Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 40 / Thư của ông LÊ GIẢN gửi Bộ Chính trị Trung ương CSVN

Thư của ông LÊ GIẢN gửi Bộ Chính trị Trung ương CSVN

- Lê Giản — published 11/04/2011 00:30, cập nhật lần cuối 11/05/2011 18:02


Trong nước hiện đang truyền tay bản chụp bức thư viết tay của ông Lê Giản gửi Bộ chính trị Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam. Lê Giản là một cán bộ lão thành, năm nay khoảng 83 tuổi. Dưới thời thuộc địa, ông bị chính quyền thực dân đày sang đảo Madagascar. Trong thế chiến II, ông liên lạc với đồng minh (quân đội Anh) và được chuyển qua cơ quan tình báo chiến lược Mỹ? OSS để được huấn luyện trước khi thả dù về Việt Nam. Ông mang điện đài, tài liệu và tiền về chiến khu Việt Minh, được chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho việc thành lập ngành công an.Ông làm tổng giám đốc Nha công an Việt Nam từ năm 1946 cho đến năm 1950, khi cố vấn Trung Quốc sang Việt Nam, thì bị “ chuyển công tác ”.Từ đó, ông làm việc ở Toà án nhân dân tối cao và Viện kiể?m sát trung ương cho đến khi về hưu. Từ những năm 1980, ông đã viết nhiều bài báo và tham luận tố cáo nạn tham nhũng, chuyên chế, tình trạng “ dột từ nóc dột xuống ”. Dưới đây, chúng tôi đăng toàn văn lá thư của ông Lê Giản.

Hà Nội ngày 8-12-1994

      Kính gửi Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam

      Thưa các đồng chí,

Hai ngày 14 và 15 tháng 11-94 vừa qua, tôi được nghe giới thiệu và tham gia góp ý kiến về hai dự thảo văn kiện chuẩn bị Hội nghị Trung ương VIII.Tôi đã trình bày một số ý kiến. Trong đó, có một số suy nghĩ về nguyên nhân Nhà nước Liên Xô tan rã. Mấy ngày gần đây, tình cờ, tôi được đọc tập sách 100 trang của đồng chí Nguyễn Ðức Bình Bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh xuất bản tháng 9 năm 1994.

Ðọc xong, tôi cảm thấy không yên tâm và lo lắng về công tác tư tưởng của Ðảng ta. Tôi rất phấn khởi về Ðại hội VII và nhiều thành tựu mà sự nghiệp đã đạt được trong ba bốn năm qua về đối nội và đối ngoại với đường lối Việt Nam sẵn sàng làm bạn với các nước trên thế giới trên cơ sở hoà bình, độc lập và phát triển ; xã hội nước ta xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa khoa học nhằm làm cho đất nước giàu có, công bằng, văn minh...

Nhưng đọc xong đồng chí Nguyễn Ðức Bình, cảm giác đầu tiên và ấn tượng sau đó là : Ðường lối Ðại hội VII có còn được tôn trọng không ?

Tôi đặc biệt chú ý đến những đoạn đề cập đến những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Nhà nước Liên Xô, cả về thái độ của tác giả và nội dung lập luận.


I.

Trước hết, hãy nói về thái độ. Chỉ xin nêu một vài dòng ở trang 28 phê phán các nhà lãnh đạo Liên Xô từ những năm 59 đến năm 1991 : « ...Xét cho cùng chính bọn cơ hội, xét lại và phản bội, sự mất cảnh giác trong hàng ngũ những người cộng sản đã tạo cơ hội cho chủ nghĩa đế quốc chiến thắng mà không cần đến chiến tranh ». Tất nhiên là còn nhiều đoạn khác với sự thiếu khiêm tốn và chụp mũ cũng tương tự.

Từ những năm 50 đến 1991 nhiều văn kiện của Ðảng ta đã đánh giá Ðảng Liên Xô như thế nào ?

Năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết : « Những biện pháp kiên quyết mà Trung ương Ðảng cộng sản Liên Xô đã áp dụng để khắc phục tệ sùng bái cá nhân và hậu quả của nó là một gương sáng về tinh thần dũng cảm chưa từng có trong lịch sử » (Tuyển tập Hồ? Chí Minh, Sự Thật,1960, tr. 593).

Ðến Ðại hội III (1960), đồng chí Trường Chinh trong tham luận về công tác tư tưởng viết : « Nhờ Ðại hội XX Ðảng cộng sản Liên Xô, Ðảng ta đã chủ trương sửa sai trong Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức ».

Và cho đến Ðại hội VI (1986) bài diễn văn khai mạc và Báo cáo chính trị đã trân trọng đánh giá Ðại hội XXVII như thế nào ?

Nghĩ rằng các đồng chí Bộ chính trị và đồng chí Nguyễn Ðức Bình còn nhớ nhiều hơn nữa. Chỉ xin gợi lại một vài việc trên đây làm cơ sở để rút ra kết luận về tập sách nêu trên kia.


II.

Về nội dung. Luận văn của đồng chí Nguyễn Ðức Bình làm nảy ra cảm giác là tác giả có quá ít thì giờ để tìm hiểu kỹ hơn về khoa học Mác-Lênin, về lịch sử Liên Xô và lịch sử Ðảng Liên Xô cũng như lịch sử Ðảng ta.

1. Khoa học Mác-Lênin được hình thành là dựa trên cơ sở những vật liệu tư tưởng tích luỹ của nhân loại từ trước thế kỷ XIX và đầu thế kỷXX sau khi sàng lọc qua phê phán và phát triển một cách sáng tạo, tuy nhiên khi thảo ra Tuyên ngôn cộng sản năm 1848, mặc dầu Mác và Ănghen đã hoàn thành việc phát hiện duy vật lịch sử song vẫn còn mắc ba sai lầm cơ bản. Một là chưa biết xã hộ?i nguyên thuỷ là xã hội chưa có giai cấp, hai là chưa phân biệt được lao động và sức lao động, do đó chưa phát hiện được quy luật giá trị và giá trị thặng dư, ba là đánh giá sai thời điểm cáo chung của chủ nghĩa tư bản lúc bấy giờ. Vì vậy Mác và Ănghen lại khiêm tốn tiếp tục học hỏi, nhất là kinh tế học, nhờ đó năm 1859 mới để công sức vào viết bộ Tư bản và sau 1859, Mác và Ăn-ghen lại vẫn tiếp tục học hỏi nữa, để đến 1875 mới có được tập Phê phán Cương lĩnh Gôta.

2. Lênin, thời Lênin và lịch sử Ðảng Liên Xô hiện nay rất cần được tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc.

+ Lênin noi gương Mác và Ănghen lại khiêm tốn học hỏi, đặc biệt là học Mác và Ănghen. Xin dẫn ra một tỉ dụ trong chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán : « Mác và Ănghen chú ý nhất đến quan điểm duy vật lịch sử, chứ không phải nhận thức luận duy vật. Vì thế? trong tác phẩm của mình, hai ông nhấn mạnh vào chủ nghĩa duy vật biện chứng chứ không phải chủ nghĩa duy vật, nhấn mạnh vào chủ nghĩa duy vật lịch sử hơn là chủ nghĩa duy vật » (tr.355).

Tức là muốn bàn đến triết học duy vật lịch sử thì phải học lịch sử.

+ Lịch sử Ðảng Cộng sản Liên Xô đã được viết ra rất nhiều lần mà hiện nay vẫn bỏ qua đi rất nhiều sự kiện. Xin ghi lại một sự kiện rất quan trọng, đó là : Quan hệ giữa Ðảng và Nhà nước Xôviết. Cho đến năm 1922, sau tháng Mười 5 năm, Ðảng Liên Xô chưua có Ban bí thư Trung ương mà chỉ có Bộ chính trị. Công việc Ðảng lúc này thật là bề bộn. Lênin đề nghị lập ra Ban bí thư Trung ương để giải quyết các việc sự vụ của Ðảng. Song Lênin cũng đề nghị không nên để Stalin làm tổng bí thư. Nhưng Ban chấp hành trung ương Ðảng Liên Xô không tìm được ai. Vì vậy mà Lênin vẫn là người đứng đầu Ðảng và Nhà nước, và vẫn chủ trì các hội nghị Bộ chính trị. Ðảng có Ban bí thư trung ương song Ban bí thư và Tổng bí thư chỉ giữ trách nhiệm về các công việc sự vụ của Ðảng mà thôi, chứ không trực tiếp quản lý việc của Nhà nước Xôviết. Tình hình là như vậy cho đến khi Lênin qua đời (1924). Về sau, sự diễn biến của quan hệ giữa Ðảng và Nhà nước Xôviết không còn giữ được như khi Lênin chưa qua đời, do đó Liên Xô từng bước lâm vào nhiều khó khăn ngày càng nghiêm trọng thêm, đó là một nguyên nhân trong những nguyên nhân làm giảm tín nhiệm của nhân dân Liên Xô đối với Ðảng Liên Xô, cuối cùng góp phần dẫn đến sự tan rã của Ðảng Liên Xô và Nhà nước Liên Xô.

