Về cái bóng ma của Mác
Về cái bóng ma của Mác
Lữ Phương
Triết gia Derrida và ông Đỗ Mười
Có thể nói Jacques Derrida là một triết gia hoàn toàn xa lạ với Việt Nam. Ngoại trừ cái tên có thể hãn hữu mới gặp được trong một số sách triết học viết bằng tiếng Pháp, người ta chưa hề thấy có sự giới thiệu nào (dù là sơ lược) về ông và tư tưởng của ông trong sách báo Việt ngữ. Nhưng gần đây ông bỗng được bàn luận một cách khá ồn ào, đặc biệt với cuốn Những bóng ma của Mác(1) – cuốn sách này đã được Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cho dịch và giới thiệu trên báo chí (ở Việt Nam không có báo chí tư nhân), đáng chú ý nhất là đã được “biểu dương” trong những buổi học tập chính trị gọi là “ chống diễn biến hoà bình” do ông tổng bí thư Đỗ Mười khởi xướng(2). Căn cứ vào lập luận của những nhà tư tưởng chính thống của đảng, người ta có thể thấy mấy lý do sau đây để Derrida được ca ngợi:
1. Tuy chưa bao giờ là một người theo chủ nghĩa Mác, nhưng vì không chịu nổi sự ngạo mạn quá đáng của các xu hướng phản động reo mừng trước cái gọi là “ sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản” sau khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Derrida đã làm một công việc “không hợp thời” là “ dũng cảm đứng ra bảo vệ Mác và chủ nghĩa Mác” (3). Sự bày tỏ thái độ ấy của “một học giả tư sản” trước một tình thế cực kỳ khó khăn cho “chúng ta”, “những người trong cuộc” là rất đáng phấn chấn: vẫn có những kẻ xa lạ với ý thức hệ của “chúng ta” bị “chân lý” của chủ nghĩa Mác thuyết phục, lên tiếng bảo vệ. Điều đó chứng tỏ rằng, mặc dù bị “bôi nhọ”, “vu cáo”, chủ nghĩa Mác không hề bị “tiêu diệt” như sự hí hửng của những kẻ “thù địch” với chủ nghĩa xã hội mà trái lại nó vẫn sống mãi như một “khoa học” để phản bác lại mọi thái độ vội vàng đồng hoá chủ nghĩa Mác với một chủ trương nào đó vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tế. Những nhà lý luận chính thống của đảng đã rất hài lòng với câu nói sau đây của Derrida: “Không có tương lai nếu không có Mác, nếu không có các di sản của Mác”.
2. Trong tất cả những lý lẽ mà Derrida đưa ra để khẳng định phải trở về với Mác, những nhà lý luận cộng sản Việt Nam đã đặc biệt khai thác lập luận của ông chống lại cái gọi là “trật tự thế giới mới”: “Trong di sản của Mác, điều mà ngày nay chúng ta tuyệt đối cần thiết là tinh thần phê phán xã hội, phê phán triệt để tất cả những lập luận biện hộ cho hiện trạng của những thể chế dân chủ và thị trường tư bản chủ nghĩa”(4). Những gì Derrida trình bày về “10 vết lở” của thế giới hiện đại trong chương III cuốn sách của ông đã được những nhà lý luận cộng sản Việt Nam coi đó là chủ đề chính tạo thành một thứ tuyên ngôn chống chủ nghĩa tư bản quyết liệt: thất nghiệp, mất không gian sống, chiến tranh thị trường, tình trạng nghèo khổ phổ biến ở vùng Nam bán cầu, sự đe doạ khủng khiếp của công nghiệp vũ khí và bom hạt nhân, chiến tranh sắc tộc tràn lan, sự lộng hành của các thế lực tội ác có tổ chức, tình trạng luật pháp quốc tế bị một số cường quốc thao túng. Những tuyên bố sau đây của Derrida cũng đã được những nhà lý luận cộng sản Việt Nam ghi nhận một cách rất thú vị: “ ... trong lịch sử của trái đất và nhân loại, chưa bao giờ bạo lực, bất bình đẳng, bài ngoại, nạn đói, và từ đó áp bức kinh tế, lại gây tác hại đến một phần nhân loại đông đảo như vậy ”(5).
Còn có gì khác hơn ngoài những lý lẽ trên đây hay không? Đọc đi đọc lại nhiều lần những bài báo giới thiệu của những nhà lý luận cộng sản Việt Nam về Derrida, thú thật tôi vẫn không thấy gì hơn. Tôi vẫn không hiểu sau khi phê phán cái trật tự thế giới mới hiện nay để cho rằng phải thừa kế Mác, Derrida đã cho chúng ta biết phải thừa kế Mác như thế nào, nghĩa là dựa trên những tiêu chuẩn giá trị mang ý nghĩa triết học nào để đặt vấn đề thừa kế Mác? Hoàn toàn không thấy, ngoài mấy chữ qua loa của những người giới thiệu cho chúng ta biết rằng Derrida là “một học giả đứng trên quan điểm giai cấp mình để khôi phục danh dự cho tác giả bộ Tư bản ”(6) dù rằng Derrida đã tỏ ra “không thân thiết” gì lắm với cái học thuyết mình đang bảo vệ(7) dù rằng ông chỉ kêu gọi “trung thành” với Mác trong một số luận điểm nào đó mà thôi(8). Chẳng lẽ đó lại là những chi tiết không quan trọng đến nỗi có thể “cho qua” một cách nhanh chóng đến thế hay sao? Chẳng lẽ với một thái độ dễ dãi về học thuật như vậy người ta lại có thể bốc Derrida lên thành một người đi cứu chủ nghĩa Mác mà cuốn Những bóng ma của Mác là một công trình khoa học “ đầu tiên, rất khách quan và đầy sức thuyết phục trong việc bảo vệ một tác gia kinh điển của chủ nghĩa Mác, sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ” (9) hay sao?
Không biết có ai chỉ nghe những lời tán tụng trên đây mà củng cố thêm được lập trường “tiến lên chủ nghĩa xã hội” của mình hay không, nhưng có một điều chắc chắn là trong số những người có quan tâm đến chủ nghĩa Mác và do đó đã tìm đọc Derrida một cách trực tiếp và tìm cách hiểu Derrida thì vấn đề lại không đơn giản như vậy bởi vì cái triết lý về thừa kế mà Derrida căn cứ vào đó để “bảo vệ” Mác đã không phải như những nhà lý luận quan phương của chế độ đương thời ở Việt Nam đã nói. Vậy cái triết lý ấy là như thế nào?
Những bóng ma...
Phải nói thật rằng sách của Derrida rất khó đọc: phải đọc đi đọc lại nhiều lần người ta (nhất là những người không chuyên về triết) mới có thể quen dần với cách diễn đạt (quanh co, trừu tượng) để nắm bắt được nội dung tư tưởng trong Những bóng ma của Mác của ông. Chủ đề của cuốn sách thật ra không có gì mới lạ vì đó chỉ là vấn đề thừa kế các di sản tinh thần mà trong bất cứ học thuyết nào người ta cũng có thể nghe nhắc đến, nhưng thay vì diễn đạt điều đó một cách trực tiếp, Derrida lại mượn hình ảnh những bóng ma để phân tích, trình bày. Điều đầu tiên cần ghi nhận là từ bóng ma ở đây đã được Derrida dùng theo số nhiều trong tiếng Pháp (les spectres) và đã được định nghĩa là hiện thân cho những tinh anh của những người đã chết, những thế hệ đã qua, tức là những cái không còn sống nữa, nhưng vẫn có mặt trong cái hôm nay - bây giờ, cái hiện tại đó được Derrida gọi là cái hiện tại đang sống (le présent vivant). Theo lập luận của ông, cái hiện tại đang sống ấy không phải là cái lát thời gian có thể tự đầy đủ với nó về mặt ý nghĩa, mà đã phải cùng tồn tại với những cái đã qua, những cái không còn sống nữa nhưng vẫn có mặt ( le présent passé), đồng thời với cái sẽ đến, nội dung chưa biết ra sao nhưng vẫn hiện diện (l e présent futur) để làm cho cái hiện tồn có thể trở thành cái khác nó – trong tương lai. Sự tác động qua lại giữa các thành phần tạo nên cái cấu trúc của hiện tượng đang xảy ra trước mặt chúng ta (l’événement) đã được Derrida gọi là cái hiệu ứng về bóng ma (l’effet de spectralité): hiện tại luôn luôn mang trong cấu trúc của mình tính không đồng thời với nó (la non-contemporalité à soi du présent vivant), nó luôn luôn vừa bị quá khứ lại vừa bị tương lai quấy rầy, ám ảnh như những bóng ma – “ma ám” – không để cho nó yên ổn trong cái đang có, không để cho nó thoả mãn với những cái hiện có. Chính từ cơ sở lý luận này, Derrida đã lên tiếng phê phán gay gắt các thứ học thuyết (đặc biệt của Francis Fukuyama với cuốn La fin de l’histoire et le dernier homme)(10) mà ông cho rằng đã ưỡn ngực ra vĩnh viễn hoá cái hiện tồn về mặt lý tưởng, nghĩa là đã ru ngủ người ta chấp nhận cái đang có để không thấy cần thiết phải suy tưởng lại những “vết thương” từ một nền tảng triệt để hơn.
Nhưng quan niệm trên đây theo sự trình bày của Derrida, cũng không có gì là giống với những luận thuyết về bản thể (kiểu Hegel hay Mác) coi hiện tồn chỉ là bộ phận của một tổng thể cao hơn nó, vượt khỏi nó, mang ý nghĩa cho nó với tư cách là một thành phần trong một cấu trúc, một hệ thống có khởi đầu và có chấm dứt, luôn luôn đi về một hướng đã qui định trước, một cách khách quan, ngoài ý chí của từng con người. Theo cách suy nghĩ ấy của Derrida sẽ không bao giờ có cái mà người ta thường gọi là “sự tận cùng của lịch sử”, hiểu theo nghĩa là sự chấm dứt của những tìm kiếm về ý nghĩa cho cuộc sống, là đã tìm ra xong rồi cái mô hình lý tưởng để con người theo đó mà sống, và vì thế cũng sẽ không thể quy mọi hoạt động của con người thành những động tác gọi là “vận dụng những nguyên lý” nào đó, đã định hình rồi, hoặc mĩ miều hơn, quy các hành vi “sáng tạo ra cái mới” trên cơ sở những “quy luật”; bởi vì tính lịch sử, trong sự suy nghĩ của ông, bao giờ cũng đang nằm sẵn trong cái hiện tồn như một “cái khác”, luôn luôn đón mở, chờ đợi, tiếp nhận những cái không đồng thời, lạc thời, hoặc là bị khuấy rầy bởi cái quá khứ một cách hàm hồ, khó chịu hoặc bị cuốn hút vào một thứ tương lai, không biết sẽ như thế nào, không biết có xảy ra hay không, nhưng nó cứ làm cho hiện tại náo nức, bồn chồn. Cái cấu trúc về tính không đồng thời, không tất định về các sự biến trong đời sống ấy đã được Derrida quy về một khái niệm triết học hết sức đặc biệt của ông: sự tháo rời, sự phá rã (la déconstruction).
Tháo rời, phá rã có nghĩa ngược lại với ráp lại, xây nên, tức là thay vì nối kết các thành phần cấu tạo nên hiện tượng thành một tổng thể chặt chẽ, đâu vào đấy, thì chúng lại chỉ quan hệ với nhau một cách xộc xệch, lủng củng, lộn xộn, táp nham. Đó không phải cái hư vô, tan tành giống như một cảnh tàn phá sau một cuộc dội bom mà chính là cái tình trạng của một thực thể vẫn có hình thù, có nghĩa lý nhưng lại cấu tạo nên bằng những đơn vị riêng biệt, độc đáo, vẫn cứ quan hệ với nhau nhưng không hề gắn lại với nhau bằng một thứ xi măng nào đó có thể trở thành một thứ “đồ vật”, sờ sờ nằm đó, hiển nhiên như một khối bê tông. Sự nối kết ấy đã có một cái gì đó giông giống với một sự liên hiệp tự do (mặc dù Derrida không dùng đến chữ này) ở đó các thành viên không thấy cần thiết phải giam hãm mình với một định chế, một hệ thống, ngoại trừ cái trách nhiệm thấy cần phải mở rộng bản thân ra đón nhận những cái không phải là mình – “cái khác” – dù là cái quá khứ chập chờn như một ám ảnh hay cái tương lai lôi người ta về như một lời gọi. Ở đây, theo cách nói của Derrida, hành vi phá rã ấy đã bao hàm một tinh thần trách nhiệm mang tính lệnh truyền nào đó, một lời hứa hẹn nào đó không thể chối từ, không thể phá rã được, bởi vì tính hiệu dụng, tính thực tiễn của hiện tượng đang xảy ra (la présence effective) không hề đối lập với tính kỹ thuật và tính lý tưởng của bản thân hiện tượng (la technicité et l’idéalité dans l’événement), trái lại chúng thống nhất với nhau một cách tiên thiên và vô điều kiện, không khác gì một thứ mệnh lệnh nào đó của Kant.
... và một bóng ma của Mác
Cái đối sách về ký ức, về di sản và về các thế hệ – mà ở một chỗ khác Derrida đã gọi là ám ảnh học (hantologie) – phát triển từ cái triết lý về thời gian trên đây cũng đã đặt nền trên cái lệnh truyền tiên thiên đó: phải thừa kế nhưng phải phá rã ra để thừa kế. Tuy vậy điều đó không hề giả định rằng di sản là một hệ thống bao gồm nhiều tầng bậc mà người ta có thể tháo ra từng mảnh để chia nhau, vì theo Derrida, bản thân một di sản tinh thần đã không hề là một hệ thống, do đó người ta cũng không thể thừa kế di sản như một hệ thống – thí dụ như đối với Mác, chúng ta không cần đến sự nhất quán trong bản thân di sản của ông, không cần quan tâm đến sự đồng ý của Mác với chính ông vì thế cũng không cần cầu viện đến sự đồng ý của ông để sau đó mới “chia gia tài”. Derrida đã nói đến tính không ăn khớp trong những tư tưởng của Mác, sự so le trong cách đặt vấn đề không xác định, đón mở với những lời giải triết học mang tính bản thể luận và siêu hình học của ông, vì thế nếu như chúng ta thấy có những người tiếp nhận cách giải quyết vấn đề của Mác để hình thành ra một thứ “chủ nghĩa Mác” với tư cách là một hệ thống tư tưởng (“duy vật biện chứng”, “duy vật lịch sử”) thì người ta vẫn không thể cho là không trung thành với Mác, những ai đã gạt sang một bên tất cả những thứ bản thể luận ấy chỉ để giữ lại một thứ thôi: đó là cái tinh thần phê phán triệt để, liên tục và không giới hạn của Mác – sự phê phán ấy không chỉ hướng về những đối tượng ở ngoài mà còn quay về chính bản thân để tự đánh giá lại, tự chuyển hoá, tự giải thích nữa.
Thí dụ như khi chấp nhận khái niệm thống trị về tư tưởng (“ những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị”), Derrida đã dựa vào Mác để đánh tan mọi ảo tưởng có thể có về cái gọi là “tính độc lập của luật pháp” (quốc gia, quốc tế) đối với những hình thức nhà nước - dân tộc bị các tập đoàn tư bản đủ loại không chế, đặc biệt về tính “trung lập” của các phương tiện truyền thông đại chúng đối với cái trật tự tinh thần trong xã hội hiện đại; tuy vậy về một mặt khác thì Derrida lại cho rằng trong khi làm như vậy, người ta lại có thể không cần phải viện dẫn đến khái niệm mácxít như giai cấp xã hội hoặc nguyên lý hạ tầng quyết định thượng tầng để giải thích: những khái niệm ấy đã bị sự phát triển nhanh chóng của đời sống hiện đại vượt qua rồi. Cần ghi nhận rằng luận điểm này của Derrida đã chi phối hầu hết những phân tích khác của ông về những thứ chủ nghĩa Mác mà ông gọi là “chủ nghĩa Mác trên thực tế”, đặc biệt thứ “chủ nghĩa Mác” gắn liền với những guồng máy đủ thứ loại, xây dựng trong các nước gọi là xã hội chủ nghĩa hoặc tồn tại nơi các đảng cộng sản chưa cướp được chính quyền, như nhà nước, đảng, quốc tế vô sản, chuyên chính vô sản, nghiệp đoàn, chi bộ, v.v... Ý nghĩa phê phán triệt để tiếp thu từ Mác ở đây vì thế đã không hề giới hạn ở những vết lở của chủ nghĩa tư bản hiện đại mà thôi: cái gọi là “kinh nghiệm về chủ nghĩa Mác” của bản thân ông không phải chỉ là hình ảnh cha chú về tinh thần của Mác đối với thế hệ của ông mà còn bao gồm luôn cả cái nỗi tởm lợm của thế hệ ấy đối với tất cả những thứ thể chế nhân danh Mác để dựng nên một thế giới “toàn trị” kinh khủng, như chủ nghĩa Stalin – địch thủ không tách rời của bọn nazi và phátxít(11).
Một thí dụ khác được Derrida nói đến nhiều lần là khái niệm “quốc tế” của Mác. Nhưng đối với khái niệm này, sự thừa kế của Derrida đã phá rã nó ra hầu như không còn thấy đâu là nguyên bản nữa. Tuy vẫn lấy nguồn cảm hứng của Mác về một tương lai nhân loại ở đó không còn nhà nước, không còn dân tộc, không còn giai cấp và do đó cũng không còn đảng phái nữa, nhưng cái gọi là cuộc “cách mạng vô sản” mà Mác coi là không thể thiếu được để thực hiện thì lại bị gạt đi hoàn toàn. Tất cả đều chỉ dừng lại ở cái khát vọng về giải phóng mang tính triết học và khoa học được Derrida xem là độc nhất vô nhị nảy sinh từ thời hiện đại – đó là cái dự phóng (projet) mà cũng là lời hứa hẹn (promesse) về một viễn cảnh con người sẽ được cứu chuộc mà không cần đến chúa cứu thế (messianique sans messianisme), một sự cứu chuộc vô thần, phi huyền thoại. Cái “quốc tế” mà Derrida thử phác hoạ ra cho chúng ta, theo chiều hướng đó, cũng chỉ xuất hiện như một liên hiệp của tình bằng hữu, không định chế, không tổ chức, không quốc gia... và trách nhiệm của nó không có gì khác hơn là hoàn thiện sự phê phán triệt để đối với mọi hiện tồn, phá vỡ mọi mưu toan trừ tà (contre-conjuration) của các thế lực phản động, tập hợp nhau lại để xua đuổi những bóng ma khuấy rầy giấc ngủ của chúng.
Văn hoá thừa kế
Căn cứ vào những gì mà Derrida đã trình bày về một ông Mác nào đó (un certain Marx) mà người ta cần thừa kế, ai cũng nhận thấy ý định giới thiệu Derrida để tự bảo vệ của những nhà lý luận cộng sản Việt Nam là rất khó khăn: cái phần căn bản nhất trong cuốn sách của Derrida – cái “ông Mác nào đó” – nếu được nói đến đầy đủ sẽ trở nên hoàn toàn bất lợi cho bất cứ thứ “chủ nghĩa Mác” nào đã thành định chế, và cũng bất lợi cho bất cứ những tư tưởng nào của Mác muốn trở thành “chủ nghĩa Mác” nữa. Điều này ít nhất cũng đã biểu hiện qua một số ghi nhận như sau:
1. Việc Derrida phê phán chủ nghĩa tư bản với việc bảo vệ chủ nghĩa Mác nói chung (chưa nói đến cách hiểu chủ nghĩa Mác như thế nào) hoàn toàn không thể coi được là mối quan hệ tất yếu: trong lĩnh vực tư tưởng đã xuất hiện khá nhiều xu hướng phê phán chủ nghĩa tư bản rất mạnh mẽ, nhưng không nhất thiết tất cả đều đã phê phán như Mác để đưa đến giải pháp chấm dứt số phận của chủ nghĩa tư bản như Mác. Vấn đề phức tạp hơn rất nhiều, không chỉ liên quan đến thái độ phủ định cái hiện tồn mà còn bắt nguồn từ chiều sâu của các mô hình tư duy khác nhau về lịch sử, về ý nghĩa của lịch sử, điều mà những nhà lý luận “mácxít” quan phương biết rất rõ nhưng ở đây lại cố tình bỏ qua để chỉ dừng lại ở chỗ khai thác những tuyên bố chính trị của Derrida có lợi cho họ, và đã làm công việc ấy một cách vội vã, hoàn toàn không cần đến lý luận. Nếu cứ tiếp tục một cung cách “làm ăn” như thế, biết đâu một ngày nào đó người ta lại chẳng đưa Trotsky lên chín tầng mây trở lại, vì lẽ, xét về lý luận, Trotsky đã tỏ ra “chính thống” hơn Derrida đến hàng vạn lần!
2. Khai thác thái độ phê phán chủ nghĩa tư bản của Derrida rồi coi đó là nguyên cớ để “phải trở về với Mác” (ở đây cũng chưa nói đến cách hiểu Mác như thế nào), điều này chẳng có gì để có thể vui mừng được. Chúng ta đã biết trong khi phê phán cái “trật tự mới” đầy hỗn loạn, Derrida cũng đã đề xuất một quan niệm thừa kế bằng cách phá rã Mác hoàn toàn, phá rã từ cấu tạo cội nguồn của chủ nghĩa Mác để được tuỳ ý giải thích Mác theo quan niệm riêng biệt của mình – luận điểm này rất khó có thể tạo ra một sự nhất trí nào đó trong hàng ngũ những người nghiên cứu Mác (dù với lập trường nào), vì thế mặc dù người ta có thể tán thành Derrida như một gợi ý về triết học thì cũng khó lòng mà gọi công trình của ông là một tiếng nói “khoa học”, lại càng không thể là một thứ “khoa học khách quan”, “đầy sức thuyết phục” được. Những lời lẽ như vậy hoàn toàn chỉ là những lời nịnh bợ mà tính chất phản triết học của chúng là quá rõ ràng.
3. Không thể tách rời (hay ghi nhận cho có lệ) sự phê phán của Derrida về chủ nghĩa tư bản với sự phê phán của ông về cái mặt trái của chính chủ nghĩa tư bản ấy, tức là các định chế nhân danh Mác để chống tư bản, nhất là nhân danh cuộc “cách mạng vô sản” của Mác để tạo ra một thứ chủ nghĩa tư bản lộn ngược, đưa con người vào một tình trạng tha hoá mới toàn diện hơn trong chế độ tư bản nhiều lần. Cố ý làm ngơ điều quan trọng mà Derrida đã lặp đi lặp lại nhiều lần để minh định lập trường triết học của ông, những người giới thiệu ông đã không giữ được thái độ liêm khiết cần thiết trong học thuật, đàng khác cũng lại tự cho mình cái quyền được xem những người nghe mình, đọc mình là những kẻ ngu đần muốn nhồi nhét vào đầu họ thứ gì cũng được. Nguyên nhân sâu sắc của một thứ thái độ xem thường trí tuệ người khác đó không thể tìm thấy ở đâu ngoài cái định chế phản Mác, ở đó sự trấn áp và nhồi sọ tư tưởng từ bấy lâu nay đã được đem ra áp dụng để thay cho đối thoại tìm chân lý, ở đó thái độ “lợi dụng” mang tính cơ hội đã tràn ngập vào mọi lĩnh vực của đời sống văn hoá, trong đó có triết học.
4. Thái độ phê phán của Derrida đối với cái “trật tự mới” đầy hỗn loạn không hề mang ý nghĩa là sự phủ định của ông đối với cái lý tưởng dân chủ mang tính phổ biến trong thế giới hiện đại: lý tưởng ấy không thể biểu hiện ở đâu ngoài các lĩnh vực pháp quyền và nhân quyền – Derrida không hề phủ nhận chúng mà chỉ muốn đề nghị thay đổi những hình thức áp dụng lý tưởng đó cho thích hợp với triển vọng của một lời hứa hẹn mới đang sinh thành cho tương lai. Khi ông công kích thái độ “trừ tà” mù quáng đối với Mác, khi ông kêu gọi tiếp nhận Mác trở về với thế giới hiện đại, ông chỉ muốn công kích thái độ tự mãn đáng ghét của một số người đang muốn dùng thứ lý luận “tận cùng của lịch sử” để chối bỏ trách nhiệm triết học của họ trước những bất toàn đầy dẫy và gay gắt của những thể chế hiện tồn. Trong cuốn sách của mình, Derrida chưa hề hình dung ra được một “cõi đời” nào khác trong tương lai ngoài sự cải tiến thật căn bản nền dân chủ mà ông đang sống.
5. Tinh thần thừa kế Mác trong quan niệm của Derrida đã xuất phát từ một tình thế hoàn toàn xác định: khi Mác đã chết rồi, chủ nghĩa Mác chỉ còn là một cái bóng ma và khi mà mọi guồng máy biến chủ nghĩa Mác thành một thứ “đồ vật” mang tính quyền lực đã tan biến và đang tan biến trong thực tế thì Derrida cho rằng sự thừa kế cái tinh thần phê phán triệt để của Mác là rất cấp bách để cho cái thế giới mà ta đang sống không thể ngủ yên trên những cái nó đang có: sự thừa kế đó trước hết phải là trách nhiệm mang tính mệnh lệnh về triết học và chính trị. Câu nói của ông: “ Không có tương lai nếu không có điều đó. Không thể không có Mác, không thể có tương lai nếu không có Mác” là câu nói gắn liền với những sự kiện đã trở thành bóng ma đó. Đó không phải là sự “vận dụng” nào đó về chủ nghĩa Mác định nghĩa như một “khoa học” với những nguyên lý đã định hình đặt nền trên một “niềm tin” rất đáng ngờ về cái gọi là tính “bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Mác-Lênin”. Cái tương lai trong hình dung của Derrida cũng chỉ là một lời hứa hẹn, một khả năng phát sinh từ cái cấu trúc về thời gian theo quan niệm của ông, có thể xảy ra và cũng không thể xảy ra, chứ chẳng hề là một cái “thế kỷ” này “thế kỷ” nọ như các phương tiện truyền thông đã tán ra.
6. Sự dấn thân mang tính tinh thần mà Derrida cho là “không hợp thời” sở dĩ có được không phải là điều tự nhiên, cũng không chỉ là thái độ mà người ta tâng bốc là “dũng cảm”: thái độ ấy chính là biểu hiện của một nền văn hoá ở đó, trên lý lẽ, không ai được độc quyền chân lý, ở đó nhà nước không thể dùng súng lục và dao găm để ép người ta nghe giảng về Mác và cả... người thừa kế Mác là Derrida, ở đó cái sai không hề bị gọi là tội, cái đúng không hề được gọi là “duy nhất đúng”... Chỉ có cái không gian văn hoá đó mới có thể sản sinh ra được những người như Mác, ở đó dù thế nào đi nữa, tiếng nói “nghịch thường” vẫn có thể tìm cách để bộc lộ công khai, ở đó trí tuệ, dù thế nào đi nữa, cũng không hề bị đẩy vào tình trạng đi làm cần vụ một cách đồng loạt và phổ biến cho các thế lực chuyên chế nhân danh cho một thứ “chân lý” chưa hề chứng minh được tính phổ biến của mình. Tôi không nghĩ rằng đó là một nền văn hoá phương Tây hay là một nền văn hoá phương Đông mà chỉ là một thứ không gian giao tiếp nào đó để văn hoá có thể tồn tại được trong một thế giới mà con người đã tích luỹ được ít nhiều kinh nghiệm để hiểu rằng mọi sự ngạo mạn vì thoả mãn, mọi thái độ độc tôn mang tính bản thể luận đều không đưa đến kết quả nào khác hơn là tự dìm mình vào các thứ vũng bùn của trì trệ và tù hãm. Đối với một thế giới biết nhạy cảm từng phút từng giờ với những hứa hẹn đổi thay, mọi đường lối mệnh danh là “ổn định” tình thần cũng chỉ có nghĩa là tiêu diệt bản thân đời sống tinh thần.
“Người của thế giới khác”
Những nhà lý luận cộng sản Việt Nam có lường hết được những hậu quả hoàn toàn bất lợi khi họ cho giới thiệu cuốn Những bóng ma của Mác vào Việt Nam trong tình hình hiện nay một cách không nghiêm chỉnh như trên? Phải chăng với sự cạn kiệt về tư duy họ không còn có khả năng hiểu gì về những xu hướng tư tưởng khác với những tín hiệu mà họ đã đưa lên bàn thờ như những điều “bất biến”? Phải chăng trước sự sụp đổ kinh hoàng của toàn bộ cái cơ ngơi lý luận của mình, họ đang đưa tay bám víu vào tất cả mọi thứ có thể bám víu được, kể cả những đám lục bình vật vờ trên sông mà vẫn tưởng rằng đó chính là một thứ mảnh ván cứu sinh nào đó? Dù có trả lời cách nào đi nữa thì đối với những ai còn dành cho Triết học một chút trân trọng thì “hiện tượng Derrida ở Việt Nam” nói trên đã không mang đến điều gì khác hơn là sự thảm hại – thảm hại cho Derrida và cả cho Triết học nữa. Nó khẳng định một lần nữa về cái gọi là “đường lối văn hoá” của Đảng cộng sản Việt Nam: đối với đường lối tổng quát của đảng thì từ lâu đã không còn có Triết học, không còn có Văn hoá nữa – tất cả đều đã bị biến thành công cụ của đảng mà thôi. Với tất cả – với chủ nghĩa Mác và với tất cả những người giải thích Mác. Với Mác nếu người ta đã đưa lên bàn thờ thì đối với những lời giải thích Mác người ta cũng sẽ chỉ coi đó là một thứ hoa quả nào đó để “dâng lên Người” vậy thôi. Chưa bao giờ cái hồn ma của Mác lại có thể ám ảnh được những con người làm chính trị thực dụng đó – nói gì đến một thứ hồn ma nào đó của Mác mà Derrida đã gọi về. Tôi cho rằng không riêng gì đối với những người như Derrida, mà cả Mác nữa, mãi mãi họ vẫn chỉ là “người của thế giới khác”(12) – hoàn toàn khác với cái thế giới chính trị thực dụng sản sinh ra từ một nền “văn hoá mácxít” ở Việt Nam.
11.11.1994
Lữ Phương
(1) Jacques DERRIDA, Spectres de Marx, Galilée, Paris 1993.
(2) Bài nói tại Hội nghị cán bộ do Ban bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Hà Nội ngày 3.3.1994, xem Diễn Đàn số 32 (7.94).
(3) Lời giới thiệu bản dịch cuốn Spectres de Marx (Những bóng ma của Mác) của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994. Một bản dịch tối tăm, cẩu thả, có nhiều chỗ hoàn toàn vô trách nhiệm.
(4) Hàm Châu, Mác, nhà tư tưởng của thế kỷ 21, Nhân Dân chủ nhật, 27.12.1993.
(5) Spectres de Marx, tr. 141.
(6) Lời giới thiệu của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia.
(7) GS. TS. Phương Lựu, Các Mác nhà tư tưởng của thế kỷ 21, Văn Nghệ, 16.4.1994.
(8) Hàm Châu, bài đã dẫn.
(9) Phương Lựu, bài đã dẫn.
(10) Francis FUKUYAMA, The End of History and the Last Man, The Free Press, New York, 1992.
(11) Năm 1981, bị nhà cầm quyền cộng sản ở Tiệp Khắc cầm tù, Derrida đã tự nhủ: “ Cái thứ mọi rợ này có thể kéo dài đến hàng thế kỷ...” ( sách đã dẫn, tr. 119).
(12) Phương Lựu, bài dã dẫn.
Các thao tác trên Tài liệu