Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 37 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 02/01/2011 01:10, cập nhật lần cuối 14/05/2011 11:45

Tin tức


Nghỉ hưu đúng hạn?

Gần 20% cán bộ cao cấp (từ thứ trưởng trở lên) đến tuổi về hưu nhưng vẫn công tác. Các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành cũng còn nhiều cán bộ đến tuổi hưu (nam: 60 tuổi, nữ: 55) nhưng chưa nghỉ, mặc dầu nhiều người sức khoẻ đã giảm sút, năng lực hạn chế, làm ảnh hưởng tới việc sắp xếp và trẻ hoá đội ngũ cán bộ. Trên đây là những lý do được nêu ra trong một chỉ thị đề ngày 11.11.1994 của thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi tới các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, yêu cầu “thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ viên chức ngay trong quý 4-94”. Theo bài viết của báo Lao Động (ngày 17.11) về chỉ thị này, những trường hợp ngoại lệ phải được thủ tướng chính phủ đồng ý, thời gian công tác không kéo dài thêm hơn năm năm, và chỉ liên quan tới những cán bộ có sức khoẻ, trình độ cao, làm thêm công tác chuyên môn, nghiệp vụ và không giữ chức vụ lãnh đạo. Tuy nhiên, người ta không được biết quyền hạn thực sự của ông Kiệt trong vấn đề này là tới đâu, ngoài các quan chức trong một số lĩnh vực kinh tế xã hội. Liệu ông Kiệt có thể buộc về hưu một thứ trưởng quốc phòng hay nội vụ, một chủ tịch tỉnh – trừ một số trường hợp như ở Vũng Tàu - Bà Rịa vừa qua –, thậm chí một cán bộ cấp thấp hơn nhưng ô dù che cao hơn? Báo Nhân Dân số ra ngày 25.11.1994 đăng một bài viết trong mục “xây dựng đảng”, phải chăng là một cách trả lời gián tiếp. Bài viết mang tựa “Đánh giá đúng để dùng đúng”, nêu lên “6 điểm cần chú ý” khi đánh giá cán bộ. Điểm năm, “về đánh giá già, trẻ”, không đề cập gì tới chỉ thị nói trên. Sau những câu rào đón thông thường về “quy luật” tre già măng mọc, tác giả nhấn mạnh “ một vấn đề khác cũng cần lưu ý là cách mạng như một dòng chảy liên tục (...). Những kinh nghiệm hay tích lũy bằng xương máu của những năm dài đấu tranh cách mạng cần phải được kế thừa phát huy” , và do đó “cần phát huy lực lượng lão thành cách mạng”. Tác giả cũng không quên nhắc lại “ nghỉ hưu là chính sách của Đảng và Nhà nước...” . Không phải một chỉ thị của thủ tướng là đủ?


Thái tử Bỉ thăm Việt Nam

Thái tử Vương quốc Bỉ Philippe đã tới Hà Nội ngày 29.11.1994, thăm Việt Nam một tuần theo lời mời của thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cùng đi với thái tử có bộ trưởng Ngoại thương kiêm Châu Âu vụ Robert Urbain, chủ tịch Liên đoàn các chủ nhân Bỉ, ông Georges Jacobs và một phái đoàn hơn 100 nhà doanh nghiệp đại diện cho 68 tập đoàn lớn của Bỉ. Thái tử Philippe đã đến chào chủ tịch Lê Đức Anh, tổng bí thư Đỗ Mười và thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong khi đoàn thương mại làm việc với các bộ Nông nghiệp, Công nghiệp thực phẩm, Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp nặng, Thương mại, Năng lượng, Xây dựng, Giao thông, Bưu điện, Y tế, Giáo dục. Hơn một chục văn bản hợp tác trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, trong đó những hợp đồng kinh tế có giá trị tổng cộng từ 10 đến 20 triệu đôla, chưa kể một dự án đầu tư lớn, khoảng 100 triệu đôla, của một tổ hợp Bỉ vào việc thiết kế và xây dựng cảng Phước Hoa. Các khu vực ưu tiên trong những dự án đầu tư của Bỉ vào Việt Nam, theo ông Jacobs và bộ trưởng Urbaine, sẽ là năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng (cảng, đường, viễn thông). Về phần nhà nước, Ngân hàng Bỉ đã ký với Ngân hàng ngoại thương Việt Nam một hiệp định cho Việt Nam vay tín dụng 250 Francs Bỉ (gần 8 triệu đôla) với lãi suất ưu đãi. Trước đó, tháng 6.1993, Bỉ đã xoá nợ cho Việt Nam 32 triệu đôla và tháng 10 năm nay lại đã thoả thuận cho Việt Nam trả nốt số nợ thương mại 39 triệu đôla với nhiều dễ dãi.

(AFP, Reuter 29.11 và 5.12; Lao Động 4.12.1994)

Viện trợ của Châu Âu

Liên hiệp châu Âu (EU) đã ký một hiệp định viện trợ kỹ thuật cho Việt Nam 20 triệu đôla ngày 30.11.1994. Theo một thông báo của EU, viện trợ có mục tiêu giúp Việt Nam cải tổ kinh tế theo hướng thị trường hoá, với những đề mục như: cải thiện hệ thống kế toán, phát triển một thị trường bảo hiểm tư nhân, phát triển luật bảo vệ sáng kiến, xây dựng một cơ cấu điều chỉnh phục vụ ngoại thương và đầu tư... Mặt khác, EU sẽ trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam để đánh giá các dự án đầu tư bao gồm chuyển giao kỹ thuật.

Theo ông Võ Hồng Phúc, phó chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch nhà nước, người ký hiệp định với đại sứ Gwyn Morgan của EU, đây là bước đầu tiến tới một sự hợp tác toàn diện hơn giữa EU và Việt Nam. Hiệp định ký ngày 30.11 đã được hai bên thoả thuận từ lâu, nhưng việc ký kết bị dời lại nhiều lần vì điều khoản về bảo vệ quyền con người mãi tới tháng 7 vừa qua mới giải quyết xong (xem Diễn Đàn số 33). Tuy nhiên quan hệ Việt Nam - EU vẫn còn vướng mắc vì vấn đề hồi hương của khoảng 40.000 người Việt Nam hiện sống bất hợp pháp ở Đức.

(AFP 30.11.1994)

Thoả thuận về hạ lưu sông Mêkông

Ngày 28.11.1994 tại Hà Nội, bốn nước Việt Nam, Lào, Cam Bốt và Thái Lan đã ký tắt Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững sông Mêkông. Hiệp hình gồm 6 chương, 42 điều khoản, tập trung chủ yếu vào các nguyên tắc sử dụng các nguồn nước của sông Mêkông phục vụ cho thuỷ lợi, thuỷ điện, giao thông đường thuỷ, kiểm soát lũ lụt, phát triển ngư nghiệp, vận chuyển gỗ, giải trí và du lịch.

Trong cuộc họp báo chung, đại điện 4 nước đều coi đây là bước ngoặt lịch sử trong việc cam kết cùng nhau khai thác khu vực hạ lưu sông Mêkông, đồng thời cũng hứa thúc đẩy để các chính phủ sớm ký chính thức hiệp định vào đầu năm tới. Riêng đại diện Thái Lan, sau khi đánh giá cao hiệp định, tỏ ý tiếc là sự hợp tác ở thượng lưu sông Mêkông chưa được thực hiện (đặc biệt một dự án xây dựng một đập thuỷ điện lớn phục vụ miền bắc Thái Lan chưa được Lào đồng ý; ngoài ra, Trung Quốc và Mianma chưa tham gia hợp tác. – DĐ).

Mặt khác, đại diện Việt Nam cho biết “ Việt Nam sẽ rất hân hạnh nếu trụ sở Uỷ ban thư ký Hội đồng sông Mekông được đặt ở Việt Nam”.

(Tuổi Trẻ 29.11 và Lao Động 1.12.1994)

Cán cân thương mại

Theo tờ báo tiếng Anh The Saigon Newsreader ngày 6.12, thống kê của bộ Thương Mại cho biết hàng may mặc đã vượt qua gạo để đứng thứ nhì trong bảng xếp hạng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 1994, với trị giá 550 triệu đôla (sau dầu khí, 900 triệu). Dù bão lụt làm thiệt hại cả triệu tấn, sản lượng thóc gạo năm nay, theo bộ nông nghiệp, vẫn sẽ đủ để bảo đảm mức 2,1 triệu tấn gạo xuất khẩu, mang lại khoảng 450 triệu đôla. Sau đó là thuỷ sản, với khoảng 400 triệu đôla.

Mức xuất khẩu tăng vọt của hàng may mặc Việt Nam là nhờ ở các thị trường mới, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan, không bị hạn chế quota như ở thị trường châu Âu và cũng không bị hàng rào quan thuế như ở Mỹ, nơi Việt Nam chưa được hưởng tiêu chuẩn mậu dịch bình thường qua quy chế tối huệ quốc.

Theo cùng nguồn tin, Việt Nam ước tính đạt 3,6 triệu đôla xuất khẩu trong năm nay, nhưng sẽ nhập tới 4,5 triệu đôla, làm cán cân ngoại thương bị hụt tới 900 triệu đôla.

(AFP 6, 11.12.1994)

Giá đất và đầu tư

Một phó chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về hợp tác và Đầu tư (SCCI), bà Đỗ Ngọc Trinh, vừa lên tiếng báo động rằng giá đất quá cao là một trong những lý do chính làm chậm lại các dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam. Những trở ngại khác có thể kể thủ tục hành chính rườm rà, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, khách sạn thiếu và đắt, v.v... Theo bà Trinh, năm 1993, vốn đầu tư nước ngoài tăng 36% so với năm 1992, trong khi đó mức tăng sau 11 tháng đầu năm của 1994 chỉ là 10%, rất xa mục tiêu 24% mà chính phủ trông đợi cho cả năm, dù đầu năm nay Mỹ đã bỏ cấm vận, tạo điều kiện khách quan tốt hơn cho các chủ đầu tư.

Hà Nội hiện nay được xếp vào hàng thứ 5 trong những thành phố châu Á mà giá thuê văn phòng (và nhà ở) cho doanh nghiệp nước ngoài được coi là đắt nhất. Chỉ sau Tokyo, Hồng Kông, Bắc Kinh và Thượng Hải. Công ty tư vấn quốc tế Richard Ellis, cơ sở chính tại Luân Đôn, cho biết giá thuê văn phòng ở Hà Nội hiện nay là 65,7 đôla (350 FF) một mét vuông, ở thành phố Hồ Chí Minh là 57 đôla, cao hơn ở Đài Bắc (45,6), Singapore (44,9) và Băng Cốc (21,2). Báo Tuổi Trẻ ngày 29.11 cũng cho biết giá đất ở ven Hồ Tây năm nay cao hơn năm 1990-91 từ 8 tới 10 lần. Theo SCCI, chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có việc giảm giá đất khoảng 20%.

Mặt khác, SCCI cũng vừa công bố một danh mục 150 dự án kêu gọi nước ngoài đầu tư trực tiếp, từ đây đến năm 2000, trong các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng (trong đó có 13 nhà máy xi măng), bưu chính viễn thông, vệ sinh môi trường, v.v...

(AFP 26.10 và 12.12.1994; Tuổi Trẻ 1.12.1994)

Tiền Việt kiều

Một hội nghị về đầu tư Việt kiều đã được tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 3 và 4.12.1994, quy tụ 65 Việt kiều ở 16 nước trên thế giới. Phó thủ tướng Phan Văn Khải, chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước về hợp tác và đầu tư đã tới dự. Sau nhiều năm do dự, Hà Nội đã quyết định lồng trong khuôn khổ của Luật khuyến khích đầu tư trong nước những điều khoản liên quan tới đầu tư về nước của người Việt Nam ở nước ngoài, mặc dù tuyệt đại đa số Việt kiều đã có quốc tịch của nước mình cư ngụ.

Từ năm 1991 tới nay, nhà nước Việt Nam ước lượng Việt kiều đầu tư hoặc gửi tiền về giúp thân nhân mỗi năm vào khoảng 700 triệu đôla.

Hà Nội dự tính mở vào năm tới một ngân hàng thương mại liên doanh giữa Vietcombank, Ngân hàng nông nghiệp, với khoảng 40 cổ đông là Việt kiều kinh doanh tại Nga và các nước Đông Âu. Được đặt tên tiếng Anh là International Joint Stock Bank, sau một thời gian đầu chuyên giao dịch với Nga và các nước Đông Âu, ngân hàng có tham vọng mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình sang phương Tây để thu hút vốn của Việt kiều tại Mỹ và các nước Tây Âu.

(AFP 3 và 14.12.1994)

Thú rừng...

Theo báo Lao Động ngày 10.12, cơ quan kiểm lâm tỉnh Đắc Lắc đã chặn bắt được từ một nhóm buôn lậu 17 con khỉ mặt đỏ, một loài khỉ bị đe doạ vì bị lùng bắt lấy da bán ra nước ngoài.

Một bài phóng sự của tờ NewYork Times cùng ngày cũng nói lên nguy cơ diệt chủng của nhiều loại thú hiếm ở Việt Nam, vì nhiều “du khách” Trung Hoa, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore sẵn sàng bỏ nhiều tiền mua mật gấu, xương cọp, v.v..., để làm thuốc. Bài báo cho biết ở Đài Loan, do hăm doạ thương mại của Mỹ, việc săn cọp và tê giác đã trở nên khó khăn, thúc đẩy những nhà giàu có Đài Loan bỏ tiền ra mua những thú hiếm này ở nơi khác... Bài báo cũng dẫn lời một nhà bảo vệ thiên nhiên ở Sài Gòn, ông Lê Đức Thuận, cho biết “Trong những năm 1970, Việt Nam có khoảng 3.000 con cọp, 300 con tê giác, nay chỉ còn 200 con cọp, từ 10 đến 25 con tê giác”.

Cũng theo báo Lao Động ngày 10.12, hai con cọp lớn đã tiến công nhiều trâu, bò trong các làng mạc người H’re, thuộc huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngài. Đây là lần đầu tiên dân trong vùng thấy lại cọp từ 20 năm nay. Theo tờ báo, việc đốn cây phá rừng trên quy mô lớn trong tỉnh đã làm kiệt nguồn sống tự nhiên của cọp, đẩy chúng về các làng mạc.

... và tôm cá

Trong một hồ sơ đặc biệt mang tựa “Tài nguyên biển Việt Nam: SOS”, tạp chí Thời báo kinh tế Sài Gòn số 46 (24.11.1994) lên tiếng báo động về một tình hình kiệt quệ tài nguyên khác, không kém phần quan trọng. Tờ báo trích dẫn một công trình nghiên cứu của ông Lê Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trung ương III, cho biết: “Trước năm 1990, cá mú khai thác ở vùng đảo Bạch Long Vĩ bình quân trọng lượng đạt 1 ,5-2kg/con, nhưng từ 1990 trở lại đây, người ta chỉ bắt được những con dưới 0,6kg. Còn ở Vũng Tàu, tôm loại 1 và 2 từng chiếm tỷ trọng đến 20-25% tổng sản lượng tôm khai thác được..., ngày nay đến 96-97% lượng tôm bắt được thuộc loại không đủ thời gian để lớn. (...) Hàng chục ngàn ghe thuyền với ngư cụ không đạt tiêu chuẩn kích thước đã liên tục khai thác, cày xới, đánh bắt hàng loạt cá bố mẹ trong thời kỳ sinh sản và cá con, chính là tác nhân ngăn chặn tái tạo tài nguyên biển (...) Bên cạnh đó, không thể không kể đến hành vi khai thác huỷ diệt bằng chất nổ, điện, hoá chất... đang diễn ra tràn lan”.

Bộ trưởng thuỷ sản Nguyễn Tấn Trịnh, trong một bài trả lời phỏng vấn đăng cùng số báo, “dự kiến năm 1994, sản lượng hải sản đặt 800.000 tấn, chủ yếu khai thác ở vùng biển gần bờ. Đến năm 2000 ngành thuỷ sản phấn đấu đạt tổng sản lượng 1,6 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hải sản 1 triệu tấn với tỷ trọng trên 30% khai thác ở vùng khơi..”.

Làm xe hơi

Các hãng sản xuất xe hơi quốc tế có thể dễ dàng mở xí nghiệp lắp ráp xe ở Việt Nam ngay từ năm tới, với điều kiện chấp thuận một tỉ lệ tối thiểu các bộ phận được sản xuất tại chỗ (tỉ lệ này được ấn định là 5% ban đầu, tăng dần tới 30% sau 10 năm) và có một kế hoạch chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam. Cho tới nay, mới có hai công ty lắp ráp xe hơi được mở ra: Vietnam Motors Corp. (VMC) do công ty Philippin Columbian Motors làm cổ đông chính, lắp các xe hiệu Mazda và Kia, và Mekong Corporation, một liên doanh của Sae Young International (Hàn Quốc) và Saeilo Machinery (Nhật). Cả hai bị phía Việt Nam trách là không dùng những bộ phận cấu thành sản xuất trong nước. Hai nhà máy lắp ráp của Daewoo Motor Co. (Hàn Quốc) và của Mitsubishi Motors (Nhật, liên doanh với Proton, Malaixia) cũng đã được phép năm nay. Tuy nhiên, nhiều hãng xe lớn khác như Toyota, Chrisler, Ford, Daimler-Benz (Mercedes), Peugeot, Renault cũng muốn nhảy vào. Daimler-Benz đã trình một dự án liên doanh với Saigon Motor Co. của Thành phố Hồ Chí Minh, trị giá khoảng 70 triệu đôla. Phần đầu của dự án (40 triệu đôla) là một nhà máy lắp ráp xe con, xe buýt nhỏ và xe tải nhẹ tại thành phố Hồ Chí Minh. Nửa kia của dự án là một nhà máy sản xuất xe buýt và xe tải lớn, tại một địa điểm gần Hà Nội. Toyota cũng đã kết hợp với một công ty Singapore nộp một dự án đầu tư 140 triệu đôla vào một nhà máy làm xe con và xe buýt nhỏ, ở ngoại ô Hà Nội. Theo ông Nguyễn Xuân Chuẩn, thứ trưởng bộ công nghiệp nặng, trong năm 1993 mười ngàn xe con và xe tải mới đã được bán ở Việt Nam, và nhu cầu của năm 2000 là khoảng 60.000 chiếc.

(AFP 27.11 và 12.12.1994)

Hải Phòng

Một tổ hợp các công ty Mỹ American International Group (AIG) và Thái Banchang Regional Development Co. đã bắt đầu nghiên cứu khả thi một dự án xây dựng khu công nghiệp Vạt Cách, gần Hải Phòng, bao gồm một cảng nước sâu đủ sức nhận tàu trọng tải 30.000 tấn, những kho chứa dầu, khí và hệ thống đường sá phục vụ. Toàn bộ dự án trị giá 675 triệu đôla sẽ được trình chính phủ trước cuối năm 1995, và nếu được thông qua, sẽ là dự án đầu tư thứ ba của các công ty nước ngoài để xây dựng một khu công nghiệp cho Hải Phòng. Hai dự án trước, đã được thông qua, một của công ty Đài Loan Dahin Co. và một của công ty Nhật Nomura Group (liên doanh với một công ty địa phương). Một trong ba tam giác ưu tiên phát triển kinh tế của chính phủ Võ Văn Kiệt là Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng. Các tổ chức quốc tế tài trợ cho Việt Nam coi việc xây dựng đường sá nối Hải Phòng với Hà Nội và các cơ sở hạ tầng liên hệ là một trong những ưu tiên được nhận viện trợ phát triển.

(AFP 11.12.1994)

Nhà máy lọc dầu

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định ngày 9.11.94 chọn cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu số 1 của Việt Nam, sau nghiên cứu khả thi. Dung Quất là một đầu của khu kinh tế trọng điểm miền Trung. Quyết định nêu rõ không xây dựng nhà máy lọc dầu (kể cả nhà máy có công suất nhỏ) ở khu vực từ Thành phố HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu, và giao cho Tổng công ty dầu khí Việt Nam cùng đối tác nước ngoài lập báo cáo khả thi chi tiết về dự án nhà máy (với vốn đầu tư 1 ,1 tỉ đôla). Đối tác nước ngoài đây là một tổ hợp do công ty Pháp Total đứng đầu, gồm PetroVietnam và hai công ty Đài Loan. Ban đầu, Total đã chọn một địa điểm ở vịnh Văn Phong, tỉnh Khánh Hoà, nhưng bị bác. Sau đó, chính tổng giám đốc Total, ông Serge Tchuruk, trong một chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 9 năm ngoái, đã tỏ ý muốn xây dựng nhà máy tại vùng Vũng Tàu. Tại Thành phố HCM, đại diện của Total đã từ chối bình luận về quyết định này.

(AFP 14.11 và Lao Động 15.11.1994)

Tin ngắn

* Trong chuyến đi thăm Philippin đầu tháng 12, bộ trưởng quốc phòng Đoàn Khuê đã nhắc lại Việt Nam muốn giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa bằng thương lượng. Một tuần sau đó, một quan chức cao cấp Trung Quốc, phát biểu trong phiên họp về an ninh trên biển tại hội nghị quốc tế của SEAPOL (Chương trình Đông Nam Á vì Luật Biển), đã cảnh báo các nước ASEAN rằng họ “nên thận trọng” trong việc hỗ trợ lập trường của Việt Nam trong các cuộc tranh chấp nói trên. (AFP 5, 13.12.94)

* Một đường dây buôn lậu hộ chiếu và chiếu khán vào Nga, Đức, đã được khám phá, người thủ lãnh – một phụ nữ Hà Nội – bị toà án nhân dân Hà Nội xử án 11 năm tù. Đường dây tổ chức mua lại hộ chiếu của những người từ nước ngoài trở về với giá từ 150 tới 200 đôla, bán lại cho khách khoảng 2.000 đô sau khi đổi ảnh và đóng chiếu khán giả.

* Lần đầu tiên một cựu cầu thủ bóng đá Brazil, ông Edson Araujo Tavares, đã được thuê làm huấn luyện viên cho đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam. Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng cho biết, Liên đoàn đã được công ty sản xuất thuốc lá Dunhill của Anh tài trợ 475.000 đôla cho một chương trình hoạt động 5 năm nhằm nâng cao trình độ bóng đá VN.

* Theo ông Đỗ Quang Trung, tổng cục trưởng tổng cục du lịch, số du khách vào Việt Nam trong năm 1994 sẽ đạt mức một triệu lượt người, tăng khoảng 30.000 so với năm ngoái. Doanh thu của kỹ nghệ du lịch ước đạt 4000 tỉ đồng (gần 400 triệu đôla), trong đó ngoại tệ chiếm 210 triệu đôla. Tám hiệp định hợp tác du lịch với các nước trong khu vực đã được ký kết, 119 dự án liên doanh trong ngành được cấp giấy phép, thu hút 1,9 tỉ đôla đầu tư.

* Một cuộc đụng độ giữa hàng nghìn dân Hà Nội và cảnh sát, bên ném đá, bên tung lựu đạn cay, đã diễn ra ngày thứ tư 14.12 trước toà án Hà Nội, trong vụ xử phúc thẩm cảnh sát viên Nguyễn Tùng Dương, phạm tội giết người lấy của trong khi hành nghề. Tại toà sơ thẩm (xem Diễn Đàn số 35), Dương đã bị kết án tử hình. Dưới áp lực của dân Hà Nội, bản án cuối cùng đã được toà phúc thẩm giữ y.

* Chính quyền Hà Nội đã quyết định bỏ ra 10 triệu đôla (kể cả 1 triệu do công ty Hàn Quốc Daewoo tặng) để xây lại chợ Đồng Xuân, dự tính hoàn thành trước cuối năm 1995. Đám cháy chợ hồi tháng 7.1994 (Diễn Đàn số 33) đã gây thiệt hại được ước tính vào khoảng 50 triệu đôla cho nhà nước và 30 triệu đôla hàng hoá của 3000 hộ thương gia.

* Ngân hàng Hà Lan ING Bank, chuyên về xử lý nợ quốc tế đã được phép mở chi nhánh ở Hà Nội. Trước đó, ING đã có văn phòng đại diện tại đây và đã tham gia các cuộc thương thảo về nợ của Việt Nam trên thị trường tài chính quốc tế. Mặt khác, Ngân hàng Tokyo đã được Việt Nam nhờ chủ trì một tiểu ban tư vấn về nợ thương mại.

* Nhân ngày Thế giới chống bệnh Sida, tổ chức UNDP (Chương trình vì Phát triển của Liên hiệp quốc, viết tắt tiếng Pháp là PNUD) đã tặng 1 triệu đôla cho công cuộc phòng chống bệnh tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ nay tới năm 1998, ở Việt Nam “ hơn 570.000 người sẽ bị nhiễm vi khuẩn HIV, 15.000 người sẽ chết vì sida và 7.000 người khác sống với căn bệnh này trên người”.

* Một xí nghiệp Hồng Kong, Vanny Chian Technology, đã ký hợp đồng liên doanh với tỉnh Đồng Nai để mở một trại nuôi hơn 3.000 con khỉ cung cấp cho các phòng thí nghiệm y học trên thế giới. Liên doanh hy vọng mở rộng doanh nghiệp buôn bán khỉ này lên tới 15.000 con vào năm 1996.

* Tổng kết: hơn 400 người đã thiệt mạng những trận bão, lụt trong năm 1994, thiệt hại tổng cộng ước tới gần 300 triệu đôla. Liên hiệp quốc đã giúp Việt Nam thành lập một đơn vị quản lý chuyên về các tai biến thiên nhiên. Các tổ chức quốc tế đã quyên giúp Việt Nam 2,5 triệu Francs Thuỵ Sĩ (1,9 triệu đôla) cho các nạn nhân bão lụt.

* Một “liên minh chiến lược” mới có thể sẽ hình thành giữa Mỹ và Việt Nam chống... các nhà sản xuất đĩa hát Trung Quốc! Mỹ thì vì lý do thuần tuý thương mại: 26 đơn vị sản xuất đĩa nhựa, đĩa laser và đĩa máy tính đa thông tin (CD-ROM) của Trung Quốc, với công suất 75 triệu đĩa mỗi năm, chuyên in lại hàng Âu-Mỹ mà không trả bản quyền. Còn Việt Nam? Báo chí vừa lên tiếng về “nguy cơ” bị tràn ngập bởi những “sản phẩm văn hoá đồi truỵ” của phương Tây, với giá rẻ mạt: 2 đôla mỗi đĩa hát laser.

* Lần đầu tiên, một Liên hoan phim quốc tế đã được tổ chức tại Hà Nội từ 2 tới 16 tháng 12 vừa qua, với sự tham dự của 16 nước: Anh, Ý, Thuỵ Sĩ, Ixrael, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Iran, v.v... Pháp và Mỹ vắng mặt trong liên hoan đầu tiên này. Tuy nhiên, cùng thời gian với liên hoan, đại diện công ty Mỹ UIP (United International Pictures) đã tới thăm Việt Nam tìm đường cho phim Mỹ trở lại, sau 20 năm vắng mặt. UIP đã ký được một thoả thuận với công ty phát hành phim Fafim-2.

* Một chương trình cho sinh viên vay ngân hàng tiền học đã được Ngân hàng quốc gia thông qua đầu tháng 1/1994. Suất vay hiện nay là 120.000 đồng / tháng. Ngày 21.11, Ngân hàng Công thương cho biết trong đợt xét đầu tiên, ngân hàng đã nhận cho 205 sinh viên thuộc 4 trường đại học Hà Nội vay.

* Một cuộc đụng độ đã nổ ra ngày 27.11 tại chùa Bảo Quốc (Huế) giữa một số nhà sư và Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (“chống chính quyền”) với các nhà sư trụ trì tại chùa, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam (“thân chính quyền”), nhân dịp khai giảng lớp học về Phật giáo tại chùa.

* Việt Nam, Trung Quốc và Lào đã thoả thuận thành lập những khu bảo vệ thiên nhiên chung ở vùng biên giới. Thoả thuận đạt được trong Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về bảo vệ thế giới tự nhiên của vùng phía đông Hi mã lạp sơn, họp tại Côn Minh cuối tháng 11 vừa qua. Dự hội nghị còn có các nước Ấn Độ, Nepal, Mianma, Thái Lan, Bhutan.

* Trường đại học Sư phạm kỹ thuật (thành phố HCM) đã khánh thành Trung tâm đào tạo công nhân lành nghề và giáo viên dạy nghề Việt-Đức, do bộ Kinh tế - Công nghệ bang Baden Württemberg (Cộng hoà liên bang Đức) tài trợ với tổng kinh phí 10 triệu mác Đức. Riêng phần thiết bị thí nghiệm và thực tập của Trung tâm có giá trị khoảng 5 triệu mác. Trung tâm đã khai giảng với 64 học sinh đầu tiên.

* Sau kỳ bầu cử Hội đồng nhân dân vừa qua, Hà Nội đã thay đổi thị trưởng (chủ tịch Uỷ ban nhân dân). Ông Nguyễn Văn Nghiên, 53 tuổi, uỷ viên trung ương đảng cộng sản, giám dốc công ty điện tử Hanel, thay thế ông Lê Ất Hợi, bị chỉ trích nhiều sau vụ cháy chợ Đồng Xuân. Ở thành phố HCM, người ta chờ đợi ông Trương Tấn Sang sẽ được cử lại.

* Theo tuần báo Vietnam Investment Review ngày 10/2, chính phủ Việt Nam đã quyết định bỏ ra 50 tỉ đồng (4,5 triệu đôla) vào một chương trình chống ma tuý. Một phần tiền sẽ được dành giúp các nhóm dân miền núi phía bắc thay thế cây thuốc phiện trong nghề trồng trọt. Diện tích thuốc phiện đã giảm 65% so với năm 1985 song còn phải giảm nữa. Số người nghiện ma tuý hiện nay được ước lượng là 170 ngàn người, trong đó 75% dùng kim chích, một nguồn truyền bá bệnh Sida.


Hội chứng xêmina?

Một bài báo Quân đội Nhân dân ngày 25.11 đã lên tiếng than van là quá nhiều xêmina, hội thảo, nhất là những xêmina được ngoại quốc tài trợ, đã tạo điều kiện cho người nước ngoài moi móc những bí mật kinh tế và khoa học kỹ thuật của Việt Nam... Tờ báo cho biết chỉ riêng 10 tháng đầu năm đã có tới 170 hội thảo được tổ chức, và nêu con số thiệt hai 6 triệu đôla trong các dự án liên doanh vì bị đối tác nước ngoài nắm được thông tin.

Tất nhiên, do yêu cầu bảo mật, tờ báo không nói đó là những bí mật kinh tế, khoa học kỹ thuật nào. Và cũng không nhớ ra thiệt hại do thiếu hiểu biết của “phe ta” gây ra là gấp bao nhiêu lần con số 6 triệu đôla ấy... (Tin AFP)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss