Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 42 / Nho giáo đã thành vấn đề như thế nào với nước Việt Nam ngày nay ?

Nho giáo đã thành vấn đề như thế nào với nước Việt Nam ngày nay ?

- Trần đình Hượu — published 03/02/2012 02:15, cập nhật lần cuối 22/11/2012 12:14

Trần đình Hượu

Ngày nay vấn đề Nho giáo đang được đặt ra rộng rãi không chỉ trong giới nghiên cứu mà cả trong xã hội rộng lớn. Nếu như từ những năm 60, trên thế giới nhiều người không chú ý đặc biệt đến chủ nghĩa Mao và tình hình phát triển tăng tốc của Nhật Bản và các “ con hổ ” châu Á, và nhìn đằng sau đó ảnh hưởng của Nho giáo, thì có lẽ vấn đề Nho giáo đã không được đặt lại. Nói thế có lẽ cũng chưa hoàn toàn đúng. Cũng vào quãng thời gian ấy, một số không ít người cũng đã nghĩ đến Nho giáo. Vì hiện tượng bỏ mất truyền thống trong thanh thiếu niên, có người đã nghĩ trở lại đạo đức hiếu đễ trong gia đình, thái độ tôn sư trọng đạo trong nhà trường, trật tự có trên có dưới và đạo đức kính nhường trong xã hội... Do ảnh hưởng từ bên ngoài hay do thực tế bên trong có nhiều hiện tượng tiêu cực, cả hai phía đều dẫn đến chỗ xét lại cách suy nghĩ về Nho giáo. Vấn đề đặt lại đang hấp dẫn càng ngày càng nhiều người quan tâm. Từ đầu thế kỷ đến nay, cách đánh giá Nho giáo hầu như đã là định luận. Nho giáo đề cao quân quyền, phụ quyền, nam quyền, đề xướng tam cương, ngũ thường, tam tòng tứ đức... Ðó là học thuyết bảo vệ chuyên chế, là ý thức hệ phong kiến. Nho giáo làm cho nước yếu dân hèn, bảo thủ lạc hậu, không còn có ích gì cho xã hội hiện đại. Các nhà nho duy tân đầu thế kỷ, những trí thức Tây học vào những năm 20, 30 rồi những người cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin nối tiếp nhau phê phán Nho giáo, cho đến tuyên truyền quét sạch tàn dư của tư tưởng Nho giáo trong xã hội.

Nếu hiểu Nho giáo chỉ là ý thức hệ phong kiến như vừa nói thì chắc ngày nay cũng không ai có hứng thú khôi phục nó làm gì. Sức hấp dẫn mà nhiều người mong tìm đến để cải thiện thực tế phải là cái gì khác trong đó. Xét lại nội dung và vai trò Nho giáo là để hiện đại hoá đất nước, theo thực tế ngày nay, tức là vào lúc ta cùng với thế giới bước vào ngưỡng cửa của thế kỷ XXI.

Ðể bước vào thế kỷ XXI, trên vai chúng ta còn nặng trĩu biết bao khó khăn chồng chất. Chủ nghĩa xã hội, tuy được Bác Hồ lựa chọn và nhân dân mong ước, đưa ra thực hiện trong vài ba thập kỷ, đã không đưa lại tất cả những điều giống như lý thuyết. Hơn nữa nó cũng đẻ ra và không ngăn chặn có hiệu quả những cái xấu, những tệ nạn trong xã hội. Trên phạm vi thế giới, phe xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Nhiều khó khăn, và không phải chỉ là những khó khăn về kinh tế. Từ Ðại hội VI, Ðảng đã có chủ trương đổi mới. Cho đến nay sự nghiệp đổi mới cũng đã đưa lại những kết quả ở nhiều mặt. Ðể đổi mới phải tìm một chiến lược ổn định và phát triển. Một phương hướng quan trọng là dân chủ hoá. Cũng đang xúc tiến việc cải tiến cách tổ chức xã hội và thực hiện một chiến lược con người, nâng cao chất lượng văn hoá giáo dục... Trong từng công việc như vậy cũng lại đặt ra những vấn đề liên quan đến Nho giáo.

Một chiến lược phát triển ? Nhưng chúng ta phát triển theo phương hướng nào ? Chúng ta suy nghĩ như thế nào về kinh nghiệm của chủ nghĩa Mao và của cung cách phát triển của Nhật Bản và các nước “ con hổ ” châu Á, là những nước cách này hay cách khác đều xuất phát từ thực tế chịu ảnh hưuởng Nho giáo ? Chúng ta lựa chọn như thế nào ? Con đường Âu hoá hay theo truyền thống Ðông Á ?

Chúng ta quyết tâm đổi mới. Nhưng trong lịch sử, các nước theo Nho giáo thường là không dễ đổi mới. Muốn đổi mới ở những nước đó cần đến những biện pháp gì ?

Dân chủ hoá là đòi hỏi cấp thiết. Nhưng trật tự trên dưới của Nho giáo vốn là không đi đôi được với dân chủ. Chúng ta giải quyết thế nào mâu thuẫn giữa truyền thống với đòi hỏi dân chủ

Trong vấn đề tổ chức lại xã hội, đào tạo con người tương lai, ở đâu cũng có vấn đề thái độ đối với Nho giáo.

Vì bất bình với thực tế ngày nay, có lẽ cũng có những người tưởng cứ khôi phục lại nề nếp cũ (theo Nho giáo) thì sẽ sống tốt hơn : con người cần kiệm hơn, mọi người ăn ở với nhau tình nghĩa hơn, xã hội trật tự, êm ấm hơn, cán bộ cũng thanh liêm, trong sạch hơn... Nhưng những người chín chắn hơn thì suy nghĩ theo một phương hướng khác : một dân tộc không thể thoát ly truyền thống văn hoá mà phát triển được. Không những bước phát triển về sau phải bắt đầu từ chỗ của bước trước, phải xây dựng cái mới với những cái quá khứ để lại, mà bước sau còn bị quy định một chừng mực nào đó bởi bước trước. Càng ngày chúng ta càng nhìn nhận ra tác động của yếu tố văn hoá trong tiến trình phát triển. Mà trong truyền thống văn hoá Việt Nam thì Nho giáo có vị trí rất quan trọng.

Ai cũng biết trong truyền thống Việt Nam không chỉ có Nho giáo. Trước Nho giáo đã có văn hoá bản địa, đã có Phật giáo. Và sau Nho giáo còn có văn hoá phương Tây. Và trong thực tế thì bên cạnh Nho giáo cũng có Phật giáo, Ðạo giáo, tư tưởng Âm Dương, Ngũ hành... Thế nhưng trong mấy thế kỷ Nho giáo làm chủ trong địa hạt chính trị, xã hội, giáo dục, học thuật, vì vậy có ảnh hưởng sâu sắc nhất, ảnh hưởng đến cơ chế kinh tế - chính trị - xã hội mà ảnh hưởng đến cả ý thức, tâm lý, cách sống của con người.

Ngày nay Nho giáo là gì chưa phải đã là vấn đề rõ ràng. Ảnh hưởng của nó, tàn dư của nó ở đâu, tốt xấu thế nào cũng phải là chuyện phải bàn cãi nhiều.

Kinh Truyện, sử sách còn khá đầy đủ. Các sách viết về Nho giáo bằng tiếng Việt thì ít, nhưng bằng tiếng nước ngoài thì cực phong phú. Gần đây có nhiều cuốn, được in lại hoặc mới dịch được xuất bản. Ðó là điều đáng mừng, nhưng cũng chưa hết khó khăn. Ý kiến đang khá phân tán. Hơon thế Nho giáo khi đi vào thực tế, tác động đến xã hội, ảnh hưởng đến đời sau, không nguyên vẹn như trong Kinh Truyện. Một mặt khi đưa ra thực hiện nó phải chuyển thành những “ tín điều ”, những hạng mục cụ thể để theo. Mặt khác nó phải thích nghi với hoàn cảnh, nhu cầu thực tế mà mang mầu sắc thời đại và dân tộc, địa phưuơng. Trong sự phát triển lâu dài, nó cũng tiếp thu thêm không ít những yếu tố của các học phái dị kỷ và đối địch. Cho nên không những Nho giáo đời Khổng Mạnh khác Nho giáo đời Tống. Nho giáo Nhật Bản khác Nho giáo Trung Quốc, mà Nho giáo trong địa hạt chính trị cũng khác Nho giáo trong địa hạt văn học chẳng hạn.

Có hiểu đúng cả Nho giáo lý thuyết trong Kinh Truyện và cả cái Nho giáo trong thực tế, trong cuộc sống, nhất là tìm ra cơ chế tác động của Nho giáo vào thực tế, hình thức tồn tại của nó trong xã hội, trong văn hoá thì mới đánh giá đúng ảnh hưởng của nó không chỉ ngày xưa mà cả ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở vùng Ðông Á. Ðó là những tri thức rất cơ bản, làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề ngày nay nhiều người quan tâm, liên quan đến con đường phát triển của xã hội ta.

Ðặt lại vấn đề Nho giáo và vai trò của nó như vậy là một việc làm hợp thời, có ý nghĩa thời sự và thực tiễn. Ðịnh hướng sự phát triển của đất nước trên cơ sở truyền thống văn hoá thường giành được cái thế thuận lợi : hợp lòng người và ít gặp trở lực cho nên dễ có hiệu quả. Phải chăng cũng có thể nghĩ đến một con đường phương Ðông để hiện đại hoá ? Và như vậy thì nhiều hay ít - và có lẽ nhiều hơn ít - con đường đó sẽ có quan hệ với Nho giáo.

Trần Ðình Hượu

(10.7.92)
Văn hoá & Ðời sống số 29
nxb TP Hồ Chí Minh, 11.1992

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Dấu Ấn Ký Ức: Trí thức Việt trên đất Pháp 18/05/2024 13:00 - 19:00 — Trung tâm văn hoá Việt Nam tại Pháp (Centre Culturel du Vietnam en France), 19 rue Albert, Paris 75013
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Rencontre avec Alain Ruscio 28/05/2024 18:00 - 20:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville - 79 rue Nationale, Paris 13e
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss