Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 38 / Thư gởi ông Phan Đình Diệu

Thư gởi ông Phan Đình Diệu

- Tiêu Dao Bảo Cự — published 03/01/2011 01:35, cập nhật lần cuối 14/05/2011 15:13

Hồ sơ


Ước gì được thực hiện những quyền
đã ghi trong hiến pháp?!
(Thư gởi ông Phan Đình Diệu)



Đi tới một cuộc đối thoại... đúng địa chỉ


LTS.– Từ đầu tháng 9.94, các ông Hà Sĩ Phu (bút hiệu của nhà khoa học Nguyễn Xuân Tụ), Bùi Minh Quốc (nhà thơ) và Tiêu Dao Bảo Cự (nhà văn) ở Đà Lạt, đã lần lượt viết thư cho ông Phan Đình Diệu (nhà toán học) sau khi ông Diệu tiếp tục ở trong Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và phát biểu về sự cần thiết phải mở ra những diễn đàn (hội thảo, báo chí...). Ông Diệu đã trả lời từng người.

Dưới hình thức sao ảnh, các lá thư ấy đang được chuyền tay trong nước. Vừa qua, riêng lá thư của Hà Sĩ Phu đã được công bố ở nước ngoài, thư trả lời của Phan Đình Diệu thì không. Để rộng đường dư luận, trong hồ sơ này, chúng tôi đăng toàn văn thư của Tiêu Dao Bảo Cự và thư trả lời của Phan Đình Diệu.

Với hai nhận xét .

– Gọi là thư viết cho một người, nhưng đó là những thư để công bố. Độc lập với nội dung (mà nói chung, chúng tôi đồng ý), có thể nói chúng không gửi đúng địa chỉ. Nếu đã coi người đó là “ cây cảnh”, thiết tưởng nên gửi thư cho người... chơi cây cảnh.

Bằng không, thì nên tránh mọi phán quyết về ý đồ của người đã chọn thế đứng và phương thức khác mình. Điều này vừa có tính nguyên tắc (đa nguyên là thế), vừa thực tiễn (mọi sự chia rẽ trong một xã hội đã bị nguyên tử hoá quá mức chỉ củng cố thêm sức mạnh cho những lực lượng toàn trị trong chính quyền).



Tôi là Tiêu Dao Bảo Cự. Vừa rồi tôi được đọc mấy lá thư trao đổi của ông Phan Đình Diệu và hai ông Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc bàn về vấn đề dân chủ hoá đất nước, xuất phát từ lá thư của Hà Sĩ Phu (ngày 2.9.94). Lá thư của Hà Sĩ Phu được viết nhân sự kiện ông Phan Đình Diệu được “bầu” hay đưa vào đoàn chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khoá IV vừa qua và từ tinh thần bài tham luận của ông trong đại hội IV Mặt trận.

Tôi nghĩ rằng đây không chỉ là những lá thư có tính cách riêng tư mà là sự trao đổi rộng rãi trong tinh thần cùng quan tâm đến những vấn đề chung của đất nước. Vả lại, truyền thống của dân tộc ta là “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”. Lá thư này của tôi cũng được viết để hưởng ứng bài phát biểu trên của ông, trong đó ông kêu gọi tổ chức các diễn đàn dân chủ “ dưới hình thức các hội thảo, các cuộc gặp gỡ trao đổi và một cách thường xuyên bằng hình thức các cơ quan ngôn luận, báo chí...”. Trong khi chờ đợi khả năng thực thi của những hình thức trao đổi rộng rãi và thường xuyên như ông đề xuất, tôi thấy việc trao đổi với nhau bằng thư từ cũng là hình thức bình thường tối thiểu và hữu ích.

Trước hết tôi bày tỏ sự cảm phục đối với tài năng, kiến thức và sự đóng góp của ông cũng như giới trí thức trong các lĩnh vực chuyên môn để phục vụ xã hội và xây dựng đất nước, đặc biệt trong việc nhận định và đề xuất những giải pháp lớn cho tình hình đất nước, trong đó ông và một số ít người khác đã có những ý kiến sắc sảo, thẳng thắn, đôi khi đi ngược lại quan điểm và các nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam. Tôi cho rằng giá trị đích thực của người trí thức không thể tách rời nhận thức, thái độ, hành động và nhân cách của họ. Nhân dân và lịch sử của một đất nước mong chờ nhưng cũng đòi hỏi nhiều ở tầng lớp trí thức, đặc biệt trong những hoàn cảnh lịch sử khó khăn và phức tạp. Như ông Phan Đình Diệu đã từng chứng tỏ, ngoài lãnh vực chuyên môn, người trí thức cần có nhận thức đúng về tình hình chính trị, xã hội và những giải pháp đưa đất nước ra khỏi khó khăn và tiếp tục phát triển vì điều này chi phối mạnh mẽ đến mọi lãnh vực. Lịch sử khoa học đã chứng minh rằng nếu không có nhận thức này, đôi khi làm tốt trong lãnh vực chuyên môn lại không có tính cách phục vụ mà góp phần cho tội ác, củng cố các chế độ độc tài bạo ngược chống lại nhân dân. Thái độ đúng là sống trung thành với nhận thức của mình, không vì bất cứ lý do gì như địa vị, quyền lợi, sự sợ hãi, cầu an, thoả hiệp... làm lung lạc, chao đảo, thậm chí đi ngược lại nhận thức. Thực tiễn đã chứng tỏ, đối với trí thức, từ nhận thức đến thái độ thường vẫn có một khoảng cách. Từ thái độ đến hành động lại là một khoảng cách khác đòi hỏi cao hơn. Hành động đúng là trong khả năng và điều kiện của mình, làm hết sức để biến nhận thức thành thực tiễn. Tất cả những điều trên đây làm nên nhân cách cao quý và thể hiện vai trò của người trí thức trong lịch sử tiến hoá của từng quốc gia và cả nhân loại.

Có lẽ hơn bao giờ hết, trong giai đoạn này của đất nước, trong thời đại phát triển như vũ bão của toàn nhân loại mà động lực là trí tuệ chứ không phải bắp thịt và song song với sự phát triển đó là sự sa đoạ về mặt tinh thần cũng như tội ác, đau khổ đủ loại đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, vai trò của trí thức lại càng cần thiết. Tuy nhiên thực tế của tình hình lại cho thấy trí thức Việt Nam chưa đóng được vai trò đáng lý họ phải có.

Trong đoạn kết cuốn tiểu thuyết Nửa đời nhìn lại của tôi, tôi có một vài suy niệm về vai trò của người nghệ sĩ, trí thức và đặt câu hỏi: “Tại sao bộ phận tiên tiến nhất của một dân tộc lại tự mình đứng trong thế yếu? ”. Trong bài tựa viết cho cuốn sách này, Đặng Tiến nhắc lại câu hỏi đó và bình luận: “ Tôi không biết nghệ sĩ và trí thức Việt Nam có tiên tiến hay không, nhưng chắc chắn chưa bao giờ họ chọn được chỗ đứng – dù ở thế mạnh hay yếu. Họ giống như người phụ nữ thời xưa, quyền thế đặt đâu thì ngồi đấy. Tài giỏi như Nguyễn Du mà suốt đời làm quan đành phải im hơi lặng tiếng. Công cán như Nguyễn Trãi rồi cũng bị tru di vì một đôi lời nói thẳng. Trước những tấm gương ấy, trí thức chúng ta đã có truyền thống thuần phục lâu đời. Dĩ nhiên vẫn có những tiếng nói lẻ loi, từ Chu An, Nguyễn Trường Tộ đến Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, nhưng những tiếng nói đó không làm thành dư luận. Vì từ lâu, người trí thức chỉ là những cá nhân, không tạo được một tầng lớp có lực lượng, có quần chúng, có hậu thuẫn. Trong cuộc đấu tranh cho dân chủ hiện nay, người trí thức đáng lẽ phải là ngọn gió tiền phong. Nhưng có thật thế không ? Hay ngược lại, trí thức trong thâm tâm cũng sợ dân chủ, vì được dân chủ thì mất quyền lợi riêng tư, những đặc quyền, đặc miễn bất thành văn đã tích luỹ từ thời này sang thời khác?”

Nhận định này có thể làm một số người bất bình nhưng lại là một vấn nạn không dễ gì giải đáp trong thực tiễn.

Chung quanh việc dân chủ hoá đất nước có rất nhiều vấn đề cần bàn nhưng ở đây, tôi chỉ xin trao đổi về một vấn đề: việc thực hiện diễn đàn dân chủ trong bài tham luận của ông Phan Đình Diệu tại Đại hội Mặt trận.

Hiến pháp hiện nay ghi rõ người dân có đủ mọi quyền tự do. Chưa nói đến việc hiến pháp này đã phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng của toàn dân hay chưa, nhưng ngay nhiều quyền được ghi bằng giấy trắng mức đen trong hiến pháp cũng chưa được thực hiện. Một thí dụ là luật báo chí và xuất bản được quốc hội thông qua cấm báo chí tư nhân. Cấm báo chí tư nhân nghĩa là không có tự do báo chí.

Trong câu chuyện bạn bè, tôi được nghe Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt vấn đề và mơ ước về một “không gian đối thoại”. Trong lá thư của Bùi Minh Quốc gởi Phan Đình Diệu, Bùi Minh Quốc “ước gì” được thực hiện những quyền đã ghi trong hiến pháp và đề nghị nhà nước cho tổ chức một tờ báo đối lập lấy tên là Diễn đàn dân chủ.

Tại sao chỉ có vậy? Tại sao chỉ dám ước mơ? Tại sao người dân và trí thức có quyền lại không dám thực hiện quyền của mình?

Nhà nước vẫn tuyên truyền hiến pháp là bộ luật cao nhất của quốc gia. Vậy luật nào ngược lại hiến pháp là vi hiến, không có giá trị, không cần chấp hành. Ban hành và chấp hành các luật này đều là vi hiến. Quốc hội nào thông qua luật vi hiến cũng cần xét lại tư cách của quốc hội đó.

Trước năm 1975, ở Miền Nam, tạp chí Đối Diện bị chính quyền Sài Gòn đóng cửa, Chân Tín và Nguyễn Ngọc Lan, những trí thức yêu nước khuynh tả đã căn cứ vào điều 11 Hiệp định Paris, trong đó thừa nhận quyền tự do báo chí, coi như giấy phép xuất bản để tiếp tục ra báo. Năm 1988, ông Nguyễn Hộ và Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ TPHCM, căn cứ vào hiến pháp, đã tự động ra tờ báo Truyền thống kháng chiến không cần giấy phép của bộ Thông Tin và lên án chế độ tự do báo chí hiện nay còn bóp nghẹt tự do báo chí hơn thời Pháp thuộc.

Đó là những người trí thức yêu nước chân chính, dũng cảm và thực sự biết tôn trọng luật pháp. Còn những người trí thức yêu nước hiện nay tại sao không dám thực hiện những quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của mình như đã được ghi rõ ràng trong hiến pháp của một nước “độc lập, tự do, hạnh phúc”? Dù Việt Nam hiện nay đang ở trong chế độ độc đảng nhưng cũng không phải vì thế mà Đảng độc quyền yêu nước. Đảng vẫn luôn luôn nói đến việc “lấy dân làm gốc”, “gắn bó máu thịt với nhân dân”, “đoàn kết hoà hợp dân tộc”, “chấp nhận cả những sự khác nhau không trái với lợi ích chung của tổ quốc”...

Qua bài phát biểu của ông Phan Đình Diệu, tôi hy vọng ông có thể làm được nhiều việc, trong đó có việc tổ chức các diễn đàn dân chủ và tờ báo Diễn đàn dân chủ như Bùi Minh Quốc đề nghị. Chắc chắn đông đảo trí thức sẽ ủng hộ và cộng tác với ông trong công việc này. Đối với nhiều người cầm quyền hiện nay, lời nói không đi đôi với việc làm, thực hiện trái với nghị quyết là việc bình thường nhưng tôi không muốn điều đó lại có thể xẩy ra ở Phan Đình Diệu.

Tôi tự hỏi không biết ông Phan Đình Diệu đã suy nghĩ tính toán gì khi chấp nhận tiếp tục đứng vào Đoàn chủ tịch Mặt trận nhưng tôi thừa nhận những ý kiến trong bài tham luận của ông tại đại hội Mặt trận thật là đúng đắn và tâm huyết. Vấn đề là ông sẽ làm được gì so với những điều ông phát biểu.

Ai nghiên cứu lịch sử và xem xét vấn đề một cách khách quan cũng phải nhìn nhận các Mặt trận từ 1930 đến nay (Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đều chỉ là những hình thức tập họp quần chúng để đấu tranh cho mục tiêu từng thời kỳ của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây cũng là tổng kết của Đảng về công tác Mặt trận. Mặt trận chỉ là danh nghĩa, chiêu bài, và những người lãnh đạo Mặt trận không hề có thực quyền như đáng lý họ phải có theo danh xưng. Dù đã sáng tạo ra nhiều cách nói hoa mỹ để thu phục nhân tâm, Đảng cũng chính thức thừa nhận “Đảng là thành viên của Mặt trận nhưng là thành viên lãnh đạo”.

Trong giai đoạn hiện nay, điều lệ của Mặt trận được Đảng cho phép ghi: “ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị rộng lớn, là tổ chức liên hiệp tự nguyện của các đoàn thể nhân dân, các hội quần chúng, các cá nhân tiêu biểu của các giai cấp và tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đại biểu cho ý chí và nguyện vọng của các giới đồng bào.”

Đây là một nội dung nghe rất kêu nhưng rỗng tuếch. Thực tế hiện nay không có Mặt trận mà chỉ có Uỷ ban mặt trận các cấp gồm những người do Đảng lựa chọn, đứng đầu là các nhân vật hạng ba, hạng tư của Đảng, thường là những người đã về hưu. Nhiệm vụ chính của Mặt trận là tuyên truyền cho đường lối chính sách của Đảng, thực hiện một số việc cụ thể mà các tổ chức đảng, chính quyền, không tiện trực tiếp làm như công tác tôn giáo, dân tộc, trí thức, người Hoa, phụ lão... Đặc biệt Mặt trận có một nhiệm vụ được coi là quan trọng trong các kỳ bầu cử là hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử, một công việc cực kỳ phản dân chủ, xâm phạm trắng trợn và thô bạo quyền tự do ứng cử của người dân. Nhiệm vụ này do Đảng chỉ đạo chặt chẽ, Mặt trận chỉ làm cái loa phát ngôn. Thực chất hội nghị hiệp thương của Mặt trận chỉ gồm một nhúm người do Đảng cho phép triệu tập, không đại diện cho ai, nhưng lại có quyền giới thiệu người ra ứng cử và điều này đã quyết định trước gần như hoàn toàn kết quả cuộc bầu cử gọi là dân chủ. Ngoài nhiệm vụ bung xung quan trọng và đáng buồn này, những nhiệm vụ to lớn khác của Mặt trận ghi trong điều lệ, chương trình hoạt động chỉ là trò chơi chữ hay nói để mà chơi.

Trong đại hội III của Mặt trận, có người nêu vấn đề “đối trọng” của Mặt trận đối với Đảng và Nhà nước. Ý kiến đó đã bị phê phán nặng nề. Trong chuyến đi đòi tự do dân chủ của đoàn văn nghệ Langbian năm 1988, khi Bùi Minh Quốc và tôi gặp chủ tịch Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ ở trụ sở Uỷ ban trung ương Mặt trận tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Thọ ủng hộ quan điểm của chúng tôi và khẳng định: “Không phải ngồi chờ ban phát mà phải đấu tranh để giành dân chủ”. Sau đó tờ báo Đại Đoàn Kết do ông Nguyễn Hữu Thọ đích thân đứng ra làm chủ nhiệm có khởi sắc được vài số nhưng cũng không có lấy một dòng về cuộc đấu tranh của chúng tôi dù chúng tôi đã cung cấp đầy đủ tư liệu. Chẳng bao lâu tờ báo này của Mặt trận lại vào khuôn phép như cũ. Những đề xuất của ông Nguyễn Hữu Thọ và Uỷ ban trung ương Mặt trận về những vấn đề dân chủ liên quan đến các luật quốc hội sắp thông qua đều bị bác bỏ.

Bộ máy các Uỷ ban Mặt trận các cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận chỉ tương đương với một sở, ban, phòng nhỏ nhất của chính quyền, kinh phí hoàn toàn lệ thuộc vào Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Mỗi lần muốn tổ chức hoạt động gì, mặt trận phải năn nỉ các đồng chí chính quyền hết nước miếng để xin kinh phí. Chiếc xe của cơ quan Mặt trận là xe cũ do các đồng chí chính quyền chuyển qua sau khi họ đã mua xe đời mới. Đến cấp xã, phường, Mặt trận chỉ còn là một ông già làm công tác phụ lão, chuyên lo quan tài cho các cụ qua đời là chính.

Biết bao cán bộ Mặt trận các cấp những năm qua đã than thở về vai trò “cây cảnh”, “trang trí”, “ngồi chơi xơi nước”, “bánh xe thứ năm”, “cục thịt thừa”, và “đưa mặt ra chịu trận” của Mặt trận. Vậy thì nói gì đến “liên minh chính trị rộng rãi của mọi tổ chức, đoàn thể, các giai cấp, các tầng lớp xã hội”. May ra Mặt trận còn có chút hãnh diện khi trong các cuộc lễ long trọng bao giờ cũng có đại diện của Mặt trận bên cạnh đại diện Đảng, chính quyền và được người ta thưa gởi đàng hoàng.

Tôi nói những điều này không phải do võ đoán hay để bôi bác Mặt trận. Trước đây, tôi đã từng là đảng viên cộng sản trong 15 năm và hầu hết thời gian đó, tôi làm công tác Mặt trận và các đoàn thể.

Nhận định như thế không phải là để đòi hỏi Đảng và nhà nước đề cao và tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ quan Mặt trận. Mặt trận đích thực là liên hiệp các tổ chức chính trị một cách tự nguyện và bình đẳng thì không cần gì đến kinh phí nhà nước và cũng không chấp nhận ai lãnh đạo. Còn Mặt trận hiện nay thực chất chỉ là cơ quan Mặt trận, một cơ quan có tính cách thừa hành của Đảng và Nhà nước.

Trong thực tiễn đó, với những người trí thức cấp tiến hàng đầu như ông Phan Đình Diệu ở cương vị lãnh đạo Mặt trận, tôi nghĩ điều quan trọng ông có thể làm là góp phần chuyển hoá cái giả thành thật, “lộng giả thành chân”, “biến nghị quyết thành thực tiễn”. Đó là một tác động mạnh mẽ lên quá trình dân chủ hoá, đồng thời cũng là giúp Đảng bớt giả hình, thực sự trở về với nhân dân. Nếu tôi không lầm, ông Phan Đình Diệu đã là uỷ viên trung ương Mặt trận kể từ đại hội Mặt trận thống nhất Việt Nam năm 1977 và đã từng là uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận không phải chỉ một nhiệm kỳ. Nếu ông có dũng khí, cái “sĩ khí” đích thực đáng quý trọng trong truyền thống phương đông, ông có thể làm được cái gì đó, ít ra trong khuôn khổ của hiến pháp và điều lệ Mặt trận quy định, làm cái gì có hiệu quả to lớn hơn so với những phát biểu cá nhân cấp tiến và sắc sảo của ông trước đây. Nếu ông không làm được gì, nhất định ông sẽ bị vô hiệu hoá và trở thành cây cảnh trang trí. Tiếc thay trong lá thư ông trả lời Hà Sĩ Phu, ông lại không đề cập đến những vấn đề hệ trọng và nóng bỏng mà Hà Sĩ Phu nêu ra, đặc biệt liên quan đến vai trò uỷ viên đoàn chủ tịch Mặt trận của ông. Theo tôi, đó là một dấu hiệu đáng buồn.

Tôi đã từng kính trọng ông vì nhận thức sắc bén, thái độ thẳng thắn, dũng cảm của ông nên tôi nghĩ đối với một người như thế, tôi cũng phải phát biểu hết sức thẳng thắn và trung thực mới là kính trọng.

Chính vì thế và cũng chính vì còn đôi chút tin tưởng đối với giới trí thức Việt Nam mà ông là đại diện, tôi mạo muội viết thư này cho ông và mong ông cũng như giới trí thức chỉ giáo thêm.

Đà Lạt 2.12.94

Tiêu Dao Bảo Cự

(35/1 Nguyễn Đình Chiểu, Đà Lạt)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss