Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 40 / Tin tức

Tin tức

- Diễn Đàn — published 05/01/2011 01:45, cập nhật lần cuối 14/05/2011 21:52

Tin tức


Dự thảo bộ luật dân sự

Sau một quá trình dài và gian truân (14 năm!) một bản dự thảo bộ luật dân sự (bản dự thảo lần thứ 12) đã được nhà nước công bố để lấy ý kiến trong xã hội trước khi trình quốc hội thông qua. Sự ra đời của một bộ luật nhằm chế định phần lớn các quan hệ dân sự là một bước tiến quan trọng cho những giao lưu trong xã hội dân sự Việt Nam đang phát triển cùng với nền kinh tế thị trường. Trước tiên, nó bù lấp nhiều khoảng trống của pháp luật hiện hành (sau năm 1975, bộ dân luật của chế độ cũ đã bị xếp vào tàng thư): đến nay, trong hoạt động xét xử, các toà án phải vận dụng các báo cáo tổng kết hàng năm của ngành và các báo cáo chuyên đề của Toà án tối cao để tìm cách bù đắp nhũng khoảng trống đó. Đồng thời, nó khắc phục tình trạng tản mạn, trùng lặp, mâu thuẫn, không đồng bộ của pháp luật dân sự hiện hành.

Dự thảo bộ luật dân sự đưa ra gồm 6 phần: 1) những qui định chung (107 điều), 2) quyền sở hữu (61 điều); 3) thừa kế (60 điều), quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và chuyển giao công nghiệp (69 điều); quan hệ dân sự có nhân tố nước ngoài (17 điều). Trong những điểm đổi mới và tiến bộ, người ta ghi nhận việc đưa vấn đề tác quyền (cả sản phẩm văn hoá lẫn phát minh khoa học) vào luật: trước nay, quyền sở hữu chỉ chú trọng vào các tài sản vật chất và quyền tác giả chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước, còn người sáng tác hay phát minh chỉ được hưởng thù lao theo mức nhất định. Ngoài ra, cũng là lần đầu tiên, vấn đề bảo vệ quyền của cá nhân, như đối với tên họ, hình ảnh, được qui định thành luật – mặc dầu vẫn còn những thiếu sót như là đối với vấn đề xúc phạm danh dự.

Bên cạnh đó, dự luật đưa ra một số điểm “đổi mới” không được sự đồng tình và đã bị phản đối, phản bác, đặc biệt trong giới luật gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc tranh luận hiện tập trung vào những điều khoản liên quan đến ba vấn đề.

1. Chủ thể hộ gia đình: Trong các chủ thể của quan hệ dân sự, ngoài cá nhân (thể nhân) và pháp nhân, dự luật đưa vào thêm “hộ gia đình”, định nghĩa như là những thành viên của một gia đình có hộ khẩu chung, tài sản chung và hoạt động kinh tế chung. Theo giải thích của trưởng ban dự luật, bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc, đây là “ một chủ thể đặc thù của Việt Nam trong giao lưu dân sự”. Phạm trù này không có trong pháp luật của phương Tây, nhưng có tiền lệ ở Trung Quốc, “một nước có định hướng xã hội chủ nghĩa gần gũi với Việt Nam”. Hiến pháp 1992 và nhất là Luật đất đai 1993 của Việt Nam đã xác định hộ gia đình là chủ thể sử dụng đất. Cũng theo ông Lộc, bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã có ý kiến nên đưa phạm trù đó vào luật dân sự “vì truyền thống gia đình phương Đông” và để “ chống lại những hậu quả xấu của kinh tế thị trường”.

Trái lại, giới luật gia cho rằng chế độ pháp lý về tài sản của hộ gia đình tạo những sự phức tạp trong việc phân định giữa tài sản chung và tài sản riêng của từng thành viên trong hộ, cũng như giữa những hành vi của chủ hộ với tính cách cá nhân và với tính cách đại diện cho hộ: không lẽ mỗi khi làm gì vợ, chồng, cha, con lại phải làm giấy cam kết với nhau? Chế độ này tạo cơ sở pháp lý cho sự nảy nở các tranh chấp giữa con cái và cha mẹ: chính nó mới trái với đạo lý Việt Nam và là nguy cơ đối với truyền thống gia đình phương Đông. Hộ gia đình thực ra chỉ là một trong những đối tượng được nhà nước giao quyền sử dụng đất nông nghiệp và chỉ liên quan đến mối quan hệ đó mà thôi, không thể là chủ thể trong quan hệ dân sự nói chung.

2. Quan hệ hôn nhân - gia đình: Dự thảo bộ luật dân sự, ngược lại, không đề cập đến các vấn đề hôn nhân và gia đình, vốn là những yếu tố chi phối các quan hệ nhân thân, tài sản. Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc giải thích việc tách luật hôn nhân-gia đình khỏi bộ luật dân sự là một quan niệm của hệ thống luật xã hội chủ nghĩa và nhằm “giữ một truyền thống giải phóng phụ nữ của Việt Nam ”. Song, ông cho biết quan niệm này có thể bàn trở lại.

3. Sở hữu thuộc tổ chức chính trị - xã hội: Trong năm hình thức sở hữu do dự luật qui định, lần đầu tiên xuất hiện phạm trù “sở hữu thuộc các tổ chức chính trị - xã hội” bao gồm Đảng cộng sản Việt Nam và các đoàn thể trong hệ thống chính trị (Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Liên đoàn lao động, Mặt trận Tổ quốc...). Từ trước tới nay, tài sản mà các tổ chức này sử dụng đều là sở hữu toàn dân, được nhà nước giao. Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc xác nhận hình thức sở hữu mới có nghĩa một sự “chuyển dịch” tài sản toàn dân sang các tổ chức nói trên, tức sang tay một bộ phận của dân cư. Song ông cho rằng đó chỉ ở “bước quá độ, khởi đầu”. Được hỏi vì sao các tổ chức xã hội như tôn giáo hay những tổ chức phi chính quyền (NGO) không có vị trí nào trong luật dân sự, bộ trưởng Lộc trả lời: “ vấn đề này còn phức tạp, chưa nên bàn đến”.

Sau khi lấy một đợt ý kiến đầu tiên, dự thảo bộ luật dân sự sẽ được thảo luận tại kỳ họp tháng 5 của quốc hội; sau đó, sẽ tiếp tục lấy ý kiến một đợt thứ hai trước khi trình quốc hội biểu quyết vào kỳ họp cuối năm 1995.

(Thời báo kinh tế Sài gòn 23.2; Tuổi Trẻ 25.2, 4
và 5.3; Phụ nữ TPHCM 22 và 25.2, 1.3.95)

Doanh nghiệp: các quĩ hỗ trợ đầu tư

Luật khuyến khích đầu tư trong nước, được quốc hội thông qua tháng 6.1994 và có hiệu lực từ đầu năm 1995, vẫn đợi nghị định thực hiện. Viện trưởng viện quản lý kinh tế trung ương, ông Lê Đăng Doanh, có trình bày với báo chí dự thảo nghị định của chính phủ mà nội dung chính là qui định ba hình thức hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước không phân biệt thành phần kinh tế.

1. Hình thức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước thông qua các chương trình đầu tư quốc gia, như chương trình xoá đói giảm nghèo hay quĩ quốc gia giải quyết việc làm đang hoạt động hiện nay.

2. Quĩ hỗ trợ đầu tư quốc gia, là một tổ chức tài chính công cộng thành lập bằng vốn góp của nhà nước (100 tỷ đồng) và của các tổ chức kinh tế như ngân hàng thương mại, quĩ bảo hiểm, doanh nghiệp lớn... Quĩ sẽ hỗ trợ vốn trung và dài hạn với lãi suất thấp cho các dự án thuộc các ngành và vùng được ưu tiên khuyến khích phát triển theo định hướng của nhà nước.

3. Các quĩ tương trợ đầu tư của những hiệp hội ngành nghề hay cộng đồng địa phương, là một hình thức tổ chức trong đó các thành viên tham gia cùng góp vốn thành một khoản vốn lớn để cấp cho thành viên nào cần vốn nhất.

Cũng theo dự thảo nghị định sắp ban hành, trình tự thủ tục thành lập doanh nghiệp sẽ được đơn giản hoá đáng kể và đặc biệt chỉ tập trung vào một đầu mối là uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố. Đồng thời, các doanh nghiệp được quyền đầu tư và thành lập cơ sở trên toàn lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt địa giới hành chính và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc nơi đặt trụ sở như trước đây.

Ông Lê Đăng Doanh còn cho biết những người Việt Nam ở nước ngoài, không phân biệt quốc tịch, được quyền chọn lựa đầu tư trực tiếp về nước theo luật đầu tư nước ngoài hoặc luật khuyến khích đầu tư trong nước. Đồng thời người Việt Nam ở nước ngoài còn có thể uỷ quyền cho người thân trong nước xin phép lập và quản lý doanh nghiệp của mình.

(Tuổi Trẻ 18.2.95)

Việt Nam - Miến Điện

Bà Aung San Suu Kyi, giải thưởng Nobel hoà bình năm 1991, vừa sang thăm Việt Nam. Tại Hà Nội, bà đã tiếp xúc với nhiều nhân vật trong chính giới và những trí thức nổi tiếng như Phan Đình Diệu, Dương Thu Hương, Đoàn Viết Hoạt, v.v...

Cười chút thôi! Dĩ nhiên bạn đã đọc trong mơ đó. Quan hệ Việt Nam - Myanmar (tên cũ: Miến Điện) chỉ mới được thắt chặt bằng chuyến đi thăm “hữu nghị chính thức” Hà Nội của tướng Than Shwe, thủ tướng Miến kiêm người quản tù của Aung San Suu Kyi, từ 9 đến 13 tháng 3 vừa qua, đáp lễ chuyến đi thăm Rangoon của thủ tướng Võ Văn Kiệt năm ngoái. Dẫn đầu một phái đoàn gồm nhiều nhân vật cao cấp trong Hội đồng Trật tự và Luật pháp Nhà nước (SLORC) và chính phủ Miến Điện, tướng Than Shwe đã gặp gỡ tổng bí thư Đỗ Mười, chủ tịch nước Lê Đức Anh, thủ tướng Võ Văn Kiệt, v.v... Hai bên đã ký các hiệp định hợp tác về kiểm soát ma tuý và về trao đổi thông tin quản lý rừng. Hai bên cũng đã trao đổi quan điểm về các vấn đề hợp tác song phương và các quan hệ quốc tế, quan hệ trong khu vực. Miến Điện ủng hộ việc gia nhập ASEAN của Việt Nam và hy vọng rằng điều này sẽ giúp tăng cường các quan hệ của Miến Điện với khối các nước Đông Nam Á này.

(AFP 9, 13.3.l995)

HCR: Thuyền nhân phải trở về nước

Tiếp theo hội nghị chuẩn bị ở Malaixia cuối tháng 2 (xem DĐ số trước), Cao uỷ Liên hiệp quốc về người tị nạn (HCR) đã tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về người tị nạn Đông Dương với 29 nước liên quan, bao gồm Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu tại trụ sở HCR ở Genève ngày 16.3. Hội nghị đã khẳng định lại mục tiêu của Chương trình hành động CPA đề ra năm 1989, là chấm dứt mọi hoạt động của HCR giúp đỡ các thuyền nhân Đông Dương vào cuối năm nay. Những người phát ngôn của HCR, kể từ bà Cao uỷ Sadako Ogata, nhấn mạnh nhiều lần lời kêu gọi những người còn ở trong các trại tạm trú ở các nước Đông Nam Á (41.000 người Việt Nam và 8.000 người Lào) vì không được ai thừa nhận là “tị nạn chính trị”, rằng họ “không nên nuôi mãi ảo tưởng về việc định cư ở một nước thứ ba” và “nên lợi dụng trong lúc này những giúp đỡ của cộng đồng quốc tế để trở về nước sinh sống.” Bà Ruth Marshall, phát ngôn viên của HCR nhắc lại là hơn 70.000 người Việt Nam và 21.000 người Lào đã tự nguyện hồi hương, mang theo một số vốn nhỏ do HCR cung cấp, và “ các chuyên viên của HCR đã nhiều lần bất chợt đi kiểm tra chưa bao giờ thấy có bằng chứng là họ bị nhà cầm quyền làm khó dễ gì”. Việc không còn nước Mạnh Thường Quân nào trên thế giới muốn tiếp tục bỏ tiền giúp những “ người di cư không có chiếu khán” được HCR nhấn mạnh khi công bố số tiền quyên được cho CPA năm nay là một triệu đôla trên số 74 triệu được đề ra. Tuy nhiên, HCR sẽ không tham gia vào bất cứ một hành động cưỡng ép hồi hương nào.

Về phần mình, người phát ngôn bộ ngoại giao Hà Nội, bà Hồ Thể Lan đã nhắc lại ngày 2.3.1995 là Việt Nam chấp thuận tiếp nhận người hồi hương từ các trại Đông Nam Á với nhịp độ 3.600 người mỗi tháng.

Khó khăn lớn nhất trong vấn đề này dĩ nhiên vẫn là ở thái độ của những người trong cuộc. Khi chính phủ Philipin bắt đầu giải toả trại Morong ngày 16.3, nơi 270 người Việt Nam chờ đợi được đi định cư ở Hoa Kỳ, nhiều người đã leo lên mái nhà, không chịu ra đi, và một số (3, 4 người theo các nhà báo chứng kiến sự việc) đã tự cắt gân tay để phản đối. 270 người ở trại Morong theo lẽ là đã tới đây theo chương trình Ra đi có trật tự (ODP) được thoả thuận giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng chính phủ Mỹ cuối cùng không nhận họ vì “đã giả mạo giấy tờ để được nhận vào diện ODP”. Cũng trong buổi gặp báo chí ngày 2.3, bà Hồ Thể Lan cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ đang thương lượng để giải quyết trường hợp của những người này.

(Reuter, AFP 2 và 16.3.1995)

Nhật đứng đầu các nước viện trợ cho Đông Dương

Một Diễn đàn quốc tế về phát triển ở Đông Dương, được triệu tập ở Tokyo hai ngày 25-26.2.1995, với sự tham dự của 25 nước và 9 tổ chức quốc tế, đã chứng tỏ vai trò đầu tàu của Nhật trong các nước viện trợ cho Việt Nam, Lào và Cam Bốt.

Thông cáo chung của Diễn đàn đã công bố việc thành lập hai nhóm chuyên gia, một về các cơ cấu hạ tầng, do Nhật chủ trì, với sự tham gia của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và một về các vấn đề nhân lực do Pháp chủ trì, và PNUD (Chương trình Liên hiệp quốc vì phát triển) trong vai trò cơ quan quốc tế. Một nhóm tư vấn về sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân cũng được thành lập, với sự tham gia của Nhật, Thái và Tiểu ban kinh tế-xã hội Liên hiệp quốc, bộ phận châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, theo những người tham dự Diễn đàn, vai trò đầu tàu mà Nhật muốn đóng giữ không phải đã được đón nhận một cách vui vẻ bởi các nước khác, kể cả những nước trong vùng và những nước châu Âu đã từ lâu tích cực viện trợ cho Đông Dương, như Thuỵ Điển (hẳn là phải kể Pháp trong số này?).

(AFP 27.2.1995)

TIN NGẮN

* Đĩa compact (CD) Trung Quốc đang tràn sang Việt Nam. Các loại đĩa CD được bày bán ở Hà Nội từ 15 đến 20 ngàn đồng, và ở Thành phố Hồ Chí Minh, từ 18 đến 24 ngàn đồng. Trong khi đó, giá băng cát-xét sản xuất ở Việt Nam đã là 16.000 đồng/băng, còn đĩa CD, nếu sản xuất nội địa cũng không thể bán dưới 30.000 đồng/đĩa.

* Từ ngày 15.2 vừa qua, tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của khách xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu Việt Nam là 500 đôla (thay vì 1.000 đôla trước đây), không kể tư trang và ngoại tệ.

* Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo quyết định của chính phủ không cho phép xem xét trả lại nhà đất do nhà nước quản lý qua các chính sách cải tạo tư sản mại bản, tư sản thương nghiệp, nhà cho thuê, nhà vắng chủ, xuất nhập cảnh trái phép. Đối với những trường hợp đã xử lý sai đối tượng thì cá biệt có thể xem xét giải quyết cấp chỗ ở, nhưng phải do thủ tướng quyết định.

* Từ ngày 23.2, người Việt Nam ở nước ngoài có ngoại tệ chuyển về nước được mở tài khoản ngoại tệ và gửi tiết kiệm ngoại tệ ở các ngân hàng Việt Nam, và được chuyển vốn và lãi trở ra nước ngoài.

* Toà án Thành phố Hồ Chí Minh ngày 28.2 đã xử sơ thẩm ông Nguyễn An Trung, Việt kiều tại Nhật, tổng giám đốc công ty liên doanh Sài gòn ôtô và tuyên án ông “phạm tội kinh doanh trái phép”, với mức án “cảnh cáo”, đồng thời tịch thu sung công quĩ toàn bộ 118 xe ô-tô tay lái nghịch liên quan trong vụ án. Bị bắt giam hơn mười tháng (từ ngày 26.2 đến ngày 29.12.1994), ông Nguyễn An Trung luôn khẳng định và chứng minh ông không hề vi phạm bất cứ điều gì về pháp luật về sự vụ này, và ông cho biết sẽ kháng cáo.

* Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang vừa yêu cầu chánh thanh tra thành phố điều tra và làm rõ hoạt động kinh doanh của công ty Lam Sơn, đồng thời yêu cầu quận Phú Nhuận tạm thời dừng lại quyết định kỷ luật đối với giám đốc công ty Nguyễn Đăng Quang. Quận uỷ đảng cộng sản Phú nhuận, ngày 5.1.1995, đã có quyết định cách chức ông Nguyễn Đăng Quang và khai trừ ông ra khỏi đảng.

* Ba trường phổ thông trung học Chu Văn An (Hà Nội), Quốc Học (Huế) và Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) đã được chính phủ quyết định xây dựng thành trường trung học “chất lượng cao”. Đây là những trường “tiên tiến” về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Qui mô mỗi trường khoảng 1.500 đến 1.800 học sinh được tuyển chọn vào.

* Từ tháng 12.1994, đã nở rộ lên hiện tượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc bỏ về nước: 65 người trong tháng chạp, 70 người trong tháng giêng, 68 người trong hai tuần đầu tháng hai.

* Đạo diễn gốc Nga A. Konchalovsky đang chuẩn bị bấm máy bộ phim The Royal Road, bộ phim lớn đầu tiên của Hoa Kỳ thực hiện ở Việt Nam. Konchalovsky đã chọn cảnh quay ở Hoà Bình, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn và Hà Nội.

* Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm đã đi một vòng thăm các nước Nam Phi, Mozambique, Zimbawe, Zambie và Angola từ ngày 14 đến 23.3. Đây là chuyến đi thăm vùng Nam Phi đầu tiên của một bộ trưởng ngoại giao Việt Nam (Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Phi tháng 12.1993). Chuyến đi còn có mục tiêu tìm hiểu những khả năng thương mại với các nước trong vùng.

* Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn đầu của việc gỡ mìn do Trung Quốc gài lại ở 6 tỉnh biên giới trong cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc năm 1979, giải phóng 2.000 ha đất cho phép tái định cư 9.000 gia đình đã phải dời đi, và thiết lập 73 trạm biên phòng, mở thêm 21 đường thông thương với Trung Quốc.

* Úc đã quyết định viện trợ cho Việt Nam một khoản tiền 7,5 triệu đôla dành riêng cho công tác trị thuỷ ở đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc xây các cơ sở điều hoà nước lũ, chương trình viện trợ của Úc còn bao gồm việc giúp nông dân trong vùng cải tiến kỹ thuật quản lý nông nghiệp và đa dạng hoá sản xuất.

* Xunhasaba, cơ quan quốc doanh xuất nhập sách báo và văn hoá phẩm đã thông báo sẽ tổ chức một hội chợ sách quốc tế đầu tiên ở Việt Nam vào cuối năm nay, tại trung tâm hội chợ Giảng Võ, Hà Nội. Xunhasaba hy vọng thu hút được khoảng 200 nhà xuất bản Âu, Á, Mỹ đến hội chợ.

* 15 thanh niên Hà Nội, phần lớn dưới 25 tuổi, đã bị xử phạt từ 8 tới 20 tháng tù giam về tội khuấy rối trị an bằng cách tổ chức và tham gia những cuộc đua môtô bất hợp pháp trên đường phố. Phong trào đua xe hoang dại này đã làm thiệt mạng 15 người tính từ mùa thu năm ngoái, 6 tay đua và 9 người xem. Khoảng 60 người khác bị thương. Một cảnh sát đã bị tử thương trong một cuộc xô xát với những tay đua hồi tháng 5 năm ngoái.

* Nữ tài tử Kiều Chinh, hiện sống ở Los Angeles, đã xác nhận với báo chí Mỹ, bà sẽ trở về thăm quê hương trong tháng 4 này. Cùng nhà báo Mỹ Anderson, một cựu chiến binh ở Việt Nam từng bị bắt làm con tin ở Liban, bà sẽ khánh thành một ngôi trường gồm 12 lớp học ở vĩ tuyến 17, trong vùng phi quân sự trước đây.

* Hạn hán từ tháng 10.94 tới nay đã gây thiệt hại nặng cho 12.000 ha cà phê và hơn 5.000 ha ruộng lúa của tỉnh Đắc Lắc. Theo những ước tính đầu tiên, giá trị nông sản mất đi lên tới 600 tỉ đồng (gần 60 triệu đôla).

* Theo báo Lao Động ngày 14.3, một bản báo cáo của bộ Lao động và xã hội ước lượng trị giá ma tuý tiêu thụ mỗi ngày ở Việt Nam lên đến 400.000 đôla (gần 150 triệu đôla mỗi năm). Số người nghiện ma tuý, phần lớn ở tuổi 25-35, ước khoảng 180.000.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss