Nho giáo và ta
Nho giáo và ta
thái độ tinh thần
bùi mộng hùng
Chúng ta gánh quá khứ đi vào tương lai. Không quá khứ, dân tộc cũng chẳng có tương lai. Tuy nhiên, thiếu sáng tạo, rập khuôn theo cái cũ, quá khứ trở thành gánh nặng. Ðã làm ngã gục trên đường diễn biến của lịch sử biết bao nền văn minh chói lọi một thời.
Vấn đề là làm sao cho những tập tục, thói quen đã được chắt lọc thành di sản đời nọ truyền lại cho đời kia và đã tạo nên phong cách của dân tộc ứng xử với mình với người với thiên nhiên không làm trở ngại cho việc tiếp thu cái lạ, chuyển hoá chúng nên cái mới. Nhờ vậy mà đậm bản sắc riêng, những giải pháp đáp ứng với các vấn đề thời đại đặt ra cho dân tộc cho loài người.
Vấn đề đặt ra cấp thiết với dân tộc Việt Nam, sau mấy chục năm hy sinh xương máu mới giành lại được chủ quyền, đang đứng trước lựa chọn con đường cho vận mệnh của mình : khéo chọn là cơ hội ngàn năm một thuở cả dân tộc vượt qua tình trạng nghèo nàn lạc hậu mở ra một tương lai cho hôm nay và mai sau ; vụng tính thì cứ quẩn quanh không thoát ra khỏi vòng chậm tiến, mất chủ quyền, trước tiên là chủ quyền kinh tế ngay trên đất nước của mình.
Chính vì vậy mà vấn đề truyền thống văn hoá trở nên một vấn đề thời sự của ta. Trong tầm nhìn văn hoá này, tất cả mọi yếu tố truyền thống đều quan trọng, truyền thống xa xưa, truyền thống trong thời gian trăm năm sống dưới ách thực dân và truyền thống mới hình thành những thập niên vừa qua trong kháng chiến giành độc lập thống nhất cho đất nước.
Nho giáo chỉ là một trong các yếu tố truyền thống đó. Nhưng lại là ý thức hệ chủ đạo nhào nặn nên khuôn mặt chính trị, xã hội, kinh tế của ta suốt nhiều thế kỷ. Chính vì vậy mà từ xưa tới nay, con mắt ta nhìn Nho giáo đầy thiên kiến. Sùng bái như chân lý tuyệt đối trong một thời gian dài. Cho đến ngày va chạm với Tây phương, cả cái thế giới ta xây dựng theo ý thức hệ đó sụp đổ. Bừng dậy, ta đổ lên riêng đầu Nho giáo cái tội làm nước yếu dân hèn. Ðã có những lúc cương quyết đòi quét cho sạch, nhổ cho hết tàn dư tư tưởng Nho giáo trong xã hội.
Nhưng rồi, các “ con rồng ” Ðông Á đồng loạt phát triển kinh tế liên tục với một tốc độ đáng nể. Ðể lý giải hiện tượng này, được nêu lên ý kiến cho rằng những yếu tố tích cực của Nho giáo là động cơ thúc đẩy sự vùng dậy của các nước Ðông Á. Vấn đề Nho giáo được đặt lại. Có xu hướng mong khôi phục những giá trị Nho giáo, khắc phục những mặt dở, phát huy các mặt hay...
Nói thì dễ. Chỉ có điều Nho giáo là một truyền thống văn hoá, ăn sâu vào tâm lý, vào tiềm thức vào cung cách ứng xử, vào lối sống của ta. Và vì thế nó tuân theo những quy luật riêng của hiện tượng văn hoá, chẳng phải muốn bỏ là nó mất dạng trong một sớm một chiều, muốn phát huy thì nó nổi đình nổi đám lên ngay tức khắc. Chẳng thấy, vào cái thời Nho giáo bị chính quyền quyết tâm diệt bỏ như là tàn dư của phong kiến bảo thủ lạc hậu, biết bao người “ ... tự coi là rũ sạch ảnh hưởng Nho giáo, lên án Nho giáo kịch liệt, nhưng vẫn sống vẫn nghĩ rất ’ Nho ’ ” Như Trần Ðình Hượu hóm hỉnh nhận xét (Ðến hiện đại từ truyền thống, Hà Nội 1944, tr.3).
Chẳng đơn giản chút nào. Chỉ riêng
hai phương diện, nhìn Nho giáo như một hệ tư
tưởng lớn của loài người hay xem Nho giáo như
một truyền thống văn hoá của dân tộc, chúng
liên quan mật thiết và bổ sung cho nhau, nhưng
cách đặt và đề cập vấn đề mỗi phương
diện mỗi khác.
Nho giáo, hệ tư tưởng lớn của loài người
Bình tâm mà nhìn lại, Nho
giáo được ta tôn sùng trong nhiều thế kỷ,
nhưng như từ xưa tới nay ta chưa từng tìm hiểu một
cách khách quan và toàn diện hệ tư
tưởng Nho giáo trong quá trình diễn biến
của nó trong lịch sử.
Xin không bàn đến đời Lý và đời Trần, nền học thuật được Lê Quý Ðôn nhắc đến trong Kiến văn tiểu lục với lòng trân trọng “ ... nhân vật trong một thời có chí khí tự lập, hào hiệp, cao siêu, vững vàng, vượt ra ngoài thói thường, làm rạng rỡ sử sách. ”, vì là những thời đại đã xa xôi. Mà được cùng nhau nhìn lại một số nếp ứng xử và tư duy của ta qua An Nam cung dịch kỷ sự (gọi tắt là ANCDKS) của Chu Thuấn Thủy (1) ghi lại sự việc ông bị chính quyền chúa Nguyễn trưng dụng. Một sử liệu vào cái thời buổi mà lực lượng tư bản Tây phương đã đặt chân vào Á Ðông, nhưng phần ta cũng còn thời gian để chuyển đổi.
Chu Thuấn Thuỷ (1600 - 1682), một kẻ vô danh. Ðối với Việt Nam. Người Nhật biết đến nhiều hơn : ông là nhà Nho Trung quốc thời Minh mạt, không chịu thần phục triều đình Mãn Thanh, định cư rồi nhập tịch Nhật năm 1659, đem truyền bá cốt tuỷ học thuật của Vương Dương Minh (1472 - 1529) khiến cho phái Nho học Mito (Thuỷ Hộ) phát triển, sau này thành một trong những động lực hàng đầu thôi thúc cuộc Minh Trị duy tân Nhật Bản.
Nhưng, trước khi vĩnh viễn định cư ở Nhật, trong 12 năm trường, từ 1646 cho đến 1657, có những bằng chứng cho nghĩ rằng ông có ý định ở lại hẳn Hội An. Chí ít thì những năm bôn ba giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam kinh doanh hải ngoại để phục Minh bài Thanh ấy, ông đã lấy Hội An làm đất dụng võ (Trần Kinh Hoà, t.l. đ.d., chú thứ 4, tr. 226).
Năm 1657, Chu Thuấn Thuỷ đang ở Hội An. Chúa Nguyễn, lúc đó là chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648 - 1687) ra lệnh trưng dụng người Trung Hoa có học...
Vào những năm 50 thế kỷ 17 này, thế Ðàng trong lên như diều gặp gió. Năm 1648, Nguyễn Phước Tần lúc còn là thế tử làm tiết chế chư quân cả phá quân Trịnh ở sông Gianh. Năm đó lên ngôi chúa. Ðến 1655 chúa Hiền lấy Thuận nghĩa hầu Nguyễn Hữu Tiến làm tiết chế, Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật làm đốc chiến, dùng chiến lược của Hữu Dật, đại thắng, đánh đuổi quân Trịnh chiếm bảy huyện ở Nghệ An, tiến sát bờ nam sông Lam. Ðàng ngoài rúng động.
Chúa Nguyễn sai người đem mật chỉ ra các trấn phía Bắc chiêu dụ hào kiệt. Người ở các nơi, Cao Bằng có Mạc Kính Hoàn, Sơn Tây có Phạm Hữu Lễ, Hải Dương có quận công Phấn, nhận lời hưởng ứng khi đại binh chúa Nguyễn vượt sông Lam tiến ra Bắc. Hải Dương sẽ không nạp tô thuế nhằm tuyệt lương quân Trịnh, Hữu Lễ nguyện làm nội ứng cướp lấy thành Sơn Tây, Cao Bằng sẽ phát binh chiếm Ðoàn Thành (tỉnh lỵ Lạng Sơn ngày nay), chia thế lực quân Trịnh.
Ðại quân Ðàng ngoài dưới quyền điều khiển của Trịnh Tạc, Trịnh Toàn vào tăng viện mặt trận lại thua luôn. Năm 1657 ấy, khí thế Ðàng trong hừng hực. Tiến ra thu phục Bắc hà dường trong tầm tay, chúa Nguyễn cần thêm người lo việc văn thư. Lệnh trưng dụng ban ra.
Ðược lệnh ấy, quan Cai phủ ở Hội An bắt giữ Chu Thuấn Thuỷ, “ như giặc cướp ”. Sai quan đến khảo sát, bảo làm thơ. Thuấn Thuỷ khai rằng nước lâm nạn, bỏ mồ mả vợ con mà ra đi, giặc còn chưa diệt, lo như lửa cháy trong lòng, làm thơ không làm (ANCDKS điều thứ nhất, t.l.đ.d. tr. 214).
Quan cho giải Thuấn Thuỷ đi Dinh Cát, Quảng Trị yết kiến chúa Hiền. Ðến trước mặt chúa, Thuấn Thuỷ vì lòng tôn trọng quốc thể của mình, vì tinh thần học phái Vương Dương Minh, không chịu quỳ lạy theo nghi lễ bản xứ. Chúa nổi giận, các quan văn võ đại thần cho là Thuấn Thuỷ cậy thế Trung Quốc nước lớn khinh nhục nước bé, buộc vào tội chết.
Khuyên nhủ dụ dỗ, Thuấn Thuỷ khăng khăng một mực thà chịu chết, không đổi ý. Một nhà Nho khí tiết, học vấn cao rộng. Nhưng chúa Hiền nào phải bản lĩnh tầm thường : nhà chúa đang xây dựng cơ đồ cho Ðàng trong. Bắc thắng quân Trịnh, Nam mở rộng đất nước đến đồng bằng sông Cửu Long, sau đó, năm 1679 biết thu dụng bọn tướng nhà Minh Dương Ngạn Ðịch, Trần Thắng Tài đem hơn 3000 binh và 50 chiến thuyền đến xin qui phụ, cho vào khai khẩn vùng Mỹ Tho, Biên Hoà.
Khi hiểu ra rằng Chu Thuấn Thuỷ không hề có ý khinh thị, chúa Hiền chẳng những tha tội lại còn có thơ vời Chu ra làm quan với những câu chữ long trọng “ Thái công giúp Chu, mà Chu thịnh, Trần Bình ở Hán, mà Hán hưng ”. (ANCDKS t.l.đ.d. điều thứ 23, tr. 218) Tuy nhiên không khỏi chỉ là lời văn sáo ; nhận định của Trần Kinh Hoà – chúa Hiền cần người có văn tài đảm đương công việc văn thư, đối với Chu Thuấn Thuỷ chẳng qua như đối với người dân hay thương gia Hoa kiều ở Hội An không hơn không kém (Trần Kinh Hoà, t.l.đ.d., tr. 241) – chắc là không xa với sự thực.
Chúa Hiền có thừa bản lĩnh thu phục tướng sĩ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tư tưởng đã bỏ lỡ một cơ hội cho học thuật nước nhà được thêm phong phú với tư tưởng một đại nho phái Vương Dương Minh. Cơ hội mất đi, vì tinh thần nhà chúa và/hay vì tinh thần chung của giới sĩ phu thiếu hấp dẫn đối với Chu Thuấn Thuỷ ? Chỉ thấy ông ta xin trở lại Hội An và sau đó vĩnh viễn giã từ đất nước Việt.
Chu đã có thời gian để nhận xét về sĩ phu Ðàng Trong, vào thời đó tuy học hành khoa cử chưa thành nề nếp như ở Bắc Hà, nhưng cũng đã lộ rõ một số nét tinh thần chung còn tồn tại cho đến ngày nay. Trước tiên là quá trọng khoa cử, học vị. Ngay trong những ngày đầu bị áp giải đi Dinh Cát, Thuấn Thuỷ đã gặp sự sùng bái tiến sĩ lộ nơi câu hỏi của các quan gặp ở Cửa Hàn : “ cống sĩ và tiến sĩ ai lớn hơn ai ”. Ðoán ra ý đó ông đáp : “ Quý quốc không biết ý nghĩa của khoa mục... ” (ANCDKS điều thứ 6 t.l.đ.d. tr.215).
Qua những cuộc đàm thoại giữa Chu và các quan lớn nhỏ vì nhiệm vụ đến tìm hiểu khuyên nhủ cũng có, vì hâm mộ khí tiết Thuấn Thuỷ một mực khăng khăng chịu chết không đổi ý mà đến tham kiến cũng có ta thấy được một giới sĩ phu có lễ giáo và hiếu học. Tuy nhiên, dưới mắt Thuấn Thuỷ, học thuật có điểm khiếm khuyết. Trong lời ngỏ cùng các quan văn võ lớn nhỏ, ông nhắn nhủ : “ ... quý quốc không biết ý tứ của cách đọc sách..., chẳng khác gì bỏ vàng ngọc mà đi quý sỏi ngói... ” (ANCDKS điều thứ 28, t.l.đ.d. tr. 222) Một vị quan đến hỏi nghĩa lý cổ văn than : “ An Nam giải thích quá sơ lược ”, Thuấn Thuỷ đáp : “ Sơ lược không ngại, chỉ sợ không được toàn vẹn mà thôi ” (ANCDKS điều thứ 29, t.l.đ.d. tr.222)
Trúng ngay căn bệnh trầm kha của học thuật nước ta : đắm mình vào cái học vụn vặt, trọng thi cử hư danh, bỏ rơi căn bản. Suốt hàng chục thế kỷ, Nho giáo không ngừng phát triển tư tưởng và lý luận trước thách thức của thời đại, của Ðạo giáo, Phật giáo. Ta chỉ chọn lấy một học phái duy nhất, học phái Chu Hy (1130 - 1200). Và ngừng tại đó, lấy làm chân lý tuyệt đối, loại bỏ mọi luồng tư tưởng khác biệt. Mà học Chu Hy cũng chẳng cho toàn vẹn : chủ yếu học kinh sách trích đoạn “ cắt đầu hớt đuôi ” với loại sách như Ngũ kinh tiết yếu của Bùi Huy Bích (1744 - 1818). Chẳng được tự do đi tìm “ cái chân tướng của thánh hiền ” (xem Nguyễn Trọng Nghĩa, Huỳnh Thúc Kháng, DÐ số 36, 12.94, tr.28-29)
Không cần thực chất, chủ yếu tìm lấy tín điều. Cái tinh thần ấy tiêm nhiễm vào ta. Hiểu biết nông cạn mà đánh giá vội vã. Mà lại muốn là đánh giá dứt khoát cho muôn thuở, để tâng bốc sùng bái, cũng như để lên án, gạt bỏ. Tinh thần ấy, ta gặp cả trong thời gian tôn sùng Nho học lẫn lúc bài Nho, bài Khổng. Ta lại gặp trong thái độ đối với tư tưởng Mác du nhập vào nước ta. Cũng như đối với khoa học, chẳng xem như một tinh thần, những khái niệm, lý thuyết, phương pháp, từ các tri thức đã có mở ra những lĩnh vực kiến thức mới ngày càng sát với thực tại hơn. Mà đi nhìn như một cái gì cao siêu để sùng bái.
Thật trái ngược với tinh thần thực nghiệm của một xã hội hiện đại. Thực nghiệm, so sánh lý thuyết với thực tại. Trong khoa học đã đành, buộc các ngành, mỗi khi cần thiết, phải chuyển đổi khái niệm, lý thuyết căn bản để lý giải cho thật sát các hiện tượng quan sát được. Mà ngay cả trong không gian văn hoá và xã hội.
Hai trận thế chiến, khủng hoảng của hệ xã hội chủ nghĩa hiện thực cũng như của hệ tư bản chủ nghĩa đã rung chuyển đến tận gốc rễ lòng tin nơi những hệ tư tưởng tự cho là nắm chân lý vĩnh hằng. Người ta biết tôn trọng hơn xưa các hiện tượng quan sát được. Như yếu tố kinh tế và yếu tố tư tưởng, cả hai đều có mặt trong sự phát triển của xã hội. Khi chưa xác định một cách cụ thể tương quan giữa hai yếu tố này, ta chỉ biết rằng phủ nhận một trong hai là không đúng với những điều nhận xét. Còn bàn cãi xem cái nào hơn cái nào kém, trong tình trạng hiểu biết còn khiếm khuyết chẳng khác nào tranh luận xem gà có trước trứng hay trứng có trước gà.
Tán thành hay phản bác đều thứ yếu, hiểu biết mới cần thiết. Nhất là trong cái thời buổi mà các hệ tư tưởng đang phải tan vỡ vì không giải đáp nổi với thực tại.
Chính vì thế mà Nho giáo không thể là một hệ tư tưởng cho con đường phát triển Việt Nam. Trên điểm này, ta chỉ có thể đồng ý với Nguyễn Kiến Giang (Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào ?).
Tuy nhiên không vì đó mà ta không trân trọng tìm hiểu Nho giáo. Quay về xét lại căn bản của các hệ tư tưởng – Ðông và Tây, trong cũng như ngoài truyền thống của ta – đã nêu lên, tìm cách lý giải có hệ thống những vấn đề đặt ra cho con người từ xưa đến nay là một bước đi vô cùng bổ ích. Trong cái quá trình tổng hợp giải pháp cho các thách thức của thời đại đang đặt ra cho dân tộc ta, cho loài người.
Nho giáo, một truyền thống văn hoá dân tộc
Nhưng
Nho giáo đã được dân tộc
ta tiếp thu từ lâu đời. Chúng ta đã
chuyển hoá nó vào nếp sống, lối suy
nghĩ, tổ chức xã hội của ta. Nó không
còn nguyên vẹn như Kinh như Truyện. Nó đã
thành ta, đến nỗi ta chẳng còn ý thức
nó tác động đến lối nhận thức, suy diễn,
tư duy của ta như thế nào nữa. Chủ nghĩa Mác
khi vào Việt Nam bị sơ lược hoá “ thành
một thứ lí tưởng của những chính nhân
quân tử, tiên tri tiên giác. Nội dung
triết học, khoa học bị tước bỏ hoặc giải thích
tuỳ tiện theo kiểu nho giáo ” (Trần Ðình
Hượu, s.đ.d. tr.89) ? Nguyên do vì tinh thần Nho
giáo và/hay vì trạng thái xã hội
tiền khoa học, vấn đề còn cần phải thảo luận.
Nhưng mấy người cộng sản Việt Nam ý thức được
hiện tượng này ?
Trần Ðình Hượu là một trong số rất hiếm người Việt chịu khó tìm hiểu suốt hàng chục năm trường truyền thống – đặc biệt là truyền thống Nho giáo – trong thực tế sinh động, trong con người, trong phong tục tập quán, trong thiết chế xã hội...
Anh hoàn toàn có lý khi chủ trương : “ Có hiểu đúng cả Nho giáo lý thuyết trong Kinh Truyện và cả cái Nho giáo trong thực tế, trong cuộc sống, nhất là tìm ra (những chữ đậm là do B.M.H. nhấn mạnh) cơ chế tác động của Nho giáo vào thực tế, hình thức tồn tại của nó trong xã hội, trong văn hoá thì mới đánh giá đúng mức ảnh hưởng của nó không chỉ ngày xưa mà cả ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở vùng Ðông Nam Á. Ðó là những tri thức cơ bản, làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề ngày nay nhiều người quan tâm, liên quan đến con đường phát triển của xã hội ta. ”
Trích một đoạn dài bài Nho giáo đã thành vấn đề như thế nào với nước Việt Nam ngày nay ? để thấy oan uổng nếu buộc cho anh ý đồ “ coi Nho giáo là cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề của đất nước hôm nay ” như Nguyễn Kiến Giang trong bài Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào ? Rõ là anh Hượu nhận định rằng sự hiểu biết tường tận lý thuyết cũng như cơ chế tác động của Nho giáo vào thực tế – chớ nào có phải là Nho giáo tự nó – là những tri thức cơ bản cần phải có.
Vì có nắm vững những tri thức ấy ta mới hiểu được ta trong quá khứ và trong hiện tại. Cũng như hiểu được các dân tộc quanh ta ở vùng Ðông Á, sâu sắc hơn là cái nhìn hời hợt bề ngoài. Ta chỉ có thể đồng tình với anh rằng hiểu biết cơ chế tác động của Nho giáo nói riêng, của truyền thống nói chung là những tri thức cơ bản để trên đường phát triển ta tiếp thu cái lạ, sáng tạo cái mới, không ngượng nghịu lố lăng. Chính vì không sao chép nguyên xi mà hấp thu chuyển hoá chúng theo tập tục, bản lĩnh của ta. Thành cái của riêng ta.
Và chúng ta tiếc cho những ý định Trần Ðình Hượu – đủ tầm quan trọng để làm đề tài cho một viện nghiên cứu– gần như chỉ có anh đơn thương độc mã đeo đuổi, trong những điều kiện tinh thần và vật chất tồi tệ, thiếu tài liệu, thiếu trao đổi với các nhà nghiên cứu ở các nơi, cách bức với nhiều luồng tư tưởng, tìm tòi trên thế giới. Và vì vậy còn là những bước đầu. Vẫn chờ đợi được nghiên cứu sâu rộng thêm.
Vấn đề truyền thống càng thêm lý thú khi sự phát triển các nước Ðông Á có khác biệt với quan niệm lý thuyết của nhiều giới Tây phương.
Một trong những điểm đặc thù là vai trò của nhà nước. Mà theo nhiều thuyết thịnh hành, vai trò này rất giới hạn, nếu không nói là càng giới hạn chừng nào càng tốt chừng đó. Nhưng, trên thực tế nhà nước đã đóng vai trò chủ yếu trong sự phát triển của Nhật Bản, Triều Tiên, Ðài Loan, Thái Lan, Trung Quốc. Trong chính sách, đầu tư, hình thành cấu trúc công thương nghiệp, tạo dựng giới doanh nhân...
Ta không thể không tự hỏi truyền thống Nho giáo có ảnh hưởng gì trong hiện tượng này ? Và không thể không nhìn lại ta. Nhà nước vẫn cứ như bóng mờ. Vì rằng quan niệm về nhà nước của đảng độc quyền cầm quyền cứ nhập nhằng.
Trong khi đó đất nước đi vào một khúc quanh : vừa vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo, phát triển hanh thông nhờ các lực lượng sản xuất bao lâu bị đè nén bởi những gò bó phi lý được giải phóng. Sức bật lên ấy đã có dấu hiệu đuối. Và sẽ mau chóng hết đà nếu không được tiếp sức bởi tác động tích cực của một nhà nước hữu hiệu, quyền lực được bảo đảm và qui định bởi những định chế thích nghi. Một nhà nước xứng với danh nghĩa của nó, đủ uy lực để ban hành những định chế, pháp chế, để thực thi chính sách kinh tế và xã hội có sức thuyết phục người trong và ngoài nước an tâm đầu tư và làm ăn. Cho đất nước tiếp tục phát triển vững bền.
Chưa thấy đâu là ý chí đảng cầm quyền xây dựng một mẫu nhà nước vừa phù hợp với truyền thống khu vực vừa đáp ứng được yêu cầu của thực tại đất nước. Mới chỉ thấy, kinh tế vừa khấm khá lên, đã nảy ra xu hướng mong sử dụng truyền thống Nho giáo. Theo kiểu Lý Quang Diệu ở Singapore. Cho những ai ở địa vị tôn quý mãi mãi có quyền bắt người dưới ngoan ngoãn cúi đầu câm miệng mà tùng phục.
Nhưng trong thời buổi mà các giá trị xã hội đang băng hoại cũng có thể quan niệm tìm cách xây dựng giá trị cho một xã hội mới, hội nhập được những giá trị Nho giáo truyền thống như nhân ái, tín nghĩa.
Tuy nhiên, muốn cuốc muốn cày cho ra trò thì phải học cuốc học cày. Kiểm điểm lại, hiểu biết của ta quá lờ mờ. Về ta cũng như về các dân tộc ở gần cũng như ở xa ta. Không thể sử dụng truyền thống, tư tưởng, nếu thiếu một thái độ tinh thần : Tìm hiểu với tầm nhìn không bị mục tiêu thiển cận chặn ở chân trời không xa hơn chót mũi. Tìm hiểu như một bước hành động nghiêm chỉnh. Tìm hiểu một cách khách quan, sâu, rộng, chưa từng được ta thể hiện từ xưa đến nay.
bùi mộng hùng (4.95)
(1) Trần Kinh Hoà : Chu Thuấn Thuỷ (An Nam cung dịch kỷ sự) tiên chú, Journal of the Institute of Chinese Studies of the Chinese University of Hong Kong, Vol I, 1968, Tr. 208-247.
Nhân đây xin cảm tạ nhà nghiên cứu hán nôm Tạ Trọng Hiệp đã cung cấp cho tư liệu này.
Các thao tác trên Tài liệu