Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 38 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 03/01/2011 01:40, cập nhật lần cuối 14/05/2011 15:33

Tin tức


Tiêu chuẩn hoá công chức

Nếu như uỷ ban thường vụ quốc hội thông qua dự án pháp lệnh công chức mà chính phủ đệ trình vào giữa tháng chạp vừa qua thì số công chức ở Việt Nam sẽ giảm xuống nhiều. Cho đến nay, cả nước có đến 1.129.000 cán bộ viên chức. Theo qui định của dự án pháp lệnh, phạm vi công chức sẽ chỉ bao gồm những người làm việc ở khu vực quản lý nhà nước và hành chính sự nghiệp nằm trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Những cán bộ không được coi là công chức bao gồm: cán bộ dân cử, cán bộ xã, cán bộ làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước, cán bộ trong lực lượng vũ trang, gồm cả bộ đội và công an.

Riêng đối với cán bộ thuộc các cơ quan của Đảng cộng sản, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội, dự án pháp lệnh không đưa ra được một quyết định dứt khoát mà chỉ nêu hai phương án: không đưa vào phạm vi công chức hoặc “để cho cấp có thẩm quyền quyết định” (!?).

Theo dự án pháp lệnh, công chức không được đình công, lãn công; không được thành lập doanh nghiệp tư nhân; không được ký giải quyết cho thân nhân; không được nhận quà biếu. Muốn làm công chức phải qua thi tuyển, và việc thi tuyển này phải công khai và căn cứ vào bằng cấp. Qua sự khảo sát ở một số cơ quan và địa phương, người ta ước chừng có 35% cán bộ hành chính trung ương và 70% ở địa phương hiện nay không đủ trình độ theo ngạch công chức mới. Theo chính phủ, những người mới tuyển dụng nhất thiết sẽ phải qua thi tuyển theo tiêu chuẩn qui đinh ngạch chuyên viên. Mặt khác, sẽ bồi dưỡng và đào tạo lại số công chức hiện có theo tiêu chuẩn các ngạch, đồng thời sẽ tiếp tục giảm biên chế, đưa những người yếu kém ra khỏi đội ngũ công chức. Chính phủ dự kiến, nếu làm tích cực trong vòng 5-7 năm tới, sẽ tiêu chuẩn hoá được đội ngũ công chức.

(Tuổi Trẻ 29 và 31.11.94, 1.1.95)

Tỷ trọng kinh tế quốc doanh không ngừng tăng

Sau hơn bốn năm sắp xếp lại, số doanh nghiệp quốc doanh hiện nay còn khoảng 6.200 đơn vị, bằng 51% so với năm 1990. Việc giảm bớt số doanh nghiệp nhà nước không làm suy yếu kinh tế quốc doanh. Ngược lại, tỷ trọng khu vực quốc doanh trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) không ngừng tăng lên qua các năm 1990: 32,1%; 1991: 36%; 1992: 39,6%; 1993: 42,9%; 1994: 42,9%. Trong khi đó, khu vực kinh tế tư doanh, tuy có phát triển lên qua các năm, song tỷ trọng trong GDP lại giảm dần từ 67,9% năm 1990 đến 1994 chỉ còn 56,4%.

Nhu cầu vốn đầu tư của các doanh nghiệp quốc doanh trong năm 1995 lên đến 21.000 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ đôla). Ngoài vốn tự đầu tư của các doanh nghiệp là 2.500-3.000 tỷ đồng, theo Uỷ ban kế hoạch nhà nước, khu vực quốc doanh hiện nay chỉ còn có thể trông đợi vào 500 tỷ đồng thu hồi nợ, 2.500 tỷ đồng khấu hao cơ bản, 4.000 tỷ đồng vay trung hạn ở các ngân hàng thương mại. Như vậy là kinh tế quốc doanh chỉ mới cân đối được tối đa là một nửa yêu cầu vốn đầu tư của năm nay.

(Lao Động và Tuổi Trẻ 6.12.94)

Đào tạo “bán du học”

Trong một đề án trình chính phủ, bộ giáo dục và đào tạo chủ trương dành hàng năm 100-150 tỷ đồng để, từ năm 1995-1996, gửi thêm 500-700 sinh viên và nghiên cứu sinh đi học ở các nước phát triển. Đề án cũng kiến nghị nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các công dân có phương tiện đi học ở nước ngoài theo chế độ tự túc.

Tài liệu của bộ còn chủ trương khuyến khích các hình thức “du học tại chỗ”: tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo nước ngoài mở các lớp học, khoá học cho cán bộ Việt Nam; xây dựng đề án phối hợp đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam với các trường đại học nước ngoài, theo phương thức hai năm đầu học ở Việt Nam, những năm tiếp theo học ở nước ngoài.

Vào trung tuần tháng chạp vừa qua, bộ giáo dục và đào tạo đã ký kết với viện đại học Tasmania ở Úc một chương trình hợp tác đào tạo “bán du học”. Theo chương trình này, sinh viên sẽ học hai năm đầu tại trường đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, hai năm sau sẽ học tại trường đại học Tasmania để lấy bằng cử nhân công nghệ hay kỹ thuật. Toàn bộ chương trình đào tạo 4 năm đều dạy bằng tiếng Anh và do trường đại học Tasmania tổ chức (học phí cho hai năm đầu là 2.000 USD/năm, hai năm sau là 13.500 USD/năm).

Vào đầu tháng 12, bộ giáo dục và đào tạo cũng đã ký với Hội đồng các tổ chức học thuật Mỹ (ALCS) dự án hợp tác đào tạo cán bộ quản lý do Chương trình Fullbright của Quốc hội Mỹ tài trợ. Trị giá 2 triệu đôla, dự án sẽ do Viện phát triển quốc tế Harvard (HIID) thực hiện trong vòng hai năm 1995-1996 tại trường đại học kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Mục tiêu đào tạo sẽ tập trung vào các vấn đề kinh tế và quản lý có liên quan đến vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, cũng trong tháng 12, bộ giáo dục và đào tạo đã cho phép tổ chức Education First Institute chiêu sinh du học tự túc ở Bắc Mỹ. Các sinh viên sẽ phải qua một năm học dự bị trước khi vào trường đại học (chi phí thủ tục nhập cảnh vào Hoa Kỳ, học tập và ăn ở là 12.000-14.000 đôla/năm).

(Tuổi Trẻ 6, 8 và 15.12.94, Người Lao Động 6.1.95)

* Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược: Đầu tháng giêng vừa qua tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Trọng Tân, trưởng ban văn hoá tư tưởng thành phố, đã cho rằng những chương trình hợp tác đào tạo đại học với nước ngoài nằm trong “âm mưu của địch” để “ diễn biến hoà bình”.


Bảo hộ quyền tác giả

Trong tháng chạp vừa qua, nhà nước đã ban hành pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm của công dân Việt Nam và các tác phẩm công bố ở Việt Nam của tác giả nước ngoài. Tác phẩm được bảo hộ gồm: tác phẩm viết, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, vidéo, nhiếp ảnh, âm nhạc, tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, kiến trúc, công trình khoa học, giáo trình, các phần mềm máy tính. Giám đốc cơ quan Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam Vinauteur, ông Nguyễn Thượng Thuận, cho biết pháp lệnh bảo hộ tác quyền ra đời sẽ thúc đẩy quá trình Việt Nam tham gia Công ước quốc tế về bản quyền.

(Tuổi Trẻ 13.12, Người Lao Động 30.12.94)

Khánh thành nhà máy thuỷ điện Hoà Bình

Ngày 20 tháng chạp vừa qua, nhà máy thuỷ điện Hoà Bình đã làm lễ khánh thành sau 15 năm xây dựng. Đào 43,5 triệu m3 đá, đắp 21,3 triệu m3 đập, lắp đặt 44 ngàn tấn thiết bị, công trình đã huy động vào những lúc cao điểm đến 50.000 cán bộ, công nhân Việt Nam và 800 chuyên gia Liên Xô. 162 người đã hy sinh trên các công trường.

Với công suất lắp đặt là 1.920 MW (8 máy 240 MW), Hoà Bình có thể sản xuất hàng năm 8,4 tỷ kwh. Năm 1994, sản lượng đã đạt 5,7 tỷ kwh, và năm 1995 sản lượng dự kiến là 6,3 tỷ kwh – hiện trạng hệ thống tải điện không cho phép tiếp nhận hơn. Hiện nay Hoà Bình đảm bảo 50% sản lượng điện cả nước và mỗi ngày phát ra khoảng 20- 22 triệu kwh, trong đó 8-10 triệu kwh được truyền tải vào miền Nam qua đường dây 500 kv (tổn thất truyền tải là 6%).

Giá trị công trình thuỷ điện Hoà Bình đến nay chưa được duyệt chính thức. Theo Tổng công ty điện lực, tính theo thời giá hiện nay, tổng số vốn đầu tư là 12,5 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ đôla. Song một nguồn tin khác ước tính kinh phí lên đến hơn 4 tỷ đôla.

(Lao Động 22.12, Việt Nam - Đầu tư nước
ngoài 27.12.94, Thời báo kinh tế Sài Gòn 5.1.95)

Thủ tướng Võ Văn Kiệt và báo chí

Trong một buổi gặp các nhà báo ở Thành phố HCM ngày chủ nhật 8.1.1995, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhắc lại là Việt Nam không cho phép xuất bản báo chí tư nhân, và kêu gọi báo chí “đóng góp tích cực” vào chương trình cải tổ kinh tế và vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Dành nhiều thì giờ để nói về nghị định đầu tiên của chính phủ về vấn đề quảng cáo (nghị định này được công bố hôm sau, 9.1, tuy báo chí đã nhận được lệnh thi hành từ ngày 31.1.1994), ông Kiệt đã yêu cầu báo chí sử dụng phương tiện quảng cáo để giúp cho các mặt hàng nội hoá cạnh tranh với hàng ngoại. Theo ông, “ nếu (báo chí) chỉ bán khung quảng cáo với mục đích duy nhất là lợi nhuận thì tính độc lập, chủ quyền của báo chí sẽ bị thu hẹp”. Quảng cáo trên báo chí Việt Nam đã tăng lên rất nhanh trong mấy năm gần đây và đã trở thành một nguồn thu nhập chính cho báo chí. Quảng cáo xuất hiện ngay cả trên tờ Nhân Dân, cơ quan chính thức của đảng cộng sản Việt Nam. Nghị định của chính phủ ông Kiệt đề ra một số lề luật, giới hạn trên quảng cáo, như việc sử dụng ưu tiên tiếng Việt, việc cấm sử dụng quốc kỳ, quốc huy và chân dung các nhà lãnh đạo, việc tôn trọng quyền sở hữu về sáng chế, tiêu chuẩn chất lượng. Quảng cáo thuốc men và dược phẩm phải được bộ y tế thông qua trước...

(AFP và Reuter 9.1.1995)

Thoả thuận Việt Đức

Chính phủ Đức đã thông qua một thoả ước với Việt Nam, theo đó Hà Nội chấp nhận chương trình đưa 40.000 người Việt Nam hiện ở Đức về nước, 20.000 trước năm 1988, số còn lại trước năm 2000. Thoả thuận do hai thứ trưởng Đức Bernd Schimdbauer (phủ thủ tướng) và Werner Hoyer (ngoại giao) thương lượng với Việt Nam và được ký kết tại Thành phố HCM ngày 6.1 vừa qua. Chi tiết của thoả thuận sẽ được công bố cuối tháng hai, đầu tháng ba, nhưng người ta đã được biết từ lâu chính phủ Đức muốn đưa về Việt Nam khoảng 10.000 người lao động ở Đông Đức cũ đã hết hạn hợp đồng và hầu hết những người Việt từ các nước khối xã hội chủ nghĩa cũ chạy sang Đức sau năm 1989 nhưng không được chính phủ Đức công nhận quy chế người tị nạn.Theo ông Schmidbauer, hiện có 96.659 người Việt Nam đang ở Đức, trong đó có 57.250 người được giấy cư trú chính thức.

Trước báo chí Đức, thứ trưởng Schmidbauer đã trình bày thoả thuận như một phần của một hiệp ước song phương Đức - Việt, theo đó Đức cam kết thực hiện những dự án viện trợ bị hoãn vì bất đồng trong vấn đề này, đồng thời sẽ thúc đẩy mạnh các dự án đầu tư của doanh nghiệp Đức vào Việt Nam. Bonn cũng sẽ viện trợ cho Việt Nam 200 triệu Đức mã (130 triệu đôla) trong hai năm 1995, 1996, kể cả phần viện trợ tái định cư cho những người hồi hương. Ông Schmidbauer cũng cho biết, một viện Goethe, trung tâm truyền bá văn hoá Đức, sẽ được thành lập tại Hà Nội trong năm 1995. Mặt khác, sau khi đạt được thoả thuận, thủ tướng Đức Helmut Kohl đã nhận lời mời đi thăm Việt Nam trong năm 1995, tuy nhiên thời điểm cụ thể của chuyến đi chưa được công bố.

(Reuter 8.1, AFP 11 và 18.1.1995)

Cam Bốt - Việt Nam: thương lượng

Hoàng thân Norodom Ranariddh, đồng thủ tướng Cam Bốt, dẫn đầu một đoàn đại biểu chính phủ Cam Bốt gồm nhiều quan chức, trong đó có 8 bộ trưởng, nhà ngoại giao, giáo dục, thương mại và nông nghiệp..., đã tới thăm chính thức Việt Nam ba ngày, từ chủ nhật 15.1.1995. Ngay sáng hôm sau, ông đã cùng thủ tướng Võ Văn Kiệt hội đàm riêng suốt ba tiếng đồng hồ trước khi hội kiến với chủ tịch Lê Đức Anh và tổng bí thư Đỗ Mười. Theo ông Lê Minh Nghĩa, chủ tịch Tiểu ban biên giới của Việt Nam, người liên quan trực tiếp nhất tới một vấn đề lớn đang đặt ra trong quan hệ giữa hai nước, hai thủ tướng đã “thảo luận về đủ mọi vấn đề” nhưng “không đề cập tới vấn đề cụ thể nào”. Tuy nhiên, ông nói tiếp, “ hai bên đã thoả thuận có những buổi làm việc ở cấp chuyên viên để giải quyết cụ thể (các vấn đề biên giới)”.

Trong buổi gặp báo chí, thủ tướng Norodom Ranariddh đã xác nhận là hai bên đã hiểu nhau hơn về vấn đề kiều dân (Việt Nam ở Cam Bốt), và đã thoả thuận hợp tác trên các lĩnh vực văn hoá, khoa học, nông nghiệp và trên một số vấn đề ngoại giao. Ông đã nhắc lại bảo đảm của chính phủ Cam Bốt rằng đạo luật về ngoại kiều vừa qua của Cam Bốt không nhắm vào kiều dân Việt Nam, và sẽ không có sự trục xuất hàng loạt người nước ngoài. Theo ông, chuyến đi và những cuộc hội đàm đã thành công, “nếu không nói là thành công lớn”. Sau khi chuyển lời của vua Norodom Sihanouk mời chủ tịch Lê Đức Anh đi thăm lại Cam Bốt, thủ tướng Ranariddh cũng đã mời thủ tướng Võ Văn Kiệt sang thăm Phnom Penh.

(AFP 15-18.1.1995)

Bộ trưởng tài chính Anh thăm Hà Nội

Tiếp theo chuyến đi thăm “lịch sử” của ngoại trưởng Douglas Hurd tháng 9.1994 (xem Diễn Đàn số 34), bộ trưởng tài chính Anh Kenneth Clarke đã dẫn đầu một phái đoàn tài chính cao cấp tới thăm Hà Nội trong hai ngày 11 và 12.1 vừa qua. Cùng đi với ông có 9 nhà lãnh đạo khu vực thị trường tài chính, bảo hiểm và ngân hàng Anh. Với tiếng tăm của Thị trường chứng khoán Luân Đôn, rõ ràng Anh muốn tích cực tham gia vào việc hình thành những thị trường tài chính đầu tiên ở Việt Nam, kể cả một thị trường chứng khoán dự tính được mở ra cuối năm nay, đầu năm tới. Các nhà ngoại giao Anh ở Hà Nội nhấn mạnh “chúng tôi có tất cả khả năng và kinh nghiệm trong ngành này”. Tại Hà Nội, ông Clarke đã làm việc với thủ tướng Võ Văn Kiệt, bộ trưởng tài chính Hồ Tế, thống đốc ngân hàng quốc gia Cao Sỹ Kiêm và chủ nhiệm uỷ ban kế hoạch nhà nước Đỗ Quốc Sâm và đã khai mạc trụ sở công ty bảo hiểm Prudential Insurance. Trước khi bay vào Thành phố HCM ngày hôm sau, ông cũng đã nói chuyện tại câu lạc bộ các nhà kinh doanh ngân hàng nói tiếng Anh tại Hà Nội. Cho tới nay, các doanh nghiệp Anh đã đầu tư 344,6 triệu đôla vào Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, giao thông, xây dựng, điện và hàng không.

(AFP 10-12.1.1995)

Mỹ - Việt: mở hay không mở?

Theo các nhà ngoại giao Việt Nam và Mỹ (qua tuyên bố của thứ trưởng ngoại giao phụ trách châu Á Winston Lord), các vấn đề kỹ thuật chung quanh việc trao trả tài sản của hai bên bị ngưng đọng sau chiến tranh đã được giải quyết, và có nhiều triển vọng hai nước sẽ mở phòng liên lạc trong khoảng cuối tháng 1. Một thoả thuận về việc trao đổi các trụ sở ngoại giao cũng đã được thông qua tháng 12.94.

Tuy nhiên, một vở kịch cũ lại được đem ra tái diễn, như những lần trước khi chính quyền Clinton quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận. Một tác giả Mỹ, ông Malcom McConnell, vừa tung ra một quyển sách “dựa trên lời chứng của một nhân viên tình báo cũ của Mỹ tại Hà Nội và một trung tá quân đội nhân dân”, tố cáo Hà Nội đã “ tra tấn đến chết hàng trăm tù nhân Mỹ trong những năm 1966-72”. Dĩ nhiên, người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng hoàn toàn bác bỏ những lời buộc tội “ hoàn toàn bịa đặt” này.

(AFP 12 và 19.1.1995)

Lại bắt hai hoà thượng?

Các tổ chức hoạt động về nhân quyền Amnesty International và Human Rights Watch/Asia đã chính thức lên tiếng ngày 11.1.1995 phản đối chính quyền Việt Nam đã bắt giữ các hoà thượng Thích Huyền Quang (ngày 29.12.1994) và Thích Quảng Độ (ngày 4.1.1995). HT Huyền Quang bị bắt ở Quảng Ngãi, tại chùa Hội Phước, hai ngày sau khi ông bắt đầu một cuộc tuyệt thực để phản đối việc chính quyền bắt giữ một số phật tử và tăng cường lực lượng an ninh quanh chùa. Những thông tin nói trên đã được một tổ chức Phật giáo hải ngoại đưa ra từ Paris một tuần trước đó. Một người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng ngày 5.1.1995 đã lên án tổ chức nói trên là chuyên xuyên tạc tin tức, nhưng lại không phủ nhận các tin trên – mà chỉ nói là ông không có tin gì về việc này.

Tuy nhiên, những xôn xao trong dư luận Phật giáo được báo chí gián tiếp thừa nhận khi đăng tải lại lời than van của Hoà thượng Thích Trí Tịnh, thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, về “những hoạt động bất thường” của một số tăng sĩ. Hoà thượng Trí Tịnh đã phát biểu điều này trong buổi thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp các nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân dịp năm mới. Hơn mười ngày sau, người phát ngôn của bộ ngoại giao Hà Nội đã xác nhận hoà thượng Thích Quảng Độ bị “tạm giữ vì phá rối trật tự công cộng”, song đã phủ nhận tin bắt hoà thượng Huyền Quang. Theo bà, hoà thượng Huyền Quang “ chỉ phải dời sang chùa khác, theo yêu cầu của giới tăng ni địa phương”, và hiện đang ở tại huyện Nghĩa Anh, tỉnh Quảng Ngãi.

(AFP 5, 7, 11 và 19.1.1995)

Tốt nghiệp đại học vẫn phải đi học trung học...

Báo Lao Động ngày 20.12.1995 đã đăng mẩu tin từ Quảng Trị như sau:

Đợt tuyển sinh vào khoá học 1994-1995 mới đây của Trường trung học sư phạm Quảng Trị đã xuất hiện những trường hợp thi tuyển hi hữu. Đó là việc các thí sinh Nguyễn Văn Sử, từng tốt nghiệp đại học nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Nga, từng tốt nghiệp trung cấp kỹ thuật truyền thanh, vẫn dự thi và dĩ nhiên trúng tuyển vào học trường trung học sư phạm của tỉnh.

Nguyên nhân của những trường hợp trái khoáy này là do các sinh viên tốt nghiệp ra trường không được phân công tác và không tìm được việc làm thoả đáng theo đúng chuyên môn đào tạo.


TIN NGẮN

* Theo tuần báo Vietnam Investment Review, trong tháng 12.94, bộ trưởng y tế Nguyễn Trọng Nhân đã ký một sắc lệnh cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mở bệnh viện hoặc đầu tư vào các bệnh viện tư ở Việt Nam.

* Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam đã viết thư cho tân chủ tịch Uỷ ban nhân dân Hà Nội bày tỏ mối lo ngại về sự phá huỷ bộ mặt văn hoá và truyền thống của thành phố vì những xây dựng hàng loạt khách sạn và các toà nhà lớn dành cho kinh doanh. Theo bức thư, khu vực bị đe doạ nhất là khu Hồ Tây, đang có nguy cơ biến thành “Hồ của Tây”.

* Một vụ lừa đảo lên đến 200 tỷ đồng đang làm chao đảo giới kinh doanh Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ phạm, giám đốc công ty Quyết Thắng Trần Xuân Hoa đã bỏ trốn.

* Toà án Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tháng giêng vừa qua, đã tuyên phạt phó chánh án toà án hình sự thành phố, ông Lê Quang Vinh, 10 năm tù giam về hai tội “ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa” “ lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân”.

* Theo một điều tra của bộ nội vụ, nạn mại dâm đang thâm nhập mạnh vào giới học sinh, sinh viên. Tại Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 3.000 người mại dâm, Hà Nội có hơn 5.000 người mại dâm là học sinh, sinh viên.

* Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định thu hồi hai ngôi nhà mà giám đốc sở nhà đất thành phố Lê Thanh Hải (đang bị khởi tố) đã cấp giấy sở hữu cho ông Nguyễn Hữu Khương, giám đốc sở công an thành phố. Quyết định của chính quyền thành phố có nghĩa là việc lợi dụng chức quyền để chiếm hữu tài sản nhà nước, trong trường hợp này, sẽ không được đưa ra ánh sáng công lý.

* Tính đến cuối năm 1994, Việt Nam đã phát hiện 2.257 người bị nhiễm HIV (tăng 100% so với năm 1993), trong đó có 131 bệnh nhân AIDS và 49 ca tử vong. Theo thống kê của Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS, 78% những người bị nhiễm HIV thuộc đối tượng nghiện chích ma túy, 4,3% là người mại dâm, 2,3% là bệnh nhân hoa liễu, 1% là người hồi hương, 1% là người cho máu.

* Theo Uỷ ban quốc gia chống mù chữ, tính đến cuối năm 1993, tại 16 tỉnh và thành phố phía Nam, còn nửa triệu người lớn (15-35 tuổi) mù chữ và gần nửa triệu trẻ em (6-14 tuổi) thất học, trong đó cao nhất là tỉnh An Giang với 48,8% trẻ em thất học.

* Tổng số vốn của dự án phát triển giáo dục trung học do Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ sẽ là 42 triệu đôla, gồm 20 triệu cho khu vực phổ thông và 20 triệu cho khu vực chuyên nghiệp. Dự án sẽ khởi động năm 1996 và sẽ tập trung nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị trường lớp, đồng thời cải tiến nội dung chương trình giảng dạy ở bậc trung học.

* Khởi công năm 1995, dự án phát triển giáo dục tiểu học (70 triệu đôla do Ngân hàng Thế giới tài trợ) đang gọi đấu thầu quốc tế về in ấn sách giáo khoa; và gọi đấu thầu trong nước về xây dựng trường lớp.

* Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của bộ giao thông vận tải, số tai nạn giao thông xảy ra trong năm 1994 lên đến 13.857 vụ (tăng 12,4% so với năm 1993), làm chết 4.872 người (tăng 8,4%), làm 1.325 người bị thương (tăng 10,3%).

* Tuần báo Công an Nhân dân số ra ngày 21.12.1994 đã đăng lại thống kê của bộ nội vụ cho biết, trong ba năm qua khoảng 6.000 người đã tự tử chết. Hơn 2/3 những trường hợp tự tử là thanh niên dưới 30 tuổi, nhất là phụ nữ. Trong các thành phần xã hội, nông dân là thành phần có nhiều trường hợp tự tử nhất.

* Thành phố Hồ Chí Minh đang phục chế lại theo nguyên bản nhà trụ sở Uỷ ban nhân dân (kinh phí 1,3 tỷ đồng) đồng thời xây dựng lại đường Nguyễn Huệ thành trục đường đi bộ (kinh phí 3,5 tỷ đồng).

* Theo số liệu của Viện dinh dưỡng, số hộ nông dân thiếu đói lúc giáp hạt lên đến 2,2 triệu người, trong đó miền Bắc và miền Trung chiếm 60%. Ở nông thôn miền núi, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng khoảng 45-50%.

* Thống kê của năm 1994 cho biết 71% các hộ ở Thành phố Hồ Chí Minh có tivi, 61% có radio cassette, 33% có vidéo, 24% có tủ lạnh, 63% có xe gắn máy, 2% có xe hơi.

* Chủ tàu Neptune Aries ( Singapore) đã chấp nhận bồi thường 4,2 triệu đôla những thiệt hại môi trường và kinh tế dân cư của “thuỷ triều đen” do tàu gây ra trên sông Sài Gòn. Ngoài ra chủ tàu còn bồi thường công ty Sài Gòn Petro 2,550 triệu đôla thiệt hại vật chất và kinh doanh của cảng Cát Lái.

* Tiếp theo lệnh cấm đốt pháo từ đầu năm 1995, công an Hà Nội đã tịch thu và huỷ bỏ 4,5 tấn pháo, xử lý 70 vụ buôn lậu pháo vào thành phố. Chính quyền TP HCM cũng cho biết sẽ huỷ bỏ các kho pháo trước ngày Tết.

* Tỉnh Quảng Trị đang chuẩn bị xây dựng cảng Cửa Việt (vốn đầu tư 30 tỉ đồng) để nối liền với khu thương mại tự do Việt - Lào và con đường liên Á trong tương lai.

* Công trình xây dựng đường điện quốc gia từ Sơn La đi Sầm Nưa (Lào) sẽ được khởi công đầu năm nay. Đường dây sẽ cho phép Việt Nam bán điện sang Lào.

* Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội đã đi vào hoạt động với vốn điều lệ ban đầu là 20 tỉ đồng. Tổng giám đốc ngân hàng, đại tá Lê Quang Phú, cho biết quân đội hiện có trên 300 doanh nghiệp với tổng doanh số năm 1994 là 2.000 tỉ đồng.

* Chính phủ Mỹ đã thông báo một thay đổi quan trọng trong chương trình HO: từ đầu tháng 2 năm 1995, cơ quan di trú của Mỹ chỉ nhận phỏng vấn chồng, vợ và các con dưới 21 tuổi, chưa lập gia đình và còn sống phụ thuộc cha mẹ (các con trên 21 tuổi dù còn độc thân vẫn không được xét đơn). Hiện có khoảng 60.000 người Việt Nam nộp đơn xuất cảnh theo diện HO chưa được Mỹ phỏng vấn (tỷ lệ từ chối sau phỏng vấn đã tăng lên 48% trong những tháng gần đây). Riêng về chương trình đoàn tụ gia đình ODP, còn 50.000 người chưa được phỏng vấn. Chính phủ Mỹ chỉ cam kết nhận những trường hợp con lai có đủ tiêu chuẩn.

* Những trường hợp tham nhũng được ghi nhận ở Hà Nội trong năm 1994 đã tăng 47% so với năm trước, liên quan tới 70 công chức và 88 người lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, ở Thành phố HCM, một cuộc sơ kết cho biết thành phố bị thiệt hại ít nhất là 5 triệu đôla trong năm qua vì tham nhũng.

* Ban tổ chức những “ngày lễ lịch sử trong năm 1995” đã được thành lập, bao gồm 16 viên chức cao cấp và do bộ trưởng văn hoá Trần Hoàn làm trưởng ban. Trần Hoàn nguyên nhạc sĩ (Sơn nữ ca...) nổi tiếng là một trong những đầu óc thủ cựu nhất trong giới văn nghệ sĩ Hà Nội.

* Công ty xây dựng cầu Thăng Long đã cùng với công ty pháp Fressynet khởi công xây dựng một cây cầu dài 746 mét, rộng 12 mét bắc qua sông Gianh, trên quốc lộ số 1. Phí tổn công trình ước tính 20 triệu đôla, trong đó chính phủ Pháp hỗ trợ 5 triệu đôla.

* Một lớp học Anh văn đầu tiên dành riêng cho công chức cao cấp đã được mở ra tại Hà Nội. Theo học có gần 40 thứ trưởng và vụ trưởng. Khoá học kéo dài một năm, và sau đó những người tốt nghiệp trên nguyên tắc phải đủ sức sử dụng tiếng Anh để làm việc thẳng với người nước ngoài. Theo chỉ thị của thủ tướng, tới cuối năm 1997, toàn bộ quan chức cấp thứ trưởng và vụ trưởng phải sử đụng được ít nhất một ngoại ngữ. Hiện nay, một số khá lớn công chức cao cấp của Việt Nam là những người đã đi học ở Nga và Đông Âu về.

* Theo một báo cáo của bộ Lao Động, trong năm 1994 có khoảng 10.000 người Việt Nam đã ký hợp đồng đi lao động ở nước ngoài, phần lớn là ở các nước châu Á và Trung Cận Đông. Nhiều bác sĩ, y tá Việt Nam đã đi Koweit, Qatar và Yemen. Nhật, Hàn Quốc, Malaixia, Liban, Libye tuyển nhiều lao động trong các ngành nghề như may mặc, điện tử và xây dựng.

* Trong năm 1994, Hàng không Việt Nam đã chở 1,67 triệu khách (tăng 54,5% so với năm 1993) trên 23.000 chuyến bay nội địa. Gần 700.000 khách là người nước ngoài, với vé bay đắt hơn vé của người trong nước. Mặc dầu có sự cạnh tranh của hãng Pacific Airlines, Hàng không Việt Nam đã thu lãi gần 21 triệu đôla. Hơn một nửa trong số 27 chiếc máy bay của công ty là những máy bay Mỹ và Tây Âu (Boeing, Airbus và ATR).

* Căn cứ Long Bình (Biên Hoà) của quân đội Mỹ trước 1975, rộng 100 ha, cách Sài Gòn 30 km, sẽ được xây dựng thành một khu công nghiệp chế biến với sự tham gia (70%) của công ty Thái Lan Bangpakong Industrial Zone Development Ltd. Doanh nghiệp đặt tại đây sẽ được hưởng ít ưu đãi thuế khoá hơn ở các khu chế xuất, nhưng được sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước.

* Theo những chuyên viên của Ngân hàng Quốc gia, những luật lệ chi li bất hợp lý cộng với sự yếu kém trong công tác kế hoạch là các lý do chính khiến cho mới có 10,5% trên tổng số 3,82 tỉ đôla tiền viện trợ của nước ngoài và của các định chế tài chính quốc tế được triển khai.

* Sân golf Thủ Đức đã khánh thánh một cung đoạn đầu, rộng 300 ha (trên diện tích tổng cộng 750 ha của cả công trình). Khách cá nhân của sân phải đóng tiền vào câu lạc bộ 35.000 đôla/năm, các công ty gia nhập câu lạc bộ đóng 74.000 đôla/năm. Sự chống đối của những người quan tâm đến môi trường như vậy đã không ngăn cản được nạn phá rừng để làm sân golf.

* Chính phủ Việt Nam đã quyết định giảm giá thuê đất khoảng 25% để đáp ứng một yêu cầu của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Giá mới, tuỳ theo vùng, được qui định từ 1,13 đôla/mét vuông/năm tới 13,6 đôla. Những giá thấp được dành cho các công trình đầu tư trong những lãnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu, cảng đường sá...

* Thị trường bảo hiểm ở Việt Nam không còn là độc quyền của công ty quốc doanh Bảo Việt. Hai công ty Việt Nam ngoài Bảo Việt và hơn 10 công ty nước ngoài khác (công ty Anh Prudential Insurance, các công ty Pháp AGF, UAP, công ty Nhật Tokyo Marine and Fire...) sẽ bắt đầu hoạt động trong năm nay.

* Tổ hợp Hàn quốc Daewoo đã khánh thành một nhà máy lắp ráp xe hơi ở ngoại thành Hà Nội với công suất 20.000 xe con và 1.000 xe khách mỗi năm. Daewoo đã có 9 cuộc đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, trị giá 450 triệu đôla, trong đó 250 triệu đã được triển khai, dự tính sẽ đầu tư tổng cộng khoảng 1 tỉ đôla, chiếm địa vị số một trong những công ty nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Kinh tế 1994 qua số liệu

 

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,5% GDP năm 1994, đạt 170.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ đôla), tăng 8,5% so với 1993, và đây là năm thứ 4 nền kinh tế Việt Nam có nhịp độ tăng trưởng cao (1991: 6%, 1992: 8,6%, 1993: 8,1%), bình quân 4 năm đạt 7,8%. Tốc độ tăng trưởng đạt được do các ngành đều phát triển khá, trong đó công nghiệp tăng 13,5% (1993: 12,7%), dịch vụ tăng 12,5% (1993:13%), nông nghiệp tăng 4,5% (tương đương với năm 1993). Cơ cấu của GDP năm 1994 gồm có: 27,7% nông lâm nghiệp, 22,1% công nghiệp, 13,5% thương nghiệp, 11,3% du lịch và xây dựng nhà ở, 7,6% xây dựng cơ bản, 4,1% vận tải và bưu điện 13,7% ngành khác.

Lương thực đạt 26 triệu tấn

Sản lượng lương thực (quy ra thóc) có thể còn cao hơn nếu như không gặp thiên tai lũ lụt, ước tính thiệt hại gần 1 triệu tấn. So với năm 1993, lương thực tăng 2%, song tính bình quân đầu người thì giảm xuống 358,5 kg (1993: 359,2 kg). Sản lượng gạo xuất khẩu (kể cả những hợp đồng nhỏ, nhưng dĩ nhiên không tính buôn lậu) lên hơn 2 triệu tấn.

Nhập siêu gấp hai lần

Trong khi xuất khẩu đạt 3,6% tỷ đôla, nhập khẩu lên đến 4,5 tỷ đôla, cán cân ngoại thương năm 1994 bị hụt 900 triệu đô1a, tăng gấp đôi so với năm trước (1993: 424 triệu đôla) và đây là số nhập siêu cao nhất từ 1990 đến nay. Nếu tính thêm cả mậu dịch tiểu ngạch và buôn lậu thì con số nhập siêu thực sự còn lớn hơn nữa. Tuy vậy, cán cân thanh toán quốc tế vẫn cân bằng do được bù đắp bằng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và viện trợ.

Đầu tư nước ngoài tăng 70%

Số vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của các dự án được cấp giấy phép năm 1994 là 4 tỷ đôla, tăng 45% so với năm 1993. Số vốn đầu tư thực hiện trong năm đạt 1,7 tỷ đôla, tăng 70% so với năm trước. Cùng với viện trợ phát triển (ODA) đã giải ngân được là 400 triệu đôla, tỷ trọng vốn nước ngoài chiếm hơn 26% tổng số vốn đầu tư.

Năm 1994, tổng số đầu tư (của cả trong nước và nước ngoài) tiếp tục tăng, đạt tỷ lệ 22% GDP (1993: 19%). Đồng thời tiết kiệm quốc nội đạt tỷ lệ 65 ,4% tổng số đầu tư (1993: 57,2%).

Lạm phát hai con số

Sau một năm kìm giữ lạm phát ở mức một con số (5,2%), chỉ số giá cả năm 1994 tăng 14,5%. Trong những nguyên nhân trực tiếp có các chủ trương của chính phủ điều chỉnh giá một số mặt hàng nguyên nhiên liệu vật liệu và nâng giá lương thực thực phẩm và cải tiến mức lương của công nhân viên chức nhà nước (tăng gần 80% trong hai năm 1993-1994). Giá vàng và đôla tương đối ổn định.

 

Số liệu: Tổng cục thống kê, Uỷ ban hợp tác và đầu tư, Uỷ ban kế hoạch nhà nước.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss