Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 38 / Bạn đọc và Diễn Đàn

Bạn đọc và Diễn Đàn

- Diễn Đàn — published 03/01/2011 00:05, cập nhật lần cuối 14/05/2011 14:50

Bạn đọc và Diễn Đàn


Diễn Đàn 37

Mục văn nghệ số 37 vừa rồi thật độc đáo, truyện của Trần Vũ và bài báo của Nguyễn Khải đều là những hiện tượng văn học mới và quan trọng, chúng tôi một số bạn bè đã bàn cãi nhiều. Cảm ơn và rất ủng hộ quý báo đã chọn đăng những đoạn văn như vậy. Tôi nghĩ vai trò của một tạp chí văn hoá như Diễn Đàn là giới thiệu những cái đáng đọc; trong khuôn khổ một nguyệt san nhỏ, sự chọn lọc của quý báo từ trước đến nay và đặc biệt số vừa rồi thực xuất sắc. Có cái để đọc và để bàn luận tức là có cái để khen và chê, tôi không nghĩ rằng chỉ có những bài đáng khen mới nên đăng, có những bài quan trọng ở chỗ đáng chê. Tuy nhiên mỗi bài đáng lẽ nên có một cái mũ nhỏ để lưu ý bạn đọc, vì theo tôi trong hai bài này những vấn đề không nằm ở chỗ người ta tưởng, nếu chỉ đọc lướt qua.

Xin ghi vài ý về bài Giấc mơ Thổ. Có bạn cho đó là dâm ô, thô bỉ, khinh rẻ phụ nữ. Riêng tôi không thấy như vậy, có lẽ vì điều đó mới trong văn Việt chăng? và có lẽ để nhấn mạnh ý đồ của mình muốn đem văn chương vào những vùng cấm địa nên tác giả có hơi cường điệu chăng? Nhà văn có quyền cường điệu hoá, điều đáng hỏi là hình thức và nội dung truyện có đạt đến một khía cạnh nào phổ biến của con người hay không? Tôi nghĩ Trần Vũ thực sự muốn viết văn trong nghĩa đó chứ không phải muốn viết thứ văn khiêu dâm hạ cấp, và cố gắng đó đáng tôn trọng. Tôi thấy truyện này mô tả nội tâm mê sảng dữ dội của một loại nạn nhân chiến tranh, tuy nhân vật xưng tôi, tuy cái tôi ấy dâm ô, thô bỉ, khinh rẻ phụ nữ, nhưng nhân vật không phải là văn, lại càng không phải là nhà văn. Với thời gian, công chúng thích hay không thích, thì... thời gian sẽ trả lời. Ngoài ra, đồng ý nên cấm trẻ em dưới 18 tuổi.

Bây giờ xin bàn về bài báo Nguyễn Khải. Ở đây, chữ tôi của ông là cái tôi bình thường chứ không phải cái tôi sáng tạo văn học. Nguyễn Khải nói với độc giả về mình khi ông mô tả quan hệ giữa ông và Trần Dần, bởi vậy người đọc có quyền nhận xét và phản ứng. “ Tôi vốn không thích văn anh”, “Nhưng tôi luôn luôn nể anh, trọng anh vì cái số sao mà vất vả. Cũng là vất vả vì nghề” , nghĩa là nể trọng một người đồng nghiệp đàn anh không phải vì văn tài, không phải vì quan điểm văn học, mà vì... cái số vất vả! thông thường điều đó chỉ đưa đến thương cảm chứ không đưa đến nể trọng. Ở một người như Nguyễn Khải đã thành danh vì ngòi bút chính xác và sắc sảo thì đây chỉ có thể coi là sự nguỵ trang. Nguỵ trang với ai? kiểm duyệt hay độc giả? Nếu ngừng ở đó thì người đọc có thể thông cảm cái cách viết lách quen thuộc tuy đã lỗi thời ở Việt Nam, nhưng tác giả lại giáng thêm một câu nữa: “Về anh Trần Dần tôi nghĩ thế cũng là xong, là đã hoàn tất một sự nghiệp, có ưu có khuyết, có thành bại như mọi kiếp người. Anh chả còn gì để tôi phải thắc mắc”. Vế đầu một câu triết lý vô thưởng vô phạt để đưa đến vế sau xoá sạch mọi vấn đề, cứ như kẻ thua bạc thì xoá bài, một nhà văn mà nỡ viết về một nhà văn khác như thế sao? Vậy nói về Trần Dần để làm gì? nói về ai cũng thế, mà không nói cũng thế. Đây mới là nhẫn tâm, còn những đoạn sau lập đi lập lại rất thừa về bệnh tật tuổi già của Trần Dần thì nặng có thể gọi là ám ảnh tâm lý của người viết, mà nhẹ có thể coi là thiếu trang nhã. Trong khi hiện nay các vấn đề nhóm Nhân văn Giai phẩm đã nêu lên vẫn đang nóng bỏng hơn bao giờ hết, người ta có thể đặt câu hỏi: tác giả lừa dối độc giả hay tự lừa dối mình?

Dĩ nhiên, nếu tính theo số chữ và theo những đoạn văn cảm động nhất thì chủ đề của bài báo này không phải là ông Trần Dần, mà là bà Trần Dần và các con. Thế nhưng trên chủ đề này lại có những đoạn Nguyễn Khải nói hộ người khác một cách sống sượng đáng giật mình, khiến tôi nghĩ rằng một bài báo như thế nếu không được mọi đương sự đồng ý, thì như ở Pháp có thể bị kiện vì xâm phạm đời tư người khác, chẳng hạn kể lại người con nghĩ về người cha như thế nào (...).

Tôi không muốn bàn nhiều về giá trị khách quan hay giá trị tự thân của bài báo Nguyễn Khải vì tôi hiểu rằng tác phẩm có phần nào độc lập với tác giả. Nếu cố gắng đọc bài báo này bằng cách quên con người cụ thể, bỏ qua những đoạn văn hoả mù và những đoạn văn sống sượng, người ta thấy được những mẩu hiện thực đáng buồn và đáng sợ của một chế độ toàn trị, đồng thời với hình ảnh thật đẹp của một người đàn bà Việt Nam sống và chống chọi được hoàn cảnh đó. Bản thân những hiện thực này cũng là một sự phê phán chế độ, tuy không có gì sâu sắc và mới mẻ.

T.H.D. ( Massy, Pháp)

* Theo ý chúng tôi, bài Người vợ của Nguyễn Khải không phải là một bài báo, bài văn. Nó càng không phải là một bài phát biểu tại một cuộc mít tinh hay hội nghị của Mặt trận Tổ Quốc. Trong bài văn ấy, tôi không phải là một nhân vật hư cấu, song e rằng sẽ quá giản lược nếu ta đồng nhất hoá tôi cá nhân tác giả: ngay trong thể loại nhật ký, hồi ký văn học, cái tôi nhiều khi là biểu diễn tôi đối với tôi (nếu không là đối với người đọc) hơn là cái tôi đời thực. Nói khác đi tôi là tôi mà cũng không phải là tôi. Tất nhiên, trong mối quan hệ tay ba tác giả - tác phẩm - độc giả, độc giả hoàn toàn có quyền phán đoán tác giả qua tác phẩm, cho dù, nếu độc giả không phải là nhà phân tâm học, hay nhà tuyên huấn, tác phẩm mới là quan yếu. Trong tinh thần ấy, chúng tôi ghi nhận phản ứng của bạn và tôn trọng ý kiến thống thiết của bạn. Và hoàn toàn đồng ý với bạn ít nhất trên điểm này: những vấn đề mà phong trào Nhân văn Giai phẩm, mà Trần Dần là một trong những người khởi xướng, đặt ra, ngày hôm nay, vẫn là những vấn đề nóng hổi.


Đăng lại là một hình thức chấp nhận và chuẩn y

Chuyện Người vợ mà nhà văn Nguyễn Khải viết để kể chuyện về người bạn đời của Trần Dần đã đưa bạn đọc sống hoàn toàn với nhiều tình huống bên nhà: một người phụ nữ tận tuỵ với chồng, sống trong truyền thống Việt Nam dù khó khăn, lấy bổn phận làm đầu, quên mình và hy sinh là một trong những cơ bản văn hoá. Có lẽ tôi cũng được giáo dục như vậy đó nên tôi thích chuyện Nguyễn Khải viết, một chuyện thật.

Cạnh đó, cũng trong cùng số báo 37, Diễn Đàn đăng truyện Giấc Thổ của Trần Vũ, một chuyện thuộc lại tả chân, cũng có thể là thể hiện một nếp sống, một suy tư, một quan niệm của nhà văn, hay của một mẫu hình mà nhà văn muốn trình bày. Thế nhưng có lẽ truyện tả chân, tả thật, tả gần quá nên thành thô. Thật thì thật, nhưng nhân bản, theo tôi, khác với thú tính, mỹ thuật và văn chương khác với đập, phá hay đánh đá, và có giới hạn về luân lý (...)

Hơn nữa, ở đây còn có vấn đề trách nhiệm của nhà văn, trách nhiệm đối với “hậu thế”. (...) Tôi không muốn lịch sử đi lùi và trở lại phong trào lãng mạn đầu thế kỷ 20, tôi không mặc áo đạo đức hay nhà luân lý đi giảng thuần phong mỹ tục cho cả nước. Tôi chỉ muốn nói là dù gì đi nữa, ngay trong bản chất con người, cũng còn một góc đẹp nào đó, một cái lãng mạng dễ thương chứ không phải thuần thực dụng, vật chất, thể xác.

Đăng lại là một hình thức chấp nhận và chuẩn y. Trách nhiệm của Diễn Đàn ở đó. Tôi không trách các bạn. Tôi chỉ muốn nói lên tiếng kêu thất vọng và lo sợ cho tương lai.

Nguyễn Huỳnh Mai (Liège, Bỉ)

* Xin thú thực với chị : khi lên khuôn số 37 (sau khi tranh luận gần như... mổ bò) chúng tôi cũng chờ đợi sẽ có phản ứng mãnh liệt và trái nghịch từ phía bạn đọc đối với hai tác phẩm của Nguyễn Khải và Trần Vũ. Song, đọc xong thư chị và thư của anh THD (xem trên) đến cách nhau một ngày, chúng tôi mới thấy sự thật vượt xa mọi dự trù. Như vậy, ít nhất trên mặt văn học, Diễn Đàn cũng làm được chức năng điểm hẹn của những cảm nhận rất khác nhau. Và xét cho cùng, văn học mà không đa nghĩa, đa âm, thì còn gì là văn?

Riêng về Giấc mơ Thổ, chúng tôi rất thông cảm với phản ứng của chị. Phản ứng như vậy một phần có lẽ vì chị đọc nó như một truyện tả chân, hay hiện thực chủ nghĩa. Đề nghị chị thử đọc lại nó, đặc biệt là trang đầu (trang 29), như một tác phẩm mộng mê (onirique). Là một người mẹ, có lẽ chị sẽ thông cảm sự kinh hoàng của một thiếu niên được/bị mẹ đẩy đi vượt biên, trở thành một “tử thi sung sướng”. Thông cảm, cố nhiên, không nhất thiết dẫn tới tán thưởng văn phong.

Cuối cùng, về ý kiến của chị “đăng lại là chấp nhận và chuẩn y”, chúng tôi xin giữ lại từ đầu: chấp nhận. Chấp nhận nhau trong tất cả sự khác biệt, và chấp nhận sự khác biệt. Và cũng trong tinh thần trách nhiệm, xin gửi chị những lời chúc thân tình cho năm Ất Hợi 95.


Khó gần bằng lý giải... tình yêu

Đối với cơ sở liên kết người Việt Đông Âu chúng tôi, Diễn Đàn là nguồn tư liệu rất phong phú để chúng tôi biên soạn Lá thư Đông Âu với mục đích gởi về trong nước.

Dưới đây xin nêu một vài ý kiến nhỏ vụn của cá nhân tôi sau một thời gian (gần như đủ 37 số báo) và theo dõi Diễn Đàn:

– Đã có hơn một lần, qua báo Diễn Đàn, tôi được biết bạn đọc “thắc mắc” về thái độ chính trị của Diễn Đàn. Và Diễn Đàn có “giải thích”. Thiển ý, các lần đó đều... “chưa đạt yêu cầu” (so với “thắc mắc”). Mà xét cho cùng, giải thích về quan điểm chính trị khó gần bằng với việc giải lý về... tình yêu! Bản thân một tờ báo với các trang bài trong đó là lời giải thích thuyết phục nhất, hà tất phải nhiều lời.

– Diễn Đàn có một thoáng rất độc đáo là hay chêm lời bình (của người biên tập, rồi của cả người... đánh máy!) vào bài. Với tôi, hầu hết các chỗ chêm đó đều được, nhưng khi trao đổi với các anh em khác đọc Diễn Đàn ở đây, có vẻ nhiều người lại không... ưa. Họ bảo: “ Thế là coi thường bạn đọc!” . Tôi bảo: “ Vấn đề là ở chỗ lời bình đó có cần và có đạt hay không...”.

– Trong hơn một năm nay, tình hình trong nước có nhiều biến đổi, có thể nói là hàng tháng, hàng quý... Báo chí hải ngoại, nhìn chung là “đuối sức” khi chạy theo các biến đổi đó, nhưng tôi chưa thấy có biểu hiện như thế ở Diễn Đàn.

– Diễn Đàn, qua 37 số báo, rành rành là tờ báo không phải gi gỉ gì gi cái gì cũng nói đến. Cho phép tôi được hiểu Diễn Đàn là một tờ báo quan tâm đến các vấn đề thuộc về Việt Nam, ở liên hệ xa cũng như gần. Trong tình hình như vừa nói ở trên (của báo chí hải ngoại), một tờ như Diễn Đàn rất cần thiết. Tuy vậy, cũng có một vài lần Diễn Đàn chuyên chở nhiều chủ đề nặng tính... “khoa bảng” quá, lại nữa các chủ đề này xa xôi với “các vấn đề Việt Nam”, ví dụ như cái vụ “xn + yn = zn” đã hơn một lần chiếm chỗ ở Diễn Đàn. Tất nhiên các bài như thế “rằng hay thì thật là hay” nhưng nghe ra chưa hợp với những người tìm đọc Diễn Đàn (“hợp” ở đây chưa phải là nói về trình độ mà là ở chủ đề). “I” can “you”, nay dùng lại “thành ngữ” của Diễn Đàn ở vụ này.

Đỗ Ngọc (Hochstadt/Aisch, Đức)

* Những chủ đề liên quan tới phương pháp luận khoa học như định lý Fermat mà anh gọi là “khoa bảng”, sở dĩ chúng tôi nêu lên, vì hai lý do:

trong sự phân lích (và chừng nào, giải quyết) các vấn đề Việt Nam, chúng ta rất cần tinh thần khoa học. Xin nói rõ: tinh thần khoa học không phải là tôn thờ khoa học, tin tưởng ở sự toàn năng của khoa học (ảo tưởng của thế kỷ 19, ngày nay vẫn còn ở ta, còn ở phương Tây thì có xu trướng chạy theo thái cực ngược lại)

cùng với tinh thần khoa học là văn hoá khoa học (culture scientifique) – văn hoá chứ không phải là kiến thức. Điều đáng quan ngại là từ một thế kỷ nay, nhiều cuộc cách mạng đã diễn ra trong các lãnh vực khoa học (từ toán học, qua vật lý, hoá học đến sinh học), đảo lộn nhiều quan niệm, với những ứng dụng tác động trực tiếp đến cuộc sống nhân loại. Hơn bao giờ hết, văn hoá khoa học trở thành một bộ phận cấu thành hữu cơ của văn hoá.

Tất nhiên, còn một cách giải thích khác : trong ban biên tập Diễn Đàn, có cả một mafia làm khoa học, cho nên tổng biên tập, là người làm kinh tế học, đố mà dân chủ... tập trung nổi! Hi vọng đôi lời giãi bày ở trên, dù chưa đạt yêu cầu, cũng nói lên một điều: cách giải thích vừa kể trên không hẳn đúng sự thật!


Về Tờ trình bí mật của Krúpsếp về Stalin”

Chúng tôi đã giới thiệu cuốn sách này trong số 35. Bạn đọc có thể đặt mua qua bưu điện bằng cách liên lạc với : Tủ sách NGHIÊN CỨU, B.P. 246, 75224 PARIS CEDEX 11. Phí tổn: 60 FF (kể cả cước phí).

Đây là một bản dịch trung thực về tinh thần, tuy còn những chỗ chưa sát và những từ ngữ hơi cổ. Do đó, nó là một tư liệu bổ ích, đặc biệt cho những độc giả khó đọc ngoại ngữ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss