Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 40 / Đê Hà Nội: vẫn chờ đợi giải pháp an toàn!

Đê Hà Nội: vẫn chờ đợi giải pháp an toàn!

- Diễn Đàn — published 05/01/2011 01:05, cập nhật lần cuối 14/05/2011 21:44

Đê Hà Nội: vẫn chờ đợi
giải pháp an toàn!

 

Đến đầu tháng 3 vừa qua, tức hơn bảy tháng sau khi có công văn đầu tiên của chính phủ và hơn một tháng sau nghị định của thủ tướng Võ Văn Kiệt, phương án bảo đảm an toàn cho đê Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu ra đời, thậm chí còn chưa có định hướng cụ thể. Chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa lũ, Hà Nội – theo báo Lao Động các ngày 26 và 28.2.1995 – đang bị “treo lơ lửng trước nguy cơ bị nhận chìm”. Giữa một bên là 4,2 km tuyến đê Yên Phụ - Quảng An - Tứ Liên - Nhật Tân với 40 vết nứt và một bên là 1.108 (thật ra là hơn 1.500) ngôi nhà nằm trong hành lang bảo vệ đê (với tổng diện tích đất vi phạm là 181.411 m2), hình như chính quyền chưa có một sự chọn lựa dứt khoát (xem Diễn Đàn các tháng 2 và 3.1995).

Được giao nhiệm vụ chuẩn bị đồ án kỹ thuật, bộ thuỷ lợi chỉ đưa ra hiện nay những biện pháp như gia cố, ghép vết nứt, làm kè sườn đê, làm tường bê tông, v.v..., mà phạm vi bảo vệ từ chân đê trở vào không quá 10m – trong khi pháp lệnh đê điều qui định hành lang bảo vệ là 25m. Áp dụng những biện pháp của bộ thuỷ lợi là mặc nhiên công nhận hành lang đê bị cắt mất 15m, là hợp thức hoá một cách trá hình những vụ vi phạm.

Các chuyên viên của bộ thuỷ lợi không giấu giếm quan tâm hàng đầu của bộ là đề ra giải pháp “khả dĩ” hơn cả, “tránh đụng chạm” nhất. Trong một công văn ngày 22.2, bộ thuỷ lợi lại tỏ ra nghi ngờ cái gọi là “thảm hoạ đê” mà báo chí nêu lên. Thái độ của bộ thuỷ lợi không có gì khó hiểu khi người ta biết rằng tất cả các ngôi nhà đã xây dựng bất hợp pháp trong hành lang đê, nếu có giấy phép (có đến hơn 70 trường hợp), đều đã có chữ ký của bộ (và của Uỷ ban nhân dân Hà Nội). Báo Tuổi Trẻ (ngày 4.3.l995) cho biết hai trường hợp của bộ lao động - xã hội và của Ngân hàng nhà nước đã được cấp phép xây dựng nhà tập thể sát chân đê (12m). Khu nhà tập thể của bản thân bộ thuỷ lợi cũng nằm trong hành lang an toàn, cách chân đê 14m. Khu nhà này được xây dựng trước khi có điều lệ bảo vệ đê, và thuộc loại “ vi phạm có tính lịch sử” như người ta thường nói. Song chưa bao giờ bộ thuỷ lợi có ý định tháo dỡ khu nhà của mình để làm gương tôn trọng pháp lệnh đê điều, mà bộ là cơ quan đặc trách thực hiện!

Về mặt truy cứu trách nhiệm, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phải ra thêm một chỉ thị yêu cầu viện kiểm sát nhân dân và bộ nội vụ tiến hành khởi tố hình sự những vi phạm pháp lệnh đê điều tại quận Ba Đình và huyện Từ Liêm. Thủ tướng đã triệu hồi chủ nhiệm văn phòng kinh tế - văn hóa Việt Nam ở Đài Bắc (Đài Loan), ông Lê Sinh Tăng, về nước để kiểm điểm trách nhiệm. Ông Tăng từng là phó chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, phụ trách ngoại thành và phòng chống lụt trong những năm 1987-1994, là thời gian tình hình xây nhà trên đê diễn ra trầm trọng nhất. Đến nay, người ta chỉ được biết có năm cán bộ thành phố bị đình chỉ công tác để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân: phó kiến trúc sư trưởng thành phố Trịnh Hồng Triển cùng hai đại diện kiến trúc sư trưởng và hai đội trưởng quản lý đê ở quận Ba Đình và ở huyện Từ Liêm.

Trên hiện trường, các uỷ ban nhân dân Từ Liêm và Ba Đình cho biết đã cưỡng chế dỡ bỏ 10 ngôi nhà. Theo các  phóng viên ghi lại chính quyền đã “ưu tiên” phá những căn nhà lụp xụp (như là kéo đổ đi mái lều gianh rách nát của một ông cụ 85 tuổi mà gia đình đã mấy đời ở tại đó) trong khi mặc nhiên “bỏ qua” những biệt thự năm, sáu tầng uy nghi chường ngay trên mặt đê. Hơn thế nữa, bất kể chỉ thị của thủ tướng đình chỉ mọi công trình đang xây, có đến 20 ngôi nhà (hầu hết là những công trình lớn từ bốn đến bảy tầng) vẫn tiếp tục được xây lên ở sát chân đê, thậm chí còn đào móng vào chân đê.

Theo báo Việt Nam - Đầu tư nước ngoài (ngày 21.2.1995), gần một nửa các ngôi nhà hiện nay đang ngụ trên đê là của cán bộ, công an bộ đội và của cơ quan nhà nước. Và trong số khoảng 500 ngôi nhà đó, mặc dù báo chí không được phép nêu tên các quan chức, người dân đã điểm danh được biệt thự của bộ trưởng thuỷ lợi Nguyễn Cảnh Dinh, của phó chủ tịch uỷ ban nhân dân Hà Nội Đinh Hạnh, của tổng cục trưởng tổng cục cảnh sát Lê Thế Tiệm, của con trai của phó thủ tướng Phan Văn Khải, của con của ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, của cháu của chủ tịch nước Lê Đức Anh... Riêng trường hợp sau cùng này, báo Lao Động đã cho đăng ảnh lên trang nhất và cho biết ngôi nhà bốn tầng đó, địa chỉ ở số 71 đê Nghi Tàm, đã nhận được 11 văn bản của chính quyền quận Ba Đình đình chỉ thi công, xử phạt hành chính, yêu cầu tự dỡ bỏ cho đến quyết định cưỡng chế dỡ bỏ, song vẫn ngang nhiên thách thức pháp luật. Đặt câu hỏi “ cái ô quyền lực” nào che chở cho ngôi nhà này, bài báo chỉ bật mí là “ một vị quan chức”, để nêu nhận định: “chính sự can thiệp của vị quan chức này đã làm cho hàng trăm ngôi nhà noi gương nhà số 71 mọc lên, gây thành tệ nạn như hôm nay”.

Tất nhiên, câu hỏi đó cũng đặt ra đối với báo chí (chí ít, ngày nào báo chí còn là độc quyền ở trong tay của ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam): trong vụ ngôi nhà số 71 nói trên, có một “cái ô quyền lực” khác đã bật đèn xanh cho nhà báo! Điều chắc chắn là, trong trận đấu giành quyền lực với phe “bảo thủ” của ông Lê Đức Anh,  phe “cải cách” của ông Võ Văn Kiệt đã nắm lấy cơ hội để ghi một bàn.

Song, bất luận kết quả của trận đấu đó, đê Hà Nội vẫn đang chờ một giải pháp an toàn có tính đồng bộ và lâu dài.

* AFP ngày 23.3 đưa tin bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ đã phủ nhận tin có những vị lãnh đạo có nhà xây bất hợp pháp trên đê. Tuy nhiên, ông không loại trừ có những nhà của thân nhân những người đó! Mặt khác, chính quyền thành phố Hà Nội đã ra lệnh dỡ bỏ 307 ngôi nhà từ 1 tới 6 tầng xây trên hành lang an toàn của đê.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss