Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 41 / Nhìn lại . . .

Nhìn lại . . .

- Nguyễn Ngọc Giao — published 01/01/2012 00:00, cập nhật lần cuối 22/11/2012 12:04
1975-1995

Nguyễn Ngọc Giao


Cuộc chiến tranh Việt-Mỹ đã chấm dứt cách đây đúng 20 năm. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nội chiến quốc-cộng, hay đụng độ Ðông-Tây tại chiến trường Việt Nam, trong đó người Việt Nam cả hai bên chỉ là những con tốt, con mồi ? Hai mươi năm sau, nhận thức về bản chất cuộc chiến tranh vẫn còn tuỳ thuộc chính kiến, nếu không nói là quá khứ, của mỗi người. Cho đến ngày hôm nay, ở trong nước cũng như ở? nước ngoài, giữa người Việt Nam với nhau, vẫn chưa hề có một cuộc thảo luận nghiêm chỉnh, nghĩa là trong tinh thần khoa học và đối thoại anh em. Giữa người đã đứng cùng một phía, những cố? gắng nhìn lại quá khứ để giải hoặc (dé-mythifier) thường được quy chụp là phủ nhận sạch trơn, xúc phạm tới những gì thiêng liêng nhất, hay là phản bội quốc gia. Giữa những ngưuời đã từng khác chiến tuyến, nay thực tâm muốn hoà giải, mọi cuộc thảo luận sòng phẳng cũng thường được tránh né với mục đích thoạt trông chính đáng là hãy tạm gác những khác biệt quá khứ, cùng nhau hướng về tương lai, để rồi lâu lâu, vẫn lộ ra những hậu ý chiêu hồi, đòi hỏi người khác phải nhận sai lầm, và vin vào những sai lầm đã được thành thật thừa nhận ấy để biện minh cho toàn bộ việc làm của mình trong quá khứ.

Trong bối cảnh ấy, cuốn sách hơn 400 trang của ông Robert S. McNamara, In Retrospect : The Tragedy and Lessons of Vietnam (Times Book /Random House) / Nhìn lại : Thảm kịch Việt Nam và những bài học, là một sự kiện có ý nghĩa. Ý nghĩa trước tiên là tác giả của nó : bộ trưởng quốc phòng (1961-1968) dưới thời Kennedy và Johnson, McNamara thật sự là người quan niệm và công trình sư chủ chốt của cuộc chiến tranh mà nước Mỹ đã tiến hành ở Việt Nam. Mọi người còn nhớ, cuộc chiến tranh Việt Nam, trong những năm ấy, thường được gọi là McNamara's War, và bức tường điện tử cắt ngang Việt Nam và Lào theo vĩ tuyến 17 là McNamara's Wall. Là một trong những bộ óc “ tài giỏi nhất và xuất sắc nhất ” của nước Mỹ, McNamara đã chuyển từ công ty Ford (một biểu tượng của sức mạnh kinh tế Mỹ?) sang Lầu năm góc /Ngũ giác đài, rồi sau khi rời khỏi chính quyền năm 1968, thì lãnh đạo Ngân hàng Thế giới trong suốt hai mươi năm. Tên tuổi của ông ta đã gắn liền với cụm từ ghê rợn body count (đo tiến độ chiến tranh bằng cách đếm xác chết).

Hậu quả của cụm từ ấy, ngày nay mọi người đều biết. Về phía Việt Nam, 5 triệu ngườ?i chết (trong đó có khoảng 1, 3 triệu quân nhân hai phía), hơn 1 triệu thương binh, 300 000 người mất tích(1). Về phía Mỹ, 58200 người chết, hơn 2000 người mất tích, và phần lớn trong số 2, 5 triệu quân nhân Mỹ đã tham chiến ở Việt Nam còn mang trong mình những chấn thương thể xác hay tinh thần nghiêm trọng.

Ý nghĩa cuốn sách của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ còn nằm ở hoàn cảnh ra đời của nó : từ ngày từ chức (năm 1968) đến nay, trong suốt 27 năm trời, ông McNamara không hề phát biểu công khai về chiến tranh Việt Nam, về trách nhiệm bản thân của mình. Cuối cùng, bước vào tuổi 79, ông đã thổ lộ ý kiến “ trong một cuốn sách mà trước đây tôi không hề định viết ”.

Ý nghĩa cuốn sách, tất nhiên và quan trọng hơn cả, là ở nội dung của nó. Thật ra, In retrospect. . . không tiết lộ một tài liệu hay một bí mật to lớn gì về cuộc chiến. Song tác giả của nó đã thừa nhận trên giấy trắng mực đen :

- rằng nước Mỹ đã “ sai lầm, sai lầm khủng khiếp ” khi tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, “ đã nhận định sai về bản chất cuộc xung đột ”.

- rằng chính quyền Mỹ đã “ hoàn toàn coi nhẹ khía cạnh dân tộc chủ nghĩa củ?a phong trào Hồ Chí Minh ”, và đã “ quá tin vào khả năng của lực lượng quân sự ngoại nhập ”, nó " không thể xây dựng lại một quốc gia đã thấ?t bại (ý nói chế độ miền Nam) ”.

- rằng bản thân ông ta phải chịu trách nhiệm chủ chốt về “ sai lầm kinh khủng ” ấy cùng với tổng thống Lyndon B. Johnson và ngoại trưởng Dean Rusk.

Ðiều ghê gớm, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ khi cuốn sách ra đời, là McNamara đã nhận ra sai lầm ngay từ năm 1967 (thậm chí một hai năm trước đó), song vẫn duy trì chính sách chiến tranh, và sau đó, kéo dài sự im lặng, để con số quân nhân Mỹ tử trận, từ khoảng 7 000 (năm 1967), tăng vọt lên hơn 58 000 (năm 1973). Nhật báo The Boston Globe, trong một bài xã luận, sau khi nhận xét : “ Người ta phải khâm phục ông McNamara ngày nay đã can đảm công bố những suy nghĩ đích đáng của mình ”, đã đặt đúng câu hỏ?i : “ Nhưng trong những lúc (người Mỹ) chúng ta cần đến ông, thì ông McNamara ở đâu ?”.

Chúng ta hãy để tác giả In retrospect... đối diện với công luận Mỹ, và tiếp tục đối diện với chính mình, và hãy trở lại cuộc đối thoại giữa người Việt Nam về bản chấ?t hai cuộc chiến tranh đã diễn ra liên tiếp 30 năm trên đất nước, từ ngày 23 tháng 9-1945 ở? Sài Gòn cho đến ngày 30. 4. 1975 cũng vẫn ở Sài Gòn.

Chắc ngày nay không còn người Việt Nam nào, kể cả những người đã tham gia quân đội Liên Hiệp Pháp, phủ nhận rằng chiến tranh 1945-1954 là một cuộc kháng chiến của toàn dân, và cuộc kháng chiến ấy do những người cộng sản Việt Nam lãnh đạo (khi những người Việt Nam chống cộng lên án cộng sản “ cướp công kháng chiến ”, thì họ đã mặc nhiên thừa nhận sự thực đó). Mục tiêu cuộc kháng chiến và đối tượng của cuộc chiến tranh Việt-Pháp chính là : độc lập và thống nhất. Có cần nhắc lại : năm 1946, đến cả chữ độc lập, chính quyền Pháp cũng không chịu nói tới, dù chỉ ở cửa miệng. Và chính vấn đề Nam Bộ, hay thống nhất ba kỳ?, đã châm ngòi cho cuộc chiến tranh 9 năm.

Với hiệp định Genève 1954, hai mục tiêu ấy đã được thừa nhận trên một văn bản quốc tế, để rồi phủ nhận ngay trên thực tế. Bất luận ý kiến mỗi người ra sao về các tính chất của cuộc chiến tranh 1954-1975, cũng khó phủ nhận một điều cơ bản : độc lập và thống nhất vẫn còn là đối tượng, cho dù không duy nhất, của cuộc xung đột. Trung tướng Trần Văn Ðôn, một người đã tham gia quân đội Pháp, và đã từng đứng đầu quân lực đệ nhị Cộng hoà, không nói gì khác khi ông tuyên bố trên đài France Culture(ngày 10-4 vừa qua) : “ Với sự thất thủ Sài Gòn năm 1975, mục tiêu thống nhất đã được thực hiện ” (Tướng Ðôn còn nói rằng đó là mục tiêu của quân đội của cả hai phía, tôi xin coi đó là một tuyên bố chính trị, hơn là một khẳng định có tính chất sử học).

Sau cuốn sách của McNamara, có lẽ khó xoá trắng khía cạnh chống Mỹ cứu nước của cuộc chiến tranh Việt Nam lần thứ nhì. Vấn đề đặt ra nằm ở cạnh đó : ngoài tính chất giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, cuộc chiến tranh 54-75 còn có những tính chất gì khác nữa ?

Hiển nhiên, không ai có thể phủ nhận kích thước quốc tế của cuộc chiến tranh, trong khuôn khổ đối đầ?u giữa hai phe " xã hội chủ nghĩa ” và “ thế giới tự do ”. Thậm chí, có thể giả định rằng nếu không có khía cạnh quốc tế này, chắc chiến tranh Việt Nam không kéo dài như vậ?y, và với cường độ tàn khốc như thế. Song, khách quan mà nói, không thể đồng nhất mức độ tham chiến và can thiệp của một bên là Mỹ, một bên là Liên Xô và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Chính McNamara đã viết trong cuốn sách : “ Ở đây, một lần nữa, do thiếu vắng kinh nghiệm và hiểu biết lịch sử mà chính sách của Hoa Kỳ đã sai hỏng một cách nghiêm trọng ”, ý nói “ do nhận thức hiểm hoạ cộng sản như một khối nguyên tảng, nên những nhà hoạch định đường lối chính trị Mỹ đã không quan tâm đúng mức tới sự thù nghịch từ nhiều thế kỷ giữa Việt Nam và Trung Quốc ” (Reuter, 10. 4). Nói khác đi, ông McManama xác nhận một điều mà chúng tôi đã từng nêu lên trên mặt báo này(2) : Mỹ tiến hành chiến tranh Việt Nam như một bộ phận củ?a chính sách chống Liên Xô và/hay Trung Quốc, mà không hề có một chính sách Việt Nam xuất phát từ thực tế Việt Nam tự tại, quên hẳn một động lực cơ bản của lịch sử thế giới thế kỷ XX : khát vọng độc lập.

Về phần Liên Xô, ngày nay ai cũng biết là Krushev, và cả Brejnev đều ủng hộ Ðảng cộng sản Việ?t Nam một cách miễn cưỡng (điều này không mâu thuẫn với khối lượng viện trợ to lớn của Liên Xô trong 10 năm 1965-75). Còn về phía Trung Quốc, ngay tại Genève năm 1954, Bắc Kinh đã lộ rõ ý muốn kéo dài tình trạng chia hai Việt Nam(3). Dùng Việt Nam làm vật đổi chác với Mỹ vốn là hằng số trong chiến lược của Mao Trạch Ðông, nhưng để thực hiện ý đồ ấy, tác giả Thực tiễn luận tỏ ra rất sáng tạo trong thực tế : khi thì ủng hộ Việt Nam hết mình, khi thì chỉ ủng hộ miệng, khi thì nói một đằng, làm một nẻo. Nhưng sẽ trái với sự thật lịch sử nếu nói rằng Trung Quốc đã áp lực để tiến hành chiến tranh. Người ta có thể phê phán nghiêm khắc các nhà lãnh đạo Ðảng cộng sản Việt Nam là đã sao chép một cách máy móc mô hình Mao và mô hình Stalin trong việc tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, cũng như trong việc tiến hành cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp và quản lý kinh tế, văn hoá, xã hội ; song, cần phải trả cho César cái gì của César, họ đã tiến hành cuộc chiến tranh vì mục tiêu độc lập và thống nhất, và nói chung, đã khôn khéo tranh thủ sự ủng hộ tối đa, nhiều khi miễn cưỡng, của hai đồng minh cộng sản.

Có hay không, khía cạnh nội chiến, trong cuộc chiến tranh giải phóng ?

Hai mươi năm nội chiến từng ngày... ”, cùng với Trịnh Công Sơn, hàng triệu thanh niên Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17 đã tâm niệm câu thơ xé lòng ấy trước năm 1975. Và có lẽ từ năm 1975 trở đi, âm hưởng của nó cũng đã vượt tuyến, đi vào lòng người cả nước. Cố nhiên, sự thật của trái tim không đồng nhất với chân lý lịch sử. Nhưng trước tiên, hai chữ nội chiến đã diễn tả bằng ngôn ngữ bình thường, dễ hiểu cái thảm trạng huynh đệ tương tàn mà hầu như mọi gia đình Việt Nam đã trải qua. Xét về mặt khách quan, phải nói rằng nếu như không ai phủ nhận được chính nghĩa của cuộc kháng chiến lần thứ nhất, thì cũng có một việc khó chối cãi được, là : từ năm 1950, khi chủ? nghĩa Mao xâm nhập vào chiến khu Việt Bắc, với những cuộc chỉnh huấn, rồi đấu tố, rồi chỉnh đốn tổ chức, không khí vùng kháng chiến đã trở thành nặng nề, ngột ngạt, một bộ phận không nhỏ của tầng lớp tiểu tư sản, trí thức đã rời bỏ hàng ngũ kháng chiến. Sự dinh tê ấy không thể giải thích chỉ bằng sự mệt mỏi, hay bản chất dao động tạch tạch sè. Với thời gian, và sự chia cắt đất nước hầu như toàn diện, đó là cơ sở lịch sử của một sự phân hoá xã hội Việt Nam, tạo ra một bộ phận dân tộc bị đẩy vào một cái thế lưỡng nan không thể có lối ra : đi với cộng sản thì không có tự do, dân chủ, đi với chính quyền Sài Gòn thì đi ngược lại sự nghiệp độc lậ?p. Còn lại, là quy luật của cuộc sống, nhất là cuộc sống trong chiến tranh, một cuộc chiến tranh thừa mứa phưuơng tiện vật chất về phía Mỹ : mọi người phải sống với, trong, và cho một chế? độ, một quân đội, một bộ máy đàn áp, một định chế có gần đầy đủ tính chất của một quốc gia, cho dù quốc gia ấy phải mượn tạm cả? bài quốc ca. Cuộc chiến tranh Việt Nam, do đó, có cả những nét của một cuộc nội chiến.

Kích thước ấy, sau 1975, lẽ ra đi vào quá khứ thì do chính sách của chính quyền cách mạng (học tập cải tạo, phân biệt đối xử, nhìn đâu cũng thấy “ nguỵ ” ... ) lại có phần đậm nét hơn trong tâm tưởng của người dân. Cuộc đổi mới bắt đầ?u năm 1986 lẽ ra là cơ hội để nhìn lại quá khứ một cách thành khẩn, tĩnh tâm hơn, đã bị khựng lại về mặt chính trị và tư tưởng, dẫn tới co cụm, cấm đoán mà các tác phẩm của Bảo Ninh (tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, truyện ngắn Gió dại. . . ) vẫn còn đang gánh chịu. Hai vận hội bị bỏ lỡ ấy, vận hội hoà giải hoà hợp năm 1975, và vận hội dân chủ hoá năm 1986, đang còn đè nặng lên hiện tại, và tương lai đất nước.

Thuyết diễn biến hoà bình mà bộ máy tuyên huấn của Ðảng cộng sản Việt Nam đang rao giảng để biện minh cho sự co cụm cũng giống như thuyết domino của các chính quyền Mỹ đưa ra để biện minh cho cuộc chiến tranh Việt Nam. Chừng nào, sự lo sợ cái gọi là diễn biến hoà bình bắt nguồn từ sự sụp đổ thực sự của Liên Xô và khối Ðông Âu, và phần nhỏ? nào đó, từ cả những toan tính khấp khởi của những tổ chức chống Cộng trong cộng đồng hải ngoại, hôm trước còn hô hào võ trang phục quốc, hôm sau trở thành những chiến sĩ dân chủ chuẩn bị? ngày mai (không) chiến thắng trở về. Tất nhiên, sự lo sợ (thực sự) có thể giải thích phần nào sự co cụm, từ khước mọi sáng kiến dân chủ hoá, song nó không thể nào biện minh cho sự ù lỳ nguy hạ?i đó. Mặt khác, thái độ bảo thủ của chính quyền, tiếp theo những năm dài kiêu căng, độc quyền có thể giải thích, nhưng cũng không thể biện minh, cho sự từ chối nhìn lạ?i quá khứ một cách sòng phẳng của những người chống Cộng thực tâm vì lý tưởng tự do, dân chủ.

Sòng phẳng với quá khứ, tự hào vì thành quả độc lập thống nhất hay chấp nhận nó như một thực tại không thể đảo ngược (và là một điều kiện cần thiết để xây dựng), nhận thức rằng dân chủ, tự do là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam còn phải phấn đấu, và từng bước dân chủ hoá trong ổn định là điều kiện tạo ra sự đồng thuận cần thiết để phát triển đất nước : đó phải chăng là bài học mà người Việt Nam chúng ta có thể rút ra từ hai cuộc chiến tranh, hai mươi năm sau khi súng đạn ngừng nổ ? Hơn cả một bài học, đó có lẽ còn là đòi hỏi xuất phát từ quyền lợi của dân tộc. Tránh né hay trì hoãn đòi hỏi ấy, sợ rằng dân tộc ta sẽ quay lưng với thế kỷ XXI, và lần này, trách nhiệm sẽ không thể quy vào những McNamara nào khác.

Nguyễn Ngọc Giao


1) Theo Thông tấn xã Việt Nam (3. 4. 95), lần đầu tiên Bộ lao động, thương binh và xã hội công bố những con số (ước tính) về tổn thất chiến tranh 54-75 : 4 triệ?u thường dân bị chết (mỗi miền 2 triệu), 1 triệu 100000 bộ đội (Quân đội nhân dân và Quân giải phóng) tử trận, 600000 thương binh. Theo số liệu Mỹ, số binh sĩ quân đội Việt Nam cộng hoà tử trận là 223 748 người (bị thương 500ứ000 người), quân đội Mỹ 58200 người (300ứ000 bị? thương), quân đội Nam Hàn, Úc, Tân Tây lan, Thái Lan 5200 người (tổng hợp tin AP và AFP).

2) xem bài Khi ba ngọn cờ giương cao. . . , trong Diễn Ðàn số 39 (tháng 3. 1995).

3) François JOYAUX, La Chine et le Règlement du premier conflit d'Indochine, Genève 1954, Publications de la Sorbonne, Paris, 1979, 468 p.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us