Lê Đạt và Bóng Chữ - 2
Lê
Đạt và Bóng Chữ
Đặng Tiến
J'ai reculé les
limites du cri
Paul Eluard, 1940
II. Vườn thức một mùi hoa
Thơ Lê Đạt
tân kỳ, vẫn giàu màu sắc dân tộc.
Mới đây, trong tham luận tại Đại Hội Nhà Văn
(3-1995), anh đã nói : “ Truyền
thống và
hiện đại không phải là hai khái niệm
riêng lẻ (...) Một nền văn hoá đích thực,
sống động bao giờ cũng bao gồm cả hai mặt truyền
thống và hiện đại ” (Báo Văn Nghệ,
1-4-1995).
Ngày nay nông thôn Việt Nam không còn cảnh “ múc ánh trăng vàng đổ đi ” nữa, mà sống nhờ kỹ thuật thuỷ lợi. Nhưng hồn thơ Lê Đạt vẫn phất phơ truyền thống:
Một đàn ngày
trắng phau phau
Bì bạch bờ
xoan nước mát
Mộng hoa dâu
lum lúm má sông đào
(Thuỷ Lợi, tr. 21)
“ Một đàn ngày trắng ” là một hình ảnh táo bạo nhắc đến đàn “ cò trắng bay tung ” trong dân ca. Hai chữ phau phau nhắc lại bài Dệt Cửi của Hồ Xuân Hương : “ Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau ”, từ đó mới nảy chữ bì bạch tả những bàn chân lội nước, nhưng lại gợi ý “ da trắng vỗ bì bạch ” trong giai thoại về văn chương nữ giới. Câu cuối, nhất là chữ “ dâu ” bất ngờ và bất thường nhắc đến thơ Hàn Mạc Tử : “ Mát tê đi như da thịt nàng dâu ”, và cả một đoạn thơ dài “ vô tình để gió hôn lên má ”, có lẽ Hàn Mạc Tử đã dựa vào câu thơ của Tản Đà, mà nhiều người xem như là ca dao :
Đêm khuya gió
lọt song đào
Chồng ta đi vắng
gió vào làm chi
Ngày xưa, làm bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu, Quách Tấn đã bị Vũ Ngọc Phan trách là dùng điển cố cầu kỳ. Ngày nay, Lê Đạt có khi còn khó hiểu hơn, vì hệ thống điển cố của ông phức tạp hơn. Thỉnh thoảng mới thoáng một âm hao quen thuộc, nhưng lại tan biến ngay giữa những hình ảnh mới lạ :
Rừng buồn bứt lá
chim chim
Hỏi sim sim tím
hỏi
bìm bìm leo
Chiều gió cả
tiếng ngàn xưa khản lá
Thảm vàng khô
ai
hoá những thư già
(Cỏ Lú, tr. 125)
Thơ Lê Đạt phức tạp vì chính con người anh sống thường xuyên trong sự giằng co giữa cũ và mới, nửa tỉnh nửa quê, một tâm hồn luôn luôn phập phồng một vị riềng quê (Ông Cụ Nguồn, tr.67) hay thoáng cà cuống chưa đóng lọ (Quá Trình Công Tác, tr. 5), hay mùi hương mộc mạc, lời tình tứ, tha thiết :
Em vắng nhà
bồ kết
chửa đi xa
(Nguyễn Du, tr.112)
Gió bồ kết
nắng
lung liêng mày cúc
(...) Ngò trắng
ổ hoa vườn trứng cuốc
Tù và ai
ọ nghé đồng tranh
Chiều xểnh đàn
em
chẳng gọi tên anh
(Tù Và, tr. 133)
Thơ Lê Đạt dạt dào hình ảnh quê hương trong tiếng tù và, tu hú giữa những bờ xoan, gốc khế, mép lúa, nương dâu. Nhiều bài thơ đẹp :
Tóc trắng tầm
xanh qua cầu với gió
Đùi bãi
ngô non
ngo
ngó sông đầy
Cây gạo già
lơi
tình
lên
hiệu đỏ
La lả cành
cởi
thắm
để
hoa bay
Em về nói làm
sao với mẹ
(Quan Họ, 1970, tr. 91)
Tình tứ và lẳng lơ nhất là hai chữ “ cởi thắm ”, nghĩa cụ thể là : hoa gạo đỏ thắm lìa cành, bay theo gió. Nhưng người đọc còn hiểu theo nghĩa khác : cởi thắm là cởi yếm thắm, vì ngoài hình ảnh dải yếm, hai chữ “ cởi ” và “ thắm ” khó kết hợp với chữ khác. Vì vậy câu thơ “ lơi (tình) lả (cành) ” lẳng lơ hơn câu hát qua cầu gió bay, chỉ mới cởi áo chứ chưa cởi đến yếm. Và chữ cây gạo còn nhắc đến một chữ gạo khác :
Ba cô đội gạo
lên chùa
Một cô yếm
thắm bỏ bùa cho sư
Thơ Lê Đạt tinh nghịch, tinh quái, có khi còn quỷ quái. Nét u mặc (humour) là đặc sắc trong từ vựng Lê Đạt, phản ánh nếp suy nghĩ và phong cách sống của tác giả. Nhiều người thích thơ Lê Đạt vì nét phúng thế, nhưng cũng vì đặc điểm này mà nhiều người không thích, thậm chí căm ghét, nhất là về phía trường phái chậm hiểu.
Tình yêu là chủ đề quan trọng trong thơ Lê Đạt, không lấy gì làm mới. Nhưng thơ tình Lê Đạt cảm động nhờ tươi mát, ngây thơ : điều lý thú ở một nhà thơ đã ngoài tuổi sáu mươi, và đã sống tầm tã qua bao nhiêu điêu linh, chìm nổi và tội vạ. Thơ tình Lê Đạt róc rách những suối nguồn vô cùng trong sáng :
Anh dắt em đến cửa
tình yêu
Mùa nhỏ xưa
Mẹ dắt đến
trường
Bài học vỡ
lòng tuổi chớm
Trang vắng mưa đêm
về sớm
Heo may rải đồng
giấy non
Anh vực tay em
Be bé nét
đòng
Ai có biết
lòng mẫu tử ?
Khuôn trắng
chờ xem
mặt chữ
Gió se se hoa
trinh nữ thẹn thùng
Thuở đầu dòng
đầu
nhớ
đầu
trông
(Thuở Đầu Dòng, tr.42)
Bài thơ đơn giản mà hàm súc, trí tuệ mà cảm động. Điệu thơ còn đê mê run rẩy trên đầu ngọn gió chớm tình, đã sang mùa tư lự trước cơn giấy trắng mưa khuya. Tình yêu, mà ta cho là giản đơn, thật sự không bao giờ đơn giản mà vang âm không biết bao nhiêu khát vọng một đời người. Với người nghệ sĩ, làm thơ hay viết văn, tình yêu, nghệ thuật, tâm hồn, thân xác với cuộc đời là một, là một định mệnh không bao giờ trọn vẹn. Tình yêu có những giây phút tràn đầy nhưng toàn thân tình yêu không bao giờ viên mãn :
Chữ em thôi
một
đời
chưa đi trọn
hành trình
(Anh Ở Lại, tr. 41)
Bao nhiêu truyền thuyết : kết cỏ ngậm vành, ba sinh hương lửa, chưa dứt hương thề, nợ tình chưa trả, là những huyền thoại phản ánh khát vọng tình yêu tận đáy sâu thăm thẳm trong tiềm thức loài người :
Chín kiếp
truyện đời
ú ớ
một tên em
(Cỏ Lú, tr. 125)
Tình gần, tình xa, yêu có nhau và yêu trống vắng. Tôi đã có lần ca ngợi câu thơ Hoàng Cầm :
Anh đi xa em mới
biết nói thầm
Đường đê chợ
Trầm sang mùa tu hú
Lê Đạt cũng có ý thơ tương tự :
Chia xa rồi mới
thấy em
Như một thời thơ
thiếu nhỏ
Em về trắng đầy
cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây
mấy độ thu
Vườn thức một
mùa hoa đi vắng
Em vẫn đây mà
em ở đâu
Chiều Âu Lâu
bóng
chữ động chân cầu
(Bóng Chữ, 1970, tr. 27)
Đẹp nhất là hình ảnh Vườn thức một mùi hoa đi vắng.
Thế hệ Lê Đạt, tình yêu đôi lứa gắn liền với lịch sử. Binh lửa chiến tranh luôn luôn chập chờn trong thơ anh, dù rằng không Sáng Soi trực tiếp :
Anh mang tình em
đi
Qua những đèo
lẻ nắng
Những sông trưa
không đò
Những đường mưa
ngẩn trắng
Anh mang tình em
đi
Qua những đồi sim
chín
Những sắc cây
mơ già
Mua rừng hoa mua tím
Anh mang tình em
đi
Qua những mùa
đất lạ
Những sớm chim dị
hình
Những chiều sương
bạc má
Dông gió
mù trời
em
bóng sáng soi
(Sáng Soi, 1967, tr.85)
Có những hạt giống chia ly hẹn mầm tái hợp. Nhưng lắm mảnh đời vĩnh viễn gió bay :
Ba năm anh không
về
Ba năm rồi ba năm
Mẹ anh thành
nấm đất
Người yêu anh
cũng đi
Gốc nửa ngày
khế chát
(Gốc Khế, tr. 17)
Gốc Khế là một bài thơ bình dị và cảm động. Niềm đau kín đáo, thi vị. Đến bài Thư Không Người Nhận, sự mất mát trở thành bi đát :
Đôi chim cu anh
nuôi
Con trống mèo
đen ăn thịt
Con mái vào
ra một mình
Ấp lạnh bóng
trăng rồi chết
Vàng hồ bay
thư
không người nhận
gió trả về
(Thư Không Người Nhận, tr. 90)
Chúng ta ghi nhận ở đây tác dụng quan trọng của kỹ thuật, của thi pháp tạo ra cảm xúc, làm nên giá trị bài thơ. Lê Đạt sáng tác qua ba giai đoạn : quan sát – học tập – sáng tạo.
– Quan sát : bóng trăng tròn như quả trứng ; vàng hồ bay như những bức thư. Dĩ nhiên là nhà thơ đã nhìn trần gian bằng con mắt sáng tạo. Sáng tạo khi nhìn.
– Học tập : trong Kiều đã có chữ ấp “ quạt nồng ấp lạnh ”. Thơ Đinh Hùng :
Run tay ấp nửa bàn
chân lạnh
Thương những con
đường mưa cuốn đi
Hình tượng “ trăng lạnh ” đã có trong thơ Tản Đà, Xuân Diệu. Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay đã có trong truyện Kiều.
– Sáng tạo : động từ ấp ở Lê Đạt cụ thể hơn : con cu mái ấp một quả trứng, không có trống không bao giờ nở, ấp một cách vô ích và vô vọng, và tính từ lạnh đau thương vì đồng nghĩa với cõi chết, cái chết tuyệt vọng, tuyệt tự và tuyệt giống. Ta có câu ca dao thật buồn :
Anh đi đường ấy
xa xa
Để em ôm bóng
trăng tà năm canh
Buồn, nhưng vẫn hạnh phúc. Xa cách, con người vẫn sống, vẫn yêu, bằng ánh sáng nhớ nhung. Thơ Lê Đạt bi đát hơn : chữ “ ấp ” nồng nàn và thê thảm. Hình tượng mới : Thư Không Người Nhận đã đi vào hư vô, đã đau thương lắm, còn bị gió trả về lại làm chết thêm một lần khác, chết nhiều lần nữa. Nghiệm cho cùng, người xưa khi ao ước ba trăm năm nữa ai người khóc... là còn hạnh phúc và may mắn.
Cái chết bôi xoá. Trận cuồng phong quét sạch ảo vọng và hư danh, vẫn còn để trơ cỗi những gốc nợ đời :
Nợ cũ khối xương
rồng hoa trả đỏ
Hương thắp gọi ba
lần
không đáp lửa
Hồn có nhà
hay
bát
mộ đi xanh
(Thanh Minh, 1972, tr. 134)
Thơ Lê Đạt sau phần tinh quái , còn có phần ma quái và yêu quái. Tuy nhiên, dù có là đọi máu thay lời thơ vẫn còn phảng phất hương hoa mộng mị :
Mai ngày anh
không còn
Hành quân
vui gió nắng
Đầu anh em nhớ
trồng
Một gốc hoa mận
trắng
Để lòng riu
ríu cành
Nghìn bướm
cười ánh nắng
(Hoa Nghĩa Trang, tr. 99)
Chúng ta nhớ đến câu thơ cổ mà Nguyễn Tuân đã nhắc trong truyện ngắn Thả thơ trong Vang bóng một thời :
Mộ thượng mai khai xuân hựu lão
Trên mồ mai nở – lại xuân già
Thơ Lê Đạt đã gửi những cánh hoa mai
trễ tràng, vẫn y hẹn đến với một mùa xuân ngang trái.
Đặng Tiến
(còn tiếp một
kỳ)
Các thao tác trên Tài liệu