3. Một số sự kiện khác như : Hội nghị đại biểu toàn quốc Ðảng Liên Xô năm 1928 xoá bỏ NEP (Chính sách kinh tế mới, chú thích của toà soạn). Ðặc biệt là Ðại hội Ðảng Liên Xô năm 1934 sau đó trong 139 uỷ viên Trung ương chính thức và dự khuyết thì 98 người bị bắt giam và bị bắn ; trong những năm 1937-1938, 1108 trong số 1966 đại biểu chính thức và dự khuyết của Ðại hộ?i bị đàn áp. Mà 60% các đại biểu này là công nhân đã gia nhập Ðảng từ trước Cách mạng tháng Mười và trong những năm nội chiến (xem L'Histoire du PCUS à la lumière de la mentalité nouvelle đăng trong Sciences sociales, tạp chí của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô số 4, năm 1989, tr. 24-49).

4. Trước khi sang phần III, cho phép tôi được nêu với đồng chí Nguyễn Ðức Bình một số câu hỏi có liên quan đến Chương I (tr 10-33) trong cuốn sách của đồng chí. Ở đây đồng chí Nguyễn Ðức Bình đã phân tích về nguyên nhân (nguyên nhân sâu xa, nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân trực tiếp) sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Ðông Âu (tr. 15-16).

a) Vì sao lại coi đường lối xét lại, phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất của Ðảng cộng sản Liên Xô là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp thứ nhất dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các nước Ðông Âu ?

Nói như vậy phải chăng muốn ám chỉ rằng các đảng cộng sản và Nhà nước Ðông Âu chẳng qua chỉ là cái đuôi của Ðảng cộng sản Liên Xô và Nhà nước Liên Xô ? Ðây là sự sơ xuất trong cách viết hay là một nhận định về chính trị của đồng chí Nguyễn Ðức Bình ?

b)Tại sao cơ quan lãnh đạo Ðảng cộng sản Việt Nam lại tự cho mình quyền công khai nhận định phán xét cơ quan lãnh đạo Ðảng cộng sản Liên Xô (dù hiện nay ÐCSLXđã bị tan rã) với những lời lẽ quy tội là đường lối xét lại, phản bội vân vân...

Phải chăng đã đến lúc Ðảng cộng sản Việt Nam phải công khai đưa ra những lời dạy bảo cho những người cộng sản, cho nhân dân của Liên Xô và các nước Ðông Âu hiểu rõ sự kiện chính trị? nước họ ?

Ðiều đó có trái với thái độ khiêm tốn và đường lối của Ðảng ta là không can thiệ?p vào sinh hoạt của các đảng bạn, vào đời sống chính trị của các nước khác không ?

c) Cách nêu nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp thứ hai phải chăng đã nêu lên chiến công to lớn của chiến lược diễn biến hoà bình của đế quốc một cách phổ biến đối với Liên Xô và các nước Ðông Âu ? Ở đây tôi không bàn tới sự vắng bóng những dẫn chứng, tài liệu hoàn toàn cần thiết cho mọi sự nghiên cứu, nhận định thực sự nghiêm túc, mà chỉ nói khía cạnh chính trị của nhận định trên đây.

Từ cách nêu nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp thứ hai có thể dẫn người đọc đến nhận định : sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và sự dựng lên những chế độ chính trị sau sụ?p đổ ở Liên Xô và các nước Ðông Âu đều là sản phẩm của chiến lược diễn biến hoà bình của bọn đế quốc.

Cách nhận định như vậy không chỉ là sự đề cao uy thế của bọn đế quốc mà quan trọng hơn chính là sự nhục mạ các chế độ chính trị được hình thành sau sự sụp đổ, nhục mạ nhân dân các nước đó, nhục mạ các chính phủ đã được hình thành sau sự sụp đổ đó.

Tóm lại, với danh vị là một uỷ viên Bộ chính trị của Ban chấp hành Trung ương Ðảng cộng sản Việt Nam, tác giả cuốn sách được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia in ấn và phát hành, phải chăng đồng chí Nguyễn Ðức Bình đã không nghĩ ra rằng đây chính là sự vi phạm nghiêm trọng đường lối chính sách cả về đối nội lẫn đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta hay sao ?


III.

Về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong luận văn của mình, đồng chí Nguyễn Ðức Bình nhắc đến lần thứ nhất Ðại hội VII chính thức thừa nhận tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho Ðảng ta. Nhưng không thấy đồng chí Bình giải thích, chứng minh, đánh giá, phân tích vì sao. Vậy thì đồng chí Bình nghĩ sao về lịch sử Ðảng từ trước Ðại hội VII mà chỉ thấy ca ngợi “ Ðảng ta là hoàn toàn đúng đắn ”. Sự thừa nhận tư tưởng Hồ Chí Minh một cách chính thức là việc rất đáng mừng, tự nó là một sự tự phê bình rất dũng cảm về hoạt động của Ðảng từ sau 3-2-1930 đến nay. Tôi không nên viết dài hơn nữa.

Nhân đọc luận văn của đồng chí Bình, tôi nghĩ rằng : giá đầu đề tập luận văn được đặt là “ khiêm tốn học tập khoa học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nhiệm vụ? quan trọng và bức thiết hiện nay ” rồi phân tích chủ đề trên một cách có căn cứ khoa học với thái độ là một người học trò nhỏ thì quý hoá biết bao !

Thưa các đồng chí,

Chúng tôi rất phấn khởi về những thành tựu của Ðảng ta từ Ðại hội VII đến nay, đặc biệt về kinh tế, phần nào về xã hội chính trị, văn hoá. Nói chung là về cả ngoại giao và đố?i nội. Tuy nhiên chúng tôi không yên tâm lắm về công tác tư tưởng. Gần đây một số vụ việc nhưu việc đối xử với trí thức, việc đồng chí Hoàng Chí Bảo, việc đồng chí Sơn Tùng(*) được bàn tán nhiều và làm cho nhớ lại một nhận định quan trọng của Ðại hội VI : nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra bê bối xã hội nước ta trước 1986 bắt nguồn từ công tác tư tưởng. Cũng chính vì vậy mà chúng tôi cảm thấy mừng khi được biết đồng chí Phạm Văn Ðồng đã khẳng định những sai lầm duy ý chí và tả khuynh của lãnh đạo Ðảng trước 1986. Còn nhớ trong một cuộc họp Quốc hội, đồng chí Ðỗ Mười đã công bố chủ trương đúng đắn về quan hệ giữa Ðảng ta và Nhà nước đem lại thêm rõ rệt tín nhiệm trong toàn dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng ta. Ðáng mừng hơn nữa là chúng tôi được biết một số đồng chí trong Bộ chính trị từ đồng chí Ðỗ Mười đến một số đồng chí khác cũng như đồng chí cố vấn Phạm Văn Ðồng vẫn rất chịu khó học tập thêm để làm gương cho toàn Ðảng và làm tốt trách nhiệm cao cả của mình.

Cuối cùng nhân có ý kiến về công tác tư tưởng của Ðảng ta, cho phép tôi nhớ đến ý một câu của F.Ănghen trong “ vấn đề nhà ở ” phê phán Proudhon : chớ cục tác to mà nên lo sao cho đẻ ra những quả trứng nhiều chất dinh dưỡng...

Xin cảm ơn các đồng chí.

Học trò nhỏ của các đồng chí đang ở tuổi ngoài 80

LÊ GIẢN

cán bộ hưu trí

ở số 08 Nguyễn Thượng Hiền

Hà Nội


(*) Hoàng Chí Bảo đã bị cách chức viện trưởng Viện chủ nghĩa xã hội khoa học (thuộc học viện Mác Lê và tư tưởng Hồ Chí Minh) năm 1993 (xem Diễn Đàn số 25 tháng 12.93). Sơn Tùng, nhà nghiên cứu về cuộc đời Hồ Chí Minh, bị công an nhũng nhiễu vì đã phổ biến những tài liệu lịch sử không phù hợp với hình ảnh chính thống về chủ tịch Hồ Chí Minh (chú thích của toà soạn)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss