Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 39 / Thông tin và phát triển kinh tế

Thông tin và phát triển kinh tế

- Vũ Quang Việt — published 05/01/2011 00:30, cập nhật lần cuối 14/05/2011 21:40


Thông tin và phát triển kinh tế:
Con đường cho Việt Nam


Vũ Quang Việt *



Công nghiệp hoá và kinh tế thông tin, Con đường của Việt Nam ? là một bài viết cho Hội nghị về kinh tế thông tin và công nghệ   thông tin tại Hà Nội, trong chương trình nghiên cứu có tài trợ của Christopher Reynolds Foundation New York .

Bài gồm ba phần. Hai phần đầu đánh giá quá trình phát triển kinh tế trên cơ sở cuộc cách mạng động lực cuối thế kỷ 19 cho tới cuộc cách mạng công nghệ thông tin hiện nay.

Từ những nhận xét đó, tác giả phân tích những thay đổi cần phải có về phương thức sản xuất và chính sách của một nước chậm phát triển như Việt Nam. Đó là nội dung chính của phần III : Thông tin và phát triển kinh tế: Con đường cho Việt Nam, trích đăng sau đây.


1. Định nghĩa khu vực kinh tế thông tin

Như đã được trình bày ở trên, vai trò của thông tin trong quá trình công nghiệp hoá không phải là mới. Cái mới đáng để ý là công nghệ thông tin ngày nay và sắp tới sẽ thay đổi toàn diện nền kinh tế các nước về phương pháp sản xuất cũng như quản lý và làm cho quá trình công nghiệp hoá nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn. Công nghiệp hoá tại các nước tiên tiến sẽ tập trung phát triển mạnh dịch vụ, xuất khẩu dịch vụ trong đó quan trọng nhất là các ngành cung ứng thông tin. Điều này không có nghĩa là họ sẽ sản xuất ít hàng hoá đi mà là sản xuất ngày càng nhiều hàng hoá nhưng với giá ngày càng rẻ khiến cho tỷ trọng đóng góp của hàng hoá vào tổng sản lượng trong nước (GDP) ngày càng nhỏ.

Để có thể thấy được hướng chiến lược mà Việt Nam cần có, ta không thể không đi sâu hơn vào phân tích vai trò cụ thể của thông tin trong nền kinh tế mà các nhà kinh tế đã gọi là kinh tế thông tin (economics of information). Thông tin bao gồm nhiều hoạt động, cụ thể là những hoạt động sản xuất ra thông tin, sản xuất ra công cụ phục vụ xử lý thông tin, môi giới buôn bán thông tin. Trên cơ sở định nghĩa trên(1), ta thấy hoạt động thông tin gồm những ngành sau:

– Giáo dục, nghiên cứu, huấn nghệ, tư vấn;

– sản xuất, phát hành, buôn bán sách báo, tin tức, dữ kiện, số liệu kể cả sản xuất giấy;

– Hoạt động quảng cáo, tiếp thị;

– Hoạt động truyền thanh, truyền hình có tính chất thông tin;

– Hoạt động của nhà nước nhằm phục vụ việc sửa soạn, theo dõi thực hiện chính sách và tình hình kinh tế, xã hội;

– Bưu điện, điện thoại, truyền tin kể cả sản xuất ra công cụ phục vụ chúng;

– Sản xuất phần cứng và phần mềm để xử lý thông tin;

– Hoạt động phân phối (chuyên chở, thương nghiệp) phương tiện thông tin;

– Hoạt động kế hoạch, tài chính, kiểm toán, tư vấn luật pháp, tiếp thị, v.v... nhằm cung cấp thông tin cho quản lý làm quyết định trong các doanh nghiệp,

– Hoạt động tư vấn về mọi phương diện phục vụ nhà nước, doanh nghiệp và cá nhân về sản xuất hàng hoá cũng như đầu tư tài chính.

Năm 1990, hoạt động thông tin ở Mỹ chiếm 47,4% tổng số lao động, ở Anh chiếm 45,8%, ở Pháp chiếm 45,1% và ở Đức chiếm 40,0%(2). Nếu tính theo tỷ lệ đóng góp vào GDP của hoạt động thông tin thì con số có lẽ cũng tương tự. Như vậy nếu so với hoạt động công nghiệp chế biến (coi bảng 1) thì hoạt động kinh tế thông tin rõ ràng là rất quan trọng. Nếu chỉ nhìn vào hoạt động công nghệ thông tin (information technology) gồm sản xuất phần cứng, linh kiện bán dẫn, phần mềm, dụng cụ và dịch vụ tin học và viễn thông (computer and telecommunication services)(3) thì những hoạt động này tăng rất nhanh và đã đạt mức đáng kể. Ở Mỹ, giá trị sản xuất máy móc, dụng cụ tin học và viễn thông năm 1994 là 145 tỷ USD và dịch vụ tin học và viễn thông là 431 tỷ (coi bảng 2). Nếu tính theo đóng góp vào GDP thì năm 1991 những hoạt động này ước tính đóng góp 4,4% vào GDP và năm 1994 là 4,7%, lớn hơn nông nghiệp và xây dựng khi tính riêng rẽ từng ngành. Như vậy công nghệ thông tin chỉ là một phần rất nhỏ (10%) của ngành kinh tế thông tin. Không nên chỉ để ý đến công nghệ thông tin mà không thấy tầm quan trọng của hoạt động kinh tế thông tin nói chung. Tuy nhiên, sự tập trung chú ý vào ngành tin học và viễn thông là do khả năng của nó làm thay đổi công nghệ sản xuất ở các ngành khác chứ không chỉ phải ở chính nó, hay nói một cách cụ thể hơn nó là công cụ tăng khả năng thu thêm thông tin, tạo thêm thông tin và tăng năng suất lao động trong khu vực kinh tế thông tin, qua đó tạo ra thêm, tạo ra nhiều hơn các hàng hoá khác và tăng năng suất lao động nói chung.

Như vậy công nghệ thông tin chỉ có ý nghĩa nếu người quản lý nền kinh tế coi thông tin là một động lực cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế, có khả năng tổ chức thông tin, thu thập thông tin, xử lý thông tin nhanh chóng và tạo ra ngày càng nhiều thông tin thông minh có giá trị. Có thể nói đây là điểm mấu chốt trong phát triển. Giả dụ một ngân hàng không có người hiểu biết nghiệp vụ biết thông tin nào cần thiết, và lại không có người có khả năng tổ chức lấy, lưu giữ và phân tích dữ liệu, kế toán một cách khoa học thì dù có công nghệ tiên tiến cũng vô ích. Hơn nữa nếu những thông tin về ngân hàng không được phổ biến thì những người lãnh đạo, cơ quan quản lý nhà nước, những người kinh doanh không thể có được những quyết định đúng đắn và kịp thời. Dân chủ trong kinh tế đòi hỏi phải có dân chủ trong thông tin.

Tuy vậy cần phải thấy rằng việc tin học hoá thông tin không những chỉ làm cho việc xử lý thông tin nhanh mà còn qua đó tạo ra nhiều thông tin mới do biết kết hợp xử lý thông tin đã có để có được thông tin mới có giá trị hơn. Vì vậy tin học hoá là bước cần thiết để tạo thêm thông tin. Vả lại thông tin nhanh là điều cực kỳ quan trọng vì nếu thông tin chậm thì giá trị của nó cũng mất đi rất nhiều. Tôi có một anh bạn làm trong một ngân hàng lớn của ngoại quốc ở Mỹ kể một chuyện đơn giản nhưng lý thú là trong một cuộc họp của nhân viên cao cấp để bàn về tin học hoá hệ thống ngân hàng của họ, họ đã đi đến một quyết định là phải đưa công cụ tin học mới nhất vào và mua các dịch vụ tin học phục vụ ngân hàng tiên tiến nhất với bất kể giá nào, không sợ sai sót. Đây cũng chính là quyết định đã làm cho ngân hàng họ tạo được thế cạnh tranh hiện nay. Ở Liên Hiệp Quốc, nơi tôi làm việc, tin học hoá hết sức trì trệ bởi vì trong một thời gian dài không phải chỉ vì thiếu ngân sách mà cũng vì giới quan chức cao cấp muốn kiểm soát tất cả mọi thư từ, bài viết của mọi nhân viên; không có một lá thư nào gửi ra dùng giấy có nhãn Liên Hiệp Quốc, dù là trả lời một câu hỏi về kỹ thuật dùng thống kê, mà không có từ 3-4 chữ ký. Việc sử dụng hệ thống mạng internet hiện nay đã làm cho chữ ký mất ý nghĩa. Vì vậy vấn đề bảo mật và trách nhiệm cần phải được đặt lại trong môi trường công nghệ mới. Có lẽ ít thấy nước nào có chính sách rất rõ ràng về thông tin như Nhật. Rất lý thú nếu ta thấy rằng hiện nay Nhật là nước thua Mỹ rất xa về phần mềm, sử dụng phương tiện tin học, thông tin và công nghệ thông tin(4) vì hai lý do chính: giáo dục thì nhồi sọ, thiếu tư duy độc lập, viễn thông thì độc quyền. Tuy vậy Nhật lại hơn Mỹ rất nhiều về thông tin mà chính phủ họ thu thập đặc biệt là về nền kinh tế Nhật và các nước mà họ có liên hệ ngoại thương nhiều. Chính phủ Nhật đã từ lâu đặt nặng vấn đề có thông tin về khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Ngay từ thời Minh Trị, họ đã chủ trương mời giáo sư sang Nhật dạy để phổ biến nhanh chóng và rộng rãi khoa học tiên tiến (dĩ nhiên là họ không cấm cửa du học). Họ cũng chủ trương dịch sách nước ngoài ra tiếng Nhật để phổ biến kiến thức. Những chính sách này vừa tiết kiệm vừa tránh chảy máu chất xám. Về thông tin kinh tế, có thể nói họ đã có chính sách thu thập số liệu rất chi tiết và rất coi trọng công tác thống kê, đó cũng là lý do họ có ngày thống kê trên đất Nhật để giáo dục dân chúng ý thức về giá trị của thống kê. Trong sản xuất, xí nghiệp của họ thu thập thống kê sản xuất chi tiết về từng quá trình sản xuất, từng nhóm sản xuất, nhờ đó mà họ có thể tổ chức các nhóm kiểm soát chất lượng để bình luận, góp ý kiến thay đổi phương pháp sản xuất và quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất. Bảng cân đối liên ngành (input - output table) của Nhật, với mục đích mô tả chi tiết các kỹ thuật sản xuất, sử dụng hàng hoá và dịch vụ, phân bố lao động, được làm cho cả giá trị và sản lượng là bảng chi tiết nhất thế giới được thu thập đều đặn để cơ quan MITI hướng dẫn sản xuất. Không những thế, hầu hết các bảng cân đối liên ngành ở Á châu (Thái Lan, Mã Lai, Phi, Hàn quốc, Indonesia) đều được họ viện trợ giúp đỡ thực hiện với mục đích để hiểu rõ về nền kinh tế các nước này. Phải chăng Nhật phát triển kinh tế nhanh, không những không phải họ chỉ đầu tư nhiều hơn mà còn có hệ thống tổ chức thu thập thông tin, phân tích và sử dụng hiệu quả hơn nước Mỹ. Điều mà có thể làm nhiều người lạ lùng khi tiếp xúc với người Nhật tham gia hoạt động quốc tế là họ rất kém ngoại ngữ: như thế nếu không có hệ thống thu thập và phổ biến thông tin hữu hiệu thì làm sao họ có thể bành trướng thị trường nhanh chóng như vậy? (Dĩ nhiên đây chỉ là nhận xét cần kiểm chứng và dĩ nhiên là không dễ). Hiện nay nhằm lấy thông tin kỹ thuật ở Mỹ, Nhật phát triển việc đầu tư mua các viện nghiên cứu, mua cổ phần các công ty sử dụng chất xám và tài trợ nghiên cứu ở Mỹ.

2. Thị trường kinh tế thông tin ở các nước phát triển

Ở các nước tiên tiến, đặc biệt ở Mỹ, ảnh hưởng của công nghệ thông tin đã lan rộng vào ngành tài chính ngân hàng và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sắp tới người ta có thể tiên đoán là những luật pháp kiểm soát hoạt động tài chính ngân hàng cũng sẽ phải thay đổi về cơ bản để phù hợp với thay đổi về chất trong cạnh tranh kinh tế do kỹ thuật tạo ra. Ngành ngân hàng ở Mỹ cho đến nay không được đặt chi nhánh ngoài biên giới tiểu bang. Nó cũng không được tham gia vào hoạt động môi giới phát hành và buôn bán chứng khoán cũng như bảo hiểm. Những luật lệ này được đặt ra là nhằm chống độc quyền đồng thời tạo dễ dàng cho nhà nước kiểm soát hoạt động tài chính khác nhau, tránh tình trạng phá sản dây chuyền như những năm 30 trong thời kỳ đại khủng hoảng. Tuy nhiên với công cụ tài chính mới ra đời như market funds, mutual funds (5) của các công ty tài chính không phải là ngân hàng đã trực tiếp cạnh tranh với dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Hơn nữa ngân hàng nước ngoài khi được phép làm ăn ở Mỹ lại không bị giới hạn vào một tiểu bang. Tình trạng này ngày càng làm tăng sự thất thế của ngân hàng Mỹ, buộc họ phải áp lực đòi hỏi quốc hội thay thế luật. Cùng với sự phát triển của tin học và mạng lưới điều hành hữu hiệu đã được đầu tư xây dựng của ngân hàng, ngân hàng ngày càng có nhu cầu tham gia vào nhiều hoạt động tài chính khác nhau để sử dụng được tối đa lợi thế thông tin và khả năng xử lý thông tin của họ để cạnh tranh không những ở Mỹ mà còn trên thị trường tài chính thế giới. Chính vì vậy, xu hướng tương lai sẽ là kinh doanh tổng hợp ở mức độ rộng lớn hơn hiện nay rất nhiều. Nếu đã cho phép như thế thì nhiệm vụ báo cáo thống kê của doanh nghiệp và nhiệm vụ qui định báo cáo, theo dõi thống kê, nhiệm vụ kiểm soát và thanh tra của nhà nước để điều hành nền kinh tế sẽ trở nên khó khăn và phức tạp hơn hiện nay rất nhiều. Nhà nước sẽ chỉ có thể điều hành hữu hiệu nếu nắm đầy đủ và kịp thời thông tin.

3. Để xây dựng nền kinh tế thông tin

Muốn có nhiều thông tin, ngoài việc tăng cường giáo dục, nghiên cứu, huấn nghệ truyền bá kiến thức, v.v..., ta phải có những điều kiện sau:

Nhà nước cần tạo ý thức trong dân về giá trị của thông tin: Người dân được quyền đòi hỏi có thông tin nếu không phải là bí mật quốc gia hoặc bí mật về kỹ thuật của tư nhân.

Nhà nước cần có chính sách rõ ràng về bí mật quốc gia: Những gì cấm thì không được lưu hành, những gì không cấm thì tự do lưu hành. Vấn đề bảo mật là cực kỳ quan trọng cho an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhưng những gì cần bảo mật cần được phân tích để có được chính sách đúng đắn, nếu không nó sẽ trở thành vật cản quá trình tiến hoá của một quốc gia(6).

