Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 38 / Bảo tồn và cải tạo KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI

Bảo tồn và cải tạo KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI

- Văn Ngọc — published 11/04/2011 00:15, cập nhật lần cuối 11/05/2011 17:54

Bảo tồn và cải tạo
KHU PHỐ CỔ HÀ NỘI


Văn Ngọc



Hà Nội theo cảm nhận của tôi có nhiều cái đẹp do thiên nhiên ban tặng cho, mà con người chưa khai thác hết: hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, hồ Tây, sông Hồng, và bầu trời, chân trời Hà Nội những buổi chiều mùa hạ, nhìn từ những gác sân thượng xinh xinh! . . .

Cũng có nhiều cái đẹp khác do bàn tay, trí óc con người, do những truyền thống văn hoá lâu đời tạo dựng nên: các công trình kiến trúc cổ, các đền chùa còn lại từ các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn, và đặc biệt là khu “36 phố phường” của Hà Nội cổ.

Đó là những hòn ngọc quí cần được nâng niu, trau chuốt, và là những di sản lịch sử, văn hoá cần được bảo tồn.

Đó cũng là những danh thắng có sức lôi cuốn khách du lịch đến tham quan thủ đô, với điều kiện là phải được cải tạo và trang bị để trở thành những khu danh thắng thật sự, vừa làm tăng thêm vẻ đẹp của thành phố, lại vừa có tác dụng về các mặt kinh tế và văn hoá.

Khu phố cổ Hà Nội từ xưa tới nay vẫn vừa là khu ở, vừa là khu buôn bán. Đồng thời nó là một khu di tích văn hoá, lịch sử. Nhiều thí dụ ở các nước phát triển trên thế giới cho thấy xu hướng chung là người ta rất quí trọng những khu phố cổ. Mỗi thành phố đều có chính sách đầu tư vào việc trùng tu và cải tạo những khu phố đó, vì người ta biết chắc rằng chúng sẽ là những điểm hấp dẫn trong một thành phố và về lâu dài sẽ đem lại cho họ nhiều nguồn lợi.

Đặt vấn đề bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Hà Nội là phải thấy trước được những khó khăn, phức tạp của nó, vì nó đòi hỏi khá nhiều khả năng về tài lực và vật lực. Trong thời Pháp thuộc, không bao giờ nhà nước bảo hộ nêu lên vấn đề này, kể cả trong những phương án quy hoạch của các nhà kiến trúc sư Ernest Hébrard (1920) và Mario Cerruti (1940). Điều đó cũng dễ hiểu, vì họ cho rằng việc làm này không kinh tế và không đem lại lợi ích gì cho họ.

Sau này, từ năm 1955 trở đi, qua mấy đợt quy hoạch xây dựng và cải tạo thành phố Hà Nội, nhà nước Việt Nam vì nhiều lý do kinh tế, chiến tranh, và vì những nhu cầu trước mắt, cũng đã không coi vấn đề này là ưu tiên, mặc dầu vẫn luôn luôn nhắc nhở đến trong các phương án quy hoạch.

Hiện nay, vấn đề đã được nêu lên một cách khẩn trương trong kế hoạch phát triển, xây dựng và cải tạo chung cho cả thủ đô trong giai đoạn mới, tuy nhiên chưa có được một phương án cụ thể nào, chưa thấy đưa ra được một ý lớn, có thể áp dụng được vừa cả cho khu phố cổ lẫn các khu phố khác, trong viễn cảnh một thành phố có dáng dấp hiện đại, xứng đáng với một thủ đô và đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.


Trùng tu hay cải tạo?


Nhìn vào các đợt quy hoạch, xây dựng và cải tạo trước đây, chúng ta thấy rằng ngay từ thời Pháp thuộc, chính quyền bảo hộ mặc dầu không đụng đến cái mô bào (tissu) của khu phố cổ, nghĩa là không đụng đến mặt bằng những ô phố, nhưng đã không ngăn cấm việc nâng tầng nhiều ngôi nhà cổ ở khu “36 phố phường”, miễn là giới hạn ở mức hai, ba tầng. Như vậy cũng đã là một bước đầu cải tạo, mặc dầu còn rất rụt rè và cục bộ. Nhiều ngôi nhà vì đổ nát quá mà đã được xây lại mới, đôi khi với những mặt tiền khác hẳn và không có gì là cổ cả. Nói chung, những ngôi nhà cổ nhất ở Hà Nội còn tồn tại cho đến ngày nay cũng chỉ mang niên đại từ thời Minh Mạng, Tự Đức, nghĩa là không đến 150 năm. Những ngôi nhà cổ này, thật ra không còn mấy và điều đó cũng dễ hiểu: với cấu trúc tường gạch, sàn gỗ, vì kèo gỗ và mái ngói ta, nhiều nhà ở các phố cổ bị hư nát, siêu vẹo ngay từ khi người Pháp mới đặt chân đến đất này, không nói gì là lại còn trải qua mấy cuộc chiến tranh tàn phá.

Riêng ở khu Đông-thành cũ, trong một trận quân Pháp tiến đánh khu vực Hàng Thiếc, Hàng Nón ngày 7-1947, nhiều dãy nhà đã bị phá huỷ, chủ yếu bị đốt cháy. Ở phố Hàng Bát Đàn, dãy nhà bên số lẻ cùng ô phố với Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Điếu, đã bị thiêu trụi đến một nửa số nhà, trong đó có những ngôi nhà cổ hai ba tầng, với cửa “thượng song hạ bản” (trên song dưới ván) ở tầng một và cửa lùa ở tầng dưới nhà. Mặt bằng và không gian bên trong được bố cục theo trình tự: cửa hàng - sân trong - nhà cầu - nhà thờ (tổ tiên) - buồng ở - sân trong - nhà phụ (nhà bếp, buồng xí, buồng tắm, vv...). Sau này, từ 1947 đến 1954, dân hồi cư về, có những kẻ cơ hội lợi dụng tình thế hỗn quân hỗn quan, xây dựng tạm bợ lên để ở, rồi sau đó từ 1955 trở đi, những đợt người khác cũng lại xây dựng một cách bừa bãi, cẩu thả. Có những ngôi nhà lẽ ra trước kia là hai ba tầng thì chỉ xây lại có một tầng. Dãy phố trông nham nhở, thưa thớt như bừa mất răng.


Khu vực Hà Nội 36 phố phường


Khu phố cổ, còn được gọi là “khu vực Hà Nội 36 phố phường”, nằm gọn trong một hình tam giác cân, với hai cạnh đều bằng 2,5 km và cạnh đáy dài 3 km nằm áp vào bờ sông Hồng. Đỉnh của hình tam giác này là góc đông nam khu Thành Nội (sát ngõ Hội Vũ). Ranh giới phía nam là đường Tràng Thi.

Vào đời nhà Trần, Hà Nội cổ gồm có 61 phường, đến đời Lê hợp lại thành 36 phường. Phường là đơn vị hành chính ở kẻ chợ (thành thị) tương đương với xã ở nông thôn. Phường là một diện, khác với phố là một tuyến. Một phố thường có hai phường ở hai bên. Cũng có phố có hai phường ở hai đầu như phố Hàng Gai. Phường và phố gắn liền với nhau, do đó nếu xoá đi một phố là cũng đụng đến dấu vết lịch sử của phường.

Các phố sá trong khu phố cổ dài trung bình từ 100 đến 300 m. Có những ô phố nhỏ như ô phố Hàng Thiếc, Hàng Nón, Hàng Điếu (Nhà Hoả), Hàng Bát Đàn, bề dài nhất không quá 136 m, bề nhỏ nhất không tới 100 m. Kích thước ô phố như vậy kể ra cũng hơi nhỏ, nhưng chưa phải là quá nhỏ. Tuy nhiên, do các ô phố dày đặc sân và nhà lụp xụp, phần đông thuộc loại nhà ống, bề ngang đôi khi chưa đến 3 - 4 m, hệ thống cống rãnh và các thiết bị thoát nước từ trong các nhà đổ ra lại thiếu thốn, cho nên nhiều vấn đề vệ sinh đã không được giải quyết tốt . Thời Pháp thuộc, ở “khu phố ta”, nhà nước bảo hộ cũng không làm một cố gắng nào trên vấn đề này và cũng không cấm việc “đổ thùng” ban đêm và nghe đâu ông chủ hãng thầu phân, sau ông Năm Diệm tiếng tăm lừng lẫy một thời, cũng là một nhà thầu khoán Pháp! Các phố phường ở khu phố cổ ngày trước luôn luôn chỉ có cửa hàng trông ra mặt phố. Do đó người ta không có nhu cầu phải có một khoảng sân phụ (cour de service) ở giữa ô phố, có lối cho xe ra vào cửa sau để chở hàng hoá một cách kín đáo. Vào những thời trước người ta cũng chưa có khái niệm sân chơi cho trẻ em.

Về mặt nhà ở, do có các sân trong lộ thiên nên vấn đề thông gió và ánh sáng cũng tạm được giải quyết. Đồng thời, cũng nhờ những sân lộ thiên đó mà phần nào người ta không có cảm tưởng quá bưng bít ở trong những ngôi nhà ống này.

Tuy nhiên, trong kiến trúc nhà ở truyền thống ở các thành thị miền Bắc, nói chung, còn tồn tại nhiều vấn đề khác cần được nghiên cứu để có những biện pháp giải quyết, như vấn đề sưởi ấm nhà mùa đông, hay vấn đề cách ly tiếng động, vv...


Công việc xây dựng và những bước tiến hành


Trùng tu và cải tạo một khu phố cổ là một công việc xây dựng phức tạp, tỉ mỉ, đòi hỏi phải bảo đảm một số điều kiện về hành chính, quản lý, tổ chức, và về các mặt thiết bị kỹ thuật để có thể tiến hành được một cách nhanh chóng, gọn gàng và thực hiện một cách đồng bộ.

1. Trước hết, cần xác định rõ chức năng của khu phố cổ trong kế hoạch phát triển, xây dựng và cải tạo chung cho cả thành phố. Chức năng này có thể thay đổi, thích nghi tuỳ theo sự lựa chọn giải pháp cải tạo.

2. Chọn lựa các giải pháp kiến trúc, xây dựng thích ứng. Tập hợp các tư liệu, hình ảnh về các kiểu mẫu nhà cổ ở Hà Nội .

3. Tiến hành các thủ tục hành chính để giải quyết việc chuyển dân hàng phố đi ở tạm nơi khác.

4. Xác định tiến độ thi công từng phần, từng khu vực và chuẩn bị thi công, tiền chế những bộ phận có thể làm trước được như: các bộ phận bằng gỗ của mặt tiền, dầm, sàn, vì kèo bằng bê tông đúc sẵn, vv...

5. Chuẩn bị thực hiện trước các thiết bị cần thiết: hệ thống cống rãnh, đường sá, điện, nước, vv...



Những giải pháp đề nghị


Giải pháp 1: trùng tu dựa theo các mẫu nhà cổ


1. Ý thứ nhất chung cho cả hai giải pháp I và II là: tôn trọng “mô bào” (tissu) của khu phố, nghĩa là giữ nguyên mặt bằng của các ô phố, không đụng đến kích thước của đường phố, giữ nguyên ranh giới các dãy nhà (alignement). Các đường phố sau này sẽ phải xác định đường nào dành cho xe hơi, xe đạp và đường nào dành cho người đi bộ.

2. Ý thứ hai cũng chung cho cả hai giải pháp là: trùng tu, hoặc xây mới lại mặt tiền của các ngôi nhà rập theo những kiểu mẫu nhà cổ đã được tra cứu và phân loại (xem Kiến trúc Hà Nội thế kỷ 19-20, tác giả Đặng Thái Hoàng - NXB Hà Nội 1985). Giữ nguyên kích thước bề ngang của các ngôi nhà ống này. Nâng tầng cho những ngôi nhà một tầng lên hai ba tầng và giữ bề cao ở mặt phố của các ngôi nhà ở mức 2, 3 tầng.

3. Trong lõi các ô phố, mở một khoảng sân phụ, hoặc sân chơi đủ rộng để khi có đám cháy xe cứu hoả có thể vào và di chuyển dễ dàng. Lối xe vào rộng tối thiểu 3m50, cao 4m30.

4. Do phần lớn những ngôi nhà trong khu phố cổ đến nay đã cũ nát, nên bắt buộc phải xây mới lại tường, sàn, vì kèo và trong những trường hợp cần thiết củng cố lại nền móng. Tôn trọng bố cục không gian truyền thống ở bên trong, nhưng tuỳ theo chức năng của từng ngôi nhà, hoặc của từng dãy phố mà thích nghi.

Về giải pháp này, người ta có thể có một nhận xét: nếu chỉ bảo tồn khu phố cổ theo đúng hình dáng xưa, với những ngôi nhà trùng tu hoặc xây mới lại, có mặt tiền rập theo đúng những kiểu mẫu nhà cổ, nhưng vẫn giữ hình khối và dung lượng cũ thì liệu nó có đáp ứng được những chức năng về nhà ở và cửa hàng của một khu phố nằm giữa trung tâm một thủ đô đang trên đà phát triển không? Có thể nó sẽ phải đổi hẳn chức năng để trở thành một khu thắng cảnh đón khách du lịch với những cửa hiệu cùng nhà hàng ăn uống, với một phần nhỏ dành cho việc ở chăng?

Ở rất nhiều thành phố lớn nhỏ ở Pháp như Rouen, Dijon, Troyes, Metz, Nancy, Mulhouse, Strasbourg, Toulouse, vv.. và ở khắp Âu châu, nói chung, người ta vẫn bảo tồn được cả từng khu phố cổ rộng lớn, với những đường lát đá viên vuông (pavés) như những thời xa xưa, với những ngôi nhà cổ để làm cửa hàng, tiệm ăn hấp dẫn khách du lịch.

bp-1


Giải pháp II : vừa trùng tu, vừa cải tạo


1 2.3 : như đã nói ở trên. Các điểm 1, 2 và 3 của giải pháp I đều được áp dụng ở giải pháp II. Tuy nhiên, ở điểm 2 có khác một chi tiết là: bắt đầu từ nóc mái tầng 1 (1er étage), hoặc tầng 2, nếu có, xây lui vào theo kiểu bực thang, dựa theo nhũng quy phạm thông thường về gabarit và prospect (tạm dịch là khung quy định: H = L hoặc H : L+... vv...)

4. Mặt quay ra đường phố, xây nâng tầng theo khung quy định mà bề rộng đường phố cho phép. Số tầng tuỳ theo kích thước của ô phố, nhưng cũng không nên quá bốn, năm tầng vì những lý do kinh tế (nền móng, thang máy, vv...). Mặt quay vào phía lõi ô phố, chỉ cần dành chỗ cho một khoảng sân lộ thiên như ở điểm 3.

Giải pháp này đòi hỏi một số vốn đầu tư lớn hơn nhưng cũng có năng suất lớn hơn để có thể bảo đảm những chức năng phong phú của một khu phố nằm ngay giữa trung tâm thành phố.

gp-2


Giải pháp xây dựng và cải tạo những khu phố khác


Ngoài khu phố cổ “36 phố phường” và khu “phố tây” ra, ở các khu phố khác, đặc biệt về phía Nam, cũng cần giữ một số nguyên tắc đã được nêu ở trên:

1. Khoét rỗng những ô phố trong chừng mực có thể để tạo lối vào cho xe cứu hoả và xe chở hàng, đồng thời tạo những sân chơi.

2. Hình dáng mặt cắt phải tuân theo đúng những luật lệ về gabarit và prospect đã được ấn định cho từng khu vực. Biện pháp xây chồng theo kiểu bực thang với những gác sân ở mỗi tầng, và sân lộ thiên (hay giếng trời) là một biện pháp phù hợp với quan niệm kiến trúc truyền thống, cũng như hiện đại, nghĩa là phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở xứ nhiệt đới ẩm.

3. Số tầng tuỳ theo gabarit đã được ấn định cho từng khu vực, nhưng theo tôi, nên khai thác tối đa khả năng nâng tầng của mỗi ô phố để rút ra một quy tắc chung cho cả thành phố.

Ở Paris chẳng hạn, gabarit chung cho cả thành phố là khoảng 25 m bề cao. Cũng có những khu xây dựng mới được phép xây cao hơn mức quy định này, nhưng phải có những lý do đặc biệt. Nhà cửa ở các mặt phố chính ở Paris thường cao 7 tầng, thêm một hai tầng xây thụt vào trong, theo đúng đường chéo 45 độ của khung quy định (prospect). Hà Nội đất nền móng xấu, ở các khu phố sá hẹp xây lên tới 5 tầng là vừa, với điều kiện là phải trả giá bằng việc sử dụng một cách thích ứng các kỹ thuật nền móng đất yếu.

Tóm lại, dù trong giả thuyết nào, hay giải pháp nào, việc trùng tu và cải tạo lại khu phố cổ của Hà Nội hiện nay đòi hỏi một tầm nhìn xa, một sự quyết tâm và cố gắng đặc biệt về đầu tư sức người, sức của ở nơi những người có thẩm quyền quyết định, cũng như nó đòi hỏi nhiều công phu sáng tạo ở nơi các nhà quy hoạch và kiến trúc.


Văn Ngọc


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us