Lê Ðạt và Bóng Chữ
Lê
Đạt và Bóng Chữ
Đặng Tiến
J'ai reculé les
limites du cri
Paul Eluard, 1940
Bóng Chữ tập thơ Lê Đạt từ ngày xuất bản, 1994, đến nay, đã gây nhiều dư vang và dư luận, một hiện tượng hiếm hoi trong lĩnh vực thơ, và đáng mừng vì chứng tỏ ngày nay còn có nhiều người lưu ý đến thi ca. Cuộc thảo luận, kéo dài non một năm nay, tuy chưa mở ra được những nẻo đường mới, chưa giải phóng những tiềm năng sáng tạo dồn nén trong thơ từ nhiều thập niên qua, trước một nền thi ca thế giới thường xuyên đổi mới, vẫn là một tiến bộ. Những giáo điều đang thay đổi, vẫn là giáo điều nhưng cũng có đổi thay.
Bóng Chữ là một tác phẩm quan trọng tâm huyết của một tác gia đã làm thơ non nửa thế kỷ.
Thế Giới Này Là Của Chúng Ta tập thơ đầu tay của Lê Đạt đã xuất bản từ 1955, sau đó là Bài Thơ Trên Ghế Đá, 1957. Nhưng cùng với nhiều bạn thơ khác như Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao cùng in chung một tập thơ Cửa Biển, nhà thơ Lê Đạt dính vào phong trào Nhân Văn Giai Phẩm nên bị trù yểm suốt non ba mươi năm. Dư luận ít nhắc đến Lê Đạt, tư liệu về anh cũng không nhiều.
Theo kỷ yếu của Hội nhà văn, Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh ngày 10.9.1929 tại làng Á Lữ, tỉnh Bắc Giang, bên bờ sông Thương, gần Yên Thế. “ Đất quê cha tôi / đất quê Đề Thám ” (Bóng Chữ, tr. 7), anh lớn lên tại “ một tỉnh thượng du bụi đỏ / Bến Âu Lâu sông Hồng ” (tr.14) và hiện sống tại Hà Nội, “ 9 gác Lãn Ông / Lòng xanh xuân chờ ” (tr. 84).
Bóng Chữ còn
mang đậm nhiều chi tiết khác trong đời sống thực
sự của tác giả. Tập thơ không phải trò
chơi chữ chập chờn như đã có người nói
mà là ám ảnh của một đời dài
gian lao, lận đận.
*
Tập thơ gồm 108
bài, phần nhiều thơ ngắn, hai câu, năm mười
câu ; dăm bài dài nhất chỉ độ trăm câu.
Hai mươi bài thơ (ngắn) làm từ 1965 đã
in chung với thơ Dương Tường trong tập 36 Bài Tình
(1989). Bài Cha Tôi
làm từ 1956. Đoạn văn
xuôi Nhân Con Ngựa Gỗ
là tuyên ngôn
của trường phái thơ Lê Đạt, trích đoạn
một bài báo đã đăng trên tạp chí
Tác Phẩm Mới số 3–1992 trong đó tác giả
xác định quan điểm sáng tác : “ thơ
phải cô đúc, đa nghĩa. Đa nghĩa vì câu
thơ mang nặng lịch sử chữ, hoạt động ở nhiều tầng
văn hoá, cả trong ý thức lẫn vô thức
người viết (...) Nói như Valéry chữ trong thơ
và văn xuôi tuy giống nhau về hình thức
nhưng khác nhau về giá trị (...) Nhà thơ
làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “ tiêu
dùng ” nghĩa tự vị của nó mà còn
ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi
cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ
và bài thơ ” (tr. 50). Điều này hiển
nhiên và không mới, các nhà văn
nhà thơ phương Tây đã nói cách
đây hàng trăm năm, nhóm Xuân Thu Nhã
Tập tại Việt Nam đã vang vọng từ 1942 (in lại tại
Hà Nội 1992). Từ thời Kháng chiến chống Pháp
gian nan (1949) Nguyễn Đình Thi đã viết : “ Chữ
và tiếng trong thơ phải còn có một giá
trị khác, ngoài giá trị ý niệm.
Người làm thơ chọn chữ và tiếng không
những vì nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào
là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt.
Điều kỳ diệu của thơ là mỗi tiếng mỗi chữ,
ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công
dụng tên của sự vật, bỗng tự phá tung ra, mở
rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc,
những hình ảnh không ngờ, toả ra chung quanh nó
một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh
nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy ”.
Nguyễn Đình Thi đã dùng một hình
ảnh cụ thể, đúng và đẹp : “ Mỗi
chữ như
một ngọn nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp
bên nhau thành một vùng ánh sáng
chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn
nến, nó ở tất cả chung quanh những ngọn nến. Ý
thơ không những trong những chữ, nó vây bọc
chung quanh. Người xưa nói : thi tại ngôn ngoại.
” (1)
Về địa hạt này,
bản thân tôi cũng đã có đóng
góp nhiều bài. Thơ là gì ? Thơ hay và
văn hay. (2)
I. Lăm răm nắng cúc
Bóng Chữ của
Lê Đạt ghi lại lịch sử một đời người, qua buồn
vui một cá nhân, giữa thăng trầm của dân
tộc, và trăn trở của một nghệ sĩ thường xuyên
tra vấn ngôn ngữ. Ba yếu tố ấy quyện vào
nhau làm nền cho tập thơ, nhưng thành phần thứ
ba, những thí nghiệm ngôn ngữ có phần
khúc mắc, che lấp tình, ý của tác
giả, dễ làm người đọc lạc hướng và lạc
lõng. Sự thật Lê Đạt chỉ tạo rung cảm mới
bằng một vài thủ pháp : đảo ngữ, ẩn ngữ,
nhấn mạnh vào ngữ âm, khai thác tính
đa nghĩa trong từ vựng, sử dụng điển cố văn học một
cách rộng rãi, từ tục ngữ, ca dao đến thi
pháp nước ngoài. Khai thác kinh nghiệm
những người đi trước, từ Baudelaire, Maiakovski đến thơ
siêu thực và hiện đại Pháp, tiếp cận
những lý thuyết văn học, ngữ học và nhân
học mới, Lê Đạt thực tâm muốn làm mới
thơ mình. Nói theo ngôn ngữ phê bình
hiện đại, thì Lê Đạt khai thác triệt để
khả năng văn học của ngôn ngữ về hai mặt từ hệ
(paradigme)
và từ tổ (syntagme),
lịch đại
(diachronie)
và đồng đại (synchronie).
Thơ Lê
Đạt, dù cầu kỳ, cũng không thoát khỏi
bốn cạnh của ô vuông đó.
Thử đọc một câu thơ Lê Đạt :
Liễu đầu cành
độc
thoại đoạn trường xanh
(Tỏ Tình, tr. 35)
Chữ nghĩa, mặc nhiên, nhắc tới cuộc chia ly trong Chinh Phụ Ngâm :
Liễu dương biết
thiếp đoạn trường này chăng
(Dương liễu na tri
thiếp đoạn trường)
Chữ độc thoại sâu sắc : con người hỏi cây liễu về nỗi lòng mình, còn cây liễu thì... hỏi ai ? Lê Đạt đã nói lên được niềm cô đơn câm nín của những cuộc đời không có tiếng nói, hay có tiếng nói mà không ai nghe, không ai hiểu.
Chữ xanh trong “ đoạn trường xanh ” rất hay vì nhắc lại ý “ đoạn trường tân thanh ”, và tạo cho hai chữ “ tân thanh ” một ý nghĩa khác với Nguyễn Du.
Vẫn một chữ liễu :
Cầu nước chảy
bóng chiều xuân tha thướt
Xanh Thanh minh em thổi
liễu vô hình
(bài Nguyễn Du, tr.112)
Câu thơ nhắc đến Kiều, đoạn tả Thanh minh :
Dưới dòng
nước chảy trong veo
Bên cầu tơ
liễu bóng chiều thướt tha
và có lẽ cần nhớ thêm cầu thệ thuỷ với quán thu phong của Ôn Như Hầu. Trong Kiều, khi chàng Kim ngoái lại nhìn, còn thấy Thuý Kiều, dần dần hình ảnh cô gái nhoà đi trong dáng liễu, nhưng vẫn còn dáng liễu và ánh nắng. Trong Lê Đạt, hạnh phúc qua đi là mất hết.
Một chữ liễu khác :
Cười tít ông
già gốc liễu
Ở ẩn
còn trồng
bích đào
(bài Đào Uyên Minh, tr.102)
Đào Tiềm, tự là Uyên Minh có bài ký kể Chuyện Ông Già Năm Cây Liễu, lánh đời, ẩn dật bên cạnh năm cây liễu. Câu thơ Lê Đạt tinh quái ở một chữ “ còn ” đối lập “ ở ẩn ” với “ bích đào ”, ý nói tránh tục luỵ mà vẫn còn mê nhan sắc. Chữ cười tít thân mật, hài hước, ngụ ý : trồng liễu, trồng cúc hay bích đào, mê say cái này hay cái khác ở đời, cũng vậy thôi.
Người xưa có chuộng cánh chim chiều trên núi Nam San như Đào Tiềm hay yêu cô gái hái sen như Bạch Cư Dị :
Cô gái
trộm hái sen
về
ủ tuổi
Lỏng khuy cài
gió
cởi
một dòng hương
(bài Bạch Cư Dị, tr.104)
Ngày nay thích cái quần jin xổ dài cũng vậy thôi.
Bài thơ về Hồ Xuân Hương vỏn vẹn hai câu :
Xuân chẳng
buông hương,
Sao bướm vượt đường
Kìa hoa leo
tường
là hoa dâm bụt
(bài Hồ Xuân Hương, tr.112)
Câu sau cấu trúc theo đồng dao lại dựa trên hình ảnh leo tường theo cổ văn (Mạnh Tử, Tống Ngọc...) gợi cảnh trai gái vụng trộm, nhưng người đọc không cần hiểu đến ngành đến ngọn như thế, cũng đoán ra được ý. Và hay nhất là chữ “ dâm bụt ”, một loài hoa dại “ không trồng mà mọc ” tươi thắm, lộ liễu, nở trên những hàng rào bờ giậu : đã bụt rồi mà vẫn còn... dâm. Ranh mãnh không kém Xuân Hương. Một lối đối lập như vậy nhưng đau thương hơn :
Ai xui em đẹp em
xinh
Ba lần con thiến
gáy
(Mới Tuổi, tr.25)
Đau đớn vì một chữ “ thiến ” : con gà, bộ phận sinh dục bị phế thải, mà vẫn còn tình yêu, vẫn còn thê thiết “ gáy ”. Tiếng gọi tình tuyệt vọng, “ não nùng ” hơn tiếng gà trong thơ Lưu Trọng Lư. Ba lần là tiếng gọi hồn :
Hương thắp ba lần
không
đáp lửa
Hồn có nhà
hay bát
mộ đi xanh
(Thanh Minh, tr.134)
Thơ Lê Đạt thường đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ về từ ngữ, ngay cả trong những đề tài thời sự :
Tuổi Việt Minh
thu
băm sáu bến cờ hồng
Áo bướm phố
truyền đơn
Nắng rám
má
bòng thơm mười chín
(Tuổi Việt Minh, tr.100)
Hai câu đầu dễ đoán : Hà Nội ba mươi sáu phố phường, vào những ngày cách mạng mùa thu tràn ngập cờ hồng. Và truyền đơn bươm bướm bay như những tà áo, Hàng Đào, Hồ Gươm đã một thời nổi tiếng. Nhưng còn “ má bòng ” ? Ở đây phải biết câu tục ngữ : tháng tám nắng rám trái...bưởi, chị em với...bòng ! Từ đó, ló ra ý “ tháng tám ” và “ mười chín ” là ngày Hà Nội cướp chính quyền 19-8-1945. Dĩ nhiên ai hiểu tuổi mười chín thơm đôi má hay má chín như trái bòng, cũng không sao.
Thu Nhà Em là một bài thơ hay và trong sáng :
Anh đến mùa
thu nhà em
Nắng cúc lăm
răm vũng nhỏ
Mà cho đấy
rửa lông mày
Nông nỗi heo
may từ đó
Mưa đêm tuổi
nổi ao đầy
Đồi cốm đường
thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa
ngày
Tin phấn vàng
hay thuở gió
Tóc hong mùi
ca dao
Thu rất em
và xanh rất
cao
(Thu Nhà Em, tr.26)
Âm điệu bay nhẹ trên những cánh thơ sáu chữ nhiều âm bằng, nhiều chữ em và vần m. Một câu thơ cô đúc :
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Chữ “ lăm răm ” không có trong từ điển, có lẽ do Tản Đà sáng tạo trong bài Gửi Chị Hàng Cau (1916) :
Ai đang độ ấy lăm răm mắt
Tản Đà tạo ra từ “ lăm răm ” trên nhiều cơ sở : tiếng Việt đã có những chữ na ná : “ lăm tăm ” và “ lâm râm ” : mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ trong ca dao. Lại có :
– Cô nào
con mắt lá răm
Đôi mày
lá liễu đáng trăm quan tiền
– Cổ tay em trắng
như ngà
Đôi mắt em
liếc như là dao cau
Bài thơ Tản Đà gửi cô hàng cau, và gợi hình ảnh đôi mắt tình tứ. Trong câu thơ Lê Đạt, chữ lăm răm tả ánh nắng lăm tăm, lăn tăn trên vũng nước, mà đồng thời gợi tác dụng của đôi mắt : hình ảnh toàn bài thơ phản ánh ca dao :
Trên trời có
đám mây xanh
(...)
Đừng rửa
lông mày chết cá ao anh
Trong thơ Lê Đạt “ vũng nhỏ ” nhắc lại đôi mắt, vào một ngày thu biêng biếc : nước phải thật trong và trời phải thật xanh, như trong thơ Nguyễn Khuyến, lại có thêm nắng cúc vàng hanh ấm áp.
Bình thường không ai nói “ nắng cúc ” mà chỉ nói trà cúc, rượu cúc : do đó màu nắng dậy lên chất men ngây ngất. Cảm giác ấy, ta có gặp trong văn xuôi : “ Buổi sáng mùa đông ngây ngất vào lối 10 giờ ” (Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa, tr.11) hay thơ Huy Cận : Chỉ biết trời xanh là ta say. Người xưa nói : thu ẩm hoàng hoa tửu là ám chỉ rượu cúc. Lê Đạt không nói gì về rượu, người đọc vẫn ngất ngây, cho đến câu cuối :
Tóc hong mùi
ca dao
Thu rất em
và
xanh rất cao
Câu thơ trước chỉ vỏn vẹn năm chữ mà nói lên được năm cảm giác của ngũ quan. Câu dưới biến từ loại (nature grammaticale) thành từ tính (qualificatif). Chữ “ rất ” biến “ em ” thành tính từ, trong khi chữ “ xanh ” trở thành thể từ. Không gian từ hữu thể như tan biến, như thăng hoa thành vô thể, trong “ quãng trời hình như không có màu nữa, cao lên và rộng mông mênh ” (Nhất Linh, trong Đôi Bạn, tr. 211).
Thu Nhà Em là một bài thơ hay và hàm súc. Bình luận sẽ không cùng khi đã biết rằng :
Nông nỗi heo may từ đó...
Đặng Tiến
(còn tiếp)
(1) In lại trong Tác Phẩm Mới, Hà Nội, số 3-1992
(2) Giai Phẩm Văn, Sài Gòn, tháng 10 và 12 năm 1973
Các thao tác trên Tài liệu