Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 38 / Quê

Quê

- Nguyễn Lộc — published 03/01/2011 01:05, cập nhật lần cuối 14/05/2011 15:01

Quê


Nguyễn Lộc

 

Bốn tuần về nhà qua nhanh thật. Đi nơi này vài ngày, nơi nọ dăm bữa, thế là thời gian qua vèo. Vậy mà cũng đủ để đầu óc căng thẳng với bao nhiêu là âu lo, phiền muộn. Mấy ngày cuối còn lại ở Sài Gòn tôi dự định chỉ quanh quẩn trong thành phố, mà cũng đi lại ít thôi, để được gần ông bà cụ và vợ chồng đứa em trong gia đình. Anh hàng xóm, quen thân với gia đình, hỏi: “Chú không đi đâu chơi à?”. Tôi nói: “Đi đâu bây giờ anh? Có gì để mà chơi?”. Anh cười lớn, thách: “Chú muốn chơi gì? nói nghe coi”. Ông này là dân bán trời đây. Em tôi mau miệng: “Anh cứ ước gì được đi về miền Tây một chuyến.” Anh hàng xóm chụp ngay: “Thiệt không? Tưởng gì, cái đó dễ ợt.”

Mà hoá ra dễ thật, anh Quang, anh hàng xóm, có xe riêng và có việc phải đưa vợ về quê, một nơi cách quê nội tôi chưa đầy một tiếng đồng hồ lái xe. Vậy là tôi, và một chú em, quá giang gia đình anh đi về đồng bằng sông Cửu. Liền ngay buổi trưa ấy.

Sau mấy lần về thăm nhà, đây là lần đầu tôi ra miệt Phú Lâm, theo quốc lộ 4, đi về thăm lại quê nội, sau 28 năm trời xa cách. Mũi tàu Phú Lâm thì thiệt tình tôi chẳng còn nhận ra, nhưng khi đồng ruộng bắt đầu xuất hiện, thì Bình Điền, Bình Chánh cũng bắt đầu trở lại với tôi. Sắp đến cầu Long An, tôi nói đùa với anh Quang, ngày xưa tôi suýt thành con rể của tỉnh này, anh hỏi: “Muốn ghé thăm người xưa chút không? ”. “Đùa thôi anh ơi, muốn thăm thì phải tìm ở Mỹ kìa, làm gì người ta còn ở đây mà tìm”. Tưởng mới đó, mà ký ức tuổi hai mươi sao đã xa tít mù khơi. Xe lên cầu, tôi nhìn về phía sông ra biển, bỗng bắt chợt một chút xôn xao. Trời hôm nay hơi gió...

Ngã ba Trung Lương, ngã rẽ ngày xưa thường hay ghé trên đường đi về giữa “nhiệm sở” và gia đình. Nơi nhiều lần kẹt xe nằm lại cả buổi, cả ngày, vừa mệt vừa lo. Lo đêm về ai sẽ làm chủ quãng đường, khoảng đất này. Quãng đường có những buổi sáng tinh mơ xe đò chạy qua, mọi người cúi mặt để khỏi nhìn mấy xác người còn để nằm ven lộ. Thường là một bà cụ, ông cụ nào đó trong số hành khách e dè dọ hỏi: “Lính bên nào vậy?”. Thường cũng chẳng ai trả lời. Người hỏi hình như cũng không chờ đợi câu trả lời. Có ai buồn để ý phân biệt những người kia là lính của bên nào chăng? Những giọt mưa bụi đâm xiên xiên trên khung kính xe trông sao lạnh lẽo.

Anh Quang nói, tôi ngừng xe cho chú vô coi lại mấy vườn ổi xá lị, còn nhớ ổi xá lị không ông? Trời đất, anh tưởng tôi thành cái giống gì rồi chắc. Ông chủ nhà, quần xắn đến đầu gối, cái áo lính cũ mèm, không còn nhìn ra kiểu lính “bên nào”, đon đả bước ra mời khách thăm vườn. Mà sao lại nói giọng Bắc nằng nặng vậy kìa? Anh Quang thành thạo: không phải năm tư đâu chú. Ông nội này chắc vô giải phóng xong, giải phóng luôn một bà vợ với ngôi vườn lập nghiệp luôn ở đây chớ gì. Ông chủ vườn rất tự hào về cây mai tứ quý của mình, đứng cười hết cỡ cho khách chụp hình. Anh Quang bình thêm bên tai tôi, tui nghe nói ở ngoải đất đai ít ỏi, khô cằn, như ông này cắm dùi được ở đây, tết ma rốc mới quay trở về ngoải. Sau đó, anh cười toe, bắt tay ông chủ nhà, từ giã. Cái ông nông dân Nam Bộ mới “nhập tịch” này, nếu không ai nói ra và ông ta không lên tiếng, thì làm sao tôi nhìn thấy cái gì khác lạ nơi ông? Chú em tôi, lúc nãy đứng cạnh ông ta chụp hình, có nghĩ tới mấy lần nó bị bắn hụt ở cầu sắt Long Định hồi còn chiến tranh không? Hồi còn chiến tranh! Nghe như đâu xa xôi lắm. Đi trong sự bình yên của con đường liên tỉnh chiều nay, vào cái giờ chập choạng tối “xôi đậu” quen thuộc của “ngày xưa”, chợt thấy lòng mừng vì một quá khứ đã thật sự qua đi. Và không bao giờ trở lại. Ít ra, đó cũng là một mong ước thành khẩn của tôi.

Chúng tôi qua phà Cao Lãnh thì chiều cũng vừa xuống hết. Vệt ráng chiều mong manh cũng tắt hẳn. Những chiếc honda vội vã phóng vọt đi như rượt đuổi thời gian. Khoảng đường ngắn tí xíu còn lại sao mà trắc trở, gập ghềnh. Anh Quang thành thạo giảng giải. Con đường này nằm cuối một tỉnh, dẫn vào một tỉnh khác. Là cái đuôi “vô dụng” của tỉnh nhà, nên không ai màng đổ tiền ra tu bổ nó. Còn cái tỉnh thật sự nhờ vả nó lại “không phải của tui”, làm sao mà đổ tiền vô đó được. Thành ra, mấy lớp đá xanh lơm chởm vẫn nằm đó, chờ thời. Thời ở đây là nhu cầu tu bổ nhà cửa, đường xá của bà con ven lộ. Đá xanh nhà nước bò dần vào bờ ao, lối đi trong xóm. Âu cũng là một cách làm chủ (hay vô chủ?) tập thể. Tôi ngồi trên chiếc xe nhấp nhỏm mà thấy băn khoăn nhiều thứ. Có lẽ anh Quang cũng không bao giò để ý về cách nói “đầu tỉnh”, “cuối tỉnh” của anh. Con đường chúng tôi đang đi là con đường hai chiều, vậy mà anh nói nghe như nó chỉ có một chiều, chiều từ thành phố về. Chiều ngược lại coi như không có?

Trước bữa cơm tối anh Quang đã hứa: Cơm nước xong tôi chở chú xuống M.L. chơi. Cái anh này coi vậy mà tinh lắm, như anh nói, dân bi-di-nét có khác. Mớ tiếng Anh học cực học khổ để chờ đi đoàn tụ, sau cùng anh lại đổi ý. Anh biết tôi lòng dạ còn chưa yên khi chưa về tới quê mình. M.L. tuy chưa hẳn là quê tôi, nhưng ít ra đứng bên này sông, ngó qua bên kia sông cũng đỡ... nhớ. Đò ngang không đưa vào buổi tối.

Chiếc xe của anh “bước thấp bước cao” qua các ổ voi trên con đường liên tỉnh, băng qua những vũng ánh sáng mờ nhạt, đứt nối, hắt ra từ những ngôi nhà ven lộ. Xe ở đây hay dở là ở cái giàn dưới, anh Quang đã cắt nghĩa cho tôi từ chiều. Những bóng điện néon yếu ớt trong những ngôi nhà tương đối khang trang. Nhà nào ọp ẹp hơn, lù mù ngọn đèn dầu. Có nhà tối đen. Người trong nhà kéo ra ngồi chơi ven lộ. Kiểu ngồi xổm quen thuộc, lưng quay ra đường. Ngày xưa mỗi lần về quê, tôi cũng hay ngồi lề đường, quay mặt vô nhà, nói chuyện với cô tôi và các anh chị. Có khi mỗi người còn thêm một lóng mía, vừa xước mía, vừa nói chuyện. Trời gió nhè nhẹ nên không có muỗi như trong nhà. Cứ năm bảy nhà lại có một nhà đèn sáng hơn, đông người tụ tập ngồi trên những ghế thấp. Anh Quang nói, người ta tụ lại coi truyền hình, uống cà phê. Đôi khi họ xem cả vidéo. Tôi nói, sang vậy. Anh cười, có tiền, chỉ cần có tiền... Tôi hỏi phim gì? Đủ hết, phim Việt kiều gởi về, phim nhập, kể cả nhập lậu. Tàu viễn dương chở lậu đủ thứ chú ơi, có thiếu thứ gì.

Ở đây, anh Quang “nhắm mắt đi cũng không lạc”. Anh tìm một khoảng trống, đậu xe lại. Ba chúng tôi bước hẳn vào bóng tối của khu sạp quanh chợ M.L. Có tiếng ai đó hỏi, hia Quang mới về hả? Về hồi chiều, đứa bả về đám giỗ. Mai ghé tui nhậu chơi. Mai sáng tui dông rồi. Chở hai ông này đi vòng vòng, qua Long Xuyên, Cần Thơ rồi về trển luôn. Bả với thằng nhỏ ở lợi. Mùi chợ, cái mùi quen thuộc trở về thật tự nhiên. Cái mùi gợi nhớ các nỗi cơ cực của ngoại phải cưu mang mấy mẹ con tôi, những năm cha tôi vắng nhà. Thằng bé ngồi bán cải nồi cho bà ngoại ở đầu chợ Th. vẫn chưa rời bỏ tôi. Chưa một lần xa cách, chưa một lần ra đi. Vậy mà anh Quang đành lòng hỏi tôi còn nhớ ổi xá lị không. Đâu phải ai về đây cũng mặc “áo gấm”, mặc quần áo đánh tennis, kẹp nách chai evian đâu anh? Tôi về quê mà. Chắc anh Quang cũng khó mà biết rằng cái mùi chợ nặng nề suýt làm tôi rơi nước mắt. Tôi vừa nhận ra là mình vừa về đến nhà.

Tiếng ca cải lương vọng lại từ một cái radio để trên sạp bên đường đi. Chị đàn bà nằm quấn trong chăn, cho con bú, vừa thiu thiu ngủ. Hay chị đang đê mê thưởng thức cải lương không chừng. Tự dưng nhớ một anh bạn ở bên Mỹ. Nhớ nhà, bạn tôi nhắc lại ai đó đêm nào ca vọng cổ trong chợ Bàn Cờ, nghe đứt ruột. Đêm giã biệt người yêu (thật hoặc tưởng tượng), lòng não nề mà ướp thêm sáu câu vọng cổ vào đó thì, xin lỗi ông Chopin, ông Beethoven, luôn cả cô Sade liêu trai của tôi nữa, các vị thua xa. Cái giọng ca ẻo lả, èo uột của Minh Cảnh (Minh Cảnh giả cũng được) ăn đứt! Nó đi ngọt lịm với cái mùi chợ của tôi.

Tôi ra đứng trên nền xi măng kiên cố nơi bến sông. Đêm hoàn toàn tĩnh lặng, đêm bao trùm. Thật sự yên bình. Cả âm thanh và ánh sáng đều thật dịu, đọng lại từng vòm, đây đó. Tiếng ai đó dội nước dào dào dưới bến. Sâu hơn, là tiếng dòng sông đang trôi chảy. Dòng sông luôn là một chốn trở về của tôi. Dòng sông đã đưa các cô tôi đi lấy chồng. Dòng sông đưa cha tôi lẩn khuất ra đi ở tuổi niên thiếu, trốn tránh sự ruồng bố của Tây, và ngón tay chỉ điểm đã xua cha tôi ra khỏi quê nhà, luôn cả ngưỡng cửa nhà thờ. Dòng sông đã một lần đón, đưa mẹ tôi bồng con về quê chồng tránh bom Đồng minh. Dòng sông năm xưa có người con gái bơi xuồng đưa tôi đi thăm quanh vùng. Cù lao bên kia giờ này mà đã như say ngủ, thật ít ánh đèn. Một vài vệt sáng lung linh mặt nước. Tôi cố giương mắt tìm cái tháp chuông nhà thờ quê nội tôi. Nghe đâu, ngày xưa, đây là một trong những ngôi nhà thờ “chủ lực” của con đường truyền giáo tràn xuống vùng đất Nam Bộ này. Chỉ có bóng đêm nơi ấy. Màu vôi xanh nhạt của tháp chuông, hoen ố vì nắng mưa mờ mờ trong trí nhớ tôi. Ngôi nhà thờ tôi đặt chân vào đó không quá đôi ba lần, vì cô tôi không muốn mọi người trong họ đạo nhận ra rằng thằng cháu của cô không biết làm dấu, đọc kinh. Vô nhà thờ mà cứ ngơ ngơ ngác ngác, chẳng biết lúc quỳ xuống, đứng lên. Sự tủi hổ, đau lòng của cô vì một đứa em không còn giữ đạo có lẽ không bao giờ nguôi. Cái cứng đầu, bướng bỉnh lại còn “di truyền” sang mấy thằng cháu không chịu nghe lời cô trở lại đạo. Tuổi nhỏ, bọn tôi cứ cho rằng mình thật lòng yêu mến cô, yêu mến cái đất cù lao này là đủ... Còn cách cô truyền đạo, thì phải thú thật là “không đủ sức thuyết phục” như thằng em tôi có lần bình luận. Khôn lớn hơn, tôi biết thêm về sự khác biệt giữa tin và hiểu, càng thấy thương những bà chị của cha tôi hơn.

Tôi hỏi người đàn ông đang lúi húi cọ rửa một vật dụng gì đó cách tôi đang đứng độ năm bảy thước: Bến đò còn ở đây không anh? Dọn xuống phía dưới, ngang chỗ gần trường học rồi. Chút anh đi về phía đó, để ý sẽ thấy tấm bảng. Anh Quang nói thêm, bây giờ đò máy, không nhỏ xíu như hồi trước đâu. Anh có ý trêu tôi. Hồi chiều, tôi thú tội sợ sông nước của mình. Thằng bé thành phố, không biết bơi, lần đầu ngồi con đò mong manh băng ngang dòng sông chảy xiết làm sao không thấy lo lo trong bụng. Một chút xoay trở trên đò cũng đủ tròng trành con đò chở khẳm. Mũi đò ngang xốc ngược dòng nước như người chèo đò muốn đi về thượng nguồn. Cô tôi nói, không thôi đò trôi tuốt về phía xa kia, làm sao ghé đúng bến bên kia sông. Con đò mà khách đi hình như ai cũng biết ai. Cô tôi nói thằng này là con thằng T. đây. Ít khi tôi nghe ai kêu tên cha tôi như vậy nên ban đầu thấy lạ. Người này hỏi một câu, người nọ hỏi một câu. Chào Bác đi con. Chào chú, chào cô đi con. Mấy tuổi rồi con? Tên gì? Được mấy đứa em rồi? Gần ba mươi năm tôi không trở về, ai còn ai mất? Giá như có ai nhắc đến họ, liệu tôi có còn nhớ không? Nếu sáng mai tôi đi đò qua sông, sẽ không còn ai nhận ra tôi.

Nhưng có hề gì, tôi vẫn còn nhớ con đường đất từ bến đò về nhà cô tôi. Cứ nhắm hướng nhà thờ mà đi. Các cô tôi mỗi người đi lấy chồng một nơi, nhưng cả ba người ai cũng cất nhà ở nơi gần nhà thờ xứ. Cha tôi hay trêu chọc, mấy bà ra đứng ngoài sân mà không ngó thấy gác chuông nhà thờ là chịu không nổi. Đêm nay, tôi đứng đây, đầu óc mông lung nhiều thứ. Tôi có cảm tưởng như có một thứ xúc cảm nào đó đang ngấm từ cái bóng tối bao quanh kia vào từng tế bào trong thân xác tôi. Và thân xác tôi càng lúc càng nhẹ tênh, trôi nổi dật dờ. Đêm quê nhà bình dị đến nao lòng. Một quê nhà không có chỗ cho lý trí tôi xoi mói, vặn hỏi bất cứ điều gì. Trong cái bóng đêm bao trùm ấy, con mắt lý trí đã nhắm lại. Con mắt trái tim mở ra. Lòng tôi chan hoà ký ức và xúc cảm. Cái xúc cảm đơn sơ và dịu dàng của đứa con xa được bước vào ngôi nhà của Cha mình. Một quê nhà rất thật, rất riêng tư. Và tôi quyết định ngày mai sẽ nài anh Quang dành chút thì giờ đi với tôi qua cù lao. Chưa thăm được cô tôi, chưa nhìn được thấy gác chuông nhà thờ G., tôi cũng chịu không nổi.

Và tôi cũng biết rằng, sáng mai tôi cũng không tài nào đi lại con đường đất ấy – và luôn cả phần còn lại của chuyến đi này – với đôi mắt của lý trí nhắm lại, như đêm nay. Tôi chợt cảm thấy một sự mất mát...


Nguyễn Lộc

California , tháng 12.1994

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us