Tin học ở Việt Nam
Tin
học ở Việt Nam
:
Con hổ châu Á buổi gian truân
S.E. Goodman và L.I. Press
Bài báo trên với tựa đề tiếng Anh “Computing in Vietnam: An Asian Tiger in the Rough” đăng trên những trang đầu số tháng Giêng 1995 của Communications fo the ACM, tạp chí của Hội Máy Tính đầu tiên ở Mỹ (Association for Computing Machinery) với đông đảo độc giả khắp thế giới, đã được thông báo rộng rãi và được nhiều người đón đọc trước khi phát hành . Goodman và Press là hai giáo sư Mỹ về hệ thông tin quản lý và tin học tại các đại học Arizona và California .
Nguyễn Đình Ngọc và Đặng Hữu có trong số những người phụ trách công nghệ tham gia Tuần lễ Tin học lần thứ tư tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh tháng Tám 1994, một sự kiện thu hút đông đảo giới trẻ và các nhà kinh doanh ở đây.
Thiếu tướng Giáo sư Tiến sĩ Ngọc chịu trách nhiệm về tin học và truyền thông tại Bộ Nội vụ, cơ quan thực hiện tổng hợp các chức năng của phòng Nhì của Pháp, KGB và cảnh sát biên phòng của Nga, FBI của Mỹ. Ông đã phục vụ cho nhà nước Việt Nam suốt cuộc chiến tranh 30 năm, bắt đầu từ 1946, khi còn là một cậu bé liên lạc 13 tuổi của Việt Minh, một phong trào dân tộc do Hồ Chí Minh thành lập để chống Nhật trong Chiến tranh Thế giới thứ II và rồi kháng chiến chống Pháp. Sau đó Ngọc hoạt động hơn mười năm như một sĩ quan tình báo ở Pháp nơi ông đạt ba bằng kỹ sư và hai bằng tiến sĩ. Tiếp theo là mười năm làm điệp viên của Hà Nội tại Sài Gòn với cương vị một giáo sư đại học, và là “cố vấn truyền thông” bí mật của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam (Việt cộng). Sau chiến thắng của cộng sản năm 1975, Ngọc vẫn hoạt động như một sĩ quan an ninh. Chiếc máy tính cổ IBM 360/40 từ 1967 của các đối thủ của ông ở miền Nam xưa kia nay vẫn còn nằm dưới quyền ông quản lý. Ngày nay, Ngọc quan tâm đến các đường dây ma tuý quốc tế và các băng “mafia” của Nga ở Việt Nam nhiều hơn đến chủ nghĩa đế quốc phương tây. Ông tham gia vào mạng lưới chống tội phạm quốc tế dưới sự chỉ đạo của Interpol, và một nhóm do ông phụ trách được khen ngợi trong sự hợp tác với DEA và FBI của Mỹ. Ngọc là một người chủ trương việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin (CNTT), và là một uỷ viên tích cực của Ban chấp hành Hội Tin học Việt Nam.
Đặng Hữu nguyên là kỹ sư cầu đường. Cũng như Ngọc, ông thuộc về những thế hệ đã đấu tranh cho một nước Việt Nam thống nhất và độc lập. Trong cuộc “chiến tranh chống Mỹ” ông đã làm việc trên chiếc máy tính lớn đầu tiên của miền Bắc Việt Nam – máy Minsk 22 chế tạo tại Liên Xô – để phân tích cấu trúc những chiếc cầu trên đường mòn Hồ Chí Minh. Hữu có một năm tham gia xây dựng những chiếc cầu này. Theo bước chân thắng lợi của miền Bắc năm 1975, ông vào “giải phóng” các trường đại học miền Nam. Ngày nay, Hữu đứng đầu Bộ Khoa học, công nghệ và Môi trường (KHCNMT), với toàn bộ trách nhiệm cao nhất trong lĩnh vực này của đất nước. Ông còn là chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Khoa học và Công nghệ, chủ tịch Ban điều hành Chương trình Quốc gia về CNTT.
Điều khác thường ở Việt Nam là những con người của các thế hệ chiến đấu lập và giữ chính quyền nay vẫn còn đảm dương các trọng trách. Những thế hệ này trong một quãng dài của thế kỷ, nhất là tại các nước cộng sản như Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên, được đặc trưng bởi khả năng chiến đấu và ưu thế với kẻ thù bên trong bên ngoài – và bởi những nỗ lực tiếp theo để thần thánh hoá cuộc đấu tranh này và tiếp tục nắm giữ quyền lực tập trung – rõ hơn khả năng xây dựng những nền kinh tế hiện đại và phồn thịnh.
Nhiều chuyện khác ở Việt Nam ngày nay chừng mực nào đó cũng giống như vậy. Chẳng hạn đã gần 20 năm sau chiến thắng và thống nhất, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được đường cao tốc, đường tàu hoả, đường truyền thông với chất lượng cao nối liền thành phố Hồ Chí Minh với Hà Nội, cũng như với nhiều phần còn lại của một đất nước vừa dài vừa hẹp.
Tuy nhiên vẫn có lý do để lạc quan. Người Việt Nam đã chứng minh khả năng bền bỉ của họ trong việc xây dựng một hạ tầng cơ sở sáng tạo và thích hợp. Chẳng hạn như trong các cuộc chiến tranh 1946-1975, những người cộng sản đã xây dựng và bảo dưỡng những hệ thống vận tải và liên lạc trong những điều kiện cực kỳ khó khăn, đặc biệt như xung quanh Điện Biên Phủ, trong địa đạo Củ Chi, dọc đường mòn Trường Sơn.
Họ cũng thực tế hơn hầu hết các nước cộng sản khác trong việc quản lý kinh tế. Ở các thành phố và làng mạc, có rất nhiều xí nghiệp nhỏ của tư nhân, chủ yếu dựa vào gia đình. Các nỗ lực hợp tác hoá nông nghiệp đã được từ bỏ khi việc này tỏ ra không hiệu quả. Việt Nam ngày nay còn là một nước xuất khẩu gạo.
Những người đang lãnh đạo Việt Nam vẫn còn cơ hội là một ngoại lệ trong số các thế hệ chiến đấu lập và giữ chính quyền. Hữu và Ngọc và những người khác nữa đều nhận rõ sự cần thiết của cải cách, của cấu trúc lại và của sự thâm nhập công nghệ. Ở Việt Nam cũng có sự đánh giá ngày càng rõ hơn rằng thế giới bên ngoài ngày nay đang rất khác về chính trị và kinh tế so với thế giới của mười năm về trước, rằng CNTT đã có một vai trò nổi bật trong việc thúc đẩy những thay đổi này, và rằng Việt Nam chừng mực nào đấy cũng phải đi theo một con đường gần hơn với các sự thật này.
Công nghệ Thông tin ở Việt Nam ngày nay
Như nhiều nước đang phát triển khác, Việt Nam gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng: một dân số đông và tăng nhanh gây hậu quả thiếu đất đai cho một nước nông nghiệp nơi phần lớn dân chúng sống bằng nghề nông (48 triệu năm 1977, chừng 75 triệu năm 1995); một nền kinh tế dựa trên đồng tiền không chuyển đổi được, một hạ tầng cơ sở yếu về điện lực, giao thông, tài chính, y tế và truyền thông (thí dụ như giữa năm 1994 có 3,7 điện thoại trên 100 người tại Hà Nội, 5 trên 100 người tại thành phố Hồ Chí Minh, và dưới 1 máy trên 100 người tính trên toàn quốc); các luật lệ và quy định kinh doanh thiếu rõ ràng và ít khích lệ, cũng như còn được áp dụng không nhất quán và tuỳ tiện.
Từ cuối thập kỷ 80, chính phủ Việt Nam đã giảm các hạn chế với khu vực tư nhân và với sự tham gia của nước ngoài vào nền kinh tế. Việt Nam có nhiều lương thực và hàng tiêu dùng hơn nhiều nước xã hội chủ nghĩa trước đây hoặc ngày nay, cũng như so với các nước đang phát triển khác. Tuy nhiên các nỗ lực nhằm tạo ra một nền công nghiệp chế tạo chỉ mang lại ít kết quả, và hầu như không có công nghệ phức tạp nào ở Việt Nam. Hầu hết đồ tiêu dùng điện tử và thiết bị máy tính phải nhập khẩu. Một vài viên chức của Bộ Ngoại thương ước tính có chừng 40.000 máy tính cá nhân trên toàn quốc và những thuế nhập khẩu thấp, không quá 5% đối với máy vi tính và phụ kiện, đang được áp dụng.
Một nền công nghiệp địa phương nhỏ bé và chỉ một phần rất nhỏ các xí nghiệp tư nhân là đang ở mức độ nào đấy sử dụng hiệu quả CNTT. Những hạn chế này được thấy rõ tại Tuần lễ Tin học lần thứ tư, nơi một phần lớn của công nghiệp địa phương và hầu hết các công ty nước ngoài quan tâm, có thể tất cả cùng triển lãm trong 50 gian hàng nhỏ. (Với việc bỏ cấm vận của Mỹ, lần đầu tiên đã có sự tham gia của các công ty Mỹ: Cabletron, Compaq, Dell, Digital Equipment, HP, IBM, IDG). Nhiều nơi đang sử dụng máy tính – các hãng hàng không quốc tế, khách sạn, công nghiệp dầu hoả mới phôi thai – đều có một thành phần ngoại quốc đáng kể. Ngọc ước lượng chừng 50% ứng dụng tin học thuộc về nhà nước, trong khi một số khác cho rằng chừng 80%. Bộ Nội vụ được coi là nơi sử dụng hiệu quả và được ưu tiên cao. Theo những gì chúng tôi có thể thấy được, thì phần lớn các cơ quan nhà nước đều chưa ứng dụng tin học một cách phổ biến. Kể cả quân đội cũng chưa được trang bị những kỹ thuật cao cấp. Khác với một vài nước đang phát triển, Việt Nam không có các hải cảng, kênh đào, công nghiệp dầu hoả và du lịch ở tầm cỡ quốc tế để ít nhất cũng có những lĩnh vực đòi hỏi lớn về CNTT.
Có thể nêu ra Genpacific, một trong những công ty tin học địa phương lớn nhất, để minh hoạ cho những hạn chế này. Thành lập năm 1988 do kết quả liên doanh giữa Bộ Công nghiệp nặng của chính phủ và một phần hùn vốn ẩn tên từ Pháp, Genpacific chủ yếu là một xí nghiệp lắp ráp máy tính từ các bán thành phẩm, ráp mỗi năm chừng 5000 máy tính cá nhân PC-286, phần lớn được đưa sang Nga như một phần của thoả thuận chuyển đổi song phương giữa hai chính phủ (mặc dầu có nguồn tin khác cho rằng có những vấn đề nghiêm trọng về sản phẩm, và rất nhiều máy gửi đi dược chế tạo tại Singapore). Cả Liên Xô lẫn thoả thuận này đều biến mất năm 1991, và Genpacific đã phải chạy tìm một người góp vốn mới từ Pháp, hãng máy tính Bull khổng lồ. Hướng công việc chủ yếu và mới của công ty là phát triển phần mềm và thích hợp hệ thống sử dụng máy của Bull. Bùi Quang Độ, giám dốc công ty, tuyên bố chiếm được chừng 25% thị trường máy tính Việt Nam năm 1993, một thị trường 20 triệu đôla Mỹ. Đây chưa phải là một thị trường lớn đối với một đất nước 75 triệu dân, và chúng tôi cho rằng phần lớn yêu cầu đến từ phía chính phủ Việt Nam. Một thị trường nội địa tăng nhanh đã thúc đẩy công ty đến quyết định lập lại một xí nghiệp lắp ráp mới được bổ sung và nhằm vào các máy tính cá nhân PC-386, PC-486.
Giáo dục về CNTT còn ở mức thấp. Chưa đại học nào có chương trình cao học chính thức về tin học, hệ thông tin quản lý, hoặc công nghệ máy tính. Các chương trình hạn chế ở bậc đại học có rất đông sinh viên, họ viết các chương trình sơ cấp trên các máy tính cá nhân PC-286. Tuy nhiên rõ ràng là Việt Nam có những tài năng trẻ thực sự do giành được nhiều giải trong các kỳ thi Olympiad quốc tế về Toán học và Tin học. Việt Nam hiện nay thiếu rất nhiều giáo viên chất lượng cao. Giám đốc Trung tâm Tin học của Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Thị Bích Thuỷ, là một trường hợp hi hữu: một trong số ít người có học vị tiến sĩ (PhD) về Tin học hoặc Hệ thông tin quản lý (chị tốt nghiệp tại Thuỵ Sĩ); một trong số ít người Việt từ nước ngoài trở về làm việc lâu dài tại Việt Nam và không làm cho công ty nước ngoài; và một trong số ít phụ nữ làm chuyên môn trong một lĩnh vực vốn là sở trường của nam giới. Để chất lượng đào tạo CNTT ở đại học có thể tăng lên đáng kể, những người như Thuỷ cần có nhiều hơn nữa. Tình hình còn yếu hơn ở đại học, và hầu như mọi hoạt động giáo dục về CNTT hiện nay chỉ tập trung tại ba thành phố lớn nhất: Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng.
Còn có một số điểm sáng khác. Sức ép của thị trường dẫn đến sự ra đời của một số trường học và đại học tư. Những trường này đã giúp các công ty có được những nhân viên có kỹ năng và tạo cơ hội được đào tạo kỹ thuật cho nhiều sinh viên, bổ sung thêm vào con số các trường nhà nước có thể gánh vác. Lotus (tên gọi này không có liên quan gì đến công ty phần mềm Mỹ Lotus) là một trường tư, nhỏ, đào tạo chương trình hai năm cho 350 sinh viên học cả ngày và 500 sinh viên học nửa ngày về “tin học” (chủ yếu là nam giới) và “quản trị văn phòng” (chủ yếu là nữ giới). Lotus được tài trợ một phần do một cơ sở của người Việt và các công ty nước ngoài. Một đại học khác với tên Văn Lang, tập trung vào đào tạo kỹ thuật cao cấp và thương mại, cũng đang được thành lập với một phần tài trợ của các cơ sở công nghiệp.
Sau hết, cộng đồng người làm CNTT ở Việt Nam phải chịu sự cô lập lâu dài do những hoàn cảnh của đất nước (như xung đột với các nước láng giềng, chỉ dùng một ngôn ngữ dân tộc đặc biệt, những quan tâm chính trị khác nhau), một nền kinh tế dựa trên đồng tiền không có khả năng chuyển đổi và lệnh cấm vận của Mỹ. Cộng đồng CNTT người Việt có những liên hệ ít ỏi, yếu, và gián đoạn với thế giới bên ngoài. Những liên hệ này bao gồm cả việc mua trực tiếp máy tính từ các nước châu Á khác, sao chép không đúng luật bản quyền các phần mềm của Mỹ, những liên hệ giáo dục (chủ yếu dưới dạng đi học nước ngoài) với Pháp, với các nước Đông Âu và Liên Xô cũ (nay đã giảm đi rất nhiều), và rất nhiều kiểu liên lạc với người Việt hải ngoại (những người mang đồng tiền mạnh về Việt Nam từ gia đình và bè bạn, phần lớn đang sống tại Mỹ, Pháp, Canada và Úc). Các mạng liên lạc quốc tế còn rất ít, đáng kể nhất là đường nối UUCP được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Úc, và một đường do Việt Nam tự chi trả qua Học Viện Công Nghệ châu Á tại Bangkok, Thái Lan.
Lập kế hoạch cho Chính sách Quốc gia về CNTT
Theo định nghĩa, về thực chất một nhà nước xã hội chủ nghĩa phủ nhận khả năng khu vực tư nhân có thể phục vụ được cho toàn bộ nhu cầu quốc gia, và do vậy cần rất nhiều “chỉ đạo” của chính phủ. Việt Nam đông dân và nghèo, và không có công ty địa phương hay nước ngoài nào có động lực hoặc tiền bạc để đảm đương toàn bộ nhu cầu về CNTT của đất nước. Nếu phó mặc tất cả cho các công ty tư nhân thì có thể quả quyết rằng CNTT, vốn có một vai trò then chốt cho sự phát triển xứ sở, sẽ chỉ phục vụ được cho một phần rất nhỏ và giàu có của dân số như tình trạng hiện nay. Chỉ đạo của chính phủ đang được triển khai với tên gọi Chương trình Công nghệ Thông tin năm 2000 (“CNTT 2000”), với trách nhiệm chủ trì của Bộ KHCNMT theo chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tháng Tám 1993.
Bộ trưởng Đặng Hữu phụ trách Ban điều hành Chương trình Quốc gia về CNTT, với sự hỗ trợ lãnh đạo quan trọng và hoạt động tích cực của phó Ban điều hành Phan Đình Diệu, một giáo sư toán học đào tạo tại Moskva. Trước đó, Diệu đã chỉ đạo các nỗ lực lập kế hoạch cho Chương trình Quốc gia về CNTT vào các năm 1976 và 1984, vẫn thường được xem như các kế hoạch đẻ non. Các thành viên khác của Ban điều hành Chương trình Quốc gia về CNTT là các quan chức quan trọng trong bộ máy chính phủ – các Bộ khác, ngành Bưu chính Viễn thông, và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước – mà sự tham gia của họ luôn là cần thiết để thiết lập, tài trợ, và thực thi bất kỳ kế hoạch nào. Mặc dù không hình thành chính thức một cơ cấu thu nhận các ý kiến chuyên gia và thông tin từ bên ngoài chính phủ (khu vực tư nhân, chuyên gia nước ngoài, người Việt hải ngoại), chúng tôi được biết rằng điều này luôn được thực hiện. Tin tức cơ bản có thể có được tại hội Tin học Việt Nam (HTHVN), một tổ chức độc lập của những người làm tin học. Không nao núng với hai lần chưa thành công trước đó, Diệu, người chấp bút không mỏi mệt, đã có được một bản dự thảo của chương trình vào tháng Tám 1994.
Bản dự thảo điểm lại hầu hết chính sách CNTT ở các nước đang phát triển chỉ trừ ra việc tạo một công nghiệp phần cứng phức tạp. Chương trình được đề nghị ở ba mức, được trình bày chi tiết dần từng bước. Những nét chính là như sau:
I. Xây dựng hạ tầng cơ sở cho CNTT
1. Giáo dục và huấn luyện
2. Nghiên cứu và phát triển
3. Phát triển một công nghiệp về CNTT
4. Xây dựng một mạng truyền dữ liệu
5. Xây dựng các chuẩn của CN.
II. Áp dụng CNTT trong quản lý nhà nước và hoạt động kinh tế - xã hội
1. Quản lý nhà nước
2. Quốc phòng và an ninh quốc gia
3. Hỗ trợ các hoạt động của kinh tế thị trường
4. Áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất công - nông nghiệp
5. Áp dụng vào các lĩnh vực khác của kinh tế và ở các địa phương
III. Các chính sách khuyến khích phát triển và ứng dụng
1. Xây dựng hạ tầng cơ sở
2. Huấn luyện
3. Phát triển các mạng lưới liên lạc
4. Chuyển giao công nghệ và hợp tác quốc tế
5. Tạo dựng vốn
6. Bảo vệ sở hữu trí tuệ
Bản dự thảo được chi tiết với nhiều mục tiêu cụ thể. Thí dụ như trong mục I.1 (Giáo dục và huấn luyện) có ước lượng nhu cầu cần khoảng 20.000 nhân viên chuyên nghiệp vào cuối thập kỷ này, trong đó một nửa là lập trình viên và một phần tư là người phân tích hệ thống. Phần về giáo dục cũng nói đến việc nâng cao chương trình huấn luyện ở phổ thông trung học và các đại học tiên tiến, sự cần thiết phải đào tạo nhiều giáo viên hơn...
Bản dự thảo thực chất đề cập việc thiết lập một nền CNTT toàn diện trong vòng sáu năm tới – một kế hoạch mang nhiều hoài bão cho một đất nước nông nghiệp, rộng, nghèo, và mới bắt đầu xây dựng một hạ tầng cơ sở cho nền CNTT nhỏ bé và còn kém phát triển. Đây chưa phải một kế hoạch thực hiện có định rõ các cách thức đạt mục tiêu cũng như nhận ra các hạn chế lớn về nhiều phương diện: thời gian, kinh nghiệm, hạ tầng cơ sở đang có, và tiền. Đúng như Hữu, Diệu, và những người khác nhận xét, bước tiếp theo sẽ khó khăn hơn nhiều.
Tiến lên phía trước
Một kế hoạch quốc gia về CNTT phải nhằm vào phục vụ cho các mục tiêu quốc gia rộng lớn, còn chính bản thân kế hoạch không phải là mục đích. Cho đến nay, bản dự thảo chương trình quốc gia về CNTT dường như chưa có một vai trò rõ ràng trong cuộc đổi mới kinh tế và xã hội. Thiếu bối cảnh rộng hơn này, phải chăng cần xem lại lý lẽ cho một kế hoạch xã hội chủ nghĩa và tập trung như vậy.
Theo quan điểm chúng tôi, cần xác định các ưu tiên hợp lý, cần nhanh chóng tạo ra những gì đó thấy rõ được, để nhiều người hơn có thể từng bước sử dụng các kết quả này, và cần giữ vững một chương trình của những công việc khả thi, phù hợp với một kế hoạch dài hạn. Năm 2000 không còn xa, và chính phủ cần tạo ra lòng tin đối với sự tiến bộ có thể thấy rõ này.
Kế hoạch CNTT thảo luận về các ứng dụng – đặc biệt tại các cơ quan chính phủ – cũng như về xây dựng hạ tầng cơ sở. Hiển nhiên rằng chính phủ đã là người khách hàng chủ yếu của CNTT, và mỗi Bộ đều có nhân viên với những ý tưởng về các ứng dụng cần thiết. Chúng tôi nghĩ rằng việc tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở của CNTT trên phạm vi toàn quốc sao cho đông đảo người dùng dễ dàng khai thác, chúng sẽ có hiệu quả hơn việc tập trung ứng dụng vào một bộ máy còn nặng quan liêu, và nên để cho các Bộ, các trường học, các doanh nghiệp, những người sử dụng khác tự quyết định làm sao khai thác hạ tầng cơ sở một cách tốt nhất.
Tất nhiên cần hiểu hạ tầng cơ sở theo nghĩa rộng, bao gồm người sử dụng máy tính, kỹ thuật viên, các mạng máy tính và chương trình, hệ thống điện thoại và các đường truyền thông khác, và sự phổ cập rộng rãi các máy tính cá nhân PC trên toàn quốc. Ngành Bưu chính Viễn thông cần có kế hoạch tăng khả năng phục vụ và đặt giá thuận lợi cho việc đạt các mục tiêu quốc gia hơn là tìm cách đạt tối đa lợi nhuận của mình. Chẳng hạn như với một hệ thống viễn thông và đội ngũ nhân viên yếu, Việt Nam không thể trông mong ngay lập tức đến một mạng lưới TCP/IP số tốc độ cao. Trong tình trạng hiện nay rất khó thiết lập một đường truyền tốc độ 2400 bps ổn định, ngay cả trên hệ thống tại thành phố Hồ Chí Minh. Ít nhất lúc này, trước khi một hệ thống điện thoại mở rộng, tin cậy và hiện đại hơn được thiết lập, thích hợp hơn là bắt đầu với một mạng UUCP nối 53 thị xã, sử dụng các modem và chương trình chất lượng cao để có thể khắc phục các biến động trong chất lượng đường truyền. Cũng cần sớm có thư điện tử (e-mail), tin Usenet, và truyền các tập tin bằng hệ thống điện thoại hiện nay. Mỗi nơi cần có một máy tính cá nhân PC, modem, và một người được huấn luyện kỹ. Chính người này sẽ cài đặt và vận hành hệ thống, huấn luyện người sử dụng, và giúp họ tìm các cách khai thác hệ thống máy tính. Một mạng máy như vậy cần được triển khai nhanh chóng, sẽ có ích ngay lập tức, và sẽ là hạt nhân của một hạ tầng cơ sở cân đối. Nhất thiết không nên dùng các công nghệ đã lỗi thời, mà nên dùng các máy PC hiện đại và các chương trình cho người dùng cuối có đồ hoạ vốn quen thuộc với người sử dụng Việt Nam. Hệ thống này cần phải là thành phần của một mạng máy tính của các trung tâm thông tin lớn hơn nối khắp đất nước để phục vụ cho một số lớn hơn người sử dụng CNTT, giống như cách thức hiện đang được chú ý ở Nam Phi.
Giáo đục CNTT cũng cần được cân bằng với những phần còn lại của hạ tầng cơ sở. Theo truyền thống, các giáo sư Việt Nam hầu hết được đào tạo tại các đại học châu Âu và thường trong các lĩnh vực hẹp (Ngọc và Diệu được đào tạo là các nhà toán học lý thuyết). Chính những nguồn tài sản này cần được sử dụng tốt hơn để đạt được giáo dục cao học thực hành cho một số người đông hơn, và chính những người này lại sẽ có khả năng tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở và các ứng dụng cấp bách, cũng như huấn luyện lại người khác.
Một thiếu hụt quan trọng là không có đầu tư đầy đủ vào việc phát triển phần mềm cho các nhu cầu địa phương, và do vậy kéo theo những hiệu ứng phụ như việc quá nhấn mạnh về những điều đã rõ (phần cứng) của CNTT, sở hữu trí tuệ chỉ nhận được giá trị rất ít, thiếu những thông tin kỹ thuật được cập nhật thường xuyên. Vì chữ Việt dựa trên chữ Latin với những dấu bổ sung, việc “Việt Nam hoá” tin học cho một số đông người dùng ít gặp khó khăn hơn so với công việc này cho các tiếng châu Á khác. Về mặt này, các giải pháp cần thoả đáng cho nhu cầu trong nước cũng như phù hợp với sự phát triển công nghệ trên thế giới. Các công ty Pháp, Mỹ và chính phủ Việt Nam có cơ hội đóng những vai trò quan trọng trong việc này (như phát triển và phổ biến một hệ chương trình xử lý văn bản tiếng Việt trên Windows). Những nhu cầu này quan trọng hơn rất nhiều so với việc tìm cách phát triển một công nghiệp phần mềm hướng đến xuất khẩu, một việc hết sức cạnh tranh trong đó Việt Nam gặp những bất lợi lớn.
Việt Nam đang bắt đầu phát triển một hạ tầng cơ sở của CNTT hiện đại. Lúc này vẫn còn ít những đòi hỏi lôi kéo cho CNTT trên một cơ sở rộng rãi toàn quốc, và những tài trợ để thúc đẩy CNTT tiến lên một cách tích cực vẫn còn rất hạn chế. Trước mắt là một chặng đường dài phải đi, nhưng có những lý do để lạc quan. Việt Nam có những lợi thế so với nhiều nước đang phát triển khác. Mạng lưới xã hội gia đình được mở rộng và cơ sở cho phần lớn nhu cầu của cuộc sống hàng ngày đã được thiết lập tốt và ổn định; chính phủ đang giữ được điều khiển (giảm áp chế hơn so với quá khứ) và được nhìn nhận rộng rãi là hợp lý. Mặc dầu vậy, cũng như ở phần lớn các nước đang phát triển ta vẫn thường gặp câu hỏi liệu các Bộ và chính quyền địa phương có thực hiện được các chính sách kinh tế của trung ương hay không? Như vậy, Việt Nam có một tình trạng xã hội và trật tự dân sự tương đối tốt, kinh tế cơ bản ít nhiều tự lo đủ, và nhiều người phân tích quốc tế dự đoán rằng Việt Nam sẽ là một trong số những con “Hổ châu Á” của thời gian tiếp theo. Dường như cũng có nhiều quan tâm đầu tư từ nước ngoài vào đây.
Tuy nhiên ưu thế quan trọng nhất có thể có là một sự lãnh đạo và những con người có một lịch sử đã được chứng minh về sự cần cù trong lao động, linh hoạt, bền bỉ, và quý trọng giáo dục. Dưới dạng một chính sách quan trọng của chính phủ và một nhu cầu về “xây dựng lại đất nước” đã được nhận thức rõ, những người như Hữu, Ngọc, Diệu nhất thiết sẽ đóng những vai trò quyết định. Sẽ có sự quan tâm khắp thế giới xem họ làm những công việc này thế nào.
Lời cám ơn
Bài báo này chủ yếu dựa trên các chuyến thăm Việt Nam của chúng tôi vào tháng 7 và tháng 8 năm 1994. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của Đỗ Văn Lộc, Chu Hảo, Diane Goodman, Lê Bá Quang, Nguyễn Hữu Anh, Nguyễn Minh Hùng, Phạm Thị Dương Nguyệt, Edward Roche, George Sadowsky, Trần Hà Nam, Trần Lưu Chương, Vũ Duy Mẫn, và đặc biệt của James Đỗ.
Copyright © 1995 by the Association for Computing Machinery, Inc. Copying without fee is permitted provided that the copies are not made of distributed for direct commercial advantage and credit to the source is given.
(Bản quyền của bài này thuộc về công ty ACM. Diễn Đàn cám ơn ACM đã cho phép dịch và đăng lại.)
Người dịch: Tùng Nguyên ( Japan)
Các thao tác trên Tài liệu