Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 37 / văn hoá và trí thức

văn hoá và trí thức

- Nguyễn Xuân Lộc — published 02/01/2011 00:40, cập nhật lần cuối 14/05/2011 11:39

Một vài vấn đề
về văn hoá và trí thức


Nguyễn Xuân Lộc*



Tham luận đọc tại Hội thảo khoa học:
"Đề Cương Văn Hoá Việt Nam trong Giai Đoạn Mới
”,
Hà Nội ngày 10.12.1993.



Lời nói đầu

Nền văn hoá gọi là “mới” của chúng ta được khai sinh vào những năm 1943-45 nhằm đáp ứng sự tái sinh của một nước Việt Nam vừa thu hồi được chủ quyền và độc lập sau gần một thế kỷ thuộc địa.

Khỏi phải nhắc lại vào thời điểm đó cái khung văn hoá cách mạng vô sản với các tiêu chí mới mẻ như “dân tộc, khoa học và đại chúng” đã thu hút và làm say mê thế hệ trí thức Việt Nam đương thời như thế nào, một thế hệ không còn phương hướng vì một mặt nền văn hoá nho giáo cổ truyền vay mượn Trung Nguyên qua hàng ngàn năm đồng hoá đã phá sản và mặt khác nền văn hoá latinh thay thế, đáng tiếc thay, lại được tiếp thu từ một nền giáo dục thực dân nhiều hạn chế.

Tuy nhiên bất cứ một mô hình văn hoá dân tộc nào, dù cách mạng, khoa học và lãng mạn đến đâu – nếu được thử nghiệm – cũng phải kinh qua lịch sử để xác nhận những giá trị bảo đảm sự tồn tại của nó và như thế đương nhiên không thể trốn tránh sự thử thách có ý hướng và chọn lọc của những yếu tố Thời Đại, Thế Giới và Nhân Loại mà dân tộc đó đang bị chi phối.

Duy vật sử quan đã phát hiện ra từ lâu rồi tính năng động (dynamique) của những yếu tố nói trên và thế giới trong nửa thế kỷ vừa qua (1945-1995) đã được mô tả như thời đại của những công cuộc cách mạng khoa học - công nghệ cũng như cải cách kinh tế - xã hội vĩ đại chưa từng thấy trong lịch sử tiến hoá của loài người, với cái giá phải trả của biết bao máu và nước mắt người dân vô tội, của môi trường thiên nhiên bị phá huỷ không thương tiếc và của hàng loạt những vấn đề khủng hoảng văn hoá - văn minh, bệnh tật tại các nước công nghiệp tiên tiến chưa được giải quyết.

Chúng ta bắt đầu mở cửa lại với Tây phương, cố gắng xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại với hy vọng tăng tốc đuổi kịp trình độ phát triển các nước trong khu vực và sau cùng tiến tới hoà nhập với một nhân loại hoà bình, thịnh vượng và văn minh trước ngưỡng cửa thế kỷ 21. Hy vọng có hoà bình vì quân bị đã được giải trừ, có thịnh vượng vì nền kinh tế thị trường đã được xác lập, có văn minh vì thế giới thứ ba đã bớt nghèo đói.

Trong giai đoạn chuyển biến sống còn này của đất nước, người trí thức Việt Nam trong và ngoài nước, hơn bao giờ hết, cần hợp lực lại tổng kết - đánh giá một cách can đảm và khách quan quá trình áp dụng mô hình “văn hoá xã hội chủ nghĩa” trong giai đoạn vừa qua, đem toàn bộ tri thức và trí tuệ trong - ngoài kết năng lại để “ôn cố tri tân, biết người biết ta” thì mới có hy vọng vạch ra được những tư tưởng chủ đạo cho những hướng đi mới của nền văn hoá dân tộc, trong xu thế vừa phải gìn giữ, vừa phải tiếp thu trước tình hình phức tạp hiện nay của một thế giới vừa phồn thịnh vừa khủng hoảng.


Thế giới Tây phương với các vấn đề của họ

Năm 1945 khi đất nước Việt Nam, độc lập sau gần một thế kỷ thuộc địa, về mặt xã hội và kinh tế còn chưa thoát khỏi thời đại phong kiến - nông nghiệp lạc hậu thì hai trái bom nguyên tử đầu tiên nổ trên đất Nhật báo hiệu một cách bi thảm là nhân loại đã bước vào thời đại của năng lượng hạt nhân. Một chi tiết lý thú ít được biết đến là những tính toán khổng lồ tại sa mạc Alamo để thử nghiệm hai trái bom này đã được thực hiện trên chiếc máy tính điện tử đầu tiên của thế giới xây dựng bởi nhà toán học Mỹ gốc Hung Von Neumann.

Vào thời điểm này, không một nhà khoa học hay tương lai học nào hình dung nổi thứ võ khí giết người khủng khiếp kia, hay chiếc máy tính với đèn hai cực cổ lỗ nọ sẽ khơi ngòi cho các cuộc cách mạng năng lượng và tin học trong những thập niên sau này như thế nào, khiến cho bộ mặt xã hội Tây phương đã thay đổi như vũ bão sau khi hàng loạt những nhà máy nhiệt điện hạt nhân mọc lên cùng với việc từng bước tự động hoá sản xuất và quản lý xã hội.

Chúng tôi còn nhớ vào những năm 60, trong khi hãng IBM đã cho ra đời những chiếc máy tính thế hệ thứ ba đầu tiên thì trong các đại học Âu châu danh từ “tin học” còn chưa ra đời, và trong các trung tâm nghiên cứu công việc tính toán trên máy thường là chuyện “bẩn tay” của một số các nhà vật lý lý thuyết làm việc với các lò gia tốc cao hơn là chuyện lý thuyết nghiêm túc của các nhà toán học thuần tuý.

Xã hội công nghiệp hiện đại với tính tự động hoá cao đã và đang tồn tại nhờ bảo đảm được tính trí tuệ của những người điều khiển phần quản lý - kỹ thuật cũng như tính tự giác cao của những người công dân bình thường sống trong đó. Chỉ cần tưởng tượng một người tâm thần hay say rượu nào đó vô tình làm đứt một chùm cáp quang hay làm nổ một trạm biến thế ở trung tâm Tokyo, chúng ta khó có thể lường trước được mọi hậu quả về kinh tế, tài chính và xã hội gây ra bởi hành động vô trách nhiệm giản đơn này.

Thực ra trong quá trình tiến hoá, nhân loại chưa bao giờ đạt được một hình thái kinh tế - xã hội với những tiềm năng thoả mãn nhu cầu vật chất của con người cao như vậy, ngược lại con người đã phải trả giá do lòng tham lam và sự ấu trĩ ban đầu cho biết bao nhiêu tàn phá môi trường và thiên nhiên do những lợi nhuận kinh tế quá nhanh gây ra và càng ngày càng ý thức rõ rằng mình đang đương đầu thường trực với các hệ điều khiển vi điện tử cũng như các quy trình sinh thái cực kỳ mong manh mà sự tổn thương sẽ gây ra cho cả trái đất những hậu quả khủng khiếp chưa từng thấy.

Vụ nổ lò hạt nhân Chernobil tại Ukraine là thí dụ thứ nhất. Vấn đề ô nhiễm tại hạ lưu sông Volga và vùng Biển Đen cho thấy lợi bất cập hại của kế hoạch xây dựng ồ ạt các nhà máy thuỷ điện mà không quan tâm đến dự báo môi trường trước đấy.

Hiện nay Nhật Bản đang phải bỏ ra nhiều tỷ đôla để rửa sạch những ô nhiễm thềm lục địa và bờ biển do các chất thải công nghiệp vào những năm phát triển nhanh của thập kỷ 50-60 gây ra.

Thái Lan đang gánh tai hoạ của hàng trăm ngàn trường hợp sida, hậu quả của việc tìm kiếm lợi nhuận nhanh và cao trong công nghiệp khai thác dịch vụ mại dâm kết hợp với du lịch quần chúng.

Bây giờ tại nước ta thì ai cũng rõ là quá muộn để hối hận rằng những lũ lụt triền miên tại miền Nam, Trung Bộ là hậu quả của những kế hoạch phá rừng “canh tác” bừa bãi trên Tây nguyên.

Trong một thời đại với xu thế phát triển như vậy, giai tầng trí thức – hiểu theo nghĩa cộng đồng những người lao động nắm đầy đủ tri thức trí tuệ và đạo đức để quản lý xã hội hiện đại cũng như giải quyết những sự cố và những phức tạp mang tính xã hội hay kỹ thuật của nó – ngày càng được khẳng định như là một bộ phận quan trọng, nếu không phải là quan trọng nhất, của lực lượng sản xuất.

Song hành với các tiến bộ xã hội do các cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và cải cách xã hội nói trên tạo ra, các nhà tư bản đã phải thay đổi quan điểm sử dụng lao động trí thức trong các nước công nghiệp phát triển: từ vị trí bán lao động trí thức của một người làm thuê, nhiều kỹ sư giỏi của những tập đoàn công nghiệp lớn đã trở thành những thành viên có quyền quyết định trong các hội đồng quản trị, cũng như nhiều giáo sư đại học đã kiêm nhiệm địa vị chủ nhân của những hãng công nghệ cao cấp.

Trong lúc đó, tại các nước xã hội chủ nghĩa, một mặt người ta lớn tiếng phê phán những tiến bộ nói trên là “kỹ trị” (technocratie), mặt khác để phủ nhận vai trò điều khiển lực lượng sản xuất của giai tầng trí thức, người ta tiếp tục chăn dắt họ bằng các biện pháp cổ điển kiểu tội tổ tông - thành phần giai cấp, kiểu hành chính - lý lịch, kiểu giáo dục - tác phong công nông..., phải chăng đây là một trong những lý do chính dẫn đến sự cách biệt ngày càng lớn về trình độ công nghệ trong sản xuất và trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống giữa một bên là các nước Âu Mỹ với bên kia là các nước xã hội chủ nghĩa, kéo theo sự sụp đổ không thể tránh khỏi của Liên Xô và các nước Đông Âu?

Khủng hoảng của xã hội công nghiệp phát triển cao – được báo động bằng các biến cố bạo loạn xảy ra vào mùa xuân 1968 tại hầu hết các đại học Tây Âu – mang tính văn hoá mà H. Marcuse, nhà triết học chủ soái của phong trào sinh viên trí thức lúc bấy giờ, đã định nghĩa nó như là khủng hoảng của “con người xã hội một chiều” (l’homme unidimensionel, chú thích của người đánh máy), nghĩa là, con người sống trong thế giới mà không gian chỉ còn là “lao động và tiêu thụ”. Con người trong xã hội một chiều, dưới tác động của nền kinh tế thị trường phồn vinh, đã tạo ra những giá trị văn hoá - đạo đức mới thay cho những giá trị cổ truyền, người ta thay cái “chân” trừu tượng trong tri thức bằng tính “hiệu quả” của nó, cái tính “bản thiện” trong hành động bằng chỉ số “lợi nhuận”, cũng như chỉ có những cái “mĩ” thoả mãn được những yêu cầu vui chơi giải trí trước mắt của xã hội tiêu thụ thì mới có khả năng tồn tại.

Thật ra để giải toả dấu ấn của nền khoa cử từ chương kéo dài suốt hàng nghìn năm phong kiến cũng như ảnh hưởng thiên về khái quát của tri thức xã hội chủ nghĩa, việc nhấn mạnh đến tính hiệu quả của phần chân lý trong tri thức cũng như tính lợi nhuận của hành động con người không phải không cần thiết và mang tính tích cực trong quá trình xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam trong giai đoạn mới, nhưng chúng ta phải hết sức cảnh giác trước sự manh nha hình thành một lối suy nghĩ và sống theo chủ nghĩa cơ hội - thực dụng, nghèo nàn tinh thần và thô bạo trong giới trí thức trẻ Việt Nam. Chúng ta cũng nên tránh đi từ cực đoan kế hoạch hoá “yêu cầu về mĩ” cho toàn thể xã hội bằng cùng một loại sản phẩm văn học nghệ thuật đặt hàng sang đến cực đoan “thị trường hoá” tuốt tuồn tuột để cho các sản phẩm văn hoá thị hiếu rẻ tiền nội - ngoại tràn lan khắp nơi.


Các vấn đề của chúng ta

Trong khi hàng loạt vấn đề văn hoá - văn minh do cuộc khủng hoảng xã hội tiêu thụ đặt ra cho nhân loại từ hơn hai thập kỷ qua mà vẫn chưa tìm được những giải đáp thoả đáng thì nền văn hoá xã hội chủ nghĩa của chúng ta đã và sẽ phát triển như nó vẫn phát triển chừng nào mà chúng ta vẫn tự cho là còn được trang bị với chủ nghĩa Mác-Lênin vô địch, được bảo vệ bởi hàng rào quân sự quốc tế cộng sản hùng mạnh, đứng đầu bởi một Liên Xô siêu cường, và vẫn tự tin là trong những điều kiện khách quan như vậy, giới trí thức chúng ta sẽ tiếp tục lành mạnh và lớn mạnh vì chúng ta một mặt không hề bị bao vây bởi một môi trường kỹ trị kiểu tư bản, mặt khác phương pháp lý lịch và sự lãnh đạo giai cấp sẽ cho phép chúng ta thường trực gạn lọc và giáo dục tư tưởng thành phần trí thức tiểu tư sản.

Nhưng nếu chấp nhận rằng những điều kiện khách quan nói trên đã thay đổi hay không còn nữa thì hàng loạt những vấn đề nghiêm trọng về lý luận và thực tiễn trên mặt trận Văn Hoá - Văn Minh sẽ được đặt ra, chẳng hạn:

1) Chúng ta chọn cái gì như là cội nguồn và bản sắc của nền văn hoá dân tộc cổ truyền để làm cơ sở gìn giữ vốn cũ và tiếp thu cái mới? Nền văn hoá Văn Lang (Việt-Mường) và thời đại đồ đồng cực thịnh hay là đĩa xà-lát văn hoá “Trung - Pháp - Mỹ - Liên Xô” (và có lẽ trong tương lai cả Nhật nữa) mà một số người đang đề cao sẽ là chìa khoá mở cửa cho sự hoà nhập vào thế kỷ 21 của chúng ta?

2) Có cái gì liên hệ từ cỗi nguồn giữa giấc mơ “ huyền thoại xã hội Nghiêu Thuấn đại đồng” nẩy sinh từ nền văn hoá siêu làng của văn minh lúa nước với giấc mơ xây dựng xã hội “xã hội chủ nghĩa không kinh qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa” sau này?

Cái gì còn lại, cái gì đã mất trong giai đoạn mới, hay chỉ cần đơn thuần gắn mác “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, “văn hoá tự do xã hội chủ nghĩa” là đủ?

Và ai có hỏi “xã hội chủ nghĩa là gì?” thì chỉ cần xin thưa đó là thứ “mang mầu sắc dân tộc”.

Nếu hiểu Văn Hoá là toàn bộ những giá trị tinh thần và vật chất mà Nhân Loại nói chung hay một Dân Tộc nói riêng gìn giữ lại sau một Thời Đại phát triển nhất định (Văn Minh), là những Giá Trị cần thiết cho Ý Thức con người trong quá trình biến đổi thế giới tự nhiên thành một thế giới đáng sống hơn, xứng đáng với các ý hướng “Chân, Thiện, Mỹ” muôn thuở của con người hơn, thì chúng tôi hoàn toàn nhất trí với cách đặt vấn đề cũng như những luận điểm bước đầu về một “Đề Cương Văn Hoá Việt Nam Trong Giai Đoạn Mới” do ban tổ chức Hội thảo nêu lên.

Chúng tôi đặt vấn đề cần một nỗ lực trí tuệ kết năng (synergique) của các thành phần trí thức Việt Nam trong và ngoài nước để tìm ra những tư tưởng chủ đạo cũng như những giải pháp thực tiễn cho từng bước đi của nền văn hoá dân tộc trong giai đoạn mới, một giai đoạn phát triển của đất nước mà dân tộc ta sẽ phải chịu áp lực, cùng một lúc, của sự chà sát với những khủng hoảng của văn minh - văn hoá Tây phương hiện đại cộng thêm các yếu tố chậm phát triển.

Xin nhấn mạnh rằng chúng ta đã bước sang thời đại mà tính “chân” của tri thức cần phải được chứng minh bằng tính “hiệu quả” của nó và trong thế giới thực tiễn ngày nay, điều này cần những đầu tư không nhỏ về tài chính cho khâu tổ chức, cũng như khâu xây dựng cơ sở làm việc cho những nhà trí thức Việt Nam.

Đối với trí thức trong nước, vấn đề cải thiện đời sống, tạo điều kiện khách quan và công bằng để các tài năng khoa học và công nghệ phát triển muôn mầu muôn vẻ phải được đưa lên hàng quốc sách.

Đối với các trí thức Việt kiều, trừ khi những cơ sở làm việc tiên tiến tối thiểu đã được bảo đảm, nếu không chúng ta sẽ rơi vào tình trạng bàn việc binh trên giấy và khó có hy vọng khai thác được những tri thức và trí tuệ mà họ đã dầy công gây dựng được ở nước ngoài.

Để chuẩn bị các tư liệu cho một vấn đề khoa học, thí dụ như đề tài “Sử dụng DTT tại Trung Quốc” và những cái lợi hại do nó gây ra trong môi trường sống, một nhà nghiên cứu Tây Âu qua hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy điện toán về nông học chỉ cần bỏ ra hai mươi đôla và trong vòng mười phút đã có ngay trên màn hình trước mắt khoảng 5.000 tài liệu (với tóm tắt) nằm rải rác trong các thư viện trên thế giới.

Trên đây là một thí dụ lý thú cần sự cộng tác chặt chẽ của những trí thức Việt kiều còn quan tâm đến tiền đồ của nền văn hoá dân tộc, cùng cộng tác với các đồng nghiệp trong nước cài đặt và tổ chức ngay một cơ sở dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế về tư liệu khoa học xã hội của nước ta, ngoài giá trị một phương tiện không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học ngày nay, chúng ta còn có khả năng sử dụng “kho tàng” vô giá đã mã hoá này để trao đổi và hoà nhập (ít nhất qua ăngten vệ tinh) với các ngân hàng dữ liệu và các thư viện trên thế giới.


Nguyễn Xuân Lộc

(Hà Nội 7.12.93)



* Giáo sư tiến sĩ, uỷ viên ban chấp hành Hội toán học Việt Nam


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us