu tập khoảng 600 truyện và ca dao đã được nộp cho Bộ chính trị khoảng đầu những năm 1980.
7 Trong các nhà văn thuộc thế hệ trước (sinh trong thập niên 1930), phải kể tới Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải là hai người đã trăn trở trong tác phẩm của mình từ đầu những năm 1980.
8 Trích dẫn của Jean-Jacques Marie, Ces historiens sovietiques qui ébranlent l’URSS, L’Histoire, décembre 1988 ( theo G. Boudarel, Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam, Jacques Bertoin, Paris 1991).
9 Hai đảng này bị giải thể vì “đã làm xong nhiệm vụ lịch sử”
10 Giáo dục và thời đại số 50 (13.12.1993), xem Diễn Đàn số 35 (tháng 11.1994).
11 Sàigòn Giải Phóng 8.10.1994, xem Diễn Đàn số 35.
12 Tôi so sánh bản chất của hai sự việc. Tất nhiên chúng khác nhau về cấp độ và bối cảnh. Fatwa đốt Những đoạn kinh của quỷ và tuyên án tử hình S. Rushdie do giáo chủ Khomeiny ban hành và được Nhà nước Iran thi hành. Fatwa cấm đoán truyện Lajja và tuyên án tử hình T. Nasreen là của những tu sĩ Hồi giáo toàn thủ (intégristes), không phải của nhà nước Bangladesh. Lệnh cấm Đường Tăng là của nhà nước Việt Nam. Khác nhau về mức độ (mạng sống và cuộc sống nhà văn), song cả ba lệnh cấm đều cùng một bản chất: chà đạp quyền tự do tư tưởng và sáng tạo. Có cần nhắc lại: trước khi thiêu hàng triệu người Do Thái, Cộng sản, Digan, đồng tính luyến ái..., chế độ nazi đã bắt đầu bằng việc đốt sách? Cuối cùng, cũng cần bóc một cái lá nho: ông Trần Hoàn ký quyết định ngày 4.10, hai ngày sau, thượng toạ Trí Quảng mới ký văn thư phản đối truyện Đường Tăng (xem Sàigòn Giải Phóng số đã dẫn).
13 Theo những nguồn tin đáng tin cậy, đại hội của Hội nhà văn Việt Nam, dự trù họp trước cuối năm 94, đã phải hoãn sang (ít nhất) tháng 2.95. Một trong những lý do: cuối tháng 11, ban chấp hành HNV soạn bản dự thảo báo cáo đến lần thứ 4 mà vẫn chưa được cấp trên thông qua, vì dự thảo chưa chịu nhận việc tặng giải cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một... “sai lầm”.
14 Tiêu Dao Bảo Cự, Nửa đời nhìn lại, nxb Thế Kỷ, 1994, California, tr. 322.
15 Diễn Đàn số 32, tháng 7.94, tr. 2.
16 Ở đây, chúng tôi không bàn tới vai trò tiềm thể của các tôn giáo cũng như của lãnh vực kinh tế trong sự phát triển của xã hội công dân, với hy vọng tại hội nghị sẽ có chuyên gia phát biểu về đề tài này.
17 Thống kê của Terry Hartney, báo The Nation ( Bangkok) ngày 26 tháng 8.1994 (theo Carlyle A. Thayer)
18 Từ điển xã hội học, nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội, 1994, tr. 326 và 327.
19 Xem Diễn Đàn số 24 (tháng 11.93).
20 Viễn Giang, Ý thức xã hội hiện nay, trong Đoàn Kết số tháng 7.1993.
Các thao tác trên Tài liệu