Quốc hội cần có luật pháp và qui định về những loại thông tin cần thu thập và bổn phận công dân của cá nhân hoặc doanh nghiệp phải báo cáo: Chắc có người sẽ ngạc nhiên mới đây quốc hội Mỹ phải bàn về việc ra luật đòi hỏi ngân hàng phải báo cáo thường xuyên về màu da và chủng tộc của những người mà ngân hàng cho vay. Lý do là họ muốn theo dõi xem ngân hàng có kỳ thị chủng tộc khi cho vay không? Thời tổng thống Bush, cũng có lập một Uỷ Ban Tổng Thống (President’s Commission) để xem xét lại việc phân ngành dịch vụ vì phân ngành trước kia đã lỗi thời không cho phép biết rõ về các loại dịch vụ trong công nghệ thông tin và tài chính như các dịch vụ khác. Điều này cần thiết vì xuất khẩu dịch vụ hiện nay có tính chiến lược đối với kinh tế Mỹ. Các nước phát triển kể cả nhiều nước đang phát triển cũng đã có luật thống kê và các qui định cụ thể về các thống kê cần thu thập, bổn phận công dân phải báo cáo đúng, và thời gian cơ quan làm thống kê phải xuất bản. Thường họ có Hội đồng Thống Kê Quốc Gia có khi do thủ tướng chủ toạ hoặc cấp cao trong chính quyền, thường họp mỗi năm một lần(7) để quyết định về các chương trình thu thập thống kê và giao cho các đơn vị thu thập thống kê thực hiện. Ở nhiều nước, ngân sách để lấy thống kê cơ sở là do quốc hội quyết. Ở Việt Nam, số liệu thông tin do Tổng Cục Thống Kê xuất bản đã có tiến bộ hơn trước rất nhiều nhưng vẫn không theo kịp với yêu cầu theo dõi, phân tích phục vụ việc điều hành nền kinh tế xã hội. Thống kê bộ ngành không thấy xuất bản chính thức nên không biết chất lượng ra sao. Mặc dù cho đến nay cũng chưa có một đánh giá chính thức nào một cách cụ thể và chi tiết về tình hình (chất lượng và số lượng) thông tin kinh tế, xã hội, nhưng có thể nói là thống kê Việt Nam thua khá xa Bangladesh, một nước kém phát triển nhất ở Á châu. Lý do chính có lẽ là nhiệm vụ cụ thể trong việc thu thập thông tin chưa được quốc hội và chính phủ xác định rõ ràng bằng luật pháp và qui định cụ thể. Sau đây là vài dẫn chứng. Nông nghiệp rõ ràng là quan trọng trong tình hình hiện nay nhưng một quyển sách số liệu nông nghiệp (1991) dày 600 trang và số liệu nông nghiệp gần 200 trang gần đây (1994) không có con số nào về sử dụng phân bón và giá nông sản trên thị trường mặc dầu những con số này rất quan trọng để phân tích thành quả kinh tế của nông nghiệp(8). Về phân bón sản xuất và nhập khẩu có thể kiếm được trong Niên Giám Thống kê hàng năm nhưng lại vô nghĩa vì không được chuyển sang đơn vị tương đương NPK để có thể so sánh. Số liệu xuất nhập khẩu ở các nước khác thống kê chi tiết theo sản phẩm khoảng vài trăm trang, còn Việt Nam chỉ có vài trang sơ lược nhưng trong đó gần 60% không biết là hàng hoá gì, dù ở mức tổng quát nhất! Về thống kê ngân hàng thì khỏi phải phê phán vì không được công bố. Điều rất lạ lùng là Quĩ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới được cung cấp thường xuyên số liệu về tiền tệ tín dụng còn công dân Việt Nam thì không, dù những số liệu này cũng chỉ ở mức rất tổng hợp. Nhiều số liệu tài chính thuộc Bộ Tài Chính được công bố nội bộ mà tôi được thấy cũng chỉ vài trang sơ lược trong đó lẫn lộn cả phần ý niệm cơ bản, thí dụ “thuế vốn” được coi là thuế trong khi nó chỉ là khoản tiền trả lại lãi và vốn do ngân sách cấp. Tôi có thể tiếp tục rất dài với đánh giá này nhưng xin dừng ở đây và hy vọng nhà nước có một công trình đánh giá chính xác và đầy đủ thông tin kinh tế Việt Nam để có cơ sở đưa ra chính sách và các quyết định thích hợp. Cần nhấn mạnh ở đây là việc làm thống kê không chỉ là việc của Tổng Cục Thống Kê mà của tất cả cơ quan quản lý địa phương hoặc bộ ngành nhà nước. Để làm nhiệm vụ quản lý nhà nước hữu hiệu, chính bộ ngành lại cần thống kê rất chi tiết về ngành, bộ phận hoặc địa phương mình quản lý và vì vậy cần có phân công và kết hợp chặt chẽ giữa họ với Tổng Cục Thống Kê. Chẳng hạn, việc thu thập thống kê xuất nhập khẩu cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan. Bộ Thương Mại hoặc Tổng Cục Hải Quan trách nhiệm thu thập thống kê chi tiết về xuất nhập hàng hoá vì hầu hết hàng hoá đi qua cửa khẩu. Ngân Hàng Nhà Nước thu thập thống kê chi tiết về xuất nhập dịch vụ vì thanh toán về dịch vụ thường qua hệ thống ngân hàng. Tổng Cục Thống Kê thu thập thống kê xuất nhập khẩu đối với người không thường trú (xuất nhập khẩu tại chỗ) bằng điều tra, và khi làm tổng hợp điều chỉnh thiếu sót, khác biệt về thời gian ghi chép: ý niệm, sai số thống kê do các cơ quan khác thu thập. Muốn làm được việc này ngoài việc phối hợp phải có bảng phân ngành sản phẩm chi tiết mà cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích và thúc đẩy tin học hoá, đặc biệt trong doanh nghiệp nhà nước là cơ quan nhà nước. Việc đào tạo chuyên viên tin học, việc theo dõi và đánh giá quá trình tin học hoá của doanh nghiệp là cần thiết. Điều này đòi hỏi việc thu thập thống kê về tình hình áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản suất (nếu không làm sao đánh giá được tình hình và hiệu quả)(9). Cần có chương trình thường xuyên nâng cao trình độ hiểu biết chung của người trách nhiệm quản lý doanh nghiệp về tin học và sự cần thiết của nó cho tương lai kinh tế nếu như ta muốn đưa tin học nhanh chóng vào sản xuất.

Có chính sách đặc biệt đối với giáo dục, y tế và nghiên cứu khoa học: trong việc trao đổi thông tin, trong đó có việc nhà nước tài trợ cho hoạt động này vì đây là hoạt động vô vị lợi có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với thu nhập họ có thể thu được trực tiếp trên thị trường. Việc tài trợ này có thể thực hiện thông qua việc sử dụng đường chuyển đặc biệt trên mạng quốc gia.

Nhà nước cần có chính sách tạo thêm cạnh tranh trong công nghệ thông tin: Chính sách chống độc quyền là để nhằm giảm giá sử dụng qua đó khuyến khích việc đưa vào áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin: Hiện nay ở Việt Nam giá lắp đặt điện thoại gấp 5 đến 10 lần giá lắp đặt điện thoại ở Mỹ và giá sử dụng điện thoại gấp 3-4 lần ở Mỹ(10) vì chỉ có một công ty độc quyền. Công ty độc quyền này lấy lý do là họ cần thu nhiều lợi nhuận để phát triển ngành viễn thông. Thế nhưng quyết định này đưa đến 3 kết quả tiêu cực: (i) doanh nghiệp nước ngoài sẽ gọi điện thoại từ ngoài vào thay vì gọi từ trong ra, (ii) doanh nghiệp trong nước sử dụng ít vì quá đắt vì vậy họ bị hạn chế về liên lạc để nắm thông tin thị trường thế giới và thị trường trong nước và như vậy hạn chế việc áp dụng công nghệ thông tin, (iii) việc thu nhiều thì cũng phải chia nhiều cho doanh nghiệp nước ngoài hùn vốn với Bưu Điện trong nước. Nhiều nghiên cứu ở các nước thứ ba cho thấy là đầu tư vào viễn thông và đưa nó đến những vùng xa xôi cho phép có nhanh chóng thông tin thị trường, giảm tốn kém thời gian di chuyển và tiền sử dụng gửi tin tức bằng các phương tiện khác như đánh điện. Theo một nghiên cứu ở Phi Luật Tân và Kenya, đầu tư đưa đến lợi ích trực tiếp cho người sử dụng ở nhiều hoạt động gấp 40 đến 80 lần chi phí họ trả cho viễn thông(11). Một tài liệu khác về Ấn Độ đánh giá là máy điện thoại lắp ở nông thôn có thể tạo ra thêm 2.300USD trong vòng 15 năm tức là mỗi năm tạo ra thêm 153USD(12). Ở Việt Nam với địa lý kéo dài, với phương tiện giao thông quá kém và còn lâu mới có tài chính nâng cấp rộng rãi thì việc đầu tư và khuyến khích sử dụng công nghệ thông tin (đặc biệt là viễn thông) phải được đặt đúng tầm mức. Viễn thông là một hoạt động có thị trường rõ ràng để khai thác, doanh thu cao và phần khá lớn bằng ngoại tệ nên đối với một số dịch vụ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, nên giữ phần hùn của nước ngoài dưới mức 50% hay tốt hơn là có chính sách hợp tác khai thác với nước ngoài và chia lời như ngành khai thác dầu hoả hoặc hàng không hơn là hợp tác kinh doanh chỉ dựa vào phần vốn bỏ ra. Như vậy trong nước không cần bỏ vốn nhưng vẫn có phần chia.

Qui định chuẩn: Một vấn đề tối quan trọng trong tin học hoá hoặc đưa công nghệ thông tin vào quản lý là vấn đề chuẩn, chuẩn để hệ thống trong mạng có thể truyền tin và nhận tin của nhau. Trong vấn đề chuẩn có vấn đề chuẩn của tiếng Việt vì nhiều thông tin ở trong nước sẽ bằng tiếng Việt(13). Vấn đề chuẩn trong công nghệ thông tin có tính quốc tế nên vấn đề của Việt Nam sẽ là việc hoạt động hữu hiệu của Uỷ Ban Chuẩn Công Nghệ Thông Tin nắm bắt thông tin quốc tế để quyết định về chuẩn hoặc khuyến cáo về các chương trình hoặc dự án đầu tư vào công nghệ thông tin nhằm tránh tình hình không có khả năng liên hệ trong các mạng thông tin(14). Việc chọn chuẩn cho ngành viễn thông đặc biệt quan trọng vì đầu tư vào ngành này sẽ rất tốn kém. Không thể quyết định mua công cụ phỏng hình (analog) trong khi công nghệ tương lai là dùng số (digital). Việc quyết định chuẩn rất quan trọng trong thời kỳ này khi nhà nước đã cho phép lập nhiều công ty viễn thông. Ban Điều Hành Quốc Gia về Công Nghệ Thông Tin cần được giao phó làm công việc này. Chương trình của Ban Điều Hành dường như đặt quá nặng việc chọn chuẩn cho máy tính trong khi bỏ ngỏ việc chọn chuẩn cho công cụ viễn thông. Viện Công Nghệ Thông Tin phải là cơ quan chuyên môn theo dõi và phân tích được những phát triển mới nhất trên thế giới để tư vấn Ban Điều Hành Quốc Gia. Viện này cần thiết xuất bản các đánh giá của mình (không phải là dịch) về tình hình phát triển về cả mặt kỹ thuật và thị trường sử dụng trên thế giới và Việt Nam để giới kinh doanh, nhà nước, các cơ sở giáo dục tham khảo.

Xây dựng đội ngũ tin học và chuyên viên làm và xử lý thông tin: Việc nâng cao nội dung thông tin cả về số lượng và chất lượng thật ra không đơn giản vì nó đòi hỏi việc huấn luyện chuyên gia, từ người biết làm kế toán, làm thống kê trong mọi lãnh vực đến những người có nghiệp vụ thư viện biết phân ngành phân tổ sách vở, tài liệu, nếu không biết thì việc có máy tính có mạng truyền thông, có người biết lập trình giỏi cũng chỉ có giá trị tương đối. Có lẽ ta còn phải đi một bước khá dài, ít nhất là 5 đến 10 năm, trước khi Việt Nam có được một đội ngũ làm tin học khá. Tuy nhiên muốn có đội ngũ này thì việc đầu tiên là phải nhanh chóng thực hiện tin học hoá trong các khu vực thông tin trọng điểm như chính sách về công nghệ thông tin của ta hiện nay đã vạch ra, đó là: khu vực tài chính tiền tệ, khu vực quản lý nhà nước trong chính phủ và khu vực thống kê(15). Từ các chương trình này mà ta xây dựng nên đội ngũ tin học. Để thực hiện được điều này, các hợp đồng với nước ngoài và việc thực hiện nó phải có đòi hỏi cụ thể về chuyển giao công nghệ và phải được hướng dẫn và kiểm soát bởi Ban Điều Hành Quốc Gia về Công Nghệ Thông Tin (đã được thành lập). Đây là đầu tư mặc dù có thể không phải là rất lớn nhưng có ý nghĩa chiến lược để xây dựng công nghệ và con người cho tương lai nên không thể chỉ để những nơi có tiền và có nhu cầu sử dụng, chẳng hạn như Ngân Hàng Nhà Nước hoặc Bộ Tài Chính quyết định toàn bộ, nhất là khi khả năng chuyên môn về công nghệ thông tin của họ giới hạn. Lợi ích đầu tư cần nhân rộng ra cho toàn nền kinh tế. Việc đào tạo đội ngũ tin học trong thực hành, tức là vừa làm vừa học, không phải là chuyện mới mẻ mà đã được áp dụng ở hầu hết các nước phát triển. Rất có nhiều người có bằng cấp đại học ở các ngành nhân văn như văn chương, sử học được chuyển nhanh chóng và thành công sang ngành viết phần mềm cho tin học miễn là những người đó có khả năng xử lý các vấn đề có tính logic. Unisys trong bản báo cáo với chính phủ Việt Nam về Chương Trình Công Nghệ Thông Tin Năm 2000 đánh giá là Việt Nam cần và có thể có 5.000 chuyên viên tin học vào năm 2000, trong đó 500 người là chuyên viên quản lý thiết kế dự án (project managers), 1.500 người là chuyên viên phân tích hệ thống (system analysts), 3.500 là chuyên viên lập trình (programmers). Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (TBKTSG), Bộ Công Nghệ Môi Trường Việt Nam cho là phải đạt được 4 lần hơn Unisys, tức là 20.000 người(16). Đâu là số khả thi? Hiện nay, cũng theo TBKTSG, đã có 2.000 chuyên viên có bằng đại học về công nghệ thông tin (đây ý nói tin học). Nếu con số này đúng thì phải huấn luyện thêm 3.000 người nữa mới đạt con số của Unisys. Tuy vậy hiện nay mỗi năm TPHCM chỉ cho ra trường được 200 sinh viên chuyên ngành tin học. Như vậy đến năm 2000 sẽ có thêm 1.200 người nữa nếu như không tăng nhanh số sinh viên lên. Nếu Hà Nội cũng sản xuất một con số tương tự thì ta cũng chỉ đạt thêm tổng cộng là 2.400 người. Như vậy vào năm 2000, Việt Nam có khoảng 5.000 chuyên viên tin học. Hơn nữa cũng cần đánh giá trong số này và trong số có sẵn 2.000 hiện nay có bao nhiêu người thực sự có thể làm tin học (tức là viết được phần mềm cho máy tính chứ không phải chỉ sử dụng máy tính đánh văn bản hoặc có phần mềm viết sẵn)? Thống kê này cần thiết để đánh giá khả năng trong tương lai. Như vậy muốn tăng nhanh số chuyên viên ở mức độ có thể viết chương trình cũng cần phải theo một con đường ngắn nhất là tuyển chọn và sử dụng những người đã có bằng đại học có khả năng logic vừa làm vừa học, đồng thời mở các lớp huấn nghệ cho chuyên viên, đặc biệt là chuyên viên nhà nước để nâng họ lên thành chuyên viên tin học, có khả năng ứng dụng tin học vào chính ngành chuyên môn của họ. Con số 20.000 mà Bộ Công Nghệ đưa ra quả là một con số kỷ lục, đòi hỏi nhiều biện pháp nhưng cơ bản vẫn là tăng nhanh số sinh viên ra trường lên gấp nhiều lần so với hiện nay. Số thầy giáo có thể giải quyết bằng cách thuê từ nước ngoài, một việc có lẽ đáng làm(17) nhất là hiện nay có tình trạng dư thừa số thầy dạy tin học ở Mỹ. Vai trò tin học đối với Việt Nam hiện nay và trong lâu dài sẽ là ứng dụng vì vậy giáo dục tin học cần đào luyện một số ít chuyên viên chuyên sâu về khoa học tin học (computer scientists) nhưng số đông chuyên viên ứng dụng tin học vào nhiều ngành nghề khác nhau từ giáo dục, kế toán, ngân hàng, xây dựng, kinh tế, và các ngành kỹ thuật khác. Nói đơn giản là tất cả mọi sinh viên đại học các ngành phải học tin học.

“Chính Sách Quốc Gia Phát Triển Công Nghệ Thông Tin ở Nước Ta Trong Những Năm 90” ban hành theo nghị định 49/CP/1993 là chính sách đúng đắn nhưng cần triển khai khẩn trương nếu như Việt Nam muốn không bị bỏ xa mức phát triển ở Á Châu, đặc biệt quan trọng là việc có chính sách mở rộng cạnh tranh trong ngành viễn thông và nâng cao vai trò quản lý của nhà nước về giá cả và định chuẩn. Tuy vậy chỉ có chính sách này thôi là không đủ, nó phải đi đôi với nhiều chính sách xây dựng cơ sở cho nền kinh tế thông tin ở Việt Nam và tăng cường rộng rãi giáo dục tin học trong đại học.

Vũ Quang Việt

(3.11.1994)

 

(1) Trong thống kê, không thể có ngành kinh tế thông tin. Ngành này phải là tập hợp của nhiều ngành kinh tế khác nhau. Hiện nay chưa có một định nghĩa thống nhất về kinh tế thông tin mặc dù các nhà kinh tế đã bàn đến rất nhiều về kinh tế thông tin. Tuy vậy dù bằng cách đo nào thì kinh tế thông tin ngày càng trở nên quan trọng hơn. Nhà kinh tế Fritz Machlup là người đầu tiên đi vào việc đo lường các hoạt động kinh tế thông tin trong The Production and Distribution of knowledge in the United States (1962, Princeton University Press). Gần đây là tài liệu của Marc Porat, The Information Economy: Definition and measurement, Special Publication 77-12 (1) U.S. Department of Commerce, Office of Telecommunication, 1977.

(2) Theo nghiên cứu của Mannuael Castells và Yuko Aoyama tại đại học California-Berkeley (1992) được trích dẫn ở The New Global Economy in the Information Age của Martin Carnoy, Mannuael Castells, Stephen Cohen và F. H. Cardoso, Penn Stale Press, 1993, tr. 17.

(3) Các nhà kỹ thuật cho đến nay khi nói đến IT (Information technology) họ chỉ nói đến hoạt động sản xuất phần cứng và mềm của máy vi tính (coi Information Technology Outlook 1992, OCDE, 1992). Theo tôi, IT phải gồm cả viễn thông.

(4) Nhật đã chiếm lĩnh 50% thị trường thế giới về sản xuất linh kiện điện tử loại đại trà như vi mạch bộ nhớ (DRAM) sử dụng trong máy vi tính, hàng điện tử thông dụng như TV, cassettes, máy ảnh, tủ lạnh, bếp, máy giặt, xe hơi, v.v... nhưng còn thua xa Mỹ về vi mạch tính toán (microprocessors) và chuyên dụng (Mỹ chiếm 80% thị trường thế giới). Nói tổng quát về sản xuất linh kiện điện tử trên thế giới với thị trường là 76 tỷ USD năm 1993, Mỹ chiếm 32%, Nhật 30%, Âu châu 18%, Á châu trừ Nhật 20%, trong đó Hàn quốc 5%, Đài Loan 4%, sau đó là Hồng Kông, Singapore, Mã Lai. (theo US Industrial Outlook 1994). Tuy chiếm lĩnh mặt sản xuất công cụ, về phát triển phần mềm và ngay cả sử dụng phần mềm, vai trò của Nhật không đáng kể. Số người có máy vi tính chỉ bằng 1/3 Mỹ, số người có máy gắn vào mạng chỉ bằng 1/6 Mỹ. Ta có thể so sánh công cụ thông tin giữa Mỹ và Nhật năm 1993 trong bảng sau:

 

Mỹ

Nhật

Số máy vi tính được nối vào mạng

52%

8%

Chỉ số người có máy vi tính

15,6

5,7

Giá trị database (triệu USD)

1276

215

Số đơn vị cable TV

11075

400

Số người mua dịch vụ cable (triệu)

57,2

1,8

Số người có điện thoại vô tuyến trên 1000 dân

44

13

(Theo Japanese Ministry of Post and Telecommunication). 

Có hai lý do của việc đi sau này: giáo dục ở Nhật không chú ý vào tư duy độc lập nên không phát triển được dịch vụ phần mềm. Độc quyền viễn thông đã làm giá gắn đường chuyển dữ kiện đắt hơn Mỹ từ 5-10 lần. The Far Eastern Economic Review, Technology Disconnected, 30 June 94, Bộ Bưu Điện và Viễn thông Nhật (MPT) dự tính nối đường cáp quang khắp nước vào năm 2010 để bắt kịp các nước khác, dự kiến tốn khoáng 320-515 tỷ USD.

(5) Đây là hình thức đầu tư tài chính ít rủi ro, có tính chất ký gởi tiền như ký gởi tiền ở ngân hàng, nhưng phải bỏ vào hoặc rút ra ít nhất là 500USD một lần.

(6) Ở các nước Tây phương như Mỹ, ngân sách quốc phòng và an ninh không phải là bí mật quốc gia kể cả các mục chi phí có tính tổng quát. Những chi phí có tính chi tiết cụ thể được giữ bí mật chẳng hạn ngân sách của CIA. Nhưng ngay ngân sách CIA cũng phải báo cáo mật cho một số đại biểu quốc hội để được chọn lọc cẩn thận để làm nhiệm vụ đại biểu nhân dân của mình là kiểm soát chính quyền. Các thông tin kinh tế xã hội đều công khai. Tuy nhiên, thông tin kinh tế có giá trị thương mại, ảnh hưởng ngay thị trường, nên nhân viên nhà nước bị bắt buộc theo luật không được đưa thông tin cho bất cứ ai trước ngày công bố chính thức. Bí mật kinh doanh tuỳ thuộc hợp đồng cá nhân giữa doanh nghiệp và công nhân của họ: nếu đã được ký kết, nhà nước có nhiệm vụ bảo vệ việc thực hiện hợp đồng. Những hợp đồng này phải không trái với luật pháp nhà nước. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp làm kế toán dối trá thì công nhân có quyền đưa ra tố cáo mà doanh nghiệp không được quyền trả thù. Trong việc bảo vệ kỹ thuật đang được nghiên cứu hoặc đang dùng trong sản xuất, nhiều khi công nhân phải ký hợp đồng không được làm cho một công ty khác cạnh tranh lại trong một thời gian nếu họ bỏ việc; dĩ nhiên họ phải đòi hỏi trong hợp đồng có khoản bồi hoàn trong thời gian họ không được phép làm việc. Có những vấn đề khá phức tạp, chẳng hạn như khi một cá nhân hoặc một công ty đi vay ngân hàng, ngân hàng đòi hỏi cá nhân hoặc công ty đó phải nộp tất cả thông tin và bằng chứng về tài sản, nợ nần, thu nhập, lý lịch khai thuế để xét tình hình tài chính của khách nàng trước khi làm quyết định. Những thông tin này rất quan trọng. Để bảo vệ thông tin cá nhân này, luật pháp thường bắt buộc ngân hàng không được đem bán hoặc cho một người thứ ba nào khác sử dụng. Điều này có thể được giải quyết bằng hợp đồng cá nhân nhưng vì dân chúng thường không thể hiểu hết được những khúc mắc trong kinh doanh kể cả ngôn ngữ chuyên môn nên luật pháp thường phải đứng ra bảo vệ một cách tổng quát nhiều quyền riêng tư cá nhân trong một nền kinh tế thị trường như thế.

(7) Đây không phải là đơn vị hành chính nhà nước nên không có chi phí thường ngoài tổ chức họp.

(8) Coi Tổng Cục Thống Kê, Số liệu Thống Kê Nông Nghiệp 35 năm (1956-1990) Số liệu Thống Kê Nông, Lâm, Ngư Nghiệp Việt Nam, 1985-1993.

(9) Hiện nay mỗi tài liệu đều đưa ra con số khác nhau về máy vi tính, mặc dù con số nào cũng phản ánh tình hình không đáng kể. Bản báo cáo của Jan Annerstedt và Tim Sturgeon (Electronics and Information Technology in Vietnam viết cho UNIDO/UNDP, năm 1994 cho là có 40-45.000 máy. Giới máy tính ở Việt Nam theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (25-31.8.94) cho là có 24.000 máy.

(10) Ở miền Nam lắp đặt điện thoại mất khoảng 900USD cho người nước ngoài, 500USD cho người trong nước. Ở miền Bắc mất khoảng 300USD cho người trong nước. Ở Mỹ mất khoảng 50-60USD. Gọi điện thoại từ Mỹ về Việt Nam mất khoảng 1-2 USD/phút, gọi từ Việt Nam ra mất trên 4USD/phút.

(11) Nagy K. Hanna: The Information Technology Revolution and Economic Development, World Bank 1991.

(12) Technology in India, IEEE Spectrum. March 1994, tr. 46.

(13) Vấn đề chuẩn tiếng Việt đã được giải quyết với sự hợp tác của các anh Nguyễn Hoàng, Ngô Thanh Nhàn, Đỗ Bá Phước và các chuyên gia trong nước (coi A proposal for standard Vietnamese character encodings in a unified text processing framework của 3 tác giả trên, Computer Standards and Interfaces 14 : 3 - 10, 1992). Chuẩn này đã được cơ quan chuẩn quốc tế ISO chấp thuận. Vấn đề quan trọng còn lại là đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế khi đầu tư về công nghệ thông tin ở Việt Nam phải theo chuẩn này.

(14) Việc hướng dẫn chuẩn hoá rất quan trọng vì cho đến nay nhiều nước Á Châu cũng đã phạm sai lầm khiến cho nhiều công cụ tốn kém đã không có khả năng truyền thông qua mạng. Mỹ là nước đi đầu về công nghệ thông tin, họ cũng đã phải trả giá của người đi đầu. Mạng điện thoại địa phương của họ hiện nay vẫn là hệ thống dây đồng không có khả năng chuyển tải nhiều, nhanh và chính xác như dây cáp quang, nhưng việc thay đổi không thể thực hiện ngay vì tốn kém và vì các công ty phải đợi có thời gian tối thiểu thu hồi vốn họ đã bỏ ra. Nếu thay đổi ngay để phục vụ cho nhu cầu kỹ thuật tiên tiến nhưng chỉ có thị trường quá nhỏ, họ phải nâng giá sử dụng cho mọi khách hàng, điều mà thị trường rộng lớn chỉ cần dịch vụ điện thoại cơ bản sẽ không chấp nhận. Như đã bàn đến ở một đoạn trên, chuẩn không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là vấn đề chấp nhận của thị trường. Đối với Việt Nam, chính sách về chuẩn thích hợp nhất là dựa vào quyết định của thị trường thế giới.

(15) Annerstedt trong báo cáo viết cho UNIDO/UNDP đã phê bình là chính sách công nghệ thông tin của ta thiếu quan tâm đến xây dựng sản xuất phần cứng. Cũng có phần đúng trong phê bình này, tuy nhiên rõ ràng là việc sản xuất phần cứng không phải là trọng điểm của công nghệ thông tin mà chỉ nên đặt chung vào chính sách phát triển công nghiệp chế biến. Tức là tranh thủ đầu tư được ngoài sản xuất công cụ thông tin ở ta để tạo việc làm và qua đó tranh thủ việc chuyển giao kỹ thuật. Nếu như nhu cầu nội địa về công cụ nào đó đủ lớn, ta cũng nên đòi hỏi hãng nước ngoài sản xuất trong nước để phục vụ thị trường nội địa và chuyển giao công nghệ.

(16) Theo Kinh Tế Sài Gòn, số đặc biệt về công nghệ thông tin 25-31. 8.1994, tr. 9.

(17) Khi xem thống kê giáo dục, không tìm đâu ra số sinh viên và giáo sư về ngành tin học hoặc bất cứ ngành chuyên môn nào khác.

Lời cám ơn: Tác giả đã nhận được rất nhiều góp ý quan trọng của vợ mình là Đào Vân Hương, người đã có gần 20 năm kinh nghiệm tư vấn thiết kế và viết phần mềm cho ngân hàng từ hệ thống chi trả lương, mua bán ngoại tệ, rút tiền tự động cho đến hệ thống theo dõi tình hình tài chính của khách hàng.

Ngoài ra cũng xin cám ơn các góp ý của các anh Nguyễn Minh và Ngô Thanh Nhàn.

* Tiến sĩ kinh tế, chuyên viên thống kê kinh tế Liên Hiệp quốc

Bảng 1

Dịch vụ thông tin, xử lý thông tin cao cấp phục vụ kinh doanh
Tỷ lệ phần trăm đóng góp vào GDP theo thống kê mới nhất

 

Mỹ

Mã Lai

Thái Lan

Việt Nam

Thông tin, liên lạc

2,6

1,6

1,3

0,3

Tài chính, tín dụng

6,1

5,2

4,6

1,6

Dịch vụ kinh doanh, pháp lý

5,0

2,1

0,6

 

Dịch vụ chuyên môn trong xí nghiệp

4,1

0,4

0,4

 

Tổng số

17,8

9,3

6,9

1,9

Bảng 2

Giá trị sản xuất của các hoạt động thuộc công nghệ thông tin ở Mỹ

Tỷ USD

 

1987

1988

1989

1990

1991

1992

1993

Tốc độ tăng 1 năm 91/93

1. Linh kiện bán dẫn

17,9

20,3

23,3

24,0

27,4

32,4

37,6

17,1

2. Máy tính và phụ tùng

55,8

62,8

59,8

58,9

54,7

58,0

62,5

10,3

3. Công cụ viễn thông

31,8

33,6

32,8

36,1

35,6

36,0

36,3

1,5

4. Công cụ tổng cộng

105,5

116,7

116,1

119,0

117,7

126,4

136,4

7,7

5. Dịch vụ thông tin điện tử

 

 

 

 

10,2

11,7

13,6

15,5

6. Dịch vụ xử lý thông tin

 

 

 

 

35,6

40,7

46,6

14,2

7. Dịch vụ viết, tư vấn phần mềm, thiết kế, lắp đặt hệ thống

 

 

 

 

 

49,4

55,4

60,9

11,0

8. Phầm mềm làm sẵn

 

 

 

 

25,3

28,5

32,0

12,5

9. Dịch vụ tin học

 

 

 

 

169,9

191,7

213,8

12,2

10. Dịch vụ viễn thông

 

 

148,0

151,9

161,1

169,2

179,4

5,5

10.1 Nội địa

 

 

143,0

145,1

153,3

160,5

169,0

4,8

10.2 Quốc tế

 

 

5,0

5,8

7,2

8,7

10,4

20,2

11. Tổng dịch vụ (9+10)

 

 

 

 

331,0

360,9

393,2

9,0

Nguồn: US Industrial Outlook 1994, US Department of Commerce, 1994/

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss