Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 41 / Hậu thiên đường

Hậu thiên đường

- Nguyễn Thị Thu Huệ — published 16/01/2012 16:55, cập nhật lần cuối 22/11/2012 15:17
truyện ngắn

  

HẬU THIÊN ÐƯỜNG

Nguyễn Thị Thu Huệ

Truyện ngắn Hậu thiên đường trích từ tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Thị Thu Huệ (Nhà xuất bản Hội nhà văn, 1994, 316 trang). Hậu thiên đường và một truyện ngắn khác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Mùa đông ấm áp, đã được tặng giải nhất cuộc thi truyện ngắn 1992-1994 của tạp chí Văn nghệ quân đội. Hậu thiên đường cũng đưọc giải nhất cuộc thi sáng tác về Hà Nội, và được tặng thưởng của hội nhà văn.

Tác phẩm đã xuất bản : Cát đợi (nxb Hà Nội), Phù thuỷ (nxb Văn Học), Một góc đời nham nhở.

Bản in này dựa theo bản trong tuyển tập Bến trần gian, nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995.

 Tôi cứ tưởng là mình đã quên mọi chuyện từ lâu. Bỗng dưng, chiều nay, tất cả ùa về. Ðầy ắp ứ, như thể có ai đó đã thu gom mọi thứ vào một cái bao tải to tướng, buộc chặt nút lại. Và nay, đem mở oà ra trước tôi. Ðủ đầy, nguyên vẹn.

Khi tôi chợt hiểu ra ở đời, mọi sự đều có thể xảy ra như thế cả thì cũng muộn quá rồi. Tuổi già sầm sập chạy đuổi sau lưng. Tôi thì quyết giở trò ú tim với nó bằng cách làm sao chạy trốn được nó càng lâu càng tốt.

Hôm nay sinh nhật con gái. Nó tròn mười sáu tuổi. Mặt con gái tôi giống người bố của nó. Nó không bao giờ biết điều đó vì khi nó hiện hữu trên đời này thì người thực sự là bố nó đã ở một nơi xa tít tắp. Bây giờ, khi tôi bốn mươi tuổi, chợt thấy tại sao lâu nay mình để tuổi thơ của con trôi qua trong nỗi buồn của sự cô đơn, và hứng chịu nỗi cay đắng của một người đàn bà bị phụ bạc. Bỗng nhiên. Lâu lắm rồi, tôi lại thấy tội nghiệp nó. Ngày xưa, đã một lần tôi thấy tội nghiệp nó, khi nó chạy ra đón tôi đi họp về. Nó với tay tôi đỡ lấy bó hoa của tôi, và ngã lăn xuống cầu thang. Máu trên đầu nó loang xuống mặt. Nó không khóc, chỉ mím môi lại và bảo : " Không sao đâu mẹ ạ. Con không đau đâu. Mẹ về, con mừng quá ". Tôi đỡ nó dậy và nói : " Thì đã bao giờ mẹ không về đâu. Chỉ sớm hay muộn thôi ". Nó hơi cố cười, dù tôi biết lúc ấy nó rất đau : " Mẹ về sớm, hôm nay lại là sinh nhật của con. Mẹ mua hoa cho con, con sung sướng quá nên chạy ra đón ". Tôi cay đắng nhận ra là con nói với tôi bằng tất cả tình cảm và sự mong chờ tình yêu của tôi với nó. Còn tôi. Lúc ấy, tôi không hề nhớ rằng hôm nay là sinh nhật của nó. Bó hoa ấy cắm ở hội nghị. Tan họp, hai, ba người đàn ông loe xoe lôi nó ra khỏi những cái lọ và kính cẩn tặng tôi. Họ rất biết kết hợp những nhu cầu của bản thân và hoàn cảnh khách quan bên ngoài, làm sao vừa được lòng những người đàn bà như tôi, và họ thì chẳng mất gì cả. Chỉ có con tôi là khổ thôi. Cái sự sinh ra nó trên đời này cũng vậy. Ngày ấy, khi sung sướng, chúng tôi chỉ nghĩ đến mình. Nhưng khi đau khổ, tôi lại hay mang nó ra mà so, mà ngắm, và nhìn nó như một chướng ngại vật cản trở tôi trên bước đường đời. Nó chẳng có tội gì. Nó là sản phẩm của nỗi đam mê. Ai sướng, ai hạnh phúc ? Nó không biết. Chỉ được biết và được hưởng sự cô đơn, nỗi bị dằn vặt mà thôi.

Tôi cho con gái một trăm nghìn để làm sinh nhật. Mặt nó dại đờ đi vì sung sướng trước một hành động đẹp nhưng hiếm hoi của tôi. Tôi nuôi nó tương đối đầy đủ nhưng không mấy khi chăm sóc. Mà con gái lớn thì thích được chăm sóc. Khi ở nhà thì bố mẹ, khi lớn lên thì người tình và sau đó là của chồng. Nó bảo : " Con sẽ được mua những gì con thích, phải không mẹ ? ". Tôi gật : " Phải. Con mua gì tuỳ ý con. Chỉ có điều con không nên làm ầm ĩ, mẹ không thích những gì lộn xộn ".

Giọng nó run run : " Vâng. Tuyệt lắm mẹ ạ ! Chúng con sẽ lên Hồ Tây, thuê thuyền bơi và liên hoan luôn ở đó ".

Tôi ậm ừ vì thấy con vui. Lâu lắm rồi, nó mới cởi mở với tôi như vậy. Thực ra, tôi và nó ít khi gặp nhau. Tôi đi làm. Nó đi học. Buổi chiều, thỉnh thoảng tôi ăn cơm với nó. Buổi tối, tôi thường vắng nhà. Nó có một khuôn mặt đợi chờ. Nó hay nhìn tôi, bằng cái vẻ mặt đợi chờ đó. Nếu tôi lạnh lùng thì nó lảng đi. Tôi vui vẻ và tỏ ý muốn gần nó, cái vẻ mặt ấy thoắt biến đi, thay vào bằng khuôn mặt tràn trề hạnh phúc. Bao nhiêu năm, tôi luôn nhìn nó để tỉnh táo hơn trước đàn ông và mọi cạm bẫy.

Bỗng dưng hôm nay, mọi sự đó tan biến trong tôi. Con gái tôi lớn quá rồi. Sao lâu nay tôi không biết rằng ngực nó đã đội lên sau lớp áo và hông nó đã nở nang hơn. Khuôn mặt nó đầy lên, loáng thoáng có cái trứng cá. Mặt nó vẫn còn trong sáng lắm. Nó đang loay hoay thay cái áo này, mặc cái quần kia, hồi hộp như cô dâu sắp về nhà chồng.

– Hôm nay mẹ có đi nhảy không ? Nó hỏi.

– Không. Mẹ mệt mỏi rồi con ạ ! – Tôi thở dài. Chợt thấy chán ngắt mọi chuyện. Nhạc dìu dặt. Những ngọn đèn mờ ảo và ngào ngạt trăm nghìn loại nước hoa. Hình như nó không làm tôi đam mê nữa. Thực ra, cũng nhờ đó mà trôi đi bớt những ngày đau khổ của tôi. Tôi luôn luôn ở ngoan ngoãn trong tay hết người đàn ông này đến người đàn ông khác, nhưng của ai cụ thể thì không. Tôi nhìn tôi trong gương. Khuôn mặt đàn bà sang tuổi bốn mươi. Mí mắt bắt đầu sụp xuống. Biết là mình vẫn còn đẹp nhưng cũng bắt đầu nhầu nhò rồi.

Con gái chào : Con đi chơi mẹ nhé.

Tôi gật : Chúc con vui.

Hai chân nó ríu vào nhau vì quần là áo lượt. Nó đánh tí môi son, má hồng và ít quầng xanh ở mắt. Hình như nó phải chui vào đâu đó để làm những việc ấy vì tôi chưa cho phép.

Cánh cửa đóng sập lại. Tôi nằm ngả ra giường. Ðắng ngắt. Thế nào nhỉ ? Bốn mươi tuổi, tôi đã có cái gì cho mình. Tiền tài thì vớ vẩn, chỉ đủ ăn và sống một cuộc sống đạm bạc. Một vài cái váy, áo để đi dạ hội và nhẩy đầm. Công việc diễn ra đều đều và nỗi nghi ngờ đàn ông. Dù thiếu họ, nhiều khi cuộc sống của tôi lắm lúc gay gay. Có những kẻ yêu tôi thật thì tôi không ngửi được họ. Còn một vài người tôi yêu họ thì họ chỉ xuê xoa " chơi " với tôi thôi. Biết làm sao được. Con cá trượt thường là con cá to. Không có cái gì trong tay mình là nhất cả. Bỗng dưng, tôi thấy sập xuống người mình một nỗi trống trải hoang vắng khủng khiếp.

Hàng tối. Khi ông A, ông B đưa tôi về, con gái ra mở cửa và đỡ lấy chiếc xe cho tôi, vác qua phòng khách nó đã lau bóng loáng để cất vào bếp. Rồi nó pha cho tôi một chậu nước âm ấm và đưa hộp sữa rửa mặt cho tôi rửa sạch những thứ đã bôi lên mặt. Rồi hai mẹ con đi ngủ. Thi thoảng, có đêm tôi ôm con gái, bàn tay sục vào gáy nó. Ðến khi lùa tay vào mớ tóc dài và dầy của nó, mới chợt thảng thốt tỉnh ra đấy là con gái mình chứ không phải người đàn ông hồi tối.

Lâu lắm rồi, tối nay tôi là người ở nhà và con gái thì đi chơi. Người bạn nhảy của tôi cũng không đến. Anh ấy là người luôn rạch ròi mọi chuyện. Vợ con anh ấy là một cái lô cốt chắc chắn mà hàng ngày, hàng giờ anh ta cần mẫn nhặt nhạnh tí vôi, tí xi măng, xây xây trát trát. Và cái lô cốt của anh ngày càng to béo, vững chắc. Thi thoảng, để xả hơi và nạp nhiên liệu cho công việc xây dựng của mình, anh đi nhảy đầm. Rất galant với phụ nữ và lúc nào cũng mang một vẻ mặt thành kính. Tác phong giống như thể anh đang gù gù hệt con chim câu tha những cọng rơm đi dệt tổ ấm, chỉ thiếu con chim cái thôi. Có những lúc tôi bỗng thấy cần anh ta một cách ghê gớm. Tôi đạp xe đến cổng nhà anh, và nhìn vào. Anh đang ăn cơm. Xúc cho con một thìa, gắp cho vợ một miếng. Say sưa và sung sướng như thể họ là tất cả cuộc đời anh, không như anh phàn nàn với tôi. Anh hỏi tôi : " Ðố em : con gì ăn lắm nói nhiều, chóng già lâu chết ? ". Tôi nghĩ mãi không ra lắc đầu chịu thua. Anh bảo : " Ðấy là con vợ ". Rồi thỉnh thoảng tôi có việc cần gặp anh buổi tối. Tôi nhờ trẻ con gọi và đợi anh ở đầu đường. Một lúc, anh hiện ra. Chiếc quần đùi vải lõng thõng, anh cởi trần, lê đôi dép rách và tay xách một thùng rác. Chớp nhoáng vài câu và anh quay quả bước về, sau khi đã hoàn tất một trong nhiều nghĩa vụ với gia đình.

Tôi lại bàn học của con gái. Nét chữ nó tròn xoe, nắn nót và hàng lối rất nghiêm chỉnh. Con người nó chắc cũng như những dòng chữ nó viết. Một là một, hai là hai, chớ không hai cộng hai bằng năm như tôi. Nó đã yêu hay ghét, chỉ là thế chứ không bao giờ thay đổi. Một quyển sổ con ở góc bàn. Ngoài bìa là mấy câu thơ. Sổ nhật ký . Hoá ra con gái tôi lớn hơn tôi tưởng rất nhiều. Trong sổ, nó ghi lung tung nhiều chuyện, chẳng đâu vào đâu cả. Cãi nhau với đứa này, khen đứa kia có đôi dép đẹp. Nó ao ước những cái con con vặt vãnh. « Ngày. . . Hôm nay đang ngồi trong lớp đợi mưa tạnh, chợt thấy cuối đường một chị che cái ô đỏ. Ðẹp thế không biết. Trong mưa, màu đỏ là màu đẹp nhất. Giá mình có một chiếc nhỉ ? ». « Ngày. . . Có một người đàn ông cởi trần, mặc quần đùi, mang một chậu tã lót đầy phân ra máy nước giặt. Mình thì thấy kinh kinh, thế mà ông ta vừa giặt vừa cười một mình. Lắm lúc môi nhọn ra như trêu ai, lại huýt sáo nữa. Chắc ông ta yêu vợ con lắm ». « Ngày. . . Sao mẹ hay về khuya thế. Mình mà như mẹ, mình sẽ lấy chồng. Chọn người nào hiền lành và hơi ngu một tí để lấy và không cần đi làm nhà nước, chỉ cần biết một nghề gia công gì đó như ông Chiu hàn nhôm đằng trước. Mẹ sẽ sướng hơn là ở thế này. Mình thích những người thông minh nhưng ở với họ thì sợ lắm. Những buổi chiều chủ nhật, vợ chồng người ta đi chơi, mẹ thì ở nhà. Còn đi chơi như mẹ, mình chẳng thích ». « Ngày. . . Anh T. ở trường bên cạnh, là giáo viên sang dạy hộ văn nghệ, thể dục cho lớp mình, hôm qua rủ mình đi xem phim. Mình cũng muốn đi nhưng chưa xin phép mẹ. Hai người đi cả, nhỡ hai con mèo chạy mất thì sao. Mình thích anh ấy vì mắt anh ấy rất đẹp. Mặt thì lúc nào cũng buồn buồn như ngẫm ngợi điều gì. Những người đàn ông mặt lúc nào cũng hơn hớn lên, mình cũng thích nhưng lại ngại. Họ hớn hở với mọi người như với mình, tin sao được. Không biết từ bao giờ mà mình có thói quen là cứ gặp anh ấy thì cả ngày mình vui lắm. Hôm nào không nhìn thấy anh ấy, mình cứ thấy vắng vắng thế nào ấy ».

Tôi thẫn người. Lâu nay, tôi cứ trượt trên những cái dốc nào ? Sao không bao giờ tôi hỏi đến cuộc sống nội tâm của con. Lâu lắm rồi, hình như tôi chưa dừng lại ngoảnh về đằng sau để xem nhỉ, chỉ tiến thôi.

Tôi đọc tiếp.

« Ngày. . . Tự nhiên hôm qua anh ấy đi ngang lớp mình, vẫy mình ra rồi bảo : Triệu người quen có mấy người thân. Khi lìa trần có mấy người đưa ? Mình nóng bừng cả người. Anh ấy bỏ đi, mặt buồn rũ rượi. Cả ngày, chẳng vào đầu mình được chữ nào ».

« Ngày. . . Con Cúc " xoe " thì thầm : Tao hôn rồi đấy. Mình hỏi : Nó thế nào ? Cúc bảo : Lúc ấy, tao cảm giác như rơi tòm xuống ao, chìm nghỉm đi. Vừa nói, nó vừa nhắm nghiền mắt lại, xuôi hai tay và lăn huỵch xuống sàn nhà. Rồi nó lại vùng phắt dậy, mắt tít lên. Hôn hay lắm mày ạ. Thử đi, không chết đâu mà sợ, chỉ sợ rồi nghiện thôi. Thử đi.

Mình cười ngượng : Thử thì thử với ai ? Tự nhiên đang yên đang lành bỗng đè người ta mà bảo : Ông làm ơn cho tôi hôn thử ông một cái xem hôn nó mồm ngang mũi dọc thế nào à ? Họ lại chả tát cho vào mặt ấy và bảo rằng : Ðấy, hôn nó thế đấy.

Rồi mình và Cúc cười lăn ra. Kể ra, nếu biết hôn nó thế nào cũng hay ».

Tôi lặng người. Con tôi lớn thật rồi. Sao đến bây giờ tôi mới biết đến điều đó nhỉ ? Những người đàn ông đi qua đời tôi như thể bất chợt họ gặp cơn mưa rào, mà họ thì không mang vải nhựa để che. Tôi là một cái hiên rộng để họ có thể chạy vào đó, yên tâm, tưng tửng chờ cho qua cơn mưa. Rồi về nhà. Hoá ra lâu nay, tôi đi đường tôi, còn con gái tôi thì tự tìm một đường mà đi. Liệu nó có đi lại con đường của tôi không nhỉ ?

« Ngày... Mình nhớ anh ấy quá. Hai ngày không thấy anh ấy đâu. Hay anh ấy ốm rồi. Ði học về, mình cứ thấy ngơ ngác thế nào ấy. Bỗng anh hiện ra ở đầu đường : " Bé con, mấy ngày vừa rồi anh phải có phi vụ làm ăn. Nhớ em quá, phải đón em tại đây ". Ôi giời ơi, sao mình sung sướng thế. Mình yêu anh ấy mất rồi. Lúc ấy, mình không còn thấy cái gì ở trên đời này quan trọng bằng anh ấy. Thế là mình và anh ấy đi chơi với nhau. Bây giờ, mình mới thấy việc mẹ suốt ngày đi vắng là rất hay. Nếu mẹ hay ở nhà, có lẽ sẽ chẳng bao giờ mình đi chơi với anh ấy được như thế. Mẹ mắng chết. Vì mẹ bảo cái bọn đàn ông rặt một loại đểu cả, đừng nên tin ai. Mình thì thấy ai cũng đáng tin hết, nhất là anh ».

« Ngày. . . Cái Cúc " xoe " bảo : Anh chàng của cậu được đấy. Trông giống chàng Lu-ít (1) lắm. Tớ thích đàn ông phải như Hoan Manuen (1), vừa bàn nhau tống tiền người ta xong, lại mê đắm bên cái đàn pianô ngay. Ðàn ông phải có hai bộ mặt, vừa tử tế, vừa đểu giả, thế mới quyến rũ. Chàng Lu-ít của cậu thì tớ thấy gian gian. Mình chẳng nói gì. Gian, đểu hay tốt, mình không quan tâm nữa, chỉ biết rằng anh ấy là người tuyệt nhất trần gian ».

Tôi lặng người. Ðầu bỗng đau buốt. Bỏ quyển nhật ký của con ở đó, tôi đi ra sân. Mùa đông năm nay lạ lắm, ban ngày thì nắng hoe hoe vàng, tối đến thì gió lộng như mùa hè. Tôi cảm giác như mình đang bắt đầu đứng ở cuối con đường, nhìn thấy con mình đang dẫm chân lên những nơi mà tôi đã đi qua, nhưng không ngăn nó dừng lại được.

Thời gian trôi đi nhanh thật. Thoáng cái, con gái đã biết yêu. Mới ngày nào nó còn lẫm chẫm chạy đi chạy lại bằng đôi giầy đỏ. Ra khỏi bệnh viện khi con bị viêm ruột thừa, bà kế toán cùng phòng bảo tôi : " Thương lấy nó một tí em ạ. Dù sao nó cũng là con mình. Bây giờ thì em chưa thấy cần nó đâu, nhưng sau này, lúc nào đó, nó sẽ là cái gậy cho em chống đấy ".

Lúc ấy, tôi cười nhạt và không buồn tranh cãi với bà ta. Hoá ra bây giờ, cái sự đó cũng gần gần đến rồi.

Mười một giờ. Ðồng hồ nhà hàng xóm đong đưa thả nhịp. Con gái vẫn chưa về. Thì ra lâu nay nó đã đi và thường xuyên về muộn, tôi lại không hề biết vì tôi cũng thường về muộn hơn nó. Lòng tôi nóng như lửa đốt. Chẳng có một lý do gì để nó có thể về khuya đến như vậy. Sinh nhật từ chiều cơ mà. Xung quanh, hàng xóm ngủ im thin thít. Ðường vắng hoe hoắt. Tôi quay vào nhà. Ðến gần bàn học của con gái, định ngồi xuống, nhưng tự nhiên cảm thấy hãi hãi trước những gì con ghi trong sổ. Thôi, thà không đọc nữa còn hơn là phải biết những gì khủng khiếp đang xảy ra với con mình. Tôi hồi hộp đợi nó về gần như hồi hộp chờ người tình giờ hò hẹn.

Mười một giờ ba mươi. Con về. Mặt nó nhợt nhạt phấn son. Tóc nó bông lên sau vai chứng tỏ có bàn tay xới vào đó. Nó cụp mắt xuống tránh ánh mắt tôi. Thôi. Xong rồi con ơi. Mẹ đã qua những gì mà con đang đến. Không bao giờ chỉ nói chuyện và đùa cười lại nhạt cả phấn ở má và quầng xanh ở mí mắt. Tóc lại rối lên thế kia. Tôi cay đắng nghĩ và nhìn con. Sao tôi thương nó thế không biết. Vội vã thế con. Cuộc đời dài lắm, mà những cái hoan lạc mà con người ai cũng trải qua thì ngắn vô cùng. Vội mà làm gì. Hai mươi tư tuổi, mẹ mới biết thế nào là hạnh phúc thì lập tức một chuỗi đau khổ kéo theo. Thế mới hay, ai cũng nhem nhẻm nói rằng mọi thứ ở đời đều có giá của nó. Hoặc trồng cây gì thì ăn quả đấy, hay gieo gì gặt đấy. Nhưng tôi, tôi có gieo gì đâu mà sao đời tôi gặt toàn cỏ dại ? Chẳng lẽ, một phút xiêu lòng mà lại khốn khổ đến thế này sao ?

– Con xin lỗi mẹ. Con đã để mẹ phải chờ ! – Nó lúng búng trong mồm.

– Vui không con ? – Tôi hỏi và chỉ muốn ôm nó vào lòng. Bỗng nhiên, nước mắt dâng ấp ứ trên mắt tôi.

– Cũng vui mẹ ạ ! – Nó trèo lên giường và chui vào chăn, quay mặt vào tường.

– Sao lại cũng vui ? Phải rất vui chứ ?

Im lặng. Rồi tôi hỏi thêm vài câu nữa, nó đều không trả lời. Tôi lại giường, đập tay vào vai nó. Nó quay phắt ra, ngơ ngác. Chứng tỏ từ nãy đến giờ nó không hề nghe câu hỏi của tôi.

– Gì đấy mẹ ? – Nó hỏi, mắt tròn xoe.

Tôi lặng người nhìn nó. Thôi, xong rồi. Con gái tôi thành đàn bà mất rồi. Cái mặt nó ngây dại vì hạnh phúc, và ánh mắt nó như người có lỗi, ngượng ngùng và đờ đẫn. Ðấy là ánh mắt của tôi mười mấy năm về trước. Lúc ấy, tôi như đi trên chín tầng mây mười tầng gió. Tôi không nhìn thấy ai hết, không biết gì hết ngoài việc là tôi đang hạnh phúc. Tôi vừa bước vào một thiên đường của đời người mà anh – người đàn ông đầu tiên trong đời đã mở cho tôi và dìu tôi vào trong đó. Người đàn ông đó, vừa mở cửa để cho tôi kịp nhìn thấy những vòng hào quang của nỗi đam mê thì lập tức, sau đó sáu tháng, anh ta dẫn tôi đến một cái hang sâu hun hút và đẩy tôi vào đó. Ðến tận bây giờ.

Ðứa nào nhỉ, đứa nào mang khuôn mặt đợi chờ của con gái tôi đi mất và trả cho nó khuôn mặt đàn bà, vừa đằm thắm vừa non nớt của cô bé tuổi mười sáu ? Nó đã đến tuổi thành niên đâu cơ chứ. Tôi đau đớn nhìn con và nước mắt chảy dài xuống má.

– Mẹ làm sao thế ? – Nó hốt hoảng, khuôn mặt đã trở lại bình thường.

– Không sao cả con ạ ! – Tôi quay đi, không muốn con gái nhìn thấy mình khóc trước mặt nó. Ðấy là một hành động hiếm hoi của tôi.

Tôi lặng lẽ ra sân. Trăng mùa đông lạnh lẽo hắt ánh sáng từ đâu đó. Người tôi thoắt lạnh thoắt nóng. Rồi bắt đầu run. Con gái đứng sau lưng.

– Vào nhà đi mẹ. Con xin lỗi đã làm mẹ buồn.

– Con yêu người con trai ấy lắm phải không ? – Tôi hỏi.

Im lặng. Rồi một lúc, nó khe khẽ trả lời : Vâng ạ !

– Con nhớ anh ấy lắm phải không ?

– Vâng ạ !

– Lâu chưa ?

– Gần bốn tháng mẹ ạ ! – Nó có vẻ đỡ sợ hãi hơn.

– Và hai người đã gắn bó với nhau ?

Im lặng. Kể ra, khi bắt đầu hỏi đến câu đó, tôi cũng nghĩ là con gái không trả lời được. Không một người đàn bà nào trả lời câu đó cả.

– Con năm nay mới mười sáu tuổi, sao vội vàng thế ? – Tôi cay đắng hỏi nó.

– Hai năm nữa. Chúng con sẽ cưới nhau. Khi ấy con đủ tuổi để lấy chồng rồi ! – Nó hớn hở dần lên.

– Ðấy chẳng lẽ là tất cả cuộc sống của con hay sao ? – Tôi hỏi, tim buốt nhói vì một lần nữa, tôi lại chậm.

– Ðấy là thiên đường, mẹ ạ ! – Nó ngẩng nhìn tôi, mắt loé sáng – Chúng con sẽ đi làm. Sẽ chỉ có nhau và những đứa con. Con sẽ không bao giờ phải buồn giống mẹ.

Tôi im lặng. Người lạnh ngắt. Con tôi bước vào cái gọi là thiên đường của tôi, cách đây 16 năm. Lại vẫn những vòng hào quang như tôi đã gặp. Ðến lúc nào, sẽ là một cái hang sâu hun hút ?

– Chúng con sẽ ở cùng mẹ. Mẹ sẽ không phải buồn vì được làm bà ngoại của một lũ cháu ! – Nó vẫn say sưa.

Tôi có cảm giác như mình bỗng hoá thành đá. Thiên đường. Hình như ai trong đời cũng đã từng đặt chân tới đó. Chỉ khác nhau là thiên đường của họ là cái gì, và đem lại cho họ hạnh phúc ra sao. Có người thì chạy hết từ thiên đường này tới thiên đường khác, có khi vừa lao vào rồi lại chạy tọt ra ngay vì kinh hãi. Tôi đã từng gặp một người đàn bà và một người đàn ông từ thiên đường về. Mặt ông ta bạc phếch, tóc tai dựng tứ phía, môi nhạt thếch và đang ngấu nghiến nhai. Ông ta ăn như thể bị chết đói hàng thế kỷ. Hai con mắt đang đờ dại sinh động dần lên. Những sợi phở xào thun thút chui vào miệng anh ta, kèm rau sống, cà chua, như thể trong bụng anh ta có một tảng nam châm và các đồ ăn là cục sắt hút nhau vậy. Chui từ từ, chui dần dần, ngon lành. Người đàn bà thì ngược lại. Mỏi mệt, ngơ ngác và không đói. Bà ta chỉ ngồi ngáp vặt. Tôi hỏi, hai người đi đâu về mà mệt mỏi thế ?

Người đàn bà hơi cười, nụ cười nhệch nhạc như mếu. Người đàn ông tiếp tục nhai nốt miếng dở, nuốt đánh ực rồi tớp một ngụm rượu, khà một cái và bảo : Vừa lên thiên đường về. Rồi ông ta tiếp tục ăn như thể cái thiên đường ấy nó vặt trụi hết mọi sinh lực của anh ta vậy.

Tôi cười : Vừa lên thiên đường về, và bây giờ thì ở đâu ?

– Ðịa ngục ! – Anh ta lẩm bẩm, mồm vẫn nhai. Ðôi môi dầy bóng loáng mỡ, những vụn mì bám li ti ở hàng râu con kiến.

Về sau này, tôi có gặp lại anh ta và người đàn bà ấy (Họ ở cùng một cơ quan với nhau, và tôi thì làm ở bên cạnh). Họ lấy nhau. Hai bên đều bỏ vợ, bỏ chồng vì cái gọi là hậu thiên đường nó to dần lên trong bụng người đàn bà. Người đàn ông trông nhầu nhò hơn, giống như nắm giẻ lau. Và người đàn bà thì lúc nào cũng nhăn nhúm như quả táo tầu. Rồi họ đẻ ra một đứa con, quặt quẹo vì bố mẹ chúng cũng mệt mỏi lắm rồi.

– Vào ngủ đi mẹ – Con gái nói. Gà gáy sáng rồi đấy !

– Mẹ không ngủ được.

Con gái im lặng và quay vào.

Xa xa, có tiếng gà te te gáy. Gần sáng rồi.

*

Tôi trở thành một người khác. Hình như cái sự già nó sập xuống vai tôi rồi. Tôi không còn chơi trò ú tim với nó nữa. Mọi tâm trí, nghị lực và sức chịu đựng, tôi dành cho con gái. Tôi sợ. Tôi không thể yên tâm ở cơ quan đến chiều và đi thông tầm đến tối như trước nữa. Lúc nào tôi cũng tưởng tượng ra cảnh con gái tôi, 16 tuổi, nước mắt nhoè nhoẹt trên mi " Anh ấy bỏ con rồi " hoặc " Con sắp chết rồi mẹ ơi ". Lúc nào tôi cũng chỉ thấy nó, đang bò từ bờ vực này đến bờ vực khác. Những vũ trường, những ánh đèn làm tôi kinh hãi khi nghĩ rằng con mình sẽ ở trong đó. Tôi thường về nhà sớm, tối thì không đi đâu nữa.

Con gái hỏi : Sao dạo này mẹ không đi nhảy ?

Tôi trả lời : Mẹ mệt.

Nó lạ lẫm và hơi khó chịu nhìn tôi. Ðã đến lúc nó không cần sự có mặt của tôi nữa rồi. Nó tưởng rằng đôi chân của nó đã cứng cáp lắm đấy. Tôi đau đớn nghĩ.

« Ngày. . . Hôm qua mình và anh ấy đi chơi. Mình phải nói dối mẹ là đi mua xà phòng thơm. Vào cửa hàng, toàn những bánh xà phòng sáu bảy nghìn. Mình mua một bánh ZET, mùi nó hăng hắc nhưng lại dễ chịu. Anh ấy trả lại chị bán hàng và chọn cho mình cái bánh xà phòng gì ấy. Nó to hơn cả ZET, cứng đanh và không có mùi thơm. Mình chưa dùng loại đó bao giờ. Bánh xà phòng anh ấy lấy có 2500 đ thôi. Anh ấy bảo : " Nó vừa to, vừa bền lại rẻ ". Chiều anh ấy, mình cũng đồng ý mua. Lúc mình đưa tờ 10. 000 đ, chị bán hàng trả lại 7. 500 đ, anh ấy giơ tay cầm lấy và đút ngay vào túi. Mình hơi ngại nhưng không dám hỏi vì có thể anh ấy quên. Chỉ sợ nếu mẹ hỏi thì không biết trả lời thế nào. Rồi hai đứa ra bờ hồ ngồi. Mình thèm ăn bánh chuối rán. Anh ấy bảo " Ăn vặt làm gì, chua mồm ". Anh ấy ôm lấy mình. Mình chẳng thấy chuyện gì quan trọng nữa ».

« Ngày. . . Anh ấy biến đi đâu hai ngày rồi bảo mình : Anh cố gắng thu xếp cho xong công việc gia đình càng sớm càng tốt. Anh sẽ nuôi một đứa, còn mụ vợ nuôi một đứa. Anh sẽ đấu tranh với mụ vợ để chiến thắng. Mụ ta sẽ phải bật xới khỏi nhà và tay trắng. Rồi anh ấy sẽ lấy mình. Sao anh ấy khổ thế nhỉ ? Ước gì mình có thể chia sẻ cho anh ấy được ». « Ngày. . . Sáng nay hai đứa đi ăn xôi. Bà bán xôi bảo : Hai bố con ngồi đây ăn xôi đi. Anh ấy cáu lắm mắng bà ấy là mắt chó giấy. Mình cố gắng lắm chỉ ăn được năm trăm. Mình thích ăn bún riêu cua. Anh ấy thì dứt khoát không ăn. Anh ấy bảo cái giống ấy nó ỏng bụng và chóng đói, ăn xôi chắc dạ hơn. Mình đưa năm nghìn trả tiền xôi hai đứa ăn hết 2. 500 đ, còn lại 2. 500 đ, anh ấy bảo bà hàng xôi cứ giữ lấy, mai ăn tiếp. Mình thì thế nào cũng được, miễn anh ấy vui vẻ thôi ».

Tôi run rẩy đứng lên. Chống chếnh và quay cuồng. Sao lại thế hả con ? Con lú lẫn mất rồi. Tôi phải làm gì bây giờ hả trời ? Không phải con đang chấp chửng ở miệng vực nữa mà đang ở trong lòng vực rồi. Bao giờ thì chìm xuống đáy ?

Giống như người điên. Lại giống như kẻ bị mất của. Cũng như người đánh xổ số, chỉ chệch một số cuối cùng của giải độc đắc. Cuồng điên, tiếc nuối và bất lực. Tôi lao ra đường. Những khuôn mặt chạy ngược lại tôi, nhạt nhoà. Ai cũng mang khuôn mặt con gái. Chỉ có điều, đấy không phải là khuôn mặt đợi chờ mà là khuôn mặt đàn bà. Người đàn bà 16 tuổi.

Những hàng cây, những nẻo phố và người đông đúc. Con tôi ở đâu ? Bên những người đàn ông một vợ hai con, chỉ thích ăn xôi cho chắc bụng lại còn bòn rút từng đồng một. Ấy vậy mà con tôi ngỡ rằng nó đang ở thiên đường ?

... Mẹ ơi, mẹ đừng đi guốc cao thế, ngã thì sao ? Không, mẹ không ngã đâu. Mẹ ơi, mẹ làm thế nào mà xinh thế ? Mẹ chẳng làm gì con ạ. Mẹ ơi, mẹ đi chơi với con nhé. Không, mẹ bận rồi.

Con tôi ở đâu, giữa phố đông mịt mùng người và xe. Mạnh ai người đấy sống bởi gánh nặng của kiếp người đè ụp trên vai. Có một phải có hai, có hai phải có ba bốn. Hôm nọ, nó về, thay quần áo, tôi lấy đi giặt. Chợt sững người vì mớ quần áo nó đầy mùi khai của nước giải trẻ con. Tôi hỏi tại sao, nó bảo : " Con anh ấy ốm, con phải đến trông đỡ vì anh ấy không thể nghỉ làm ". Nó còn hãnh diện, mắt sáng lên bảo rằng thằng nhóc quấn nó lắm, và con gái cảm thấy đứa trẻ như con trai của mình. Tôi cảm thấy tôi nhìn thấy nó, ngồi bên người đàn ông. Hắn nhếch nhác trong bộ quần áo màu gạch, bẩn thỉu và hôi hám. Hắn đang ôm hôn con gái tôi, hai bàn tay lùng sục trong áo nó. Con gái như mê đi trong vòng tay hắn. Chiếc cặp sách rơi dưới đất. Trên bàn là hai cốc cà phê loãng toét, họ vào quán đâu phải để uống nước.

Tôi cảm giác con gái đang âu yếm vuốt ve hắn, xoa lên khuôn mặt nhăn nhúm vì tuổi tác của hắn với vẻ trìu mến và trải đời lắm. Hoá ra, đàn bà, ai cũng có những khả năng giống nhau : yêu đương ghen tuông và cuồng si.

... Mẹ ơi, ngày sau con có phải khổ như mẹ không ? Mẹ có khổ đâu ? Có, mẹ có khổ, đêm nào con cũng thấy mẹ khóc ? Ừ, mẹ buồn mẹ khóc. Bố làm mẹ buồn à ? Con đừng nhắc đến người đàn ông khốn nạn ấy nữa. Không, đấy là bố con, lúc nào con cũng đợi bố về...

Con ơi, con ở đâu. Sao khổ thế hả con, ai cứu con tôi bây giờ, ai giúp tôi lôi nó ra khỏi cái thiên đường địa ngục đó bây giờ ?

Mắt tôi bỗng đập vào một rừng hoa. À không, pháo hoa chứ. Còn nhớ, năm hai mươi bốn tuổi. Tôi và người tình đầu tiên lách chiếc xe đạp từng tí một, giữa dòng người, chân chôn chặt dưới đất nhưng ai cũng ngửa cổ lên trời để xem pháo hoa. Từng chùm hoa lắc rắc trên bầu trời tím ngắt. Tôi ôm lấy anh, như nuốt từng vì sao rơi rụng như muốn hét lên vì hạnh phúc. Bây giờ, những chùm hoa đó lại trở về. Chỉ có điều, nó không rụng từ bầu trời màu tím nữa, mà ùa thẳng vào mặt tôi.

Tôi không biết gì nữa ngoài cảm giác tất cả tan biến hết. Con gái. Người đàn ông thích ăn xôi buổi sáng cho chắc dạ và uống cà phê trong lúc yêu đương, lúc nào cũng chỉ cà phê. Những chùm pháo hoa... Thiên đường tuổi mười sáu !. .

Chẳng còn gì. Ngoài sự hư vô. Bầu trời pháo hoa vụt tắt và mở ra hun hút một vực sâu.

*

Cô gái ngẩng mặt, khẽ rùng mình :

– Anh, em tắc thở rồi. Gì mà tham !

Người đàn ông, giọng khê khàn đi :

– Anh yêu em, lúc nào cũng thèm em, không thể vắng được em trong những năm cuối cuộc đời anh.

Có tiếng ti vi của nhà chủ : " Mời nhận dạng... Công an quận... thông báo... vào hồi 6g34’ ngày... có một vụ tai nạn xảy ra trên đường... Nạn nhân là một phụ nữ trên 40 tuổi, mặc áo màu... xe đạp mini... chân đi giầy... không mang giấy tờ tuỳ thân... Ai là người nhà, mời đến đồn công an... nhận diện và làm thủ tục ".

Cô gái vội đặt tách cà phê xuống, nhưng người đàn ông cũng vừa tợp xong cốc cà phê của mình và choàng tay ôm lấy cô gái. Cô lại nhắm nghiền mắt, say lịm đi, không kịp nhìn lên màn hình. Phải chăng đó là điều may mắn cuối cùng của cô trước khi bước vào... hậu thiên đường ?

Noel 25. 12. 92

Nguyễn Thị Thu Huệ


(1) Hai nhân vật trong bộ phim TV nhiều kỳ người giàu cũng khóc của Mexice đã chiếu nhiều tháng trên truyền hình Việt Nam, rất đông người xem

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us