Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 40 / Cải cách hành chính

Cải cách hành chính

- Diễn Đàn — published 05/01/2011 01:00, cập nhật lần cuối 14/05/2011 21:42

Cải cách hành chính:
trọng tâm của năm 1995?

 

Tiếp theo hội nghị lần thứ 8 của ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (họp cuối tháng giêng vừa qua – xem Diễn Đàn tháng 3.95), một hội nghị cán bộ toàn quốc đã được tổ chức tại Hà Nội các ngày 20 và 21.2 để bàn về kế hoạch cải cách nền hành chính nhà nước như là nhiệm vụ trọng tâm của năm 1995 đối với đảng và nhà nước. Bản đề cương cải cách, do phó thủ tướng Phan Văn Khải trình bày gồm có một số nội dung đáng chú ý mà chúng tôi tóm ghi lại dưới đây dựa theo báo Lao Động các ngày 23 và 26.2.1995.

Hệ thống hành chính Việt Nam hiện tại, theo chẩn đoán của ông Phan Văn Khải, có năm căn bệnh: 1) quan liêu xa dân; 2) phân tán, thiếu trật tự kỷ cương, 3) tham nhũng và lãng phí của công, 4) cồng kềnh, nặng nề, vận hành trục trặc, 5) đội ngũ công chức thiếu kiến thức, năng lực, một bộ phận không nhỏ kém phẩm chất, thậm chí hư hỏng.

Nhận định về đòi hỏi cải cách nền hành chính, phó thủ tướng nêu: 1) yêu cầu của dân muốn được yên ổn sinh sống, làm ăn trong môi trường an ninh, trật tự và dân chủ, không bị phiền hà, sách nhiễu; 2) yêu cầu của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế; 3) yêu cầu của quan hệ đối ngoại và sự hội nhập vào ASEAN, 4) yêu cầu đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của đảng cộng sản.

Bản đề cương chủ trương tiến hành công cuộc cải cách hành chính trên ba mặt: cải cách thể chế, chấn chỉnh bộ máy; xây dựng, làm trong sạch đội ngũ công chức. Kế hoạch trước mắt là tập trung giải quyết một số việc cấp bách sau đây.

1. Cải cách thủ tục hành chính (được coi là khâu đột phá của công cuộc cải cách hành chính) trong 7 lĩnh vực trọng điểm (phân bố ngân sách và cấp vốn đầu tư; xuất nhập khẩu; đầu tư nước ngoài; thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh; xuất nhập cảnh; tiếp dân và giải quyết đơn khiếu tố của dân): giảm những quy định rườm rà; loại bỏ những khâu xin phép, xét duyệt không cần thiết, ban hành pháp lệnh về lệ phí (hiện có đến 150 lệ phí được tuỳ tiện đặt ra và không đưa vào ngân sách).

2. Giải quyết khiếu tố, bảo đảm quyền được thông tin, quyền giám sát và góp ý của dân với cơ quan nhà nước: quy định rõ trách nhiệm của cơ quan công chức trong việc tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu kiện của dân, thành lập toà án hành chính để xử lý theo thể thức tố tụng các khiếu kiện của dân đối với các quyết định của cơ quan hành chính.

3. Xây dựng thể chế kinh tế mới: thể chế hoạt động của các doanh nghiệp (luật dân sự, luật thương mại); thể chế quản lý tài chính công (luật ngân sách, chế độ kiểm toán nhà nước) và các tài sản công khác (thành lập cơ quan quản lý vốn và tài sản của nhà nước hoạt động như một công ty tài chính); thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước với sự phân loại giữa các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh theo cơ chế thị trường và các doanh nghiệp có chức năng dịch vụ công ích và phúc lợi xã hội (ban hành luật doanh nghiệp nhà nước).

4. Đổi mới quy trình lập pháp (của quốc hội) và lập quy (của chính phủ), và nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật, thiết lập kỷ luật trong bộ máy nhà nước.

5. Ban hành chế độ công vụ, quy chế công chức, và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức (bao gồm tiêu chuẩn về ngoại ngữ và ứng dụng tin học).




* Bản đề cương của phó thủ tướng Phan Văn Khải là kết quả của một sự thoả hiệp tạm thời trong ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam giữa phe “ cải cách” (nắm bộ máy chính phủ) chủ trương xây dựng một “ nhà nước pháp quyền” và phe “bao thủ” (nắm bộ máy đảng và quân đội) muốn củng cố “nhà nước chuyên chính vô sản do Đảng lãnh đạo”. Cuộc tranh chấp nội bộ không những chưa ngã ngũ, mà còn có cơ sẽ trở nên gay gắt hơn trong những tháng tiến đến đại hội đảng lần thứ 8 (dự kiến sẽ họp vào giữa năm 1996).

Trong điều kiện đó, kế hoạch cải cách hành chính trên đây sẽ khó lòng mà đi xa. Từ ít lâu nay, trong những tiếp xúc bán chính thức, giới cán bộ cấp cao trong bộ máy chính phủ không ngần ngại cho rằng người “gây trở ngại”, thậm chí là “ phá hoại” công việc làm của chính phủ không ai khác hơn là bộ máy đảng và đích danh là ban bí thư trung ương đảng. Những lời phát biểu này phải chăng có phần cường điệu hoá mức độ tranh chấp thật sự  trong nội bộ ban lãnh đạo đảng, với ý đồ là báo động dư luận trong nước (và cả nước ngoài)?

Dù sao, ở Thành phố Hồ Chí Minh, người ta không còn mơ hồ gì nữa khi được biết bí thư thành uỷ Võ Trần Chí phát biểu như thế nào với chủ tịch và những phó chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố (đều là đảng viên): “Các anh đừng lấy luật pháp ra mà dọa Đảng. Dù có ban hành luật pháp nào chăng nữa thì Đảng vẫn sẽ thực hiện quyền lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối. Mọi việc các anh làm phải hỏi thường vụ thành uỷ”. Nếu hiểu đúng ý của người đứng đầu bộ máy đảng ở thành phố: 1) chỉ có những đảng viên lãnh đạo bộ máy đảng mới là “Đảng”, còn những đảng viên lãnh đạo bộ máy nhà nước thì không phải là “ Đảng”; 2) những người lãnh đạo bộ máy đảng có thể tự cho mình một chỗ đứng ở ngoài và ở trên pháp luật.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss