Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 39 / Tưởng nhớ Phùng Quán

Tưởng nhớ Phùng Quán

- Hải Vân, Thu Bồn, Phạm Quế Dương — published 11/04/2011 00:45, cập nhật lần cuối 11/05/2011 18:09

Tưởng nhớ Phùng Quán




“Đảng Áo Trắng”


Hải Vân



Về đến Hà Nội cuối năm vừa qua, tôi được tin nhà văn Phùng Quán bị xơ gan, bệnh nặng. Cùng với một người bạn, ngày 31.12, chúng tôi đến nhà ông, bên bờ Hồ Tây, cạnh trường Bưởi. Trong câu chuyện sáng ngày hôm đó, Phùng Quán đề cập hai lần đến cái chết.

Lần đầu tiên, khi trao cho tôi bài báo “Một chân dung nhà văn Phùng Quán” ký tên Văn Xương (Diễn Đàn số 38, tháng 2.1995) – trong đó có nói đến ba điều ông đã quyết làm trước khi phải nằm xuống – Phùng Quán cho biết có tự đặt cho mình một việc làm khác trước khi nhắm mắt: Nguyễn Hữu Đang phải có được nhà ở tại Hà Nội; nếu chính quyền không chịu cấp, ông doạ sẽ vận động đồng bào và kiều bào quyên góp mua nhà. Đó là mục đích của bài “ Tìm thăm người dựng lễ đài Tuyên ngôn độc lập” (Diễn Đàn số 25, tháng 12.1993). Được phổ biến rộng ở nước ngoài, bài viết đã tác động lại trên dư luận trong nước. Vừa rồi, không thể tiếp tục làm ngơ, chính quyền đã có quyết định cấp một căn nhà nhỏ cho người mà, từ đầu, Phùng Quán xem như là người anh cả trong Phong trào Nhân văn Giai phẩm.

Lần sau, vào lúc cuối câu chuyện hôm ấy. Phùng Quán lấy ra một cái áo màu trắng và mời tôi ký tên lên đó – bên cạnh bao nhiêu những chữ ký khác của bạn bè. Nguồn gốc của cái áo trắng này, Thu Bồn vừa qua đã nói đến (xem bài bên cạnh). Chỉ xin nói thêm rằng, theo một báo cáo chi tiết của cơ quan an ninh chính trị, đó là sự hình thành của một tổ chức chính trị mệnh danh “đảng áo trắng”! Về phần mình, Phùng Quán khẳng định rằng ý muốn cuối cùng của ông chính là mặc cái áo trắng đó khi liệm và nằm vào quan tài.

Rời nhà Phùng Quán, ra bờ hồ, chúng tôi bắt gặp lại hai nhân viên an ninh đeo theo chúng tôi trên honda suốt buổi sáng. Tiếp tục hộ tống chúng tôi trong cả ngày hôm đó, họ sẽ dừng lại ở đầu cầu Chương Dương, khi xe chúng tôi lên cầu băng qua sông Hồng đi ra sân bay Nội Bài.

Một tháng sau, đã trở sang Paris, tôi được tin người trẻ tuổi nhất của Phong trào Nhân văn Giai phẩm đã từ trần tại Hà Nội – sau khi đã làm những điều mình phải làm.



Chén rượu quan hà

Thu Bồn

 

Mỗi năm cứ độ gần Tết anh lại vào Nam thăm viếng bạn bè. Lần nào anh cũng ghé nhà tôi để uống một ly rượu ngon do bàn tay mẹ tôi cất. Năm nay đột nhiên không thấy anh vào nữa, lòng tôi thấy lo lo.

Linh tính bạn bè không phải là điều vô cớ. Cái đêm anh uống rượu trong vườn nhà tôi bỗng nhiên anh khóc. Người say khóc cười là chuyện thường, nhưng Phùng Quán không say. Anh đọc thơ rất hay, thỉnh thoảng nhấp một chút rất trịnh trọng – anh uống rượu và uống những giọt nước mắt của mình. Đêm đen sâu thẳm, chúng tôi ngồi xung quanh ánh lửa hồng.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đời làm thơ của anh và tôi có nhiều điểm giống nhau. Anh là thiếu sinh quân ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa... từng nương Thiên Mụ từng ngụ Đập Đá Văn Xá Truồi Nông... Tôi là thiếu sinh quân của Liên khu Năm.

Quá khứ không bao giờ nhoà được một nhà thơ Thanh Tịnh già một Phùng Quán trẻ từng đi bộ suốt dãy Trường Sơn đến chiến khu Việt Bắc đọc thơ cho bộ đội nghe. Những người lính năm ấy bây giờ nhiều người là tướng lĩnh.

Anh về Văn Nghệ Quân Đội trước tôi. Tên tuổi anh nổi tiếng với Vượt Côn Đảo, trường ca Tiếng hát trên địa ngục. Một thế hệ thanh niên đã lấy Vượt Côn Đảo làm quyển sách gối đầu giường. Anh tài năng hơn tôi, hẩm hiu hơn tôi, oan ức hơn tôi, trung thành hơn tôi, cam chịu hơn tôi và cũng nghèo nàn hơn tôi.

Có người cho anh lập dị, nhưng không phải. Anh đi guốc mộc vì cái bàn chân tê thấp và tiền đâu mà mua giày mua dép? Tiền đâu mua nón nỉ nón cối mà không đội nón lá kè?

Tôi về 4 Lý Nam Đế ở đúng cái phòng anh ở trước nên ai đến cũng lầm tôi là Phùng Quán vì tôi cũng có cái ngoại hình giống anh. Sau này do trời xui đất khiến thế nào mà vợ tôi lại đóng phim Tuổi thơ dữ dội của anh.

Ra Hà Nội lần nào tôi cũng đến thăm anh. Cũng chui vào một con đường kiệt bên hông trường Chu Văn An, bẻ ngoặt lại ven bức tường là một Hồ Tây rộng mênh mông. Mái lều nhỏ bé và một cái chòi rách tươm như đời thi sĩ nghểnh cổ lên để cố nhìn thấu tận Tam Đảo Ba Vì.

Vừa rồi tôi và Lý Bạch Huệ (mẹ thằng Mừng1) ra Hà Nội thăm anh. Chị Trâm vợ Phùng Quán không ngớt giới thiệu về những bài thơ của những bạn bè đề trên vách. Trong số đó có bài thơ của Tào Mạt. Chị Trầm đem ra khoe với chúng tôi: bàn ghế trong nhà đều do bàn tay anh Quán chế biến từ những vỏ tivi hư. Chúng tôi ít khi ngồi trên những chiếc ghế ấy mà thích ngồi thiền trên cái chòi để ngắm nhìn cho được toàn cảnh Hồ Tây. Những mảnh vụn và rách được bàn tay thi sĩ xếp lại làm nên cái chòi có tên là “Chòi ngắm sóng”. Trên nóc chòi có gắn một bình rượu làm biểu tượng.

Chị Trâm lại đem cái áo trắng có hàng trăm chữ ký của bạn bè ra khoe với tôi. Chị vừa khoe nhưng vừa muốn khóc, chị nói: Khổ quá cái áo này anh Quán thích lắm vì là kỷ niệm bạn bè. Vậy mà có người vu cho anh có ý định làm một tổ chức gì đó...

Tôi bật cười. Thấy tôi cười chị lại khóc oà.

Trời ơi! Tôi kêu lên: Cái áo nào là của tôi! Lý Bạch Huệ đi biểu diễn lấy được tiền ra cửa hàng Sĩ Tân mua cho tôi một cái áo tít-xo giá 150 ngàn đồng. Tôi mặc chiếc áo đẹp được vài ngày thì Phùng Quán vô. Chúng tôi nhậu ở nhà một người bạn. Phùng tiên sinh nheo mắt nhìn chiếc áo tôi đương mặc, mỉm cười. Bỗng anh ôm tôi rỉ tai nói nhỏ: Cậu đổi cho mình chiếc áo này. Giữa bàn tiệc ai cũng sửng sốt vì hai đứa tôi cởi áo cho nhau. Nhưng nhà thơ không chịu rời khỏi tôi, lại ưỡn cái ngực lép ra và bảo tôi ký vào đó. Thật là hết trò chơi. Tôi ký vào và mọi người cùng ký vào, có cả em bé 7 tuổi cũng ký vào. Trò chơi chỉ có vậy. Chúng tôi thì vui, khổ thì riêng mình anh chịu2.

Thơ văn Phùng Quán từ hồi anh có mặt trong hàng ngũ những nhà thơ lớn chưa hề có nửa chữ nào phản lại nhân dân, anh yêu thương và ca ngợi từ trái cà nghèo nàn quê hương anh đến những chiếc vại làm bằng đất thó – những vại cà nuôi cả dân tộc này lớn lên và làm nên những kỳ tích anh hùng. Và, từ khi mở mắt đến khi nhắm mắt, anh chưa hề được bước chân đến một đất nước nào khác ngoài đất nước Việt Nam yêu quý.

Cái bình điếu thuốc lào, tẩu còn dựng bên vách với những tàn đóm một thời còn chưa có thì giờ sắp xếp – chúng đương ngổn ngang cùng với những trang sử thi Tagore, những anh hùng ca Homère, những Baudelaire, những Pushkin, những Nguyễn Du, Cao Bá Quát... Nhưng anh đã đi rồi. Lịch sử quá nhiều công việc, tôi chỉ biết khóc anh và giải cho anh vài điều oan để ở thế giới bên kia anh lại còn nhớ về thế giới này.

Suối Lồ Ô đêm 22 chuyển sang ngày 23 tháng 1 năm 1995.



1 Mừng là tên nhân vật chính trong phim Tuổi thơ dữ dội do đạo diễn trẻ Nguyễn Vinh Sơn thực hiện, từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Phùng Quán. Khi phim này được mang duyệt”, một uỷ viên Hội đồng duyệt phim hạ một câu: “... xem phim thấy rõ cái dằn vặt Phùng Quán” (theo lời kể của đạo diễn N.V.Sơn)

2 Đó là nguồn gốc “đảng áo trắng” trong hồ sơ của cục Công an chính trị (xem bài Hải Vân trang bên).




Phải giải nỗi oan của các Anh



Anh Phùng Quán kính yêu,

Tôi từng được gặp Anh đôi lần, một lần được đến thăm Anh tại nhà. Song, Anh chắc không nhớ tôi. Vì Anh là giới văn chương, tôi là một người lính làm báo sử.

Tuy nhiên, suốt đời tôi nhớ tới Anh.

Khi vụ Nhân văn - Giai phẩm nổ ra, tôi làm chủ nhiệm Câu lạc bộ cao xạ ở Hải Phòng. Đọc các tác phẩm của các Anh thấy hay quá và khâm phục. Nhưng với cương vị của mình vẫn phê phán các Anh gay gắt như nghị quyết của trên.

Về Hà Nội, đi tìm gặp các Anh, kể cả các Anh Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, v.v... thấy các Anh đầy tài năng và tâm huyết. Từ tình cảm trở thành khâm phục. Một sự khâm phục tự đáy lòng mình.

Nỗi oan của các anh làm day dứt lòng người đến nay vẫn chưa tan. Dân tộc ta rất coi trọng việc giải oan nên ở những nơi linh thiêng thường có Suối Giải Oan, Đền Giải Oan.

Nếu thật sự yêu dân tộc Việt Nam, vì dân tộc Việt Nam, thì phải giải nỗi oan của các Anh.

Anh đã đi về cõi vĩnh hằng.

Nhưng các tác phẩm của Anh để lại cho Đời, những giá trị cao đẹp, đã trở nên vĩnh cửu.

Kính cầu cho Anh siêu linh tịnh độ, Anh phù hộ cho Đời có cái tâm, cái Tầm như Anh.

Vĩnh biệt Anh!

Phạm Quế Dương

Đại Tá Quân Đội Nhân Dân Việt Nam
Nguyên Tổng biên tập tạp chí Lịch Sử Quân Đội
37, Lý Nam Đế, Hà Nội.

 

thu-but-phung-quan

Bút tích nhà thơ Phùng Quán (1932-1995)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss