Bạn đang ở: Trang chủ / Tài liệu / Báo cũ / Số 42 / Vụ thảm sát

Vụ thảm sát

- Ly Hương — published 17/01/2012 17:50, cập nhật lần cuối 22/11/2012 12:12



Bạn cố tri của tôi, một chuyên viên tin học, định cư ở Berlin đã chục năm có lẻ, đón tôi tại sân ga với bộ mặt chảy dài, mệt mỏi :

- Khốn nạn, ông đến không đúng lúc một chút nào. -- thay vì phải vui vẻ, bạn tôi vừa bắt tay tôi vừa cằn nhằn -- Ðã bảo đi từ tháng trước thì không đi, cứ lần chần, lần chần mãi...Bây giờ thì hết cả vãn cảnh, hết cả du ngoạn, chán ơi là chán.

Có con mèo đen nào chạy giữa chúng tôi để đến nỗi anh bạn vốn nhiệt tình với bè bạn nay lạnh nhạt thế này ?

- Ðừng nghĩ bậy, ông ơi. -- đoán được tôi nghĩ gì, anh cười ngượng nghịu -- Vợ chồng tôi vẫn mong ông lắm. Có điều ở đây vừa mới xảy ra một vụ thảm sát đẫm máu. Năm người bị giết trong đêm qua. Ông đang ở trên đường nên chúng tôi không có cách nào báo cho ông biết để hoãn lại chuyến đi cho được. Kinh khủng lắm. Cả thành phố náo động...

- Thì chuyện đó có hề đụng gì tới mình. Lại bọn đầu trọc hả ?

- Nào có phải bọn đầu trọc ! -- bạn tôi rên lên -- Người Việt mình với nhau mới khốn nạn chứ.Ði đứng ở đây bây giờ, ông nhớ hộ cho, cứ là phải cẩn thận...

Anh nhớn nhác nhìn tốp thanh niên đi ngang.

- Cẩn thận với ai kia ?

- Với tất cả. -- anh nhún vai -- Với bọn quá khích, bọn phát-xít mới, bọn thù địch người nước ngoài. Và nhất là bọn cướp Việt Nam.

Anh hấp tấp xách va-li cho tôi ra xe, đầu cúi thấp, tránh nhìn thẳng, dáng của người có lỗi. Chỉ tới khi chúng tôi đã ngồi trong xe anh mới bình tĩnh kể cho tôi nghe chuyện vừa mới xảy ra.

Suốt hôm đó anh không cho tôi đi đâu.Chúng tôi ngồi nhà, dán mắt vào màn hình tivi, như những kẻ mắc chứng videomanie chính cống.

Năm xác chết, một số bị thương thập tử nhất sinh -- đó là con số được thông báo trên các phương tiện truyền thông của Berlin. Hình ảnh cảnh sát khiêng các xác chết bọc trong bao nylon đưa lên xe cấp cứu xuất hiện liên tục trên các kênh truyền hình. Chẳng cần phải biết tiếng Ðức cũng hiểu xướng ngôn viên nói gì. Vietnamese mafia là những từ dễ hiểu, cho dù anh không biết một thứ ngoại ngữ nào.Và cũng dễ đoán ra vụ thanh toán lẫn nhau trong đám mafia.

Tại Cộng hoà Liên bang Ðức, người ta đã quá quen với những vụ giết người trong nội bộ cộng đồng người Việt (bọn mafia Việt Nam không bao giờ dám đụng tới người Ðức), nhưng vụ này, với con số người bị giết và bị thương cùng một lúc quá lớn, quá rùng rợn, đã làm cho dân chúng Berlin khiếp đảm. « Ðó không phải kết cục đẫm máu của một vụ loạn đả do say rượu, mà là một vụ hành quyết, được thực hiện bởi bàn tay nhà nghề. Các nạn nhân đều bị bắn chết ở khoảng cách rất gần, vào thái dương và vào gáy... », một phóng viên viết.« Sau khi chúng nó giết chúng nó, sẽ tới lượt chúng nó giết chúng ta », đó là câu trả lời phỏng vấn của một người dân Berlin trên đường phố trong một phóng sự truyền hình.

Vụ thảm sát nói trên xảy ra ngót nghét một năm sau cái chết của Nguyễn Phúc Văn, 33 tuổi, quê Nghệ-Tĩnh, được biết đến như một trùm mafia Việt Nam, bị hạ sát bởi một phát súng ngắn bắn trực xạ ngay trước cửa phòng ở của mình.Mấy ngày sau cái chết của Văn, một người Việt Nam khác tên là Nguyễn Hữu Hải, quê đồng bằng Bắc Bộ, bị hạ sát, cũng bằng súng lục, trong một nhà thổ ở Neukoeln (Tây Berlin). Ðồn rằng một tay trùm trấn lột người Việt tại Ðông Berlin đã bị Văn giết chết vào ngày 21-5-1994 và cái chết của Văn sau đó là sự trả thù của nhóm trấn lột, còn tên mafia người Bắc Bộ bị giết trong nhà thổ ở Neukoeln là do anh em của Nguyễn Phúc Văn thực hiện để trả thù cho cái chết của đàn anh.

Sở dĩ người ta nhấn mạnh quê quán của những kẻ bị giết là vì bọn mafia Việt Nam tại Ðông Âu hiện nay quây tụ lại với nhau chủ yếu theo mối liên hệ quê hương. Các băng mafia Nghệ An, theo lời đồn, là những băng mạnh nhất, tàn bạo nhất. Chúng hùng cứ ở Nga, ở Tiệp, ở Ðức, và gần đây ở Ba Lan, nơi người Việt làm ăn còn được dễ dàng hơn những nơi khác.

Người Việt ở Ðức

Không ai có thể cho chúng ta biết con số chính xác người Việt tại CHLBÐức là bao nhiêu, kể cả nhà cầm quyền nước này. Con số ước chừng là 90000 người.

Trước Ðại chiến thế giới lần thứ hai, ở đây chỉ có vài người Việt sống lẻ tẻ, trong đó có những nhân vật sau này trở thành danh tiếng ở Việt Nam như tiến sĩ Lê Văn Thiêm, kỹ sư Trần Ðại Nghĩa. Sau đó (*), vào thời kỳ còn mồ ma nước Cộng hoà Dân chủ Ðức, mới có nhiều người Việt đến làm các công việc không mấy quyến rũ đối với người Ðức, theo cái gọi là những hiệp định hợp tác về lao động, thực chất là xuất khẩu lao động đơn phương, bởi vì không có một công nhân Ðức nào đến làm việc ở Việt Nam hết.Trong số khoảng 80 000 người Việt Nam lần lượt đến và về nước khi hết hạn hợp đồng, có chừng 15000 người ở lại nước Ðức thống nhất, sau khi nhà nước Cộng hoà Dân chủ Ðức tiêu vong.

Sau năm 1975, số người tị nạn cộng sản, chủ yếu là thuyền nhân, được nhận vào Ðức có khoảng 40000 - 45000 người. Những người này làm thành một khối riêng, cư trú tại miền Tây Ðức cũ, không giao lưu với người Việt từ Bắc Việt Nam tới, bị coi là cộng sản.

Những người Việt đến nước Ðức sau khi toàn bộ khối quốc gia cộng sản ở châu Âu tan rã nhiều màu sắc hơn cả. Ðó là những công nhân lao động xuất khẩu từ Liên Xô (cũ), từ Bungaria, Tiệp Khắc (cũ), những người Việt Nam vượt biên qua ngả Nga - Ba Lan - Tiệp để vào Ðức.Họ tự xưng là tị nạn cộng sản, nhiều người trong bọn họ đúng là không thích gì cuộc sống ở quê hương với thể chế hiện tại, nhưng họ không làm sao chứng minh được với nhà cầm quyền Ðức sự trấn áp của chính thể cộng sản Việt Nam mà họ phải chịu đựng để được hưởng quy chế tị nạn. Số người này chiếm phần còn lại của tổng số 90000 người nói trên và chỉ có 0,3 % bọn họ được công nhận là người tị nạn hợp pháp.

Trừ nhóm thuyền nhân sinh sống và làm ăn ổn định dưới sự bảo hộ của luật pháp Ðức, nhóm những người lao động Việt Nam ở lại Ðức luôn phải chạy vạy kiếm việc.Họ chỉ được phép kéo dài thời hạn cư trú, cứ hai năm một lần, khi chứng minh được mình có việc làm hợp pháp, có thu nhập hợp pháp.

Nhóm người Việt tị nạn nhiều nguồn gốc nhưng chung một mục đích kiếm tiền sống lung tung hơn cả và khó kiểm soát hơn cả. Có những người đăng ký tị nạn ở vài trại cùng một lúc để được lĩnh vài suất trợ cấp tị nạn hàng tháng. Trại tị nạn ở Ðức văn minh không hề giống các trại tị nạn ở châu Á. Không có rào kẽ m gai ở bao quanh, không có lính gác, người tị nạn sống trong những chung cư gọi là vohnheim khá đủ tiện nghi.Theo quy định thì người tị nạn phải sống trong trại, không được đi lại lung tung, nhưng chỉ vừa hoàn tất thủ tục nhập trại là họ đã phóng ra ngoài, sống lẩn lút trong những thành phố lớn để bán lậu thuốc lá, một nghề rất béo bở tại CHLBÐức. Ðáng chú ý là người tị nạn chỉ có thể hành nghề bán thuốc lá lậu ở trên lãnh thổ thuộc Ðông Ðức cũ mà thôi, thậm chí tại Berlin cũng chỉ ở phần Ðông thành phố này. Nước Ðức thống nhất, nhưng chưa hoàn toàn.

Miền đất hứa khô cằn

Một người bà con với anh bạn tôi, một kỹ sư cơ khí tốt nghiệp Ðại học Bách khoa Hà Nội, cho biết anh đã làm một hành trình hết sức gian nan để tới được miền đất hứa. Bắt được một đường dây đưa người vượt biên, anh sang tên căn hộ đang ở, cho vợ con về ở với ông bà ngoại, vay thêm tiền, tổng cộng 4000 đô Mỹ, lên đường sang Nga, chờ ở đó trong một căn hộ chật hẹp nhồi nhét mười người một phòng rồi qua Ba Lan bằng hộ chiếu rởm, từ Ba Lan qua Tiệp Khắc, sau đó chui lủi đường rừng qua Ðức.Sở dĩ anh dấn mình vào cuộc phiêu lưu này vì nghe người ta nói ở Ðức có thể kiếm ăn dễ dàng, dễ dàng có một số vốn dắt lưng khi trở về, trong trường hợp xấu nhất bị trục xuất cũng được nhà nước Ðức bồi thường 10000Ðức mã (DM).Nhưng thực tế ở nước Ðức làm anh thất vọng hoàn toàn. Như mọi người, anh nhập trại để có tên lĩnh trợ cấp rồi bỏ ra ngoài bán thuốc lá.Ðể được một chỗ đứng bán ngoài phố, anh phải nộp một khoản tiền hàng ngày cho bọn mafia Nghệ An khống chế lãnh thổ, khoản này chiếm một phần ba số tiền lãi có thể kiếm được. « Tôi nói có thể kiếm được là vì còn phải trừ đi các khoản mất mát thường xuyên, anh nói, như thuốc bị cảnh sát tịch thu, tiền nộp phạt...».Anh nhớ vợ và hai con.Anh muốn trở về. « Xét cho cùng, sống ở quê hương là hơn cả.Có những cái khó chịu thật, anh thủ thỉ, nhưng ở đâu mà chẳng có những cái đó.Tôi không thích trật tự cộng sản, không thích thứ luật pháp chuyên chính tuỳ tiện của mấy ông vô sản tự xưng, nhưng nghe nói hồi này họ cũng đã tỉnh ra nhiều, đã tôn trọng dân hơn trước, không còn độc tài quá quắt như trước, cắn răng lại mà sống thì cũng sống được ».

Anh là người dù sao cũng còn may mắn.Nhiều người đã không còn cơ hội trở về. Ðó là những người đã chết ngạt trong những conteiner, mà cả thế giới, trừ Việt Nam, được biết qua hình ảnh được truyền đi qua những hệ thống truyền hình toàn cầu. Ðó là những người chết mất xác trong rừng vì vướng đạn lạc của lính biên phòng.Và những người bị bọn cướp Việt Nam giết chết chỉ vì đã kiếm được một số tiền đủ để cho chúng nổi máu tham.

Anh đang chờ đợi ngày trở về. Trong khi chờ đợi, anh tiếp tục bán thuốc lá, tiếp tục nộp thuế lãnh thổ cho tên mafia Nghệ An của anh, hắn có một căn hộ sang trọng ở Berlin và sống qua đêm với những cô gái mà hắn không thu thuế, tiếp tục nằm úp mặt xuống hè đường để cho gót giày cảnh sát dận lên lưng mỗi lần bị bắt.

Anh không biết bao giờ mới có thể trở về.Anh không đủ tiền để làm con đường ngược lại như một số người khác : trốn qua Tiệp, mua hộ chiếu hoặc giấy thông hành thay hộ chiếu với thị thực nhập cảnh Việt Nam ở sứ quán Praha rồi mua vé máy bay bay về. Con đường này tuy vất vả nhưng là con đường rẻ nhất. Chuyện nhà nước Ðức bồi thường cho người Việt Nam nhập cư lậu vào Ðức 10000 DM khi người đó tự nguyện hồi hương là chuyện bịa đặt. Chỉ có chuyện này là có thật : nếu như sứ quán Việt Nam cấp visa nhập cảnh Việt Nam cho người tự nguyện hồi hương thì nhà nước Ðức sẽ cho người đó vé máy bay và 150DM tiêu vặt để bay về Việt Nam. Nhưng để có được tờ giấy đó còn khó hơn cả con đường rừng sang Tiệp. Nếu anh có tiền, anh có thể tìm đến đường dây dịch vụ, nghe nói của một cơ quan Bộ Nội vụ mang bí số A18 tổ chức, nối liền với sứ quán, để mua visa nhập cảnh. Tuỳ từng trường hợp, anh sẽ phải trả từ 1 000 đến 2000 đô Mỹ.

Sứ bộ Ðại Cồ Việt

thời kinh tế thị trường

Bây giờ chẳng còn ai tin vào huyền thoại nói rằng một trong những nhiệm vụ của sứ quán là bảo vệ công dân nước mình tại nước ngoài nữa rồi.Xin lỗi, tôi không nói về các sứ quán và ngành ngoại giao nói chung của cả thế giới, mà chỉ nói về các sứ quán của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đổi mới mà thôi.

Người ta kể chuyện có lần cảnh sát Nga chặn một người Việt Nam nhỏ bé ở cửa khẩu phi cảng Moscow, lục soát hành lý của người này và lấy mất của anh ta mấy trăm đô Mỹ.Nổi giận, hành khách này gọi điện thoại về sứ quán Mỹ và một lát sau cả ban giám đốc phi cảng phải ngưng công việc để xử lý hành động cường đạo của viên cảnh sát quen bắt nạt người Việt.Hoá ra người Việt Nam nhỏ bé kia không phải là công dân của nước Việt Nam anh em hôm qua của nước Nga, mà lại là một công dân Mỹ và đích thân viên tham tán xử lý thường vụ của sứ quán Mỹ đã tức tốc phóng xe ra phi cảng để bảo vệ công dân của mình. Cùng đi với công dân Mỹ này trong chuyến bay còn có mấy hành khách Việt Nam thứ thiệt.Họ cũng bị lục soát, bị cướp tiền, nhưng họ không gọi điện về sứ quán. « Vô ích, họ nói với người đồng bào mang quốc tịch Mỹ, có khi còn mất tiền thêm, bởi vì mọi việc làm của sứ quán cho chúng tôi đều phải chi tiền, gọi là dịch vụ».

Tại Berlin, bên cạnh sứ quán có cả một mạng lưới dịch vụ (người Việt ở đây gọi là đám " chân gỗ "). Không nên đến thẳng sứ quán làm gì cho mất thời giờ, cứ tìm đường dây dịch vụ mà làm, tốn tiền thật đấy, cơ mà nhanh, giá cả đã có giá làng, tuỳ thời kỳ, tuỳ hoàn cảnh có xê dịch chút ít. Ðó là lời khuyên chân thành cho bất cứ ai còn mơ hồ về chức trách của sứ quán. Mua một hộ chiếu mới hết chừng 1500 đến 2 000 DM. Ðổi hộ chiếu do trái mục đích, tức là hộ chiếu đi lao động nay được nhà nước Ðức cho ở lại cư trú, sang hộ chiếu phổ thông mất từ 600 đến 1000DM.Xin visa xuất nhập cảnh Việt Nam thì có thể đến thẳng sứ quán với giá 65DM cho người được gọi là do sứ quán quản lý (những công nhân đi lao động xuất khẩu theo những hiệp định đã hết hiệu lực), và 125 DM cho Việt kiều (những người còn giữ quốc tịch Việt Nam nhưng đã có thẻ định cư).Muốn không phải chờ đợi, có việc gấp thì chạy " dịch vụ ", visa sẽ có ngay, theo đúng câu " khách hàng là thượng đế ".

« Sứ quán chẳng bao giờ bảo vệ người Việt Nam, nó chỉ tìm cách kiếm tiền ở người Việt Nam thôi ».Một cô thợ may Việt Nam đã hết hợp đồng lao động từ lâu, nhưng vẫn ở lại Ðức kiếm việc làm, kết luận câu chuyện dài dòng về những mánh khoé làm ăn của các nhân viên sứ quán mà cô trực tiếp biết được trong những lần lui tới để làm các giấy tờ cần thiết.Trong chung cư dành cho lao động Việt Nam từ thời còn các hiệp định về hợp tác lao động ở 105 phố Rhin khu Lich-tenberg có tới 2000 người Việt Nam ngụ cư, hợp pháp và bất hợp pháp.Hầu như họ đều có chung ý nghĩ với cô thợ may về sứ quán Việt Nam tại Berlin.Người ta còn kể rằng trước đây cảnh sát Ðức bắt được cướp Việt Nam còn giao lại cho sứ quán, nhưng sau biết được rằng với một khoản hối lộ chúng lại được tự do cho nên nhà cầm quyền Ðức không giao tội phạm Việt Nam cho sứ quán nữa.

Người Ðức không đến nỗi quá đần độn để không biết bên dưới lá cờ đỏ sao vàng trong khu nhà có quy chế ngoại giao kia, các sứ thần Việt Nam làm những chuyện gì.Ðã có những tờ báo Ðức nói thẳng ra rằng trong sứ quán Việt Nam cũng có mafia.Chúng bán ra cho người Việt Nam đủ mọi loại giấy tờ thật mà rởm, từ đăng ký kết hôn, khai sinh, chứng nhận ly hôn cho tới cả... lệnh truy nã vì tội chính trị (dùng để xin tị nạn chính trị).

Cuộc mà cả ở chợ nô lệ

Những cuộc đàm phán còn đang diễn ra ở cấp nhà nước Việt-Ðức về vấn đề hồi hương những người Việt nhập cư trái phép vào Ðức. Thoạt đầu, phía Việt Nam không thừa nhận những người da vàng mũi tẹt nói tiếng Việt là công dân của mình, sau đó thì tuyên bố không có trách nhiệm đối với những công dân hư hỏng bỏ nước ra đi. Xin nhớ rằng vượt biên trái phép bị coi là tội trong bộ luật hình sự của nhà nước cộng sản Việt Nam. Nhưng nói là nói vậy thôi, chứ nhà chức trách Việt Nam đã đi guốc trong bụng nhà cầm quyền Ðức rồi. Họ thừa hiểu người Ðức muốn cắt cho nhanh cái bướu người Việt tị nạn trên lưng mình.Ðược thôi, tôi sẽ giúp anh cắt cái bướu đó, với điều kiện anh chi tiền ra. Phía Việt Nam đưa ra đủ mọi điều kiện. Người Ðức bấm bụng mà cả. Nghe đâu cuối cùng phía Việt Nam đã đồng ý nhận các công dân của mình về với cái giá 200 triệu DM, chia ra làm hai phần : 100 triệu cho năm 1995,100 triệu cho năm 1996. Báo chí Ðức la ó chửi bới những cuộc đàm phán kỳ cục này với những lời lẽ rất khó nghe. Bài toán của phía Việt Nam khá đơn giản : nếu người Ðức trục xuất được 30000 người tị nạn hoặc tròm trèm con số đó thì nhà nước Việt Nam sẽ kiếm được khoảng 6000 đô Mỹ trên đầu người. Nhưng vì số người chịu trở về sẽ dưới con số đó nhiều cho nên tiền kiếm được trên đầu người sẽ còn cao hơn nữa. Cái dịch vụ người Việt hồi hương này chắc chắn sẽ làm giàu cho những nhà thầu nhận lo lắng công ăn việc làm cho người trở về. Họ sẽ là những " chân gỗ " đắc lực, tất nhiên. Rừng nào cọp ấy, không được một cái đường dây cao thế xuyên Việt màu mỡ thì cũng phải kiếm chác ở đám con đỏ còm cõi kia vậy.

Thế là tôi mất toi một chuyến du ngoạn Berlin.Chẳng vui gì một chuyến đi khi trên các phương tiện di chuyển công cộng lúc nào cũng cảm thấy những cái nhìn giá lạnh, dĩ nhiên khinh thị không giấu giếm của dân bản đ~ịa hướng về phía mình.Nhưng đã đến đây chẳng lẽ lại không đi đâu.Ðành đảo quanh vài vòng mấy khu phố sầm uất ở khu Tây, chụp mấy pô ảnh bên di tích bức tường Berlin, quảng trường Alexander và tháp truyền hình nổi tiếng bên khu Ðông rồi quay về nhà bạn để chịu trận với cái tivi không ngừng lải nhải về mafia Việt Nam.

Biết đến bao giờ con cháu Lạc Hồng mới thôi phải cúi mặt mà đi nơi xứ người ?Biết đến bao giờ.

Ly Hương


(*) Từ đầu thập niên 1960 đến 1975, ở Tây Ðức (cũ) có khoảng hơn một ngàn sinh viên sang du học từ miền Nam. Chính từ số sinh viên này, đã nảy sinh một phong trào Việt kiều chống Mỹ khá mạnh mẽ tại Ðức. Cũng trong thời gian này, miền Bắc đã gửi hàng ngàn sinh viên và công nhân sang học ở Ðông Ðức. Vài chục sinh viên đã vượt tuyến sang tị nạn ở Tây Ðức (chú thích của DÐ).

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss