Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 40 / Đại lộ thông tin

Đại lộ thông tin

- Hàn Thuỷ — published 05/01/2011 01:20, cập nhật lần cuối 14/05/2011 21:47

Đại lộ thông tin:
khả năng và hiện thực


Hàn Thuỷ



“Câu trả lời là: được, nhưng hãy cho biết câu hỏi.”
Woody Allen


1. Thất quốc chí


Trong hai ngày 25-26/2 vừa qua, hội nghị đặc biệt của bảy nước kỹ nghệ lớn trên thế giới (báo Pháp gọi tắt là G7) về “Đại lộ thông tin” đã họp tại Bruxelles. Từ hai chục năm nay Mỹ, Gia Nã Đại, Anh, Đức, Pháp, Ý và Nhật lập thành một thứ câu lạc bộ không điều lệ nội quy, để bàn về những vấn đề kinh tế xã hội chung của cả thế giới, mỗi năm họp một lần ở mức nguyên thủ, có mời thêm Liên hiệp châu Âu; và trong vài năm gần đây lại thêm những hội nghị chuyên đề ở mức bộ trưởng, có lẽ quan trọng nhất là về tiền tệ, bốn hay năm lần họp mỗi năm. Trên danh nghĩa những hội nghị này chỉ để trao đổi ý kiến, sau đó ai về nhà nấy; không phải thương thuyết, không cần đạt đến ký kết, không nhất thiết có kết luận giấy trắng mực đen.

Hội nghị chuyên đề về “ Đại lộ thông tin” lần này là lần đầu, do phía Mỹ đề nghị và Liên hiệp châu Âu đóng vai chủ nhà. Đặc biệt có triển lãm và biểu diễn những sản phẩm và dịch vụ hiện đại nhất về điện tử, tin học, truyền thông và viễn thông do 220 công ty tổ chức; đồng thời khoảng 40 trùm kỹ nghệ thế giới trong những ngành này được mời tham luận. Tại sao tốn công của và hai ngày nghỉ cuối tuần của nhiều bộ trưởng và lãnh đạo công nghiệp thế giới, kèm theo bao nhiêu thời gian chuẩn bị nữa của các cấp dưới? Có lẽ chính vì sự hội tụ của điện tử, viễn thông, tin học và truyền thông, mà hình ảnh “ đại lộ thông tin” biểu diễn khá hấp dẫn, đang phát sinh nhiều áp lực và đặt ra nhiều câu hỏi cho những người lãnh đạo chính trị. Điều đáng buồn là sự vắng mặt của những tiếng nói đại biểu cho xã hội công dân trên bình diện thế giới như các nhà xã hội học, các triết gia, khoa học gia, các nghiệp đoàn... mà một hình thức hội nghị không chính thức như G7 rất có thể mời, như đã mời các nhà tư bản. Cũng chính vì sự thiếu vắng đó mà bài này có tham vọng đưa lại những thông tin cần thiết cho các thức giả về cuộc cách mạng công nghệ mới đã bắt đầu, để phần nào nắm rõ hơn thái độ của những người hiện đang nói thay cho cả thế giới.

Có thể nói tác động của công nghệ thông tin – ở đây xin hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả công nghệ xuất bản và truyền thông (mass média) – đối với loài người sẽ nghiêm trọng chẳng kém công nghệ nguyên tử hay công nghệ sinh học. Với những hình thái rất khác nhau, những công nghệ này đều có tiềm năng cống hiến rất lớn lao cũng như tàn phá khủng khiếp. Tuy rất nhẹ nhàng êm ái, công nghệ thông tin - truyền thông sẽ trực tiếp tác động đến văn hoá một cách lâu dài và âm ỉ. Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của các “Anh Cả” (Big Brother) độc quyền thông tin bằng mọi phương tiện? hay thế kỷ của một nền văn hoá đa dạng với những trao đổi tư tưởng, khoa học, nghệ thuật không biên giới và không còn hạn chế kỹ thuật, giữa những con người thực sự tự do? hay phải chăng tương lai nằm ở đâu đó giữa hai thái cực? Dù sao lịch sử không chấm dứt với bức tường Berlin sụp đổ, mà ngược lại đang ở trước một ngã tư đường quan trọng. Để có thể theo dõi vấn đề có lẽ nên trở lại từ chỗ bắt đầu.


2. Vài khái niệm kỹ thuật


Câu khôi hài dẫn trên đầu bài, do đạo diễn kiêm diễn viên nổi tiếng người Mỹ thốt ra từ hai chục năm qua, nay đã thành châm ngôn trong ngành viễn thông - tin học. Nó thể hiện một tình trạng độc đáo trong thế giới hiện đại là khả năng kỹ thuật của con người, trong một vài phạm vi, đã vượt khá xa nhu cầu. Những người làm nghiên cứu và phát triển trong tin học và viễn thông thường có cảm giác, không phải khi nào cũng dễ chịu, là mình đang nắm giải pháp nhưng còn phải chạy đi tìm vấn đề.

Một vài khái niệm và số liệu để minh hoạ: thông tin được đo bằng một đơn vị gọi là bít, một bít cho phép gửi đi và lưu trữ một thông tin đơn giản: có, hoặc không. Gửi đi một chữ cái (a hay b...) cần dùng 8 bít. Nếu gửi với tốc độ 10ng.b/g (ngàn bít/giây) thì một trang báo bạn đang đọc (khoảng 6000 chữ cái) cần sử dụng kênh viễn thông trong 5 giây, cộng thêm thời gian cần thiết để nối người gửi và người nhận. Với mạng điện thoại kiểu cũ (không dùng kỹ thuật số) cần gắn thêm một thiết bị đặc biệt gọi là môđem, tuỳ đắt rẻ mà môđem có khả năng truyền từ 1 đến 20ng.b/g, tất cả những dịch vụ ngoài tiếng nói, như viễn sao (fax), thư điện tử (e-mail), minitel, nối các máy tính với nhau... đều cần môđem. Với mạng điện thoại dùng số hiện đang bắt đầu thay thế mạng cũ (bằng cách chỉ đổi máy và tổng đài chứ không đổi dây) mỗi nhà có thể có hai máy điện thoại độc lập và mỗi máy có thể dùng để nói chuyện hay truyền số liệu với tốc độ 64ng.b/g mà không phải gắn môđem, lại có thêm một kênh truyền số liệu riêng 16ng.b/g.

Truyền hình hiện nay còn dùng ăng-ten hoặc những đường cáp riêng và nói chung chưa sử dụng kỹ thuật số, ngoại trừ một vệ tinh do hãng Huyghes tại Mỹ mới phóng lên mùa hè 94. Vì kỹ thuật số cho phép nén ảnh (compression d’image), người sử dụng đã có thể bắt cùng một lúc 150 đài truyền hình do chỉ một vệ tinh phát đi, ăng-ten và thiết bị giãn ảnh (décompression d’image) gắn với tivi do hãng Thomson tại Pháp cung cấp với giá 700 đôla. Để so sánh cần biết mỗi ăng-ten chỉ hướng về được một vệ tinh, và các vệ tinh truyền hình kiểu tương tự (analogique) như hiện nay chỉ phát đi được vài ba đài.

Mặt khác những máy tính điện tử cá nhân ngày càng lan tràn, với khả năng xử lý và lưu trữ thông tin ngày càng lớn, các máy cá nhân cao cấp hiện đang bán, ngoài khả năng xử lý thông tin vài chục triệu phép tính/giây và khả năng lưu trữ hàng chục tỷ bít, đã có khả năng xử lý hình ảnh động và tiếng nói qua đĩa lade (quảng cáo gọi là máy tính đa môi giới, multimédia). Khi kết hợp khả năng xử lý số liệu với tiếng nói và hình ảnh thì không thuần là xem phim từ đầu đến cuối, người và máy có thể tương tác trong những dịch vụ sinh động và “thông minh”, chẳng hạn như những đĩa lade dạy sinh ngữ đang được thử nghiệm. Về viễn thông, tuy chúng chưa có chức năng truyền tin trên giải tần rộng, nhưng đó chỉ là vấn đề hai hay ba năm, khi các chuẩn sẽ đầy đủ.

Đó là tình hình những dịch vụ và sản phẩm đã phổ biến. Thế còn các giải pháp đang đi tìm vấn đề? ở đây chủ yếu nói về viễn thông, do đặt đường dây tốn kém, lại thêm cần thiết có chuẩn chung cho cả thế giới nên sự thâm nhập của kỹ thuật viễn thông vào đời sống chậm hơn tin học khá nhiều. Các công nghệ viễn thông, điện tử và tin học có cùng phần lớn cơ bản, cho nên nếu khả năng của máy tính cứ 18 tháng lại tăng gấp đôi thì phải nói khả năng của viễn thông sau vài chục năm mới tăng cỡ nghìn lần hơn, do bắt buộc phải tích tụ. Các tiến bộ trong ngành viễn thông tương đối ít được biết, chỉ đến nay mới thành thời sự. Có thể liệt kê ở đây một số kỹ thuật đang được bước đầu sử dụng hoặc thử nghiệm đại trà, nghĩa là đã tương đối trưởng thành.

2.1 Truyền hình bằng số:

Với phương pháp nén ảnh, người ta có thể truyền hình qua những kênh 2tr.b/g (triệu bít/giây), với chất lượng tốt hơn hiện nay; truyền hình với độ phân giải cao (HDTV) sẽ cần khoảng 8tr.b/g. Đây nói về các phương pháp nén ảnh phức tạp và đắt nhưng ngược lại giãn ảnh thì rẻ, dùng cho truyền hình quảng bá (diffusion, broadcasting), một chiều; điện thoại có truyền hình (visiophone, đối ảnh điện thoại?) cần những phương pháp rẻ cả về nén ảnh, giãn ảnh, lẫn lưu lượng kênh viễn thông thì phải chấp nhận chất lượng thấp hơn. Tuy nhiên với điều kiện màn ảnh nhỏ, máy thu hình và đối tượng cố định... thì chỉ cần khoảng nửa tr.b/g là rất đẹp. Hiện người ta hay thấy trong các cuộc triển lãm, hay đọc giới thiệu trên báo chí, các máy đối ảnh điện thoại sử dụng được với 64 hay 144tr.b/g của mạng điện thoại dùng số. Chất lượng các máy này còn xấu, khó có thể tốt hơn, và không chắc sẽ được thị trường chấp nhận.

2.2 Sợi quang dẫn và dây đồng:

Mạng truyền tin cũng như nước chảy trong một địa bàn rộng, để suối nhỏ không bị nghẽn phải có sông lớn. Với kỹ thuật quang dẫn có thể truyền hàng tỷ b/g qua một sợi thuỷ tinh nhỏ hơn tóc, và có thể đặt hàng chục hay hàng trăm sợi như vậy cùng một lúc trong những cáp liên tỉnh, liên quốc gia hay xuyên đại dương, việc này đang được tiến hành rất tích cực. Tuy vậy, thay thế kỹ thuật tốn kém nhất không phải trên các đường dài, mà là ở mấy trăm triệu đoạn dây đồng dẫn điện thoại tới nhà riêng từng người; vì thế người ta đã chế ra cách thay máy không thay dây khi triển khai mạch điện thoại dùng số đã nói trên. Vẫn theo phương pháp này những kết quả kỹ thuật gần đây cho thấy là có thể phục vụ mỗi gia đình một kênh 10 hay 20 tr.b/g chỉ bằng cách thay các thiết bị truyền/nhận tin ở hai đầu, và đợi khi dây đã hư cũ mới cần thay bằng sợi thuỷ tinh. Chi phí đắt nhất khi thay đường dây là nhân công, giá sợi thuỷ tinh dù hiện nay có đắt hơn dây đồng một chút cũng sẽ không đáng kể, vì thế có những chuyên gia nghĩ rằng nên lắp đặt ngay sợi quang dẫn cho những nhà riêng mới xây.

2.3 ATM, kỹ thuật chuyển mạch đa môi giới:

Muốn truyền tin từ nơi này tới nơi khác cần có những tổng đài để nối các mạch lại với nhau, và chỉ nối khi cần thiết, vì không thể có một mạch riêng từ mỗi người này đến mỗi người kia. Cho tới nay mỗi môi giới (tiếng nói, hình ảnh, số liệu) được truyền và nối trong những mạng riêng biệt. Vài năm gần đây một kỹ thuật truyền và nối mạch (ở đây sẽ gọi là chuyển mạch, transfert) độc đáo, khởi xướng tại Pháp, đã được công nhận như kỹ thuật chuyển mạch của thế hệ tới và được chuẩn hoá quốc tế. Kỹ thuật này cho phép chuyển mọi loại thông tin trên cùng một mạng, với tần số rất cao, vài trăm triệu b/g. Chủ yếu là băm thông tin ra những mẩu nhỏ đồng đều, cũng gọi là tế bào (cellule), trong đó có ghi những số liệu cần thiết cho phép chuyển chúng lẫn lộn với nhau trong những kênh lưu lượng cao, tương tự như các phong bì cùng một khổ, có ghi địa chỉ, chuyển trong bao tải. Trong khi chuyển mạch như vậy các tế bào xô đẩy nhau gây nên so le trong thời gian, thời gian từ lúc gửi tới lúc nhận của các tế bào không giống nhau, vì thế gọi là phương thức chuyển mạch không đồng bộ (Asynchronous Tranfer Mode, ATM). Mặc dù xử lý rất phức tạp như vậy (khi gửi thì băm nhỏ thành tế bào, đánh dấu, rồi khi nhận lại chọn lựa và sắp xếp trở lại đúng từng nguồn thông tin và thiết lập lại sự đồng bộ trong thời gian) nhưng cái lợi của một mạng truyền tin độc nhất với vận tốc rất cao vẫn lớn hơn nhiều. Kỹ thuật ATM áp dụng được cho mọi nguồn thông tin, lại độc lập với lưu lượng kênh truyền và kỹ thuật truyền tin ở mức điện hay quang cho nên có thể sử dụng lại mọi cơ sở đường dây đã có. Các mạng ATM đang được thử nghiệm khắp nơi trong các nước phát triển, và hiện nay khi nói chuyển mạch theo giải tần rộng thường có nghĩa dùng kỹ thuật ATM.

2.4 Vô tuyến viễn thông:

Ngoài ra còn phải kể đến những kỹ thuật về vô tuyến viễn thông, chủ yếu là kỹ thuật truyền thanh, truyền hình, qua trạm phát sóng mặt đất hay vệ tinh. Điểm mạnh của những kỹ thuật này nằm ở những dịch vụ quảng bá (diffusion), tức thông tin một chiều. Như ở trên đã nói, với phương pháp số và nén ảnh, truyền hình bằng vệ tinh sẽ rẻ hơn rất nhiều, về số đài có thể không thua đường cáp. Người ta cũng có thể kết hợp phương pháp này với mạng thông tin hữu tuyến để tính tiền mỗi khi bắt đài: đài truyền hình qua vệ tinh được mã hoá với mã biến đổi theo thời gian, chỉ khi qua mạng hữu tuyến bạn chọn lựa một đài nào đó thì trung tâm quản lý mới gửi chìa khoá để giải mã, và cùng lúc đó tính tiền. Với lưu lượng giới hạn, những dịch vụ thông tin hai chiều như điện thoại vô tuyến (radio téléphone) không thể thay thế mạng viễn thông hữu tuyến, tuy nhiên vẫn hữu ích trong nhiều trường hợp hay giai đoạn nào đó vì có thể được đưa vào sử dụng rất nhanh, do không cần đặt đường dây. Thêm nữa những dịch vụ này cho phép sử dụng trong khi di chuyển. Điện thoại tế bào (téléphone cellulaire), trước dùng phương pháp tương tự, nay đang chuyển sang dùng số, là một dịch vụ độc đáo hiện bán rất chạy, kết hợp vô tuyến và hữu tuyến. Gần khắp châu Âu được bao phủ bởi những “ tế bào” san sát nhau như hình tổ ong, mỗi tế bào là một vùng đất có đường kính vài hay vài chục cây số, với trung tâm là một trạm thu phát vô tuyến nối với mạng điện thoại hữu tuyến thế giới. Do khoảng cách thu phát rất ngắn nên cần rất ít năng lượng; từ đó có hai lợi thế lớn, một là những máy điện thoại tế bào tương đối rẻ, nằm gọn trong bàn tay, chạy bằng pin; hai là cứ cách một tế bào lại có thể sử dụng lại các làn sóng mà không bị nhiễu nên giải quyết được tình trạng khan hiếm sóng điện từ. Người ta có thể vừa nói vừa di chuyển qua nhiều tế bào một cách tự nhiên, cũng như có thể được gọi mặc dù mình ở bất cứ đâu (miễn là nằm trong vùng thu phát của một tế bào), tất cả những việc đó mạng truyền tin tự động xử lý. Điện thoại vô tuyến rẻ tiền hơn thì không cho phép tự động di chuyển, dịch vụ này ở Pháp gọi là “bibop”, được giới trẻ thành phố rất chuộng. Phát triển kỹ thuật vô tuyến tế bào (radio cellulaire) tới một giải tần rộng hơn để cho phép đối ảnh điện thoại còn đang là đối tượng nghiên cứu.

Công nghệ viễn thông ở mọi cấp bậc như vậy đã đủ mạnh để: trong gia đình mỗi người con có thể xem TV hay đối ảnh điện thoại với bạn, bố mẹ có thể ngồi nhà mua sắm (cũng qua màn hình để xem xét mặt hàng trước khi mua), hay có thể làm việc thẳng với sở, hoặc với các đồng nghiệp ở khắp nơi trên thế giới, qua máy tính đa môi giới... tất cả cùng một lúc và tất cả chỉ qua một đôi dây đồng đã có sẵn hoặc một sợi thuỷ tinh. Những người đang di chuyển trên xe cộ thuyền bè thì ở đâu cũng có thể nhận và phát điện thoại hoặc dữ liệu. Dĩ nhiên, mọi dàn cảnh với những hoạt động kinh tế xã hội khác đều có thể thực hiện, miễn là không cần đến trao đổi hàng hoá vật chất. Trí tưởng tượng hiện đang cần thiết để dự phóng hay sáng tạo ra những dịch vụ mà xã hội sẽ cần đến hoặc chấp nhận; người ta đang nói đến nhiều những cụm từ như: hội họp từ xa (télé-conférence), làm việc từ xa (télé-travail), chẩn bệnh từ xa (télé-diagnostique), dạy học từ xa (télé-enseignement), mua bán từ xa (télé-achat), v.v... cái gì cũng từ xa (trừ tính tiền vẫn là từ gần? – người đánh máy).

Hiện thực một làng địa cầu, trong đó mỗi nhà có thể được nối vào mạng truyền tin thế giới chung với lưu lượng vài chục triệu b/g không phải là chuyện viễn tưởng, mà chỉ là một dự phóng kinh tế kỹ thuật thực hiện được tại những nước phát triển nhất trong vòng không quá 20 năm, nếu hội có nhu cầu, với giá sử dụng không đắt hơn hiện nay. Tại sao có thể nghĩ đến con số 20 năm? Lý do giản dị là chưa thể làm ngay dồn dập, trong vòng vài chục năm một mặt cần khấu hao khối đầu tư khổng lồ đã xuất ra cho mạng viễn thông hiện có, một mặt cần triển khai dần theo nhu cầu để có thể thu hồi vốn và tái đầu tư nhanh nhất. Dĩ nhiên sản phẩm hay dịch vụ nào lúc mới cũng đắt, nhưng người ta hy vọng rằng các cơ quan và xí nghiệp cũng như những người giàu sẽ đóng vai đầu tàu để trả cái giá ban đầu. Như vậy, vấn đề của “đại lộ thông tin” về mặt kinh tế kỹ thuật thực chất chỉ là làm sao triển khai một kế hoạch thay thế và nâng cấp các thiết bị cũng như dịch vụ, và kế hoạch này phải được đặt trong tầm thời gian của tuổi thọ các thiết bị viễn thông đang hoạt động, nghĩa là từ nay đến 20 năm sau. Thời gian trên dưới 20 năm này được sự nhất trí của mọi chuyên gia đầu đàn trong ngành tại Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức...

Tóm lại, ngay từ bây giờ cần đặt ra ngay hai vấn đề cơ bản: đâu là nhu cầu thông tin của xã hội trên toàn thế giới? triển khai mạng thông tin mới như thế nào? Dĩ nhiên câu trả lời không đơn giản và không thuần tuý kỹ thuật, các tác nhân kỹ nghệ, kinh tế, chính trị có cách nhìn khác nhau tuỳ vị trí của mình.


3. Những mâu thuẫn nhiều chiều


“Có xa lộ chưa chắc xe đạp đã đi nhanh hơn”, một giáo sư tin học - viễn thông nổi tiếng lại Âu châu đã nói đùa như vậy trong một hội nghị chuyên môn trước đây không lâu. Như mọi chuyện đùa dễ nhớ, nó lật ra rành rành một sự trái cựa. Nếu mạng viễn thông cho phép mỗi người gửi và nhận hàng chục triệu bít một giây thì câu hỏi đặt ra là: lấy đâu ra thông tin mà truyền? Cả tờ báo này nếu gửi đi với tốc độ một triệu bít một giây thôi thì cũng chỉ cần dùng mạng viễn thông không quá hai giây, nhưng đó là kết quả của hàng chục ngày lao động cộng lại. Sản xuất ra thông tin có ý nghĩa, cũng như tiêu thụ thông tin, cần thời gian, dĩ nhiên thời gian sản xuất chí ít cũng trăm lần lâu hơn. Nếu có một mạng viễn thông giải tần rộng thì người sử dụng sẽ nhận nhiều hơn gửi, và nhận những thông tin dưới hình thức hấp dẫn nhất, đa môi giới. Sản xuất thông tin đa môi giới cần đến những số vốn khổng lồ và kinh nghiệm trong tất cả các ngành nghề: xử lý thông tin và máy tính điện tử, truyền thông, xuất bản, làm phim... không phải chỉ viễn thông. Những xáo trộn kinh tế đang và sẽ xẩy ra cũng không ngoài sự đổi chác mua bán của các tập đoàn tư bản lớn trong các ngành này để xem ai sẽ chiếm chiếu trên trong những liên minh mới, kèm theo vào đó là những áp lực nhằm đòi các chính quyền sửa đổi điều lệ, luật pháp, quy ước quốc tế, v.v... hiện đang hoặc sẽ cản trở công việc làm ăn. Người ta có thể đặt ra câu hỏi thế nào là chống câu kết (anti-trust) trong phong trào rầm rộ tư hữu hoá những dịch vụ công cộng như hiện nay, hình như luật pháp tụt hậu khá xa so với thực tế kinh doanh cũng như sự cần thiết bảo vệ một nền văn hoá đa dạng. Hệ luận đầu của xa lộ là không còn xe đạp, và hệ luận sau là phần lớn xe hơi sẽ giống nhau như hệt, do một số rất ít người làm.

3.1 viễn thông và truyền thông

Cho tới gần đây trên thế giới các hãng bán dịch vụ truyền hình qua đường cáp không được quyền bán dịch vụ điện thoại hay truyền số liệu, và ngược lại các hãng bán dịch vụ viễn thông không được truyền hình. Nguồn gốc của sự chia cắt này, ngoài việc kỹ thuật cơ bản cho tới nay khác nhau, còn nằm ở chỗ một mặt luật pháp bảo vệ bí mật về thông tin của khách hàng trong điện thoại, mặt khác các chính phủ đều để mắt đến những chương trình truyền hình công cộng (hiểu theo nghĩa ai cũng thu được, bất kể người phát ra là tư hay công) để bảo vệ thuần phong mỹ tục, sự vô tư chính trị, v.v..., việc quản lý thu nhập của hai loại dịch vụ này vốn cũng rất khác nhau.

Đến khi mọi loại dịch vụ đều có thể dùng một cơ sở vật chất như hiện nay thì dẫn đến yêu cầu xoá bỏ biên giới ngành nghề, đã được thực hiện tại Anh và một số tiểu bang tại Mỹ. Ngay sau khi cho phép phá rào, lập tức một loạt các công ty trong các ngành viễn thông, truyền thông và xuất bản phim vidéo đã tìm cách hoặc liên minh hoặc nuốt lẫn nhau. Tuy thế vấn đề kiểm soát nội dung các dịch vụ truyền hình tư nhân cũng như nội dung các dịch vụ thông tin của tư nhân, như trong mạng Minitel của Pháp, chưa được giải quyết thoả đáng. Ở Pháp và Đức, các chính phủ thận trọng hơn (vì các công ty viễn thông nắm độc quyền quốc gia) nhưng cũng sẽ không đợi được quá đầu năm 1998, cái mốc giải phóng thị trường đã thoả thuận ở mức châu Âu.

3.2 viễn thông, truyền thông và máy tính

Người ta còn nhớ, từ mười mấy năm nay, IBM đã nhiều lần muốn mở rộng kinh doanh vào viễn thông, và ngược lại AT&T thì tấn công vào tin học. Hai cố gắng này tương đối chưa đem lại kết quả mong đợi nhưng chưa ai bỏ ý đồ chiến lược; và bây giờ lại có thêm một cao thủ thượng đài: Microsoft đang muốn đi từ chỗ sản xuất hệ mềm cho máy tính cá nhân đa môi giới tiến tới đặt các trạm phục vụ (serveur), rồi sau đó chiếm luôn vai trò quản lý mạng. Ngoài ra phải nói đến hai hãng điện tử Intel và Motorola làm các mạch tổng hợp cho mọi người và mọi ngành. Motorola đang có dự án (tên Iridium) bắn 66 vệ tinh bao phủ trái đất để cung cấp dịch vụ điện thoại và truyền số liệu không dây toàn cầu.

Đó là nói về các sản phẩm chuyên nghiệp, sản phẩm mẹ sẽ đẻ ra các dịch vụ tiêu dùng. Đối với người tiêu thụ thì sản phẩm tương lai quan trọng nhất dĩ nhiên vẫn là cái tivi, nhưng có phần chắc là cái tivi sẽ phải thông minh hơn để cho phép chọn đài, giải mã, có thể còn một dịch vụ nữa là nối với kho vidéo ở xa để xem phim mình thích lúc mình thích. Nghĩa là sẽ không khác máy tính đa môi giới; tiện thể chỉ cần gắn thêm micro và camêra nữa thì lại thành ra thiết bị đối ảnh điện thoại. Tóm lại do cả yêu cầu sử dụng lẫn các kỹ thuật cơ bản rất gần nhau nên thiết bị điện tử tương lai trong các gia đình sẽ chỉ là một loại máy tính đa môi giới - tivi - đối ảnh điện thoại (có thể có thêm hay không bộ phận ăng-ten bắt vệ tinh). Câu hỏi đặt ra là ai sẽ sản xuất thiết bị này, hội tụ của ba loại thiết bị cho đến nay do ba loại tập đoàn kỹ nghệ khác nhau sản xuất và tập đoàn nào cũng là những thế lực khổng lồ, lại thêm những hãng làm máy trò chơi điện tử như Nintendo: rút cục ai cũng làm màn hình, cũng sử dụng những bộ vi xử lý (microprocesseur), và cũng viết chương trình điều khiển. Sẽ có một cuộc chạy đua ngoạn mục, các tập đoàn lớn sẽ tung ra hết vốn liếng, kỹ thuật, óc sáng kiến lẫn tài năng quảng cáo để chiếm thượng phong trên cái thị trường cốt tử này. Hình dáng của sản phẩm ra sao còn cần tưởng tượng và sáng tạo, vì rõ ràng giao diện người - máy trong tương lai phải dễ hiểu, dễ dùng và thẩm mỹ hơn hiện nay.

3.3 Nội dung và phương tiện

Nói đến máy tính, viễn thông và truyền thông là mới nói đến những phương tiện cho phép thành lập cũng như quản lý các mạng truyền tin đa môi giới, để chuyển tin giữa các máy tính cá nhân đa môi giới với nhau, hoặc với các trạm phục vụ (serveurs). Nhưng còn một mảng không nhỏ các hoạt động kinh tế, mà nếu không có thì phương tiện sẽ chẳng dùng để làm gì, đó là các kỹ nghệ sản xuất nội dung: các công ty truyền hình, xưởng quay phim, nhà xuất bản... các tác nhân trực tiếp ảnh hưởng tới nền văn hoá tương lai.

Một vài sự kiện và con số cho thấy những cố gắng câu kết “hàng dọc” (intégration verticale) giữa kỹ nghệ nội dung và kỹ nghệ phương tiện: hãng Alcatel, số một thế giới về sản xuất thiết bị viễn thông, hiện đã là chủ nhân các tuần san Express và Le Point của Pháp. Hãng Matra - Hachette vừa là chủ nhân tập đoàn xuất bản lớn nhất của Pháp vừa là hãng có kỹ thuật vệ tinh viễn thông, tập đoàn này thời gian qua đã liên kết với Ericsson và Northern Telecom về viễn thông, lại vừa thành lập chi nhánh Matra Hachette Multimédia để xuất bản các sản phẩm đa môi giới (ghi trên đĩa lade – gọt tắt là CD). Đó là thí dụ tại Pháp, ở Mỹ hiện đã có những “nguyệt san” đa môi giới bán trên CD, các phim mới, nhất là hoạt hoạ, cũng dễ dàng bán trên CD, việc ghi lại phim màu với độ phân giải cao trên CD chỉ còn là vấn đề chuẩn thế giới. Mặt khác các cuộc thương lượng, liên minh hoặc mua bán lẫn nhau giữa các xưởng phim và các hãng khai thác mạng truyền hình qua cáp hay vệ tinh phải nói là rầm rộ: Ted Turner (CNN) mới bỏ 1 tỷ đôla mua lại hai xưởng phim; Disney, xưởng phim thứ ba của Mỹ, vừa liên kết với nhiều công ty khai thác mạng truyền thông. Paramount và Time Warner hay 20th Century Fox đều đã có những câu kết tương tự.

Sau một thời gian tranh luận không biết rằng trong tương lai “nội dung” đa môi giới sẽ được bán qua mạng viễn thông truyền thông hay qua CD để người sử dụng có thể mua như mua báo đem về nhà, dùng lúc nào cũng được; hình như bây giờ các tập đoàn tư bản chủ trương bắt cá hai tay, vừa bán đĩa vừa bán qua mạng. Kinh nghiệm radio và đĩa hát cũng như truyền hình và magnétoscope cho thấy họ có lý. Hai hình thức có vẻ cạnh tranh nhau này trên thực tế lại thúc đẩy nhau. Có lẽ các sản phẩm đa môi giới có tính chất văn hoá giáo dục nhiều hơn như bách khoa toàn “thư”... cũng sẽ theo cùng quy luật: sẽ có những người mua dùng riêng cũng như sẽ có những người tham khảo qua mạng.


4. Những quyết định của G7


Qua các tham luận của các nhà kỹ nghệ quốc tế, người ta thấy các nhà chính trị trong hội nghị đã phải chống lại một áp lực khá nặng nề. Đại khái ý chung của họ là: cứ đầu tư (hoặc cho phép đầu tư), nghĩa là giải phóng luật lệ xây dựng cơ sở hạ tầng đi, rồi các ứng dụng sẽ xuất hiện. Nhưng đứng trước một loạt những phức tạp kể trên không thể chờ đợi một hội nghị như G7 đưa ra được một định hướng chung cho mọi nước. Tuy nhiên qua những kết luận chính thức, người ta cũng thấy toát ra được một thái độ tiến lên tương đối thận trọng: khuyến khích các thử nghiệm và đặt trọng tâm vào các ứng dụng có công ích, tuy rằng các đề án đưa ra cho thấy các quan chức cao cấp còn phải động não nhiều hơn nữa, vì thật chẳng có gì siêu đẳng.

Mười một chủ đề đã được thoả thuận để phát triển đại lộ thông tin, giống như một “ quán trọ Tây ban nha” (auberge espagnole), mỗi người đem vào mâm cơm chung thứ mình thích, vì đây là những quyết định không có ngân sách, ai đề nghị món nào thì được bầu làm người phối hợp (coordinateur) món ấy, mỗi nước đầu tư bao nhiêu cho chủ đề nào sẽ tính sau:

1. Tổng kiểm điểm (global inventory) các dự án phát triển xã hội thông tin, ghi lại trong một cơ sở dữ liệu đa môi giới, tiến hành khảo sát hậu quả xã hội, kinh tế và văn hoá của các dự án: Liên hiệp châu Âu và Nhật.

2. Thử nghiệm nối và sử dụng mạng truyền tin giải tần rộng ở mức quốc tế: Gia Nã Đại, Đức, Nhật, Anh (Gia Nã Đại đã nối với Mỹ, cũng như Đức với Pháp và Ý, đề tài này thực ra là cho toàn bộ G7 cộng thêm mọi nước trong Liên hiệp châu Âu).

3. Giáo dục và huấn nghiệp đa văn hoá, đặc biệt tìm những phương pháp dạy sinh ngữ mới và sử dụng công cụ đa môi giới: Pháp, Đức.

4. Thư viện điện tử: thành lập một thư viện “ảo” chung bằng cách nối vào mạng những thư viện nằm phân tán, cho phép mọi người tham khảo qua mạng viễn thông tất cả những hiểu biết thiết yếu của loài người: Nhật, Pháp.

5. Triển lãm, bảo tàng điện tử: Tăng nhanh việc biểu diễn bằng số và đa môi giới các kho bảo tàng để cho công chúng có thể xem từ xa và để đóng góp vào giáo dục, nghiên cứu: Ý, Pháp.

6. Quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường: tăng cường nối và kết hợp các cơ sở dữ liệu về môi trường: Mỹ.

7. Quản lý tổng hợp các biến cố: Khuyến khích việc phát triển một mạng quản lý cơ sở dữ liệu cần thiết để phản ứng được trước các sự cố và tai biến (tự nhiên): Gia Nã Đại.

8. Ứng dụng tổng quát trong Y học: Chứng minh tiềm năng của công nghệ (viễn) thông tin trong việc phòng chống những tai hoạ y tế (heath scourge) chính. Tăng cường chuẩn hoá những phương tiện điện tử để công việc này được thuận tiện, chẳng hạn các thẻ thông tin y tế điện tử (cá nhân?): Liên hiệp châu Âu, Pháp, Đức, Ý.

9. Thủ tục hành chính tức thời từ xa (on line government): Trao đổi kinh nghiệm giữa các chính phủ về việc thiết lập mạng thông tin quản lý hành chính điện tử để tiện dùng và giải quyết hành chính cho các cơ quan công, các hãng tư và các công dân: Anh, Gia Nã Đại.

10. Phòng thương mại toàn cầu cho các hãng nhỏ và vừa: Phát triển một môi trường mở (open environment) trên quy mô lớn, để cho phép các hãng vừa và nhỏ trao đổi thông tin, thương thảo và mua bán bằng phương tiện điện tử: Hội đồng châu Âu, Nhật, Mỹ.

11. Hệ thông tin hải dương: Liên kết và nâng cấp các biện pháp bảo vệ môi trường biển đồng thời với sự tăng cường cạnh tranh trong mọi hoạt động khai thác biển, bằng mọi phương tiện (viễn) thông tin: Hội đồng châu Âu, Gia Nã Đại.


5. Vài suy nghĩ của người đi xe đạp


Nền văn minh thế giới sẽ đi từ chữ viết tới hình ảnh, và hình ảnh động. Nhưng ngoài sự tiến bộ tự nhiên từ nghe nhau từ xa tới nhìn nhau từ xa trong các quan hệ xã giao, sản xuất hình ảnh động cho có ý nghĩa càng trở nên vấn đề văn hoá cốt tử. Hệ luận của những tiên đề này trên cuộc sống tương lai như thế nào còn phải bàn cãi, có điều chắc chắn là chưa thể gửi mùi và vị qua hệ thống viễn thông điện tử.

Tuy nhiên, khi nhìn về viễn thông như là một hạ tầng cơ sở đòn bẩy cho những hoạt động kinh tế khác, tính cách hữu ích chủ yếu của nó nằm ở việc truyền tin bằng số, chứ không phải ở giải tần rộng hay hẹp. Các nước đang phát triển cần có ngay mạng thông tin điện thoại bằng số và những dịch vụ hữu ích như hòm thư điện tử (năm rồi số địa chỉ điện tử tại Âu châu tăng 20% mỗi tháng) cũng như các trạm dịch vụ thông tin công cộng như thí dụ của các đề án G7. Thực ra bất cứ dịch vụ nào có thể tưởng tượng ra mà không cần hình ảnh động cũng không cần giải tần rộng và thực hiện được ngay qua Internet hay Minitel cải tiến, và sẽ mười lần tốt hơn qua mạng điện thoại số; vì thế nhiều người hiểu nhầm khái niệm “đại lộ thông tin” chỉ như vậy. Thế nhưng nếu đứng ở chỗ các nước đang phát triển có lẽ cũng chỉ nên dừng lại ở mức ấy. Mặt khác những dịch vụ do mạng thông tin giải tần rộng đem lại có tính cách giải trí và văn hoá hơn là một đòn bẩy cho những ngành khác, và những dịch vụ này có thể được bán qua CD, dùng trong những máy tính đa môi giới hoạt động độc lập, bên cạnh truyền hình qua đài phát sóng mặt đất hay vệ tinh.


Hàn Thuỷ


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss