Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 39 / Phát triển ổn định, ưu tiên

Phát triển ổn định, ưu tiên

- Bùi Mộng Hùng — published 01/01/2007 01:00, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:50
Cứ nhìn vào tình huống các nước châu Mỹ Latinh, các nước Đông Âu thì rõ: cơ chế kinh tế thị trường mở ra nhiều hướng. Khả năng phát triển kinh tế và xã hội. Cũng như khả năng đất nước bị một bọn đầu cơ con buôn thống trị, bị ràng buộc bởi một thứ lệ thuộc mới.

 

Phát triển trong ổn định
Trọng điểm ưu tiên

 
Bùi Mộng Hùng

 
Thời điểm 1991, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu kéo theo nhau mà sụp đổ. Việt Nam lúc ấy quan hệ môi răng với Liên Xô cùng toàn thể hệ thống, nguy cơ bị cuốn theo trong đợt tan rã chung đe doạ như gươm kề cổ.

Trái với tiên đoán của không ít nhà quan sát, Việt Nam không rơi vào suy thoái, đói kém, hỗn loạn. Từ 1989, tình hình kinh tế không ngừng tốt lên. Lạm phát - 774% năm 1986 - liên tục giảm cho đến 1993, còn 5,2%. Tổng sản lượng trong nước (GDP) tăng: 6% năm 1991, 8 ,6% năm 1992, 8,1% năm 1993, 8,8% năm 1994 (số liệu Tổng cục thống kê Việt Nam). Từ tình trạng triền miên nhập lúa gạo, Việt Nam vượt lên hàng nước xuất cảng thứ ba trên thế giới. Đời sống nhiều tầng lớp nhân dân được cải thiện.

Được thế là nhờ những biện pháp " đổi mới ": chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường, cởi bỏ những ràng buộc phi lý bóp nghẹt nông nghiệp, cho phép hộ gia đình làm chủ lấy sản xuất của mình, mở cửa cho các nước tư bản chủ nghĩa, ban hành bộ luật đầu tư thoáng mở... Và người dân Việt Nam, năng động thích ứng nhặm lẹ. Được cởi trói là lăn vào làm ăn chẳng nề hà gian khổ.

Kinh tế, xã hội chuyển biến trong ổn định mấy năm vừa qua là một may mắn lớn cho dân tộc. Vốn không còn sức, và cũng đã quá chán ngán sau mấy thập kỷ hy sinh xương máu và loạn lạc, chẳng lòng dạ nào gánh chịu thêm hỗn loạn, một khi đã bùng lên chẳng ai biết được bao giờ mới chấm dứt.

Bình tâm xét lại chặng đường mấy năm qua, điều đáng mừng là đất nước đang thoát ra khỏi thế trứng để đầu đẳng. Nguy cơ tan vỡ trước mắt đã lùi. Được chút thư thái để suy nghĩ đắn đo bước đi tới. Để đặt câu hỏi : những điều kiện nào là thiết yếu cho đất nước tiếp tục phát triển trong ổn định?

Nhìn vào thực tại, ta không khỏi có cái cảm giác đất nước như người đi dây. Tránh được hiểm hoạ, nhưng chồng chất những vấn đề. Phải nhận định ra đâu là những gút mắc cấp thiết trước mắt.
   

Vấn đề đầu tư

 
Phát triển kinh tế là yếu tố cơ bản cho phát triển xã hội. Một động lực chính cho kinh tế là đầu tư. Không thể chối cãi rằng những đầu tư tích luỹ suốt một thời gian dài cho thủy lợi, điện lực dầu khí, cho khoa học kỹ thuật, cho giáo dục là yếu tố thuận lợi thúc đẩy phát triển trong những năm vừa qua.

Trước mắt, mức đầu tư hôm nay quy định sức phát triển cho ngày mai. Hiện tình vấn đề ra sao?

 
Nói chung, đầu tư tiến triển khá. Trước hết là của nước ngoài. Số vốn các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép năm 1994 là 4,041 tỷ USD, tăng 45% so với 1993. Vốn đã thực hiện năm 1994 là 1,5 tỷ USD, tăng 50% so với 1993 (l tỷ USD), mà 93 đã tăng 87% so với 1992 và gần bằng toàn bộ vốn thực hiện của 5 năm trước đó cộng lại (số liệu của ủy ban nhà nước về hợp tác và đầu tư).

Tổng số đầu tư (gộp trong và ngoài nước) tiếp tục tăng, đạt tỷ lệ 22% tổng sản lượng trong nước (GDP) (1993 19%, 1992 17 % , 1991 14%) . Tỷ lệ tiết kiệm quốc nội bằng 65,4% tổng số đầu tư (1993 57,2%, 1992 75,8%, 1991 65,8%).

Tỷ trọng đầu tư của nước ngoài chiếm 26,2% tổng số. Tương đương với phần của tư nhân và cao hơn tỷ trọng của nhà nước (24,5%).

 
Khả quan, khi nhìn chung. Nhưng xét vào chi tiết nổi lên không ít điểm đáng lo ngại. Cơ cấu đầu tư nước ngoài phân phối tương đối quân bằng: 40% vào dịch vụ và bất động sản, 30% vào công nghiệp, 25% trong khu vực dầu khí, 5% trong nông nghiệp. Có điều tập trung vào miền Nam (75%, sang 1994 còn 55%) riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chiếm 45% - là một yếu tố làm cho sự cách biệt giữa các miền có cơ tăng thêm.

Đáng lo ngại hơn là đầu tư trong nước bộc lộ nhiều yếu kém. Mà chính tỷ trọng, cơ cấu đầu tư của trong nước là yếu tố qui định tính chất độc lập cùng cấu trúc và sức bật của nền kinh tế nước ta.

Theo Uỷ ban kế hoạch nhà nước, phần ngân sách chi năm 1995 cho hạ tầng kinh tế chỉ bằng 86,84% năm 1994. Hầu như không một công trình lớn nào được khởi công xây dựng, năm 1995 chỉ tiếp tục thực hiện các công trình chuyển tiếp từ 1994 hoặc từ các năm trước. Sút kém đầu tư vào hạ tầng hôm nay thì trong những năm tới sẽ phải trả giá cho các ảnh hưởng không hay đến sức tăng trưởng của cả nền kinh tế. Mà sức đầu tư của ngân sách nhà nước tuỳ thuộc vào nguồn thuế thu được. Một vấn đề lớn.

Vốn của tư nhân, theo số liệu năm 1993 của Tổng cục thống kê, chủ yếu dành cho xây dựng nhà cửa (64,4%). Nhưng thống kê chính thức không tính đến kinh tế " chui " mà một số chuyên gia ước lượng đạt tỷ trọng 75% hoạt động kinh tế Việt Nam. Nếu tính gộp cả khu vực này thì hầu hết (95%) đầu tư của tư nhân trong nước chỉ nhằm vào ngắn hạn. Nghĩa là vào đầu cơ nhà đất, thương mãi và dịch vụ. Không tới 5% được đem đầu tư vào công nghiệp. Yannick Madesclaire phải kêu lên: " Người Việt không còn tin vào tương lai của đất nước họ chăng, họ đã đánh mất hết mọi thành thạo trong hoạt động công nghiệp rồi hay sao, hay đây là một hình thức tích luỹ vốn tư bản? " (Au-delà des apparances: un autre regard sur le Việt Nam des années 90, Vượt qua hiện tượng bề ngoài: một cái nhìn khác về Việt Nam của những năm 90, Revue Tiers Monde, t. XXXV, số 140, tháng 10 - 12, 1994, tr. 891 - 906).

Nhận xét có phần đúng. Nhưng nếu ta chỉ chú ý vào khía cạnh chủ quan thì quên mất những yếu tố khách quan trong môi trường đầu tư, đang ảnh hưởng trực tiếp đến cung cách kinh doanh, đến mức độ và phân bố đầu tư của nước ngoài cũng như của trong nước. Phần lớn những vấn đề đó tuỳ thuộc vào khả năng nhà nước cải thiện và quản lý môi trường.
 

Môi trường đầu tư hiện nay

 
Mà vào môi trường nước ta người đầu tư phải vượt qua không biết là bao nhiêu cửa ải.

 
Trước tiên là thủ tục. Phiền hà và cửa quyền. Visa, giấy phép, đất đai, xây dựng, hải quan, xuất nhập khẩu... gì gì cũng nhiêu khê, tốn kém. Người nước ngoài muốn xin giấy phép đầu tư nhanh nhất cũng phải mất hai năm, có trường hợp kéo dài đến bốn năm. Hồ sơ trước khi đến tay Uỷ ban phải đi qua 12 tầng nấc. (DĐ số 32, 7.94)

Bộ trưởng Đậu Ngọc Xuân, chủ nhiệm ủy ban hợp tác và đầu tư (SCCI) đã có lần nói với phóng viên: " Trước đây, nước ngoài nói đầu tư vào Việt Nam rẻ, nhưng bây giờ họ nói chỉ rẻ trên văn bản, giấy tờ. Thực tế nếu cộng cả phí " bất thành văn " vào, thì đầu tư vào Việt Nam đắt không thua vài nước láng giềng. Có một công ty nước ngoài gọi đến SCCI một bản liệt kê danh sách các loại phí. Tôi đếm thì thấy có đến 120 ]oại phí "bất thành văn", nhiều gấp ba lần loại phí được quy định chính thức. " (Tuổi trẻ 17.4.94)

Đầu năm nay ông Đậu Ngọc Xuân lại nhận xét: " Ở Việt Nam, thủ tục đầu tư nước ngoài đã và đang rất phiền hà cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.... Phải nói rằng, ở tầm vĩ mô, ta quy định chung chung và rườm rà hoặc thiếu nên ở dưới (tầm vi mô) khi thực hiện thì biến thành phiền hà. Mà phiền hà sẽ dẫn tới tiêu cực. Chẳng hạn, không quy định thời gian thẩm định, cấp giấy phép dự án hay thời gian làm thủ tục xây dựng nhà máy cụ thể là bao lâu nên ở dưới (xin lỗi) người ta cứ "vẽ" ra, cứ "sáng tác" thêm nhiều thủ tục khác. Được cấp giấy phép đã mất vài tháng sau đó lại mất hàng năm làm thủ tục xây dựng. Nhà đầu tư nản là đúng. " (Lao Động 1.1.95)
 

Bối cảnh pháp lý là một mối lo ngại lớn cho người kinh doanh. Luật đầu tư cởi mở trong tinh thần, Việt Nam biết rút kinh nghiệm của các nước, biến đổi khá uyển chuyển theo câu thúc kinh tế. Tuy nhiên sắc lệnh áp dụng hoặc chưa ban hành, hoặc có thì nhiều khi lại thay đổi không chừng.

Yếu nhất là khâu giải quyết tranh chấp. Pháp luật Việt Nam chưa đồng điệu với pháp luật quốc tế. Các nhà kinh doanh nước ngoài không tin tưởng vào hệ thống tư pháp hiện hành, hoài nghi tính công bằng và khách quan trong phân xử một khi họ có tranh chấp với đối tác Việt Nam.

Còn lại phương thức trọng tài tương đối là tin cậy được. Thế nhưng, Việt Nam chưa có luật về trọng tài quốc tế hoàn chỉnh cho doanh nhân nước ngoài yên tâm.

 
Hạ tầng cơ sở bị bỏ bê trong thời gian quá dài. Đã có nhiều cố gắng cải thiện viễn thông mấy năm qua. Nhưng cước phí đắt so với giá hiện hành trong khu vực. Và hệ thống đường xá, chở chuyên lạc hậu là một trở ngại lớn cho doanh nghiệp phát triển.

Trong điều kiện hạ tầng cơ sở yếu kém đó, đầu cơ nhà đất trong mấy năm liền, trước khi có biện pháp ngăn chặn, lại đẩy giá cả ở thành phố lên mức quá cao. Thành phố Việt Nam thuộc vào hàng đắt nhất ở châu Á. Theo công ty tư vấn quốc tế Richard Ellis thuê văn phòng ở Hà Nội hiện nay giá là 65,7 USD một mét vuông, ở Thành phố Hồ Chí Minh là 57 USD, cao hơn Đài Loan (45,6), Singapore (44,9), Băng Cốc (21,2) (D Đ số 37, 2.95, tr. 5). Giá thuê đất từ 2,5 USD đến 18 USD/m2/năm, đó là chưa tính đến tiền đền bù giải toả và xây dựng hạ tầng. Trong khi Trung Quốc cho thuê mặt bằng đầy đủ hạ tầng ở Thượng Hải từ 0,1 đến 2 USD/m2/năm, Philippin 0,2 - 0,25 USD/m2/năm trong các khu chế xuất, Thái Lan 1,5 - 2 USD/m2/năm trong các khu công nghiệp đã được thiết bị cơ sở hạ tầng.

Vấn đề thành nỗi bức xúc lớn cho các nhà doanh nghiệp trong nước. Đầu tư một mặt bằng chừng vài ngàn mét vuông thôi cũng đã tốn bạc tỷ. Xây dựng được mặt bằng là coi như cụt vốn, tiền đâu mua thiết bị và làm vốn lưu động.

 
Trong khi hệ thống ngân hàng trong nước còn quá lạc hậu. Chỉ riêng việc mở tài khoản séc cá nhân cho khách hàng còn vẫn loay hoay chưa xong.

Vốn là một vấn đề gay gắt. Lãi suất hiện nay quá cao so với tỷ lệ sinh lợi.

Năm 1994, mức lạm phát là 5,2 %, lãi suất cho vay bình quân trên thị trường là 36 % /năm, lãi suất thực tròm trèm 30 % /năm. Năm 1994, mức lạm phát ước tính 15 %, lãi suất vay vốn bình quân trên thị trường là 30% /năm, lãi suất thực khoảng 15 % /năm. Bất lợi cho người vay để sản xuất, nhất là để đầu tư vào công nghiệp, nghĩa là kinh doanh dài hạn. Thực tế chẳng khác nào khuyến khích đầu cơ, chuyện ta thấy trong hướng làm ăn hiện nay của người trong nước.
 

Vai trò chính sách, vai trò con người

 
Những yếu kém trong môi trường đầu tư phần nào phản ánh lúng túng trong chính sách, giới hạn trong khả năng trong cung cách ứng xử của con người.

 
Lúng túng biểu lộ từ cấp trung ương. Qui hoạch phát triển về ngành, về lãnh thổ chưa được xác định cụ thể. Đến khi vào dự án phải bàn bạc qua nhiều cấp từ trung ương đến địa phương. Một cấp chưa đồng ý là tất cả đình lại.

Ví dụ, dự án phát triển chăn nuôi đàn bò, chế biến sữa của Thành phố Hồ Chí Minh liên doanh với New Zeland đệ trình lên chính phủ. Thủ tướng, phó thủ tướng đều đồng ý. Vào thẩm định, trắc trở vì có ý kiến cho rằng ngành công nghiệp chế biến này sinh lợi cao, không nên cho nước ngoài đầu tư. Công nghiệp xi măng cũng vậy. Lúc thì được định hướng là ngành phải dành cho doanh nghiệp trong nước đầu tư, khi lại cho kêu gọi nước ngoài bỏ vốn. Cảm tưởng của người ngoài nhìn vào là khi "mở", lúc "đóng" không đoán trước được.

Định hướng qui hoạch chưa xác định cụ thể, cộng với thiếu thành thạo trong xây dựng dự án vay tín dụng các định chế quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng phát triển Á châu (ADB), v.v... – mỗi nơi mỗi có những yêu cầu, quy định cá biệt – là nguyên nhân chính gây chậm trễ sử dụng tổng số 1,8 USD tín dụng đã được nghị định tài trợ tháng 11.1993 tại Paris hứa cấp cho Việt Nam: năm 1994 mới dùng được 400 triệu.

Điều đáng ngại trong việc thay đổi thất thường định hướng là e rằng hiện tượng này chẳng phải do chiến lược đã chín muồi suy tính. Mà thực chất chỉ là những dao động của thế quân bình mong manh giữa các thế lực nắm quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam.

 
Tinh thần “ban cho" phổ biến trong các cơ quan quyết định chấp nhận hay từ chối dự án đầu tư. Muốn được việc, người đầu tư phải "xin". Có xin, có cho, nên có mặc cả. Nước càng đục, một số người càng dễ trục lợi.

Tiếp xúc với cán bộ, người ngoại quốc cảm nhận ở một số nhà quản lý xí nghiệp, cán bộ chính trị lối suy tư theo nề nếp quen được bao cấp. Mơ tưởng người nước ngoài thay nhà nước và viện trợ Liên Xô mà rót vốn liếng cho mình. Tiếp nhà đầu tư, hoặc đại diện tổ chức phi chính phủ, thay vì đặt vấn đề: "Dự án của ông là gì?", câu hỏi giáo đầu của họ thường là: "Ông đem đến bao nhiêu đôla?" Và câu hỏi này rất có ý nghĩa với doanh nhân ngoại quốc.

Nói chung, văn hoá công nghiệp chưa đi vào nề nếp. Thói nhìn ngắn hạn trục lợi trước mắt làm nảy nở cung cách làm ăn chụp giựt. Xa lạ với những khái niệm năng suất, quản lý, chất lượng. Việc có thể hiểu và thông cảm được.

Điều làm cho người nước ngoài ngạc nhiên là có những cán bộ trung và cao cấp tự cho rằng mình đã thành thạo lắm rồi, trong khi họ lẫn lộn làm ăn phe phẩy với phát triển kinh tế. Khi thương thảo, một số người đứng đàm phán bên phía Việt Nam tỏ ra ngây ngô mà ngạo nghễ, đa nghi và ưa khôn vặt. Vì tự tôn không đúng chỗ, họ dễ phật lòng về những chuyện đâu đâu, bắt bẻ từng li từng tí chi tiết nhỏ nhặt, đôi khi áp đặt những điều kiện mà họ không nghĩ tới rằng bên đối tác không thể nào chấp nhận được. Dự án có khi không thành vì những chuyện chẳng đáng. (Y. Madesclaire, tư liệu đ. d.)

Nhân công Việt Nam không được đào tạo thành nghề. Từ cấp thấp cho đến kỹ sư đã theo hết 5 năm đại học, cấp nào cũng cần được đào tạo bổ túc. Nhận xét của người nước ngoài phù hợp với số liệu của Sở thống kê Thành phố Hồ Chí Minh. Được tuyển vào xí nghiệp, kỹ sư và kỹ thuật viên cần được bổ túc huấn luyện về điều khiển dây chuyền sản xuất (60,9%), quản lý kinh tế và tiếp thị (8,5%), tin học (2,6%). Đối với công nhân, chẳng những phải đào tạo về sửa chữa, bảo quản máy móc (4,6%) mà tuyệt đại đa số phải học thêm về vận hành trang thiết bị (95,4%). Trong điều kiện trường học trong nước, chuyện này không đáng lấy làm lạ. Tuy nhiên phí tổn đào tạo bổ túc làm giảm sức hấp dẫn giá nhân công rẻ.

Điều đáng lo hơn là một nhận xét khác của người nước ngoài: khéo tay khéo chân sửa chữa vặt vãnh thì có, nhưng đến khi phải vào hệ tiêu chuẩn công nghiệp thì nhân viên Việt Nam thường bị vấp váp. Vì thiếu tính nghiêm cẩn trong xây dựng dự án cũng như trong tổ chức công việc. Những cố tật này làm cho người Việt gặp khó khăn trong việc nắm bắt kỹ thuật hiện đại.

Kết luận chung là không thể trông mong sớm có năng suất cao ở Việt Nam. (Y. Madesclaire, tư liệu đ. d.)
 

Cải tổ, cải tổ, cải tổ

 
Chính phủ cũng đã nhận diện những vấn đề trọng điểm cấp thiết. Và đã quyết định một loạt cải tổ. Từ nguyên tắc thủ tục cho đến nhân sự.

 
Các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư đang được chính phủ nghiên cứu. Trong đó có dự định giảm giá đất khoảng 20%. Đầu tháng 6.1994, tại quốc hội, thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết ông đang chỉ đạo để các hồ sơ đầu tư nước ngoài được giải quyết "trong vòng một tháng" và thực hiện "chế độ một cửa". Sẽ qui định thời gian, tiêu chuẩn, định mức các thủ tục. Lần này cuộc cải tiến thủ tục đầu tư có tầm vóc sâu rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiêu cấp và nằm trong cuộc cải cách thủ tục hành chính quốc gia. (xem thêm phần tin tức số này)

 
Trong hướng tinh giản, trẻ hoá, tuyển chọn người đạt tiêu chuẩn nghề nghiệp vào làm cán bộ nhân viên cũng đã thấy có một số biện pháp.

Gần 20% cán bộ cao cấp (từ thứ trưởng trở lên) và ở các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành còn nhiều cán bộ đến tuổi hưu trí. Mặc dầu nhiều người sức khoẻ đã giảm, năng lực hạn chế nhưng chưa về nghỉ hưu. Không thể sắp xếp cán bộ trẻ thay thế. Trong chỉ thị đề ngày 11.11.94 gửi các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chủ tịch uỷ ban nhân dân các tỉnh, thủ tướng Võ Văn Kiệt yêu cầu "thực hiện chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ viên chức ngay trong quý 4 năm 1994".

Một dự án pháp lệnh công chức đã được chính phủ đệ trình quốc hội vào giữa tháng chạp 94. Nếu được thông qua thì con số hiện nay 1 129 000 cán bộ viên chức sẽ giảm nhiều. Và tuyển dụng công chức phải qua thi tuyển công khai căn cứ vào bằng cấp.

Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, được chú trọng. Thủ tướng chỉ thị tới cuối năm 1997 toàn bộ quan chức cấp thứ trưởng và vụ trưởng phải sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ. Và một lớp học Anh văn đầu tiên dành riêng cho công chức cao cấp đã được mở ra ở Hà Nội (DĐ, số 38, 2.95, tr. 11)

Những thay đổi thật cần và cấp thiết. Để đáp ứng với nhịp độ biến chuyển đang tăng tốc khi đất nước bước vào hoà nhập với các nước trong khu vực.

Tháng 7. 1994 hội nghị các ngoại trưởng ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) đã thoả thuận chấp nhận sự gia nhập của Việt Nam sau khi giải quyết xong một số vấn đề kỹ thuật. Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã có thư chính thức ngày 17.10.94 gởi chủ tịch uỷ ban hội viên của ASEAN hoàng thân Mohamed Bolkiah ngoại trưởng Brunei, người ta chờ đợi hội nghị các ngoại trưởng ASEAN vào tháng 7.1995 ở Brunei sẽ chính thức thông qua sự gia nhập của Việt Nam. Riêng việc làm thành viên ASEAN đã đòi hỏi hàng năm Việt Nam có mặt trong hơn hai trăm cuộc họp. Nghĩa là yêu cầu một loạt công chức cao cấp thạo tiếng Anh, có kiến thức, có năng lực.

 
Chưa kể những yêu cầu nhân sự trong nhiều lĩnh vực khác. Như cải cách hệ thống thuế cho thuế suất công bằng hơn, bảo hộ được sản xuất trong nước ở mức hợp lý, như hoàn chỉnh và ban hành Luật ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, những việc làm cần thiết trước mắt trong năm 1995.

Vì cho đến nay, nhà nước Việt Nam vẫn chưa có luật ngân sách để bảo đảm nguyên tác thu đủ, chi đúng. Phó thủ tướng Phan Văn Khai cho biết có đến 80% chi tiêu trong ngân sách nhà nước năm 1993 (tổng số ngân sách khoảng 36.000 tỷ đồng tương đương với 3,3 tỷ USD) không được sử dụng đúng mục tiêu: "Sự tuỳ tiện trong sử dụng ngân sách còn rất phổ biến. Tiền ra khỏi kho bạc là coi như xong. Bộ tài chính không nắm được là chi cho cái gì, có đúng mục tiêu không, có đúng giá không? Có địa phương dùng tiền đầu tư trồng rừng để mua xe hơi, xây trụ sở. Thậm chí có nơi xin tiền mua thóc cứu đói cho dân, nhưng lại chi xài sang việc khác. Năm l993 các địa phương thu thuế vượt 4.000 tỷ đồng nhưng đã giữ lại chi tiêu tới 1.970 tỷ. Chưa ai biết chắc chắn con số này đã được chi đi đâu?" (DĐ số 29, 4.94)

Giai đoạn trước mắt, có hoàn chỉnh được khung pháp lý, có cải cách được sâu rộng các lĩnh vực chính yếu của nền hành chính: tổ chức cơ cấu, nguyên tắc thủ tục, nhân sự mới mong tăng hiệu quả thực hiện các chính sách ban hành. Mới đi tới sự kết hợp chặt chẽ giữa cải cách hành chính với cải cách kinh tế.
 

Một cuộc giằng co...

 
Chỉ một việc cải tiến thủ tục đầu tư, bộ trưởng chủ nhiệm Uỷ ban nhà nước hợp tác và đầu tư Đậu Ngọc Xuân đã nhìn nhận: "Khó đấy. Không dễ gì ngay lập tức thay đổi được đâu. Vì vậy đây là cuộc đấu tranh kiên trì và quyết liệt, phải đồng bộ vĩ mô với vi mô, trên với dưới. (...).

Tôi quá biết có người không muốn thực hiện, (...) " (Lao Động 1.1.95)

Chẳng dễ gì đẩy lui sức ỳ chống cải tổ hành chính. Vì nước có đục mới dễ thả câu. Và tình trạng hiện hành cho phép câu những mẻ rất lớn. Không nói chi nhiều đến buôn lậu, lãng phí, tham nhũng, chỉ xin nêu vụ vừa xảy ra vào cuối năm 1994: một việc bà giám đốc công ty Quyết Thắng Trần Xuân Hoa lừa gạt rồi bỏ trốn là vèo mất 40 triệu USD. Ngân sách nhà nước – nghĩa là người dân – è cổ ra gánh nợ. Tròm trèm với tổng số vốn 42 triệu Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ cho dự án phát triển toàn ngành giáo dục trung học, trung học phổ thông (22 triệu) và trung học chuyên nghiệp (20 triệu).

 
Câu hỏi lớn là quyền hạn thực sự của chính phủ trong việc cải tổ hành chính được tới đâu. Thủ tướng chỉ thị chế độ nghỉ hưu. Câu trả lời phải chăng gián tiếp có trong Báo Nhân Dân số 25.l1.94, tác giả bài trong mục "xây dựng Đảng", nhắc rằng "nghỉ hưu là chính sách của Đảng và Nhà nước". Nào phải một chỉ thị của thủ tướng là đủ ? (DĐ số 37, 2.95)

Dự án pháp lệnh công chức đưa cán bộ dân cư, cán bộ xã, cán bộ làm ở các doanh nghiệp nhà nước, cán bộ trong lực lượng vũ trang gồm cả bộ đội và công an ra ngoài qui chế công chức. Nhưng, riêng cán bộ các cơ quan của Đảng cộng sản, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thì dự án không dứt khoát mà " để cho cấp có thẩm quyền quyết định ". (DĐ số 38, 2.95, tr. 6)

Sai phạm thì nhan nhản, nhưng mãi đến tháng 10.1994 mới thấy lần đầu tiên thủ tướng Võ Văn Kiệt ký quyết định khiển trách Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Ria - Vũng Tàu và cách chức chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh Nguyễn Minh Ninh và Nguyễn Văn Hằng vì "những sai phạm trong thực hiện chính sách nhà đất".

Có thể suy diễn những sự kiện nói trên là do sức giằng co của những thế lực bấu níu lấy tình trạng nhập nhằng hiện nay trong pháp lý, trong cơ cần tổ chức quyền lực, trong nhân sự, v v .. nhằm giữ lấy đục nước cho béo cò. Đã đành.

Nhưng cơ sở làm cho giằng co còn đó và còn kéo dài chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt là sự thiếu rõ rệt trong quan niệm về ý nghĩa, chức năng của pháp lý, sự không dứt khoát trong quan niệm về chức năng, quyền lực nhà nước của đảng độc quyền cầm quyền đứng trước thực tại ngày nay.

*

Cứ nhìn vào tình huống các nước châu Mỹ Latinh, các nước Đông Âu thì rõ: cơ chế kinh tế thị trường mở ra nhiều hướng. Khả năng phát triển kinh tế và xã hội. Cũng như khả năng đất nước bị một bọn đầu cơ con buôn thống trị, bị ràng buộc bởi một thứ lệ thuộc mới.

Sau khi kinh tế đã được giải toả bước đầu, ưu tiên phải dành cho xây dựng một nhà nước trong sạch, có hiệu lực, có năng lực, tạo ra môi trường kinh tế và xã hội thuận lợi cho phát triển bền lâu trong ổn định.

Vì lẽ giản đơn rằng nhà nước mà yếu, có tiếng mà chẳng có miếng, thuế má thất thoát, ngân sách đem sử dụng tuỳ tiện không kiểm soát được, thì lấy đâu ra sức mà tiếp tục thực hiện một chính sách kinh tế dài hơi đúng đắn, mà thể hiện một chính sách xã hội công bằng giải toả được những căng thẳng trong một xã hội nhiều thành phần.

 
Vậy thì đại hội sắp tới của Đảng cộng sản Việt Nam là vô cùng quan trọng ư? Có và không. Nghị quyết của đảng cầm quyền bao giờ chẳng có tầm quan trọng của nó.

Nhưng những yếu tố quyết định cho phát triển bền lâu là trình độ, văn hoá, óc năng động kinh doanh, là ý thức công dân, là lợi ích của phát triển được phân phối công bằng và hợp lý. Những vấn đề cơ bản mà phần lớn lại tuỳ thuộc vào người dân.

Nếu mà người dân thờ ơ, bàng quan trước những sự kiện chính trị can hệ đến đời sống hàng ngày và tương lai của mỗi người thì hơn bao giờ hết phải nhìn lại những vấn đề cơ bản.

Thật là bứt dây động rừng. Nhưng một khi đã nêu lên trọng điểm cấp bách trước mắt, tránh sao cho khỏi phải bàn đến những vấn đề nền móng cho đời sống xã hội!

Xin đề cập những vấn đề này trong một số tới.

 
Bùi Mộng Hùng

(2.1995)


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us