Sổ tay
Sổ tay
Phong Quang
* Trong ba người bị nhóm không tặc Hồi giáo toàn thủ giết ngày 24.12.94 trên máy bay Airbus ở Alger, có một người Việt Nam: ông Bùi Giang Tô, tham tán thương mãi của đại sứ quán Việt Nam tại Algérie. Ông Tô là người Việt Nam thứ nhì nạn nhân của chủ nghĩa toàn thủ (intégrisme) ở Algérie: trước đó mấy tháng, một cán bộ giảng dạy đã bị ám sát. Cho đến nay, khoảng 50 người nước ngoài đã chết dưới làn đạn của các nhóm Hồi giáo vũ trang, trong đó một nửa là người Pháp. Việt Nam ở xa Algérie hơn mười ngàn cây số, không nằm trong khối Tây phương, biểu tượng của quỷ dữ trong não trạng của những người Islam cuồng tín. Cái chết của hai đồng bào trong một cuộc xung đột thoạt trông rất xa lạ với Việt Nam, đáng làm chúng ta suy nghĩ.
Điều đầu tiên cần lưu ý có lẽ là sự thiếu hiểu biết ở Việt Nam về Hồi giáo: hình như cho đến nay vẫn chưa có một bản dịch kinh Coran, một trong những áng văn thơ hay của nhân loại. Còn chủ nghĩa toàn thủ lại càng xa lạ hơn nữa: những từ intégrisme, fondamentalisme hiện nay vẫn chưa có trong từ điển song ngữ Pháp-Việt. Đứng trước một cái gì xa lạ, đáng ngại, người ta thường có xu hướng làm ngơ, khi làm ngơ không được, thì dễ phản ứng mãnh liệt. Phải chăng vì vậy mà gần đây, một quyết định của Nhà nước Việt Nam liệt kê các tôn giáo được thừa nhận đã không kể tới Hồi giáo, ít nhất cũng là tín ngưỡng của dân tộc Chăm? Nếu sự quên lãng này là vô tình, thì nó cần được bổ khuyết sớm để tránh mọi nghi ngờ. Trái lại, nếu nó là sự im lặng thể hiện sự lúng túng quan ngại trước một hiện tượng khó hiểu thì rõ ràng đây là một sai lầm nguy hại. Sai lầm trước hết xuất phát từ sự lẫn lộn giữa Hồi giáo và xu hướng toàn thủ không những có trong Hồi giáo mà còn biểu lộ trong nhiều tôn giáo khác (và có lẽ không chỉ trong tôn giáo). Một quan niệm sai lầm trong lãnh vực này rất nguy hại vì nó đụng tới những vấn đề tế nhị và hệ trọng (tôn giáo, dân tộc thiểu số, và cả đối ngoại nữa: Hồi giáo là tín ngưỡng chính của nước láng giềng gần gũi Indonesia).
* Khi phân tích “vụ án Đường Tăng”, chúng tôi liên hệ tới những fatwa (giáo lệnh) Hồi giáo toàn thủ nhắm hai nhà văn Salman Rushdie và Taslima Nasreen. Thoạt trông, có thể cho rằng sự so sánh này có phần khiên cưỡng, cường điệu: không thể đánh đồng án tử hình với việc cấm sách. Đúng là có sự khác biệt về mức độ giữa hai hiện tượng. Song về bản chất thì rõ ràng chúng đều xuất phát từ sự cố chấp, không khoan hoà với người khác, quan niệm khác. Đó chính là cốt lõi của chủ nghĩa toàn thủ. Ông Bùi Giang Tô tại sao đã bị nhóm không tặc chọn làm vật tế thần trên sân bay Alger? Không phải vì ông là người ngoại quốc, cũng không phải vì ông là đại diện cho một chế độ cộng sản (chủ nghĩa cộng sản, dưới mắt người Hồi giáo toàn thủ, cũng là một thứ quỷ sứ, từ sau chiến tranh Afghanistan). Theo lời kể của cô Claude, chiêu đãi viên Air France (điều tra của báo Le Monde và Libération), thì “tội” của ông Tô là: “ Hắn theo đạo Phật, lại đầy bằng cấp” (lời của Yahia, thủ lĩnh nhóm cướp máy bay).
“Tội” của Trương Quốc Dũng là vẽ nên một Đường Tăng không phù hợp với niềm tin của một số Phật tử, cũng như Scorcese cách đây mấy năm đã bị nhiều người Công giáo lên án khi ông làm phim “Cám dỗ cuối cùng của Giêsu Kitô”. Lúc đó, giám mục Jacques Gaillot đã bênh vực Scorcese bằng câu nói nổi tiếng: “ Đấng Kitô không phải của riêng ai”. Quyết định cách chức vừa qua của Vatican đối với giám mục Evreux chắc cũng không xa lạ với câu nói đó, cũng như với nhiều lời tuyên bố không “đúng lập trường” của ông.
May cho tác giả truyện ngắn Đường Tăng: Trương Quốc Dũng lại là con rể... ông Nguyễn Văn Linh. Cho nên, chỉ sau vài ngày, tuyệt nhiên báo chí nhà nước không nói tới người viết truyện Đường Tăng nữa, mà tập trung vào hai người chấm giải truyện ngắn là Nguyên Ngọc và Lê Ngọc Trà! Nếu đây là câu chuyện ngụ ngôn khôi hài thì moralité của nó là: anh không có quyền sai lầm hai lần, đã chót chọn lầm nghề văn chương thì anh phải biết chọn vợ.
* Khốn nỗi đây không phải chuyện đùa, mà là chuyện chơi với lửa. Viện cớ vi phạm chính sách tôn giáo, chính quyền cấm tập truyện ngắn, chắc cũng không ngờ là đã mở đường cho những đòi hỏi cấm đoán dây chuyền. Chỉ trong vài tuần sau, hai việc đã xảy ra: chuyện cuốn phim Dòng sông thơ ấu và truyện ngắn Đổ bóng. Xưởng phim Sài Gòn đang quay bộ phim dựa trên cuốn tiểu thuyết Dòng sông thơ ấu của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Đây là tiểu thuyết hồi ký, có nói tới nhân vật giáo chủ Hoà hảo Huỳnh Phú Sổ (cùng quê với nhà văn). Chỉ cần một ông tổng thư ký hội Phật giáo Hoà hảo nào đó phản đối, thế là Ban văn hoá tư tưởng Thành uỷ Sài Gòn đã ra lệnh huỷ bỏ tất cả các đoạn liên quan tới giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, và bắt đổi tên cuốn phim thành Thời thơ ấu (sao không đổi luôn thành Thời ấu trĩ cho hợp tình hợp cảnh!). Đổ bóng là tên một truyện ngắn của Trần Đức Tiến, đăng báo Tuổi trẻ sống đẹp số 5, tháng 11.94. Một phụ nữ “đẹp và ngốc, giống như những n hân vật phụ nữ thường thấy trong truyện ngắn của Tsê-khốp”, cuối cùng sẽ trở thành điên, muốn làm tình với một ngôi tượng thánh vô danh. Tác giả sống ở Vũng Tàu, như vậy đủ để kết luận là ám chỉ tới bức tượng Chúa khổng lồ ở Vũng Tàu và tác giả “xúc phạm tới tình cảm tôn giáo của đồng bào công giáo” (thư ngỏ của Ban biên tập Tuần báo Công giáo và Dân tộc kính gửi Ban biên tập báo Tuổi trẻ sống đẹp, CGDT số 988, ngày 11.2.94). Công bằng mà nói, lá thư của tuần báo Công giáo và Dân tộc là một lá thư ôn tồn, có tinh thần đối thoại. Tác giả bức thư, cũng như các Phật tử không thích truyện ngắn Đường Tăng, hoàn toàn có lý khi họ “cảnh giác” trước mọi liên hệ tới tín ngưỡng xuất hiện trên sách báo ngày nay vẫn do Đảng cộng sản độc quyền quản lý: trong những năm qua, đã có quá nhiều tiền lệ tuyên truyền chống tôn giáo. Song, từ đó mà gián tiếp hay trực tiếp tiếp tay với nhà cầm quyền để ngăn cấm quyền tự do tư tưởng và sáng tác thì quả thực là điều không nên. Không nên và nguy hiểm: mọi khích động về tín ngưỡng đều dễ dọn đường cho sự cuồng tín, cho chủ nghĩa toàn thủ. Nhân đây, cũng xin ghi nhận một cử chỉ đẹp. Một bạn đọc Phật tử vừa ở trong nước qua cho biết: giữa lúc cấm truyện Đường Tăng và có loạt bài tấn công Nguyên Ngọc và Lê Ngọc Trà, thì hoà thượng Thích Minh Châu đã tới dự một cuộc hội thảo văn hoá do giáo sư Lê Ngọc Trà tổ chức. Trong một thể chế mà quyền tự do ngôn luận còn bị chà đạp, thì nhiều khi người ta phải dùng ngôn ngữ của cử chỉ.
* Lại phải trở lại cái huân chương chevalier de l’ordre des Arts et des Lettres mà ông Jacques Toubon trao tặng Dương Thu Hương tháng 12.94 vừa qua. Tuần báo Văn Nghệ liên tiếp đăng những câu tuyên bố của các quan chức văn nghệ Vũ Tú Nam, Cù Huy Cận, Phạm Tiến Duật. Tôi không phải đệ tử của Phật hay Jesus, nhưng tôi nghĩ trích lại nguyên văn những lời lẽ của họ thì quá độc ác. Chỉ xin tóm tắt hai lập luận chính:
1) Việc làm của ông Toubon “không văn hoá” vì Dương Thu Hương không phải là nhà văn lớn, lại chủ trương dùng văn học như là một phương tiện đấu tranh chính trị.
2) Đó là một hành động chính trị, can thiệp vào tình hình nội bộ Việt Nam, khi ông Toubon ca ngợi lòng dũng cảm của một người ly khai.
Luận điểm 1 không hoàn toàn sai, nhưng sai về cơ bản. Không hoàn toàn sai, vì rõ ràng Dương Thu Hương không phải là nhà văn lớn. Điều đó, chính Dương Thu Hương cũng nhiều lần nói rõ. Ai, ở đâu hỏi, chị cũng trả lời: những nhà văn đáng kể là Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải (thế hệ trước), Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh (thế hệ trẻ). Nhưng hãy nói chuyện nghiêm chỉnh: hiện tượng Dương Thu Hương không phải do ông Toubon tạo ra, thậm chí cũng không phải do ông Nguyễn Văn Linh (ôm hôn năm 1987, chỉ thị cho ông Mai Chí Thọ bắt giam năm 1991) tạo ra. Dương Thu Hương là nhà văn Việt Nam đầu tiên mà hai ba tác phẩm liền đã được phát hành từ 100.000 đến 200.000 bản. Đó là nói về số lượng. Còn nói về chất lượng: tôi đố ông Vũ Tú Nam (với tư cách tổng thứ ký Hội nhà văn) tìm ra trong văn học Việt Nam thế kỷ 20 này hai nhân vật nữ đẹp và lớn ngang với cô Tâm và bà mẹ (Quế) trong Những thiên đường mù. Trao tặng huân chương, bộ trưởng văn hoá Pháp muốn vinh danh cho một nhà văn xuất sắc đã có nhiều tác phẩm được dịch, khi nhà văn sang Pháp: ông Toubon không xếp hạng các nhà văn Việt Nam, rồi chọn một người vào Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc!
Còn trách một ông bộ trưởng văn hoá có hành động chính trị, lời trách lại thốt ra từ cửa miệng những quan chức Hà Nội, thì cũng buồn cười. Cả vấn đề là hành động của ông Toubon có ý nghĩa chính trị như thế nào? Khách quan mà nói, nó chỉ cung cấp thêm một vũ khí tự vệ (tương đối) cho Dương Thu Hương, gián tiếp khuyến cáo chính quyền Việt Nam không nên đàn áp như đã làm năm 1991. Thế thôi. Nếu chính quyền không có ý đồ đó, thì tại sao la hoảng?
Phong Quang
Các thao tác trên Tài liệu