Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 38 / Văn hoá và thị trường

Văn hoá và thị trường

- Bùi Mộng Hùng — published 20/02/1999 00:00, cập nhật lần cuối 24/05/2007 00:35
Thay vì nhai đi nhai lại những luận cứ đã cũ, chúng ta thử đặt các tác nhân của văn hoá đại chúng trong quan hệ qua lại của chúng, vào thời điểm mà các phương tiện thông tin (phim ảnh, truyền hình, viễn thông, máy vi tính, ...) đang chuyển mình hội nhập vào multimedia, vào "xa lộ thông tin"...


Văn hóa và thị trường:
Văn hóa đại chúng

 
bùi mộng hùng

 

Thông tin đại chúng - Văn hoá đại chúng

 
Mass media
là từ ngữ nguồn gốc ở Hoa Kỳ, bao gồm những phương tiện thông tin đại chúng: báo chí, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình... Và mass culture, văn hoá đại chúng cũng cùng một gốc để chỉ văn hoá do mass media sản xuất và truyền đi.

Các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh, truyền hình, viđêô đang lan rộng trong nước ta, từ khi cửa mở cho cơ chế kinh tế thị trường. Và ta ưa hay là không thích, chúng vẫn cứ là một bộ mặt tiêu biểu cho cơ chế thị trường, đang chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá và đời sống hàng ngày ở nước ta, và sẽ còn lan rộng, thêm trọng lượng hơn nhiều trong tương lai. Theo sau chúng là một loạt vấn đề có thể tạm tóm gọn trong câu: "Ai, nói những gì, cho ai nghe, tác động như thế nào?". Những câu hỏi mà cũng là những mối ưu tư của rất nhiều thành phần xã hội: chính quyền, xí nghiệp kinh doanh thông tin, chính trị gia, trí thức, dư luận quần chúng... Các xí nghiệp truyền thanh, truyền hình, quảng cáo thì muốn biết về thị trường của mình, về ai nghe. Dư luận quần chúng, trí thức, chính quyền đặc biệt lưu tâm đến ảnh hưởng các phương tiện thông tin đại chúng, mass media tác động vào quần chúng đến đâu.

Những vấn đề đang đặt ra cho nước ta thật ra thì đã được lưu tâm tại các nước công nghiệp từ những năm 30. Công trình nghiên cứu xã hội học trong những năm này của Layne Fund Studies đã đi đến kết luận rằng không thể dứt khoát qui cho loại phim hung bạo một ảnh hưởng quyết định đến tình trạng thiếu niên phạm pháp.

Chính vì điều tra xã hội học – cục bộ và giới hạn trong những thời điểm nhất định – không đem lại được giải đáp dứt khoát về ảnh hưởng văn hoá toàn bộ của mass media trong dân chúng, mà văn hoá đại chúng trở thành đề tài tranh luận sôi nổi dưới mọi khía cạnh thẩm mỹ, đạo lý, văn hoá, chính trị... Vào những năm 50 ở Hoa Kỳ, trong những năm 60 ở Âu châu. Có ý kiến cho văn hoá đại chúng là một thứ văn hoá giả mạo, một loại phản-văn-hoá, là phương tiện giật dây lệ thuộc hoá quần chúng. Và ngược lại có những cái nhìn lạc quan cho rằng văn hoá đại chúng là bước đầu cho văn hoá phổ biến , đến được với mọi người.

Thay vì nhai đi nhai lại những luận cứ đã cũ, chúng ta thử đặt các tác nhân của văn hoá đại chúng trong quan hệ qua lại của chúng, vào thời điểm mà các phương tiện thông tin (phim ảnh, truyền hình, viễn thông, máy vi tính, ...) đang chuyển mình hội nhập vào multimedia, vào "xa lộ thông tin". Từ cái nhìn đó, nhận định chỗ đứng của một nước chưa phát triển như nước ta. Đó là bước đầu cho mọi hành động có ý thức. Không than vãn tự ty, không hy vọng hão huyền. Và không lẫn lộn các bình diện khác nhau, nghệ thuật với công nghiệp thông tin chẳng hạn, như trong lập luận trong bài Văn hoá và Thị trường của Ngọc Trai (DĐ sẽ đăng trong một số tới).

Trước hết cần xác định rõ hơn ý nghĩa "văn hoá đại chúng". Văn hoá được hiểu như là một kích thước tiềm tàng trong đời sống xã hội: phong cách ứng xử với mình, với người, với thiên nhiên, những tập tục và thói quen truyền từ đời nọ đến đời kia. Hiểu như vậy văn hoá là nơi trí năng giao tiếp với xúc cảm, là hệ thống dựng cấu trúc cho cách nhận định thế giới, sáp nhập thực tại với tưởng tượng qua các biểu tượng, huyền thoại, lý tưởng, ý thức hệ chung của một nhóm người.

Từ "đại chúng" gợi trong lòng chúng ta cảm tình đối với một từ ngữ cách mạng dùng để chỉ số đông nhân dân nói chung. Ở đây nghĩa của nó lấy từ trong cụm mass media để nói ý phổ biến rộng cho một số đông.

"Văn hoá đại chúng" là văn hoá sản xuất ra nhằm phổ biến rộng cho một số đông người, không kể đến thành phần nghề nghiệp và xã hội của họ.
 

Văn hoá và văn hoá

 
Nhưng sẽ thiếu sót và thậm chí sai lầm nếu cho rằng văn hoá đại chúng là một thể đồng nhất. Vì quên tình huống đa thành phần, và vì vậy đa văn hoá của xã hội ngày nay. Nhiều luồng văn hoá cùng tồn tại, có khi xung đột với nhau: văn hoá học đường, văn hoá quốc gia, văn hoá dân tộc, văn hoá tôn giáo, văn hoá chính trị và văn hoá của giới "có văn hoá"... Mọi luồng văn hoá đều có thể sử dụng thông tin đại chúng, trừ các loại văn hoá bị cấm kỵ, các luồng văn hoá ngầm.

Văn hoá đại chúng vì vậy không toát ra một cách máy móc từ phương tiện thông tin đại chúng, tuy rằng nó phát triển theo và do các phương tiện này, với một động thái lịch sử riêng của xã hội công nghiệp - tư bản, trong một thị trường nhờ phương tiện phổ biến đại chúng mà ngày càng rộng lớn thêm; sản phẩm văn hoá đưa vào thị trường này như là hàng hoá tuân theo luật cung cầu. Vậy, văn hoá đại chúng không chỉ bắt nguồn từ phương tiện thông tin đại chúng, mà cội rễ chính của nó là kinh doanh tư bản.
 

Những mâu thuẫn cơ bản

 
Và đó là nguồn gốc của những mâu thuẫn cơ bản tiềm tàng trong văn hoá đại chúng.

Thế giới văn hoá, một thế giới do chính con người tạo nên, những đồ vật cụ thể trong thế giới này – sách, tranh, tượng, nhạc, kiến trúc – là bằng chứng sờ mó được cho một quá khứ ghi sâu trong ký ức của mỗi dân tộc, của loài người. Chỉ tiêu đích thực của một đồ vật văn hoá là tính trường tồn, xa hàng thế kỷ vẫn xúc động lòng người xem.

Tiêu biểu cho văn hoá là tác phẩm nghệ thuật. Không cần thiết cho sống còn như cơm ăn nước uống, không để tiêu thụ, sử dụng đến hao mòn như vật dụng thường ngày, tác phẩm nghệ thuật tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác, độc lập với các quy chiếu lợi ích và chức năng. Người thưởng thức tác phẩm nghệ thuật, trong giây lát gác mối bận tâm, quên nhu cầu đời sống, cho lòng tràn ngập một niềm vui không vụ lợi.

Trái lại, sản phẩm văn hoá đại chúng là hàng hoá làm ra để tiêu thụ, để sử dụng cho đến tiêu hao hệt như những hàng tiêu dùng khác nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu khiển của một xã hội tiêu thụ. Một nhu cầu không ngừng tăng trong những xã hội mà chẳng còn mấy ai dành thời gian rảnh rỗi để cải thiện con người mình, đa số dùng toàn bộ thời gian ấy vào việc tiêu khiển. Một cách thức tiêu thụ, mỗi ngày mỗi phải nhiều hơn, phải dễ tiếp cận hơn. Vì thế, văn hoá đại chúng chất chứa khuynh hướng đơn giản hoá vấn đề, vạt bỏ những góc cạnh đặc thù của mỗi luồng văn hoá riêng biệt phải mất thời gian tìm hiểu để biến tất cả thành trò giải trí.

Tuy nhiên tác động của phương tiện thông tin đại chúng vào ý kiến, dư luận, niềm tin của con người không trực tiếp và tất định như chúng ta lầm tưởng. Những ý niệm truyền đạt qua phương tiện thông tin đại chúng mà trái với niềm tin, với huyền thoại căn bản của một tầng lớp xã hội thì không khỏi bị cực lực chống chọi.

Có trường hợp, gậy ông đập lưng ông, tác động ngược hẳn với mục tiêu mong muốn. Một ví dụ trước mắt: học sinh bị nhồi ép mácxít - lêninít vào đầu óc suốt thời gian cắp sách đến trường đến ngấy lên tận cổ, kết quả là "trả bài" cho kỳ thi xong ai nấy đều vội quên cho hết. Thoáng nghe đến mác-lê là đã bịt tai. Đài truyền thanh sáng chiều oang oang ở đầu xóm, báo chí ngày lại ngày đưa tin một chiều. Mà ý truyền đạt qua báo qua đài khác nào nước đổ lá môn, có lọt vào tai người phó thường dân thì họ lại diễn giải theo ý riêng của họ...

Chính quyền có thể nhắm mắt thi hành ý đồ của mình, bằng tiền của nhân dân, chẳng cần đếm xỉa đến kết quả. Tư bản thì khác, nào dám khinh thường phản ứng công chúng trước sản phẩm tung ra thị trường: đó là yếu tố quyết định lợi nhuận. Chính vì văn hoá đại chúng là một thực tại đa kích thước, lẽ sống còn của nó hoàn toàn lệ thuộc vào kinh tế nhưng rễ nó lại bám vào tâm lý con người, yêu cầu của nó là bám sát thực tế trong chức năng đưa người bay vào không gian tưởng tượng. Vì vậy, không thể đơn giản quy văn hoá đại chúng vào kích thước duy nhất là kinh tế. Và, tuy có thể quan niệm hệ thống văn hoá đại chúng theo mô hình kinh tế kinh điển (sản xuất, phân phối, tiêu thụ), ta không thể quên tính chất phức tạp với những mâu thuẫn nội tại của nó.

Trong chuỗi đặc trưng của văn hoá đại chúng "Ai, nói những gì, cho ai nghe, tác động là gì?", ai là công nghiệp văn hoá (sản xuất - sáng tạo), nói những gì là các chủ đề văn hoá, ai nghe không phải là công chúng chung chung mà là thế giới tiêu thụ văn hoá gồm nhiều tầng lớp xã hội khác nhau, tác động thuộc về những vấn đề chức năng và loạn chức năng của văn hoá đại chúng trong xã hội.
 

Công nghiệp văn hoá

 
Phương thức sản xuất công nghiệp theo chân văn hoá đại chúng tràn vào lĩnh vực văn hoá. Các kỹ thuật thuần lý hoá nhằm nâng năng suất và khả năng sinh lợi lên tối đa (phân công, tiêu chuẩn,...) được đem áp dụng vào báo chí, sản xuất phim ảnh, truyền thanh, truyền hình.

Hoàn thành một tác phẩm, trước đây là công việc của một tác giả, nay được phân ra nhiều giai đoạn kỹ thuật. Trong toà soạn của các tạp chí đại chúng, một bài báo thường được phân công cho nhiều kíp chuyên môn: phóng viên săn tin gởi về cho một hay nhiều biên tập viên thu thập lại viết ra một bài nháp, bài đó qua tay một rewriter gọt rũa cho câu văn trong sáng, dễ hiểu, cảm động, linh hoạt...

Tác phẩm dù là bài báo, phim, một buổi phát thanh hay truyền hình phải tuân theo một số tiêu chuẩn, về nội dung (đề tài, cách hành văn, tính dễ hiểu,...) và về hình thái (theo một khuôn thời gian và không gian nhất định, phim dài khoảng một giờ rưỡi đồng hồ, bài báo giới hạn trong một số chữ, buổi truyền hình phải bắt đầu và chấm dứt đúng giờ giấc). Qui luật sản xuất hàng loạt cũng áp dụng vào công nghệ văn hoá. Nhưng khốn nỗi, ở đây không thể áp đặt tiêu chuẩn hoá quá máy móc: xe hơi thì có thể sản xuất hàng loạt được, còn sản phẩm văn hoá, không nhiều thì ít, phải có tính cách duy nhất, phải có khác biệt với sản phẩm tương tự. Quay đi quay lại phim Tarzan, được? Với điều kiện là mỗi phim mỗi có tình tiết đặc biệt, mỗi Tarzan mỗi có cá tính riêng của mình.

Tiêu chuẩn hoá đến cùng là chết công nghệ văn hoá. Mỗi lần sản phẩm mới ra mắt, không sao lường trước được công chúng tiếp nhận ra thế nào. Quá gần với cái cũ, khán giả nhàm chán, thất bại và lỗ lã; quá độc đáo, quần chúng hoang mang không hiểu, lại cũng hỏng.

Mâu thuẫn cốt tử trên hai bình diện kinh tế văn hoá là một yếu tố qui định cấu trúc cùng hoạt động của công nghiệp văn hoá. Đầu tư vào công nghiệp này có cơ lời to nhưng cũng có cơ lỗ nặng. Khả năng sinh lợi lớn thu hút giới đại tư bản tiền tệ quốc tế. Theo chân giới này, khuynh hướng bàn giấy, tập trung, thuần lý hoá xâm nhập công nghiệp văn hoá.

Tuy nhiên mâu thuẫn kinh tế - văn hoá tạo một thế đối ngẫu. Cấu trúc công nghiệp - bàn giấy - tập trung - thuần lý hoá và cấu trúc doanh nghiệp cá nhân - phiêu lưu - liều lĩnh, khi thì cộng tác với nhau, khi lại căng thẳng xung đột.

Tình huống nước đôi này đậm nét hay không theo mỗi ngành. Ngày nay các nhóm tư bản lớn chiếm lĩnh ngành báo chí đại chúng. Trong ngành, nguy cơ lớn đến từ cạnh tranh, có vốn dài làm hậu thuẫn là thêm sức chịu đựng, giảm nguy cơ lỗ lã. Trái lại, trong ngành phim ảnh, chi phí thực hiện phim ngày càng lớn, nguy cơ lỗ ngày càng cao, lượng người xem xiné lại giảm, các công ty khổng lồ ở Hollywood thu nhỏ tầm vóc lại, tập trung nắm khâu ăn chắc là phân phối trên toàn thế giới. Còn khâu thực hiện, lời lỗ bếp bênh khó lường, thì nhường cho các nhà sản xuất độc lập kinh doanh, chạy tiền làm mỗi phim, lời ăn lỗ chịu. Các đài truyền thanh, truyền hình do tư bản tư nhân kinh doanh, chủ yếu sống bằng quảng cáo cạnh tranh với nhau giành giựt một thị trường kếch xù. Doanh số của một đài truyền thanh tương đối không lớn, Europe 1 của Pháp, là 2,5 tỷ frăng trong trong năm 1994. Trường hợp đài quốc doanh, nhà nước gánh chịu nguy cơ lỗ lã.

Nói chung, công nghiệp văn hoá gồm một khối trung tâm đồ sộ trong tay hệ thống tư bản tập trung. Các thành phần cá nhân phiêu lưu xoay vần bám quanh như những vệ tinh mong manh, không ít thì nhiều dưới sự kiểm sát của trung tâm.

Xu hướng hội nhập các kỹ thuật viễn thông, phim ảnh, máy vi tính v.v... vào multimédia, vào "xa lộ thông tin" đòi hỏi đầu tư kỹ thuật nặng. Muốn cho khối lượng đầu tư đó sinh lợi thì phải chiếm một thị trường tầm cỡ toàn cầu mới tương xứng. Sản phẩm làm ra phải sao cho khắp năm châu đâu đâu tiêu thụ cũng được: đó là những yếu tố thúc đẩy thêm tập trung tư bản, tiêu chuẩn hoá thêm gắt gao để người ở khắp dưới gầm trời nơi nào xem cũng không bị chướng tai gai mắt. Vì đó mà tiềm tàng nguy cơ sản phẩm làm ra nhạt nhẽo, vô vị. Tuy nhiên các xu hướng lấn át máy móc này sẽ vấp vào mâu thuẫn đặc trưng trong quan hệ sản xuất - sáng tạo.
 

Quan hệ sản xuất - sáng tạo

 
Trong công nghiệp văn hoá, sản xuất đã chẳng trọn vẹn công nghiệp mà cũng không hoàn toàn là sáng tạo nghệ thuật trong ý nghĩa thông dụng của hai từ này. Muốn sát với thực tế hơn, chúng ta phải nói sản xuất - sáng tạo, hai khái niệm quấn quýt vào nhau, vừa thu hút vừa xô đẩy lẫn nhau. Vì ai trong ai làm thật ra không phải một mà là hai: một bên là nhà sản xuất – nhà kinh doanh tư bản hay là nhà nước - chủ nhân ông – một bên là người sáng tạo. Cộng tác với nhau, nhưng trong thế tiềm tàng tranh chấp. Đạo diễn phim phải chống lại áp lực của nhà sản xuất đòi áp đặt một tài tử minh tinh, yêu cầu thay đổi một đoạn phim. Bài của nhà báo thường bị cắt xén, thay đổi, gọt bớt bén nhọn để tránh đụng chạm, cho phù hợp với quan niệm toà soạn, v.v…

Thực tế thì trong công nghiệp văn hoá thường xuyên có sự giằng co giữa người sáng tạo với hệ sản xuất. Giới sáng tạo chỉ mong sao cho việc làm của mình không phải lệ thuộc sản xuất, cầu cho sản xuất tôn trọng những điều kiện, nếu thiếu thì sáng tạo khó mà nảy nở.

Trong tương quan sản xuất - sáng tạo, khi thì sản xuất lấn lướt sản phẩm bị bó khuôn trong các tiêu chuẩn; khi thì sáng tạo át được sản xuất và tính chất tác phẩm tương tự với tác phẩm nghệ thuật văn chương. Nhiều khi khuôn phép do sản xuất đặt ra vẫn được tuân thủ, nhưng trong khuôn khổ đó có đủ tự do cho sáng tạo: cấu trúc rập mẫu những phim cao bồi westem không ngăn cản các nhà đạo diễn tài hoa thực hiện được kiệt tác. Cũng như các quy luật nghệ thuật sân khấu cổ điển Pháp, khuôn mẫu sản xuất có cơ gò bó bóp chết tác phẩm, nhưng cũng có khi làm cho gấm lại thêm hoa.

Trong các tờ báo nổi tiếng, tương quan giữa sản xuất và sáng tạo tuỳ theo mục, theo trang. Có những bài thực hiện tập thể nhưng cũng có những bài do tác giả trứ danh ký tên. Nhà sản xuất mời nhân vật nổi tiếng, dựa vào tiếng tăm của họ, vì thế cũng nới cho họ được rộng tự do phát biểu.

Hệ thống công nghiệp văn hoá dựa trên lôgíc nước đôi: lôgíc công nghiệp - bàn giấy - tập trung - tư bản - tiêu chuẩn hoá, nhằm sản xuất hàng loạt ; và lôgíc cá nhân - đổi mới - sáng tạo. Đó là nguyên nhân làm cho hệ thống thiếu ổn định, thường phải biến chuyển theo tương quan lực lượng giữa hai lôgíc mâu thuẫn nhau. Và ta hiểu vì sao nó có khả năng sản sinh ra được tuyệt tác đồng thời với những sản phẩm rất tồi.
 

Tiêu thụ văn hoá

 
Văn hoá quốc gia và văn hoá học đường là những luồng văn hoá quy định bởi gia đình và hệ giáo dục. Còn văn hoá đại chúng thì là thị trường đề nghị. Nó gợi ước mong, hứa thú vui. Căn bản, nó là hoan lạc chủ nghĩa.

Vì vậy, văn hoá đại chúng là một văn hoá giải trí. Nó xen vào những giờ phút nhàn hạ và sống nhờ thời gian rảnh rỗi. Người ta tiêu thụ theo nó theo thị hiếu thẩm mỹ. Nói thế có nghĩa là trong quan hệ với sản phẩm văn hoá, người tiêu thụ đứng nước đôi giữa hai trạng thái, vừa cách bức lùi xa vừa tham gia thực sự. Khán giả ý thức mình đang xem một cuộc biểu diễn đó, nhưng cũng tham gia hết mình vào đấy. Chính sự tham gia này là điểm bí yếu trong tiêu thụ văn hoá. Khán giả xem xiné có xu hướng "ngoại xuất" nghĩa là gán cho các nhân vật chính, các tình huống trong phim, những xung năng, khát vọng, lo sợ thể hiện trong thế giới tưởng tượng của cuốn phim, đồng thời cũng đồng hoá chính mình với nhân vật sống trên màn ảnh, trên màn truyền hình. Trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê ấy, hiện tượng ngoại xuất - đồng hoá thể hiện một sự thâm nhập giữa sản phẩm văn hoá với người xem.

Lâu ngày chầy tháng, sự thâm nhập thường xuyên ấy có những tác động gì? Không thể giải đáp câu hỏi này một cách tất định. Nói cách giản đơn thì tiềm tàng hai khả năng đối cực: một mặt là trốn tránh thực tại, đi vào thế giới tưởng tượng mộng mơ, mặt khác là tự đồng hoá với nhân vật, bắt chước xử sự phỏng theo phim.

Vì vậy, tuỳ trường hợp, tuỳ điều kiện, văn hoá đại chúng là một nhà máy reo rắc mộng mơ, hoặc ngấm ngầm gài những huyền thoại, những ý niệm trội sáp nhập vào xã hội. Nói chung thì nó thể hiện cả cả hai vai trò nói trên, và vì thế – hiểu theo nghĩa xã hội học và dân tộc học – văn hoá đại chúng là một văn hoá đích thực. Trong các nước tư bản, điều không thể chối cãi được là văn hoá đại chúng thể hiện chức năng sáp nhập con người vào ý thức hệ chính thống.

Khi văn hoá đại chúng của các nước công nghiệp tràn ngập thế giới, sức chinh phục như vũ bão đem phổ biến khắp nơi một kiểu folklo chung chung, lấn lướt đè bẹp các nền văn hoá địa phương độc đáo.

Các phong cách ứng xử, những ý niệm rất là tự nhiên trong xã hội công nghiệp, khi du nhập vào thế giới thứ ba biến thành ước mơ xa vời thực tại. Đồng thời, chúng reo rắc hình ảnh một lối sống khác lạ, khêu gợi tưởng tượng, kích thích nhu cầu mới – thử nghĩ có quảng cáo nào sánh được với sức kích thích tiêu thụ quần jean của phim cao bồi western Hoa Kỳ? Và cũng không thể loại trừ khả năng chúng gây ý thức mới cho những yêu sách xã hội trong các nước chậm tiến.

Như đã nói ở một đoạn trên, "xa lộ thông tin" sẽ tăng sức ép của tập trung tư bản, của sản phẩm văn hoá rập khuôn. Vệ tinh từ trên trời, nào có đếm xỉa gì tới ranh giới quốc gia, đến đặc trưng văn hoá, ngày đêm trút xuống khắp nơi trên hoàn cầu hình ảnh, âm thanh do một vài trung tâm khổng lồ chế tạo ra. Trước ý chí chinh phục thị trường văn hoá thế giới của những lực lượng nắm trong tay thế lực tài chính, kỹ thuật, chính trị vượt sức lực quốc gia riêng lẻ thì cái quyền mỗi nhóm người, mỗi dân tộc được tự tình bằng âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ của xúc cảm, tâm tư tự đáy lòng mình chỉ là cái quyền của trừu non trước mõm lang sói. Tuy nhiên...
 

Thế đứng nước nghèo

 
Chính vào những thời điểm công nghiệp thông tin chuyển động mạnh, trước khủng hoảng, trước yêu cầu mới của kỹ thuật, của xã hội, cả hai xu hường cơ bản trái ngược nhau – tập trung tư bản và sáng tạo nghệ thuật – đều tự khẳng định trong công cuộc tìm lối thoát.

Vào cuối thập kỷ 50, đầu 60, trước khủng hoảng lượng người xem xiné giảm sút, công nghiệp phim ảnh phải xắp xếp lại toàn bộ hệ sản xuất - sáng tạo - phân phối.

Khi ấy xu hướng của các nhà tai to mặt lớn trong công nghiệp làm phim là thu hút khán giả bằng cách sản xuất phim dàn cảnh vĩ đại, ngân sách khổng lồ.

Đồng thời cũng nảy ra cách làm phim của một bộ phận trẻ, dựa vào các nhà sản xuất nhỏ, vào trợ giúp của nhà nước. Ngân sách khiêm tốn, chẳng cần minh tinh, nhưng tác giả sáng tác theo ý riêng khác xa các mẫu sáo mòn của công nghiệp văn hoá. Khi đó, nổi lên ở Pháp đợt sóng mới nouvelle vague – phim A bout de souffle (Hết hơi) của Godard ra mắt khán giả năm 1957. Và ở Ý những phim của Antonioni, của Fellini (La Dolce vita, rồi L'Aventura, La nuit, Le désert rouge, ...), nhìn xã hội dưới nhãn quan mới lạ. Làm ra những tuyệt tác để đời.

Khi công nghiệp văn hoá phải lột xác để thích nghi với kỹ thuật mới, thì cũng là thời cơ cho tìm tòi nghệ thuật nghe nhìn mới, cho sáng tạo cùng tư bản tiền tệ chen chân vào.

Nước nghèo có cơ tìm được một chỗ đứng hay chăng?

Kẽ hở quả là rất hẹp. Cho tới nay, có trường hợp đặc biệt Ấn Độ, tiếng là nước nhưng thực ra là cả một lục địa. Công nghiệp phim ảnh khai thác nhu cầu mơ mộng thoát ly đời sống bùn lầy vũng hẹp của một xã hội nghèo và đông dân. Mua những giờ phút đi vào thế giới mộng ảo bằng một vé xiné không phải là cái gì quá đáng đối với số đông.

Ở các nơi khác, công nghiệp văn hoá sống được là nhờ biết giữ thế quân bình mong manh giữa hai mặt vừa đối chọi vừa không thể tách rời nhau: công nghiệp và sáng tạo nghệ thuật ở châu Phi, nhà sản xuất phim Ahmed Attia, người Tunisie tạo cho mình một thế đứng then chốt, nhờ phim có giá trị (từ Homme de cendres, người tro bụi, năm 1984 cho tới Les Silences du Palais, những im lặng của cung điện, năm 1994) và có chiến lược toàn diện sản xuất - phân phối. Ông ta "hiện đang suy nghĩ về một chiến lược ở quy mô bao gồm Phi châu, Địa trung hải và Ả rạp " (Le Monde 23.11.94).

Tại Nam Mỹ, "Nhóm ba nước" (Colombie, Mexique, Argentine) họp nhau lại thành một thị trường chung phim ảnh. Sức lực công nghiệp phim hồi sinh với một nghệ thuật hướng vào thực trạng xã hội. Những phim kể chuyện đời sống dưới chế độ độc tài Perez Jimenez và những khó khăn thai nghén dân chủ hiện nay ở Argentine, (La Boda, Đám cưới, 1982, của Thaelman Urguelles; Macu, la femme du policier, Macu, vợ người cảnh sát, 1986, của Solveig Hoogestein), đời sống hàng ngày đầy hung bạo giữa đường phố thành phố Madellin, Colombie, trung tâm buôn lậu ma tuý quốc tế (Sicario, 1994 của José Ramon Novoa), v.v... được khắp thế giới mến phục.

Những sự kiện đó nhắc nhở – nếu ta không nghĩ tới – rằng công nghiệp văn hoá trước tiên là một công nghiệp. Với các khâu liên hoàn sản xuất - phân phối - tiêu thụ. Yếu một khâu, cả ngành èo uột. Chính sách của Pháp về phân phối phim ảnh thiếu sáng suốt trong nhiều năm. Lúc bừng mắt tỉnh ngộ thì Hoa Kỳ đã chiếm lĩnh thị trường phân phối mất rồi. Sản xuất của Pháp có tài hoa, có sáng tạo đấy, nhưng đang nghẹt thở chỉ vì không được phân phối ở thị trường Hoa Kỳ to lớn.

Vai trò của nhà nước, của một chánh sách công nghiệp văn hoá dài hơi, sẽ rất quan trọng trong giai đoạn sắp tới. Sự phát triển của multimedia, của xa lộ thông tin, đòi hỏi sự kiên trì thực hiện một chiến lược công nghiệp văn hoá có tầm nhìn bao quát cả khu vực, khắp thế giới.

Chính quyền nước nghèo có ý chí thực hiện một chính sách xây dựng một công nghiệp văn hoá có sức chen chân vào cuộc cạnh tranh toàn cầu, cho dân chúng còn có cơ được thấm nhuần văn hoá dân tộc, cho văn hoá của ta phần nào có thế đứng bình đẳng với văn hoá các dân tộc khác hay không ?

Đó là vấn đề.

Khi có quyết tâm, chính quyền có sáng suốt nới tay cho sáng tạo đủ tự do hay chăng? Lại là vấn đề khác. Căn bản chẳng kém ý chí xây dựng công nghiệp văn hoá. Vì tự do cần thiết cho sáng tạo nghệ thuật như dưỡng khí cho sự sống. Mà thiếu sáng tạo công nghiệp văn hoá nhất định phải tàn tạ. Khi ấy chỉ có cách bán sông, bán núi, bán cảnh, bán người chớ không mong chen chân vào thị trường văn hoá thế giới được.

Riêng cho nước ta, vấn đề đặt ra gay gắt. Xưa nay, chính quyền xem văn hoá như một công cụ phục vụ cho ý thức hệ, cho chính trị. Nghệ sĩ như thuộc hạ kẻ cầm quyền.

Trong ý thức hệ nhà Nho, văn để chở đạo, dĩ nhiên là đạo Nho (văn dĩ tải đạo). Nhà cầm quyền xưa lấy chính trị của mình làm thước đo giá trị tác phẩm văn hoá. Vua Minh Mạng đánh giá công trình bách khoa toàn thư đồ sộ Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú: "Sách này soạn thuật dẫu khéo, nhưng lập ngôn thường thường bênh vực họ Trịnh, thì kiến thức cũng quê." Nghệ nhân thời Nguyễn phải che dấu tài hoa. Chẳng may mà danh bay ra khỏi lũy tre làng, họ có cơ bị bắt phải rời bỏ gia đình làng mạc, vào kinh phục vụ trong các ty thợ của nhà vua. Cho đến khi đầu bạc, sức tàn.

Quan điểm của chính quyền nước ta ngày nay về văn hoá, về nghệ sĩ, đã là khuôn vàng thước ngọc suốt mấy chục năm nay, chúng ta ai ai cũng được thấm thía. Không cần rườm lời nhắc lại làm chi, chỉ xin trích dẫn giáo huấn của ông Đỗ Mười trước đại hội lần thứ V của Hội nhà báo Việt Nam: "Mọi hoạt động của thông tin báo chí là phải bám sát nghị quyết của Đảng ,.... Cái gì sai trái với mục tiêu và định hướng nói trên, chúng ta kiên quyết phê phán và bãi bỏ. "

Chính vì thế mà vấn đề cốt tử là gột bỏ được nề nếp bóp nghẹt tự do, giết chết sáng tạo. Có vậy mới mong công nghiệp văn hoá chen chân vào thị trường thế giới, chúng ta xây dựng nên một nền văn hoá dân tộc hiện đại.

 
Bùi Mộng Hùng

(1.1995 )

   

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: tập-1, Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us