Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 40 / Hai mươi năm sau...

Hai mươi năm sau...

- Hoà Vân — published 05/01/2011 01:25, cập nhật lần cuối 14/05/2011 21:48

Hai mươi năm sau...

Hoà Vân

 

Khách vào thăm Việt Nam gần đây hay nói tới ấn tượng mạnh mẽ về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam và cảnh tượng làm ăn náo nhiệt đang diễn ra trên dải đất hình chữ S này. Trong bài “ Vietnam strives to catch up”, (“VN cố gắng đuổi kịp”), trên Asia Update tháng 12.1995, nhà nghiên cứu người Úc David Marr thuật lại lời một người Mỹ ví 72 triệu người Việt Nam như 72 triệu Rip Van Winkles, sau giấc ngủ thần thoại, đang ra sức tìm lại thời gian đã mất.

Hơn hẳn các con số, bức tranh xã hội về cảnh tượng mọi người hối hả tìm kiếm các cơ hội để nâng cao mức sống cho mình và gia đình, thể hiện những bước tiến về kinh tế - xã hội trong mấy năm qua. Nhà cầm quyền Việt Nam có thể tự hào đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo của những năm 1988-91, khi các đồng minh tin cậy nhất của họ, chính quyền cộng sản ở các nước đông Âu và Liên Xô lần lượt sụp đổ, chấm dứt nguồn ngoại viện duy nhất nhưng quan trọng của Việt Nam trong một thời gian dài. Nền kinh tế đối ngoại đã mau chóng được chuyển hướng về các nước lân bang, để đạt tới mức 85% trao đổi thương mãi năm 1994 là với các nước Á Đông. Từ đó, một “phần thưởng” có ý nghĩa: sự gia nhập khối ASEAN trong năm nay, hơn 5 năm sau khi đã rút hết quân đội ra khỏi Campuchia và lần lượt thiết lập lại các quan hệ ngoại giao bình thường với thế giới. Luật đầu tư nước ngoài được thông qua cuối năm 1987 đã và đang thu hút nhiều nguồn vốn cần thiết cho sự tái thiết đất nước. Đối nội, sự thiết lập nền kinh tế thị trường, với chính sách một giá năm 1989, cùng với nguồn lợi “trời cho” về dầu mỏ, đã cho phép giảm mức lạm phát 3 số những năm 1986-88 (gần 800% năm 1986) xuống còn dưới 10% năm 1993 (nhưng đã tăng lên gần tới 15% năm 1994, và chỉ riêng hai tháng đầu năm nay, hơn 6%). Sự giải phóng nông dân khỏi những kềm kẹp của các chính sách “thu mua” và của chế độ hợp tác xã cưỡng ép đã tạo điều kiện giải quyết vấn đề lương thực, nâng Việt Nam thành nước xuất cảng gạo thứ ba trên thế giới...

Thế nhưng, chưa kể tới những mảng đen lớn còn tồn tại giữa những thành quả kể trên, với các thí dụ đầy dẫy về nhiều mặt chính trị, xã hội (bao nhiêu triệu người thất nghiệp, sự phân hoá giàu nghèo...) và cả kinh tế, điều cần nói ngay là bản thân những thành quả kinh tế ấy xuất phát từ những giải pháp tình thế nhiều hơn là từ những chính sách chủ động thể hiện tầm nhìn xa của đảng cầm quyền. Sự phá sản của những chính sách “cải tạo xã hội chủ nghĩa”, của chế độ hợp tác xã cưỡng bách đã liên tục gây căng thẳng về vấn đề lương thực trong xã hội những năm 76-80, ép các hợp tác xã miền Bắc phải “khoán chui” từ lâu, nhưng phải đợi đến đầu năm 1981 chính sách “khoán sản phẩm tới người lao động” mới được ban hành. Hơn hai năm sau các thất bại thảm thương của cuộc đổi tiền tháng 9.1985, dưới sức ép của xã hội và đòi hỏi của một nền kinh tế kiệt quệ, hội nghị trung ương đảng cộng sản cuối năm 1987 mới thừa nhận “nguyên nhân sâu xa” (của tình hình khó khăn) là do “những sai lầm về chỉ đạo có tính chiến lược về kinh tế trong hơn chục năm qua”, và đưa ra các chính sách mới “ chuyển toàn bộ hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh”“ phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế”. Nhưng còn phải đợi đến tiếng vang chấn động xã hội của bài báo Cái đêm hôm ấy... đêm gì của Phùng Gia Lộc và một loạt bài báo khác về thực trạng nông thôn, mới có nghị quyết bộ chính trị “ về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” tháng 4.1988. Một nghị quyết cũng chỉ được thi hành... sau những cuộc biểu tình của nông dân đồng bằng sông Cửu Long mùa thu năm ấy.

Trong lĩnh vực kinh tế, những ví dụ nêu trên cho thấy các chính sách “đổi mới” có ý nghĩa nhất đã chỉ được hình thành dưới sức ép của tình hình, sau khi cơ sở đã mạnh dạn “phá rào” để tự tìm đường sống. Trong lĩnh vực chính trị, càng nổi bật những xu hướng giáo điều, bảo thủ của những thế lực nắm quyền bính trong đảng, tự đặt mình vào thế đương đầu với những đòi hỏi dân chủ của xã hội, và co cụm ngay trong các cuộc tranh luận nội bộ về những chọn lựa các chính sách nhà nước. Những quyền tự do tương đối rộng mở hơn so với trước đây của người dân, như tự do làm ăn, đi lại, tiếp xúc, tín ngưỡng (trong nghĩa hẹp của từ này: quyền theo một tôn giáo, đi chùa, nhà thờ)... tuy đã phải trả giá đắt để đạt được chưa phải ở một mức cao gì, vẫn không ngừng được các cơ quan “an ninh” dòm ngó. Phải lùi bước về nhiều mặt của cuộc sống, những thế lực bảo thủ dồn sức phát huy bạo lực của bộ máy đàn áp được xây dựng trong chiến tranh để củng cố chỗ đứng. Báo chí, văn nghệ sĩ được “cởi trói” hai năm rồi lại được “uốn nắn” vào quỹ đạo của một dòng tư duy mang lá che mắt (œillère). Và tất nhiên là những người chọn lựa một cuộc đấu tranh trực diện, dù là một cuộc đấu tranh chính trị không bạo động, chính đáng, tiếp tục bị bắt bớ, giam cầm.

Thực ra, sự phân biệt giữa những thế lực “bảo thủ” và “đổi mới” trong bộ máy đảng không thể rạch ròi, trắng đen, khi quyền lợi của các bên xen kẽ, hỗ tương cho nhau. Nói gọn là trong việc tranh thủ thời gian để củng cố những vị thế kinh tế trước khi diễn ra những thay đổi đích thực khó lòng tránh khỏi. Những “chiến dịch chống tham nhũng” cứ được đề ra, nạn tham nhũng vẫn tăng lên năm này qua năm khác. Song, nếu nhìn vào hoạt động của những nhân vật chóp bu của đảng, người ta vẫn có thể rút ra cảm tưởng thấy một số ra sức giải quyết những vấn đề kỹ thuật về quản lý kinh tế, còn một số khác (nắm bộ máy đảng) tìm cách trì kéo hoặc thọc gậy bánh xe (như luôn luôn nhắc nhở những vấn đề “tư tưởng”, như cản trở những cải tổ hành chính, cải tổ bộ phận kinh tế quốc doanh...). Trong khi đó, nhiều vấn đề cơ bản như pháp luật, giáo dục, y tế, môi trường, v.v... tiếp tục xa lánh những ưu tiên của nhà nước.

Việc kỳ họp trung ương thứ 8 tháng giêng vừa qua không thông qua được nghị quyết về việc xây dựng nhà nước pháp quyền, vừa có thể coi như một thất bại của “khối tư tưởng, văn hoá” trong đảng, chứng tỏ sức mạnh rất tương đối của những lực lượng bảo thủ này (xem thêm Thư Hà Nội trong số này), vừa là một bằng chứng rằng dưới mắt của giới lãnh đạo nói chung, vấn đề... chẳng có gì gấp gáp lắm.

Giáo dục từ lâu luôn luôn được các nhà lãnh đạo đề cao là “ quốc sách hàng đầu”. Nhưng cũng từ lâu người được giao trọng trách này cứ luôn luôn là một nhân vật hạng nhì(1) của bộ máy, không đủ sức tranh thủ một ngân sách để trả lương ở mức tối thiểu cho đội ngũ nhà giáo, và hàng năm mùa nhập học chẳng biết làm gì hơn là than thở sự tiếp tục xuống cấp của lĩnh vực “ưu tiên” do mình phụ trách... Một sự xuống cấp trầm trọng, không chỉ thể hiện ở những con số học sinh bỏ học, giáo viên bỏ dạy, ở con số người lớn không biết chữ tăng lên gấp nhiều lần so với những năm chiến tranh. Mà còn và nhất là ở sự mất đi những giá trị đạo đức cá nhân và xã hội tối thiểu, những lá chắn cần thiết để nền kinh tế thị trường không trở thành quá hoang dã. Trong khi đó, hàng năm, hơn một triệu thanh niên bước vào đời với những kiến thức và ý thức lệch lạc từ một nhà trường xiêu vẹo...

Hai mươi năm đã trôi qua, từ những ngày hồ hởi chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Toàn cảnh bức tranh xã hội hôm nay không khỏi có phần đen tối vì những sai lầm nghiêm trọng, những ngu tối giáo điều kéo dài gây ra hàng chục năm khủng hoảng trầm trọng (chữ của ông Võ Văn Kiệt, trong bài phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ số Xuân Ất Hợi) với những tác hại chưa dứt. Tuy nhiên, như nêu trên đầu bài, những mảng sáng đã nổi lên.

Với sức sống mãnh liệt của dân tộc, những không gian sinh tồn dễ thở hơn vẫn được mở rộng từng bước, và với nghị lực của kẻ gần tuyệt vọng, mọi người chạy đua vào đó, đẩy lui thêm những rào cản, biên giới phi nhân. Trước mắt, sức sống ấy mới chỉ thể hiện ở những nỗ lực của những cá nhân, cho bản thân và gia đình mình. Mới là những nỗ lực hồi sinh.

Còn vắng, những mối kết hợp, những tích năng (synergie) của các hoạt động tương tác, tung hứng lẫn nhau. Khi mọi sự liên kết đều có thể gây nguy nan cho những người khởi xướng, vì các bộ phận “an ninh” của đảng nhìn đâu cũng thấy mầm phản loạn. “ Việt Nam muốn làm bạn với mọi người”, nhưng là những người nước ngoài mang tới đầy đôla. Còn đối với người trong nước...

Cũng còn vắng, những suy tính sâu xa, rộng lớn cho cộng đồng, cho xã hội, cho một tương lai dài hơi. Hay đúng hơn, còn vắng trên những phương tiện truyền thông, trên mặt báo mà đảng cầm quyền vẫn khư khư nắm chặt, dành riêng cho mình và chỉ cho phép những người khác quyền phụ hoạ. Dù họ thừa biết rằng chỉ có sự tranh luận tự do, sự cọ xát những ý kiến trái ngược nhau mới là môi trường tốt nhất để phát sinh những tư duy phong phú, mới mẻ, táo bạo. Mới cổ vũ những sáng kiến lớn trong mọi mặt của đời sống, cho phép điều chỉnh nhanh chóng những chính sách sai lạc, làm nảy nở những nhân tài đa dạng...

Dẫu sao, một thời kỳ mới cũng đã mở ra! Đối nội, những cây cầu đã cắt với quá khứ khó lòng lập lại, dù các trận đánh bọc hậu còn sức tàn phá không nhỏ. Đối ngoại, có lẽ chưa bao giờ Việt Nam độc lập hơn hiện nay! Pháp, Nhật, Mỹ, Nga, Trung, không ai còn là mẫu quốc, là đồng minh lớn, là nguồn tài trợ duy nhất... Sự đa dạng hoá thành công các mối quan hệ ngoại giao góp phần nuôi dưỡng cuộc hồi sinh, và ngăn chặn những âm mưu nô dịch mới.

Những nhà lãnh đạo đảng cộng sản, người thì nhấn mạnh “nguy cơ chệch hướng”, người thì nhấn mạnh “nguy cơ tụt hậu”. Và kể ra những thách thức quả là không nhỏ đối với đất nước những năm sắp tới, để vượt qua các “nguy cơ” ấy. Không mấy ai cho rằng thách thức trước mắt lớn hơn cả là vượt lên bản thân mình để tìm thấy trong gia sản chung của nhân loại những giá trị hun đúc nghị lực và tài trí, cho phép những bước đi tiếp sáng tạo và vững chắc. Một nền dân chủ đích thực, với những quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin, hội họp và những tự do cơ bản khác được tôn trọng, chẳng hạn, là bước kế tiếp cần thiết và không thể tránh.

Hơn một nửa thời gian và nhiều mất mát lớn đã xảy ra trong 20 năm qua. Hôm nay, nhắc lại mấy điều cũ kỹ trên tưởng cũng không thừa...?


Hoà Vân

 

(1) Đây chỉ là một nhận xét, không phải là một đánh giá đối với những nhân vật liên hệ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss