Bí mật của rừng già
Bí mật của rừng già
Khánh Trường
... Tình trạng đã đi đến chỗ tuyệt vọng. Ba ngày kể từ lúc bị lọt vào khu vực chạm súng của hai phe, người dẫn đường tuy kéo được chúng tôi ra khỏi tử địa nhưng lại lạc mất phương hướng, không thể tìm thấy con đường mòn quen thuộc xuyên qua biên giới. Lương thực hầu hết chúng tôi đã vất bỏ cho gọn nhẹ. Đói và khát. Mười hai nhân mạng. Tám đàn ông, kể cả người dẫn đường tương đối còn sức lực. Riêng bốn người còn lại, tôi, cô em gái và mẹ con một người đàn bà đồng hành thì gần như không còn đứng vững nổi trên hai chân. Nhất là cô bé mười ba tuổi, kiệt quệ đến độ bọn đàn ông phải thay phiên nhau cõng. Xế chiều của ngày thứ ba, khi chúng tôi vừa ra đến một bìa rừng, bỗng chung quanh chát chúa tiếng súng cùng tiếng hú hét man rợ. Từ sau những bụi bờ, những thân cổ thụ, hàng chục khuôn mặt đen đúa hầm hầm sát khí xuất hiện. Cô bé mười ba tuổi khóc thét, “Mẹ, lính Miên...”. Lính Miên. Hai tiếng ngắn gọn đó như một sức bật có khả năng đẩy chúng tôi văng bắn ra mọi hướng, cuống cuồng thoát chạy. Tôi kéo cô em gái lủi bừa vào rừng tre gai. Sau lưng tôi tiếng súng, tiếng hò hét đuổi theo gấp rút. Đạn rào rào trên những tàng lá rậm, đạn xé toạc những thân tre già nổ lốp bốp, đạn đốn gãy những cây cành. Tôi chạy, hoảng loạn, kinh khiếp. Tôi chạy, càn bừa, bất kể bụi bờ gai góc. Tôi chạy, cố gắng nhanh hơn, dù đôi chân đã run bắn lẩy bẩy, dù cô em gái không ngớt vấp ngã, khóc rống từng cơn... Bỗng tôi có cảm giác tức nhói chỗ bắp đùi, đồng thời ngã chúi về phía trước. Tiếp theo, tiếng chân nện thình thịch trên mặt đất, rồi một vật cứng, hình như một đế súng, dộng mạnh vào thái dương. Mắt nổ đom đóm, tôi vật ra, bất tỉnh.
Lược qua những chi tiết, tôi chỉ tóm tắt: Tám người đàn ông có ba người thoát, không biết bây giờ họ ra sao, ở đâu. Số còn lại đều bị bắt và bị chặt đầu. Cô bé mười ba tuổi bị hiếp đến chết. Bà mẹ bị một gã Miên già cưỡng bức làm “vợ”, nửa đêm bà ta thoát ra ngoài, chạy hoảng vào bãi mìn, tan xác. Cô em tôi cũng bị buộc lấy một tên tiểu đội trưởng, sau đêm “động phòng” cô gần như mất trí, suốt ngày ngồi lặng một chỗ, mắt mở trừng nhìn ngây dại vào khoảng rừng âm u trùng điệp như chờ đợi một điều gì. Trong thời gian này, những cuộc vuợt biên bằng đường bộ xuyên qua lãnh thổ Campuchia đang ở giai đoạn cao điểm, vì thế bọn này làm ăn được mùa, mỗi tháng ít ra cũng vài ba mối, tất cả đàn ông chúng bắt được đều bị giết sạch. Đàn bà con gái thì hoặc chúng hiếp đến chết hoặc chia nhau lấy “làm vợ”. Sau ngày chúng tôi bị bắt không lâu, tên tiểu đội trưởng vồ được con mồi mới, hắn lập tức bán cô em tôi cho một thuộc hạ với giá hai khoen vàng. Tên này nổi tiếng tàn ác nhất bọn, chính mắt tôi từng nhìn thấy hắn treo cổ mổ bụng nhiều nạn nhân. Có lẽ cô em tôi – bấy giờ đã hoàn toàn mất trí – không đáp ứng được thú tính man rợ của hắn nên sau mấy trận đánh đập thừa chết thiếu sống, hắn lôi cô vào rừng, và từ đó mãi mãi không bao giờ tôi gặp lại đứa em bất hạnh. Riêng tôi, lẽ ra đã được hoá kiếp sau cái đế súng nện vào đầu, nhưng nhờ viên chỉ huy cứu kịp. Cũng bằng cái cách quen thuộc: Nhận lấy tôi làm “vợ”.
Tôi bị thương, viên đạn xuyên qua bắp đùi, phá vỡ ống xương. Chẳng hiểu bởi phép màu nào mà với tình trạng thuốc men chữa trị hết sức thô sơ, chân tôi không bị cưa. Nửa năm dở sống dở chết, cuối cùng vết thương cũng lành, có điều khúc xương thiếu không cho phép tôi đi đứng tự nhiên như xưa. Tôi trở thành một kẻ tật nguyền.
Thời gian vật vã với vết thương tôi chỉ có một ước muốn duy nhất là làm thế nào để chết được. Kinh hoàng vì những cảnh tượng chứng kiến hàng ngày, đau đớn vì cái chết của đứa em gái, và nhất là viễn tượng sẽ trở thành vợ của tên chỉ huy kia đã đẩy tôi xuống đáy cùng của tuyệt vọng! Làm vợ một con thú đội lốt người! Trời ơi, quả là điều quá sức khủng khiếp, chỉ nghĩ đến thôi cũng đủ khiến tôi rùng mình rợn gai ốc, huống chi sự việc chẳng sớm thì muộn sẽ phải đến. Không chết được, tôi đành trốn vào cứu cánh mong manh khác, tôi mong vết thương đừng lành, đừng bao giờ lành, tôi thà chịu đựng triền miên đau nhức thế vẫn còn hơn.
Nhưng cuối cùng sự việc kinh khủng kia cũng tới. Đó là ngày tên y tá của nhóm Kháng Chiến tuyên bố tôi hoàn toàn bình phục. Điều đó cũng có nghĩa tôi phải thực sự lấy tên chỉ huy làm chồng.
Tôi lấy hắn làm chồng! Mãnh lực nào giúp tôi chịu đựng được điều kinh khiếp kia? Phải chăng ý chí sinh tồn, niềm khao khát sống còn nằm sâu dưới đáy tiềm thức là động cơ? Hay tại thái độ của hắn đối với tôi, một thái độ lạ lùng không ngờ, hoàn toàn ngược hẳn với những gì tôi từng chứng kiến suốt nhiều tháng lê lết theo bọn chúng. Hắn tàn bạo, khát máu và quyết liệt bao nhiêu với thuộc hạ thì đối với tôi lại trở nên nhu nhược, mềm yếu bấy nhiêu. Thêm hai tháng nữa từ ngày phải sống chung với hắn, tôi cương quyết từ chối không cho hắn đụng vào người. Tôi rắp tâm chống cự đến cùng, hy vọng hắn sẽ nổi điên và giết tôi. Giết tôi. Chết. Đó là con đường giải thoát duy nhất trong hoàn cảnh này. Nhưng lạ lùng chưa? Hắn kiên trì chịu đựng, tuyệt không tỏ một phản ứng hung bạo nào. Chẳng những thế, hắn còn ra lệnh cho thuộc hạ để tôi tự do đi lại trong phạm vi có thể được, và đồng thời cũng tạo cho tôi cái quyền uy của một đệ nhất phu nhân trên vùng giang sơn hắn đang cai trị. Vàng bạc, châu báu, của cải cướp được hắn giao trọn cho tôi quản lý, thậm chí nếu muốn, tôi có thể ra lệnh giết người này, trừng phạt kẻ kia. Nói chung, sau hắn, tôi là người có quyền hành cao nhất. Tất cả mọi hành động hắn làm, mọi lời hắn nói, chỉ để chứng minh với tôi một điều: Hắn yêu tôi, thực sự muốn có tôi làm vợ. Cũng cần nói rõ tám năm trước, nghĩa là vào thuở đó, tôi khá đẹp, bao nhiêu đàn ông từng điêu đứng, thậm chí có kẻ thân bại danh liệt vì nhan sắc tôi. Hắn yêu tôi, điều đó chẳng đáng ngạc nhiên. Hạng người như hắn, nếu ở trong hoàn cảnh bình thường, còn chưa xứng đáng xách dép cho tôi nữa là!
Nhưng phải chăng ký ức của chúng ta thường bội bạc, không có khả năng lưu giữ lâu bền mọi ấn tượng, nhất là những ấn tượng khổ đau? Phải chăng đó là một hình thức vượt thắng để tự tồn của ý chí con người? Phải chăng bản chất của đàn bà hầu hết đều yếu mềm uỷ mị, dễ bị quyến rũ lung lạc? Một đêm hắn quỳ dưới chân tôi, đầu gục vào thành giường khóc rưng rức. Hắn khóc, rất lâu, vừa khóc vừa nói – hắn nói được tiếng Việt Nam khá sành sõi – “Tôi thương em... Em hiểu không? Tôi thương em... thương em vô cùng... Tôi có thể làm bất kỳ chuyện gì để em vừa lòng, kể cả em bảo tôi chết, tôi cũng không từ... Chỉ xin em một điều... đừng hắt hủi tôi, tôi muốn có em làm vợ... Em phải biết tôi có toàn quyền trên sinh mạng em, tôi có thể giết em dễ dàng, nhưng tôi không muốn làm thế. Bởi vì... Tôi thương em... Tôi thương em...” . Hắn nói, lê thê, bất tận, lặp đi lặp lại kiên trì mấy tiếng “tôi thương em”, “tôi muốn có em làm vợ”. Giọng hắn lơ lớ ngọng nghịu, âm thanh phát ra đứt rời từng quãng trong tiếng nấc bi thiết. Giữa bầu khí tĩnh mịch rờn rợn của đêm rừng hoan vu, trong bóng tối mù loà của định mệnh khốc liệt, giọng hắn nỉ non như vọng về từ một cõi âm nào, như lời cầu đảo mê hoặc của một gã phù thuỷ vào thời con người còn ăn lông ở lỗ. Tôi cố gắng bình tĩnh, tôi cố gắng phân định vị trí của hắn trong cuộc đời tôi. Tôi nhớ lại hình ảnh đứa bé mười ba tuổi hạ bộ máu me đầm đìa, tôi nhớ lại người đàn bà tan xác trong bãi mìn, tôi nhớ lại cô em gái có lẽ xác thân đã rửa nát dưới lớp lớp lá rừng ẩm mục, và những chiếc thủ cấp rơi rụng long lóc, những thân thể bầm dập với vòng thòng lọng siết quanh cổ; đong đưa trên các nhánh cây cao... Lý trí tôi không ngớt kêu gào “Đừng nghe hắn, đừng để thứ ngôn ngữ của địa ngục kia dụ hoặc. Mày chỉ có một chọn lựa duy nhất là chết đi... Chết đi... Chết đi...” Nhưng một tiếng nói khác, tiếng nói vo ve của tiềm thức cũng đang vỗ về ngon ngọt. “Qua bao nhiêu thảm kịch khổ đau, cuối cùng mày vẫn còn sống. Mày còn sống và sẽ còn có cơ hội vượt thoát, làm lại. Hãy xem như đây là một tai nạn trong vô số những tai nạn mày đã gặp. Nghe hắn đi, tạm bằng lòng với hắn đi...” Đêm bên ngoài đen đặc, tiếng côn trùng nỉ non, gió luồn qua những tàng lá rậm làm rụng hàng triệu giọt sương rào rào trên mái. Qua khe hở giữa mái lá và tấm phên tre, tôi nhìn thấy một ngôi sao vừa đổi ngôi, tia sáng xẹt nhanh, vẽ thành một đường lửa xé rách cái nền thăm thẳm của bóng tối. Hơi lạnh tràn ngập căn chòi, lãng đãng như khói nhạt, thấm vào da thịt. Tôi rùng mình thụt sâu vào góc tối. Hắn vẫn gục đầu chỗ thành giường, tiếp tục nỉ non kể lể.
Có tiếng gà eo óc vọng từ một góc rừng xa. Đêm sắp tàn.
Bao nhiêu tháng nay tôi sống thường trực trong trạng thái vật vờ mụ mẫm từ thể xác đến tinh thần. Không đêm nào tôi ngủ yên quá hai tiếng đồng hồ, cứ vừa chìm vào giấc ngủ là lập tức ác mộng kéo đến. Tôi biết, nếu tình trạng này kéo dài, sẽ có ngày tôi cũng giống như cô em gái, lý trí sẽ vĩnh viễn từ bỏ tôi. Có thể đêm đó khả năng chịu đựng đã đến mức cực cùng, cũng có thể sức dụ hoặc của những lời van nài ma quỷ kia đã làm thần kinh tôi tê liệt, ý chí đề kháng triệt tiêu.
Dù cố gắng tỉnh thức, cuối cùng tôi vẫn thiếp đi. Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn không biết trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê đó, tôi đã tự nguyện trao thân cho hắn hay tôi bị cưỡng bức?
Tôi đã trao thân cho hắn? Sức người có hạn, nhiều tháng trời chứng kiến bao nhiêu thảm kịch. Cô bé bị hiếp đến chết. Người đàn bà tan xác trong bãi mìn. Đứa em gái vùi thây dưới lớp lớp lá rừng. Những cảnh chặt đầu, hãm hiếp, cướp bóc, tra tấn man rợ... Tất cả làm đầu óc tôi tê dại mù loà. Tôi trao thân cho hắn, một cách đầu hàng nghịch cảnh?
Hay tôi bị cưỡng bức? Một người đàn bà yếu đuối như tôi, từ tinh thần đến thể xác đã suy kiệt cực cùng, làm sao chống đỡ nổi với một con thú hung hãn đang ngày đêm chực chờ vồ chụp?
Tôi không biết thật. Đừng nghĩ tôi muốn phủ lên câu chuyện một màn huyễn hoặc để biện minh cho hành động buông thả của mình.
Ngày nay, đã hơn nửa đời người, trải qua bao nhiêu biến cố tai ương, tôi nghiệm thấy rằng trong cuộc đời này tất cả mọi chuyện, kể cả những chuyện tưởng chừng phi lý nhất, vẫn có khả năng xảy ra. Một điều nữa, khối óc nhỏ bé của chúng ta không phải lúc nào cũng kiểm soát được tất cả mọi hành vi của thân xác. Có bao giờ anh trải qua cái kinh nghiệm đi tìm một đồ vật nào đó, một bao thuốc lá chẳng hạn, khi nó đang nằm trong tay anh?
Nhưng tôi đã đi ra ngoài câu chuyện mất rồi...
Anh có tưởng tượng được không, lần trao thân (hay bị cưỡng bức) kia tôi tưởng sẽ khổ sở lắm, nào ngờ lại là lần xác thân tôi cảm nhận trọn vẹn nhất cảm giác khoái lạc cực cùng của hành động gối chăn. Nói ra điều này chắc chắn anh sẽ khinh tôi, sẽ nhờm tởm tôi. Khổ thay đó là một sự thật, chính sự thật này là nguyên nhân của chuỗi biến cố tiếp theo, kéo dài đến bây giờ.
Kể từ đêm hôm đó, tôi tiếp tục ăn nằm với hắn, và gần như lần nào tôi cũng đạt đến tột độ của khoái cảm, thật khác xa những lần chung chạ trước kia, qua những người đàn ông tôi từng yêu thương. Hắn có một sức mạnh hơn người, hắn hung bạo dẻo dai như một mãnh thú nhưng đồng thời cũng biết cách chiều chuộng nương đẩy để tôi dễ dàng đạt được mục đích. Tôi không thể yêu hắn. Làm sao tôi có thể yêu hắn, nhưng dần dần qua va chạm thân xác, tôi cảm thấy hắn thực sự cần thiết đối với tôi. Một thói quen của thú tính? Một hành vi nuông chìu bản năng bẩn thỉu? Tôi vẫn thường vấn tôi, và vẫn thường khinh bỉ xác thân nhơ nhớp của mình. Sau mỗi lần chung đụng, thần kinh tôi căng thẳng tột độ. Tôi cần hắn, điều đó đã quá rõ ràng, nhưng tôi không thể không nhờm tởm hắn, không thể không lợm giọng chính mình. Tôi vẫn còn sung sướng thoả mãn được ư khi cái chết của cô em chưa nhoà tan trong ký ức, khi chung quanh tôi cảnh giết chóc dã man vẫn xảy ra như cơm bữa? Tôi đang là người hay đã biến thành cầm thú? Những câu hỏi, hàng trăm câu hỏi quay đi quay lại trong đầu hết ngày này qua ngày khác, cũng hết ngày này qua ngày khác, tôi tiếp tục sống trong nhầy nhụa, đau đớn.
Cho đến ngày tôi biết mình có thai. Ban đầu tôi dấu hắn, định phá. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại, thấy đời mình thôi chẳng còn gì, tôi không có hy vọng ra thoát chỗ này, mà ở lại thì chết không dám chết, sống hôi thối như một bãi phân. Tôi sợ một ngày nào chút nhân tính còn lại trong tôi rồi cũng sẽ bị điều kiện hoá giữa đám súc sinh kia. Biết đâu đứa con sẽ giúp tôi hồi phục? Bám vào hy vọng đó, tôi quyết định giữ đứa con. Khi nghe tôi báo tin có thai, hắn sững người một lúc lâu, bỗng bất chợt quỳ mọp dưới chân tôi, úp mặt vào hai bàn chân tôi, và giống như đêm nào, hắn bật khóc, nức nở, tuôn trào. Lần trước hắn khóc vì bị chối từ, vô vọng, nhưng lần này, tôi hiểu, đó là tiếng khóc của một sinh vật đã đạt đến cực cùng của niềm sung sướng. Dù sao, thái độ của hắn cũng khiến tôi bồi hồi cảm động.
Quả thế, tôi hồi sinh thật sự từ ngày đứa bé chào đời. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự thiêng liêng của tình mẫu tử, lần đầu tiên tôi khám phá ra ý nghĩa sâu thẳm kỳ bí của cuộc đời. Tôi từng đi qua những cánh rừng bị cày nát, cháy rụi bởi bom đạn, khắp một vùng rộng ngổn ngang than củi, tưởng chừng không một sinh vật, thực vật nào có thể sống còn, vậy mà chỉ sau một đêm mưa, sáng ra đã thấy trồi lên trên lớp tro than kia là vô số những mầm xanh mơn mởn. Kỳ diệu thay sức sống dũng mãnh của muôn loài. Đứa bé đã ra đời: cái mầm xanh vô tội kia đã trồi lên mặt đất, bất chấp môi trường, thổ ngơi khắc nghiệt, cái mầm xanh sẽ vượt cao uy nghi hay tàn lụi héo úa? Có lẽ tôi phải làm một cái gì đó cho đứa nhỏ, khởi đi từ người cha tội lỗi, khởi đi từ chút nhân tính sót lại trong tôi.
Tôi bắt đầu quan tâm đến hắn và cố gắng không xem hắn như một kẻ thù. Ấn tượng về cái chết của cô em gái vẫn còn đậm nét trong tôi, nhưng tôi tự nhủ, mỗi người sinh ra với một định mệnh, định mệnh của em tôi là thế, đành phải thế. Hắn nữa, nếu không có những biến động bi thảm xảy ra trên quê hương hắn, nếu không có những thù hằn truyền kiếp giữa hai dân tộc, chắc chắn hắn đã không ở đây, không trở nên hung tợn khát máu. Trải qua hàng triệu năm trên trái đất, con người đi từ chỗ ăn lông ở lỗ dã man dần dần tự điều chỉnh để tiến đến chỗ toàn thiện, nhưng tận thâm sâu trong mỗi con người đều mai phục nguyên vẹn thú tính nguyên thuỷ. Cho nên học điều tốt lành, rất khó, ngược lại, tập làm điều ác – đánh thức thú tính nguyên thuỷ – lại vô cùng dễ. Lần đầu tiên nhúng tay vào máu, tay có hơi run, lần sau, lần sau nữa... Cảm giác run sợ mất dần, để đến một lúc nào hành vi giết người trở thành bình thường như mọi hành vi có tính cách sinh lý khác. Cứ thế, hận thù tạo ra hận thù, hắn bị cuốn vào vòng quay khắc nghiệt của trò chơi đẫm máu, không phương tháo gỡ và cũng chẳng muốn tháo gỡ. Nhưng nếu hắn còn biết thương yêu tôi, còn biết nâng niu đứa nhỏ thì trong hắn hẳn vẫn còn tiềm tàng cái “bản thiện” đã được điều chỉnh qua hàng triệu triệu năm để thành người, tại sao tôi không giúp hắn hồi sinh cái “bản thiện” kia?
Từ đó, tôi trực tiếp tham dự vào những hoạt động của hắn. Bằng quyền lực của một người đàn bà đang được thương yêu nể trọng, tôi khống chế bớt những hành vi bạo tàn hắn và đồng bọn đang làm. Những cảnh chém giết, cướp bóc, hãm hiếp bớt đi, hắn trở nên hiền lành hơn, nhân đạo hơn. Nhiều sinh mạng được cứu sống, nhiều bi kịch đã không xảy ra. Tôi vẫn còn đau khổ, ước muốn trốn thoát khỏi chốn địa ngục này vẫn ngày đêm rực cháy, nhưng lòng tôi, tâm tôi có phần yên bình hơn. Ít ra, bên trong cái thân xác tanh tưởi này, vẫn còn có một trái tim.
Khổ thay, tôi càng cảm hoá được hắn, càng đưa hắn xa dần tội lỗi thì quyền uy của hắn đối với thuộc hạ cũng mất dần đi, mầm mống đảo chánh manh nha. Tôi đã nói, buông tha thú tính để nó tự do thao túng thì quá dễ, khống chế được nó mới là điều khó. Nhóm thuộc hạ của hắn đã quá quen với máu tanh và xác chết, chúng như những con thú rừng bị nhốt vào cũi sắt, đang lồng lộn tìm cách phá sập chướng ngại để thoát ra.
Hắn và tôi nhìn thấy điều đó. Tôi sợ.
Một hôm tôi nói với hắn “Chúng ta nên rời bỏ nơi này, tôi linh tính nếu còn ở đây, sẽ có ngày cả ba bị giết mất thôi”. Tôi đang dụ hắn vào một chọn lựa quyết liệt. Thật ra, để lấy lại uy quyền hắn từng có với thuộc hạ là chuyện dễ dàng, hắn cứ việc làm ngơ cho bọn chúng tha hồ tung hoành và áp dụng lại những hình thức kỷ luật sắt máu như lúc trước thì trật tự sẽ được tái lập ngay. Nhưng vì yêu tôi, và qua tôi, hắn thực sự nhận thấy tất cả những hành vi hắn đã làm trong dĩ vãng quả đã đẩy hắn đi quá xa với những đức lý sơ đẳng nhất của một con người, vả lại hắn hiểu hơn ai hết rằng nếu hắn trở lại con đường cũ, tình cảm tôi bắt đầu có với hắn sẽ trở về con số không. Với hắn bây giờ, đó là điều đáng sợ nhất, đáng sợ còn hơn cái chết... Và nếu rời nơi này, hắn sẽ thế nào? Đã quen với quyền lực, người ta không dễ dàng rũ bỏ đột ngột, hơn nữa, còn chỗ nào để hắn dung thân? Tôi gợi ý “Anh ra đầu thú đi”. Hắn lắc đầu. “Không được, anh đã gây quá nhiều nợ máu, dễ gì bọn chúng để anh sống”. “Hay chúng ta vượt biên giới qua Thái Lan”. “Càng nguy hiểm hơn, tụi Thái căm thù anh chẳng thua bọn chính quyền ngoài kia, chết là cái chắc”. Tôi tuyệt vọng. “Vậy chẳng lẽ ở đây cho thuộc hạ anh cắt cổ?” Sau một đêm thức trắng, cuối cùng hắn đã đi đến một quyết định không ngờ, cái quyết định, cho đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ rằng nếu không bắt nguồn từ một tình yêu vô giới hạn, chắc chắn sẽ không thể nào có được. Hắn nhìn tôi, nhìn đứa nhỏ đang ngủ vùi trong lòng tôi, viền mi dài cụp xuống, đen mướt, chiếc miệng đỏ au, đôi gò má bụ bẫm ửng hồng, hai bàn tay nắm chặt như hai mụn măng thò ra ngoài chiếc khăn lông sặc sỡ màu mè, đôi mắt hắn chan chứa yêu thương nhưng giọng nói đanh thép quả quyết “Anh sẽ đưa hai mẹ con đến biên giới Thái”. “Rồi làm thế nào anh thoát khỏi tay bọn chúng. Anh không sợ chúng sao?” “Em và con đi thôi. Anh sẽ trở về.” Trong nhất thời tôi không biết phải xử trí thế nào trước quyết định bất ngờ của hắn. Tôi nghĩ đây là cơ hội nghìn năm một thuở giúp tôi vượt thoát khỏi chốn địa ngục tăm tối này. Nhưng... nhưng... có một điều gì vừa trào lên trong lòng tôi, một thứ tình cảm mù mờ chưa thể định được hình thù. Tôi muốn có hắn cùng đi chăng? Tôi yêu hắn rồi ư? Có thật sự tôi yêu hắn không? Bắt đầu từ bao giờ? Bỗng nhiên tất cả mọi biến cố đã đến với tôi trong hai năm trời vừa qua như một cuốn phim câm chạy nhanh qua đầu từ cái chết của đứa em gái, đến những ngày đau đớn, tuyệt vọng, rồi những van nài khẩn thiết của hắn, sự buông thả đầu hàng của tôi, lòng yêu thương vô bờ hắn dành cho hai mẹ con, và sự hoà hợp kỳ lạ giữa tôi với hắn trong lãnh vực gối chăn... Tất cả ùn ùn dấy lên... Tôi ngước nhìn hắn, nhìn thật lâu con người dù đã hai năm chung sống ăn nằm, dù đã có với nhau một đứa con nhưng chưa lần nào tôi có ý niệm rằng đó là một người chồng. Tôi bỗng bật nói “Anh đi với em”. Câu nói vừa thoát ra khỏi miệng tôi mới nhận thấy lần đầu tiên sau hai năm trời tôi xưng với hắn bằng “em”. Có lẽ hắn cũng nhận ra điều đó, hắn chồm tới, ôm siết mẹ con tôi giữa hai cánh tay rắn chắc, lắc đầu. “Không được, anh không sợ chết nhưng sợ sẽ liên luỵ đến em và con”. “Ở lại chốn này anh sẽ rơi vào con đường cũ...”. “Em yên tâm, đi đâu anh chưa biết nhưng nhất định không bao giờ trở lại nếp sống đó, anh hứa”. Hắn cúi xuống hôn lên trán đứa nhỏ, tiếp “Anh không muốn con và em tiếp tục khổ sở vì anh. Em và nó xứng đáng có một cuộc sống khá hơn, qua được đất Thái, em đưa con đi Mỹ, sau này hy vọng nó sẽ trở thành người tốt. Em làm được điều đó, dẫu chết anh cũng vui”.
Cuối cùng tôi bằng lòng để hắn đưa qua biên giới, chúng tôi có với nhau một ước hẹn, hắn còn một người em gái đang sống tại Nam Vang. Dù ở đâu, làm gì hắn cũng sẽ giữ mối liên lạc với người em gái này. Nếu đến được đất Mỹ, tôi sẽ liên lạc với hắn qua cô ta, và “biết đâu định mệnh sẽ còn có lúc run rủi cho chúng ta lại gặp nhau”. Hắn nói, tôi nhìn thấy trong đôi mắt hắn sáng lên một tia hy vọng. Vâng, biết đâu... Tôi cũng đang nhủ thầm với rất nhiều hoang mang.
Chúng tôi không gặp trở ngại nào suốt quãng đường từ căn cứ đến biên giới. Bên này lằn ranh phân chia hai lãnh thổ là vùng của quân kháng chiến. Mật khẩu, đường đi nước bước hắn quá rành rẽ. Mọi chuyện đều trót lọt êm xuôi cho đến ngày cuối cùng trước khi chia tay. Chúng tôi đứng trên một gò đất cao, hắn đưa tay chỉ, phía sau cánh rừng kia là trại đóng quân của lính biên phòng Thái Lan, “Vượt hết cánh rừng em lọt vào đất Thái, từ đó, bọn chúng sẽ đưa em về trại tị nạn”. Hắn nói, giọng cố làm ra vẻ bình tĩnh nhưng tôi hiểu trong lòng hắn ruột gan đang quặn thắt từng cơn. Tôi cũng chẳng hơn gì. Anh có tin không cho đến lúc con đường giải thoát hiện ra sờ sờ trước mắt, tôi lại thầm mong một biến cố nào đó sẽ đến, đẩy chúng tôi trở về lại căn cứ? Điều này nghe có vẻ phi lý nhưng đó là một sự thật. Phải ở trong hoàn cảnh tôi lúc ấy may ra anh mới thấu hiểu.
Kỳ quặc thay, biến cố đến thật.
Một đơn vị biên phòng Nam Vang phát hiện ra chúng tôi. Tiếng súng đầu tiên khiến tôi giật bắn người, sẩy chân lăn lông lốc từ đỉnh xuống chân gò. Cũng may, tôi chỉ té ngã một mình, suốt quãng đường từ căn cứ đến đây, tôi vì cái chân thọt đi đứng khó khăn nên hắn giành bế đứa nhỏ. Khi tôi gượng đứng dậy được thì tiếng súng đã vang dội quanh gò đất. Hai năm sống với hắn, thường xuyên va chạm với súng đạn nên tôi không quá sợ hãi như lần đầu bị bắt, đồng thời cũng đã có chút kinh nghiệm “chiến trường”. Tôi bật nhanh dậy, khom người chạy theo hình chữ chi, lủi biến vào khu rừng phía trước. Tiếng súng không đuổi theo tôi mà bắn về hướng ngược lại. Tôi biết mình đã thoát, chỗ tôi đang đứng là phần đất của Thái lan. Nhưng cùng lúc trong tôi một niềm hoảng sợ dấy lên, không xong rồi, hai cha con đang bị truy kích. Liệu hắn có mệnh hệ nào chăng? Và đứa nhỏ, trời ơi, đứa nhỏ, phải làm sao? Tôi ngồi dựa vào một gốc cây, bật khóc. Nếu hắn bị bắn, nếu đứa nhỏ... Tôi không dám nghĩ tiếp. Nỗi sợ hãi càng lúc càng tăng khi tiếng súng tiếp tục chát chúa phía bên kia gò đất.
Tôi đứng lên, định quay lại hướng cũ thì chung quanh đã lao xao tiếng người. Lính Thái xuất hiện...
Dù đau đớn hoảng loạn đến tê liệt hồn xác vì biến cố vừa xảy ra nhưng tôi cũng còn đủ sáng suốt để nguỵ tạo một chuyến vượt rừng có lớp lang hữu lý. Qua một buổi hỏi cung, bọn Thái xác nhận tôi thuộc thành phần vượt biên đường bộ. Hai ngày tạm trú tại căn cứ biên phòng, họ đưa tôi đến trại tị nạn, và một năm sau, được xếp vào diện có cha thuộc thành phần quân nhân của chế độ cũ, tôi lên đường đi định cư.
Trong thời gian còn ở trại tị nạn tôi đã nhờ một người Miên viết thư cho cô em hắn, thư gởi đi quá nhiều nhưng tất cả đều rơi vào hư vô. Qua Mỹ, tôi tiếp tục viết nữa, mãi nửa năm sau, tình trạng tưởng chừng đã hoàn toàn tuyệt vọng thì hồi âm đến. Té ra tên đường phố và địa chỉ đã thay đổi, do một tình cờ may mắn, cô em hắn có quen với một nhân viên bưu điện, người này đã báo cho cô ta. Nhưng mọi tin tức tôi có được về hắn qua cô em gái đều hết sức mù mờ, cô ta nói khoảng hai năm trước hắn có nhắn tin về, cho biết vẫn còn sống nhưng không nói thêm đang ở đâu, sinh sống thế nào, với ai. Chính người đưa tin cũng chỉ nhận tin qua một người khác. Tôi đã gởi cho cô em hắn nhiều đợt tiền, một phần giúp cô ta, một phần nhờ cô dùng số tiền đó làm phương tiện truy tầm tung tích hắn. Nhiều năm trôi qua, tình hình vẫn chẳng sáng sủa hơn, tin tức liên quan đến hắn hầu hết đều “nghe người ta nói” và đôi khi rất mâu thuẫn. Bỗng một năm trở lại đây tôi mất liên lạc với cô em hắn. Thêm một lần đổi tên đường nữa chăng? Hay cô ta đã dọn đi nơi khác? Hay bị phát hiện có liên lạc với loạn quân? Chính tình trạng hư hư thực thực này đã khiến tôi không lúc nào không nghĩ đến hắn và đứa con xấu số. Càng nghĩ đến hai cha con, càng nhớ lại thời kỳ chung sống với hắn, những thương yêu hắn đã dành cho tôi, sự hy sinh can trường khi hắn quyết định đưa hai mẹ con qua biên giới, tôi càng cảm thấy hắn gần gũi gắn bó với tôi quá đỗi. Bản chất con người vốn tham lam, không bao giờ bằng lòng với cái đang có, ước mơ của chúng ta luôn luôn vượt quá thực tế và chẳng chịu ngừng lại ở bất cứ điểm mốc nào, bao giờ chúng ta cũng nghĩ sẽ còn có thể tiến xa hơn, cao hơn. Cho đến một lúc chợt quay đầu nhìn lại mới bàng hoàng nhận ra, mọi nỗ lực tìm kiếm rồi cũng không đưa đến đâu, và cái hạnh phúc ngày hôm qua chúng ta vừa chối từ rũ bỏ, sẽ trở thành niềm tiếc nuối không nguôi. Sáu năm sống trên đất nước này, tôi nhận ra một điều: ở đây tôi có được rất nhiều thứ, duy chỉ có một điều tôi tìm mãi không ra, đó là tấm lòng của con người đối với con người. Càng nhìn thấy sự nhạt nhẽo của tình người trên vùng đất mới tôi càng thấy lòng mình nghẹn ngào khi nghĩ đến hắn. Hắn, một tên thổ phỉ khát máu, một loài thú hoang sống tối tăm hoang dã giữa chốn rừng giá thâm u, nhưng bên dưới cái bề mặt nhầy nhụa tội lỗi đó, vẫn lấp lánh vô vàn điểm sáng của nhân cách con người. Ở đây người ta tỏ ra thương xót bảo vệ tới từng cọng cỏ nhánh cây, người ta rao giảng triệu triệu lời tương thân tương ái tốt lành, nhưng người ta cũng có thể thản nhiên giết nhau, đày đoạ nhau, chà đạp nhau một cách thật tàn nhẫn, chỉ có điều người ta đã hành động một cách khéo léo hơn, tinh vi hơn, và dĩ nhiên, văn minh, hoa mỹ, hợp pháp hơn!
Anh thấy, làm sao tôi có thể sống yên ổn với tâm trạng rối bời này?
Nói thật với anh, tôi sắp quay về chốn cũ, tôi mong tìm ra hắn, để cùng hắn tìm đến một góc rừng hoang vu nào đó sống nốt cuộc đời còn lại, xa lánh hoàn toàn những bon chen, những hận thù. Nửa tháng nay tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi thấy không còn con đường nào cho tôi trong tương lai ngoài cách trở về. Vâng, tôi sẽ trở về, tôi đã quyết định. Một tuần nữa tôi lên đường, giấy máy bay đang nằm trong ví tôi.
Tôi về, trước tiên trở lại quê hương thăm bà con họ hàng, sau đó sẽ qua Nam Vang tìm cô em gái của hắn, và từ đó truy tầm tung tích hai cha con.
Này anh, nhờ anh xem giúp hộ tôi, liệu tôi có tìm ra hắn không? Liệu tôi có gặp được con tôi không?
Khánh Trường
(tuyển
tập truyện ngắn Chỗ tiếp giáp với
cánh đồng,
nhà xuất bản Tân Thư &Thời Văn, 1
991)
Các thao tác trên Tài liệu