Bảo vệ và phát triển khu vực Hồ Tây
Bảo
vệ và phát triển
khu
vực Hồ Tây
VĂN NGỌC
Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây
Đây lắng hồn núi sông ngàn
năm...
(Người Hà Nội / Nguyễn Đình Thi)
Khu vực Hồ Tây trong cơn sốt " kinh doanh bất động sản "
Gần đây, báo chí trong nước có nêu lên những lo ngại và phản ứng của người dân Hà Nội trước hiện tượng xây dựng bừa bãi những khách sạn và nhà trụ sở kinh doanh cao tầng ở nhiều nơi trong thành phố, bất chấp cảnh quan và những luật lệ về quy hoạch cũng như về kiến trúc, xây dựng. Đặc biệt, người ta rất lo ngại cho khu vực Hồ Tây và đê sông Hồng (Xem Diễn Đàn số 37, mục Tin tức và Đọc báo trong nước).
Những mối lo ngại này hoàn toàn chính đáng, vì Hồ Tây là một danh thắng, đồng thời là một nơi có nhiều di tích văn hoá và lịch sử. Đê sông Hồng lại càng là một nơi bất khả xâm phạm vì cả cái vận mạng của thành phố Hà Nội, vốn thấp hơn mực nước sông Hồng, tùy thuộc vào sự bền vững của nó.
Tại sao lại có hiện tượng xây dựng "bừa bãi", nhất là ở khu vực Hồ Tây và ven đê sông Hồng ?
Đây có phải chỉ đơn thuần là một hiện tượng xây dựng bất hợp pháp, hoặc vì không có luật pháp? Trong những điều kiện cụ thể nào nó đã có thể xảy ra được ?
Trước hết, có lẽ phải nói đến cái nguyên nhân trực tiếp của nó, đó là cơn sốt "kinh doanh bất động sản", nói trắng ra là đầu cơ đất xây dựng, mà khu vực Hồ Tây là một "khu vực nóng". Hiện tượng này không chỉ mới bộc phát từ khi nhà nước mở cửa cho tự do kinh doanh và cho vốn đầu tư của nước ngoài vào, mà có cả một quá trình hoạt động từ một số năm nay, vì ngay từ những năm bước vào thời kỳ "đổi mới", người ta đã biết được hướng phát triển của thủ đô về phía Tây và Tây-nam và "trung tâm mới của thủ đô" bao gồm vùng ven Hồ Tây với những chức năng quan trọng như: giao dịch quốc tế, cơ sở của các Bộ, dịch vụ du lịch, vv... Như vậy rõ ràng khu vực này là khu vực lý tưởng để đầu cơ mua bán đất, từ giá trị đất ven đô, có khi còn là đất nông nghiệp, trở thành đất của trung tâm mới của thủ đô. Do những chức năng của nó, đây cũng là nơi đầu tư xây dựng lý tưởng, xây được cao, kiếm lợi nhuận tối đa. Giá đất do đó đã ngày một tăng vọt... Nhưng chuyện đầu cơ nhà đất là một chuyện không ai cấm cản nổi trong một cơ chế thị trường mà luật pháp còn ở trạng thái "luật rừng".
Điều đáng quan tâm hơn là trong cả quá trình ấy, những biện pháp hành chính, những sơ đồ quy hoạch, cũng như những luật lệ về quy hoạch và kiến trúc, đã không được chuẩn bị đầy đủ để được ban hành kịp thời. Bằng chứng là mãi đến cuối năm 94, đầu năm nay bản "Sơ đồ quy hoạch chi tiết" khu vực Hồ Tây mới được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt ! (Đây chắc chắn không phải là một vấn đề thiếu chuyên môn, mà chủ yếu là một vấn đề thiếu đầu tư : thời gian, phương tiện điều tra, nghiên cứu, vv...).
Đây có lẽ là nguyên nhân chính giải thích tại sao lại có hiện tượng xây dựng "bừa bãi", tại sao lại có những ngôi nhà cao tầng mọc lên ngay sát bờ nước Hồ Tây, hoặc ngay sát ven đê sông Hồng mà không có ai cấm cản được. Bởi vì, một là những công trình đó đã được xây không có giấy phép, tức là xây trái phép, thì nhà nước có quyền bắt phải phá đi, hoặc cho phép xây lại ở một địa điểm khác.
Hai là những công trình ấy đã được cấp giấy phép xây dựng, trong khi chưa có một sơ đồ quy hoạch chi tiết cho khu vực. Do đó, đã không thi hành pháp luật được, vì không có cơ sở kỹ thuật và pháp lý để cho phép hoặc cấm người ta xây như thế này, hay thế khác.
Ba là những công trình ấy đã được xây dựng theo đúng sơ đồ quy hoạch chi tiết, nhưng điều này đã không thể có được, vì như đã nói ở trên, sơ đồ quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây mãi đến gần đây mới được phê duyệt.
Trong cả ba giả thuyết kể trên, các cơ quan có thẩm quyền đều có phần trách nhiệm. Điều chắc chắn là nếu không có một phương án quy hoạch thiết thực được nhà nước thông qua và được sự đồng thuận của dân chúng, cùng với những luật lệ cụ thể ấn định cho từng khu vực của thành phố, và nếu không áp dụng luật pháp một cách nghiêm chỉnh, cứ để cho xây dựng "bừa bãi", thì chẳng mấy chốc bộ mặt của thủ đô sẽ còn nham nhở, xấu xí hơn nữa, và rồi đê điều, môi trường thiên nhiên cũng sẽ bị hư hại nghiêm trọng.
Riêng đối với khu vực Hồ Tây, nguyên là một danh thắng và là một khu di tích văn hoá và lịch sử có nhiều khả năng phát triển để trở thành một khu trung tâm hấp dẫn khách du lịch, lại càng cần có những phương hướng quy hoạch cụ thể với những chức năng thích ứng và trước những hiện tượng tiêu cực đã trình bày ở trên, cần có những biện pháp để ngăn chặn kịp thời.
Những chức năng vốn có của khu vực Hồ Tây
Hồ Tây từ xưa vẫn là một nơi danh thắng của đất Thăng Long. Nằm giáp lưng với sông Hồng ở phía Đông Bắc, nhìn về đằng xa ở phía Tây là dãy núi Ba Vì (Tản Viên), phía Đông Nam giáp đường Cổ Ngư và hồ Trúc Bạch, phía Nam là con sông Tô Lịch nay đã cạn, Hồ Tây có chu vi 16 km, với bề mặt hồ rộng 500 ha, xung quanh là các làng cổ có nghề truyền thống, phần lớn là các phường thuộc kinh thành Thăng Long cũ như : Nghi Tàm, Tây Hồ, Quảng Bá, Nhật Chiêu, Nhật Tân,Yên Phụ, Ngọc Hà, Thụy Khuê, Bưởi vv...
Hồ Tây đẹp cũng nhờ ở cái vị trí đặc biệt ấy.
Cho nên khi nói đến cái đẹp của Hồ Tây là người ta nghĩ đến cùng một lúc sự có mặt của sông Hồng, của núi Tản, của chùa Trấn Quốc và các làng nằm nhô ra giữa hồ, của con đê Yên Phụ, con đường Cổ Ngư, của hồ Trúc Bạch, đền Quan Thánh, chùa Châu Long, chùa Kim Liên, chùa Phổ Linh v.v...
Cái cảnh đẹp vừa hùng vĩ, vừa cổ kính ấy được tạo nên một phần do những yếu tố thiên nhiên, nhưng một phần khác cũng do những di tích kiến trúc và những truyền thống văn hoá cổ hiện vẫn còn giữ được trong các làng xung quanh hồ.
Làng Nghi Tàm, chẳng hạn, đứng trên đê nhìn xuống, là một doi đất nhô ra hồ trông rất đẹp, vào đời nhà Lý có tên gọi là Tằm tang nổi tiếng về nghề trồng dâu, nuôi tằm và trồng hoa, các cung nữ đời Lý vẫn thường ra đây ở với dân coi việc chăn tằm, dệt lụa. Công chúa Từ Hoa, con vua Lý Thần Tông, đã ra ở chùa Kim Liên, một ngôi chùa đẹp và hiếm của làng này, hiếm vì đây là nơi còn in dấu vết của phong cách kiến trúc cung lầu xưa, chùa được xây trên nền cũ của cung Từ Hoa. Qua đến các thời Lê, Trịnh, nơi đây vẫn là nơi vua chúa thường đến du ngoạn. Công chúa Quỳnh Hoa, con vua Lê Thánh Tông cũng đã từng ra đây ở và trông coi việc tằm tang. Đây cũng là làng quê của bà Huyện Thanh Quan, tác giả những bài thơ hoài cổ quen thuộc.
Ngày nay, làng Nghi Tàm vẫn còn nổi tiếng về nghề trồng cây cảnh, đặc biệt là cây quất cho ngày tết.
Một làng khác kế bên cũng nổi tiếng là làng Tây Hồ, hiện nay ở đây vẫn còn giữ được xóm Cung - di tích hành cung nơi xưa kia các vua Lê thường ra xem đánh cá. Có chùa Phổ Linh được xây dựng từ đời Lý Nhân Tông (1097), có bia cổ từ đời Lê, có Phủ Tây Hồ, một đền thờ Bà chúa Liễu Hạnh. Tây Hồ còn là quê hương của Thị Lộ: "Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon...".
Nói chung, mỗi làng ở xung quanh hồ đều có ít nhiều di tích lịch sử và còn giữ được nhiều nghề truyền thống cho đến ngày nay.
Do đó, khu vực Hồ Tây cần được bảo tồn và ưu tiên khai thác về các mặt: văn hoá, thể dục thể thao, giải trí, du lịch, thủ công nghiệp v.v...
Đó là những chức năng đặc thù của khu vực này bên cạnh những chức năng khác đã được quy định cho "khu trung tâm mới của thủ đô" bao gồm khu vực Hồ Tây như chức năng giao tế, giao dịch quốc tế, cơ sở của các bộ, vv...
Khu vực Hồ Tây trong sơ đồ quy hoạch.
Mới đây, trong Thời báo Kinh tế Việt Nam số 1, tháng 1- 1995 có đăng một bài báo ký tên Vũ Hùng với nhiều hình ảnh minh hoạ, trong đó có mấy bản sao thu nhỏ của sơ đồ quy hoạch áp dụng cho thành phố Hà Nội, nói chung, và cho khu vực Hồ Tây, nói riêng.
(Theo tuần báo Việt Nam Đầu Tư Nước Ngoài số 90, đề ngày 27-12-1994 / 2-1-95, thì vừa đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng Ngô Xuân Lộc đã phê duyệt sơ đồ quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Tây, không biết có phải cùng một sơ đồ này không ?)
Sau đây là một vài nhận xét của riêng cá nhân tôi về sơ đồ quy hoạch này. Thật ra, đây là một việc làm khá mạo hiểm, vì tỷ lệ của các bản vẽ quá nhỏ mà in lại hơi mờ, nên không thấy rõ được các chi tiết, mà bản thân tôi lại không có điều kiện để biết tường tận về những ý đồ quy hoạch của các tác giả. Ngoài ra, tôi không biết đã có những bản đồ quy hoạch chi tiết hơn chưa (tương đương với Plan d'occupation du sol ở các nước Âu châu, chẳng hạn)
Vì thế, có thể có những điểm mà tôi đã hiểu sai nên xin lỗi trước các tác giả.
Trước hết về mặt phân định các khu vực chức năng và bố trí các tuyến đường sá ở xung quanh và ở bên trong khu vực, người ta thấy các dải đất xung quanh hồ dành cho cây xanh và đường đi bộ dạo chơi quá hẹp, lại sát ngay với đường xe hơi chạy. Có những khu quy hoạch, như khu phía Nam Hồ Tây, bài báo của tác giả Vũ Hùng viết : " từ vườn hoa Lý Tự Trọng đến chợ Bưởi, dành để xây dựng những công trình tạo thành trung tâm giao dịch quốc tế ", khu này nằm sát tới đường Hoàng Hoa Thám, có khi còn lấn ra cả đến đường Thụy Khuê. Khu quy hoạch phía Tây "từ chợ Bưởi đến ngã ba Nhật Tân, dành ưu tiên cho việc xây dựng khách sạn cao tầng" cũng lấn ra tới gần sát bờ nước.
Thật khó mà tưởng tượng được những dải đất trồng cây nhỏ hẹp này lại có thể trở thành những công viên, bãi cỏ rộng rãi để làm nơi dạo chơi quanh hồ của người dân Hà thành mà số lượng ngày càng tăng, cũng như của khách du lịch đến vãn cảnh sau này. Chỉ trừ khi các công trình xây dựng lên ở đây sẽ không có rào giậu gì hết và được xây dựng một cách hài hoà, kín đáo, chen lẫn trong cây cỏ, một điều hơi lý tưởng và có lẽ còn lâu mới thực hiện được.
Thông thường, người ta vẫn phải phân định rõ ràng ranh giới giữa các khu vực của tư nhân, hay của nhà nước với các không gian công cộng. Nhưng dứt khoát không nên rơi vào kiểu làm như ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở những vùng ven bờ biển, bờ sông, hoặc ở các đảo, như ở vùng Bretagne, chẳng hạn, các biệt thự vườn tược của tư nhân được rào giậu kín cho tới bờ nước, công chúng không lần theo bờ nước mà đi dạo chơi quanh đảo hay dọc theo bờ biển được!
Về điểm này, cũng nên tham khảo kinh nghiệm ở các nước phát triển: hồ Léman, chẳng hạn, mặc dầu lớn hơn Hồ Tây rất nhiều (bề ngang 10 km, bề dài 60 km!), nhưng là một thí dụ về quy hoạch kiến trúc đáng chú ý. Về phía bên tỉnh Lausanne (Thuỵ Sĩ) chẳng hạn, các công trình kiến trúc ở gần hồ đều được xây thấp chen lẫn vào cây cối và thụt lùi vào rất xa, cách bờ nước đến hàng trăm thước. Khoảng đất dành cho công viên, bãi cỏ và cây cối để cho người ta đi dạo chơi do đó rất rộng rãi.
Về mặt cảnh quan và bảo vệ môi trường, nói chung, xây dựng những ngôi nhà cao tầng trước những phong cảnh có địa thế bằng phẳng như phong cảnh Hồ Tây, hay bãi sông Hồng, là một việc làm cần nghiên cứu một cách thận trọng. Trên sơ đồ và trong bài báo đã nêu ở trên, người ta đọc thấy : "Khu Đông Bắc Hồ Tây bao gồm phần đất từ ngã ba Nhật Tân, Quảng Bá, Quảng An, Tứ Liên, Nghi Tàm đến ô Yên Phụ được dành cho tổ chức các hoạt động du lịch, nghỉ ngơi, giải trí và công vi ên, xây dựng khách sạn, cụm nhà nghỉ kiểu biệt thự thấp tầng. Đoạn từ giữa bán đảo về phía đ ê có thể xây khách sạn cao tầng." Như vậy là trong một dải đất hẹp nằm giữa Hồ Tây và bãi sông Hồng, người ta muốn xây dựng lên không biết bao nhiêu là thứ công trình, trong đó có cả những khách sạn cao tầng đứng làm bình phong trước mặt sông Hồng và thông thường chiếm những khoảng đất rất rộng. Thế thì không biết những làng có nghề truyền thống cần được bảo tồn ở đây sẽ còn đất đâu để mà sinh hoạt và phát triển?
Ngoài ra, những công trình lớn này, muốn xây lên ở những vị trí đó, phải dự trù trước tất cả những điều kiện và thiết bị kỹ thuật để tránh không làm hư hỏng và ô nhiễm môi trường. Nhìn chung, sơ đồ quy hoạch nói trên hơi "tham lam" trong quan niệm quy hoạch khu trung tâm mới của thủ đô bao gồm khu vực Hồ Tây, và đã không chú ý đủ đến những chức năng vốn có và tiềm năng phát triển đặc thù của khu vực này. Đã không nới rộng khu vực Hồ Tây ra, ngược lại còn làm cho nó teo lại, mà lại muốn phát triển khu trung tâm mới ở xung quanh thì quả là đã không nhìn xa đủ về tương lai.
Do đó, theo ý tôi, cần điều chỉnh lại mặt bằng của sơ đồ quy hoạch và kiểm lại các chức năng của từng khu vực.
Ở khu vực Hồ Tây, trước hết ở xung quanh bờ hồ, cần nới rộng thêm những khoảng đất dành cho công viên, bãi cỏ, cây cối và hàng quán phục vụ người đi dạo chơi quanh hồ.
Không nên xây dựng quá nhiều và quá cao ở ngay trước mặt hồ. (Nhiều hình ảnh được đăng trên mặt báo chí mới đây cho thấy những toà nhà 3, 4, 5 tầng được xây cất sát ngay ven hồ ! Như vậy thì dân chúng thủ đô và khách tham quan còn làm sao đi dạo quanh bờ hồ được?).
Đối diện với mặt hồ phải có những công trình kiến trúc có chất lượng và hài hòa về mặt hình khối và kích thước.
Những công trình cần thiết cho khu trung tâm mới của thủ đô có thể xây lui nữa về phía Tây và Tây Nam.
Cần giảm bớt những đường cho xe hơi chạy ở gần sát bên hồ (bởi nói đến xe hơi là phải nghĩ đến những hậu quả và những thiết bị đi cùng: phải dự trù chỗ cho xe đậu, dự tính số lượng xe sẽ đi qua hoặc dừng lại ở khu vực này, nhất là phải nghĩ đến những vấn đề ô nhiễm do tiếng động và bụi đối với những người đến đây cốt để nghỉ ngơi, giải trí, hoặc tập thể dục thể thao, vv... Do đó cũng cần xem lại các tuyến đường).
Ngoài ra, đối với khu vực đê sông Hồng, cần có những biện pháp xử lý thích đáng. Khu vực này phải được nằm trong sơ đồ quy hoạch như một khu vực cấm xây dựng nhà cửa và dưới quyền trách nhiệm quản lý của một hay hai cơ quan hành chính, chứ không phải của năm hay mười cơ quan khác nhau, theo như báo chí đã cho biết.
Nói tóm lại, khu vực Hồ Tây là một khu vực tương đối nhỏ, không có nhiều đất đai xây dựng, nhưng có những chức năng văn hoá và lịch sử có thể cho phép nó trở thành một khu vực hấp dẫn của thủ đô, với điều kiện là phải bảo vệ được cảnh quan và môi trường thiên nhiên, chỉnh trang nhà cửa đường sá xung quanh hồ và bên trong các làng, chỉnh trang các đình, đền, chùa cổ, khuyến khích phát triển các lễ hội dân gian, giải toả những cụm công trình xây dựng ô hợp từ một số năm nay vây quanh những di tích cổ (trường hợp chùa Châu Long bên hồ Trúc Bạch là điển hình nhất), khuyến khích mở mang các nghề thủ công có khả năng kinh doanh đi đôi với việc phát triển các hoạt động văn hoá, du lịch, thể thao, giải trí v.v... ở xung quanh hồ và trên mặt hồ.
Quy hoạch là nhìn về lâu về dài. Một sơ đồ quy hoạch đôi khi cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp với những điều kiện thực tế với chức năng, môi trường, cảnh quan của từng khu vực.
Những trường hợp xây dựng " bừa bãi ", tuỳ tiện ở thủ đô Hà Nội, nói chung, và ở khu vực Hồ Tây, nói riêng, dẫu sao cũng mới chỉ là những biểu hiện đầu tiên của một hiện tượng sẽ còn tiếp tục phát triển nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Văn Ngọc
Các thao tác trên Tài liệu