Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 40 / Phát triển trong ổn định

Phát triển trong ổn định

- Bùi Mộng Hùng — published 24/05/2009 01:50, cập nhật lần cuối 24/05/2009 01:50
Có đáp ứng được chăng, những mối quan hệ tương thân tương trợ của một xã hội nông nghiệp cổ truyền – như quan hệ họ hàng làng xã – trước những bấp bênh do cơ chế thị trường ngày nay gây ra ? ... Đạo đức cá nhân thôi, không đủ, nếu sự tôn trọng con người, căn bản của đạo lý trong xã hội, không được thể hiện cụ thể qua pháp luật, qua thể chế, ngăn chặn các hành vi xúc phạm đến con người, đến công dân.

 

Phát triển trong ổn định
vấn đề gốc rễ

 
bùi mộng hùng

 
Từ vài năm gần đây quan hệ họ hàng được khôi phục, sôi nổi và tích cực. Quyên góp tiền làm giỗ, tế tổ, xây lăng mộ, làm nhà thờ, chép gia phả, đi nhận họ, ... Một hiện tượng xã hội đáng chú ý.

Người ta vội vã đi tìm, kính cẩn dựng lại những giá trị cổ truyền đã bị đè nén, xem khinh, rẻ rúng suốt một thời gian khá dài. Động lực thúc đẩy người ta bỏ công, bỏ của ra để làm sống lại những hình thức xa xưa ấy là gì ? Nếu không là, chẳng ít thì nhiều, mối thiết tha được an tâm mà thấy rằng vẫn còn đó những mốc quen thuộc đời đời truyền lại cho nhau. Được yên lòng tự nhủ rằng cái tình nghĩa họ hàng, nó đã sống lại đó, như một bảo vật, bền vững như thuở nào.

Quả là xưa kia, tình nghĩa họ hàng là một bảo vật. Chí ít thì cũng là một đảm bảo nào đó cho mỗi cá nhân được đùm bọc, được che chở. Chẳng những trong cái xã hội khép kín sau luỹ tre làng, không may xẩy mẹ thì còn bú dì. Mà cả một khi phải bước vào cái thế giới mênh mông xa lạ bên ngoài làng xã quen thuộc : Một người làm nên cả họ được nhờ, có thân nhân áo gấm quê người làm nơi nương tựa thì chẳng phải lâm vào tình cảnh khắc khoải của kẻ tứ cố vô thân.
 

Những nỗi bếp bênh thân phận

 
Đi tìm lại tình nghĩa họ hàng, một trong những hành vi - mà động cơ nhiều hay ít ẩn trong tiềm thức hơn là ý thức rõ ràng - đi đôi với tâm trạng khắc khoải cho tương lai. Một tâm trạng khác hẳn với hồi những năm 80. Vào cái thời mới gần đây thôi mà đã xa xôi ấy, tương lai đen tối, nếu không được cảm nhận như hoàn toàn bế tắc. Ngày đó, nhiều người chỉ còn biết ngong ngóng nhìn ra khơi, vọng về những châu Mỹ, châu âu huyền thoại. Ngày nay có khác. Cũng đổ xô đi học tiếng Anh, học ngoại ngữ. Nhiều còn hơn xưa, nhưng chẳng phải dành đợi vượt biên, mà là vì ngoại ngữ không thể thiếu trong công ăn việc làm.

Khác với những năm thập kỷ trước, tương lai hôm nay là nơi đây, trong nước.

Tuy nhiên, trùng trùng những khắc khoải, lo âu. Cái tương lai thấy đó, có được mấy phần cho bản thân, cho thân nhân mình hay không ? Đáp số, lấy gì mà lường trước được ? Chỉ biết hỏi nơi bói toán, biết cầu xin uy lực huyền bí của thần phật linh thiêng phò hộ độ trì. Xem bói, xem kinh dịch, thờ thần tài, lễ đền lễ chùa... từng từng lớp lớp đổ xô theo, từ trẻ đến già, từ người buôn bán đến cán bộ đảng viên các cấp.

Vì bấp bênh là thân phận của mọi tầng lớp. Kể cả, nếu không nói trước hết, cán bộ công nhân viên nhà nước. Từ 1987 – năm mà số lượng đạt mức cao nhất – đến 1992, có đến 860 000 người nghĩa là trên 20% phải ra ngoài biên chế, còn lại 3,2 triệu. Và cứ tiếp tục giảm mạnh, năm nay 1995 con số cán bộ viên chức là 1 129 000. Dự án pháp lệnh công chức chính phủ đệ trình quốc hội tháng chạp 94 còn dự tính loại ra thêm, nhiều hơn nữa...

Đi ra, làm ăn kinh doanh. Phất lên không ít, nhưng nguy cơ trắng tay cũng chẳng nhỏ, đến lúc nào không biết, cho bất cứ ai. Và là chuyện hàng ngày trong mọi ngành buôn bán.

Ngay đầu năm 1955, tại Thành phố Hồ Chí Minh mấy vụ vỡ nợ lớn ở chợ Soái Kình Lâm – vụ bà chủ sạp D9 không khả năng chi trả cho hơn 50 bạn hàng số nợ trên 2,6 tỉ đồng nổ ra tiếp theo vụ ông chủ một cơ sở ở quận 6 chuyên gia công in bông cho bạn hàng Soái Kình Lâm nợ gần 10 tỷ đồng đã " lặn mất tăm " và vài vụ khác nhỏ hơn – gây chấn động trong giới kinh doanh vải, làm điêu đứng hàng trăm chủ sạp trong chợ. Thật ra thì không đợi đầu năm 1995, ngay trong năm 1 994 đã xảy ra 12 vụ vỡ nợ bỏ trốn tổng cộng khoảng 21 tỷ đồng ở Soái Kình Lâm, chợ đầu mối lớn nhất nước, hàng vải từ nhiều nguồn ùn ùn đưa về với những số lượng khổng lồ. Vốn huy động hàng tỷ bạc là chuyện thường, lệ khách bán hàng trả chậm, chơi hụi giao kèo " miệng " hoặc ghi trên tờ giấy thuốc lá. Hụi bể, nợ dây chuyền, doanh nghiệp kéo theo nhau mà suy sụp (Tuổi Trẻ 17.1.95).

Chuyện chẳng riêng gì một chợ Soái Kình Lâm. Tại chợ bán hàng bách hoá Kim Biên có ba vụ vỡ nợ lớn trơn năm 94, tại chợ Bình Tây không đầy bốn tháng từ tháng 10.94 đến tháng giêng 95, đã bảy vụ vỡ nợ xảy ra, ba chủ sạp đều là doanh nhân hàng sắt bỏ trốn còn trong vòng truy tìm.

Nguyên nhân vỡ nợ chủ yếu thường là do chơi hụi, đi vay với lãi suất cao mà hàng hoá lại phải bán chịu, tiền thu lại không kịp...

Lãi suất cao, cạnh tranh gay gắt, chính đáng và không chính đáng như những đợt hàng lậu nhập ồ ạt, cũng là nỗi khổ tâm của không ít vị giám đốc công ty. Nhìn vào bề thế. Nhưng cổ đông trong nước chẳng giống như ta thấy thông thường ở các nước công nghiệp ăn chia theo phần lãi của doanh nghiệp. Mà thực chất là lấy lời với tỷ suất lãi cố định trên phần vốn họ hùn vào công ty. Rủi gặp lúc thua lỗ, giám đốc vẫn cứ phải răng rắc hàng tháng è cổ ra trả số tiền lời. Thị trường trồi sụt, mà đó là chuyện thường, giám đốc bụng trong tái tê, mặt ngoài vẫn phải điềm nhiên vung tiền chiêu đãi vương giả. Vậy mới tạo được ấn tượng xí nghiệp sung túc, dễ bề vay mượn giựt gấu vá vai qua những bước ngặt nghèo.

Nhà nông, chiếm 78% dân số Việt Nam, thân phận ra sao đã được đề cập trước đây (DĐ số 25, 12.93). Chỉ nhắc một chuyện trong năm vừa qua. Khắp đồng bằng sông Cửu Long, từ Bến Tre đến Minh Hải, tôm ngã ra chết hàng loạt. Kim ngạch tôm xuất khẩu lẽ ra đạt 550 triệu USD sụt còn 485 triệu (Tuổi Trẻ l0.12.94). Bị thiệt nhất là người nông dân đi vay tiền để nuôi tôm. Nhiều gia đình trắng tay. Tổn thất của họ tính ra gần 300 tỷ đồng (khoảng 27 triệu USD).

Xin được mở ngoặc để nói rằng nguyên nhân tôm bệnh đã tìm ra : yếu tố chính là môi trường bị hư hoại nặng. Từ Bến Tre đến Minh Hải 70% mẫu nước thử nghiệm bị ô nhiễm thuốc trừ sâu quá mức cho phép để nuôi thuỷ sản. Ven theo bờ biển, 90% điểm khảo sát ở mức báo động vì nhiễm dầu do tàu bè thải ra. Nguyên nhân đã được xác định, biện pháp ngăn chặn thì chưa có gì : tôm chết là vấn đề của bộ Thuỷ sản, còn vấn đề thuốc trừ sâu lại thuộc bộ Nông nghiệp, v.v.. và v.v... Chuyện tôm chết chẳng trực tiếp trách nhiệm của mình, các bộ bình chân như vại. Người dân cứ việc bấm bụng mà ở đó chờ các bộ trách nhiệm phối hợp hành động với nhau.

Xin đóng ngoặc, để trở lại thân phận bấp bênh của người dân, đủ mọi tầng lớp. Điều đó không lạ nếu ta nhìn vào tỷ số người sống dưới mức nghèo khó trong nước hiện nay. Theo người phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng thế giới ông Peter Stephens, xét theo tiêu chuẩn qui định của quốc tế, tỷ số đó là 51 % (DĐ số 39, 3.95 tr.4).

Cứ hai người thì một ở trong cảnh dưới mức nghèo khó. Kể cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, khu vực trù phú của Việt Nam. Một nửa dân tộc quá sức nghèo, sức tiêu thụ chung cả nước yếu. Một trận thiên tai – một vụ lũ lụt kéo dài năm qua ở miền Tây Nam bộ – là sức mua các loại hàng hoá như vải vóc có thể tạm gác được, sụt trông thấy ngay. Chủ hàng phải vội cạnh tranh nhau mà giảm giá, bán gối đầu, bán chịu số lượng lớn mong giải phóng hàng nhanh. Cứ thế mà nợ nần sinh sôi nảy nở, vỡ nợ kéo theo nhau như ta thấy ở đoạn trên...
 

Câu hỏi lớn

 
Có đáp ứng được chăng, những mối quan hệ tương thân tương trợ của một xã hội nông nghiệp cổ truyền – như quan hệ họ hàng làng xã – trước những bấp bênh do cơ chế thị trường ngày nay gây ra ?

Vẫn biết rằng cũng có những trường hợp người có quyền có chức, kéo họ hàng làm bè cánh mà tác oai tác phúc, xây nhà xây cửa làm giàu làm có. Nhưng nói chung, chỉ xét qua một vài bất trắc mà trong đời một người không mấy ai chắc là tránh khỏi, như một cơn bệnh là đủ rõ. Chẳng phải đợi đến bệnh trầm kha, chỉ một cơn đau ruột thừa phải vào viện mổ, những nhà vừa vừa bậc trung đã phải cho một vài đồ vật trong nhà, cái TV, cái viđêô bay vào tay người khác...

Vâng, trân trọng thì thật đáng trân trọng, những tình cảm, những quan hệ truyền thống đáng quý. Nên và phải bảo tồn. Nhưng quả là chúng quá bất cập, trước những bất trắc của hiện tình xã hội ngày nay, phức tạp và hệ quả không còn ở những tầm mức của một xã hội nông nghiệp cổ truyền. Cần phải có những quan hệ mới.

Ừ, thì trong nước đã chẳng bắt đầu đặt những quan hệ mới đó, chẳng bước đầu có bảo hiểm xã hội là gì ? Chẳng thấy nhiều nhà kinh tế học trong và ngoài nước lên tiếng khuyến cáo nhà nước phải lo đến vấn đề xã hội, như y tế, giáo dục, chẳng thấy mấy năm nay ngân sách nhà nước dành cho những ngành đó đã tăng đó sao ?

Xin nói ngay rằng kẻ viết những hàng này cũng nghĩ rằng cần có ngay một số biện pháp như vậy. Chỉ xin đặt lại căn bản vấn đề trong những điều kiện riêng của nước Việt Nam.

Vì vậy đi vào bề sâu, không nói đến kỹ thuật đã có lần bàn sơ lược cho y tế, bảo hiểm xã hội (DĐ số 32, 7.94, tr. 22- 26 và 33, 9.94, tr. 16-19). Sâu hơn cả vấn đề lối nhìn. Dù rằng không ít chuyện phải nói về cách nhìn phổ biến của quan điểm thực dụng xem giáo dục, y tế chỉ như là những phương tiện phục vụ cho phát triển kinh tế. Với quan điểm ấy, nhìn mọi vấn đề một cách công cụ – con người cũng chỉ là một công cụ không hơn không kém, mục đích tối hậu của công cuộc gìn giữ sức khoẻ dạy cho kỹ thuật không ngoài tăng hiệu quả kinh tế – thì rồi đây có lúc đánh rơi mất con người thật bằng xương bằng thịt có tim có gan lúc nào cũng không biết.

Xin cũng được vượt qua vấn đề tình trạng còn thiếu sót của pháp luật, thể chế. Để bàn tới cái tinh thần làm gốc rễ cho mọi quan hệ xã hội trong bất cứ nền văn hoá nào xứng đáng với cái danh nghĩa của nó : sự tôn trọng con người.

Thử xét xem trong xã hội ta hiện nay con người được đối đãi như thế nào ?
 

Con người, công dân, trong thực tại

 
Nhân dân làm chủ. Ai cũng biết. Xin xét qua một số sự kiện thực tế trong đời sống hàng ngày, xem người chủ nhân ông của đất nước này gặp cung cách đối xử ra sao.

Như một khi bước vào bệnh viện. Chỉ xin ghi lại một sự kiện con con, Kim Sơn kể trong mục Sổ tay (Tuổi Trẻ 7.1.95). Trong cơ quan của Kim Sơn, đợt khám sức khoẻ cho cán bộ công nhân viên vào tháng 12 năm 1994 phát hiện ra hai trường hợp tương tự nhau. Chị T. và chị N.

Chị T. năm 1988 sinh con đầu lòng. Bác sĩ đặt vòng, không hỏi ý kiến chị. Bị rong huyết, đến năm 1990 chị đến một trung tâm kế hoạch hoá gia đình xin lấy vòng cũ thay vòng mới. Vẫn rong huyết. Năm 1992 chị xin rút vòng ra. Vẫn cứ còn rong huyết hoài. Khám bệnh trong cơ quan kỳ này chẩn đoán bằng siêu âm phát hiện ra chị T. còn mang một vòng trong tử cung. Té ra hồi năm 1988, bác sĩ chẳng những đã đặt lén, lại còn bắt chị mang hai vòng tránh thai. Cho chắc ăn. Chị N. trước đây đặt vòng ở bệnh viện D., bị rong kinh, trở lại xin lấy vòng ra. Đến khi muốn có con, mãi mà không có được. Phải đi chữa vô sinh cũng ở bệnh viện D. Chưa thấy kết quả gì. Đến kỳ khám sức khoẻ này chị mới hay là còn mang trong mình một vòng thứ hai mà chị không hề biết.

Thì ra, có chuyện như đùa xảy ra trước đây ở một số xã vùng xa, đặt vòng tránh thai, miễn phí còn phát kèm đường, sữa bồi dưỡng để đạt chỉ tiêu kế hoạch. Các bà đến, bác sĩ không khám xem đã có vòng hay chưa, cứ nhắm mắt mà đặt, sao cho đạt chỉ tiêu số lượng. Có người vì vậy mà một mình mang hai vòng. Nhưng chuyện Kim Sơn kể xảy ra cho cán bộ nhân viên nhà nước tại bệnh viện nơi thị tứ trung tâm.

Mà chẳng phải là những trường hợp cá biệt. Theo số liệu của một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, trong số bệnh nhân điều trị tại khoa vô sinh trong năm 1993 có 3,5% người bị đặt vòng mà chẳng hề được biết.

Một số kẻ, vì là thầy thuốc, cho mình cái quyền tự tiện xâm phạm vào thân xác người đặt lòng tin vào đạo lý nghề nghiệp của y sĩ. Vô tội vạ. Điều này mới đáng lấy làm lạ. Một điều thuộc về vấn đề tiên quyết đặt ra trước khi bàn đến tổ chức, phương tiện cho hệ y tế, hệ bảo hiểm xã hội v.v... Vì là vấn đề tinh thần.

Tinh thần thấy trong bệnh viện chỉ phản ánh một số mặt tinh thần thấy trong xã hội. Tinh thần của một số người có chức có quyền đối với con người, đối với người công dân, với thân xác họ, tính mạng họ là gì ?

Câu hỏi không thể không lây lất trong đầu trước một số việc mắt thấy tai nghe hàng ngày ở khắp nơi.

Xin không nói tới những việc nóng bỏng, dư luận còn quá sôi nổi để có đủ bình tâm mà nhận định. Chỉ nêu một trường hợp đã có chút lắng đọng với thời gian trôi qua.

Ngày 27.3.1979 phó ty công an Minh Hải Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng bắn chết anh Lữ Anh Dối rồi vu cáo cho anh tội phản quốc. Vì tội đó, anh Dối vốn là một đảng viên bị mất đảng tịch, vợ anh chị Nguyễn Thị Mai giáo viên bậc một bị thôi việc.

Chị Mai chạy vạy khiếu nại trong hơn chín năm bốn tháng, vụ án mới được đem ra xét xử vào tháng 8. 1988. Qua bốn phiên toà, sau ba lần định thay đổi tội danh giết người của Nguyễn Ngọc, cuối cùng Nguyễn Ngọc bị kết án 20 năm tù giam, bồi thường mọi thiệt hại cho gia đình anh Lữ Anh Dối. Thái Văn Hùng cũng lãnh án 18 năm tù giam.

Thế rồi, mới ba năm sau Thái Văn Hùng đã được trả tự do. Nhưng chị Mai, một mình một gánh con thơ cha mẹ ruột bố mẹ chồng đã quá tuổi 70 lại ốm đau, thì vẫn cứ chạy vạy tiếp tục gởi đơn khiếu nại tới các vị lãnh đạo, các cấp toà án, báo chí. Vì bản án không được thi hành tới nơi tới chốn. Tỉnh uỷ Minh Hải ngày 12.7.91 có phục hồi đảng tịch cho anh Lữ Anh Dối. Ngành giáo dục có cho chị Mai trở lại làm việc. Nhưng chỉ có bấy nhiêu mà thôi.

Các quyết định khác của bản án : giải quyết chế độ, chính sách cụ thể và các khoản bồi thường gồm tiền thu nhập bị mất của anh Dối trong thời gian năm năm, của chị Mai trong ba năm, tiền bồi thường tính mạng và chi phí mai táng cho anh Dối vẫn là chuyện nằm trên giấy tờ. Không biết rồi chị Mai còn phải chờ đợi đến bao giờ (Tuổi Trẻ chủ nhật 16.2.92).

Cứ như là có hai công lý. Công lý cho kẻ có chức có quyền. Cố ý giết người, vu oan giá hoạ làm cho một gia đình vô tội phải lâm vào cảnh khốn cùng, mà cứ nhởn nhơ chín mười năm trường. Đến lúc không còn thể tránh ra toà được, thì có những thế lực tìm hết cách giảm nhẹ tội danh cho. Có bị kết án, tiếng là bị giam mười tám hay hai mươi năm, mới đầy một phần sáu thời gian phải bị cấm cố, một tội phạm đã được tự do...

Còn người thường dân bị oan khiên thì cứ ở đó mà ngậm đắng nuốt cay năm này qua năm khác. Quyết định của toà án chẳng khác nào tờ giấy lộn lưng.

Khi công lý không ra công lý thì con người trong bất cứ nền văn hoá nào cũng không khỏi cảm thấy mình bị xem rẻ. Tài sản, tính mạng, nhân phẩm mình chỉ là những đồ vật chẳng ra gì. Người ta chà đạp, xâm phạm, cướp đi lúc nào cũng được. Không biết trông cậy nơi đâu.

Không thể viện cớ khác biệt văn hoá mà xem nhẹ sự tôn trọng con người. Nhận thức có thể dị đồng, trong nền văn hoá này hay nền văn hoá kia. Tài sản, tính mạng, nhân phẩm con người bị xâm phạm vô tội vạ, có nơi cảm nhận như một sự dung túng cho kẻ ác. Có nơi nhận định người công dân không được công lý che chở, quyền công dân bị dày xéo. Nhưng trong bất cứ văn hoá nào cũng là trái với đạo lý. Căm phẫn lòng người. Nổ bùng ra lúc nào không biết.
 

Tia lửa giữa thảo nguyên

 
Người Hà Nội được mục kích một trận bùng nổ như vậy, công an hoàn toàn bị bất ngờ. Ngày 14.12.1994. Toà án Hà Nội xử phúc thẩm vụ cảnh sát viên Nguyễn Tùng Dương giết người cướp của trong khi hành nghề.

Kỳ xử sơ thẩm đã phải hoãn lại hai lần " vì những lý do kỹ thuật ", dư luận người dân Hà Nội lo ngại viên cảnh sát được bao che, hàng ngàn người đã kéo nhau đến để theo dõi phiên toà, ngồi đầy phòng xử, tràn ra ngoài đường. Trước sức ép của dư luận, toà sơ thẩm kết án tử hình ngày 21.10.94.

Đến kỳ xử phúc thẩm này, tin đồn Nguyễn Tùng Dương có thể được giảm án vừa loan đi, hàng nghìn dân Hà Nội, có nguồn ước lượng khoảng tám nghìn người, tụ tập trước toà án. Cảnh sát giải tán không nổi, tung lựu đạn cay, dân nhặt đá ném lại, đụng độ nổ ra. Cuối cùng, toà phúc thẩm giữ y án tử hình mới tạm yên.

Người dân ta vốn tính ẩn nhẫn, chịu đựng. Nhưng con giun xéo mãi cũng quằn. Phẫn nộ nổ ra. Lúc nào không biết. Như tia lửa trong đồng cỏ.

Có người trong sạch, đạo đức trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam. Điều đáng quý trong bất cứ xã hội nào. Nhưng tránh sao cho khỏi có những kẻ đạo đức mồm, việc làm chẳng đi đôi với lời nói. Che mắt thế gian, nhưng che đậy sao được những ai chung sống dưới một mái nhà. Ta chẳng thấy có những con cháu kẻ có chức có quyền, nhâng nháo xem khinh đạo lý, cái đạo lý mà họ thoáng thấy trước mắt bị chà đạp vô tội vạ bởi những người trưởng thượng. Nói đạo đức bao nhiêu, cái ấn tượng xã hội giả đạo đức càng thêm nặng nề bấy nhiêu.

Đạo đức cá nhân thôi, không đủ, nếu sự tôn trọng con người, căn bản của đạo lý trong xã hội, không được thể hiện cụ thể qua pháp luật, qua thể chế, ngăn chặn các hành vi xúc phạm đến con người, đến công dân.

Khi công lý không nghiêm minh công bằng, khi sự giả dối còn tiềm tàng trong thể chế, người dân được tiếng là có đại diện ở các cấp, từ xã, qua huyện, tỉnh, đến quốc hội của cả nước, thực tế cứ thấy mình thấp cổ bé miệng, mọi việc hệ trọng đến đời sống hàng ngày những ai ai quyết định trên đầu trên cổ mình, tiếng nói, tâm tư, quyền lợi của mình không biết lấy ai bảo vệ, thì không thể không có phản ứng. Thụ động, bằng cách chẳng buồn để vào tai nghị quyết của đảng cầm quyền, bằng cách lẳng lặng mà không thèm bỏ thăm cho một số đảng viên lãnh đạo như việc đã thấy trong kỳ bầu cử hội đồng nhân dân các tỉnh và thành phố vừa ròi.

Nhưng chính vì thụ động mà uất ức cứ chất chứa mãi trong lòng, cho đến khi tức nước vỡ bờ bùng nổ bất ngờ, như ta đã thấy trong vụ xử án Nguyễn Tùng Dương. Những tia lửa có thể làm thảo nguyên bốc cháy, tàn phá công trình tích lũy xây dựng của cả xã hội. Nếu gặp lúc đồng khô. Những tình huống đồng khô cỏ héo – thời tiết không thuận tiện, mất mùa kéo dài, kinh tế suy thoái, làm ăn khó khăn dù là giai đoạn... – có trời mà đoán trước. Nhất là trong thời buổi xã hội đang chuyển biến gia tốc như hiện nay.

Ngăn ngừa đồng cỏ bốc cháy, yếu tố chính làm gốc rễ cho ổn định xã hội là đạo lý, là sự tôn trọng con người, được thể hiện cụ thể qua pháp luật, thể chế.
 

bùi mộng hùng (3.95)

 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Bùi Mộng Hùng
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13 | Zoom
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us