Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 37 / Sổ tay

Sổ tay

- Phong Quang — published 02/01/2011 00:50, cập nhật lần cuối 14/05/2011 11:40

Sổ tay

 

Taslima Nasreen không phải, hay chưa phải, là nhà văn lớn, mặc dầu chị viết, mê viết từ nhỏ. Taslima vĩ đại trước hết ở cái nhân cách và sự dũng cảm của chị.

Một người con gái lớn lên trong một gia đình Hồi giáo ở Dacca, may mắn là ông bố phóng khoáng, nên cho con gái học tới đại học, tuy cũng “định hướng” cho học y khoa thôi. Tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa, T.N. làm việc ở bệnh viện, lãnh đạo cả đồng nghiệp nam giới. Trong một nước Hồi giáo mà thủ tướng hiện nay là một bà, chẳng mấy phụ nữ có được địa vị như chị. Nhưng cô bé Taslima ngay từ nhỏ đã không chịu được những sự cấm đoán chỉ đổ lên đầu con gái. Và lớn lên, cô sinh viên Nasreen không thể chấp nhận số phận mà xã hội Bangladesh và Hồi giáo dành cho người phụ nữ. Trưởng thành, bác sĩ - nhà văn Taslima Nasreen phẫn nộ trước sự cuồng tín đã dẫn tới sự tàn sát thiểu số người Hindi ở Bangladesh. Qua tiểu thuyết Lajja (Ô nhục, nxb. Stock, Paris 1994) hay qua những bài tiểu luận (Femmes, manifestez!, nxb Des Femmes, Paris 1994), Taslima Nasreen đòi hỏi bình quyền cho phụ nữ, cho thiểu số Hindi, chống lại một nhà nước tôn giáo, chống lại chủ nghĩa toàn thủ ( intégrisme) Hồi giáo cũng như chủ nghĩa toàn thủ Ấn Độ giáo. Điều gì đã xảy ra, mọi người đều biết: Taslima Nasreen bị những giáo phái toàn thủ kết án tử hình, bị nhà nước Bangladesh truy tố vì tội phỉ báng tôn giáo, phải tị nạn ở Thuỵ Điển, gia đình ở Dacca sống trong sự đe doạ thường trực.

Sự ngoan cường của người phụ nữ trí thức ấy thật tương phản với những cảnh lố lăng đã xảy ra từ đầu tháng 10 ở Pháp chung quanh “vụ Nasreen”. Đầu tiên là vụ trống đành xuôi kèn thổi ngược giữa bộ nội vụ và bộ ngoại giao Pháp về việc cấp chiếu khán 1 ngày, rồi 3 ngày (tất nhiên, Nasreen đã lễ độ từ khước sự hào phóng đó của chính quyền đất nước đã sản sinh ra Tuyên ngôn nhân quyền). Tiếp theo là chuyện đi cuối tháng 11, đầu tháng 12, với lực lượng hơn 1.000 cảnh sát chìm cảnh sát nổi, không biết bao nhiêu để thực sự bảo vệ nhà văn, bao nhiêu để gây ra những cảnh kẹt xe trên đường phố Paris, dễ gây ra phản ứng trong dư luận. Lố lăng hơn cả là những sự lợi dụng quảng cáo của giới xuất bản, media cũng như của những chuyên gia lương tri nhân loại kiểu Bernard-Henri Lévy (phe ủng hộ Nasreen), Jean-Edern Hallier, Guy Sorman (phe chống).

Trước mặt và ở giữa những nhà trí thức loại đó, có lẽ Taslima cảm thấy đơn độc không kém những ngày một thân một mình phải đương đầu với đám đông cuồng tín ở Dacca.

Càng khâm phục hơn khi Taslima an nhiên khẳng địng mình là người vô thần. Không biết chị có ý thức rằng chị đang phạm huý trong một xã hội Tây phương đang có mốt khẳng định tín ngưỡng, chỉ dung thứ những ai tuyên bố mình theo trường phái bất khả tri (agnostique), chứ còn muốn vô thần cũng được đi, nhưng đừng có nói ra miệng, mốt bây giờ không ai làm vậy1.

Có lẽ phải là những người phải bươn chải ngược dòng mới thông cảm hoàn toàn với Taslima Nasreen. Chẳng hạn như các phụ nữ Algérie đang phải đương đầu với mặt trận FIS (Mặt trận Hồi giáo cứu rỗi). Hay Dương Thu Hương.

Nào ngờ cái huân chương Văn học Nghệ thuật (Chevalier de l’Ordre des Arts et des Lettres) mà ông bộ trưởng văn hoá Pháp Jacques Toubon trao cho nhà văn Dương Thu Hương trưa ngày 13.12 vừa qua đã gây ra nhiều sóng gió thế! Ít nhất trong những chén trà ở bộ ngoại giao, bộ văn hoá... Hà Nội. Một thứ trưởng ngoại giao phản đối miệng, rồi ông Trần Hoàn, bộ trưởng văn hoá viết thư phản đối cho ông Toubon. Nực cười hơn nữa là người ta đã ra lệnh cho cả tổng thư ký Hội nhà văn Vũ Tú Nam làm cái việc viết lách đó nữa!

Xin để cho các nhà Hà Nội học lý giải câu chuyện khôi bài này. Ở đây chỉ xét tới một giả thuyết: rất có thể qua tiếp xúc, phía chính quyền Việt Nam biết rằng có những nhân viên ngoại giao Pháp không mấy tán thành quyết định trao huân chương cho Dương Thu Hương vì họ ngại sẽ gây căng thẳng trong quan hệ nhà nước. Cho là như thế đi, nhưng bất cứ ai theo dõi tình hình nước Pháp, nhất là sau vụ Taslima Nasreen, cũng có thể khẳng định: một khi quyết định đã công bố, chính quyền Pháp không thể nào lùi lại được nữa. Dư luận xã hội là một dữ kiện cơ bản, không thể nào né tránh: điều này có lẽ cần được ghi vào chương trình giảng dạy của Học viện chính trị quốc gia Việt Nam.

Buổi lễ gắn huân chương ở Bộ văn hoá Pháp thiếu vắng đại diện sứ quán và thông tấn xã Việt Nam. Nếu họ có mặt, chắc họ sẽ suy nghĩ khi nghe ông Toubon nói về Dương Thu Hương: “ Ra đời trong chiến tranh, lớn lên trong chiến tranh, bà đã trưởng thành trong chiến tranh và tự khẳng định như một người kháng chiến và một nhà văn hàng đầu. Trong những năm tháng ấy, kẻ thù đã thay đổi khuôn mặt. Tuổi thơ, bà đã nghe kể về xâm lược Nhật, đã biết chủ nghĩa thực dân P háp. Nhưng chính chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã thúc đẩy bà, vào tuổi 20, dấn thân vào cuộc đấu tranh vì sự nghiệp độc lập và thống nhất của Tổ quốc...”.


Phong Quang

 

1 Ở đây tôi nói tới cái mốt tín ngưỡng trên media phương Tây, chứ không bàn tới nhu cầu tín ngưỡng thực sự. Nhu cầu này, trong một xã hội như Việt Nam hiện nay, là hết sức lớn. Không những thế, tín ngưỡng hiện nay còn mang lại cho nhiều người Việt Nam những giá trị tinh thần đã bị phá huỷ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us